Du lịch Miền Trung 2012

TÌNH CẢM CON NGƯỜI THỜI CHIẾN.( 1 )


Thật ra viết bài này tôi cũng chỉ muốn mọi người hiểu trong gian nguy con người nghĩ sao, làm gì trong cái khoảnh khắc ấy.

Được giấy gọi của trường Đại học Bách khoa tôi mừng khôn xiết. Khi làm đơn xin thi tôi chỉ nghĩ trong chiến tranh được gần nhà, gần con, lại được chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt trên không của Mỹ. tốt nhất nên vào BK, vậy là làm đơn xin thi, từ chối đi học lại LX theo yêu cầu của bộ Giáo Dục mà không phải thi. Cầm giấy mời tôi đọc xem mình vào khoa nào, ngày, giờ tập trung. Không may đơn xin thi vào khoa vô tuyến điện, thì bây giờ lại phân công vào học khoa cơ, luyện kim. Sau mới biết khoa vô tuyến, điện sẽ đào tạo chỉ 3 năm để phục vụ chiến trường, mà tôi thì không đủ điều kiện do sức khỏe thiếu cân và có con 3 tuổi. Vậy muốn học thì phải chấp nhận. Hơn nữa trong thông báo mẫu làm đơn thi vào ĐHBK còn có 1 tờ cam kết :" Đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì mà TQ cần ". Thế là tôi phải chấp hành vô điều kiện. Cũng vì lý do này và thêm lý do tập trung không phải ở HN mà ở lạng sơn nên có một vài người bỏ cuộc.

Vì muốn có kiến thức đại học nên tôi chấp nhận hoàn toàn. Triệu tập nhận được đúng 3 ngày trước khi đến địa diểm. Lúc đó tầu hỏa không còn chạy ban ngày mà chỉ chạy ban đêm. Lượng người đông vô kể. Tuy vậy tôi cũng mua được vé tối lên tầu. Vừa bước khỏi cổng Parabol của BK. tôi nghe tiếng gọi dồn dập. Quay lại thấy cháu tôi, Nguyễn Quốc Hùng chạy vội tới. Cháu báo bà cháu mất, mai đưa tang. Tôi nói lý do không thể đến. Khi nghe vậy cháu khuyên tôi nên thôi học KHKT và chuyển sang học tiếng Anh, nơi cháu đang dạy. Tôi vẫn kiên quyết , mặc dù biết vào ĐHSP thì được ở lại HN, mai lại đi dự dám tang bà cháu. Cháu nói cháu sẽ chuyển giấy báo sang trường Sư Phạm, vì cũng là khối A. Tôi gửi lời xin lỗi cậu, mợ cháu và cám ơn cháu đã quan tâm, tôi đã quyết định học BK rồi. Thế là tôi lên tầu đi Lạng Sơn.

Cuộc đời sinh viên bắt đầu. Một cuộc đời đầy gian nan, nguy hiểm của tôi để chinh phục KHKT mà tôi mơ. Nhiều lúc cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng may Trời đã bắt tôi phải gian nan, nguy hiểm, chỉ để thử thách sự can đảm, lòng ham muốn và kiên quyết của tôi, nhưng không nỡ bắt tôi chết nên lúc nào gặp nguy hiểm là che chở cho tôi khỏi bom rơi, đạn lạc.

Hết năm thứ nhất ; sáng đi lao động, chiều vượt sông Kỳ Cùng đến lớp học, tối thắp đèn dầu sáng bằng hạt đậu xanh làm bài cho đến 1 - 2 giờ sáng chùm chăn trên đệm rơm ngủ vội mấy tiếng còn lại để đúng 6 giờ sáng bắt tay vào lao đông. Chúng tôi đào hầm xong thì bước vào xây dựng nhà lá, vách nứa làm hội trường và phòng thí nghiệm. Cứ thế cho đến hết năm thứ nhất.

Các thầy KB biết sinh viên thế, nhưng không hề giảm bài làm về nhà mà ngược lại, tăng thêm rất nhiều bài tập lớn hoặc đồ án môn học. Họ muốn chứng tỏ trong chiến tranh họ vẫn là những người thầy dạy giỏi, day tốt. Sinh viên sao họ không quan tâm.

Được dịp sống tập thể giữa rừng xanh, họ tha hồ mà tán đủ mọi điều. Dù sao thì họ cũng không thể tránh được bàn cô sinh viên này đẹp, học giỏi, cô SV kia đẹp mà dốt như bò... và bao giờ họ cũng CHÊ  SV K10  học sao mà dốt thế. Đến khi kết thúc khóa học thì họ lại khen trước các khóa sau là K 10 giỏi nhất. Vừa làm, vừa học, cơm muối ớt mà  làm được bao nhiêu nhà học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập và các bài học làm đâu ra đấy... Tất nhiên các thầy, cô giáo cũng giống SV ăn toàn cơm muối trộn ớt, may mắn được bát canh toàn quốc ( toàn nước ). Vì số thầy, cô ít nên thỉnh thoảng cũng được ăn thịt trâu hay thịt gà. Những thứ đó may ra SV được ăn  vài tháng 1 lạng. Nhưng chẳng ai hé ra một lời kêu ca, phàn nàn. Ai cũng thầm lặng chịu đựng, miễn sao không có bom rơi yên tâm dạy và học.

Hết năm thứ nhất SV được lệnh về thực tập năm thứ nhất ở các nhà máy. Mọi phương tiện đi thực tập phải tự lo sao đúng giờ ấy, ngày ấy phải có mặt tại nhà máy. Bây giờ mới đến thời kỳ khó khăn, nguy hiểm giữa bom đạn của Mỹ trên đất Việt.

Chúng tôi ở sâu trong rừng, xa thị trấn nên không có bom rơi của Mỹ. Nhưng giờ bắt đầu ra khỏi nơi an toàn, ra đường cái, nguy hiểm không biết đâu mà lần. Nhưng lệnh là lệnh, phải tìm cách đi bằng được.

Trên Lạng sơn lúc đó ô tô TQ cứ nườm nượp nối đuôi nhau trở người hoặc gì đó trong ô tô bịt kín ngược, xuôi. Trong đường rừng cứ độ 1 km lại có mấy thùng nước và ít cốc sắt tráng men để bên lề đường cho ai khát thì cứ uống.

Các sinh viên lợi dụng những gì có thể. Cả đoàn rủ nhau kéo ra đường cái, đi gần hết buổi sáng trèo đèo, lội suối mới đến đường cái ( đường ô tô đi được ). Cả đoàn cứ thấy ô tô là thi nhau la hét, vẫy tay lia lịa  :" Nỉ hảo, nỉ hảo ". Họ thấy bọn thanh niên VN đi cả đoàn, vẫy tay rối rít thì dừng lại. Bọn tôi ra hiệu xin đi nhờ, chỉ chỉ, chỏ chỏ. Vậy là được đi 1 quảng đường dài. Đến gần thị xã Lạng sơn họ đỗ lại, thả chúng tôi xuống. Xixi nỉ rối rít, chúng tôi chia tay mấy anh bạn TQ, kéo nhau đi bộ tiếp. Bây giờ lại phải vẫy tiếp xe về xuôi. Đi tiếp 1 đoạn khá dài mới thấy 1 xe tải VN chở mấy người, chúng tôi lại vẫy. Xe dừng lại, biết chúng tôi muốn đi nhờ xuống xuôi, anh lái bảo chỉ chở được ít thôi, còn lại phải chờ xin xe khác. Thế là tôi được đi nhờ, vì tôi đem theo con gái. May quá, có con cũng lợi ra phết. Nhất là con gái tôi lại ngoan, bảo gì nghe nấy. Tuy bé cũng biết chiến tranh nên cứ lặng lẽ, lùi lũi theo mẹ. Nhiều khi chỉ có bát cháo bột mì cũng ăn, không một lời. Lúc đó nói chuyện với bất kỳ ai tôi cũng bảo khổ con quá, tưởng nó không biết chiến tranh là gì. Ai ngờ nó khổ thế này...

Đi nhờ qua cầu Kỳ Cùng, nơi đây dấu vết chiến tranh bom Mỹ mới ghê rợn. Thị xã Lạng Sơn như một đống gạch vụn, tang thương, chỉ còn một vài cái nhà may mắn chưa bị bom phá tan nát. Anh lái xe chắc quá căng, quá mệt và đói nên cho mọi người nghỉ để may ra kiếm được gì ăn.

Hai mẹ con tôi vào 1 ngôi nhà tương đối còn nguyên. Vừa ngồi nghỉ được 1 chút thì một người đem ít rau muống vào bảo tôi nhặt. Hai mẹ con vừa nhặt được mấy ngọn thì còi báo động. Biết nơi đây báo động, nghĩa là bom sắp rơi, tôi vứt vội cọng rau muống cầm tay, bế thốc con, nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Không biết đây là đâu, tôi đảo mắt nhanh tìm hầm trú ẩn. Nhìn thấy 1 cái hố dài khoảng hơn 1 m, rộng khoảng hơn nửa mét, sâu khoảng gần 2 m, tôi ấn con xuống và nhảy theo, nằm đè che hết con trong lòng. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ đè lên nó, nếu mảnh bom có rơi thì trúng mình chết trước, nếu bom có cắt qua người mình mới đến nó. Mới chỉ nghĩ đến đấy, ngửng đầu lên đã thấy 2 thanh niên ngơ ngác tìm hầm. Tôi gọi vội :" Đây, đây, xuống đây !" Thế là 2 thanh niên nhảy xuống, tôi len lên, ấn 2 người xuống và nằm đè lên cả 3 người. Con tôi nằm dưới cùng. Lúc đó tôi nghĩ nếu cả 3 người lớn chết, chắc con mình vẫn sống. Chỉ nghĩ thế thôi chứ có nghĩ được gì khác đâu. Bom rơi, nổ sé tai, 2 người nắm dưới tôi run cầm cập. Trong đầu tôi cứ xuất hiện câu :" Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. " Chỉ nghĩ trong đầu chứ không nói ra lời.

Gần 1 tiếng sau yên lặng tuyệt đối, tôi trèo lên, 2  thanh niên cũng trèo theo và bế con tôi lên. Thấy bên trên có những mảnh bom, đất đá lấp đầy, người toàn đất. Nhìn lại ngôi nhà 2 mẹ con tôi vừa ngồi chỉ còn là đống gạch vụn.

Mấy người trú quanh đâu đấy, may quá, còn nguyên không ai chết. Truyện còn nở hơn ngô rang khi may thoát chết. Có một anh mang con cá khoảng 5 kg, nói là vớt được dưới sông, bom nổ ầm ầm, cá chết như rạ. Dân quanh đấy tha hồ vớt, nhưng anh chỉ vớt 1 con cho cả đoàn chứ vớt nhiều làm gì, để dân họ vớt ăn, chắc họ cũng đói lắm.

Cơm nấu xong, dọn ra các tướng được ăn sướng lắm, bắt đầu tán, kể lúc nẫy ở đâu, trốn ra sao. May trong đoàn có người còn gạo, nấu ăn no và nhất là ưu tiên anh lái thật no để còn xuôi cả đêm nay. Một anh nói :

- Tôi tiếc lúc nãy không có máy quay phim mà quay, cảnh đẹp tuyệt vời.

- Cảnh bom đạn có gì mà đẹp tuyệt vời ?

- Thế ông chui vào đâu vậy ?

- Làm gì có chỗ nào mà chui, nấp sau cây cổ thụ kia kìa !

- Thế thì có gì mà đẹp tuyệt vời ?

- Người ta chưa nói hết đã ngắt lời. Tôi nói cảnh đẹp là thế này. Lúc báo động mình đang ở ngoài nhà, định chạy vào trong nhà để lôi 2 mẹ con bà này ra khỏi nhà thi... Ôi sao mà lạ, mà đẹp thế, thấy bà ấy ôm con bé phốc lên, nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Cái cửa sổ cao thế , trên tay lại 1 đứa con mà sao bà ấy lại nhảy phốc 1 cái qua được, giống như mình đang xem phim ấy. Đứng sau cây cổ thụ, tôi nghĩ thầm, nếu còn sống tôi sẽ kể chuyện này cho toàn thế giới nghe, chỉ tiếc là không có máy quay phim mà quay để chứng minh sự thật. 

Nói thêm, chúng tôi toàn những người đi nhờ ô tô về xuôi, chắng ai biết ai, mà cũng chẳng ai hỏi tên ai, vì biết có sống được qua cuộc chiến tranh ác liệt của Mỹ gây ra trên đất này. Cuộc chiến mà dân thường chỉ chờ sự may mắn không bị bom đạn của Mỹ rơi vào mình bất ký giờ phút nào. Cái chết cứ luôn bên mình từng giờ, từng phút.

Anh lái xe nói là về xuôi để chở hàng lên Lạng Sơn. Hàng gì anh không nói, mà chúng tôi, theo nguyên tắc bí mật, cũng không ai hỏi. Chỉ nghĩ anh này lái xe xuôi, ngược thế này thì chẳng biết có sống được qua cuộc chiến tranh này không.

Sau này mỗi khi nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại có thể nhảy cao được đến thế, trong khi ở LX đi thi thể thao tôi phải xuống hạng 2 vì không vượt qua mổi 80 cm, thế mà cái cửa sổ này phải cao đến trên 1 m.

Có lẽ tình yêu là động lực đã cho người ta sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, nhất là TÌNH MẪU TỬ. 

Chẳng biết con gái tôi còn nhớ chuyện này không, nhưng đọc chuyện này may ra nó còn nhớ. Nếu Lan nhớ hãy kể cho 2 con nghe nhé, để chúng biết chiến tranh là thế nào và dân VN đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ, nguy nan ra sao. Và nhất là mẹ con mình đã trải qua những khoảnh khắc nguy hiểm đến mức nào.

Bài đã dài, tôi sẽ viết 1 bài nữa không phải tình mẫu tử, không phải tình yêu mà là  TÌNH NGƯỜI trong chiến tranh mà tôi được biết. Xin cám ơn ai đã đọc bài này.

Xin kính chào !

TÓM TẮT TÁC DỤNG CỦA QUẢ ÓC CHÓ.


Tóm tắt tác dụng của quả óc chó:

1.- Rất tốt cho tim, mạch.

2.- Củng cố độ bền cho thành mạch.

3.- Ngăn ngừa sỏi túi mật.

4.- Bảo vệ xương.

5.- Đặc biệt tăng cường và bảo vệ trí não ( đây LÀ THỰC PHẨM ĐẶC BIỆT DÀNH RIÊNG CHO TRÍ NÃO ).

6.- Tốt cho bệnh nhân đái đường.

7.- Nhuận tràng cho người già.

8.- Giúp chiến đấu chống một số bệnh ung thư.

9. Cải thiện chất lượng tinh trùng.

10. Tốt cho phụ nữ mang thai và đứa con trong bụng.

Cách dùng :

Hai tuần đầu mỗi ngày ăn 3 - 5 quả. Hai tuần tiếp theo 5 - 8 quả, khi dùng quen mỗi ngày 8 - 10 quả,  tùy khả năng. Chúc quí vị thành công.

 Xin chào !



 

 

TÓM TẮT TÁC DỤNG CỦA HẠT THÔNG.


Quả thông đã có tác dụng tốt thì hạt thông còn nhiều tác dụng TỐT hơn. Thường trên thế giới có 20 loại hạt thông. Tác dụng của 20 loại hạt thông cũng tương tự nhau. Tôi tóm tắt tác dụng của chúng để quí vị xem cho dễ nhớ, chỉ cần kiếm được nó là bóc ăn ngay, sử dụng dễ dàng. Hạt thông ở ta, ở các nước châu Âu cũng như châu Mỹ đều rất đắt:

1.- Bổ khí huyết.

2.- Mạnh gân bắp.

3.- Dưỡng tân dịch.

4.- Dập tắt phong tà.

5.- Làm ấm dạ dầy.

6.- Làm tan biến các chất kết trong cơ thể.

7.- Hạ khí, thơm thân.

8.- Làm trẻ lại toàn thân.

9.- Tẩy trừ các da thịt và tế bào chết.

10.- Giảm cân.

11.- Hỗ trợ tim mạch.

12.- Bổ mắt.

13. -Bổ sung sắt.

14.-Bổ sung năng lượng dồi dào.

15.- Chống lão hóa.

Hạt thông mua về cứ thế ăn ( vì người ta đã rang sẵn ), không phải làm gì phức tạp. Mỗi ngày ăn 20 -25 hạt là đủ, không ăn quá, vì ăn quá sẽ kích thích ăn nhiều nên béo lên. Tôi ăn nhân ở trong, còn vỏ lại ngâm rượu như quả thông thấy cũng tốt không kém quả thông, nên quí vị đừng vứt vỏ đi mà phí. Các loại quả thì vỏ đều có tác dụng tốt hơn bên trong mà. Chúc quí vị thành công.

(Còn vỏ quả dừa thì tôi không biết đâu nhé.)

Xin chào !

TÓM TẮT TÁC DỤNG CỦA QUẢ THÔNG.

Sau khi viết bài tác dụng của quả thông, một số người cứ hỏi tóm lại quả thông có tác dụng gì, cho ai? Tôi chỉ tóm tắt tác dụng và cách dùng của quả thông để ai quan tâm đến tác dụng của nó đọc cho nhanh và dễ nhớ. Vậy tác dụng của quả thông là :

1. - Bổ khí huyết.

2.- Mạnh gân bắp ( cả gân và bắp chứ không phải gân cốt ).

3.- Cải lão hoàn đồng.

4.- Tẩy trừ các da, thịt, tế bào chết ra khỏi cơ thể.

5.- Giúp cho người bị tai biến mau chóng hồi phục  sức khỏe.

6.- Nuôi tế bào sống, đẩy tế bào chết của não ra khỏi đầu, hồi phục chức năng làm việc của não.

7.- Chống phù nề, giúp cho cơ thể nhanh nhẹn, hoạt bát, nhẹ nhõm hơn.

Cách dùng: 

 Cho 10 - 12 quả thông vào 1 lít rượu trắng đổ ngập quả thông, để vào chỗ tối 10 ngày. Chắt ra uống mỗi ngày 3 thìa cà phê: sáng, trưa, tối trước khi đi ngủ.

Uống từ 2 - 3 tháng sẽ thấy kết quả tốt. Mỗi liệu trình điều trị là 2 - 3 tháng. 

Chúc quí vị thành công. 

Xin chào !



 

CHÚ THANH.


Hôm họp mặt Thiếu sinh quân cục Tổ chức  nhiều người nhắc đến đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm và còn chú ý chỉ thị cho quân nhu phát quần áo cho TSQ mặc. Nói là phát, nhưng thực tế là quân nhu phải may quần áo nhỏ cho chúng tôi chứ quần áo của bộ đội bình thường thì làm sao mặc được. 

Các bạn còn nhắc lại có lần đến thăm trại TSQ chú Thanh bị bạn Sĩ Hùng CUỖM con tuấn mã của chú LƯỢN một vòng rừng rồi mới về, vậy mà chẳng bị chú mắng, thật may. Riêng tôi không thể nhớ những hiện tượng này, chỉ biết tự dưng mọi người được phát quần áo như bộ đội thì sung sướng, nhất là con gái còn được phát ngoài quần áo ngoài, một quần đùi, còn thêm 1 may ô cổ vuông nữa.

Tôi nhớ đến chú Thanh trong những trường hợp thường ngày khác. Với tôi thời liên lạc thì không biết người đó là ai, chỉ biết ai cưỡi ngựa là cán bộ cao cấp. Cho nên chú Thanh, tôi thấy nhiều lần chú cưỡi ngựa, vậy là chú cũng là cán bộ cao cấp. Trong hiểu biết ngây thơ, nhỏ bé của tôi những cán bộ cao cấp là phải gương mẫu, kiêu sa, và ít nhất là tử tế. Vậy mà một lần chú Thanh xà vào đám đông bộ đội, chìa tay vê vê theo kiểu vê thuốc lào, mồm nói: "Cho tớ 1 điếu!". Tay vê, mồm nói, mắt nhìn đăm đăm vào người có gói thuốc lào trong đám bộ đội ngồi tán phét, sưởi quanh đống lửa, miệng hát vang vang những bài ca kháng chiến... Họ không có quần áo rét, mặc những gì họ có, có người chỉ mỗi 1 cái quần đùi và may ô. Chẳng ai tỏ ra điều gì bất thường, lo âu, buồn bã... Ai cũng vui, cũng hát hết mình, bộ đội thời chống Pháp là thế. 

Chú Thanh cũng chẳng khác gì mọi người quanh đống lửa sưởi: cũng kê cây củi xuống đất ngồi, cũng cầm điếu cầy, vê thuốc, hút sòng sọc và tán phét với bộ đội. Chú hỏi người nọ, người kia có nhớ nhà, bố, mẹ, vợ con không, vì sao chỉ có quần đùi, may ô mà không có quần áo dài... Có ngại khó, sợ chết không...

Anh em bộ đội nói chuyện với chú đủ mọi chuyện thượng vàng, hạ cám. Có anh bảo nhớ mẹ quá, nhà ở gần đó, trốn đêm về ngó nhìn mẹ 1 tí và lại lẳng lặng ra đi. Họ chẳng phân biệt, dấu diếm gì kể, nói cho chú đủ mọi chuyện... Tôi bé, chỉ đứng ngoài nhìn rồi nghe hết câu chuyện lẳng lặng rút lui. Sau đó tôi hỏi người lớn :

- Chú ơi, chú Thanh là cán bộ cao cấp phải không chú?

- Sao con hỏi thế? Tất cả những ai cưỡi ngựa, được cấp ngựa đều là cán bộ cao cấp. Còn anh giám mã được cấp 1 con ngựa là để đi với cán bộ cao cấp, chăm cho con ngựa của thủ trưởng, nếu không bỏ ngựa đấy thì nó đi mất.

- Cháu hỏi thế vì hôm vừa rồi thấy chú Thanh ngồi lê la, bê tha giữa tất cả các anh bộ độ, hút thuốc lào, tán phét đủ thứ chuyện với họ... Mà lại còn xin bộ đội: "Cho tớ 1 điếu". Trông bệ rạc lắm, chú ạ.

Tôi kể những chuyện xẩy ra, mắt thấy, tai nghe cho ông, thật đầy đủ, không thiếu điều gì. Nghe xong ông kể cho tôi:

- Con có biết sao chú Thanh nghiện thuốc lào không, chú kể cho con nghe: Lúc đầu chú Thanh xuống tìm hiểu đời sống của bộ đội. Cũng cảnh như con kể, bộ đội chẳng ai thèm quan tâm đến chú ấy. Họ vây quanh anh có túi thuốc lào, người người giơ tay, vê vê xin "Cho tớ 1 điếu". Họ trò chuyện với nhau như không hề có mặt của chú Thanh. Về ông tướng rút kinh nghiệm, học hút thuốc lào. Nói đến đây chú cười sằng sặc. Rồi chú kết luận: "Ông tướng nghiện thuốc lào và Cho tớ 1 điếu" là thế. 

- À ra chú Thanh nghiện thuốc là để đi vào lòng bộ đội, hả chú?

- Đúng thế. Nhờ có nghiện thuốc lào như vậy mà ông biết được nhiều chuyện của bộ đội lắm. Có nhiều chuyện chú ấy đem ra nói, phê bình mọi cán bộ cao cấp thất kinh, vì chú Thanh không bao giờ nói dối, đã nói là toàn chuyện mắt thấy, tai nghe trực tiếp từ nhân sự. Đã phê bình là có thật, là chính xác. Chuyện nghiện thuốc lào và bệ rạc như con nói là như vậy.

Nghe xong tôi khâm phục chú Thanh, vì lúc còn nhỏ tôi cho ai nghiện thuốc lào là những người kém hiểu biết, là nông dân, là tầng lớp dưới, không có văn hóa, không được học hành, mù chữ, không đáng khâm phục...

Tôi thường không biết công việc của các cán bộ lãnh đạo, ông to, bà lớn mà chỉ chú ý đến cuộc sống, cách đối xử của họ với cấp dưới... Với tôi cách đối xử của cán bộ cao cấp với cấp dưới mới đáng quan tâm và để ý, còn công việc của họ thì mình không có quyền quan tâm, hoặc chính xác là không được quan tâm. Cũng chính vì vậy mà tôi toàn kể những chuyện cuộc sống thường ngày hoặc câu nói thường ngày của họ mà thôi.

Với tôi, chú Thanh hay người VN gọi là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là thế. Hồi này trên VTV hay nói đến đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi nhớ lại và kể để ai chưa biết về chú Thanh trong đời thường, lý do nghiện thuốc lào là thế. Xin cám ơn ai đã đọc bài này.

Xin chào quí vị và chúc  MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG !



NGỰA, NGỰA VÀ NGỰA

Hôm nay đã 8 tết, vậy mà cứ mở TV ra là kênh nào cũng nói đủ chuyện về NGỰA. Sáng nay chương trình "Chào buổi sáng" của VTV1 cũng vẫn nói về ngựa, về sữa ngựa, thịt ngựa, công dụng của thịt ngựa và sản phẩm của sữa và thịt ngựa, cũng không quên nói đến ca ngợi tác dụng của chúng. Con ngựa không phải ở nước ta mà ở tận Trung Á xa xôi Kazakstan cơ, họ nhắc đến nước này làm tôi nhớ lại năm 1986 đã đến Kazakstan, nơi có nhiều thứ giống VN ta.


Với con ngựa tôi đã làm quen và yêu nó từ năm lên 8, lúc đó là kháng chiến chống Pháp.  Một lần đi trong rừng, đang lúc mệt mỏi, muốn ngồi nghỉ thì thấy 1 anh cưỡi ngựa đi đến , mừng quá, tôi vội xin anh cho tôi cưỡi ngựa cùng anh đến nơi gần đấy. Anh cưỡi ngựa không suy nghĩ, bế ngay tôi lên ngựa cho tôi cùng đi. May quá, đỡ phải đi bộ 1 đoạn đường dài. Trên lưng ngựa anh mới hỏi tên tôi và tôi đi đâu. Biết còn không xa, anh cho tôi đi đến gần mới thả xuống ngựa.

Nhưng, trên đời này thường có từ NHƯNG làm cho người ta mất đi một điều gì may mắn. Anh cưỡi ngựa bế tôi xuống ngựa, vừa đặt tôi xuống đất thì, thật không may cho tôi, chú ngựa không biết vì sao, co chân lên gãi, gãi. Giơ chân lên, chú ngựa đặt chân xuống rất mạnh, anh chăn ngựa thả tôi gần bụng ngựa quá, chú ngựa vô tình đạp vào chân tôi. Da non của con bé hơn 8 tuổi bị móng ngựa sắt cắt gọn mất 1 miếng thịt rất sâu. Anh chủ ngựa vội xuống ngựa, sé miếng vải trong chiếc áo may ô cổ vuông buộc chặt vết thương. Anh không quên quờ tay hái nắm lá rừng lót vào vết thương để cầm máu. Chi khi nhìn thấy áo may ô cổ vuông tôi mới biết anh là giám mã. 

Thời kháng chiến chống Pháp, các cán bộ cao cấp thường mỗi người được cấp 1 con ngựa và 1 anh giám mã. Các cán bộ đi công tác toàn đi bằng ngựa. Tất nhiên anh giám mã cũng phải có 1 con ngựa của riêng mình. Vậy là 1 cán bộ cao cấp có 2 con ngựa và 1 anh giám mã, giám mã cũng tương tự như lái xe bây giờ. Khi cán bộ cao cấp vào làm việc thì anh giám mã cưỡi ngựa đi chơi đến lúc thủ trưởng quay về. Thế là tôi may và không may gặp anh giám mã này.

Khi về tôi chẳng nói với ai về những gì xẩy ra. Hàng ngày tôi lấy lá, dây rừng buộc lại vết thương cho đến khi lành. Lạ một điều, không hiểu vì sao vết thương lại lành được, không sưng, không nhiễm trùng. Chỉ có điều mất 1 miếng thịt sâu quá không có thịt bù vào, nên bây giờ vẫn còn vết sẹo khá to bên chân phải.

Trên đây là chuyện gần 70 năm về trước. Còn chuyện tôi sắp kể lại thuộc vào gần 40 năm sau đó. Tôi lại ăn cơm mới, nói chuyện cũ rồi. Người già hay sống về những kỷ niệm quá khứ, cũng gàn dở thật. Giới trẻ khó chịu lắm, họ chê bai, dè bỉu những kỷ niệm đơn sơ của các cụ. Mà chuyện cũ của các cụ thì toàn chuyện nhỏ nhen, đơn giản chứ làm gì có chuyện phức tạp như bây giờ.

Năm 1986, tôi nhận làm phiên dịch chủ nhà, đưa 1 đoàn quan huyện (toàn bí thư huyện ủy sang học trường Đảng cao cấp, tôi gọi họ là QUAN HUYỆN) đi Kazakstan tham quan, học tập. Một chuyến đi thật là bổ ích cho tôi, nó mở mang cho tôi bao nhiêu kiến thức mới. Tôi muốn nói 1 chút về 4 từ PHIÊN DỊCH CHỦ NHÀ, nghĩa là làm phiên dịch, nhưng cũng như chủ nhà, mang 2 trách nhiệm: phiên dịch và chủ nhà. Tuy lúc đó tôi chưa biết gì về Kazakstan, nhưng vẫn phải làm.

Đến nơi, tôi vội thăm mọi nơi ở của đoàn. Bắt chiếc CỤ HỒ tôi chạy xuống bếp tìm hiểu các món ăn. Ở đây khác với cách tìm hiểu của Bác là xem bếp có sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng không, tôi chỉ hỏi xem các món ăn của họ. Họ nấu nướng cũng giống ta, chỉ khác là toàn thịt là thịt, trông mà sợ. Rau chẳng có mấy, chỉ bắp cải, cà chua, cà rốt và dưa chuột. Những thứ rau này đắt gấp mấy lần thịt.

Đi quanh, tôi ngạc nhiên vì ngoài khách sạn chúng tôi ở, thì dân cũng sống bình thường như ta, nhà chủ yếu là một tầng, thưa thớt, họ cũng mũi tẹt, có khuôn mặt tương tự người Mông cổ, nhưng đẹp hơn Mông cổ. Một lúc sau tôi nói với cô dẫn đường cho tôi xin vào tualet, cô nhìn quanh và dẫn tôi đi. Cách xa nhà khoảng gần 200m, cô chỉ tôi: "Chị vào đi". Tôi theo tay cô chỉ,  đi vào. Hóa ra cũng hố xí 2 ngăn, cũng bẩn chẳng khác gì ta... Tôi hỏi sao không làm tualet hiện đại thì cô trả lời: "Làm tualet hiện đại thì lấy đâu ra phân bón cây, bón ruộng". Vậy là tôi hiểu lý do của họ.

Vào bữa ăn chiều. Đoàn ngồi vào bàn, sau thủ tục đón tiếp, bắt đầu nâng cốc, mấy quan huyện ăn rào rào như tằm ăn dỗi. Tôi nhìn thấy các ngài ấy ăn mà khiếp, mà xấu hổ. Cứ hết đĩa thịt này thì họ lại tiếp đĩa khác, đủ các loại thịt. Tôi không ăn được, chỉ ngồi nhấm nháp mấy miếng bánh mì đen cầm hơi và nhìn các quan mà lắc đầu xấu hổ. Thủ tục tiếp ban đầu là 1 đầu cừu luộc, mỗi người xẻo 1 miếng, ai thích thì cứ việc chén tiếp. Tôi chỉ ngửi thấy toàn mùi cừu, nên hỏi sao ở đây toàn thịt cừu mà không có thịt khác, họ trả lời: "Chị lầm rồi, chỉ có thủ tục lúc đầu là cái đầu cừu luộc, rồi món đầu là thịt cừu. Còn các món sau là thịt bò, thịt ngựa".


Nghe đến thịt ngựa, tôi hỏi dồn dập họ cảm thấy tôi sợ nên  nói luôn: "Ngoài thịt ngựa, còn có sữa ngựa, bơ ngựa, phomat ngựa, xúc xích, thịt hun khói... nói chung thịt bò có món gì thì thịt ngựa có món ấy...". Tôi cắt ngang hỏi: "Sao lại ăn thịt ngựa?" Như gãi vào đúng chỗ ngứa, họ kể đủ thứ tốt về thịt ngựa. Đặc biệt sữa ngựa tốt gấp chục lần sữa bò. Họ khỏe cũng nhờ có sữa ngựa và thịt ngựa.

Nghe nói công dụng của sữa ngựa, sáng hôm sau tôi cũng cố uống, nhưng nó hoi quá, đành bỏ. Họ thương tôi vì bao ngày chỉ ngồi ăn nhấm nháp bánh mì đen, nên hỏi: "Natalja Khôsiminovna, chị ăn thế thì sống sao nổi, đừng nói là làm việc quần quật, chạy như con thoi suốt ngày. Chị ăn gì cứ nói, chúng tôi sẽ cung cấp". Tôi thấy họ gặng hỏi nhiều lần đành nói chỉ ăn thịt gà thôi. Vậy là bữa sau họ cho tôi hẳn 1/4 con gà luộc. Cầm miếng thịt gà đưa lên miệng cắn: trời ơi, đây là thịt cừu hay thịt ngựa chứ có phải thịt gà đâu. Những người phục vụ lại thấy tôi nhấm nháp bánh mì đen hỏi: "Sao chị bảo chỉ ăn thịt gà, chúng tôi luộc thịt gà cho chị mà chị lại không ăn ?" Tôi đành nói thật: "Chị nói thịt gà, nhưng tôi cắn 1 miếng thấy đúng thịt cừu hay thịt ngựa, tôi không ăn được, xin lỗi". Họ giải thích là thịt gà, nhưng  gà nuôi chung chuồng với ngựa và cừu, chúng ăn chung, uống chung nước với cừu, ngựa nên có mùi ấy. Thật là một kiến thức mà nếu không đi Trung Á thì không thể biết, vả lại ai không ở hoàn cảnh tôi thì cũng không thể biết. Chỉ có bánh mì đen là ít có mùi cừu, ngựa còn bánh mì trắng cũng cứ thấy hoi hoi không giống bánh mì ở Moskva. Một chuyến đi nhớ đời thật.


Nhân năm ngựa, tôi nhắc lại lần đầu tiên biết thịt ngựa, sữa ngựa, phomat ngựa, chả ngựa, cơm rang thịt ngựa... là gì. Kể lại chuyện NGỰA của tôi để các quí vị nào rỗi rãi tháng giêng đọc chơi. Xin cám ơn quí vị nào đã đọc bài này.

Xin chào các quí vị và chúc các quí vị
MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG !