Du lịch Miền Trung 2012

ĐIỂM 5 ĐẦU TIÊN Ở MOSKVA.




Nhân ngày kỷ niệm 61 năm đến Moskva, tôi viết bài này để nhớ những ngày đầu tiên học tiếng Nga, tuy tôi không còn nhớ mình viết đây là lần thứ mấy, nhưng thôi cứ viết ra ai chưa đọc thì đọc, còn ai đọc rồi thì lượng thứ cho.

Có ai dám khẳng định với tôi là suốt đời đi học chưa bao giờ coppy bài và chưa bao giờ nghe bạn nhắc bài không. Tôi thì chắc chắn điều đó không phải một lần nhắc bài mà chúng tôi thường xuyên nhắc nhau. Chúng tôi có lợi là cả lớp biết tiếng Việt, chỉ mỗi cô giáo không biết. Ngược lại cô giáo biết tiếng Nga, còn chúng tôi là những đứa trẻ không biết tiếng Nga ngồi lớp cô dạy không có phiên dịch, không có tự điển. Nghĩ lại những ngày đầu bỡ ngỡ ấy ai không thấy ngạc nhiên mới lạ chứ.
Vừa chân ướt, chân ráo đến nhà 28 , phố Katralova là trên đã sắp xếp chúng tôi vào từng lớp và học ngay. Cứ chiều nào chị y tá Nina cũng mang cặp nhiệt độ vào lớp kiểm tra từng người. Khốn khổ cho tôi bị bắt ngay buổi đầu, chưa kịp ngồi nóng chỗ, tôi nói không ngoa đâu. Vừa nhận sách, vở, chuẩn bị cho giờ học thì chị y tá đến ngay chỗ ngồi ra hiệu đi theo chị. Hóa ra tôi sốt, chị đưa ngay lên tầng 2 y xá cách ly. Thế là xong, chưa biết tí gì đã phải cách ly.

Nằm phòng cách ly Hồng Anh, Việt Nga cùng đi từ khu học xá Nam ninh nên quen nhau, chờ chị y tá vắng là lỉnh vào thăm tôi. Hai bạn đều học lớp 5, lớp TO nhất trong chúng tôi. Các bạn ấy hát được mấy bài trước đây ở Trung quốc chúng tôi chỉ biết tiếng Việt, nay hát bằng tiếng Nga, tôi thấy sướng mê tơi được các bạn truyền khẩu cho mình các bài hát ấy.

Cuối cùng cũng đến lúc tôi được về lớp. Ngày đầu ngồi vào chỗ, tôi liếc các bạn thấy đã tập viết được khá nhiều bài. Các bạn còn chú thích tiếng Việt bên cạnh. Cô giáo vào lớp, cả lớp đứng dậy chào:
-Здравствуйте дети ! Сaдитесь ! ( Chào các em! Các em ngồi xuống !)
Thấy sau khi cô giáo nói gì các bạn ngồi răm rắp, tôi ngạc nhiên sao họ giỏi thế, hiểu được cô giáo nói.
 Cô giáo nói gì tôi không hiểu, thế là bạn nào đó nhắc :
- Tuấn Nga kìa, Tuấn Nga kìa !
Đang ngớ ngẩn nghe bạn gọi tên mình thì bạn khác lại nói:
- Cô giáo gọi TN lên bảng kìa ! 
Nghe thế, tôi đứng dậy đi lên bảng. Cô giáo nói gì tôi bỏ ngoài tai, cứ đứng đấy. Một bạn nào đó nói tiếp:
- Cô bảo đến bên cửa ra vào đi !
Đang ngớ ngớ, ngẩn ngẩn , Tạ Thúy Lan nhắc:
- Cô giáo bảo TN đến cạnh cửa ra vào.
Tôi vội đi đến cửa ra vào.
-   Cô bảo mở cửa ra ! Mau lên, mở cửa ra đi !
Thế là tôi mở cửa ra. Cô giáo khen giỏi lắm, các bạn cười ầm nói :
- Cô giáo khen giỏi lắm rồi. Cô bảo về đứng cạnh bảng tranh các con vật treo trên kia kìa. Lại đấy đứng đi !
Tôi vội đến đứng cạnh bức tranh treo vẽ các con vật. Cô giáo nói:
 - Покажи, где зайчик!
Ngớ ngẩn nhìn mồm cô giáo nói mà chả biết gì. Lan lại nhanh nhảu :
- Chỉ con thỏ đi !
Tôi vội chỉ con thỏ. Lại được khen giỏi. Cứ thế chỉ tiếp các con khác nhờ sự nhắc tiếng Việt của các bạn. Cô giáo khen,... nói gì mình bỏ ngoài tai, cứ nghe các bạn nhắc tiếng Việt mà làm.
- Thôi, cô khen giỏi rồi. Cô bảo đưa sổ cô cho điểm. 
Tôi lại đưa sổ điểm để cô cho điểm. Khi nhìn thấy điểm 5, tôi cười nói với lớp :
- 5 điểm rồi nhé. Đây là điểm 5 của các bạn đấy.  Cả lớp cười, cô giáo cũng cười và nói với các bạn:
- TN xứng đáng được điểm 5. Có gì TN làm và chỉ sai đâu.
Cô nào biết bọn trẻ VN ranh mãnh thế. Có phải chúng cười TN đâu, mà cười là điểm 5 ấy là của cả lớp. chứ có phải của TN đâu.
Thế mà chỉ sau mấy tháng các anh, chị sinh viên sang trước mấy năm vào chơi với chúng tôi phải ngạc nhiên :
- Bọn thiếu nhi học tiếng Nga giỏi quá ! Chúng nói hay hơn các anh, các chị, hiểu rất nhanh, mặc dù không phiên dịch, không tự điển...Nói như người Moskva, không bị pha trộn giọng VN...
Tôi cả đời không thể quên điểm 5 đầu tiên tôi nhận được là điểm 5 của cả lớp. Cái không khí lớp lúc đó, sau 62 năm mà tôi vẫn có thể tưởng tượng được không khí lúc bấy giờ, mặc dù lớp tôi đã có tới 3 bạn : Phạm Quang Đẩu, Phạm Minh Dương và Lê thị Muội đã theo Bác Hồ rồi.
Ngày 3/10/2015 này chúng tôi kỷ niệm 61 năm ngày chúng tôi đến Moskva.
Tôi viết lại một chút để nhớ đến các bạn lớp tôi và một số bạn lớp khác của trường đã bỏ chúng tôi đi theo Bác. Ngày 10/10/2015 này chúng tôi kỷ niêm 61 năm ngày khai trường và tất nhiên chúng tôi cũng không quên mời các bạn lên khánh thành nhà em Nguyễn Xuân Thắng ở gần K9 Sơn Tây cùng chúng tôi. Em Thắng đặt mời ta từ năm ngoái cơ. Em Nguyễn Xuân Thắng của chúng ta bây giờ là Tổng thư ký liên hiệp UNESCO thế giới (VFUCA) chủ tịch liên hiệp các hội UNESCO (VFUA), tổng biên tạp chí Ngày Nay, khi các bạn ra đi nhiều bạn chưa biết và hiện nay cũng nhiều bạn còn chưa biết Thắng Con bữa nay làm gì, Thắng vẫn còn làm việc.
Chúng tôi vẫn gắn bó với nhau như anh, chị em một nhà, mạc dù chỉ còn 2-3 bạn làm việc.

Những ngày đầu của chúng tôi 61 năm về trước là như vậy đấy. Xin cám ơn ai đã đọc và comments. Xin kính chào !




TRUNG THU NHỚ BÁC HỒ.




Trung thu trăng sáng như gương,
Bác hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết vài dòng,
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.

Ngày kháng chiến chúng tôi chẳng ai biết Trung thu là gì, hầu như khái niệm Trung thu chỉ là những gì còn lại ở HN : đèn ông sao, đèn ông sư, mấy cái trống bỏi và 1 mâm cỗ có bánh dẻo, bánh nướng và 1 ít hoa quả. Chỉ thế thôi, rồi theo gia đình lên kháng chiến và hầu như hết khái niệm Trung thu. Có lần người lớn đem bài thơ trên của Bác về đọc nhân dịp trung thu, đối với trẻ con đây là món quà lớn và duy nhất Trung thu năm ấy bọn trẻ chúng tôi nhận được. Chỉ có 1 lần nghe đọc vào trung thu năm nào đó mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ.

Trẻ con bây giờ sướng thật, chỗ nào cũng thấy chuẩn bị Trung thu cho trẻ con. Khắp nơi chuẩn bị chỗ chơi cho các cháu, trên khắp các phố 2 vỉa hè đầy bánh Trung thu, đồ chơi...Trẻ con nơi xa Tổ Quốc chắc nhìn thấy cảnh này thích lắm. Mỗi nước có 1 phong tục riêng dành cho trẻ con, nhưng ở VN thì chỉ có Trung thu các cháu thích nhất chứ còn ngày 1/6 và Tết ta thì của chung rồi.

Chắc hồi kháng chiến Bác làm bài thơ này cho các cháu để nhắc là Bác bao giờ cũng nhớ đến các cháu, dù chả có gì mà chỉ ngắm TRĂNG, làm thơ và THƯƠNG cho các cháu mà thôi.

Tối mai ( 14/8) chắc khắp nơi trên đất Hà thành sẽ có rước đèn và phá cỗ. Trẻ con bây giờ vui rước đèn Trung thu là chính chứ chúng có thiết gì phá cỗ ấy đâu. Nhưng ngày xưa cỗ thì bé mà trẻ con thì háo hức.

Nhân RẰM tháng Tám, ngày hội lớn của các cháu, tôi chúc các cháu thật ngoan, học thật giỏi, rèn luyện thân thể thật khỏe để sau này góp được nhiều tài năng nhất cho sự nghiệp  KIẾN THIẾT QUỐC GIA.

TSQ. ĐÔI LỜI ( bài viết cho Chuyến tầu về tuổi thơ, bai 16 )

LTN ngày nay

Qua 25 chuyện ngắn về tuổi thơ của LTN, tôi muốn nhắn nhủ các bạn thành viên đôi lời KHÓ NGHE. Không phải cưa sừng làm nghé mà tôi tham gia nhóm này,  tôi chỉ muốn chia sẻ với nhóm về một thời đã qua, khó khăn, gian khổ, nhưng hào hùng của dân tộc và đất nước mà đa số thành viên còn quá trẻ, biết ít hoặc không biết. Hơn nữa được sự động viên, cổ vũ của nhiều thành viên trong nhóm trong đó có cả con gái tôi làm cho tôi rất cảm động và muốn chia sẻ cùng tất cả các bạn về nước VN DCCH non trẻ. Nếu bây giờ tôi không viết thì khó có thể lúc nào đó viết được. Xin chân thành cám ơn tất cả các bạn đã đọc và comments cho tôi.
Trong cuộc đời tôi tâm niệm :
Mình sinh ra làm NGƯỜI hãy sống đúng với nghĩa của nó : Nghĩa là NGƯỜI sinh ra đầu đội trời, chân đạp đất, khác hoàn toàn với các động vật sinh ra trên trái đất này, chúng không và không bao giờ có được kỹ năng và tư duy như ta. Cho nên hãy làm tất cả những gì mà có lợi cho dân, cho nước, cho nhân loại  nói chung - cống hiến hết sức mình , hãy  tuyệt đối không làm gì có hại cho dân, cho nước, cho mọi thứ động thực vật quanh ta. Sinh con ra đừng bao giờ có ý nghĩ NHỜ vả chúng dù ta có nghèo khổ đến đâu, chẳng qua ta làm nhiệm vụ  TÁI SẢN XUẤT  sức lao động cho xã hội mà thôi, thế nhưng nếu chúng cần, ta hãy hết lòng với chúng. Các cụ nói :" Nước mắt chảy xuôi ". Tóm lại cuộc sống của tôi, tôi chú ý nuôi dưỡng 2 từ TÂM và THỂ. TÂM TA PHẢI LÀNH, THỂ XÁC TA PHẢI MẠNH , nếu không làm gì được cũng nên tránh làm phiền ai. Hai từ này có ý nghĩa lớn lắm. Cả đời tôi chỉ theo đuổi có 2 từ này thôi. Tâm lành ( lành- nhiều ý nghĩa ) nói thì dễ mà làm thì  khó cực kỳ. Thể phải mạnh ( mạnh - cũng nhiều ý nghĩa) cũng không dễ, phải rèn luyện cơ thể cả đời.  Hãy MỈM CƯỜI với cuộc đời, dù nó có khó khăn, gian khổ, thậm chí đau đớn đến mấy - như vậy bạn sẽ trẻ hơn tuổi đấy !
Mong các bạn chấp nhận đây là lời nói của bà già LẨM CẨM. Nhiều người gặp tôi đều muốn chia sẻ bí quyết vì sao tôi nhanh nhẹn và trẻ hơn tuổi ( tuy trong đời tôi đã 14 lần lên bàn mổ để đại hoặc tiểu phẫu  ). Chả có bí quyết gì đâu, nếu thực hiện được 2 từ này càng nhiều càng tốt, tất nhiên không nhiều thì ít cũng trẻ, khỏe ra đấy.
Chúc các bạn thành công trong mọi sự việc.
Một lần nữa xin cám ơn tất cả các bạn đã đọc và comments vào các bài viết của tôi. Tôi sẽ vẫn tham gia viết bài cho nhóm, nếu có thể, nhưng nhặt đâu, viết đấy chứ không viết theo hệ thống như vừa qua.
Xin kính chào !
  TN 61 năm về trước


Bức ảnh DUY NHẤT gia đình sum họp
 
Năm 1951, lần đầu tiên chụp ảnh với Bác Hồ.







NGÀY CUỐI CÙNG TRÊN ĐẤT VIỆT NAM ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 15 ).


 Hành quân rồi cũng đến đích, ngày cuối cùng trên đất Việt mỗi người có một cảm giác khác nhau. Người lớn nghĩ theo 1 kiểu, trẻ con nghĩ theo kiểu khác. Ai nghĩ gì thì mặc, nhưng các tiểu đội phó vẫn phải làm nhiệm vụ của mình. Cấp trên triệu tập các trung đội trưởng, trung đội phó, tiểu đội trưởng, tiểu đội phó họp gấp, không ai được vắng mặt để nhận nhiệm vụ mới rất quan trọng.
Anh phụ trách nói giọng rất nghiêm trọng :
- Các em sắp sang đất nước bạn. Chiến tranh , bom đạn đối với các em có thể nói là chấm dứt...

Ngồi nghe TN nghĩ ngay đến bài hát của đoàn Liên khu 3 hồi nhập trại và cả sau này vẫn hay hát :"... Em lên đường, em lên đường, anh tiễn chân em lên đường xa nhà và xa quê, vắng xa bao người...Anh về tiền tuyến giết quân tham tàn, giữ xóm làng, em thì cố gắng chăm vui học hành...Cùng lập công tiến lên... và giờ đây anh chúc em lên đường...
Ôi, cái giây phút ấy sao mà lòng nao nao, vui, buồn lẫn lộn...Đang mải nghĩ đến đấy, anh phụ trách nói tiếp:
- ... Các em phải chú ý rất cẩn thận, chu đáo kiểm tra xem còn có gì các bạn mang theo mà không báo cáo. Nhất là tiền và đồ trang sức như: vàng, bạc, đồ quí, ảnh gia đình, ảnh lưu niệm, thư từ... Không được để bất cứ thứ gì mà người ta nhận biết mình là người VN. Nguyên tắc này rất nghiêm ngặt, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ chết cả lũ. Các em hiểu chưa ?
- Chúng em hiểu rồi ạ !
- Các em về làm nhiệm vụ!
Theo chỉ thị của trên TN về tiểu đội làm nhiệm vụ. Thu vào cũng chẳng được bao nhiêu tiền, thu toàn bộ quần áo trừ những thứ đang mặc trong người sau khi tắm, TẨY SẠCH người thì không còn gì phải kiểm tra, vì lúc đó ai cũng như vừa lọt lòng mẹ.
Nhìn 3 chiếc áo : 2 cái áo len bạn Hiển cho, 1 cái là do lụa bác Hồ cho may áo, TN như mất đi 1 cái gì quí nhất trong đời, lưu luyến đến rơi nước mắt, nhưng không thể giữ lại...Phải gương mẫu, không thể dấu được...
Thu được ít tiềm của vài bạn mang theo, TN nghĩ ngay :
- Các bạn vừa hành quân chặng dài, mệt mỏi... Tiền này nộp cho ai, đi về đâu???  Không có câu trả lời cho câu hỏi trong đầu TN. Thế rồi 1 ý nghĩ táo bạo:  Ta đem số tiền này vào bản, mua mác coọc cho tiểu đội ăn, trước khi sang TQ. Nghĩ là làm. TN vào bản trả hết số tiền vừa thu được cho chủ nhà, trèo lên cây hái 1 ba lô đầy mang về cho các bạn ăn. Các bạn thắc mắc, TN trả lời :
- Không ai được thắc mắc gì hết, cứ ăn cho chán đi, ăn hết trước khi ta sangTQ là được.
Bỗng dưng bạn LT đến gọi TN ra một chỗ :
- Tớ có 2 chỉ vàng, tịch thu thì tiếc lắm. bạn cầm lấy cất đi. Con gái dễ dấu, con trai không biết dấu vào đâu...
TN ngạc nhiên và bất ngờ về cử chỉ này của bạn LT, tuy vậy cũng trả lời ngay :
- Tớ không lấy của bạn đâu. Nó là đồ kỷ niệm mà lại rất quí. Cậu có thể dấu đâu đó như cho vào chân dưới giầy vậy.
- Không được đâu, họ khám kỹ lắm...
Bầy cho nhau, trao đổi xong LT quay về trung đội nam.
Thế là hết đường hành quân từ VN sang TQ. Mọi người lên ô tô tải xa dần VN thân yêu. Kẻ cười, người khóc, người buồn rười rượi...Trong đầu TN nghĩ: VN ơi, Việt Bắc ơi tạm biệt nhé, xa rời từ nay...Biết bao giờ trở lại ? Biết bao giờ TỔNG PHẢN CÔNG để mà quay về ???
Sau chặng đường hành quân vất vả, TN được tiểu đội bầu là chiến sĩ thi đua của tiểu đội và nhận phần thưởng của trường TNVN Lư sơn, đó là quyển sổ con mà TN vẫn còn giữ.


Cứ thăc mác mãi từ khi nhận được  PHẦN THƯỞNG  ở Lư Sơn đến hôm vừa rồi là : Tại sao TSQ hành quân từ Thái Nguyên mà lại ghi là Bắc Sơn - Lư Sơn. Hóa ra anh QT vừa qua đã nhắc cho tôi rõ. Bắc Sơn là chúng tôi nhập với các đoàn khác ở hang Bắc Sơn rồi đi tiếp sang TQ. Cám ơn anh QT đã giải đáp cho tôi một thắc mắc mà hơn 60 năm sau mới rõ.

Sau nhiều năm một lần họp mặt TSQ cục Tổ chức. Bạn Tiến Nguyên bố trí đi vịnh Hạ Long rồi ra đảo Titov. Nhiều người đã học ở LX về, cũng khối bạn đã là phó tiến sĩ, tiến sĩ, ông nọ, bà kia...Hầu hết đã tốt nghiệp đại học ở LX . Nhiều người vẫn còn chẩt TSQ trong máu nên ham học hỏi , nhưng cũng rất ham HÁT, vẫn mày tao chí tớ như hồi còn hành quân ngày nào, không phân biệt địa vị, giầu nghèo. Tiến Nguyên thường bảo:
-  TN hát những bài hát LX cho các bạn cùng hát chứ con dâu tớ là con dâu TÂY mà không biết hát như chúng mình... Hát cho ôn lại cái thời của chúng ta ! Một thời thật đáng nhớ và đáng tự hào...
Thế là TN hát, đắm chìm trong bài hát như hồi còn thanh niên. Bên cạnh TN là những bạn học ở LX về. Hát nhiều bài lắm, hát rất say sưa. TN rất thích bài  EM BÊN ANH (ТЫ РЯДОМ СО МНОЙ ), ai thích dịch ngồi, hay đứng bên anh thì tùy ). Tôi dịch từng từ đấy, không chau chuốt gì đâu nhé. Các bạn ngồi quanh hát hưởng ứng nhiệt tình. Hát đến câu : ...Em thân yêu ơi, em thân yêu ơi, em ngồi ngay bên anh mà sao cứ xa thẳm như ngôi sao sa kia thế... LT khoác vai TN đang cùng các bạn hát say sưa thì bỗng TN quay lại LT đòi:
- Cậu trả tớ 2 chỉ vàng đây ! 
- Hai chỉ vàng nào nhỉ ?
- Hai chỉ vàng cậu cho tớ mà tớ không lấy hôm tịch thu đồ đạc mang theo ở Bình Tường ấy.
- Ừ nhỉ, thế mà tớ không nhớ gì hết. Tớ quên khuấy đi mất.
- Quên cũng được, bây giờ trả đây !
- Ôi, tớ quên hẳn không nhớ tớ bỏ đâu 2 chỉ vàng nhỉ ?
- Mà làm sao cậu lúc ấy đã có 2 chỉ vàng nhỉ ?
- Hồi tập trung bà nội tớ cho để đi đường phòng thân mà.
- Thế mà không nhớ để mất đâu à ?
-Thật thà tớ quên hẳn, không nhớ tí gì. Bây giờ cậu nhắc tớ mới nhớ ra.
- Còn tớ không bao giờ quên, vì 2 chỉ vàng ấy...
- Vì 2 chỉ vàng ấy làm sao ?
- Vì 2 chỉ vàng đầu đời cậu cho tớ , tớ không nhận nên bất hạnh cả đời...
Sao lại bất hạnh cả đời ?
- .....
Cứ mỗi lần họp mặt TSQ TN gặp LT đều đùa nhắc lại chuyện này cho vui. Lần cuối gần đây nhất anh ấy trả lời :
- Trời ơi, vàng bây giờ đắt thế, tớ lấy đâu ra 2 chỉ để trả cho cậu đây?
Chuyện TSQ đến đây hết rồi. Bài sau chỉ còn đoạn kết gửi các bạn chuyến tầu về tuổi thơ thôi. Xin chân thành cám ơn tất cả những ai đã đọc các bài và đã ưu ái commets - đó là nguồn động viên lớn cho tôi nhớ và viết lại những gì của TQ, nước VNDCCH , bộ đội và bản thân tôi lúc bấy giờ.
Xin kính chào !
Bây giờ họp mặt hàng năm thường chỉ có từng này người thôi

TSQ. ĐƯỜNG HÀNH QUÂN TỪ VN SANG TQ. ( bài viết cho chuyến tầu vế tuổi thơ, bài 14 )


Hai TSQ Trinh, TN  bây giờ.

Đến bây giờ tôi không thể nhớ được bao nhiêu ngày hành quân đêm. Ngày nghỉ ở đâu đó, tối tiếp tục đi từ cầu Gia Bẩy đến biên giới Bình Tường. Sau cái đêm chúng tôi được ô tô chở đi từ trại TSQ rồi thả xuống cầu Gia Bẩy, chúng tôi không được đi bằng bất kỳ phương tiện nào, ngoài đôi chân bé nhỏ của mình đến Bình Tường. Tôi đã hỏi một số bạn để chính xác xem chúng tôi đi bao đêm, nhưng những người tôi hỏi đều không nhớ Vậy là tôi chỉ nhớ đi cũng lâu và đặc biệt vô cùng vất vả.

Ngày qua ngày chúng tôi tiếp tục lần mò trong đêm tối. Gần sáng trú chân tại 1 bản nào đó tránh bị máy bay Tây oanh tạc. Đêm đêm đoàn TSQ theo nhau hàng một lần mò đến 1 trạm nào đó đã định trước.
Vất vả và khổ nhất là đến nơi đâu trung độ phó, tiểu đội phó phải lo chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho các bạn. Lo xong cho các bạn mới được bỏ ba lô xuống tạm nghỉ. Các bạn ngủ yên mình mới được mắc màn ngủ, vì chỗ ngủ ít, nên các bạn mắc màn ngủ xong, còn thừa chỗ nào thì tiểu đội phó mới được mắc màn vào chỗ đó. Sáng phải đi chặt lá ngụy trang ba lô và mũ cho cả tiểu đội, chuẩn bị mọi thứ cho đêm hành quân tiếp.

Hành quân đêm thật tội cho các em bé dưới 10 tuổi. Chúng buồn ngủ, vừa đi vừa ngủ gật, tay nắm áo hay vịn vai người đi trước, chân cứ bước vô thức. Nguyên tác  phải đi cách nhau ít nhất là 1 m, nhưng các em bé rất sợ cái khoảng cách ấy vừa xa lại vừa sợ có gì đó chen vào giữa, nên cứ bám chặt nhau và các chị. Lúc này chiến sĩ văn nghệ, trung đội phó phụ trách văn nghệ phải phát huy hết khả năng của mình để hò, hát, sáng tác những chuyện gì làm trò cười cho mọi người tỉnh ngủ.

Trong tiểu đội TN có chuyện vừa buồn cười, vừa tội,  buồn cười đặc biệt đến nỗi gặp nhau bây giờ các bạn vẫn nhớ và hỏi TN, đó là : 
Đang đi trên bờ ruộng, bỗng nghe ÙM. Tối đen như mực thì tiếng ấy  làm mọi người sợ sởn gai ốc, sợ ai đó bị con gì vồ. TN nghe tiếng kêu thất thanh:
- Ôi! Chị Nga ơi ! Cứu em với !
- Chết rồi, ai kêu cứu đấy ? Sao phải kêu cứu?
TN lập tức nghĩ đến việc con gì VỒ bạn mình nên chân tay run bần bật. Nhớ lại câu chuyện được nghe bộ đội hành quân trong đêm tối kể :" Người đi trước  báo : đằng trước có HỐ, nhưng bạn này người Nghệ an lại nói thành đằng trước có HỔ, vậy là cả đoàn tưởng có hổ bèn lùi lại." Không biết chừng HỔ thật đây - TN nghĩ thế.Tuy vậy vẫn phải cố trấn tĩnh hỏi lại :
- Ai ? Ai làm sao thế ? Làm sao rồi ? Ai kêu đấy ?
- Em, em đây ! Em đây này !
- Em là ai, em nói tên và làm sao, nhanh lên ?
- Em, KA đây chị ơi ! Em ngã rồi ! Tận dưới này này !
- Em ở đâu, nói to để chị xác định em ở đâu, chị chưa xác định được. Mau lên, chị đến đây rồi, đừng sợ nhé ! Dưới này là đâu ?
- Đây, em đây ! Dưới hố ở bờ ruộng !
- Đây là đâu, hú lên chị nghe sẽ biết em ở đâu.Dưới hố chỗ nào ?
- Đây, em đây ! Chị ơi, em đây mà ! Hú ú ú...
Sau khi xác định rõ địa điểm KA ngã, TN lò rò bước xuống ruộng kéo KA lên. Trời ơi, nó ướt như chuột lột mà không phải ướt vì nước mà ướt vì phân. Như TN nói ở bài tập hành quân đêm là dân hay đào hố sâu ngay bờ ruộng  bỏ phân vào đấy.
Lôi được KA lên thì không biết làm cách nào giải quyết cho KA. Cả tiểu đội vừa đi, vừa kêu la :
- Ôi, chị Nga ơi, KA thối quá!!!
- Ôi, thối quá, chúng em không chịu nổi nữa rồi !
Tiếng than phiền làm cho TN rất khổ tâm, vừa để KA bẩn thỉu, vừa làm cho cả tiểu đội khổ. May quá, trong lúc đang nghĩ cách giải quyết, thì trước mặt xuất hiện 1 con suối. Trời cứu ta rồi, may thế, TN nghĩ bụng và lôi KA dìm xuống suối sâu. Tắm rửa xong, TN đưa KA lên thay quần áo. Lại thêm 1 điều may nữa là KA vừa bé, vừa yếu, đêm nào hành quân cũng ngủ gật, nên TN mang hộ ba lô. Nói ba lô chứ trong đó có 1 bộ quần áo, 1 cái màn và 1 chăn đơn, khăn mặt, thuốc đánh răng, bát , đũa ăn cơm và vài đồ chơi lặt vặt của trẻ con. Thế là thay xong quần áo cho KA, rũ vội bộ quần áo bẩn, 2 chị em lần mò chạy hết tốc lực trong đêm tối mịt mù đuổi theo trung đội, vì có ai biết 2 chị em dừng lại ở suối đề tắm giặt đâu.
Có lần họp TSQ, các bạn hỏi :"... Không hiểu chị TN giải quyết trường hợp ấy thế nào nhỉ ? Em quên mất rồi, chỉ nhớ có chuyện ấy, nhưng không biết chi giải quyết ra sao. Chắc chẳng ai quên chuyện ấy cả."
- Thì thế nào nữa ! Lôi tuột KA xuống suối, dìm xuống mấy lần rồi té nước kỳ cọ, giặt quần áo cho KA chứ sao.
- Hì, thối thế mà chị cũng dám kỳ cọ !
- Còn có cách nào khác ???
- Sợ thế !!!
Chuyện này chắc còn in đậm nét của các bạn trong tiểu đội 3 của TN trên đường hành quân đêm. Duy TN nhiều lần họp TSQ dò hỏi tin KA, nhưng tuyệt nhiên bặt tăm.
Quí vị đọc thấy buồn cười, nhưng cũng hiểu được nỗi khổ của TSQ ngày trước. Còn nhiều chuyện buồn cười lắm, nhưng không điển hình như chuyện này miễn kể. Xin cám ơn quí vị đã đọc và comments.
Xin kính chào !

TSQ. TRƯỚC GIỜ HÀNH QUÂN ( bài vét cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 13 ).



Thủ lĩnh TSQ toàn quốc là Vũ Mão, người ngồi giữa


Chiều trước tối hành quân, ban phụ trách giữ kín tuyệt đối, không cho học viên biết, vì sợ Việt gian báo tầu bay địch oanh tạc chết hết.

TN để ý thấy có mấy bạn được người nhà đến thăm, chuyện hơi lạ vì hôm ấy có tới 4 - 5 bạn chứ không phải 1 bạn được gặp bố, mẹ. Thế rồi bạn TM cũng có me đến thăm. TM thân với TN nên khi thấy bạn TM có me đến, để khỏi khó xử, phiền cho bạn, TN mang sáo vào rừng ngồi thổi một mình.  Thường TN hay thổi mấy bài hát nhạc tiền chiến. Đặc biệt là các bài hát của nhạc sĩ Văn Cao . Trong các bài hát của nhạc sĩ Văn Cao, TN  thích nhất bài Thiên Thai. Chính vì thế mà TN hay thổi bài này nhiều nhất. 

Đang ngồi thổi bài Thiên thai thì thấy TM ra gọi:
- TN về me tớ gọi.
- Sao me TM lại biết TN mà gọi?
- Vì tớ nói với me tớ mà.
- Nói gì cơ ?
- Me tớ nghe thấy  tiếng sáo thổi bài Thiên thai, me tớ thích và khen hay mãi. 
- Khen thì biết thế, chứ gọi TN làm gì ?
- Me tớ khen ai thổi sáo bài Thiên thai mà hay thế ? Đúng bài me tớ thích. Me tớ hỏi con trai hay con gái, hỏi nhiều về TN lắm, tớ trả lời hết:
- TN là con gái. Cả trại này chỉ có mỗi TN thương con thôi. Không những TN thổi sáo hay mà còn hát rất hay, nhất là các bài hát trong phim Bạch mao nữ của TQ... Thế là me tớ bảo tớ đi tìm TN cho me tớ gặp.
- Ôi, chịu thôi! TN ngại gặp những người làm TO lắm. Me bạn là người được Bác Hồ giao cho việc thành lập hội Chữ thập đỏ VN, hơn nữa lại là vợ đốc tờ ĐXH, người được giải thưởng gì đó về phẫu thuật của Pháp mà không sang nhận, ở lại với Bác Hồ, phục vụ nước VNDCCH,  TN không dám đi đâu.
- Cứ về đi, không sợ đâu, me tớ hiền lắm. Không những hiền mà còn thương người lắm cơ, nhất là người nghèo !
TN nhất quyết không về, nhưng TM nài nỉ mãi, TN nể quá phải cùng bạn về trại.
Về đến nơi TN thấy một bà mẹ trông sang trọng, hiền hậu thật.  Mặc không diện, nhưng có vẻ sang trọng, gọn gàng hơn các bà mẹ khác, lại còn có cả đồng hồ trên tay nữa...
- Cháu chào bác ạ !
- Bác chào cháu. Cháu ngoan nhỉ, biết chào bác trước. Bác Nghe TM nói cháu thương nó nhất trại, hát hay, thổi sáo giỏi. Mà bác cũng đã nghe cháu thổi bài Thiên thai rồi, hay lắm. Bác muốn làm quen với cháu, có được không ?
- Dạ được chứ ạ!  Cháu có là gì đâu mà không được ạ ?
- Bác nói luôn, vì thời gian không còn nhiều, bác muốn nhận cháu làm con nuôi bác có được không ?
- Dạ, không đâu ạ ! Cháu là con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không xứng đáng với bác và gia đình đâu ạ. Cháu cám ơn bác !
- Cháu ăn nói lưu loát và lễ phép thế, lại hát hay thổi sáo giỏi, không phải chỉ có thế, bác còn quí cháu hơn nữa là ở chỗ cháu biết thương người, nhất là TM nhà bác, yếu đuối, không biết làm gì. TM đã nói hết cho bác biết cháu giúp TM nhiều lắm rồi.
- Có gì đâu ạ. Chuyện này ở bộ đội là bình thường ạ. Bác bỏ qua đi ạ. Cháu không bao giờ quan tâm đâu ạ.
- Cháu không quan tâm, nhưng bác quan tâm. Bác thấy yêu quí cái NẾT của cháu, nên mới quyết định nhận cháu làm con nuôi.
- Thôi ạ. Cháu không dám đâu ạ. Cháu xin phép bác cháu đi. Bác nói chuyện và chơi với TM đi ạ.
- Bác đã xin phép tối nay đi cùng TM và cả đoàn rồi !
- Bác đi đâu ạ ? Nếu hành quân đêm bác không đi được đâu ạ. Đi gần hết đêm, lần mò trong bóng tối, suối sâu, đèo cao, ruộng bờ bé tí, bao nhiêu khó khăn, gian khổ trên đường hành quân... Bác đừng đi, bác ở lại nhà đi ạ. Gần sáng chúng cháu sẽ về.
- Thế cháu không biết đêm nay trại ta hành quân sang TQ à ?
- Cháu không biết ạ. Chúng cháu chưa được lệnh, nên không biết gì. Bác nghe ai nói thế ạ ?
- Bác biết chắc chắn thế. Cho nên bác nói không có nhiều thời gian. Cháu nói cho bác chính xác họ, tên, ngày, tháng, năm sinh.
Sau khi nghe đầy đủ bà NTT nói:
- Thế là từ nay cháu đã là con bác. Cháu thích lấy họ gì thì tùy, nhưng cùng năm mà cháu sinh trước TM , nên cháu làm chị, TM làm em. TM từ nay trở đi không được gọi TN mà phải gọi là chị Nga, nghe chưa con? Hai chị em hãy đùm bọc, giúp đỡ nhau trên đường hành quân nhé. Me gửi em Mai cho con. Con hãy giúp em Mai như những ngày vừa qua cho me yên tâm. Đường hành quân thật sang TQ sẽ vất vả, khó khăn hơn tập luyện nhiều, cũng có khi còn nguy hiểm nữa...
- Bác yên tâm, cháu sẽ làm như đã làm.
- Lại bác rồi, từ nay gọi mà ME và xưng CON nhé, nhớ chưa ?
- Cháu nhớ rồi ạ.
- Chỉ nói được đến đấy thì đến giờ ăn chiều. Sau khi ăn nghe còi báo động. Chị phụ trách yêu cầu lần này tất cả trại tập hợp và mang hết đồ đạc theo mình, không được để lại một chút gì trong trại, nhớ là vườn không, nhà trống, bí mật tuyệt đối.
Thế là me TM nói đúng, tối nay chắc hành quân sang TQ thật. TN sực nhớ lại vừa qua anh phụ trách tự dưng gọi TN lên và nói rất nghiêm nghị, sau mới nói quyết định ở trên đưa xuống:
- Qua thời gian em ở đây được giao nhiệm vụ thử thách, xét thấy em đã làm tròn nhiệm vụ của mình được giao tốt, xét thấy khả năng, tư cách em đầy đủ nên quyết định:
Bắt đầu từ mai trên chính thức quyết định em sẽ  làm trung đội phó trung đội nữ, tiểu đội trưởng tiểu đội 3, danh sách kèm theo đây. Còn em BN làm tiểu đội phó.
- Anh ơi, bạn em không đi cuối cùng được đâu. Đi cuối tiểu đội 3 mà lại là trung đội 3, nghĩa là đi cuối cùng cả đoàn. Không có đèn,  bạn em sợ ma nên không làm được đâu. Để em làm tiểu đội phó thay, bạn ấy làm tiểu đội trưởng đi đầu tiểu đội cầm đèn, em đi cuối cùng cũng được.
- Em tự nguyện làm tiểu đội phó à ? Em thật ngoan và đơn giản !
- Đơn giản là sao ạ ? Bạn em sợ ma, còn em không sợ,  nên thay bạn ấy cũng được mà.
- Em không được nói cho bất kì ai biết việc này , khi anh chưa công bố cấp trên chính thức công nhận em làm trung đội phó, nghe chưa?

Thế là hôm nay hành quân thật rồi.Thảo nào anh phụ trách đọc quyết định công nhận chính thức TN làm trung độ phó phụ trách văn nghệ trung đội nghiêm nghị thế, khác hẳn trước đây cũng thế này, nhưng ngôn từ và  thái độ khác hẳn...  Lần đầu tiên anh trao nhiệm vụ cho TN trước đây có long trọng thế đâu, chỉ nói trên giao nhiệm vụ em từ nay em làm...Nhiệm vụ phải... mà nay nào là XÉT, nào là  QUYẾT ĐỊNH, nghe quan trọng ghê. Trước giờ hành quân cả đại đội tập họp và lúc này anh phụ trách mới công bố chính thức tên từng người, chức vụ:
- ... Các em tuyệt đối chấp hành lệnh của những bạn được giao nhiệm vụ... Tất cả xuất phát. Trung đội 1 đi trước theo trưởng đoàn...
Mỗi trung đội đi cách nhau nửa tiếng.
Đi được một đoạn, chúng tôi được đưa lên ô tô tải và đi đến gần sáng thì ô tô thả xuống cầu Gia Bẩy và từ đây chúng tôi phải đi bộ sang TQ. Đường hành quân còn dài, nhiều chông gai, vất vả tôi sẽ viết vào bài sau. Hơn nữa TN cũng không ngờ từ sau khi bà NTT nhận TN làm con nuôi, bà đã chính thức đưa TN vào gia phả họ ĐỖ, sau này cuộc đời lại thay đổi nhiều như vậy. Xin cám ơn các vị đã đọc và comments.
Xin kính chào !
Gia đình ba, me nuôi TN.

TSQ - SỰ CỐ. ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 12 )



Hoàng Thế Long, Trương Trác, TN, Minh Tường họp TSQ năm 2012.
Chả lẽ cuộc sống cứ trôi bình thường không có sự cố gì. Sự cố này hầu như tất cả trại TSQ vẫn còn nhớ, tuy mỗi người nhớ một cách khác nhau. Để biết cái mốc đến trại khi nào các bạn hay thường hỏi nhau có biết SỰ CỐ... không, nếu biết tức là cũ, còn không biết nghĩa là tập trung sau. Còn TN thì Nguyên Hân thường nhắc lại mỗi khi họp mặt TSQ: " Cả trại các đoàn đến  không được giới thiệu, chỉ riêng TN là người đầu tiên anh phụ trách giới thiệu với toàn trại, nó đặc biệt thế..."Bản thân TN không biết việc này. Nguyên Hân nhắc lại để chứng tỏ mình là người đầu tiên nhập trại.

Trong nhà nữ không biết qui định từ đâu, nhưng ai cũng phải chấp hành, đó là ngủ đều phải quay đầu ra ngoài, chân quay vào trong  tường.  Nghĩa là tuy 2 bên giường , nhưng mọi người đều quay đầu vào
nhau.

Bỗng một đêm có bạn gái bật dậy la hét :
- Ôi, ai đấy, ai đấy ? Ai làm gì đấy ?
Rồi tiếp tục mấy bạn khác cũng la hét thất thanh :
- Ai, Ai ? Ai sờ vào đầu tôi thế ?
- Ới giời ơi, ai sờ đầu, còn sờ vào ngực tôi thế ? Khiếp quá !
Mấy bạn kêu thất thanh, chị phụ trách ngủ đầu giường lối vào bật dậy. Chị xuống giường chạy ra phía có mấy bạn kêu. Nhiều người nghĩ là các bạn hét là do bạn nào đó ngủ mê hét rồi các bạn khác cũng nghe và tưởng tượng ra kêu theo.

Khi chị phụ trách thở hổn hển quay vào nhà. Vừa đuổi theo cái bóng chị nhìn thấy lại vừa bụng to, mấy bạn gái hỏi. Chị không trả lời. Tất cả lại ngủ tiếp đến sáng.

Cả trại hầu như không biết việc gì xẩy ra đêm qua. Chị Phụ trách im lặng không nói cho bất kỳ ai, nhưng cũng cấm những bạn bị SỜ ĐẦU và ngực không được hé lộ cho bất kỳ bạn nam nào, kể cả mấy anh phụ trách.

Đêm thứ 2 giống như đêm thứ nhất. Chị phụ trách quyết bắt bằng được thủ phạm. Tuy vác bụng, nhưng chị quyết đuổi theo thủ phạm đến cùng. Chạy đuổi thật hết sức mình theo bóng người đàn ông, đến bờ suối, bóng người đàn ông chạy vội lội qua suối, chị biết thủ phạm không phải trong trại nên quay về.
Sở dĩ chị phụ trách cấm con gái không được cho con trai hay các anh phụ trách biết là chị nghi ngờ thủ phạm là người trong trại.

Kết luận người ngoài trại , hôm sau chị trao đổi với các anh phụ trách rình bắt thủ phạm.

Đêm thứ 3 cũng giống 2 đêm trước. Nhưng thủ phạm không ngờ đã bị toàn bộ các anh chị phụ trách bố trí BẮT cho bằng được.
Khi mấy bạn lớn ngủ bên ngoài bắt đầu kêu, rồi đến mấy bạn nằm giữa nhà kêu, lập tức mấy anh phụ trách đuổi theo. 
Các anh bố trí trong nhà, ngoài nhà, trên đường sang cục Địch vận. Thủ phạm thấy động vứt dép cao su chạy rất nhanh. Nhưng các anh đã bố trí dọc đường nên hắn bị đuổi sát, đến bờ suối anh phụ trách tóm ngay, nhưng , ở trên đời lại có từ nhưng. Anh phụ trách vừa tóm được thủ phạm, hắn rất nhanh và rất khỏe giật khỏi tay anh, vật nhau  được 1 lúc, anh phụ trách thấy mình không đủ sức chống đỡ, đành chém 1 nhát vào vai qua áo rồi buông tay.
Anh quay về thanh minh không giữ được thủ phạm, vì hắn khỏe, to, cao như thằng Tây . Sau khi bàn xong các anh chạy ngay sang cục Địch vận. Khám khu tập thể cục Địch vận, thấy tất cả đều nằm in trong màn, không có động tĩnh gì. Các anh liền đi từng giường, và tất nhiên thủ phạm đã lộ diện. Hắn giả vờ như không biết gì, đang ngủ say. Chắc anh phụ trách chém ngược dao và lại qua áo, nên không có vết chém.

Anh phụ trách nói:
- Anh vừa sang bên trại TSQ, mò vào nhà nữ.
Thủ phạm trối biến, nhưng quần áo ướt mèm, đang còn sũng nước. Lại thêm chứng cứ của người đuổi: thủ phạm TO như thằng Tây. Thủ phạm đành bị bắt. Ngay đêm ấy thủ phạm Tây lai bị cục Địch vận giam giữ.
Sáng hôm sau thủ phạm Tây lai bị giải đi đâu đó, cả trại không biết, nhưng trên đường giải đi qua suối, cả trại chạy theo xem mặt. Bọn con trai ném đá, sỏi.
Riêng chị phụ trách thì vừa chửi tục, vừa có những hành động rất khó coi.

TN nhìn thấy thế và nghe những tiếng chửi, văng tục của chị phụ trách rất ngạc nhiên, không chấp nhận được, nó quay về trại mặc các bạn khác vẫn đuổi theo, ném, mắng nhiếc...
Vụ này nổi tiếng đến mức sau này các bạn gặp nhau thường hỏi có biết chuyện ấy không.
Qua đây mới biết các anh phụ trách hồi đó nghiêm thật, phụ trách bao nhiêu con gái mà suốt thời gian tồn tại của trại tuyệt nhiên không có điều gì đáng tiếc xẩy ra...
Không phải giữa các anh lớn là TSQ và các anh  cán bộ, công nhân viên làm việc tại trại không có cảm tình riêng. Nhưng lúc đó chuyện yêu đương là hoàn toàn cấm, vì cho đó là vô đạo đức, nên ai cũng im lặng tuyệt đối không hé lộ gì, khi có rung động nào của con tim. Các cụ nói : Gái thập tam, trai thập lục, chắc chắn không sai.
Sau này lớn lên bọn con gái mới nói với nhau, ca ngợi các anh phụ trách tốt và rất nghiêm. Các anh phụ trách lúc đó thật tuyệt vời.
Kể lại chuyện này để mọi người biết ngày xưa con người ta có kỷ luật tự giác rất nghiêm. Họ cho những việcyêu đương là vô đạo đức, hơn nữa bị cấm, cho nên không bao giờ vi phạm.
Suốt thời gian tồn tại của trại TSQ không hề có điều tiếng gì xấu đối với tất cả những người phụ trách, - một điều đáng quí và đáng nể.

 Có những lần TSQ họp mặt, mọi người tâm sự với nhau mới tự giác là yêu bạn nọ, bạn kia và cũng có bạn thì thầm với TN:
- Hồi đó em đã biết người ta yêu nhau và thích nhau rồi nhé.
- TN không bao giờ biết và để ý những việc đó.
- Thế mà em  biết nhiều đôi nhé. Em còn biết ai yêu chị và bao nhiêu người cơ.
- Chỉ bậy bạ, chị không tin.
- Không tin em kể chị nghe : Em yêu chị lắm,  nên toàn theo dõi anh nào yêu chị để tìm cách PHÁ. Cùng tiểu đội với chị em còn lạ gì, nên em nói thật cho chị, chị không tin em cũng vẫn kể thật cho chị nghe .
- Thế cơ à ? Ghê nhỉ ! Kể chị nghe nào !
- Khối anh yêu chị nhé. Cả phụ trách lẫn các anh TSQ lớn. Toàn những người thích chị vì chị hát hay, giỏi văn nghệ và thêm chút xinh nữa.
- Em chỉ tán láo lếu thôi.
- Thật, em chỉ nêu 1 trường hợp để chị nhớ lại. Đó là anh Y, anh ấy toàn tìm cách để đứng gần chị thôi.
- Ôi, tưởng gì chứ đứng gần thì có gì đâu.
- Chị ơi, đứng gần lúc đó đã làm cho con tim rung động, sướng rơn rồi. Vậy mà có lúc em thấy anh ấy nói chuyện còn cầm tay chị nữa cơ.
- Em thật hay để ý, chị lúc đó chả quan tâm, vì làm liên lạc quen gần gũi con trai nên không để ý.
- Thế em mới nói chị không biết. Những lúc anh Y tìm cách đứng cạnh chị là thế nào cơn ghen em cũng sôi lên, lập tức em chen ngay vào giữa để phá.
- Thật thế à ? Hay thật !
- Chứ còn gì nữa !...
Có những chuyện mà sau hơn 50 năm mới biết và cũng từng ấy năm các nhân vật giữ kín trong lòng như 1 báu vật tuổi trẻ, khi biết thì người đó đã con cái đầy đàn hay cũng có người đã ra đi mãi mãi. Đó là một thời đáng ghi nhớ cho những ai là TSQ Cục Tổ Chức Tổng cục Chính trị.
Xin cám ơn các vị đã đọc và comments
Xin kính chào !













 

TSQ .HAI CHIẾC ÁO LEN ( Bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 11 )


Chúng tôi ở trại TSQ có kỷ luật như là bộ đội chính qui.  Tôi nhắc lại các bài trước đã viết, nghĩa là tập quân sự, học văn hóa, tự lo mọi sinh hoạt của cá nhân, lo đi lấy gạo, kiếm củi, xách nước... Mọi thứ đều phân công rõ rệt, cứ thế mà làm, kỷ luật rất nghiêm, nhưng hoàn toàn tự giác, không ai phải nhắc ai, đến lượt mình là răm rắp thực hiện. Kỷ luật của TSQ như trên , ai hoặc tiểu đội nào làm sai thì chiều đến bị phê bình, kiểm điểm, góp ý kiến....
     Khi tập trung vào trại (ngày ấy gọi là trại, sau này gọi là trường, chắc để cho OAI ). TN chẳng quen ai, nhưng tính cởi mở nên nhanh chóng TN kết bạn thân với một số bạn gái trong trung đội, chơi với 1 số bạn trai trong đại đội. Thân nhất lúc đó có Phương Ly, Phạm thị Hiển, Nguyễn Bích Ngân, Đỗ Tuyết Mai và một số bạn khác. ĐTM và PTH con bác sĩ nên cuộc sống lúc đó có phần tốt hơn  mọi người, tuy vậy họ lại rất yếu về thể xác, Ở nhà chả phải lao động chân tay bao giờ, còn tâm hồn thì tuyệt vời. Hai bạn rất tình cảm, chia ngọt sẻ bùi với TN. Ngược lại mỗi khi đến lượt 2 bạn phải trực kiếm củi hay xách nước cho tất cả trung đội dùng trong ngày thì TN lại giúp. Tuy giúp, nhưng phải  "bí mật" kẻo trung đội biết lại phê bình là BÓC LỘT đồng đội, hơn nữa đây cũng là rèn luyện thân thể  nên ai cũng phải làm. Mỗi khi 2 bạn đi kiếm củi TN cũng đi với 2 bạn. Lấy củi xong TN vác về bếp cạnh doanh trại, để gần đấy rồi 2 bạn tự vác hay kéo về nộp cho bếp. Còn xách nước thì phải dậy sớm để lúc các bạn dậy có nước đánh răng, rửa mặt và ít người trông thấy. Đến lượt Hiển trực xách nước cho cả trung đội, TN cũng làm như vậy. Xách đầy các ống máng nước, định quay vào, nhưng trời rét quá TN chạy nhẩy cho đỡ rét thì nghe tiếng:

     -  Đi vào nhà mặc thêm áo vào! Rét tím cả môi còn nhảy nữa.

     TN ngẩng đầu lên thấy Hiển đứng nhìn, hóa ra là Hiển vừa nói với TN.

     - Làm gì có áo nào mà mặc? Có mỗi cái áo chấn thủ này thôi. Nhẩy sòn la sòn cho vui và khỏi rét mà.

     - Cứ vào đi! Đã thâm tím cả môi mà còn đùa là nhảy cho vui. Vào nhanh lên! Môi thì tím, 2 chân thì díu lại mà còn đùa nữa chứ. Vào ngay !

    - Thì vào đây! Không phải hét thất thanh thế. Rét chưa chết đâu mà lo!

     Mồm nói, chân vội chạy vào nhà. Vào đến nơi TN thấy Hiển đang lục mở ba lô của mình và lấy ra 1 chiếc áo len dài tay vội chạy đưa cho TN:
  - Mặc ngay vào đi! Nhanh lên, cầm lấy còn chần chừ gì nữa?
     TN đang chần chừ vì cả đời TN chưa bao giờ nhìn thấy chiếc áo len đẹp thế. Hiển nói gấp gáp:

     - Cầm lấy, mặc vào ngay! Nhanh lên! Chần chừ gì nữa? Khổ thật thôi!

 

TN không thể nói gì mà chỉ theo lệnh, cầm chiếc áo len mặc vội vào. Cảm động vì sự ấm áp của chiếc áo len và nhất là LÒNG TỐT, tình người của Hiển, TN quay sang 1 bên khẽ lau nước mắt để Hiển không trông thấy mình khóc. Từ bé, nói chính xác hơn là từ lúc không còn cha, mẹ, lần đầu tiên TN được 1 người bạn lo cho như vậy. Đã ai lo cho TN đói, rét như thế bao giờ. Hiển thấy TN mặc áo xong, yên tâm quay về chỗ. Còn TN ngồi tại giường mình tiếp tục lau nước mắt cứ tự tuôn rơi. Chẳng bao lâu Hiển quay lại giường TN, tay cầm chiếc áo len nữa đưa cho TN nói vội :
     - Mặc thêm vào cho ấm.

      Nói xong Hiển bỏ lại chiếc áo len và quay ngay lại giường, chắc sợ TN từ chối.


     Mùa đông năm ấy là lần đâu tiên TN được ấm nhất trong đời, ấm vì  được mặc 2 chiếc áo len của Hiển, ấm vì tình người, vì tình bạn,  vì lòng tốt của Hiển.

     Sang xuân TN giặt sạch 2 chiếc áo bằng bồ hòn rồi đưa lại cho Hiển :

      - Cám ơn Hiển lắm, cả mùa đông ấm quá. Xuân rồi, cất đi nhé.

     -  Ô hay, đã hết rét đâu. Cầm lấy mà mặc. Tớ cho cậu chứ có phải cho mượn đâu mà trả lại? Thế nhé.

       TN chẳng biết nói gì hơn ngoài 2 từ  CÁM ƠN,
  vì biết có từ chối lòng tốt của Hiển cũng không được.
         Hai chiếc áo đó TN mặc hết rét, giặt sạch bằng bồ hòn, gấp cẩn thận, cất vào đáy ba lô. Lúc đó thứ quí nhất trong ba lô TN là 3 chiếc áo: 1 là chiếc áo lụa may bằng 10 vuông vải lụa Hà Đông mầu vàng, ( nhưng cô Bé LL đã nhuộm nâu 3 lần rồi nhấn bùn, để tránh máy bay), mà thợ dệt Hà Đông tặng Bác nhân sinh nhật, Bác cho cô Bé LL may áo. Cùng với chiếc áo này là 2 chiếc áo len của Hiển cho.

     Sang đến Bình Tường để giữ bí mật không ai biết mình là người VN nên họ thu cả lại. TN tiếc đứt ruột mà phải chấp hành kỷ luật vô điều kiện.

     

Sau này mỗi lần gặp lại Hiển ở các cuộc họp TSQ, TN nhắc chuyện 2 chiếc áo len, thường Hiển xuề xòa, cười và nói:
     - Vớ vẩn, có thế mà lần nào gặp mặt nhau cũng nhắc lại mãi.

     Với TN thì không và không thể không nhắc lại và cũng không và không thể nào quên .

     

Mỗi khi họp mặt TSQ hay nhắc lại với các bạn mình về tình người TN lại nhớ đến kỷ niệm xưa. Nhớ tới TÌNH NGƯỜI từ thuở ấu thơ. TN muốn kể lại cho mọi người biết về thời nghèo nàn của đất nước ta và sự đùm bọc nhau trong cuộc sống thiếu thốn lúc đó. Mong tất cả những ai đọc bài này hiểu cho.
    

Ngày nay đầy đủ quá, các cháu nhiều quần áo cực kỳ đẹp và cực kỳ ấm. Trong lúc đó các cháu ở miền núi, nơi hẻo lánh thì rét mướt, không quần áo. Mùa đông trần truồng ngồi quanh đống lửa run như cầy sấy. Không biết tìm cách nào để giúp các cháu, TN chỉ đăng lại để chia sẻ sự việc đã qua. 

     Cám ơn những ai đã đọc bài này và commenmt.

Xin kính chào !
  
Họp mặt TSQ năm 2012

 

TSQ. BỆNH QUAI BỊ ( Viết cho chuyến tầu về tuổi thơ , bài 10 ).




 Ở đâu đông người thì khổ nhất là bệnh lây như sốt rét, quai bị. Sốt rét còn bảo tránh muỗi đốt, còn quai bị thì chẳng làm sao tránh nổi, cách duy nhất là đeo khẩu trang, nhưng có phải lúc nào cũng đeo khẩu trang được đâu. Nó vướng, nói ra nhiều đứa nước bọt thấm cả ra ngoài, bụi bám bẩn thỉu, giặt thì xà phòng không có, chỉ nhấn nước vò qua lại đeo ngay vào, trông thật khiếp. Cả trại, lúc đầu cách ly mấy đứa, sau đến cả mấy chục đứa. Cách ly mấy chục người nên coi như không cách ly. Bọn bị mắc bệnh bỏ hết khẩu trang cho thoáng, chỉ khi nào các anh chị y tế đến mới đeo vào cho có lệ. 

Cách ly thì chỉ ở yên một chỗ, con trai khổ nhất là không được chơi bóng, chân tay phát cuồng. Trò chơi duy nhất lại là tu lơ khơ. Chơi tu lơ khơ thì quát, hét, la ó ầm ĩ, nước bọt đứa nọ bắn vào đứa kia không sao tránh được. Biết thế nhưng y tế cũng chẳng làm gì được.
Thế nhưng rồi các anh các chị cũng học được cách chữa bệnh ở đâu đó để tránh cho các em không bị  BIẾN CHỨNG. Mà con trai bị biến chứng thì hỏng rồi. Con gái ít sợ hơn.
Vậy là chiến dịch chống biến chứng của y tế bắt đầu.  Hàng ngày các anh chị y tá đến nơi cách ly, mang theo ít bát sạch, Phát cho khoảng chục đứa, rồi bắt chúng xuống suối tự rửa thật sạch lên đái vào bát, các anh chị lấy nước đái đứa nào tiêm cho đứa ấy. Làm hết đứa nọ đến đừa kia, TN không còn nhớ đến bao lâu thì xong bệnh nhân và rửa bát bằng nước sôi có sạch không, nhưng tất cả bọn quai bị phải tiêm, không trừ một ai. TN đứng nhìn mãi rồi cảm thấy sợ nên đánh bài  CHUỒN. Chuồn đến khi nào y tế tiêm xong thì về ( vì đông các anh chị có biết ai đâu ). Cứ thế, ngày này qua ngày khác, mỗi bệnh nhân phải tiêm 21 ngày, cũng từng ấy ngày TN hoặc vào rừng, hoặc ra bờ suối ngồi lì không về.
Chiều rỗi chả làm gì, bệnh nhân tha hồ hát , hò, đàn, sáo... Chả đứa nào dám chạy, nhảy, bọn con trai thì cuồng lên chỉ muốn xuống sân chơi bóng TRỘM.
Để bảo vệ tương lai cho bọn trẻ chứ có phải cho các anh chị y tá đâu, nhưng nào chúng có biết. Trốn đi chơi bóng, may có đứa không việc gì, còn nghe đâu có thằng nào đó bị THỌT thì phải. Bọn con trai bàn tán, sợ bọn con gái biết, nhưng cái kim trong bọc lâu ngày còn thòi ra huống gì truyện tầy trời như thế. Con gái những đứa lớn thì thầm, những đừa bé cứ bô bô bàn nhau, chúng nghĩ rằng sau này anh ấy sẽ đi thọt 1 chân, khập khiễng...
Chiều nào trạm xá cách ly cũng vang tiếng hát, đàn, sáo. Từng tốp hát, dạy nhau hát, đàn, sáo rất vui. Ở đây có em Vũ, nó tròn tròn, bé tí dưới 10 tuổi mà thích hát và đàn lắm. Nó mượn cái ghi tả to tướng của các anh ra để học hát. Nó thích chị TN hay hát, hay đánh đàn mang đô lin và thổi sáo.
- Chị TN dạy em thổi sáo nhé !
- Không được, ai lại thổi chung 1 sáo bao giờ?
- Sao không được thổi chung ?
- Thì quai bị chứ sao !
- Thế mà em quên. Chị dạy em đánh đàn ghi ta và hát vậy !
- Ghi ta to chị ghét lắm. Ở đây chả có cục sắt và 5 móng tay sắt đánh nên chị không chơi đâu.
- Thôi thế thì chị dạy em hát vậy, còn đàn ghi ta em tự đánh lấy.
- Em đánh thế nào được, phải học nốt trên đàn cơ. Mà tay bé tí thì không đánh được đâu.
- Thôi chị dạy em chỉ hát vậy.
- Ừ ! Em thích bài gì ?
- Bài ai đi Uông bí Quảng hồng ấy.
TN dạy Vũ hát rất nhanh, tay cứ đánh ghi ta phừng phừng như mình biết đánh giỏi lắm. Nó hát say sưa như đang biểu diễn trên sân khấu.
Cố điều đến câu:" ... Ai làm mưa gió lạnh lùng, mưa bao nhiêu hạt má hồng càng tươi, má hồng càng tươi", thì Vũ lại hát :" Mưa bao nhiêu hạt má hồng càng thâm, má xám buồn buồn, má xám buồn buồn ". 
- Sao em lại hát thế ?
- Vì ở đây có gì tươi đâu. Mà chị em mình toàn quai bị thì má xám buồn buồn là phải. Ai cũng mặt bên to, bên bé. Chỉ chờ cho 2 bên bằng nhau để mau được về trung đội chạy chơi.
Khi mắc  quai bị lúc đầu xưng 1 má, đã chuyển sang cả 2 má là sắp khỏi, nên Vũ chỉ mong 2 má bằng nhau. Thỉnh thoảng nó lại hỏi TN:
- Chị thấy 2 má em bằng nhau chưa ? Còn má chị thì VÊU 1 bên, trông buồn cười lắm.
Sau khi rời trại TSQ sang TQ, TN không bao giờ gặp lại em Vũ nữa.
Rồi một hôm ở khu tập thể Bách khoa thông báo ... Vũ ở nhà K2 đã mất. TN giật mình nghe tên Vũ, chạy sang nhà K2 hỏi thì đúng em Vũ TSQ ngày nào. K6 và K2 nối đầu nhau, chỉ cách một cái trạm biến thế, vậy mà bao năm  2 chị em không hề biết và không gặp nhau. TN ân hạn mãi. Sau vợ Vũ biết TN và Vũ thân nhau nên cũng thân với TN cho đến bây giờ.
Chuyện quai bị ở trại TSQ là thế và cách chữa bằng chính nước đái của mình cho đến nay TN chưa tìm được lời giải. Ai biết xin lên tiếng giúp. 
Bài dài rồi, xin cám ơn ai đã đọc và đặc biệt ưu ái comments.
Xin kính chào !

45 NĂM VTV VN.




Mấy hôm nay VTV rầm rộ kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng. Phát hàng ngày, hơn nữa tối 6/9/2015 còn phát giải thưởng cho những nhân vật ấn tượng trong năm. Nhân dịp này tôi cũng muốn nhắc đến 4 bạn học sinh của trường TNVN Moskva năm 1954, đã làm việc tại VTV từ những ngày đầu. Tôi muốn nhắc đến 4 bạn này vì tôi không biết trong 102 học sinh học tại đây có bạn nào đó không biết các bạn này, hay tôi còn thiếu sót bạn nào đó tham gia làm việc tại VTV từ những ngày đầu. Nếu thiếu sót bạn nào xin bổ sung và lượng thứ cho tôi. Đó là các bạn:

1. TRẦN TIẾN ĐỨC - lớp 5

2.  PHẠM MINH DƯƠNG ( đã mất ) - lớp 2

3. HỒ ANH DŨNG - lớp 4

4. TRẦN THỊ CHÍNH. - lớp 2 về sau.

Tôi không có ảnh riêng của các bạn ấy, nhưng chỉ có mấy cái vừa cũ lại vừa mới của 4 bạn chụp chung. Xin đăng lên để các bạn  NGẮM.


              


TSQ, HỌC VĂN HÓA ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 9 )




Huy hiệu Bác thưởng cho TN.


Sau chuyến chú Nguyễn Chí Thanh đến thăm, trại có việc thay đổi trọng đại. Đó là tất cả phải học văn hóa. Học văn hóa nói thì dễ, nhưng ở thời điểm 1952-1953 thì lấy đâu ra thầy mà dạy cho cả ngàn người. Vậy là trại lấy ngay thầy trong trại, nghĩa là người học lớp trên dạy người học lớp dưới.
Để tổ chức lớp thì phụ trách phải đi ghi lại trình độ từng người.
Đến lượt TN anh phụ trách hỏi :
- Em học lớp mấy ?
- Lớp mấy là thế nào ạ ?
- Là lớp nhất, nhì, ba ấy !
- Lớp nhất , lớp nhì, lớp ba thì lớp nào TO hơn hả anh ?
- Thì tất nhiên 3 to hơn 2 và 1 chứ còn gì !
- Thế anh ghi cho em lớp 3 nhé !
- Em đã học ở đâu, trường nào ?
- Em có học ở đâu đâu ạ. Em chỉ làm liên lạc, các bác viết thế nào em nhớ thế ấy. Em cũng thấy bộ đội học với nhau i tờ, tờ i ti, i tờ có móc cả 2, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ là thêm râu. O, A, 2 chữ khác nhau, chữ a khác bởi móc câu bên mình. E, ê, lờ vốn 1 loài, ê đội nón chóp, lờ dài lê thê, chữ bê thêm cái bụng sề, rồi vòng khuyết áo hắt về 1 bên. Em nhớ hết như trên bảng người ta viết dạy bộ đội rồi.  Em đọc thuộc thế chắc là viết và học cũng như nhau còn gì.  Vậy chắc là em học lớp 3 là được rồi. Chỉ có điều em chưa bao giờ cầm bút viết lên giấy đâu ạ.
Thế rồi anh phụ trách vẫn ghi cho TN lớp 3. Chị T đứng đằng sau TN cũng khai lớp 3.
Người thầy đầu tiên của TN là Nguyễn Ngọc Quán, con bác Nguyễn Ngọc Minh trưởng ban kiểm tra 12 mà TN đã biết rõ khi còn làm LL. Bạn NNQ học lớp 6. Bạn được phân công dạy lớp TN.
Bài đầu tiên bạn NNQ cho viết ám (chính) tả. Viết xong nộp bài cho THẦY, TN hỏi vội sau khi NNQ đọc xong :
- Bài viết sao ? Có được không ?
 NNQ không trả lời chỉ cười. Cho đến bây giờ TN cũng không thể tưởng tượng nổi bài chính tả đầu tiên ấy đã viết thế nào. Và người  THẦY đầu tiên của TN lại là Nguyễn Ngọc Quán. ( Nguyễn Ngọc Quán ở đâu, khi đọc được bài này lên tiếng đi nhé ! Chúng mình mong có tin của bạn lắm ! Bạn đừng ẩn nữa, có được không ?).
Còn chị T sau này gặp trong buổi họp mặt TSQ ở Quảng Ninh đã cười và nói với TN:
- Tao thấy mày khai lớp 3, tao cũng khai lớp 3. Nhưng sang TQ tao không học được phải xuống lớp 2, rồi lớp 2 không được lại xuống lớp 1, rồi lớp 1 không được tao xuống lớp vỡ lòng. Học mấy tháng lớp vỡ lòng tao học viết được, đọc được các chị thương tình cho tao lên lớp 1. Còn mày sao ?
- Ôi, em vẫn cò cưa lớp 3 đến khi sang LX cả lớp xuống lớp 2 ( theo quyết định của trên ) vì không biết tiếng em mới cùng các bạn lớp 3 xuống học lớp 2. Thế là ở TQ lớp 3, sang LX lớp 2. Bây giờ em vẫn họp mặt, sinh hoạt với khối lớp 3 Quế Lâm và lớp 2 LX đấy. Nhưng cũng rất may là hồi ở Lư Sơn-Quế Lâm em học toàn 4 và 5, chả bị con 3 nào. Sang LX em cũng học toàn 5 thôi. Vì học toàn 5, hồi sang LX Bác thưởng huy hiệu của Bác cho em đấy, chị ạ. Hôm có người ở Viện bảo tàng HCM xin, sau khi đã xin hết ảnh gốc của em chụp với Bác. Nhưng con Lưu Ly nhà em quyết giữ lại, không cho. Mà huy hiệu tự tay Bác trao cho em trong 1 lần chúng em đến thăm Bác chứ có phải thường đâu. Theo em được biết ở VN lúc đó, thì chỉ có 1200 chiếc huy hiệu này thôi Thật khó tưởng tượng lại lúc đó em ngây ngô đến mức nào. Mà thật ra em có biết mình ngây ngô, ngớ ngẩn đâu cơ chứ. Cứ cho như thế là đúng, là phải. Nghĩ lại thật chán cho mình ngu mà không biết mình ngu. Cho nên cụ Hồ bắt xóa nạn mù chữ từ những ngày đầu sơ khai nước VNDCCH là phải. Mù chữ đồng nghĩa với NGU  mà bọn Pháp đã không bao giờ cho nông dân biết điều đó, chị nhỉ. Biết chữ thì mở mang bao nhiêu, chúng chả lừa được ta mà bóc lột. Nghĩ thật khổ cho cái lạc hậu, phải không chị ? Bây giờ chắc còn ít người mù chữ, đúng không chị ?
- Còn đầy, mày ở HN không biết chứ chúng tao ở Quảng Ninh dân chài hầu như mù chữ. Cứ cắm đầu vào mà làm thêm đi, dốt mà không biết mình dốt...
- Thế mà em không biết, cứ tưởng ai cũng biết chữ, trừ trẻ con chưa đi học.
- Mày ở HN mà lạc hậu tình hình đất nước quá.
- Em xin lỗi vì mải gục đầu vào làm thêm nên không quan tâm đến bên ngoài. Em rút kinh nghiệm.
- Bớt làm thêm, kiếm ăn đi, chịu khó xem TV, đọc báo thì biết.
- Vâng, tuy từng này tuổi mà em còn lạc hậu, ngu quá. Em xin nhận lỗi.
Từ khoảng năm 1995 TSQ do anh Nguyễn Tiến Nguyên làm trưởng ban liên lạc, hay tổ chức họp mặt, về cội nguồn nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên, số người tìm về cũng ngày một đông, biết nhiều tình hình và đặc biệt về cội nguồn thường mang theo những thứ không dùng đem lên ủng hộ miền núi. Hóa ra mình lạc hậu thật, dân miền núi sau chiến tranh còn quá khổ, chả khác mấy khi kháng chiến, chỉ không có bom đạn thôi.

Bài quá dài, hẹn viết tiếp sau. Xin cám ơn các vị đã đọc và comments.
Xin kính chào !

CHÚC MỪNG CÁC CHÁU NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG 5/9/2015.



Ngày 1/9 khai giảng niên học mới ở trường TNVN Moskva.năm 1954
Nhân ngày khai trường chúc các cháu vui hết mình, phấn khởi bước vào niên học mới với thể lực và trí lực thật đầy đủ và xung mãnh nhất. 

Năm học mới chúc các cháu  vui, khỏe, ngoan ngoãn, biết và trọng lẽ phải, biết yêu và kính trọng người lớn,  giúp đỡ người già và bạn bè,   HỌC GIỎI TOÀN DIỆN VÀ XUẤT SẮC  tất cả các môn học ở nhà trường. Các cháu hãy cố gắng thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy như thế hệ trước đây nhé :

1 - YÊU TỔ QUỐC.
2 - THƯƠNG ĐỒNG BÀO.
3 - CHUỘNG LAO ĐÔNG.
4 - GIỮ VỆ SINH.
5 - TRỌNG KỶ LUẬT.

Trước đây bao người đã phấn đấu thực hiện 5 điều NGƯỜI dạy mà đã trưởng thành, họ đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng TQ và đất nước VNDCCH .
CHÚC CÁC CHÁU HỌC GIỎI VÀ THÀNH CÔNG !