Du lịch Miền Trung 2012

SBC.

SBC ở đây không phải C là cướp mà C là CHÓ ( săn bắt chó ).  Tôi đã nuôi chó cảnh từ những ngày đầu của thập niên 80. Tôi yêu chó, mèo hơn tất cả. Đến khi sau 14 năm nuôi con chó và con mèo cuối cùng đã bỏ tôi mà đi, tôi không thể tiếp tục nuôi nữa, vì tôi sợ cảnh chia ly mà tôi phải trải qua.

Chương trình : Chào buổi sáng nghe khi thấy tiếng kêu thảm thiết của chó tôi mới ngẩng nhìn lên TV. Thường tôi bật chỉ nghe chứ ít khi xem, vì để bảo vệ mắt. Nhưng nghe tiếng chó kêu thảm thiết quá tôi mới ngước nhìn lên thì thấy 1 đoàn người đem theo các loại dụng cụ bắt chó và chuyện là như thế này:

Gần đây trên TV nói nhiều về nạn  : CHÓ HOANG CẮN NGƯỜI đi đường ở nhiều nơi, nhất là ở Sóc Sơn HN. Tôi nghe lúc đầu thấy cũng bình thường như nhiều lần họ nhắc tiêm phòng dại cho chó, mèo... Nhưng thấy nhiều ngày nói, tôi cũng phải chú ý nghe. Tôi cũng thấy là lạ vì không biết đàn chó hoang ở đâu mà chạy khắp nơi (chắc là chó nhập lậu rồi họ sợ bị bắt thả ra), đuổi cắn người và đã có  74 người bị chết vì dại.

    Chó từ nước ngoài, nhập lậu vào VN.


Các cụ đi tập thể dục buổi sáng nhớ đi bộ thấy chó thả rông, đừng chú ý đến nó mà cứ lẳng lặng đi. Bọn này thính lắm, nó cảm thấy mình chú ý là đuổi theo cắn ngay. Chắc chúng có giác quan thứ 6. Trong những con chó dại, cũng có những con lành, ta bị nó cắn không phải dại cũng bị đau và phải đi tiêm thì thiệt thòi vẫn về ta. Cảnh giác là trên hết, đỡ lo, đỡ mất tiền mà lại yên tâm ăn, ngủ.

Nhân đây tôi kẻ 1 chuyện xẩy ra khoảng hơn 10 năm trước:

Hồi đó khi nghe các cháu được gọi nhập học các phụ huynh cũng mừng chẳng khác ta bây giờ. Vậy là có 1 gia đình, oái oăm thay, gia đình con MỘT . Nhận được giấy gọi nhập trường đại học cả họ ăn mừng. Nhưng than ôi, đến ngày nhập trường thì cháu lên cơn sốt cao. Gia đình cũng nghĩ là cháu bị cảm như trước. Sau mấy ngày thì cháu lên cơn dại. Vào bệnh viện : VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA . Lúc cháu tỉnh cơn dại nhà hỏi sao cháu có thể bị bệnh dại được, vì cháu có bị chó cắn đâu và cũng mấy đời nhà ta có ai ăn thịt chó đâu. Vậy bệnh dại ở đâu ra. Cháu kể:

Hôm tốt nghiệp phổ thông, các bạn đều mừng thoát khỏi một kỳ thi hóc búa đầu tiên trong đời.

Cả lớp rủ nhau đi ăn thịt CHÓ giải khổ. Nhiều cháu cả đời chưa hề ăn thịt chó phản đối. Nhưng đa số vẫn quyết định đi ăn.

Đến cửa hàng thịt chó có : CẦY TƠ 7 MÓN . vậy là cả lớp thử 7 món xem sao. Các cháu ăn xong vui vẻ ra về.

Sau khi thi đại học mấy tháng sau, nhiều cháu được giấy báo đỗ. Trong đó có cháu P. Và câu chuyện đau lòng trên đã xẩy ra !!!

Xin nhắc tất cả những ai có liên quan đến chó, mèo hãy quan tâm :

- Tiêm phòng chó, mèo dại, vì ta là người bị nguy hiểm đầu tiên.

-  Không nên ăn thịt chó. Hơn nữa người ta bảo các món  thịt chó cũng có khi nấu không chín, vi khuẩn dại vẫn tồn tại, ăn vào sẽ nguy hiểm cho ta.

Mong các quí vị hãy tham khảo và cảnh giác.

Xin cám ơn và xin chào.



ÔNG NGOẠI CỦA TÔI.(2)

Ông ngoại tôi ở nhà ít nói, ít cười, nghiêm khắc với các cháu. Cả đời tôi không dám cãi ông nửa lời. Trong nhà tôi không có chuyện dưới cãi trên.

Với ông tôi trong đời thường chỉ nghe và vâng ạ. Khác hẳn bọn trẻ ngày nay cãi người lớn như hát hay, chúng không quan tâm người đó là ai: cụ, ông, bà, cha, mẹ, người lớn tuổi... Khi nhà có khách phải đi chơi chỗ khác, không nói leo, người lớn nói không được phép cắt lời . Người lớn trong nhà nói chuyện không được hóng, hớt, tuyệt đối không được nghe lỏm. Chắc cũng vì thế mà khi gặp những người lãnh đạo hướng đạo ông tôi toàn nói tiếng Pháp với họ.

Khi hầu chuyện ông tôi, ông hỏi tôi trả lời thật, không thêm, không bớt, có sao nói vậy, không màu mè. Ông dạy gì hoặc dặn thì tôi vâng ạ, chỉ thế thôi. Khi hầu chuyện ông để ngắn, gọn tôi thường bỏ các từ : thưa ông, con vâng ạ, con xin cám ơn ông ạ, con xin vâng lời ông ạ... Ông tôi nhắc nhẹ : người HN chữ Ạ, Thưa, Con xin... quan trọng lắm, nó tỏ ra là người có lễ độ, được dạy tử tế, con nhà tử tế... Tôi không dám cãi, để thanh minh đôi khi tôi lợi dụng kể để ông nghe những lần học trong lớp với các thầy cô giáo hay phiên dịch cho người Nga họ dạy chúng tôi thông tin nhanh, tranh thủ thời gian nhiều  cho bài học, bài dịch, hội nghị , cần thật ngắn, gọn... thì có thể bỏ được mấy từ : em thưa cô, em thưa thầy, thưa ông, thưa các quí vị, báo cáo... mà trả lời ngay vào câu hỏi. Có lẽ vì thế mà sau này không thấy ông tôi nhắc tới những từ lễ phép nữa.

Khi tôi đăng ký đưa công nhân VN đi lao động ở LX, ông tôi đau lắm. Ông hỏi tôi:

- Con ở nhà có vị trí như thế chưa đủ sao ? Con nổi tiếng trong nghề THẦY như vậy chưa đủ sao ? Con đưa CN đi lao động chắc làm phiên dịch cho họ chứ gỉ ?

- Thưa ông, con không làm phiên dịch ạ.

- Con làm trưởng vùng chứ gì ?

- Dạ thưa ông, không phải ạ. Con chỉ làm đội trưởng thôi, còn trưởng vùng phải là đảng viên mà con thì không vào Đảng như ông đã rõ.

- Làm phiên dịch thì họ gọi là CON phiên dịch. Làm đội trưởng thì họ gọi là CON đội trưởng. Giời ơi !

Nói xong ông tôi quay đi, thở dài. Ông tôi không nói thêm dù chỉ là 1 lời, tôi biết ông không bằng lòng và đau lắm, cho đến khi xong giấy tờ chuyển bộ, chuyển công tác, cầm vé trong tay tôi lên nói lại với ông, ông không trả lời. Vì thế trước khi đi tôi không dám đến chào ông, bà tôi. Tôi sợ chọc vào nỗi đau của ông. Tôi biết tính ông tôi lắm. Họ ngoại của tôi đến tôi là 4 đời nhà giáo. Cũng vậy tôi kể sơ về mẹ đẻ tôi:

Tôi hoàn toàn không biết gì về mẹ mình ngoài một số lời ngắn, gọn của những người thân trong gia đình khi nói chuyện với nhau hay nói chuyện với ai đó, cũng có khi tranh luận trong họ  hoặc cha nuôi tôi  trả lời anh Nguyễn Mạnh Cầm :" Nó là con chị ruột tôi, anh chị tôi đã hy sinh cả. Hay sau này còn nghe thêm vài câu ca ngợi mẹ tôi nữa... chẳng hạn:  " Tao không bằng gót chân mợ mày, mợ mày giỏi lắm, nữ công, học hành, nói tiếng Tây như đầm... Thì đỏ lắm mới chết bỏ lũ con thơ cầu bơ, cầu bất... Em không được nói xúc phạm chị C, nếu còn chắc chị làm to lắm... To mà làm gì, sống nuôi con chẳng hơn à, em bạch vệ sống nuôi con em, không bỏ con côi cút, lý tưởng chị cao, còn em không có lý tưởng cao như chị... Còn ông ngoại tôi tuyệt nhiên không bao giờ nói gì về cha, mẹ tôi. Chỉ duy nhất có 1 lần  khi tôi là người cuối cùng trong 4 chị em tôi, sau khi  thực tập 1 năm rưỡi nhận được bằng tốt nghiệp, tôi về báo cáo:

- Con thưa ông, hôm qua con đã nhận được bằng tốt nghiệp đại học, sau một năm rưỡi thực tập rồi ạ.

- Thế à ? Thế là ông làm tròn lời hứa với mợ mày. Con là người cuối cùng trong 4 đứa tốt nghiệp đại học. Bốn đứa đều tốt nghiệp đại học cả. Ông mừng lắm.

Ông tôi thích tôi xưng CON chứ không thích xưng cháu. Còn các chắt thì ông thích gọi bằng ÔNG, xưng cháu. Ông tôi bảo như vậy cho gần, gọi cụ xa mà già quá. Bác Hồ mà còn chỉ gọi là Bác thôi.

Sau này nhờ cậu con út Hoàng Đạo Cung ( đã mất cách đây 1 năm rưỡi) tôi mới biết ông tôi những năm cuối đời đã viết nhiều sách mà chả có bàn, chỉ ngồi trông bà ốm ở cái ghế dựa cũ, lót chăn Nam định cũ, kê giấy lên đùi  gối viết. Trong những quyển sách ấy có quyển :" Một đời người " ông tôi viết để lại cho con, cháu. Do đó tôi mới biết sơ về mẹ đẻ của mình.

Như tôi đã nói ở phần 1, ông tôi là Huynh trưởng Hổ Sứt của hướng đạo, trước cách mạng tháng Tám, ông tôi đã dạy cho các thành viên của mình YÊU NƯỚC, CHỐNG chào cờ của Pháp theo kiểu Hítle mà chỉ chào theo kiểu hướng đạo và hướng về cột CỜ CỦA TA, vì hướng đạo là yêu nước và làm việc tốt. Bọn Pháp đô hộ biết ông tôi XUI quân mình phản ứng Pháp NGẦM, tìm cách trị ông tôi. Có 3 cách trị :

1. - trừ lương 6 tháng.
2. - Bỏ tù.
3. - Chuyển công tác lên rừng núi.

Xem ra cả 3 cách chúng định trị ông tôi đều không ổn.
Cách thứ nhất thì bác sĩ Trần Duy Hưng bảo cứ để cho nó trừ lương, không cần. Tất cả chúng ta mỗi người chỉ cần cho ANH 1 xu  còn hơn lương.
Cách thứ 2 thì chúng sợ, nếu bỏ tù uy tín của ÔNG TA càng tăng lên.
Cách thứ 3 thì chúng sợ, nếu đưa đi ở gần biên giới ÔNG TA sẽ trốn mất.

Khi ông tôi đang họp các trưởng hướng đạo thì toàn quyền Pháp tư giấy xuống mời lên gặp. Mẹ tôi vội đi đưa thư cho ông tôi vì sợ sinh chuyện và sợ nguy hiểm cho anh em đang họp. Ông tôi vội giải tán cuộc họp trở về.

Đến nơi ông tôi mới biết thống sứ Delsalle khôn khéo họp mấy chục quan Nam to chờ ông tôi ở đó xem sao để sử lý. Delsalle biết ông tôi trở về , nghĩa là cuộc họp đã giải tán, hắn xoa dịu :" Tôi đã thu xếp rồi, anh cứ dạy học như thường thôi "...

Có ai đó gọi ông tôi đến ngay bệnh viện Phủ Doãn.

Trên đường đưa thư về đến gần Kim Mã mẹ tôi bị xe ô tô đâm vào. Chiếc xe lôi mẹ tôi đi đến 50m, ngã bên phía làng Vạn Phúc. Đến BV mẹ tôi xin BS Tôn Thất Tùng cho gặp ông tôi rồi hãy mổ.

Khi gặp mẹ tôi nói:" ... Cậu trông 4 cháu cho con. Con mới 23 tuổi sao đã phải chết ?" Ông tôi hẹn"...Cậu sẽ trông nom các cháu. Con cứ hy vọng!"

Bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Tâm đưa mẹ tôi vào phòng riêng, sau nhà mổ. BS Tâm ở lại với ông tôi cho đến lúc mẹ tôi tỉnh lại và gọi một tiếng " Papa " rồi mất.

Năm 1975 ông tôi gặp lại BS Tâm, ông vẫn còn nhắc lại cảnh ngày ấy của mẹ tôi. Còn có lần cha nuôi tôi giới thiệu tôi là con mẹ tôi, BS Tùng không nói gì mà vẻ mặt rất buồn nhìn tôi, giơ tay bắt tay : "Chào chị ". Sau này tôi còn gặp BS Tùng nhiều lần, bao giờ ông cũng gọi tôi là chị. Bà ngoại, mẹ tôi rồi đến tôi ông vẫn gọi là chị. Chắc ông lịch sự theo kiểu Tây.

Có điều lạ là BS Tôn Thất Tùng không cho chuyển xác mẹ tôi xuống nhà xác mà để ở một phòng riêng. Ông còn đem hoa đến.   

Một điều không hiểu vì sao  tôi vẫn nhớ đã được nhìn thấy mẹ lần cuối ở phòng riêng này. Tôi còn nhớ ông ngoại tôi đưa chúng tôi vào và mở tờ giấy bản che mặt, tôi nhìn thấy một bên mép mẹ tôi  có máu tươi, tôi kêu: máu mợ và nép vào ông ngoại, người ta đưa chúng tôi ra ngoài, có người nói với tôi không phải là máu mà là son. Tôi biết người ta nói dối tôi.

Sau nhiều năm ông Vũ Đình Hòe có đăng một bài báo về mẹ tôi và cái chết của mẹ tôi. Tôi đã photo lại, nhưng mất lúc nào bản đó tôi không biết.

Khi đọc được bài báo này tôi về nói với ông ngoại là ông Vũ Đình Hòe đã viết báo về mợ con và cái chết của mợ con. Chắc ông tôi đã đọc nên chỉ trả lời tôi :" Ừ ! ". rồi quay đi. Tôi không dám hỏi gì vì biết ông không thích nói gì là quay đi.

Năm 1975, sau  ngày Thống nhất cục TTLL mời ông tôi đi thăm lại Sài Gòn. Khi ra HN ông tôi cho cả nhà tôi 4 gói mì tôm và kể:

- Ông vào Sài Gòn tìm nhà của cậu, mợ mày, trước đây là hiệu ảnh  Mari Photo, nhưng Mỹ nó ủi hết đi rồi, bây giờ thành phố to lắm, ông không thể nhận ra. Cậu, mợ mày là chủ hiệu ảnh nên có nhiều ảnh lắm, ở Thái Lan, Cămpuchia, Lào, miến điện, Quảng Ninh,... trong kháng chiến, ông giữ mãi, đi đâu, chiến dịch nào ông cũng đeo trên lưng. Hòa bình lập lại cho con, cháu mỗi đứa một ít, nhất là chị mày ông cho nhiều lắm, thế mà bây giờ mất hết, chị mày bị cháy nhà, cháy không còn cái nào.

                              Bức ảnh gia đình sum họp duy nhất. Sau khi chụp bức ảnh này gia đình tan nát.


Nguyên văn ông tôi viết lại về đám ma mẹ tôi: "Sáng hôm sau những người đưa đám đứng kín cả phố Phủ Doãn, đến tận tòa án. Mượn mấy xe tải mới chở hết các vòng hoa...Tôi có cảm giác là bà con đến đưa đám tôi."...Các cháu bé dại chưa hiểu rõ, chỉ có Nga là khóc mãi, ôm lấy chân bàn thờ mà khóc. Có lúc phải trách mãi cháu".

 Tôi chỉ biết có chừng ấy về mẹ đẻ của mình. có lần em trai tôi nói: "... Cả đời em chỉ mong có 1 lần được gọi tiếng MẸ mà không được" (lúc đó em tôi đã hơn 60 tuổi).

Những đứa con mồ côi cha mẹ từ tấm bé chỉ có 1 ước ao nhỏ là gọi mẹ. Vậy mà nay xã hội đã xoay chuyển chóng mặt. Trẻ bây giờ coi mẹ là gánh nặng...

Trong quyển " Một đời người " ông tôi viết kết luận:

Tạm ngừng ở đây vào ngày 13/1/1987.
Cả đời YÊU NƯỚC. Làm gì cũng nghĩ yêu Nước. Từ dạy học, làm hướng đạo, vào bộ đội. làm trường dân tộc vì yêu Nước. Đến cầm bút viết cũng vì mục đích ấy. Sau viết cũng vì thế chứ không phải làm nghề văn.

Có làm được mấy việc. Nhưng nhiều việc không làm được. Người ta bảo chết là hết ! Nhưng không,  vẫn tiếc công việc.

Lời cuối cùng của tập này là :
" Than ôi ! Cha mẹ sinh tôi khó nhọc,
Chị nuôi, dạy công phu.
Công ơn ấy không báo đáp được phần nào.
Bắt chước ông Gióng mà xin " Lấy trung làm hiếu"

Thấy xã hội như thế nên mình cũng cố tránh sao khỏi phiền con, cháu. Tôi cố tự xoay sở để khỏi phiền ai. Mình cố sống khi còn giúp được con, cháu. Nếu không còn tự lo được cũng chỉ mong đi nhẹ nhàng, thanh thản, sạch sẽ như Ông Ngoại.

Biết mình được chôn ở Mai Dịch ông tôi di chúc lại là muốn về quê bên cạnh bà và làm câu thơ.

Ai đó nói chuyện về nghĩa trang:
Sắp hàng mãi cho đến ngày tận thế.
Đồng bào ơi, sao đặt để làm chi?
Cánh đồng kia, cỏ mọc xanh rì,
Vùi đâu đó, cũng thì mát mẻ....
  
Ngủ quên :

Gió thoảng, trăng trong buổi mát trời.
Ngủ quên, không dậy, việc thường thôi.
Các con chớ giận : không từ biệt.
Cháu nhớ ông, bà ngày tháng trôi.
Cái chính chỉ là một lời dặn:
"Giữ lòng trung hậu ở trên đời",
Nhớ tháng ghi tạc tình cao cả.
"Tổ Quóc bền lâu với đất trời "

     Một lần viết :

Một giờ nào đó, ngủ quên đi
Chẳng phải rằng ông vội vã gì,
Vẫn muốn ở cùng con, cháu mãi.
Ngày trời đã hết có can chi.
Mấy điều dặn lại LỜI TÂM HUYẾT,
Để nhớ sau này lúc biệt ly.
" Trung hậu, nếp nhà lời Tổ dạy,
Cháu, con nhắc nhở để làm ghi." 

Ít dòng tâm sự với các CỤ GIÀ bạn cũ. Còn ai quan tâm xin mời đọc để biết một thời đất nước ta có những gia đình như thế. Có lần họp mặt các bạn trách tôi không nói gì về nguồn gốc của mình. Hôm vừa rồi họp LS-QL có bạn đòi tôi kể, nhưng họp nhau để vui chứ kể thì mất thời gian, tôi hứa sẽ viết sơ trên blogg và hôm nay thực hiện một phần lời hứa đó. Tôi có đức khi hứa gì thì phải làm bằng được, thấy không làm được tuyệt nhiên không hứa.

Xin cám ơn độc giả và xin Chào !
 

ÔNG NGOẠI CỦA TÔI.

Ký họa của Hoàng Đạo Cung
Từ năm lên 3, sau khi không còn cha , mẹ tôi sống nhờ họ ngoại. Nếu không có họ ngoại cưu mang lúc bé có lẽ 4 chị em tôi đã chết đói năm 45 hay còn sống thì cũng lạc nhau như những trường hợp thương tâm giống chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của VTV1.

Ông ngoại tôi là Huynh Trưởng hướng đạo Hổ Sứt. Ông tôi hoạt động xã hội và giáo dục cả đời, ngoài những năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại ông tôi được phong quân hàm đại tá, vì trong kháng chiến cho đến ngày kết thúc chiến thắng Điện Biên, ngoài một số công tác ông tôi tham gia tôi không biết, tôi chỉ biết ông là giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1-3, cục trưởng cục thông tin Liên lạc (TTLL). Cứ chuẩn bị mở chiến dịch là ông tôi đi tiên phong tìm đường, mở lối cho quân ta tiến công. Tôi chỉ biết sơ như thế.

Ông tôi hay hát, dạy con cháu những bài hát của hướng đạo, của VN nói chung. Đặc biệt ông tôi thường dạy con, cháu hát các bài hát của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí, Nguyễn Đình Thi...như "Trên sông Bạch Đằng, Gò Đống Đa, Thăng Long thành hành khúc ca, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Cảm tử quân, Giệt phát xít..." Có những buổi tối trời rét đốt lửa giữa nhà là cả nhà bắt đầu hát, hát hết các bài cũ đã thuộc, ông tôi tiếp tục dạy bài mới (nếu có) của các nhạc sĩ sáng tác trước, sau chiến dịch... Các bài ông tôi dạy là cả nhà phải thuộc lời. Bài đầu tiên ông tôi dạy cả nhà tôi còn nhớ, mặc dù mới  lên 3 :

Ông nhà tôi vốn là một người yêu cháu,
Hay cho chúng tôi ăn quà,
Lúc nào là nào cũng thế,
Các cháu cứ đòi ông bế,
Ông chỉ vuốt râu cười xòa,
Rồi ông là ông khuyên cháu:
Đứng yên ông kể chuyện này,
Cháu gần ông ngay.

Trước khi rời quân ngũ, ông tôi được phong quân hàm đại tá. Lúc đó cả VN chỉ có 11 đại tá. Bộ đội TTLL trẻ còn rủ nhau đi xem mặt đại tá, khi ông tôi nằm viện.

Ông tôi kể mỗi lần gặp Bác Hồ, Bác thường gọi ông tôi là  CỤ và thường đùa nói :' Hai anh bạn già ta..." Bác còn tặng ông tôi 1 cái quạt giấy to lắm. Ông tôi đã tặng lại viện bảo tàng rồi. Khi ở LX về tôi xin xem lại ông tôi bảo tặng viện bảo tàng để họ giữ chứ để ở nhà mình ẩm thấp lỡ hỏng mất. Ông tôi kể :" Có lần chuyện trò với Bác trong rừng, Bác hỏi ông, khi biết ông tôi thông thạo khắp các nơi trên đất nước VN nên khuyên Bác khi về hưu ở đâu có núi, có sông, có dân, cuốc đất, trồng cây vui cảnh điền viên dân dã lúc tuổi già, về hưu... khi về nơi vĩnh hằng nằm ở sườn núi chỉ có một lư hương để mọi người nhớ đến Bác thắp mấy nén hương theo truyền thống dân tộc ta. Ông tôi bảo Bác giản dị lắm, cụ khiêm tốn, quên mình, luôn lo cho dân, cho nước, nói chuyện rất dí dỏm, hay pha trò...

Ông tôi nghiện thuốc lá và cà phê rất nặng. Món Tây ông tôi chỉ thích Socolad, bơ, phomat, sữa. Các trưởng hướng đạo đến thăm ông tôi hay biếu cà phê và thuốc lá. Tôi còn nhớ có ông bác sĩ tên là Phụng, người Phan Thiết khi ra họp hướng đạo còn cho nhà tôi mấy chục vò nước mắm.

Nói đến nghiện thuốc lá tôi thấy ít ai nghiện như ông tôi. Ông tôi chỉ hút tẩu, ngậm tẩu cả ngày, chỉ khi ăn, uống mới bỏ ra hay khi cháy hết thuốc ông tôi lấy ra để nhồi thuốc. Một thói quen khủng khiếp. Ông tôi không có cảm giác mình đang ngậm tẩu trong mồm. Có lần tôi đang ở ngoài sân, ông tôi gọi:

- Bé, vào đây ông nhờ tí.

- Dạ, con vào ngay đây ạ.

Vào trong nhà tôi thấy ông tôi đang đứng ở bậc thang trên cùng dọi lại chỗ nhà giột.

- Ông bảo gì con ạ ?

- Con tìm cho ông cái píp, ông tìm mãi không thấy.

Tôi  ngẩng lên nhìn thấy ông tôi vẫn ngậm cái tẩu trong mồm, định nói píp vẫn ở trong mồm ông thì ông nói tiếp:

- À, đưa cho ông con dao để ông cắt chỗ lá thừa.

Khi ông tôi nói À, phải há miệng ra thì chiếc tẩu rơi xuống đất, cả 2 ông cháu nhìn cái tẩu dưới đất chỉ cười. Tôi chẳng dám nói nửa lời sợ ông mắng.

Vậy mà đến năm hơn 80, nghĩa là hơn 60 năm nghiện thuốc lá, ông tôi bị tràn dịch màng phổi, các con XIN CẬU BỎ THUỐC ( theo lời của cậu con út cụ kể cho tôi nghe) , thế mà ông tôi đã quyết bỏ bằng được.

Ông tôi đặc biệt quí các tráng sinh. Có lần ông tôi dặn :

- Con có đến chơi Văn Cao thì nói :" Ông em dặn anh uống rượu vừa vừa thôi, hại sức khỏe lắm ".

- Tôi chưa kịp  thăm và nhắn thì nhạc Sĩ Văn Cao đã bỏ chúng ta mà đi.

Ông tôi sống đến 95 tuổi. Ông ra đi nhẹ nhàng, không một tiếng thở dài.

Sau khi ở LX về 2 mẹ con tôi cứ 1 - 2 tuần lên thăm ông 1 lần. Lần nào cũng vậy, để ông khỏi phiền lòng, tôi chào ông xong, quay sang bàn thờ thắp 1 nén hương lên bàn thờ Tổ tiên, khi nén hương cháy hết tôi đứng dậy chào, xin phép về. Tôi ngồi hầu chuyện ông, không phân tâm, không bao giờ nhìn đồng hồ, không bao giờ ngồi lâu hơn hay ít hơn 1 nén hương cháy. Ông tôi thích nói chuyện với tôi vì tôi đi nhiều, biết nhiều chuyện tốt, xấu. Có những chuyện ông tôi nói tôi mới biết là ông biết lịch sử không chỉ VN mà còn lịch sử thế gới rất nhiều và nhớ rất rõ, kể cả ngày tháng.

Ngày mới về nước nhân giỗ bà, mẹ con tôi lên Đại yên ăn giỗ. Không may con tôi bị 1 chiếc xe tải đâm, nhưng cũng may là người không việc gì, chỉ hỏng xe. Chữa xe xong, mẹ con tôi đến. Ông tôi hỏi ngay:

- Sao đến muộn thế, con ?

- Dạ thưa ông, con hơi bận chút việc, con xin lỗi.- Ông tôi biết bao giờ tôi cũng đúng giờ.

- Cậu có nhìn thấy mặt con Nga xanh như tầu lá không, con Ly vừa bị xe tải Kamaz đâm trên đường đến đây :- Dì tôi nói lại, vì bà biết ông tôi rất ghét nói dối.

Không phải định nói dối ông, tôi chỉ sợ ông đã già mà lo thì tổn thọ. Ông không trách, mắng chỉ dặn:

- Nếu không có việc gì cần con đừng ra đường. Ra đường mình đi cẩn thận nó đâm vào mình lại còn chửi mình đấy.( Lời dặn ấy từ năm 1987 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự - TN).

Ông tôi rất kỵ chửi bới, hỗn láo với người trên, nhất là bé nói hỗn, chỏng lỏn với người lớn. 

Sáng mồng 4 tết, mưa to lắm. Nhưng luật của gia đình chúng tôi là mồng 4 tết tất cả con , cháu đều đến chúc thọ ông. Mẹ con tôi vẫn thực hiện đúng lễ. Hết tuần hương mẹ con tôi đứng lên chào ông. Trước khi về ông còn dặn tôi:

- Nhớ 28 về giỗ bà, con nhé.(đó là câu cuối cùng ông tôi dặn lại - TN)

Chiều 4 tết có đoàn truyền hình Mỹ đến phỏng vấn, họ nói là được người ta giới thiệu cả đời cụ liêm khiết. Khi về hưu còn trả lại nhà cho Nhà nước. (nhà 32 Cột Cờ HN - TN), 24  năm làm việc dưới chính quyền Pháp mà từ chối không nhận lương hưu của Pháp, chỉ nhận đồng lương hưu ít ỏi của nước VNDCCH, ông tôi từ chối TH Mỹ :

- Từ sáng đến giờ các con, cháu tôi đến nhiều, tôi tiếp đã mệt. Vậy các ông chịu khó sáng mai 8 giờ đến, tôi sẽ tiếp các ông.

Sáng sớm mồng 5 tết tôi được con gái báo ông tôi đã đi sáng nay  rồi. Mẹ, con tôi mượn xe phóng về thì nhà đã đông đủ.

Đúng 8 giờ đoàn TH Mỹ tới. Họ hỏi chúng tôi sao nhà đông thế. Chắc hôm qua ông tôi muốn hôm nay tập trung con cháu để khoe họ và họ phỏng vấn con, cháu cụ luôn thể. Chúng tôi nói với họ là :" Ông chúng tôi mất rồi ".

- Sao lại mất, hôm qua ông hẹn chúng tôi sáng nay tiếp mà. Ông vẫn khỏe và minh mẫn lắm, sao mất được ? 

- Nhưng ông chúng tôi không thể tiếp các ngài được, vì còn đâu mà trả lời.

Họ không tin đòi vào tận nơi. Khi ra họ buồn bã trả lời:

- Nhanh thật, không ngờ hôm qua còn minh mẫn thế.

Ông tôi sáng ngủ dậy theo thói quen uống 1 chút cà phê, ăn một miếng bơ nhỏ, uống 1  cốc sữa. Uống xong ly sữa ông thả tay, cháu nội đỡ cốc, ông tôi thả chân xuống chạm đất và đi luôn.

Khi thay quần áo mới thấy tờ giấy ông tôi viết đặt dưới gối cám ơn tất cả anh, em, họ hàng đến phúng viếng...

Đọc xong chúng tôi mới biết là ông tôi đã biết sự ra đi của mình, nhưng không nói ra. Còn thật thà ông tôi không thích MỸ, cũng vì thế ông tôi từ chối.

Chuyện thật như bịa, ai thích tin thì tin, mà không cũng chẳng sao.  Người nhà đi gọi hồn ông tôi ở nơi không biết ông tôi là ai. Họ hàng nhà tôi trước đây ít tin lắm. Nghe CÔ nói ông tôi bảo sợ nói ra mọi người biết ông đi, đến đông lưu luyến không đi được. Còn hỏi về đoàn TH Mỹ thì ông tôi bảo ghét Mỹ không thích trả lời họ nên mới hẹn thế.

Tôi viết bài này chỉ với mục đích là khuyên tất cả ai nghiện thuốc lá, hãy học theo ông ngoại tôi, lấy mọi nghị lực mà bỏ. Bỏ thuốc lá trước tiên là sống thêm được ít năm nữa, đỡ tốn tiền thuốc lá, thuốc chữa bệnh và nhất là để làm món quà lớn tặng những người thân yêu của mình.

Xin cám ơn các quí vị đã đọc và xin chúc những ai cai nghiện thuốc lá thành công mỹ mãn.

ĐIỀU ĐƠN GIẢN , NHƯNG CHƯA BAO GIỜ NÓI RA.

Hôm nay đi bộ, vô tình gặp chị dâu họ đã xa cách hơn 30 năm, chị gọi lại hỏi:  

- Có phải hôm nọ em công bố bức ảnh chụp với Bác Hồ, Bác mặc quần đùi và đi đất cho VTV1 không?

- Công bố gì đâu chị. Hôm ấy cháu G. đến nhà quay và thấy có bức ảnh chưa ai biết và cũng là bức ảnh em chụp với Bác lần đầu tiên ở Việt Bắc.

- Chị và cả nhà cười vì thấy em nói :

- Chân thì đi đất, quần thì mặc quần đùi. Chị già chẳng nghe rõ đầu đuôi, hôm nay gặp em kể lại cho chị nghe. Mày có bao giờ nói chuyện gì với chị đâu, kể cả chuyện Bác Hồ thưởng huy hiệu cho mày. Chị toàn vô tình xem VTV4, VTV1 mới biết. Nếu không có TV chắc ở nhà quê như chị, mày chẳng về, chẳng kể thì cũng lại giống bác Hai và 2 anh đi mà chẳng biết gì về em mình.

- Thôi em kể qua chị nghe nhé. Ngồi đây cũng không nên kể dài dòng.

- Thế cũng được, hôm nào mày vào nhà chị lâu, kể cho cả nhà nghe.

- Vâng. Chị nghe để biết, còn nhớ hay không là tùy ở cái não của chị. Em không kể lại đâu nhé. Đừng có nghe rồi lại bảo tao chưa hề nghe mày kể bao giờ.

- Được rồi. Nếu hôm nào cháu ở nhà chị bảo nó đưa ra nhà em để xem ảnh thì dễ nhớ hơn.

Em bắt đầu kể này :

- Hôm ấy sau chiến dịch, Bác Hồ đến thăm bác Trần Đăng Ninh. Em bế mấy đứa em con chú Bửu, cô Oanh chơi tha thẩn ở sân nhà bác T rần Đăng Ninh. Mấy đứa em thì béo tròn, béo trục, em bế vẹo cả xương sườn. Trên tay 1 thằng, hai em bíu áo 2 bên. Chúng đùa nghịch chạy trốn với mấy anh bộ đội bảo vệ bác Ninh. Bỗng Bác Hồ tới. Mấy anh bộ đội và bọn em chạy ùa ra chào. Bác hỏi các  anh bảo vệ :

- Chú Ninh đâu ?

- Thưa Bác, anh Ninh ngủ dưới hầm ạ . - Một anh trả lời. Anh khác vội nói :

- Bác để cháu đánh thức anh Ninh dậy.

- Thôi cứ để cho chú ấy ngủ, đi chiến dịch, kết thúc mệt là phải.

- Vâng, thế thôi ạ.

Sau đấy chúng em chơi với Bác. Bọn em con cô Oanh trốn tìm cứ trốn sau lưng Bác, túm áo Bác. Một anh bộ đội chạy lại gần Bác nói :

- Bác ạ, chị Oanh cũng lạ thật, gầy thế mà đẻ con đứa nào cũng béo tròn, béo trục. Cứ như cái cối say, Cơm bí ử ( bí đỏ ), rau sắng, rau rớn mà sữa vẫn tốt.

- Chú lạ lắm à ? Chú có thấy cây bí ử  đấy không. Cây bé tí mà quả to thế, có khác gì chị Oanh đâu.

Tất cả đều cười. Mấy anh bộ đội nhìn nhau. Một anh nào đó,  chắc anh chụp cho cái ảnh lịch sử này nói:

- Thôi , ta ra chụp 1 cái ảnh kỷ niệm nào:

- Chụp ảnh à ? Thôi! Chụp làm gì, Bác chân thì đi đất, quần thì mặc quần đùi, xấu lắm.

Mọi người đều nói là chỉ để kỷ niệm nên cuối cùng bác cũng đồng ý chụp. Khi đứng vào thì không hiểu sao chỉ có vợ, con bác Trần Đăng Ninh, em và mấy đứa em, còn chẳng có  anh bảo vệ nào ( chắc dấu mặt - TN ).

Khi đứng xong, thấy tay Bác cầm điếu thuốc lá, sợ cháy quần, em lùi lại 1 bước, thấy em lùi lại, Bác bảo:

- Đứng gần vào đây, xa trông xấu lắm.

Em không trả lời vẫn đứng im,  vì sợ cháy quần do điếu thuốc lá cháy dở vẫn trong tay trên đùi  Bác, Bác quen rồi nên không để ý đến , em  chẳng muốn nói ra. Chụp xong em hỏi Bác :

-... Sao người ta cứ nói Bác đi dép cao su, mà thật ra Bác rất hay đi đất. Bác đi đất có đau chân không ạ ?

- Lúc đầu mới đi thì đau, nhưng đi lâu quen dần nên không đau nữa.

- Cháu thấy đi vẫn đau,  khi dẫm phải cái gì cứng như sỏi, đá, nhất là gai thì đau lắm.

Bác cười sằng sặc trả lời:

- Dẫm phải sỏi, đá, gai tất nhiên là đau rồi. Các vật ấy cứng hơn da ta, nhưng với đất thì đi lâu, chân chai dần, không đau mà còn có lợi cho sức khỏe đấy, cháu ạ.

Đó là chuyện chưa bao giờ tôi nói ra. Khi lên K9 thăm nơi Bác nghỉ trong chiến tranh thấy sân trước nhà Bác rải sỏi, tôi mới nghĩ ra câu giải thích ngày nào của Bác cho tôi. Chắc Bác không giải thích nhiều cho 1 cô bé con nên chỉ nói sơ là ĐI ĐẤT TỐT CHO SỨC KHỎE , vừa dễ nhớ, vừa dễ hiểu.

Kể xong chị tôi bảo :

- Mày kín thế, người trong nhà mà mày cũng không kể, nếu không hỏi chắc mày chẳng bao giờ kể ra.

- Chuyện bình thường, giản dị của Bác em kể nhiều, còn chuyện này thì em chưa kể, chị là người đầu tiên nghe đấy. Ưu tiên thế còn gì. Nếu kể rồi thì chị làm sao được  ưu tiên thế này.

- Mày lúc nào cũng pha trò. Chuyện xấu của mày cũng thành tốt. Tao chịu mày.

- Em chào chị, hết chuyện rồi, em về đây.

- Ừ, về đi. Mày đi xe ôm à ?

- Không, em đi xe số 11, vừa không tốn tiền, vừa luyện chân như Bác Hồ dạy đấy.

- Chỉ ba hoa, láo toét, về đi !

- Em chào chị !

Quí vị nào hay cụ nào có thời gian đọc cho vui và giết thời gian nhàn cư nhé.

Xin cám ơn và chào quí vị.



TÔI BAO GIỜ CŨNG CHẬM 1 NGÀY !

Người ta nói : Việc hôm nay chớ để ngày mai. Điều đó thật không sai chút nào với tôi. Tôi đã 3 lần chậm 1 ngày mà không thể tha thứ, vì không bao giờ có thể sửa lại được, đã quá muộn.

Câu chuyện thứ nhất :
 

                    Từ trái sang Xuân Phương đứng ngoài cùng.
            


Tôi, Xuân Phương và Việt Nga chơi thân với nhau từ khu học xá TQ. Đến khi sang LX cũng đi 1 chuyến tầu hỏa. Xuân Phương học hơn Việt Nga 1 lớp nên học ở Nga ngữ. Tôi và Việt Nga cùng trường , nhưng Việt Nga học hơn tôi mấy lớp. Khi ở LX Xuân Phương hơn tôi và VN là mỗi lần Bác sang đều được ở bên bác từ ngày sang đến khi Bác về. Việt Nga hơn tôi là được Bác nuôi từ bé, có lúc nửa đêm Bác còn phải dậy gọi :" Cháu ơi dậy đi tè kẻo tè dầm ướt hết Bác ". Khi học ở LX về phép Bác còn gọi VN tới chơi ở nhà Bác cả ngày.

Sau khi Xuân Phương học xong ở lại làm việc tại SQVN Moskva, cũng chính vì thế mà bạn XP đã được liên tục gần Bác. Rồi vô tình XP lại lấy anh kết nghĩa của tôi ( Nguyễn Văn Hợp), chúng tôi càng thân nhau hơn.




             Từ trái sang phải : cô bảo mẫu, Tuấn Nga, Xuân Phương dịch cho cô bảo mẫu ở KTX VN Moskva. Ngoài cùng phía tay phải là Đại Sứ ĐMTQ VN tại Moskva ngày ấy.


Sáng 7/X1/ 2007  Em gái XP báo cho tôi biết tin chẳng lành :" Chị ơi, Chị XP ốm nặng lắm, chắc khó qua ". Tôi giật mình  không biết XP bị bệnh gì trả lời :" Em ơi, chị đang bận trên đường đi duyệt đồng ca kỷ niệm 90 năm CMT10N do VTV1 tổ chức,  không thể nghỉ được. Tối nay xong việc, sáng mai chị đi thăm, em nói với chị XP hộ chị nhé. "


           Từ trái sang phải : Minh Dương, Minh Hòa, Việt Nga, Tuấn Ng, Tiến Hoàn, Xuân Phương tại nhà Lưu Ly con TN.


Sáng hôm sau tôi gọi điện hỏi phòng XP nằm thì con trai trả lời :" Cô ơi, mẹ cháu đi rồi. Cô đừng đi thăm nữa ".
Tôi lặng người đi , vì cảm thấy mình có tội lớn với bạn.

- Mẹ cháu bị bệnh gì mà đi nhanh thế ?

- Dạ, ung thư phổi giai đoạn cuối mới phát hiện ra. Nó đã di căn toàn thân rồi.

Nỗi ân hận cấu sé lòng tôi. Đứng bên linh cữu XP tôi chỉ thì thầm cầu xin XP tha thứ. Mong sao  hoa khôi XP hiền lành, mau chóng siêu thoát.

Câu chuyện thứ 2 :




                Minh Dương, TN lớp 3 tại Moskva.


Chiều thứ tư Quế Hương gọi rủ tôi đi thăm Minh Dương. Hôm đó tôi đang ốm, Hòa đến nhà thăm tôi. Ngay lúc đó Rợị gọi rủ tôi đi. Tôi bàn với Hòa rồi trả lời Rợi :" Tôi và Hòa bàn nhau, Hòa đau chân quá không đi được, còn tôi đang ốm, nếu Rợi đồng ý thứ 6 chúng ta cùng đi. Hôm nay cũng nhiều người đến thăm rồi. Thứ 6 ta đi cho đỡ đông ". Rợi đồng ý ngay. Vậy là chúng tôi hẹn nhau đúng giờ, vả lại bây giờ cũng 16 h30 rồi. Nếu Dương tiếp nhiều bạn cũng mệt lắm.

Hơn 2 giờ chiều thứ 5, chuông điện thoại réo:

- Tôi nghe đây.

- Chị Nga ơi, chị Dương mất rồi, chị biết chưa ?

- Em nói gì thế, chị chưa nghe rõ. Chị Dương sao ?

- Chị Dương mất rồi. Cháu Dũng báo cho em, chị Dương trưa nay đi rồi.

- Dũng báo thì đúng rồi. - Tôi lặng im.

- Chị có nghe không đấy ? Chị đi được thì chuẩn bị em đưa chi đi.

- Đi đâu ? Ở BV hay ở nhà?

- Em không biết, cứ đi rồi hỏi sau.

Hai chi em đến BV Việt Nhật loanh quanh chẳng biết hỏi ai. Vào nhà lạnh thì họ không cho. Hai chị em đang bàn nhau thì :

- Hai bác hỏi ai đấy ạ ? - Có tiếng người hỏi, chúng tôi đoán ngay hỏi mình, vội hỏi lại :

- Bác Minh Dương trưa nay vừa mất.

- Cháu không biết tên, cháu chỉ biết trưa nay cháu vừa lái xe đưa bác trước đây là phó tổng giám đốc đài THVN có con cũng làm ở đó.

- Cháu đưa đi đâu, cháu chỉ giùm 2 bác với. Sang BV Hữu Nghị à ?

- Không, đưa về nhà. Hiện nay đang ở nhà.

- May được anh cho biết tin, cám ơn anh nhiều.

Hai chi em tôi phóng vội đến nhà thì nhà đã chật người, đang tụng kinh. Chị em tôi bảo nhau :" Chắc chị MD biết nên bảo cậu lái xe chỉ cho chúng ta. Chị MD thiêng thật.


 

                Từ trái sang: Minh Dương, Hồng Anh, Minh Hòa, Việt Nga, Tuấn Nga, Rĩnh chồng Ly, Lưu Ly, Tiến Hoàn, TN bế Chí (Hà Quang Thái) con trai LL, Cháu gái đứng trước là Miu ( Hà Khánh Linh ( con gái lớn) LL.


Tôi bất ngờ vì lần này Dương đi nhanh quá. Cả năm nay MD nằm viện, nhưng vừa được về ăn tết  mấy hôm. MD gọi điện chúc tết tôi. Hỏi thăm MD bảo khá hơn nhiều. Tôi cũng hy vọng thế. Không ngờ vào viện lại mà đi nhanh thế.

Trước đây học cùng lớp, nhưng MD bé nên tôi ít chơi. Nhóm bé : Lan , Hương, Dương, Đoan hay chơi thân với nhau. Khi ra làm việc không ngờ MD lại dám nhận làm phó tổng giám đốc đài THVN. Còn Quế Hương làm phó tổng cục trưởng tổng cục bưu điện viễn thông VN, 2 em bé nhất thì lại làm to nhất. Cái nhóm em bé này em nào cũng là phó tiến sĩ cả, hơn nữa các em đều có nhiều công trình xứng đáng cống hiến cho TQ.

Một năm MD nằm viện là 1 năm tôi có điều kiện thăm hỏi, chuyện trò nhiều nhất. Tâm sự nhiều, song tôi không bao giờ nói về mình, MD có hỏi tôi chỉ trả lời qua loa, không muốn MD buồn.

Chủ nhật hay thứ 7 nào tôi cũng vào viện thăm MD, động viên MD yên tâm chữa bệnh. Thăm đúng với nghĩa của nó, nghĩa là chỉ khi nào thấy mua được gì hợp với MD tôi mới mua, tiền chả đáng là bao. Tôi hay nhắc lại những việc MD đã làm cho trường tôi. Khi MD về tôi cũng đến nhà thăm. Trước ngày về nhà ăn tết , có lẽ là điềm gở, tôi tỷ tê kể :

MD làm được nhiều việc cho trường ta ghê, này nhé :

- Kỷ niệm 40 năm làm một băng video, lúc đó quí lắm chứ, cho trường ta.
 - Kỷ niệm 50 năm thì 1 đĩa gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 1 đĩa " Gõ cửa ngày mới của Cao Việt Bách, 1 phỏng vấn GS TSKH Tạ Thúy Lan, ( thành viên hội đồng Giáo dục quốc gia và Hội đồng giáo sư ngành sinh học ). 1 đĩa phỏng vấn GS TSKH Võ Hồng Anh ( khen thưởng toàn viện LHNC hạt nhân Dubna khóa 1979 - 1083 và giải thưởng khoa học quốc tế Kobalevskaja 1988 ) cho VTV4, Công thế cũng quá lớn rồi.

- Vậy mà chuẩn bị cho kỷ niệm 7/X1/2007 còn đưa, đón Cao Việt Bách nhiều lần đến nhà Đỗ Dũng tập đồng ca. Đúng buổi tối còn đưa bọn tôi đến Mỹ Đình biểu diễn và đưa về tận nhà. Tuy ốm mà cũng tham gia và giúp bọn tôi nhiều thế. Không có sự giúp đỡ ấy thì ban đồng ca trường ta khó mà  thành công như thế. Vì Cao Việt Bách và Đỗ Dũng là 2 con át chủ bài của đồng ca. Một anh đàn, một anh đánh nhịp. Giống ngày chúng ta còn ở Moskva nhỉ.

- Chỉ tếu táo ! Ốm thế mà chả bao giờ thấy mệt mỏi, buồn rầu.  - MD ngắt lời.

- Quên, sang Moskva năm 1985 quay Festival còn đòi quay tôi ở phòng tôi phụ trách tiếp đón thanh niên thế giới, may mình ngượng không muốn ló mặt từ chối không có hôm nay lại mang thêm một ơn riêng nữa. Ơn ấy nếu có to bằng cái đình, may thật!

- Ba hoa, tếu táo vừa thôi. Kể về đời mình đi. Nghe nói не повезло ( không suôn sẻ ) phải không ?

- Thì để tôi nói hết đã. MD tuy bận, gia đình ông chồng thì ốm nặng. Công việc xã hội thì nhiều, nhưng đi đến tỉnh nào có bạn cùng trường là đến thăm, thậm chí Nõn, Hiên còn không nhớ MD là ai. MD thật có tình và giản dị.

- Vớ vẩn, người ta đi đâu cũng nhắc thăm bạn, vậy mà lại kể công người ta. Này chị cả ơi, chị nhiệt tình vừa chứ. Nhiệt tình chăm sóc cho bạn như TN bây giờ hơi bị hiếm đấy... Kể về mình đi.

Được, được, tôi kể. Vậy là gần 3 giờ tôi kể thật cho người bạn gái đầu tiên nghe về đời mình. Nghe xong MD rơm rớm nước mắt. Mấy ngày sau MD về ăn tết.

Tôi đến nhà thăm, MD mở tủ đưa ra rất nhiều quần áo, dầy, dép, thuốc bổ ngoại bảo tôi lấy về dùng. Tôi không lấy gì viện lý do không đèo về được. Thật ra lúc đó tôi nghĩ nếu mình lấy hết, MD sẽ nghĩ chắc chẳng còn ngày mặc nữa, nảm lòng chữa bệnh, khi thuốc tốt và quần áo, dầy , dép  mới, đều đã cho hết.

Không ngờ đó là lần cuối cùng gặp MD. Lại chậm một ngày rồi !!!

Câu chuyện thứ 3.



                Hồng Anh đọc lời chào mừng Bác sang Moskva lần đầu tại trại hè.


Tôi chơi với Hồng Anh từ khu học xá, vì sự ngưỡng mộ và tò mò của tôi. Chả là  khi ở VN tôi nghe nói Hồng Anh có một bức thư cuối cùng của mẹ gửi cho viết bằng MÁU . Vậy là đến KHX tôi làm quen và hỏi cho tôi xem bức thư đó, nếu được. Hồng Anh cho tôi xem bức thư và nói :" Đọc đi ! Viết bằng mực tím chứ không phải bằng máu như người ta đồn ". Tôi mừng cầm đọc ngay, thật ra tôi không dám xin đọc mà chỉ dám xin xem thôi. Sau đó HA học cấp 2 nên thỉnh thoảng chúng tôi mới nói chuyện với nhau. 






Không ngờ chúng tôi lại được cùng sang LX và cùng học 1 trường. Hồng Anh và Việt Nga cùng lớp, còn tôi mới có lớp 2. Nhưng chúng tôi vẫn thân nhau vì cùng ở tổ đồng ca, tổ múa, tổ cắt khâu, thêu... Chúng tôi chơi với nhau khá thân. Sau khi học xong mỗi người một nơi, có thời gian tôi, Hồng Anh, Trúc Long và Tỏa cùng làm việc ở Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước. Sau chiến tranh chống Mỹ chúng tôi mới lại gặp nhau.

Hồng Anh bị bệnh hen mãn tính, tôi rủ HA đi tập khí công đân tộc VN. Thế là có dịp gần nhau hơn. Đi đâu chúng tôi cũng đi với nhau. Đi luyện công ở Yên Tử, Cúc Phương, các chùa chiền, đâu đâu chúng tôi cũng sát cánh bên nhau. Có thời gian gần như chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Hồng Anh hầu như khỏi hẳn hen, nếu khó chịu vận khí thì chả bệnh hen nào dám bám nữa. Hồng Anh cũng rủ một số người trong gia đình cùng đi tập khí công.

 Hôm đi chùa cầu siêu cho MD tôi gặp HA cũng đi.

Thấy HA gầy quá, tôi hỏi thì HA bảo ăn chay lâu ngày nên gầy chứ khỏe,không có bệnh gì. Tôi khuyên thôi ăn chay thì HA bảo thôi rồi. Tôi nói đùa:

- Gầy thế này mà khỏe, chắc sống lâu lắm, lại còn có gien của bác Văn nên chắc phải hơn bác.

Hồng Anh vui vẻ cười ha hả :

- Cũng có thể !

Vậy mà sau đó mấy tháng, vừa đi Quế Lâm về đến biên giới đã nghe con Ly gọi:

- Mẹ ơi, mau về đi. Cô Hồng Anh gay rồi !

- Gay là sao cơ ?

- Con không biết chỉ thấy báo tự nhiên cô ngã bất tỉnh, bây giờ đang ở viện.

 Vừa vế đến nhà, gọi cho ai cũng không được. Mọi người chắc đi thăm HA cả.

Tôi ngồi nghĩ mãi về HA. Sau lần HA bố trí cho chúng tôi đến chúc mừng Bác Văn nhân dịp giải phóng Thủ Đô, tôi đăng ký 2 lần nữa với HA cho chúng tôi đến chúc tết và sinh nhật bác, nhưng bộ đội bảo vệ không cho, vì bác Văn đã yếu. Tôi không muốn như mấy năm trước, mẹ con tôi hay đi chúc riêng, thăm riêng nên nói HA bố trí đi chung cả trường. Không ngờ những hình ảnh năm 2004 lại là những hình ảnh cuối cùng của chúng tôi chụp với bác Văn và HA.

Chiều thứ 7 Thiều gọi điện hẹn tôi chủ nhật đi thăm Hồng Anh. Vừa lúc đó con tôi về. Trên tay nó cầm di động:

- Cô Hạnh Phúc ạ ? Cô Hồng Anh sao rồi ạ? Thế ạ cô ?... Cháu gọi cho cô chỉ để hỏi thăm cô HA thôi... Lúc mấy giờ ạ ?... 4 giờ 20 ạ. Vâng cháu cám ơn cô. Cháu chào cô.

- Mẹ ơi, cô Hồng Anh đi lúc 4h20 chiều nay rồi.

- Khổ quá, mẹ lại chậm 1 ngày rồi. Vừa rủ chú Thiều mai đi thăm thì hôm nay cô ấy đã đi. Mẹ nghe hết rồi.

- Con đã chuẩn bị tinh thần về nói với mẹ, vì hôm vừa rồi chúng con đi thăm thì QA nó bảo nhìn vào chỉ số ở đầu giường thì cô Hồng Anh khó qua lắm, nên hôm nay con về để nói với mẹ.

- Con có biết mẹ đau và ân hận thế nào không ? Đầu tiên là cô Xuân Phương, rồi đến cô Minh Dương, bây giờ lại đến cô Hồng Anh. Mẹ ân hận và tự trách mình cả đời. Thế là lại chậm 1 ngày !...

Con tôi biết mẹ buồn và đau đớn, nó ngồi thừ ra vì nó cũng quen thân cả 3 cô, cuối cùng chẳng nói gì, nó đứng dậy buồn bã:

- Mẹ ơi, con đi về đây.

- Ừ đi đi, đi về đi !

Đó là 3 chuyện tôi chậm 1 ngày .

Chuyện thật buồn, phải không các quí vị. Càng già lại càng buồn khi nghĩ các bạn tốt quanh mình cứ vắng dần!!!

60 NĂM LƯ SƠN - QUẾ LÂM.

Nhiều bài đăng về cuộc họp mặt này nên tôi chẳng dám múa rìu nữa, chỉ đưa vài cảnh của lớp 3 thời ấy và một vài bạn lớp 2 của trường thiếu nhi VN tại Moskva năm 1954. 


        Hoa khôi Rợi đứng giữa, TN chỉ dám NÚP sau thôi.

Họp mặt đông quá, chỉ nhớ mặt nhau nhiều, còn tên thì quên hẳn. Hội thiếu sinh quân thường gặp nhau hàng năm , do đó nhớ nhau nhiều hơn, đồng thời hội TNVN Moskva cũng họp nhau hàng nămmay mắn hơn nhiều bạn 60 năm sau mới gặp nên ý ới gọi nhau nhiều hơn. Tôi không nhìn rõ trường thiếu nhi VN Moskva có những ai, chỉ nhìn thấy Tiến Đức, Minh Tường, Quốc Bưu, Tiến Hoàn, Minh Châu, Rợi, Ngọc Điểm, Lê Đoạn Yên, Trọng Thiều và Tuấn Nga. 



Lớp 2 đông nhất, được những 5 người. Rợi lần đầu tiên đi họp mặt nên nhiều người túm tụm hỏi han, chả là hoa hậu của lớp và của trường ta mà. Hồi ấy nhiều anh nhìn TRỘM lắm. Bây giờ nhắc lại vui đáo để, cười hơn cả nắc nẻ. 

             
         60 năm sau không luyện liếm mũi được nên vẫn thế này.

Họp chung xong, chuyển sang họp riêng từng lớp, lúc này các bạn mới bắt đầu hỏi tên, lớp nhau. Tôi thì nhớ nhất Phương Ly hồi TSQ hay cù mình đến lặng đi không thở được và phải xin tha, nhưng điều kiện của bạn ấy là :" Không chơi nữa à, không chơi thì cứ liếm mũi đi, không liếm được mũi thì cứ chơi". Mình về mấy đêm tập liếm mũi mãi mà không được, đành chịu cho bạn ấy cù. Chuyện trẻ con nhắc lại mọi người mới thấy lạ lùng, vì ngày nay chẳng đứa cháu nào của chúng ta lại biết những chuyện nghịch ngợm tương tự như chúng ta  ngày ấy. Trẻ con ngày nay thạo mọi chuyện trên trời, dưới biển cơ.




Đặc biệt tôi gặp chị Lợi y tá thời TSQ , sau này chị học thành bác sĩ. Tôi nhắc lại thời TSQ chúng tôi bị quai bị, chị và anh Vân đã bắt chúng tôi tiêm nước đái của mình 7 ngày liền, nhiều bạn muốn trốn mà không thoát. Chị cười và hỏi :" Em còn nhớ cơ à ?" " Vâng, em quên sao được những ngày ấy, muốn chạy trốn mà không thoát, toàn bị chị bắt lại ." Chị Lợi nay đã già, nhưng còn nhớ nhiều bạn lắm.



Cuộc gặp mặt chung có cả bộ trưởng Phạm Vũ Luận và thủ lĩnh TSQ kiêm học sinh lớp 5 Vũ Mão phát biểu mấy lời. Tất nhiên Vũ Mão là đồng chí, là bạn nên phát biểu khác với đương kim bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạotôi chẳng dám đưa lại lời phát biểu, song chỉ có một điều làm tôi chú ý, đó là bộ trưởng không xưng TÔI với mọi người mà rất khiêm tốn, xưng EM với chúng tôi. 

Xin nói chuyện riêng với lớp 2 của tôi : lần này ANH  Nguyễn Ngọc Điểm ga lăng đáo để. Anh gọi điện hỏi tôi có cố đi được không. Nếu quyết tâm cố đi được thì :"ANH sẽ thuê taxi đón EM đi và đưa EM về". Tôi cảm động quá, đành nhồi thật nhiều thuốc vào để đi. Yên ta ngạc nhiên hỏi :"TN là EM ông Điểm à ?" Điểm ta khoái chí cười ha hả. Nhu, Oanh, Hiên, Triều và Tỏa đọc để biết mấy đứa ngoài HN còn tồn tại vui ra phết. 


               60 năm sau Thùy và Rợi mới gặp nhau, mặc dù phải nhờ TN Rợi mới  nhận ra Thùy.Thùy vui ra mặt.


Lớp ta ngoài này chỉ có tôi dùng blogg thôi nên phải viết cho các bạn riêng. Còn các lớp khác thì rôm rả lắm. Xin nhắn với Nhật Lệ là bạn có trách tôi đưa ít ảnh về Rợi (thấy Rợi nói lại cho tôi thế) trong bài Đoan đã hồi hương, nhưng về xem lại ảnh thì tôi chẳng thấy mặt mình đâu, còn Rợi thì 6 ảnh nhé. Có lẽ nhiều quá thì đúng hơn. Rợi bảo: "Em không xem, nhưng thấy NLệ nói thế, em nói lại với chị thôi". Hề hề, NLệ xem lại đi.

Cuộc họp mặt chung và riêng kết thúc lúc 1 giờ chiều. Về đến nhà hết thuốc nằm khoèo đến tận 7 giờ tối, Bao Công gọi mới dậy xem. Thế là hết ngày 30/8. 

Hôm nay 1/9, kỳ nghỉ lễ đã ở giữa, chúc tất cả các quí vị, các bạn vui vẻ, mạnh khoẻ, sống lâu, giúp con cháu được càng nhiều càng tốt và cuối cùng là thật hạnh phúc trong gia đình riêng của mình. 

Xin kính chào các quí vị.