Du lịch Miền Trung 2012

CHÚC MỪNG 2 NGÀY LỄ LỚN.


Nhân ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn của các chiến sĩ và tất cả những ai đã ngã xuống trong 2 cuộc chiến tranh 30 năm chống giặc ngoại xâm. 

Xin và chúc tất cả các chiến sĩ và các vị hãy yên giấc ngàn thu. Chúng tôi sẽ đời đời nhớ ơn tất cả những chiến sĩ và đồng bào đã vì Độc -lập, Tự-do của Tổ quốc và giải phóng dân tộc mà hy sinh cả cuộc đời . Chúng tôi sẽ dạy cho con cháu mình muôn đời không quên sự hy sinh vô cùng vĩ đại này. 

Nhân 2 ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 chúc tất cả những ai đã tham gia 2 cuộc kháng chiến, 30 năm chống giặc ngoại xâm còn may mắn trở về:

     MẠNH KHỎE, ÍT BỆNH TẬT,
     VUI VẺ NHƯ LÚC CÒN TRẺ,
     SỐNG LÂU, SỐNG CÓ ÍCH,
     HẠNH PHÚC BÊN BẠN BÈ, GIA ĐÌNH VÀ CON CHÁU !

30/4 NĂM ẤY .


     Những ngày cuối tháng tư  năm ấy ( 1975) thật nhộn nhịp vui vẻ. Gặp nhau trên đường đi làm mặt ai cũng tươi như vừa trúng xổ số. Đến nơi làm việc chẳng ai bảo ai đều trước giờ làm việc 15 phút, trái hẳn với những ngày trước mọi người cứ sát nút mới vội vàng vào phòng để khỏi chậm giờ.

 Năm ấy báo chí , đài phát thanh rất hiếm, TV thì không BÓI đâu ra được. Lý do của việc đi sớm 15 phút là để nghe và tán chuyện MẶT TRẬN PHÍA NAM . Ai cũng háo hức trông chờ tin chiến thắng, nhưng nhiều người cũng lo không biết nhanh thế có giống Mậu Thân 1968 không.

Phòng làm việc của bộ môn tôi trước cửa có treo bản tin hàng ngày trên bảng kế hoạch làm việc, nên ai đến cũng xúm vào đọc. Mọi người vừa đọc, vừa xem bản đồ đánh dấu ĐỎ, vừa bàn tán sôi nổi. Nhìn mặt ai cũng tươi roi rói.

Khu tập thể nhà tôi ở thì bàn tán đủ chuyện vui, buồn. Vui vì chiến thắng dồn dập. Buồn vì các gia đình có con đang chiến đấu ở MN lo cho con mình không thể đi đến chiến thắng cuối cùng. Mọi người an ủi nhau là cứ hy vọng  mũi tên, hòn đạn nó tránh cha, chồng , con  anh em mình. Hồi đó ít ai dám nói :" Cầu Trời, khấn Phật che chở cho cha, chồng, con, anh, em mình " vì sợ qui là mê tín dị đoan.Hồi ấy họ soi mói nhau về mặt chính trị và tín ngưỡng lắm. Chẳng nhà nào có bàn thờ, chẳng ai dám nói thật đang lo thắt ruột cho những người thân đang ngày đêm chiến đấu ở MN. Sự hy sinh cho TQ là điều thiêng liêng nhất, là vinh dự nhất, nên nếu mình nói ra điều gì đó sợ người ta phản ảnh là làm nhụt trí người ngoài tiền tuyến, tiếp tay cho bọn tâm lý chiến. Ôi, nghĩ lại cái thời ấy mà thấy nhiều thứ qui kết cho nhau quá, người ta sđđiều. Ăn ngon một tý sợ người ta bảo không đồng cam, cộng khổ với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến...

Nơi làm việc của chúng tôi thì cố làm thật hết sức mình. Không ai đi muộn thì tất nhiên rồi, nhưng không ai về sớm dù chỉ là 1 phút. Về sớm sợ bị phê bình là ăn cắp giờ của nhà nước trong lúc mỗi người làm việc bằng 2 vì MN ruột thịt và các chiến sĩ ta đang ngày đêm lăn lộn sống chết trên chiến trường là vô đạo đức...

Một cán bộ trong chúng tôi tự nguyện làm người thông báo mọi chi tiết của cuộc chiến, vì anh ta có cái ĐÀI CẦM TAY, nên mọi thông báo anh ta nghe hết. Nghe xong anh ta tổng kết lại và viết lên bảng, đánh dấu ĐỎ những nơi chiến thắng. Đi đâu anh ta cũng đeo cái đài bên hông, không lọt một tin nào. Một ông già nhà quê ra HN nói :" Sao cái ANH KIA ĐEO CÁI ĐÀI BÊN HÔNG  mà nó cứ  nói oang oang, cái gì cũng biết. Lạ thật ! Nếu đài ở nhà thì còn hiểu được, vì nó dựa vào tường mà  nói, còn ở đây dựa vào ĐÍT mà sao cũng nói được đủ mọi chuyện ??? Ở HN bây giờ nhiều chuyện lạ quá ! " Lúc ấy còn nhiều nông dân lạc hậu thế đấy.(thật 100%).

Trường Bách khoa thanh niên tổ chức hẳn 1 đội tuyên truyền  tin chiến thắng. Họ lập một đội gọi là đội DUYỆT BINH MỪNG CHIẾN THẮNG. Kế hoạch là ai có xe máy cm cờ đi trước ( hồi đó cả trường chỉ có khoảng 10 cái xe máy xã hội chủ nghĩa ), sau đó đến đội quân xe đạp, cuối cùng là những ai không có xe đạp thì đi bộ. Tất cả sẽ vừa đi, vừa hô khẩu hiệu quanh trường mới 5 vòng rồi ra phố tiến thẳng ti Bờ H. Khi nghe tin chiến thắng thì cứ tự động tập trung trước cửa nhà C1 mà đi. Kế hoạch chu đáo lắm. Mọi người hưởng ứng nhiệt liệt.

Tin chiến thắng đến với mọi người vào tối 30/4. Sáng 1/5 tuy ngày nghỉ, chẳng ai bảo ai tự động đến nơi làm việc. Mặt ai cũng cười tươi, vui vẻ hỏi nhau tin chiến thắng như muốn thanh minh không biết mình có nghe lầm chăng. Tin chiến thắng lan nhanh quá sức tưởng tượng. Người biết thông báo cho người chưa biết nhanh như điện. Thông báo bao giờ cũng có câu :" BIẾT CHƯA, tin giải phóng hoàn toàn MN ?" Nhiều người thấy chiến thắng nhanh quá cứ tưởng như mình nằm mơ hay nghe sai.

Tôi tất nhiên vì có ĐÀI của Nga do cậu em đi Nga về cho nên không nghi ngờ. Vào phòng làm việc tôi liền hỏi :

- Này các bạn ơi, kế hoạch DUYỆT BINH  sao rồi?

- Sao là sao?

- Sao là bao giờ duyệt ?

- Còn duyệt gì nữa, hôm qua chiến thắng, hôm nay nghỉ 1/5 ai đi làm mà duyệt ? 2/5 thì hết khí thế rồi còn đâu. - anh bạn phụ trách việc DUYỆT BINH  trả lời.

Thế là mọi người vừa cười , vừa nói :

- Kế hoạch của ĐỘI DUYỆT BINH thanh niên Bách khoa là kế hoạch Nava.( Nava là tướng Pháp thất bại ở VN).

Chiến thắng ai mà không vui. Nhưng những người có người thân chiến đấu ở chiến trường B ai cũng lo thót tim. Mọi người nhìn nhau chẳng ai dám nói ra mà trong ruột có khác nào đống lửa đốt. Trong số đó có tôi...

Tất nhiên tin dữ không đến ngay, nhưng dần dần đến các nhà. Thay vào tin vui của TQ, của toàn dân thì các gia đình  cdần nhận tin dữ  đau  như có ai đó cầm dao cắt tim mình. Tôi không dám gặp cha, mẹ của các cháu vì không thể chịu nổi nỗi đau mà còn  nhìn thấy cha, mẹ chúng thì làm sao chúng tôi chịu nổi.

Ở phường BK của chúng tôi nhiều tin đau lắm. Không ai dám nói với ai điều gì, chỉ chia sẻ nỗi đau bằng đôi mắt. Sợ trong nỗi đau có gì lỡ lời. Thời đó là thế đấy. Bây giờ vẫn còn thấy đau.

Viết lại cái cảm giác của tôi ngày 30/4 năm ấy để ai đọc hiểu được buồn vui trong ngày chiến thắng của những người trong cuộc.

Cám ơn ai đã bớt chút thời gian ghé đọc tâm sự của tôi ngày hôm nay khi nghĩ lại cảm giác của 30/4/1975.

Thực trạng Sinh Viên ra trường ngày nay

Trước đây trong khi tôi ngồi trong phòng thi đđọc được 1 câu viết trên bàn học mà lúc đó tôi còn chưa hiểu rđược ý nghĩa của câu viết lắm, mãi sau khi đã vào học Bách Khoa mới thật sự hiểu ý nghĩa sâu xa của câu này ra sao:
 
5 năm có 9 lần thi
1 lần đồ án còn gì là xuân.
 
Còn 1 lần đi coi thi ở Hà Tây của các cháu thi vào Bch Khoa, trong 1 bài thi đã nộp ch cđúng câu như sau:
 
 10 năm sách bút theo thầy,
Năm nay đành phải vác cày theo trâu. 
 
Học thi vào đại học đã khó khăn rồi, mà nay học xong lại có kết cục như bài thơ dưới đây:
 
Thực trạng sinh viên ra trường ngày nay không xin được việc làm hoặc làm trái nghề đđược tác giả bài thơ này trình bày ở dạng Thơ Lục bát, mời các bác đọc tham khảo.
Đầu đường Xây dựng bơm xe
Cuối đường Kinh tế bán chè đậu đen
Ngoại thương mời khách ăn kem
Các anh Nhạc viện thổi kèn đám ma
Ngân hàng ngồi dập đô la
In giấy vàng mã, sống qua từng ngày 
Sư phạm trước tính làm thày
Giờ thay kế toán, hàng ngày tính lô.
Điện lực chẳng dám bô bô,
Giờ đang lầm lũi phụ hồ trên cao.
Lập trình chả hiểu thế nào,
Mở hàng trà đá, thuốc lào...cho vui 
Nông nghiệp hỏi đến ngậm ngùi
"Số em chắc chỉ tiến lùi theo trâu"
Nhìn quanh, Thương mại đi đâu?
Hóa ra là đã nhảy tàu đi buôn.....
Ngoại ngữ vẻ mặt thoáng buồn
Đang ngồi viết sớ, kiêm luôn bói bài. 
Báo chí buôn bán ve chai
Giao thông đi chở thuê ngoài Đồng Xuân.
Bách khoa cũng gặp đôi lần
Buôn đồ điện hỏng, kiếm cân dây đồng
Mỹ thuật thì đang chổng mông
Đục khắc bia mộ, cũng mong lên đời 
Mỏ địa chất mới hỡi ôi
Sáng thồ hai sọt, chào mời mua than
Thuỷ sản công việc an nhàn
Sáng cân mớ cá, cuối làng ngồi rao...!
Hàng hải ngồi gác chân cao
Bao giờ trúng số mua tàu ra khơi 
Bác sĩ, y tá có thời
Học xong về huyện được mời chích heo...
 
 

ĐÓN 300 NGƯỜI TẠI SÂN BAY.

Được lệnh đi đón 300 người tại sân bay Seremechieva Moskva đúng 12 giờ đêm. Tôi có trách nhiệm đưa họ về tận ký túc xá và phân ra từng nhà theo ngành nghề. Đi đón phải tháp tùng 10 ôtô về nhà máy cách Moskva gần 100 km an toàn cũng hơi lo, về phía Nga thì không sợ, nhưng về phía VN thì sợ mình bỏ sót ai đó nơi sân bay thì chết.Tuy vậyqua mấy lần đón tôi cũng đã biết cách điều khiển họ rồi. Chỉ phải tội cái gì với họ cũng mới nên họ hay NGHÊNH , mình nói họ không chú ý nghe.


Đến sân bay nơi đón tiếp vắng tanh, không một bóng người VN. Tôi lo máy bay trễ nên vội hỏi người phụ trách, họ trả lời đã đến cách đây khoảng gần 2 giờ.Tôi nghĩ sao lạ thế nhỉ. Làm thủ tục với các cháu có gì đâu mà lâu thế. Ra đi mỗi cháu chỉ có 1 bộ được phát mặc trong người và 1 túi du lịch chỉ 1 bộ nữa và vài thứ lặt vặt mang theo mà sao mãi không ra được. Đành nói khó với nhà chức trách xin vào đón 300 người VN, họ cho vào ngay và nói:


- Họ đang ngồi cả trong kia chờ làm thủ tục. Nhưng chẳng ai nói tiếng Nga được nên chúng tôi không thể cho ra, họ ngồi cả kia kìa.

- Cám ơn các đồng chí. Tôi là người đi đón, chờ ngoài kia mãi không thấy họ ra nên tôi mới hỏi, mong đ/c thông cảm cho. Tôi xin lỗi.

-Không sao. Mời đ/c vào.

Trong phòng chờ các cháu có vẻ mệt mỏi qua chặng đường máy bay dài, ngồi bệt cả xuống sàn. Trông thấy vừa bệ rạc, vừa tôi nghiệp bọn trẻ từ bé chưa đi ôtô  chứ đừng nói máy bay nên cháu nào, cháu nấy mặt trắng bệch. Đứa nào khỏe lắm còn ngửng được đầu lên, còn hầu như gục đầu xuống cái túi du lịch mang theo duy nhất.

Tôi biết trong 300 người chỉ có 1 đàn ông trưởng vùng nên nhận ra ngay. Lại gần anh ta, tôi thấy vẻ mặt lo lắng, bồn chồn, mồm lẩm nhẩm, chân đi từng bước quanh đám con gái.

Thấy anh lôi thôi, lếch thếch đeo bên mình cái túi. Trông anh có vẻ già vì tóc đã muối tiêu, nhưng mặt thì mới có ít nếp nhăn, tôi đoán tuổi khoảng trên, dưới 50. Đến gần anh tôi tự giới thiệu:

- Chào anh ! Tôi là LTN đến đón đoàn anh về nhà máy.

- Tại sao lại là LTN ? Người ta nói với tao là nhà máy cử Natasa đi đón cơ mà.Sao lại là người VN, tao tưởng người Nga cơ mà.

Trong bụng nghĩ :" Sao cái ông này lại hỗn thế nhỉ, lần đầu tiên gặp mình, mình chào ông ta, ông không trả lời, lại còn dám mày tao chí tớ với mình nữa chứ. Nhưng tôi vẫn cố nén mình và trả lời :

- Vâng, Natasa chính là tôi. Chữ Nga khó gọi nên người ta thường gọi tôi là Natasa, lâu rồi nên người ta đã không nhớ tên VN của tôi nữa. Xin lỗi anh, nhờ anh , làm ơn vào tualet kéo giúp tôi mấy cái quần bò trong dài thò ra lôi thôi quá. Anh cởi ra cất đi. Ai lại 3 cái quần trong lòi ra thế kia, vào làm việc với người ta, thật thà, tôi xấu hổ lắm.

- Nhưng cái to tao mặc ngoài, còn mấy cái kia cứ mặc cái nọ thì gấu cái kia lòi ra. Cởi ra không được, người ta chỉ cho mỗi người mang 1 quần bò thôi. Ra kia họ tịch thu thì chết.

- Tôi đảm bảo với anh bây giờ không còn kiểm tra nữa. Anh cởi ra và cất đi. Mất bao nhiêu tôi đền, 200 rúp 1 cái, nhân 3 là 600 rúp, anh lo gì. Anh cứ làm như tôi nói, xong ra đây bàn giao người. Anh làm nhanh lên.

Anh ta vào tualet làm như tôi dặn. Ra ngoài trông đã gọn hơn 1 chút. Tôi nói:

- Bây giờ đã đỡ hơn. Anh bàn giao hộ chiếu và người cho tôi để tôi làm thủ tục.

Anh lo sợ, lúng túng ra mặt nói với tôi :

- Natasa này, tao nói cái này, mày phải giúp tao, tao lo và hoang mang quá.

- Thì anh cứ nói, giúp được gi tôi sẵn sàng, mà không giúp được tôi cũng trả lời  thẳng.

- Tiếng Nga mày nghe, nói được bao nhiêu phần trăm ?

- Tôi nghe, nói khoảng dộ 70-75% thôi. Anh cần gì, tôi nói được sẽ nói.

- Tao thì nghe và nói được 90-95 %.

- Vậy sao anh phải nhờ tôi ?

- Thì tao chưa quen lắm nên không nói được.

- Chưa quen thì cứ nói bừa đi, người ta cũng hiểu mà. Nói nhiều sẽ quen.

- Thôi, thôi, mày giúp tao đi.

- Thì anh nói đi, rào đầu, rào đuôi mãi, mất thì giờ, các cháu mệt lắm rồi. Mau cho chúng về nơi nghỉ ngơi.

Anh ta mở cái túi ra, cầm 1 đống hộ chiếu, gói làm 3 chồng. Anh đưa cho tôi, tay run run.

- Đây là 3 chồng hộ chiếu. 2 chồng này là 200 quyển. Còn chồng này thì chỉ có 99 quyển thôi, thiếu 1 quyển. Mày đếm lại thử xem.

Tôi cầm 3 chồng đếm đúng như anh nói. Mặt tôi thản nhiên như không. Thấy thế anh mở lòng:

- Mày làm sao nói hộ tao là đến Kabarốp tao vẫn đếm đủ cả người lẫn hộ chiếu. Vậy mà bây giờ lại mất 1 đứa và một quyển hộ chiếu mới lạ chứ.

- Sao mất ? Mất là thế nào ?

- Thì xuống nghỉ ở Khabarốp tao tập trung hết chúng nó vào 1 chỗ, không cho đứa nào đi đâu. Có 2 đứa xin vào tualet, tao cho vào và đã kiểm tra chúng ra đầy đủ.

Đến lúc này thì tôi đã hiểu nỗi lo của anh và mỉm cười, cứ để anh trình bầy tiếp xem sao.

 Anh ngạc nhiên và lại thao thao trình bầy tiếp.

Ở VN họ dặn tao cẩn thận đến sân bay này là đứa nào có người quen hẹn trước là ra gặp nhau, đón xong chúng đánh bài chuồn thẳng. Vậy là mình mất người, chúng chuồn nhanh lắm. Tao nhìn và kiểm tra rất kỹ, không thấy đứa nào ra khỏi tầm mắt của tao,vậy mà không hiểu bằng cách nào nó trốn nhanh thế chứ.Tao lo quá, mày ơi.

Tôi chẳng nói gì bảo anh ra đếm người. Anh đưa tôi ra đếm người có tất cả 299 cháu. Tôi lại anh và nói:

- Anh  đi vào cùng tôi làm thủ tục , nhanh lên!

- Thiếu người làm sao được mà làm ?

- Đủ rồi, không thiếu người nào cả !

- Đủ đâu mà đủ. Tao đếm không biết mấy chục lần mà vẫn chỉ có 299 đứa và 299 quyển hộ chiếu. Rõ ràng tao không đưa hộ chiếu cho bất kỳ đứa nào mà mất 1 quyển mới lạ chứ. Tao lo sốt vó lên.
Mày còn cười được à ?

- Không cười thì khóc à ? Tôi hỏi anh nhé. Anh đã đếm anh chưa ? Đến Khabarốp anh đưa hộ chiếu của anh cho người ta nhận mặt anh có bỏ túi không hay bỏ vào đống hộ chiếu chung ? Anh thò tay vào túi xem có hộ chiếu của anh trong đó không ?

- Ừ nhỉ, nó đây rồi!

Anh mừng rối rít:

- Sao mày khôn thế ? sao mày biết tao quên không đếm mình và bỏ hộ chiếu trong túi.

Tôi không trả lời, hỏi anh:

- Anh QCB này, ở VN anh làm gì ?

-Tao làm chuyên môn. Trước đây tao là trung tá, chuyển ngành học Bách khoa ra.

-Thế anh học tiếng Nga ở đâu mà nói, nghe của anh được những 90-95% cơ?

 -Thì tao học ở ĐHBK HN.

- Thế à ? Vậy mà đoàn ca, múa, nhạc Bạch Dương sang biểu diễn ở ĐHBK HN nói ngạc nhiên tôi cũng học ĐHBK HN mà sao nói tiếng Nga giỏi thế ? Ông ta cứ tra tôi mãi, tôi vẫn một mực học ĐHBK HN. Cuối cùng ông ta phải nói ông ta ngạc nhiên vì đã tiếp xúc với cán bộ giảng dạy ngoại ngữ không ai nói như tôi. Tôi bảo trò giỏi hơn thầy là chuyện thường mà. Ông ta lý luận :

- Trò giỏi hơn thầy là chuyện  học các môn tự nhiên , còn tiếng Nga tôi chưa thấy bao giờ.

Ông hiệu phó Nguyễn Đức Thừa nghe từ đầu câu chuyện quay lại ông trưởng đoàn :

- Cô ấy học ở Moskva về.

- Thế chứ. Chị làm cả buổi biểu diễn tôi cứ thắc mắc, không yên.

- Thế mà tôi cũng chỉ dám nói với anh tôi hiểu tối đa là 75%.  Anh quả thực lỗi lạc tiếng Nga thật !!!

 Sau này mới biết cái gì anh cũng nói phét, tiếng Nga thì ấm ớ vài từ toàn dùng danh từ và động từ nguyên thể. Chẳng biết bây giờ anh  ở đâu . Nếu đọc được bài này chắc anh CĂM  tôi lám, vì dám nói ra sự thật ngày xưa.

Nói cho cùng  VN có rất nhiều người có tật ĂN TỤC, NÓI PHÉT chứ có phải mình anh QCB đâu. Mong rằng các cụ đọc bài này bịa đùa thì được chứ đừng nói phét mà KẺ KHINH, NGƯỜI CƯỜI cho thì nhục lắm.

Một chuyện vừa buồn, vừa vui kể lại cho ai đã bớt chút thời gian quí báu đọc bài này giải trí chút. Xin cám ơn tất cả.

     KÍNH CHÀO !

TẠM BIỆT !

HÔM NAY 1/4 TÔI BAY ĐI CANADA.

CHÚC CÁC QUÍ VỊ Ở LAI VUI VẺ, MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC VÀ ĐẶC BIỆT CƯỜI THẬT NHIỀU, VÌ MỘT NỤ CƯỜI BẰNG 10 THANG THUỐC BỔ, NHƯNG TÔI CHÚC CÁC QUÍ VỊ 1 NỤ CƯỜI BẰNG 10 NĂM TRẺ LẠI.

XIN CHÀO CÁC QUÍ VỊ. HẸN GẶP LẠI.

                                    HÀ NỘI 1/IV/2O13

                               LƯU TUẤN NGA.