Du lịch Miền Trung 2012

SUY NGHĨ LẨN THẨN, VẨN VƠ.

Từ suy nghĩ linh tinh, bây giờ tôi lại suy nghĩ lẩn thẩn, vẩn vơ rồi. Nhớ lại hồi còn trẻ, lúc còn đang đi học 2 từ CẢI CÁCH sao mà lạ thế. Rồi 2 từ cải cách cũng đã đến ngay với gia đình tôi - một gia đình thuộc ngành GIÁO DỤC, đó là cải cách chữ viết của VN. Cho đến nay tôi cũng không hề biết ai đã đưa ra cái cải cách chữ viết ấy. Tôi nhìn chữ viết CẢI CÁCH mà thấy lạ lùng, tưởng cải cách chữ sẽ đẹp hơn, ai ngờ nó rời rã, tả tơi mỗi nơi một nét. Tôi khó chịu quá về nhà hỏi chú tôi:

- Chú ơi! Ai nghĩ ra cải cách chữ mà buồn cười thế?

- Buồn cười à ?

- Vâng. Gọi là buồn cười thôi, chứ thực ra khó chịu lắm.

- Khó chịu thế nào?

- Thì chú biết đấy, chữ tiếng Anh viết liền dính nhau như cháu đã học, chữ VN không thế, nhưng viết chữ nọ liền chữ kia còn bây giờ lại ngắt cụt từng chữ trong 1 từ, chả đẹp tí nào!

- Hì... Mày đi mà hỏi người cải cách chữ đi chứ hỏi gì tao?

- Thì cháu có biết ai là người ĐẦU TÊU ra cái cải cách chữ của nhân vật nào đâu mà hỏi. Chú nói cho cháu biết đi!

Hì...

Ông biết tính tôi sẽ làm đến cùng nên không nói. Vậy là tôi hậm hực bỏ về nhưng vẫn làm theo cách của mình, nghĩa là vẫn dạy học sinh, sinh viên của mình theo cách viết cũ. Hơn nữa sau mỗi buổi học tôi đều nói :

- Tất cả hãy cố gắng viết chữ Việt cũng như chữ Nga như tôi viết, ai viết sai tôi trừ điểm và không công nhận bài viết.

Một thời gian sau học sinh và sinh viên bắt đầu nói với tôi về cải cách chữ. Chúng chê bai chữ cải cách và ủng hộ tôi vẫn viết như cũ. Tôi nói với các cháu:

- Chúng ta thấy chữ cũ đẹp thì cứ viết. Chữ mới xấu ta không dùng. Có thế thôi. Không phải nói gì.

Qua cải cách chữ một thời gian dài lại đến cải cách từ 10 lớp lên 12 lớp. Lại rối tinh, rối mù lên. Các gia đình có con trong diện cải cách bàn tán suốt ngày. Nhất là tôi lại ở nơi mà người ta gọi là  LÀNG ĐẠI HỌC thì không nơi nào là không bàn tán. Tôi về nhà hỏi chú tôi:

- Chú ơi! Hết cải cách chữ rồi bây giờ lại cải cách lớp. Cải cách tăng lớp theo chú tốt hay xấu?

- Thế con thấy sao? Nên hay không?

- Chú ơi, cháu vất vả khổ sở  lắm trong bao năm mới học xong lớp 10. Vậy mà bây giờ lại chuyển lên 12 năm thì chết con người ta. Đã nghèo cho con cố mà học lớp 10 để vào đại học, mở mang chút ít. Bây giờ bắt con người ta thêm 2 năm nữa nuôi con. Trẻ con phải vừa học vừa làm thêm 2 năm nữa,  không kể phải ĐÚP, chúng làm sao kiên nhẫn để không bỏ học. Thật chán cho những cái đầu không suy nghĩ đến ai chỉ nghĩ đến mình thôi.

- Hì...Con nói chỉ nghĩ đến mình thôi phải không?

- Vâng. Theo cháu điều đó là chắc chắn. Ai là người nghĩ ra điều đó, hả chú?

- Hì... Con các ông ấy xong rồi bây giờ các ông ấy cải cách con người khác.

- Thế ai đầu têu, hả chú?

- Hì...

Lại giống lần cải cách chữ, ông không nói cho tôi biết người ĐẦU TÊU cải cách này.

Vậy là cả 2 lần tôi không được chú tôi cho biết những nhân vật ĐẦU TÊU cải cách. Cho đến khi ra đi mãi mãi ông cũng không nói cho tôi biết.

Còn ông - tôi chắc chắn ông biết rất rõ những người này và lý luận về cải cách của họ trong những buổi họp về cải cách. Tôi cũng biết ông đứng về phía tôi,  nhưng ông không nói ra.

Đang viết dở bàn phím trục trặc không viết được nữa. Xin lỗi quí vị tôi sẽ viết tiếp sau. Cám ơn các quí vị đã đọc, xin lỗi nếu có gì sai sót trong khi viết vì sửa mãi không được.

Xin kính chào !


SUY NGHĨ LINH TNH.

Nhàn cư thì suy nghĩ lung tung cũng phải. Nhớ thời còn ở Việt Bắc những lúc đi trong rừng lang thang một mình chẳng ai quan tâm đến sự sống chết của mình hoặc đơn giản nhất là no, đói cũng chẳng ai biết đến, sao mà cuộc đời đơn giản đến thế ! Còn nay thì cuộc đời  của tất cả mọi người : lớn, bé, già, trẻ, thật phức tạp đến khó hiểu. khi lớn lên chút nữa, nghĩa là 10 tuổi thì từng giai đoạn một có sự đổi thay mà bây giờ tôi không thể nhớ nổi.

Nhớ nhất ngày đầu tiên vào trại thiếu sinh quân cục Tổ Chức, tổng cục Chính trị , người ta thì đi đoàn này đoàn nọ, còn tôi thì chỉ có 1 anh bộ đội đưa đi bộ từ sáng đến chiều. Nơi này toàn thiếu nhi, anh bộ đội giao mình cho anh phụ trách trại, đưa gì đó cho anh ta và ra nói với tôi:

- Em ở lại đây với các bạn nhé, anh về đơn vị đây.

- Vâng, anh về. Em chào anh ! - Nước mắt chạy quanh, tôi cố trả lời anh bộ đội thật bình tĩnh.

Bây giờ mới thực sự sống tập thể giữa các bạn đồng lứa. Nơi đây giờ nào việc ấy. Tất cả sống theo kỷ luật như bộ đội chính qui. Sáng ra trung đội  nào, tiểu đội nào làm việc gì đều được phân công rõ ràng. Mỗi trung đội đều có phân công kiếm củi, lấy gạo, xách nước cho cả trung đội dùng suốt ngày. Cấp dưỡng chỉ nấu cơm, thức ăn cho TSQ, còn lấy củi,  bổ củi, xách nước, rửa máng ( máng dùng thay bát đựng thức ăn ) đều phải phân công các trung đội trực cả ngày...

Tất nhiên tôi thích sống như thế này. Tuy vậy đêm đến tôi vẫn nhớ đến những ngày sống tự do như con thú hoang trong rừng. Nhớ những lúc hoàn thành nhiệm vụ, khi trở về tay không lang thang trong rừng. Đói tìm thức ăn như ổi, mơ, mận,trám, quả gì chim ăn được mình cũng ăn. Khát lay cây nứa non hay vầu non, lắc có nước là chặt uống hoặc tìm các cây bứa leo lên rung cho quả rụng, xuống nhặt ăn hoặc tìm các cây vải, bới gốc lấy quả chín bóp ra ăn cục mật ở trong. Cục mật vừa ngọt, vừa mát, nuốt xong có cảm giác mình vừa được ăn một miếng thạch ngon, tỉnh cả người, mệt mỏi tiêu tan hết. Cũng chẳng có gì to tát , chỉ đơn giản sống giữa bộ đội, giữa những người lớn mà mỗi mình mình là bé. Các anh quí mình thì cũng quí, song hay bắt nạt mình, không vừa ý là đánh, là cốc thủng đầu... Còn ở trại TSQ chẳng ai đánh, mắng mình, khi làm sai thì bị phê bình. Lớn giúp bé, khỏe giúp yếu, tập quân sự hành quân thì giúp nhau mang, vác nặng, ngã thì giúp nâng...Sự đoàn kết giữa những con người cùng lứa khác hẳn.

Trong trại cấp trên tổ chức cho các bạn lớp trên dạy văn hóa cho lớp dưới. Ai học lớp nào thì tự khai. Tôi có được học bao giờ đâu mà biết học lớp mấy. Khi thấy các anh hỏi học lớp mấy tôi ngạc nhiên.

- Lớp mấy là thế nào ?

- Là lớp nhất, lớp nhì, lớp ba ở trường ý.

- Thế lớp ba to hay lớp nhì to ? Mà nhì là gì ? Em có đi học ở trường bao giờ đâu mà biết.

- Tất nhiên nhì là 2, còn hỏi.

- Vậy em vào học lớp 3.

Còn các tổ chức thiếu niên tôi làm sao biết được đội THIẾU NHI THÁNG TÁM  là gì. Họ còn hỏi tôi có biết khăn đỏ là gì không, có biết 5 điều Bác dạy không. Tôi làm sao biết được nghĩa của những danh từ ấy,  chứ đừng nói đến các tổ chức ấy.

Tôi tìm một cô bạn có vẻ hiểu biết, vì cô ấy đã đi học ở trường kháng chiến để hỏi những từ, những tổ chức ấy có nghĩa là gì. Cô ta giải thích một lèo rồi đọc vanh vách 5 điều Bác dạy.

 1. Yêu Tổ Quốc.
 2. Thương đồng bào.
 3. Chuộng lao động.
 4. Giữ vệ sinh.
 5. Trọng kỷ luật. 

Cô bạn giải thích cho tôi các từ khó hiểu và ý nghĩa từng câu. Sau đó bắt tôi nhắc lại. Tôi nhắc lại đúng nguyên, cô bạn khen tôi sáng ý.

Bây giờ 5 điều Bác dạy họ đã thay đổi không còn như xưa. Tên đội cũng thay đổi theo từng thời kỳ.

Nghĩ lại cái thời đơn giản ấy mà buồn cười, mà luyến tiếc. Dạy nhau thật lòng, yêu nhau thật lòng, giúp nhau thật lòng, chẳng biết ai là con cháu ai, xuất thân từ đâu...

Rồi hầu như đều sang TQ học để tránh bom đạn, và ý nghĩa lớn hơn cả là để thành người xây dựng đất nước sau này. Chúng tôi hầu như ai cũng nghĩ:

Mình là mầm non của đất nước, phải bền trí, gắng quyết tâm học hành vì bây giờ không đủ sức chống xâm lăng. Học để rèn luyện tâm trí và học để xây đắp nước Nam sau này nên phải cố hết sức mình có. Mấy ai được như mình bây giờ. Chỉ đơn giản như thế thôi.

Với những ý nghĩ đơn giản của bọn trẻ lớn nhất là 13, bé nhất là 7 tuổi , thế mà các thầy, cô giáo các anh chị bảo mẫu hầu như không phải vất vả vì sự ngang trái của chúng tôi. Công bằng mà nói hầu hết chúng tôi đều ngoan, đều học giỏi, tất nhiên cũng có bạn bướng bỉnh mà lúc đó chúng tôi gọi là  BA GAI. Gọi là ba gai, nhưng so với nhiều trẻ bây giờ vẫn còn ngoan chán. Ba gai chỉ nghịch ngợm, lười tự học, trêu bạn bè, không thích tham gia các hoạt động tập thể và đôi lúc gây sự với bạn thôi.

Cũng vì vậy mà nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nói thật lòng là lúc đó chúng tôi có được chọn lọc mấy đâu mà hầu như ai cũng trưởng thành, cũng học giỏi. Nhiều bạn đã trở thành lãnh đạo của đất nước, trở thành các cán bộ nòng cốt của nhân dân. Riêng 100 học sinh trường thiếu nhi VN Moskva của chúng tôi có tới 40 người là phó tiến sĩ và tiến sĩ, có cả viện sĩ. Đó không phải là sự cố gắng hết sức mình của thế hệ chúng ta hay sao?

Thời chúng tôi càng con ông to, bà lớn càng phải cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn, gương mẫu... Tóm lại là phải thật hoàn hảo để khỏi làm ô danh cha mẹ, để cha mẹ yên tâm làm việc phục vụ nhân dân, để cha mẹ tự hào về mình. Tuy không ai biết cụ thể bạn này, bạn kia là con ai, nhưng chúng tôi đều hiểu rõ là ít nhất chúng ta không phải là con ông nọ, bà kia, không phải con liệt sĩ, không phải con các nhà hoạt động cách mạng thì bản thân cũng là bộ đội con ( thiếu sinh quân). Lúc đầu nhiều trẻ con theo các anh bộ đội đi kháng chiến, các anh bộ đội sai làm việc nọ, việc kia, làm việc vặt rồi cao hơn là đưa tin, đưa thư ( liên lạc viên) từ nơi nọ đến nơi kia, đến bữa gọi cho ăn cùng, có gì ăn nấy, có thì ăn, không có cùng nhịn...Đơn giản thế, nhưng chúng tôi cũng đã nhờ thế mà trưởng thành, mà lớn lên giữa những anh bộ đội bình thường nhất. Sống giữa những người cao nhất nước cùng những người bình thường nhất đất nước, không có sự phân biệt như bây giờ làm cho đầu óc non trẻ của chúng tôi không bao giờ nẩy sinh công thần, tâng bốc, giả rối, nịnh hót...Bữa cơm của mọi người như nhau, chứ không có cơm quan, cơm lính. Sau này có cố vấn TQ mới có chế độ đại táo ( bếp lớn,to ), trung táo (bếp vừa ) , tiểu táo (bếp nhỏ).Bếp to cho mọi người, bếp vừa cho cán bộ vừa, bếp nhỏ cho cán bộ cao cấp.

Qua đi tuổi thơ ấu rồi đến tuổi lớn lên thành thanh niên. Đi làm để trả nợ công ơn nhà nước nuôi mình ăn học. Một bước ngoặt trong đời mỗi người trong chúng tôi. Tỏa về khắp mọi ngả của đất nước theo yêu cầu của Tổ Quốc.Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ Quốc cần. Chẳng ai chống lại sự phân công đi đến đâu, dù đó là vùng cao hẻo lánh nhất như Mù Căng Chải, nông trường Mộc Châu Sơn la...Làm hết sức mình có, không kể thời gian và tất nhiên chẳng bao giờ có bồi dưỡng. Giờ giấc ư ? Làm gì có, công việc chừng ấy cứ làm xong thì nghỉ, mà làm xong thì nhiều người phải nửa đêm mới được nằm. Mọi việc đều phải tự lo, tự tìm, tự hỏi, không như bây giờ tra tự điển, cao là google. 

Chiến tranh chống đế quốc Mỹ biết bao người trong chúng tôi đã quay trở lại quân đội và gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu khắp mọi miền, không ít các bạn tôi đã hy sinh anh dũng cho đất nước thân yêu này. Sau này họp trường, họp TSQ mới biết họ đã hy sinh hay vẫn còn sống.

Sau năm 1975 một số bạn lên làm lãnh đạo một số làm khoa học, làm kinh tế, làm văn học, nghệ thuật... Ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ cương vị nào các bạn cũng cố hết sức mình phục vụ nhân dân. Lúc này chúng tôi mới có thời gian quan tâm đến bạn nào là con ai. Ngẫm lại thấy con các ông to, bà lớn đều là tấm gương cho mọi người theo từ khi còn nhỏ. Không phải tôi thấy người sang bắt quàng làm họ, hay khoe khoang thân con ông nọ, bà kia, nhưng cả đời tôi thấy phục các bạn ấy. Dù làm lãnh đạo,  kinh tế hay khoa học , làm văn học hay nghệ thuật, lúc họp nhau chúng tôi vẫn như xưa. Giữa chúng tôi không có khoảng cách. Một số bạn đã ra đi,  nhưng mỗi khi họp nhau chúng tôi bao giờ cũng nhắc lại...Những lúc này mới thấy nhớ các bạn ấy đến não lòng.

Sắp tới sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thiếu nhi VN Moskva duy nhất của chúng tôi, sự vắng mặt của các bạn ấy sẽ làm cho chúng tôi buồn, không được vui trọn vẹn. Vẫn biết là nơi ấy ai mà chẳng đến, nhưng  làm sao khỏi buồn đau khi vắng các bạn tuổi thơ của mình...

Chúng tôi đã ở tuổi 70 trở lên thường không ai nghĩ cho mình nữa, bây giờ nghĩ cho con, cháu, chắt rồi.Tất nhiên những người như chúng tôi không thể không nghĩ đến thế hệ hiện nay và nhiều điều muốn để lại...

Nhưng buồn một nỗi khó nói quá, nói ai nghe mình đây? Tiếng nói của mình thật bé, nhỏ quá, làm sao thấu được đến những nơi mà mình muốn nói...Tôi nghĩ rằng những người như chúng tôi bây giờ thấy đau nhất là nền giáo dục của ta. Cải cách, cải cách và cải cách...Nhưng ta đã thu gì được từ cải cách? Thanh, thiếu niên bây giờ ra sao nhỉ?Trách nhiệm thuộc về ai : cha, mẹ, nhà trường, thầy cô giáo hay bản thân chúng? Ôi khó nói quá !!! Trước đây chắc không như bây giờ. Thật buồn !!! 
Các quí vị thấy sao ?


Viết ít dòng tâm sự, quí vị nào có thời gian đọc cho nhớ lại thời chúng ta. Cám ơn các quí vị đã bỏ chút ít thời gian quí báu đọc bài này.

Xin Kính chào !

                        

                  







 

CHUYỆN VẶT.

Thiếu sinh quân cục tổ chức tổng cục chính trị của chúng tôi hàng chục năm nay đều tổ chức hành hương về cội nguồn. Từ khi bạn Tiến Nguyên còn sống chúng tôi đã thường xuyên được các bạn trong ban liên lạc tổ chức lên Việt Bắc kèm theo quà của đoàn cho những nơi chúng tôi đến. 


Đi về cội nguồn là miềm mơ ước của chúng tôi hàng năm. Khoảng 5 năm gần đây, chúng tôi mới tham gia TSQ toàn quốc do anh Vũ Mão làm trưởng ban liên lạc. Theo thường lệ ngày 14/12/2013 chúng tôi họp mặt TSQ cục Tổ chức TCCT ở HN và quyết định năm nay đi thăm mộ bác Văn.

Chúng tôi chờ đợi chuyến đi thăm mộ bác Văn từ ngày 14/12/2013, khi cả đoàn TSQ quyết định lần này đi viếng bác Văn, ai cũng nóng lòng chờ đợi 3 tháng dài phía trước. Chúng tôi quyết định đi Quảng Bình 2 ngày 1 đêm, vì đều già rồi. Ban liên lạc TSQ cục Tổ chức Tổng cục Chính trị thỉnh thoảng lại thông báo kế hoạch đi cho mọi người biết thời gian, hành trình  thay đổi của chuyến đi để khỏi sốt ruột và xem còn ai đăng ký đi. Số TSQ tham gia ngày một ít do tuổi tác, sức khỏe. Năm đầu tiên có khoảng 70 người tham gia, không kèm theo người nhà, vậy mà lần này cả người nhà mới được 44 người, số TSQ chắc chỉ 20 người. Nhưng ban liên lạc cũng chiếu cố đến các cụ, cho cả người nhà tháp tùng là quá tốt. . Đầu tháng 3/2014 tôi nhận được thông báo của trưởng đoàn - đại tá Đinh Bá Trụ (đt ĐBT) và phó đoàn anh Văn Dũng thông báo rõ ngày, giờ, thời gian đi.

Lo nhất của tôi là không may ngủ dậy muộn thì toi. Vì vậy tôi gọi điện nhờ một số người đánh thức tôi, trong đó có Văn Dũng và Hà Đăng Tín (biệt danh cụ Noilieu - cụ NL ).

Mới hơn 5 giờ sáng  cụ NL đã gọi tôi ra đầu ngõ đi, cụ ngồi trong taxi đang đợi. Tập kết 6 giờ sáng ở Big C Thăng Long, từ nhà tôi đến đó có 15 phút, vậy là chưa đầy 5 rưỡi đã đến nơi. Phải đợi dài RỐN ở đó gần 1 giờ. Tôi và  cụ NL nói chuyện với nhau, hóa ra cả 2 đều thức hầu như  suốt đêm, còn con Lưu Ly thì không quen dậy sớm nên cứ ủ rũ. Cuối cùng 6 giờ 30 ô tô mới đón.

Lên xe con Lưu Ly ngủ ngay tới tận trưa khi đến Nghệ An. Mọi người lâu ngày mới gặp nhau nên chuyện nở như ngô rang. Đt ĐBT phổ biến kế hoạch đi 3 ngày, 2 đêm từng chặng đường rất tỉ mỉ. Chắc ban liên lạc phải làm việc cẩn thận và mất thời gian lắm mới có được kế hoạch chu đáo thế. Đặc biệt là anh Văn Dũng đã liên hệ với tỉnh ủy Nghệ an và Quảng bình bố trí giúp cho đoàn ăn, ở chu đáo.
Tỉnh Ủy Nghệ An tiếp đón đoàn TSQ, đang nói chuyện với ĐT Đinh Bá Trụ
Cơm no, rượu say, chuyện trò vui vẻ

Nghe phổ biến xong mọi người tiếp tục chuyện trò, ai ngủ thì cứ ngủ. Cụ NL lần đầu tiên tham gia chuyến đi xa cùng TSQ nên ngồi im và ai nói gì, hát gì cụ cũng GẬT lia lịa. Vì thế về nhà bị VẸO cổ mất vài ngày.

Đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo. Ban liên lạc và thủ quĩ nói thế nào các đ/c ở tỉnh ủy cũng không chịu cho thanh toán. Vậy là đến Quảng Trị các đ/c chỉ huy của chúng tôi đành quyết định lặng lẽ đến và lặng lẽ đi vì ngại quá. Họ nhiệt tình và tôn trọng chúng tôi thật sự, không mầu mè, khách sáo nên đt ĐBT nói: "Chúng ta được đón tiếp nhiệt tình, long trọng quá. Thật ra nếu tôi đeo lon đại tá đi ở ngoài đường cũng chẳng ai để ý, nhưng ở đây đeo lon đại tá, trưởng đoàn TSQ, được người ta đón tiếp nhiệt tình, long trọng quá nên mình cảm động lắm. Thật sự cảm động, các đ/c ạ".

Đi cả ngày, tối mới đến được mộ bác Văn. Cảnh vật chung quang không còn nhìn thấy gì vì tối thui, biển ngay trước mắt cũng không thấy chỉ nghe tiếng sóng đánh rì rào, khiến cho nhiều người trong đoàn cảm thấy chưa thỏa lòng mong mỏi.


Theo đề nghị chung, trưởng đoàn quyết định khi ở Quảng trị ra sẽ rẽ vào chào bác Văn vào sáng 27/3/2014. Vậy là chúng tôi thăm viếng bác Văn tối 25 và trưa 27/3/2014 rồi mới về HN. Cũng vì vậy mà phải bỏ một vài nơi dự định đến và tận 1 giờ sáng 28/3 mới về tới HN.


Chuyến đi thành công tốt đẹp, ai cũng vui và hài lòng. Chỉ có 2 sự cố nhỏ trên đường:  

1. Ô tô bị nổ lốp trên đường, chắc là VỚ phải đinh của bọn đinh tặc. Ô tô đỗ lại khoảng 30 phút thay lốp, cụ NL đã đưa tin trên blog của cụ rất cụ thể.

2. Tự dưng tôi thấy ô tô dừng lại. Sau khoảng 5 - 7 phút lái xe lại nổ máy đi tiếp. Xuống đến Thành cổ Quảng Trị tôi hỏi anh lái xe :

- Răng lục nạy anh bị hịt còi rửa?

- Cháu đi sang làn đường.

- Rồi sao giải quyết nhanh thế? Không bị phạt à?

- Xuống họ hỏi, cháu nói ngay cháu lấn sang làn đường bên kia.

- Họ tha bổng à?

- Không, cháu bảo lái xe đưa đoàn các cụ TSQ về cội nguồn, toàn người già, căng thẳng quá nên mắc lỗi.

- Rồi sao nữa?

- Cháu bảo để cháu lên xe mời đ/c đại tá trưởng đoàn xuống làm việc. Họ bảo thôi, không cần và phải cẩn thận lái tiếp cho các cụ.

- May nhỉ! Chắc nhận lỗi ngay nên họ tha chứ cù nhầy thì chết.

- Vâng. Mà cháu tưởng bà là người HN hóa ra bà là người trong này à ?

- Sao anh nghĩ thế?

- Vì cháu thấy bà nói lục nạy bị hịt còi là gì.

- Tôi nói cho đùa vui thôi chứ tôi lần đầu tiên trong đời vào đây và tôi là người Tràng an. Mẹ con tôi quyết  tâm đi, vì chưa bao giờ được vào đây và cũng khó có dịp đi như thế này.

Từ khi đó mấy anh lái xe hay quan tâm, chuyện trò với mẹ con tôi cởi mở như đã quen từ lâu suốt chặng đường còn lại...

Đến Quảng Trị tôi và cụ NL rất vui được gặp bạn blogger BD. Bạch Dương rất nhiệt tình, trên đường đi luôn liên hệ xem chúng tôi đi đến đâu để bố trí tìm cách gặp. BD cũng đã tặng đoàn TSQ mỗi người 1 huy hiệu Thành cổ Quảng trị, riêng tôi và cụ NL được quà to hơn mà cụ NL đã đưa lên FB rồi. BD không quên gửi nhờ cụ NL mang ra HN cho một số bạn bloggers nữa. Thật cảm động tình cảm BD dành cho chúng tôi thắm thiết, chân thành quá. Người Nghệ an, Quảng Bình, Quảng Trị đối với chúng tôi nhiệt tình lắm. Tiếc hôm ấy H/A quá cao và phù to quá không thể đi chơi Quảng Trị với 2 mẹ con BD. Thay mặt tất cả các bạn ngoài này một lần nữa cám ơn BD. Hy vọng còn gặp lại và nhất là lại được gặp nhau tại HN...

Chụp cùng với hai mẹ con Bạch Dương

Chụp cùng hai mẹ con Bạch Dươg và blogger Noilieu

Đặc biệt chuyến đi này có một số TSQ của chúng tôi và bộ đội thời chống đế quốc xâm lược Mỹ trực tiếp tham gia các cuộc đánh tại những nơi đây, có đ/c còn tham gia đánh nhau ở ngay Thành Cổ Quảng Trị, nơi được gọi là CỐI XAY THỊT mà may mắn còn đi cùng chúng tôi kể lại những gì các đ/c ấy trực tiếp tham gia, ác liệt đến mức nào. Người thật, việc thật làm cho chuyến đi càng thêm phần ý nghĩa.

Tôi thấy nhiều bài đăng cụ thể, rất chi tiết, ảnh đẹp, văn rất hay nên không dám nho nhoe viết và đăng gì, chỉ ít dòng cảm tưởng của chuyến đi xa nhất mà TSQ  cục Tổ chức TCCT đã tổ chức mấy chục năm qua, hơn nữa lại là lần đầu tiên mẹ, con tôi được vào khúc ruột miền Trung. Rất tiếc một số bạn không thể tham gia. Tôi  vô cùng cám ơn tất cả các đ/c đã tham gia tổ chức chuyến đi đặc biệt có ý nghĩa này cho chúng tôi, nhất là cho mẹ, con tôi.

Xin cám ơn và chào quí vị.