Du lịch Miền Trung 2012

Chúc mừng năm mới 2014 - Giáp Ngọ

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Chúc các quí vị mạnh khỏe, vui vẻ, thành đạt và thịnh vượng.

C новым годом уважаемые гости, дорогие друзья, примите от меня горячий привет.


Желаю, всем вам, крепкого здоровья, веселья, удачи и счастья в личной жизни.







NGÀY NÀY 32 NĂM VỀ TRƯỚC.

Vừa lĩnh được 200.000 đồng tiền tết nhà nước cho các cụ hưu, trên đường lần từng bước giữa đám người chật như nêm cối trên đường đi sắm tết 23 tháng chạp, mọi người rê từng bước ,từng bước, tôi cũng đang căng đầu tập trung theo họ thì có tiếng gọi:

- Cô Natasa, cô Natasa, cô Natasa ơi !

Tôi nghe tiếng gọi đoán người nào đó gọi mình, nhưng không quay lại và không trả lời. Vì đang tập trung lê từng bước trong đám đông, sợ họ đâm mình, chứ mình chẳng đâm ai bao giờ. Nhưng lại 3 tiếng gọi to hơn, nhanh hơn. Tôi đoán chỉ  có người ở LX những năm 80 của thế kỷ trước mới dùng cái tên này. Tôi đành quay lại. Hóa ra 1 cháu công nhân ở S. năm 1982. Không hiểu sao tôi lại nhớ nhanh thể, quay lại tôi trông thấy cô gái và lập tức :

- Ô, Mai đấy à? Cô tưởng ai gọi ai đó, chứ có biết cháu gọi cô đâu.

- Trời, cảm động quá, 32 năm còn gì, cháu không thể ngờ cô còn nhớ cả tên của cháu.

- Nhớ, nhớ lắm. Cô không thể quên những đứa đã cùng cô cách đây 32 năm vào rừng mận chặt cành về, ngâm nước chờ cho tết nở hoa.

- Thỉnh thoáng cháu vẫn nhắc tới chuyện này cùng người nhà và những người thân quen.

- Thôi, ngày tết, nói chuyện này mất thì giờ lắm. Lúc khác rỗi gặp nhau ôn nghèo, kể khổ sẽ nói nhiều. Bây giờ cô hỏi sơ cháu sống sao rồi.

- Cháu có chồng, 2 con, thằng lớn đang học ở Mỹ, con gái út đang học đại học ở VN.

- Giỏi nhỉ. Còn cháu ?

- Cháu làm kinh tế. Ở LX về nghèo quá, chỉ có vài rúp dắt lưng, cháu tập trung hết vào mở cửa hàng. Vì vào nhà nước thì lại nghèo vẫn hoàn nghèo.

- Giỏi, vượt cô rồi. Cô vẫn nghèo như xưa. Về  hưu, sống thanh thản, tằn tiện với lương hưu của nhà nước cho. Nên bây giờ đi lĩnh 200 ngàn đồng nhà nước cho ăn tết đây này.

Hai cô cháu vừa rê từng bước, vừa nói chuyện. Bỗng nghe đằng sau chửi bới ầm ầm. Hóa ra đằng sau 1 ô tô không may đụng vào 1 người đàn ông nào đó. Ông ta lập tức chửi bới. Chửi người lái xe, chửi đường chật chội không len nổi, lại chửi bộ trưởng Đinh La Thăng NGU, chật như thế này, khổ sở như thế này... mà còn ỈA ra cái trò cấm xe máy. Tôi chỉ nghe rồi cố gắng thoát khỏi đám này. Sực nhớ ra đang nói chuyện với cháu Mai, nhìn ngơ ngác, chẳng thấy đâu. Giữa đám đông người xô, đẩy 2 cô cháu tách nhau không 1 lời chào chia tay.

Nhớ lại ngày này năm xưa. Lúc ấy ở LX cũng gió, rét, -32 độ. Rét cắt da, cắt thịt. Bọn trẻ sang học dệt để trở thành công nhân dệt, mới trên, dưới 20 tuổi. Chúng là con , em 1 số cán bộ nhà nước ở HN và 1 số thanh niên xung phong đi khai hoang làm đường ở Tây nguyên sang. Lúc đó vẫn còn là ưu tiên chứ không phải mất tiền đi lao động như bây giờ. Chẳng ai bỏ xu nào để đút lót đi làm cu li. Chỉ đấu đá tiêu chuẩn thì có. Hàng ngũ đội trưởng, phiên dịch thì họ vận động các cán bộ là kỹ sư, tốt nghiệp ở LX về.

Sau 6 tháng họ vận động, tôi quyết định khăn gói, xách va li ra đi. Họ hàng từ trên xuống dưới phản đối. Nhưng tính tôi đã quyết thì dù là ai cũng không thay đổi được. Ngày lên đường để khỏi đau lòng người thân, tôi lẳng lặng ra đi, không dám chào ai. Một điều đến giờ tôi vẫn ân hận là tôi đã không được gặp lại những người đó nữa. Ông cậu tôi khi gặp tôi trở về, sau câu chào hỏi, ông nói liền:

- Cô Nga ra đi không chào ai, bây giờ về bà đã mất và có 3 ông bố nuôi đáng kính, lúc cần có thể nhờ vả thì không còn nữa.

- Vâng, cháu biết cái giá mà cháu phải trả là thế. Cháu chỉ biết sẽ đi thăm mộ bà và 3 ông bố nuôi để xin tha thứ...

Nói đến đây nước mắt tôi chảy ròng, ròng. Tôi nhớ lại khi bà ngoại tôi biết tôi sẽ ra đi, bà rên rỉ :

- Giời ơi, nó ra đi LX sung sướng để khi về sẽ gặp tôi ở Lủ, nghĩa trang họ Hoàng đây mà...

Tôi ra đi nào có sung sướng ! Đến nơi làm việc chiều hôm trước thì sáng hôm sau đã phải lăn lộn ra giải quyết 1 lô việc tồn tại mà không ai có thể giải quyết. Công việc nhiều, cứ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về. Lăn lộn với công việc của cả nhà máy . Một số sau khi học lý thuyêt đã đứng máy, một số đang ngồi học. Việc gì họ cũng gọi mình, chẳng biết quân của đội nào, cứ người VN là họ kêu, réo Natasa.Tuy công việc nhiều, nhưng làm việc như 1 cái máy thực hiện các thao tác vô hồn, còn trong đầu thì nhớ con da diết. Vừa làm , vừa khóc 4 tháng mới tạm nguôi nhớ con. Nhiều bà người Nga bảo nhìn thấy tôi mà thấy đau trong tim, vì mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe. Là những người mẹ, mà lại là những người mẹ Nga, nên các bà thương tôi lắm Nhiều bà rủ tôi về nhà để bớt nỗi nhớ nhà, nhưng tôi làm gì có thời gian đi chơi. Người ta có ngày nghỉ, còn tôi thì không.

Về đến KTX là các cháu vây quanh, ca cẩm đủ điều. Đặc biệt cháu nào cũng kêu, khóc, than là nhớ nhà quá. Thì tôi cũng kém gì đâu, nhất là chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tết. Mình là mẹ mà còn nhớ nhà đến thế, mà cuộc đời mình có phải ít khi  xa nhà đâu. Nhưng bây giờ ở xa đằng đẵng thế này. Trời thì rét căm căm, gió bay người đi, nhiệt độ thường trên, dưới -30 độ... Muốn ăn gì ngoài nhà ăn của xí nghiệp ra, thì chỉ nghỉ ca các cháu mới đi chợ khoảng 5-6 km bằng CẦN GIẬT , chúng gọi ô tô điện là cần giật, vì có cần lấy điện trên cao mà khi bắt đầu chạy là nó giật 1 cái thật mạnh.  Có lần các cháu vào phòng cô:

- Cô ơi tết đến nơi rồi, chỉ còn hơn tháng nữa thôi. Nhớ nhà quá.

- Cô biết rồi, cô rất, rất thông cảm với các cháu.

- Trong nhà còn ấm, ngoài trời 32 độ dưới không, tuyết một màu trắng xóa, tết mua đâu ra hoa để cắm, mặc dù nhà máy ký hiệp định cho chúng cháu nghỉ 1 ngày tết. Nghỉ chỉ để nhìn nhau khóc, hả cô ?

- Thế thà đi làm còn hơn chứ ở nhà lạnh lẽo thế này, ăn đã chẳng có gì, lại hoa không có dù chỉ 1 bông.

Chúng nói chuyện lâu lắm, vừa nói vừa khóc, khóc lây cả gần chục đứa. Tôi cũng khác gì chúng. Bỗng nhớ ra các cháu nói mùa thu nghỉ ca chúng rủ nhau vào rừng mận chơi, tôi hỏi:

- Các cháu nói ở đây có rừng mận à ? Xa không ? Đi bộ đến đấy có được không ?

- Chỉ độ 2 cây thôi ạ. Đường rừng như ở ta,cũng phải đi đường qua cầu mới tới. Mà cô hỏi làm gì ?

- Cô định nghỉ ca mấy cô cháu vào đấy chặt ít cành mang về. Cháu nào dám đi trong thời tiết này thì đi với cô.

- Nhưng cành không lấy đâu ra giấy để làm hoa.

- Không phải giấy, cô định 2 ngày nữa nghỉ ca, nghĩa là còn đúng 1 tháng là tết. Ta đi chặt ít cành về ngâm nước, may ra tết nó nở hoa, ra lá  vì đã xuân mà.

Chúng hào hứng hưởng ứng đưa tôi đi. Rét -32 độ, gió rít ầm ầm, sáng ra thấy 5 đứa vào phòng rủ tôi:

- Cô ơi, ta đi thôi, hôm nay may tuyết không rơi. Đi thôi cô nhé.

Sáu cô cháu mang theo dao, mặc thật ấm vào rừng mận. Hăng hái lắm nên chẳng bao lâu tới rừng mận. Từ bé tôi mới thấy rừng mận bạt ngàn như vậy. Mấy cô cháu hăm hở trèo lên cây chặt cành. Chúng chặt những cành nào tôi chỉ cho.Tính ra mỗi người chặt 5 - 7 cành mang về là vừa sức. Chúng tôi có vác được đâu, vì cành to, tuyết ngập gần đùi gối, cứ cành nọ mắc vào cành kia rồi kéo lê trên tuyết. Lúc đầu thì chưa cảm thấy gì. Sau càng đi, càng thấy nặng, có đứa bảo vứt bớt đi, nhưng rồi lại tiếc công chặt và kéo về được một đoạn, thế là lại động viên nhau kéo tiếp. Nhưng trời không phù hộ nữa rồi. Lại bão tuyết, gió rít như xé tai, đẩy 6 cô cháu cứ giật lùi, giật lùi không chống lại được. Đứng lại thì không được, phải về thôi. Lỡ có chuyện gì thì tôi vừa là đầu têu,vừa là đội trưởng  sẽ không thể sống nổi.

- Cầu đây rồi, cố lên các cháu, sắp đến nhà, chỉ còn 1 tí nữa thôi. Cố lên, các cháu. Vứt hết cành đi, mấy cô cháu ôm nhau, chống lại gió mà về.

- Không được, cô ơi ! Bao công từ sáng đến giờ cô cháu mình nhịn đói, chịu rét, vất vả lắm mới tha được về đến gần nhà lại vứt. Không vứt ! Tiếc đứt cả ruột ra ấy, cô ạ.

Thế là mấy cô cháu chằng các cành lại thành 1 cụm cành thật to, cùng nhau hợp sức một tay kéo, một tay ôm chặt nhau thành 1 khối, 6 con ngựa 2 chân cố kéo các cành mận về.

Qua cầu 1 cháu mỏi quá, tuột tay khỏi bạn, gió cướp nó đi,  tí nữa bay xuống cầu. Tất cả chống gió, chạy theo ôm nó trở lại. Thật may ôm được nó vào tay, chúng tôi lại cố kéo cả nó, cả cành về. Còn độ 100 m nữa là đến KTX. Mấy cô cháu mừng, vừa mạo hiểm mà thoát nạn. Nghỉ lại gần KTX người Nga, tôi dặn các cháu :

- Về cấm đứa nào được kể chuyện này cho ai nghe, nhất là đội trưởng và phiên dịch.

Theo tôi chỉ dẫn, chúng chia nhau mỗi phòng 3 cành, ngâm vào xô nước. Tin bọn VN cứ ngâm củi trong phòng mà phụ trách nói sao chúng nhất định không cho vứt,  đến tai phó tổng giám đốc. Họ đồn nhau, chúng nó bảo có lẽ bọn VN cắm cành khô trong nhà theo tục lệ của VN chắc để trừ MA.

Ông phó TGĐ  gọi tôi ra hỏi, tôi trả lời bọn nó không phải mê tín, mà lấy cành về để làm hoa giả chơi tết như ở VN thôi. Ông ta nhân nhượng cho để lại. 

Vài ngày tôi bảo các cháu thay nước 1 lần, khoảng nửa tháng sau rễ mọc, lá xanh lún phún ló ra, chúng khoe rối rít là rễ mọc nhiều lắm, có cả lá xanh mỉm cười rồi. Nhưng tôi bảo :

- Mục đích của ta không phải rễ mà là hoa.

- Cô ơi, rễ đã mọc, còn có tí mầm lá xanh, thế chúng cháu thấy đáng lắm rồi.

- Cô vẫn chờ hoa cơ.

- Cụ ơi, cụ tham thế, cụ thử ra ngoài kia xem có 1 chiếc lá xanh nào không, vậy mà trong nhà ta có lá xanh, bọn " Nga ngố " phải lác mắt cô cháu mình, cụ còn mơ hoa.

- Không được gọi là " Nga ngố", nghe chưa? Về đi cho cô đi ngủ, chờ tết xem sao đã, đừng có hí hửng vội.

Rồi 1 tết cũng tới. Sáng ra cả KTX vang tiếng cười chưa từng có bao giờ. Chúng ôm nhau nhảy nhót, la hét, vui đúng như ngày tết. Đứa nọ sang phòng đứa kia xem, hóa ra tất cả các phòng cắm CỦI nay hoa nở trắng xóa. Chúng kéo nhau vào phòng cô Natasa thì thấy cũng thế. Chúng ôm cô khen đủ điều. Còn tôi thấy mừng, bõ công vất vả, thậm chí nguy hiểm kiếm cành và chờ đợi đến ngày nay.

Phó TGĐ và ban lãnh đạo công đoàn 11 giờ đi chúc tết công nhân, tất cả đều mắt tròn xoe, mồm há hốc và khen bọn VN thật là thông minh. Vì cũng từ bé đến giờ họ mới thấy cảnh này.

Gặp cháu Mai đã gợi cho tôi cảnh này và viết lại để có quí vị nào muốn đọc thì đọc. Tôi cám ơn quí vị nào đã đọc bài này.

Chỉ còn 5 ngày nữa là tết, xin kính chúc các quí vị một năm đầy sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc. Mong tất cả năm mới sẽ khỏe và nhanh như NGỰA.

Xin kính chào !