Du lịch Miền Trung 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2017.




NĂM 2017 XIN KÍNH CHÚC TẤT CẢ CÁC QUÍ VỊ GẦN, XA,
 QUEN BIẾT VÀ KHÔNG QUEN BIẾT:
 MỘT NĂM TRÀN ĐẦY SỨC KHỎE,
 NIỀM VUI  BẤT TẬN
VÀ HẠNH PHÚC QUANH NĂM.
 MONG SAO NĂM 2017 HÒA BÌNH SẼ NGỰ
 TRỊ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI,
 MỌI CHẾT CHÓC, ĐAU THƯƠNG,
 MÂU THUẪN SẼ LÙI XA VỀ QUÁ KHỨ !

NƯỚC KHOÁNG THANH THỦY.

-...Này có đi tắm nước khoáng thanh thủy không ?
- Có. Đi mấy ngày, mấy đêm ? Nộp bao nhiêu, hả Thanh Mai ?


- Đi 3 ngày, 4 đêm. Anh Nghịnh chồng Minh Gương tổ chức. Mà đã là anh Nghinh tổ chức thì đừng có hỏi tiền. Mình chả bao giờ hỏi cả, Anh ấy đã tổ chức thì không còn nơi nào rẻ hơn. Đi nhé, để còn đăng ký.

- Tất nhiên đi rồi. Hỏi tiền để mang theo thôi, ngại mang nhiều không cần thiết, lại mang về.
- Nhớ 14/12/2016 đấy. Sẽ báo lại sau, nếu có gì thay đổi.

... Đến hẹn lại lên. Khổ nỗi ngày hẹn họ lại báo gió mùa đông bắc, vậy là cụ nào sợ rét thì HỐT tụt lại ở nhà.

Ngày 14/12 trời đẹp, khô ráo, quang đãng, sáng sủa, Mọi người đi trên ô tô đều thích thú, phấn khởi và tiếc cho ai đã đăng ký rồi mà sợ rét tụt vào trong chăn tại HN.

Vẫn như những lần trước trừ thứ 7 và chủ nhật thì chỉ có nhóm các cụ LS-QL thôi, nghĩa là chỉ có 11 người ( 3 đôi cụ và 3 bà, 2 ông độc thân ). Cả khu nhà nghỉ tắm nước khóang rộng lớn chỉ có 11 cụ, tha hồ LƯỢN và vùng vẫy giữa 2 bể nước khóang nóng RỘNG mênh mông, nước nóng đến mức không cẩn thận thì thành CHÍN, ít ra cũng TÁI. Mà tái, chín  này thì không biết vứt đi đâu.

Thường 2 bể nước chỉ có vài ba cụ tắm, còn các cụ khác đi đến đây chỉ để TẮM , NGÂM NƯỚC KHOÁNG TRONG BỒN  họ bơm cho từng phòng chứ không dám xuống bể bơi, sợ từ nhà đến bể bơi qua 200m sân bị gió lạnh.

Nước trong xanh, sạch,  ấm thế nhìn mà tiếc cho các cụ đã đến đây còn tù túng trong bồn... Chiều tối họ lại thay bể, sáng ra bơm nước mới...

Đến nơi đây ngâm nước khóang, bơi lội chữa bệnh, ngày 3 bữa cơm. Bữa nào cũng 5 - 6 món đủ thịt gà , ngan, lợn, bò, cá, lươn, tôm, cua, trạch, ếch, rau tươi vừa hái ở vườn về...Ăn no  rồi lượn quanh, tắm nước khoáng 2 lần / ngày, ngoài ra tự do.

Đang ở nhà làm u già trông cháu cho con, các cụ đến đây thấy rảnh rỗi quá, tụ tập tán chuyện cho vui, cũng có cụ còn chơi game nữa đấy. Ở đây nhà nghỉ hầu từng tí, các cụ ngồi quây quần quanh ấm chè mạn ôn lại cái thời LS-QL, rồi những năm đại học, công tác, chiến tranh, phấn đấu, tập thể dục, rèn luyện thân thể, bấm huyệt, khí công, đập, vỗ, giảm béo, kéo tai, kéo mũi, vỗ tay, kết luận mọi rèn luyện hầu như vô hiệu, chỉ tập cho vui là chính, ôn nghèo, kể khổ cho nhau nghe... Đủ thứ chuyện trên đời, cũng không quên  KHOE  ngày nay, các con trưởng thành, các cháu nghịch, chúng đẹp như những thiên thần... thế mới có dịp TÌM HIỀU NHAU kỹ hơn.

Quanh quẩn mới có 6 lần tắm mà đã hết 4 ngày, tiếc, nhưng không thể ở thêm, các cụ làm u già lại còn nhớ các cháu... VỀ THÔI ! Thanh toán tiền 4 ngày, 3 đêm + tiền thuê ô tô mọi người  GIẬT MÌNH, ĐẮT  quá,  hết NHỮNG  1 triệu 300 ngàn đồng, chặng nghỉ ở Ba Vi còn được chiêu đãi kem caranen và sữa chua bo vang nữa.  Các cụ còn nhiều tiền quá thì mua đủ thứ, đặc biệt có dồi đà điểu, thịt bo vang...sữa chua dê, BO VANG BA VI mỗi cụ làm mấy hộp, bánh tẻ đặc sản nóng bỏng tay ( vừa lấy trong lò hấp ra không, nói phét nhé) mấy chục chiếc, khuân vác lặc lè lên xe về HN.

Thật là một chuyến đi đáng nhớ để đời, ai không đi chắc phải tiếc mất ăn, ất ngủ dài lâu. Thôi đành để lại lần sau nhé. 

Sơ sơ chuyến đi là thế. Ảnh để cho các nhiếp ảnh gia đăng sau, xin lỗi quí vi. Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.


Xin kính chào.
   

TSQ LÊN THÁC BỜ HÒA BÌNH.



Năm nào cũng vậy, cuối năm nhân ngày thành lập quân đội nhân dân VN, TSQ tổ chức đi đâu đó về cội nguồn Việt Bắc hay vào Nam. Năm trước chúng tôi được đi vào miền Trung, thăm mộ Anh Cả QĐND VN. Khắp nơi chúng tôi được đón tiếp nhiệt tình. Số người lúc đó ( kể cà những người liên quan ) khoảng gần 50 người. Năm nay nghe tổ chức đi Thác Bờ Hòa bình tôi cũng tưởng khoảng gần như vậy. Không may thời tiết thay đổi, gió mùa về, trời mưa cả ngày, ẩm ướt. Số người bị cảm đột nhiên tăng vọt. Thủ lĩnh đại tá Đinh Bá Trụ gọi điện hỏi:

- Tuấn Nga có đi không ?
- Có chứ, TSQ tổ chức thì chắc chắn đi rồi. Hơn nữa TN thường tuần chay nào cũng nước mắt ,anh biết mà, cứ yên trí.

Trả lời chắc chắn, nhưng bụng lo chả biết có đủ sức tham gia cuộc hành quân này hay không mà nói liều thế. Thôi đã chót thì phải chét, hứa rồi phải cố mà đi. Cũng may chỉ đi có 2 ngày 1 đêm nên chắc chắn cố được.

Trước khi đi 3 ngày anh Trụ lại hỏi:

- TN có chắc chắn đi được không ? Hai ngày 1 đêm đấy nhé. Cố đi nhé, TSQ là máu thịt của chúng ta rồi.

- Chắc chắn, chắc chắn, anh yên tâm !

Trước 2 ngày thấy trên FB có ảnh thủ lĩnh ĐBT đang nằm. Hỏi ra mới biết thủ lĩnh ĐỔ rồi. Tôi vội gọi điện đươc anh trả lời:

- Bỏ cuộc rồi, không đi được.
- Tiếc thế ! Lần đầu tiên thủ lĩnh bỏ cuộc đấy nhé.
- Ừ, bỏ cuộc thật rồi, tiếc lắm. Nhưng yên trí có Kính và Khải phụ trách tốt lắm.
- Biết thế, chỉ tiếc anh không tham gia thôi. Chúc anh mau khỏe !

Ngày lên đường mưa nặng hạt, gió đầu mùa về thổi làm cái rét càng rét hơn. Khi ô tô đến đón, anh Khải đếm và thông báo :

- Đủ rồi, chúng ta lên đường. Đoàn chúng ta hôm nay có 22 người, lúc đầu đăng ký cũng đông, nhưng rồi xuống còn 34 người, cuối cùng hôm qua tôi nhân được thông báo: vì nhiều  lí do khác nhau nên hôm nay chỉ còn 22 người thôi.....

- Trên đường đi chúng tôi vẫn theo truyền thống cũ, vừa đi vừa hát hò, đọc thơ tự sáng tác,  kể đủ thứ chuyện ( thật có, giả có, tiếu lâm có, chuyện cười có... ), chỉ nghỉ có 1 trạm. Con đường cao tốc và chuyện trò, hát hò làm cho thời gian đi ngắn lại. Đến nơi chúng tôi bỏ ô tô lên tầu thủy sang đảo CỐI XAY GIÓ. 

Gọi là đi, nhưng chúng tôi hầu như không đi bằng chân mình.

Đảo Cối xay gió nhỏ. Chỉ có mấy nhân viên phục vụ, còn đội ngũ bảo vệ toàn là 4 chân, vàng, đen, không có trắng. Chúng rất thân thiện, quấn quít lấy chúng tôi, tuyệt nhiên không vào phòng ngủ. Lần đầu tiên từ ngày TSQ tổ chức đi đến nay chúng tôi mới ở phòng to 10 người. Nhưng chúng tôi có 11 nam, 11 nữ. Định ghép 2 người thừa 1 nam, 1 nữ, nhưng chẳng ai muốn rời đội hình nên cuối cùng đành để 1 giường 3 người. Phòng ngủ tập thể, chẳng khác hồi ở trại TSQ bản Búc là mấy. Tualet chung, nhìn nhau mà sử dụng, nói chung cũng ổn. 

Buổi trưa đi ăn thì chủ yếu thức ăn tại chỗ, đặc sản, kể cả rượu. Cụng chén, chúc tụng nhau vui đáo để. có cả cô chủ nhà người bản xứ. Nói là bản xứ chứ có khác gì chúng tôi đâu, chỉ khác là khác cô ta biết rất nhiều, nhanh nhẹn, hát tiếng Nga HƠI BỊ SIÊU, nhảy nhót thì TN chịu thua. Dưới chân bàn các chú vệ sĩ đứng canh nên khách thường xuyên chiêu đãi thức ăn cho chúng.

Đêm đến chuyện trò khuya mới ngủ. Ở đây là miền rừng núi, gỗ rẻ lắm nên rất nhiều người tranh thủ KÉO GỖ, to , nhỏ ầm ầm...Ai khó ngủ thì chỉ nằm nghe họ kéo gỗ mà sốt ruột, tiếc mình không thể cùng họ kéo...


Kế hoạch ban liên lạc đề ra thực hiện đầy đủ, chỉ thiếu có 1 hang không đi vì nước to. Tối hôm ở lại định đốt lửa trại giao lưu, nhưng vì mưa to nên không đốt lửa trại mà chỉ giao lưu. Mọi người móc ra những bài hát xưa, càng xưa, càng tốt. Thế là thi nhau xem ai gào to, hát được nhiều bài hát thời TSQ mà hơn 60 năm chưa một lần hát lại...Gần 22 h thì giải tán đi ngủ để còn giữ sức mai đi đền bà chúa Bờ. 


Kế hoạch đề ra thực hiện đầy đủ như thế mà mọi người vần khỏe, vẫn vui cho đến khi về nhà.

Cuộc hành quân của TSQ tuy không rầm rộ, nhưng rất vui, đem lại khí thế của những chú vệ quốc nhỏ một thời cho các CỤ ngày nay sống tiếp.
TSQ đã đi đến nơi, về đến trốn, đầy đủ quân số.

Tôi chỉ viết sơ sơ để ai quan tâm biết, không có tham vọng viết hay. Lần này tôi đi không mang theo máy ảnh nên ảnh toàn của các bạn cùng đoàn chụp, đặc biệt là Hồng Liên. Xin cám ơn ban liên lạc, những người tổ chức nhiệt tình đưa chúng tôi đi mà cụ thể là anh Khải và anh Mạnh Kính (cũng là đại tá đấy nhé, con chị đi thì con dì lớn thay) Xin cám ơn các vị đã đọc và góp ý.





Xin kính chào.

THỬ VIẾT LẠI BLOG.

Kính thưa tất cả các quí vị.

Trước hết xin kính chào tất cả các quí vị.

Lâu nay do trục trặc cả người lẫn máy nên tôi không viết được gì, mặc dù rất muốn viết. Hôm nay người cũng như máy có thể làm việc túc tắc trở lại nên xin trình diện quí vị. ( mặc dù không viết tiếng Nga được và vẫn không đăng được ảnh lên. )

Tuy không viết nhưng tôi vẫn theo dõi blog và FB của tất cả những người thân quen và dự hầu như các cuộc họp mặt trong thời gian qua của tất cả nhóm, các hội, các tổ chức bạn bè lớn, bé đầy đủ. 

- Họp mặt hội Sông Hông.
- Họp mặt kỷ niệm 35 năm xí nghiệp liên hợp dệt Sakhty.
- Họp mặt hội Hoài niệm LX,
- Họp mặt trường TNVN Moskva,
- Họp mặt Nữ sinh trường ĐHBK HN kỷ niêm 60 năm ngày thành lập trường,
- Họp mặt 60 năm kỷ niệm ngày thành lập trường ĐHBK HN.
- Họp mặt kỷ niêm 65 năm ngày thành lập Khu học xá trung ương Nam Ninh.

 Vậy là tuần chay nào cũng có nước mắt, trừ họp mặt kỷ niệm ngày thành lập trường ĐHKTQD tôi không đi, vì từ hồi xa trường tôi chưa bao giờ dự cả.

Kể ra để quí vị biết tôi đã rất cố gắng dự những ngày họp mặt kỷ niệm của những nơi tôi đã học tập và làm việc trong suốt thời gian công tác của mình. 
Mặc dù sức khỏe tôi không hoàn toàn tốt, nhưng tôi đã rất cố gắng có mặt để nói lên tấm lòng của mình với những nơi đó.

Quí vị thân mến, mặc dù ở tuổi  XƯA NAY HIẾM, nhưng tôi đã cố gắng hết sức mình để họp mặt, gặp gỡ những người trong đời mình đã có may mắn học tập, làm việc với họ. Mọi người hỏi sao tôi có đủ sức và nghị lực để tham gia với mọi người khi biết sức khỏe của tôi ọp ẹp, tôi đã trả lời:

- Khi còn cố được thì cố đi gặp gỡ bạn bè cho vui. Đến khi không thể nữa thì đành chịu. Các bạn hỏi tôi:
- TN đi thế không sợ lỡ chết vì huyết áp cao hay nhồi máu cơ tim à ? Bệnh nặng thế mà coi thường sức khỏe của mình quá !
- Sợ cũng chết, không sợ cũng chết. Nếu đi gặp gỡ bạn bè chẳng may chết thì chết trong tay các bạn cũng rất vui, còn hơn chết ở nhà một mình.
- Sao lúc nào cũng tươi như hoa, như mình khỏe lắm ?
- Tươi để các bạn biết và nhớ đến tôi chết vẫn tươi, các bạn đỡ buồn. Tươi cũng chết, buồn cũng chết, vậy chết mà vẫn tươi hơn buồn nhiều chứ.
- Nói thế thì chả còn gì để mà nói với TN nữa.
- ....

Tôi nghĩ con người ta dù khỏe hay yếu cũng phải CỐ hết sức mình. Khi làm việc thì cố làm. Khi ốm đau thì phải CỐ vượt qua bệnh tật. Ở tuổi nào cũng bị ốm đau, tai nạn nên phải tự mình VƯỢT LÊN MỌI TRỞ NGẠI để mà sống. Tôi không dựa được vào ai mà cũng không muốn phiền ai nên điều đó với tôi là từ trước đến nay và từ nay trở đi rồi. Mong quí vị hiểu cho tôi còn thở thì còn CỐ HẾT SỨC MÌNH trong mọi trường hợp. 

Tâm sự một chút vì lâu không viết nên viết lăng nhăng, xin quí vị thông cảm. Xin cám ơn quí vị nào đã đọc và góp ý. Xin lỗi quí vị, hiện nay máy của tôi không tải được ảnh lên. Hẹn khi nào tải được tôi sẽ thực hiên.


Phố Tạ Quang Bửu nằm gọn trong trường BK HN.

K10 năm thứ nhất khoa Cơ - Luyện kim BK HN chỉ có từng này nữ sinh vè họp mặt.

Tiệc đứng, nhưng ai cũng tìm một chỗ ngồi...



Khóa 10 ĐHBK HN (K1 KSKT) chỉ vẻn vẹn có 5 người còn không biết ở đâu không thấy về họp mặt

Lớp 65 C khoa KSKT Bách khoa HN của tôi đây.


Lớp 3 của tôi ở khu học xá Trung Ương, hơn 60 năm mới gặp lại nhau. Lớp trưởng đứng cạnh tôi đó !

Tại sân nhà lớp trưởng ở TẬN HÀ ĐÔNG.

Xin kính chào !
 

NGÀY LỄ VU LAN.





Tháng bảy ngày rằm xá tôi vong nhân.Từ bé tôi nghe câu này đã quen, nhưng bây giờ mới hiểu nghĩa sâu xa thật của nó. Hôm nay 14/7, mai đã là RẰM, ngồi nhà sau ngày đi tụng kinh ở chùa, chả biết làm cách nào đi đâu nên chỉ tâm niệm nhớ đến những người đã khuất và cầu mong họ mau chóng   siêu thoát. Cũng nhân dịp này nhớ đến những chiến sĩ xa xưa trong kháng chiến chống  giặc ngoại xâm của  2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ,nhớ đến những người quanh tôi thời gian ấy nay đã khuất. Với tôi đặc biệt nhớ lại thầy lang và 2 người hàng xóm, vừa là thầy, vừa là bạn , họ đã cùng tôi sát cánh bên nhau trong suốt thời gian chống Mỹ cứu nước và cho đến những ngày khó khăn của đất nước những năm 80 của thế kỷ XX. Còn lại một mình với 3 đứa con gái của cả 3 người, tôi thấy thương 2 cháu gái bây giờ đã ngoài 50 mà mỗi lần gặp hay nói chuyện điện thoại vẫn nhắc một câu XÉ lòng tôi:
- LL thích thật, vẫn còn cô, còn mẹ, còn chúng cháu thì mất mẹ đã lâu rồi...
Tôi chẳng biết an ủi các cháu bằng cách nào, chỉ biết nói một câu :
- Số mà . Con người ta có số, Trời cho sao được vậy. Biết làm sao...
Thế thôi. Nhưng hôm nay đây tôi đặc biệt nhớ tới thầy và họ, 2 hàng nước mắt tuôn rơi, cố ngồi ghi lại những công ơn thầy và 2 người bạn đó đem lại cho tôi và cho 2 đứa con tôi. Những công ơn này sống để bụng, chết mang theo...

1. Chị Thảo: bạn hàng xóm cùng một nhà, thầy thể dục, thể thao năm thứ nhất đại học Bách Khoa HN  của tôi. Còn anh là thầy dạy cơ lý thuyết của tôi thời kỳ đó. Năm 1972 khi Mỹ mở rộng đánh bom ác liệt HN, tôi không thể đi sơ tán, vì con tôi đang   uống và tiêm thuốc trừ dại bị mèo cào.
Một đêm sau trận bom Mỹ từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng liên tục không ngớt. Chẳng hiếu vì sao con tôi cả đêm vật vã trên vai tôi không 1 phút yên. Lo con lên cơn dại, chân tay run lẩy bẩy không thể đứng vững. Ôm nó sang nhà chị Thảo, một người duy nhất trong nhà 42 còn ở lại HN làm tự vệ cho trường, tôi vội nói :
- Chị Thảo ơi, chắc con Ly lên cơn dại rồi, cả đêm không một phút yên, nó vật vã trên 2 vai tôi và rít lên từng tiếng dài...
- Chị muốn gì, nói xem sao...
- Tôi muốn nhờ chị đèo tôi đến thầy lang cách đây 17 cây ở đâu Văn Điển thì phải. Tôi đi nhiều lần,  biết đường, chị cứ đèo, tôi bế nó dằng sau chỉ đường cho chị đi.
- Thì chuẩn bị đi tôi dắt xe ra đi luôn.
- Có gì đâu mà chuẩn bị, mấy đồng nhét túi, cửa khóa rồi, ta đi nhé.
- Đi luôn, nhanh lên, tôi cố đạp thật nhanh...
Lên xe nhanh đi, ngồi chắc vào, ổ gà tôi cũng qua được, không phải xuống đâu.
Đèo tôi qua cổng pasabol của trường, chị phóng rất nhanh, trước của bệnh viện Bạch Mai đường đã bị lỗ chỗ ổ gà, nhưng chị vẫn cắm đầu đạp qua.
Thế rồi qua hết đoạn đường bệnh viện thì quang cảnh khác hẳn, đường bị bom cầy nát, không thể đi nổi chứ đừng nói đạp xe, Tôi xuống xe, lòng lo tơi bời ruột gan. Biết làm sao, trước mắt còn cả một con đường dài, bế con lội 15 km liệu có nổi không. Chị Thảo nhìn quanh, quay lại tôi :
- Có cách rồi. Bà cứ ôm con Ly theo tôi. Tôi thấy có con đường dưới ruộng tuy bé, nhung vẫn đi được. Tôi vác xe xuống đấy, bà theo tôi đi sau, chỗ nào bờ ruộng đi được ta leo lên tranh thủ đi, chỗ nào không đi được thì tôi lại vác xe, bà bế nó, nếu ruộng không có bờ, ta lội qua bên bờ đi tiếp...
Ôm con trên tay, tôi làm theo chị không một lời. Cứ thế tôi và chị đưa được con tôi đến ông lang. 
Đến nhà ông Lang không một bóng người. Tôi và chị ngồi ngoài sân vừa lo vừa tiếc công lội 17 km mới tới nơi mà không gặp ai. May quá có 1 cháu ở đâu đó xuất hiện :
- Hai bác ngồi làm gì ở đây ? Đêm qua nó ném bom ác quá, cả nhà đi sơ tán hết rồi. Các bác có khát vào nhà uống nước.
- Chúng tôi vào nhà uống nước. Luôn thể kể cho cháu nghe đầu đuôi câu chuyện. Cháu nói vẻ buồn và luyến tiếc:
- Thầy cháu đấy 2 bác ạ. Đáng lẽ cả nhà đóng cửa vào trong làng sơ tán, nhưng thầy cháu ốm nặng lắm, không thể khám cho con 2 bác được. Tôi bật khóc to thành tiếng và kêu " Trời ơi , có thấu chăng con ? "  Bỗng có tiếng vọng trong nhà yếu ớt :
- Con ơi, vào đây thầy bảo. Thầy nghe tiếng ai đó quen quá.
- Thầy ơi, 2 bà ở BK đến khám cho con nghi là lên cơn. Con nói thầy không thể ngồi dậy được.
- Đỡ thầy ngồi dậy. Lấy cho thầy chai thuốc thử ở trong tủ. Mời 2 bà vào ngay. Thầy  biết bà này mấy lần lặn lội đến đây rồi, giúp người ta tí, con ạ...
- Mời 2 bà vào, cháu đỡ thầy cháu ngồi dựa vào tường rồi. Thầy cháu thử cho, nếu cần thầy cháu cho thuốc là khỏi, 2 bà đừng lo quá, thầy cháu dặn thế. Chỉ khi nào thật sự lên cơn thì mới chịu thôi.
Tôi ôm con theo cháu vào phòng thầy. Sau khi bôi thuốc thử, thầy nói :
- May các bà đưa đến kịp thời. Bà nhìn xem, có thấy như những hạt kê nổi sau gáy cháu không ? Nó đấy, vi trùng đã lên đến gáy rồi, chỉ 1 ly nữa thì chịu. Nhưng bà đừng lo, tôi cho thuốc cắt là khỏi. Chiến tranh ác liệt thế này mà cũng lặn lội đưa con đến. Tôi cho bà cả liều thuốc chặn và thuốc kết. Không sợ nhé. Cố thực hiện như lời dặn của tôi là khỏi. Không cần đến nữa, chiến tranh thế này lỡ đi đường phải bom đạn giặc Mỹ thì nguy. Yên trí, đừng đến nữa. Mà tôi cũng yếu lắm, chắc các cháu sẽ đưa đi nơi khác, có đến cũng không gặp. Tôi ốm nặng lắm, may ra thì qua khỏi...
Tôi cám ơn thầy ngàn lần, chỉ còn cách quì gối lạy nữa là hết. Xin thầy cho phép trả tiền thuốc, thầy từ chối.
- Bà dạy cho bao nhiêu học trò, sinh viên không lấy tiền, bây giờ hoạn nạn thế này, tôi nỡ lòng nào lấy tiền của bà. Về chú ý tuân theo lời dặn của tôi, cháu khỏi, đó là tiền thuốc rồi.
Hai chị em tôi cúi đầu chào thầy, đưa con về. 
Sau năm 1975 tôi định đạp xe thăm thầy thì nghe nói thầy đã qua đời. Một nỗi ân hận không được gặp mặt thầy lúc lâm trung xé lòng tôi.  Nỗi đau, ngậm ngùi đó tới tận ngày nay. Tôi thắp nén tâm hương kính cẩn đa tạ thầy, một người thầy lang duy nhất tôi được gặp. Chắc giờ này với đức độ của thầy thì thầy đã siêu thoát...
Còn chị Thảo, cứ mỗi khi gặp chị tôi lại cám ơn về việc này. Rồi cũng đến một ngày chị bỏ anh ở lại với 2 cháu mà đi...

2. Chị Oanh. Hàng xóm sát nách, cách đúng một bức tường. Chị có 3 con, 2 trai, 1 gái. Cháu gái chơi thân với con gái tôi. Có nồi bã thuốc bắc đổ ra chúng nó cũng sang nhà tôi bới tìm mấy quả táo tầu, mấy cọng cam thảo cùng nhai với nhau. Bài hát mới nào chúng nghe được trên loa, đài là dạy nhau hát. Tôi thường dặn bạn Oanh :
- Mình đi vắng, nhiều khi con LLan ở nhà có gì sai, cứ dạy nó như mẹ nhé. 
- Thế rồi lúc vắng nhà, con tôi có gì sai bạn Oanh đều dậy bảo tận tình. Đến bữa chưa về kịp, con tôi đói bạn ấy cũng cho ăn. Bát canh ngon cũng chia sẻ. Ba đứa con bạn Oanh lúc bé thường gọi tôi là mẹ CA, con cả gọi thế đến khi cả 3 cháu đều gọi được đúng là mẹ Nga thì tôi dọn lên nhà tầng ở.

Khi sang LX con tôi sinh cháu đầu lòng bạn Oanh cũng chăm sóc, dạy dỗ cách chăm sóc con nhỏ và ăn uống kiêng kị...
Một thời gian sau bạn bị bệnh mất trí nhớ và bỏ lại chồng và 3 con mà đi. 

Thế là 3 đứa con gái của chúng tôi chơi thân với nhau cho đến bây giờ. 
Nhân ngày lễ Vu Lan tôi nhớ đến công ơn thầy lang và 2 bạn, thắp nén tâm hương cầu mong thầy và  2 bạn nơi cõi vĩnh hằng mau chóng siêu thoát.  Thầy và các bạn có linh thiêng về phù hộ cho các cháu mạnh khỏe, hạnh phúc và cầu được, ước thấy.
Riêng tôi còn tồn tại nơi trần gian này không bao giờ quên ơn thầy và các bạn, sống để bụng, chết mang theo. Thầy và các bạn yên tâm, nếu các cháu cần gì trong khả năng của tôi, tôi sẵn sàng.

Chia sẻ những kỷ niệm để đời của tôi với tất cả các quí vị còn hay mất mẹ. Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


 

LIỆT SĨ T NHÀ 42 BÁCH KHOA.



Như đã viết ở bài liệt sĩ H, hôm nay lại viết sơ về liệt sĩ T ngay dẫy nhà tôi ở.

Nhà tôi ở có 15 gia đình toàn tạp nham : cán bộ giảng dạy toán, cơ, thể dục, Nga... và thêm mấy nhà lao công, thí nghiệm viên, cấp dưỡng, chăn nuôi. 

Bể nước, bếp công cộng của 2 dẫy nhà lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ : nơi đây mỗi nhà CHIẾM 1 chỗ vừa đúng đặt cái kiềng để nấu và 1 chỗ nhỏ đế cời tro khi cơm cạn vần xuống nấu tiếp nồi khác... Bể nước thì sạch bong, đầu bể nước chị O đặt 1 cái vại đựng nước gạo cho cả hơn 30 gia đình. Chẳng ai bảo ai, nhưng nước gạo, chút cơm cháy rửa nồi, miếng cơm trẻ không ăn nhè ra, tí canh thừa, cuộng rau già nhặt ... đều đổ vào thùng nước gạo...Chiều đến chị chủ lại chắt lấy mang về và rửa sạch vại cho ngày mai. Gọi là thùng nước gạo, nhưng nó rất sạch, không bao giờ có mùi gì. Cống thải của bể nước tập thể lộ thiên giữa 2 nhà, nhưng mọi người tự giác thấy bẩn là quét.

Trẻ con chơi với nhau con gái không bao giờ cãi nhau. Chúng thường tụ tập nhau hát, múa những bài hát chúng thích. Nơi đây có bộ 3 con gái đến tận bây giờ vẫn gắn bó với nhau T + T + LL. Chúng tự tổ chúc ca hát, múa, đóng kịch chuẩn bị cho  hội diễn trại hè của BK. Chẳng có người lớn hướng dẫn, mặc dù có cháu lúc đó còn nói ngọng : khoan khoan KHÒ khoan mà không nói được chư H. Ấy thế mà cũng được giải nhất khi biểu diễn đấy. Còn con trai cũng nghịch ngợm, thỉnh thoảng cũng  CHOẢNG nhau hay chửi nhau :" Đ...t mẹ mày " nhưng sau ít phút lại chơi với nhau như chưa hề có chuyện gì xẩy ra. Tôi nhớ khi mẹ cháu bị chửi tức mách bố cháu chửi, bố nó đánh con một trận khá đau, nhớ để đời, mỗi roi lại hét to :" P..con còn Đ..t mẹ nữa không ?" Thằng bé đâu quá hứa rối rít  :" Ba ơi , con biết lỗi rồi, từ nay con không đ..t  mẹ nữa  ạ. Con trừa rồi ạ !'...

Cháu T cũng nằm trong những cháu ở khu nhà này.  Mẹ cháu chăn nuôi của trường, còn bố cháu mổ lợn cho bếp ăn 1 tháng 5, một bếp duy nhất phục vụ cán bộ của tất cả cán bộ trường. Cũng chính vì vậy mà chị nuôi lợn, lấy nước gạo tập thể 2 nhà, thỉnh thoảng anh lại thịt lợn bán rẻ cho mỗi nhà 1 kg. Ôi 1 kg thịt lúc đó mới quí làm sao. Có lần tôi hỏi chị :
- Làm sao mà chị biết lợn đến lúc mổ cung cấp cho mỗi nhà một cân ?
- Dễ lắm, ông ấy lấy gang tay đo dọc con lợn, rồi đo qua bụng tính đủ gần 40 cân là thịt, nuôi con khác...Dễ ợt.

Chiều đến các gia đình đi làm, đi dạy về  là ra bể giặt rũ, rửa ráy, vào bếp nấu cơm hoặc gọi con trai lớn ra đằng sau gần sông Tô Lịch tưới  rau, tự túc của hầu hết các gia đình. Mỗi nhà ít nhất cũng có tới 3 luống rau, đủ ăn quanh năm. Lúc đo BK chưa có chợ mà muốn mua gì phải ra chợ Mơ...

Cháu T là anh cả với tiếp sau cháu là 1 lũ em gái và khóa đuôi là cậu út. Anh cả chăm lo , hướng dẫn, dạy dỗ các em tận tình thay cha, mẹ không có trình độ văn hóa chu đáo. Gương mẫu cho các em đủ điều, trong đó có học giỏi.

Người ta cứ bảo trẻ con 3 ngày 7 mặt, đằng này các cháu nhỏ không thế, nhưng lớn cũng nhanh lắm. Sau 5 năm học đại học ở Lạng Sơn trở về, mặc dù trước đây cô cháu vẫn quấn quít bên nhau, nhưng T lớn nhanh quá, tôi không còn nhận ra nữa.

Thấy tôi về cháu vào nhà nói đủ thứ chuyện vui, buồn trong thời gian qua rồi than phiền :
- Cháu buồn nhất là cô quên cháu rồi ! 
- Không phải quên mà cháu lớn nhanh cô không nhận ra !
- Thế mà cháu cứ tưởng cô thành kỹ sư nên giả vờ quên cháu !
- Đừng nói bậy, cô vẫn là cô Nga !
- Vâng, cháu xin lỗi. Cháu năm nay cũng sẽ là sinh viên ĐHBK rồi đấy cô ạ.
- Cháu giỏi thật, cô chúc mừng. Cố mà học giỏi thành kỹ sư cho bố, mẹ cháu mừng.
- Vâng, cháu sẽ hết sức ! Cô nhớ kèm cháu tiếng Nga nhé !
- Cô luôn sẵn sàng.
- Cô giỏi tiếng Nga thế, cháu nói cái này nhé :  Học xong khi thành ký sư BK thì cháu cũng hết cách 5 rồi. Học BK là vất vả, khổ sở đủ điều... Quần với môn quân sự, cô đã học qua BK biết đấy, kém gì bộ đội chính qui đâu, nên sau 1 tháng đứa nào, đưa ấy đen chùi chũi, gầy như quỉ đói. Thế chả hết cách 5 là gì !
- Cô vẫn không hiểu !
- Thì cô giỏi tiếng Nga phải biết cách 5 tiếng Nga tận cùng giống đực là -ÔM, -EM . Lúc ấy còn em nào muốn nhìn thấy mình nữa mà ÔM EM ?
- Ôi T ơi, cháu lớn thật rồi, dám nói với cô về yêu đương rồi đấy !
- Thì cháu 18 tuổi còn gì !
- Ừ, lớn thật rồi.

Lên năm thứ 2, tôi gặp cháu mấy lần. Có lần cháu vào nhà nói với tôi:
- Cô ơi cháu xung phong đi bộ đội rồi! Vào Nam chiến đấu, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực.
- Chúc cháu toại nguyện, chắc bộ đội sẽ nhận cháu !
- Thì cháu nói, cháu sắp nhập ngũ. Hôm nay vào chơi với cô không phải để học tiếng Nga mà để nghe cô hát mấy bài của lính Nga mà cháu thích cô đã dạy cháu trước ngày nhập ngũ đi chiến đấu...
- Thế à ! Thế thì cô cháu mình hát nhé. Nhưng trước khi hát cô chúc cháu lên đường bình an, chân cứng đá mềm, mũi tên, hòn đạn tự tránh xa cháu ra. Hẹn ngày chiến thắng gặp lại cháu sẽ  ĐỎ NGỰC.
- Cám ơn cô. Cô cháu mình hát nhé !

Hai cô cháu hát say sưa các bài hát của quân đội  Nga trong đại chiến thứ II.

Không ngờ sau ngày chiến thắng, sau nhiều ngày cháu không trở về. Một thời gian sau gia đình nhận được giấy báo tử... Cháu là lính xe tăng, hy sinh ngày 30/4, đúng trước cửa ngõ Sài gòn phút cuối cùng trước giờ chiến thắng..

Nỗi đau của gia đình, của cả 2 khu nhà chúng tôi... Tôi chỉ biết âm thầm nhẩm nhẩm :" Cầu xin cháu mau chóng siêu thoát để sau này quay trở lại với gia đình với đất nước VN đau thương mà anh dũng này !HỠI CÁC LIỆT SĨ TRẺ TUỔI CỦA ĐHBK HN  ngày ấy, mọi người luôn nhớ đến sự hy sinh cho sự trường tồn của đất nước này . Các liệt sĩ hãy yên giấc ngàn thu ! Toàn dân VN biết ơn các liệt sĩ đã quên mình, hiến thân cho Tổ Quốc !

ĐỜI ĐỜI CHÚNG TÔI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ !!! Các đ/c hãy yên giấc ngàn thu cho chúng tôi ở lại yên lòng.
Nhân này 27/7 viết lại mấy bài về con em của cán bộ, công nhân viên BK đã  hy sinh  cho chiến thắng ngày ấy !!! Họ đã ra đi cho Tổ Quốc VN trường tồn, cho đồng bào được sống yên ổn.
Xin chia sẻ và cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


LIỆT SĨ H nhà 41.



Bách khoa trước đây đất rộng, người thưa nên toàn xây nhà cấp 4. Mỗi nhà có khoảng 12 - 18 phòng, rộng 15 m2. Mỗi phòng chia cho 1 hộ, nếu gia đình từ 4 người trở lên, còn chia đôi là mỗi gia đình 3 người. Các nhà xây quay mặt vào nhau ( không chọn hướng nhà ) . Ở giữa là bể nước và bếp chung cho cả khoảng 30 hộ cho cả 2 nhà. Vì thế cứ đến giờ nấu cơm hay vừa đi làm về là bể nước, bếp người nhộn nhịp rửa ráy, nấu cơm...Tình người cũng từ đó nấy sinh rất đậm đà. Con 30 hộ thì mọi người lớn đều quan tâm, lo lắng, dậy dỗ như con mình. Có quả cà, bát canh rau tập tàng ngọt cũng chia cho hàng xóm...Trẻ con cũng thế, chúng chơi thân với nhau như anh, chị, em một nhà...

Vì sống chung như thế, nên nhà hàng xóm có gì thì mọi người đều tỏ tường như nhà mình. Tường nhà nọ sang nhà kia bằng rơm trôn đất sét. Cốt trong là tre hay nứa, đụng mạnh là có thể đổ. Ở lâu ngày tường nhà rỗ như mặt người lên đậu. Chính vì thế mà hàng xóm nhà tôi đục 1 cái lỗ ngay đầu giướng nhà mình to bằng 2 bàn tay, mình lấp lại chỉ một lúc sau lại hở ra nguyên xi. Bực mình kêu hàng xóm để con nghịch đục tường thì mẹ nó trả lời :
- Không phải trẻ con mà ông ấy đục tường nhà mày để ngó đồng hồ nhà mày xem giờ ! " Bực nhưng đành thông cảm để cho hàng xóm xem giờ hàng ngày, mình lấp lại thì họ bảo mình  ÍCH KỶ cũng phiền.

Cũng do sự  NHÒM NGÓ ấy mà con mình bắt chước mẹ nói ; " MAO CHỔI XỂ "  bị ông cán bộ giảng dạy khoa lịch sử đảng phê bình bố nó trong chi bộ là mẹ nó dậy con nói bậy, mất lập trường của đảng. Cũng do thế mà mình mới biết chuyện một liệt sĩ của gia đình khác trong 2 ngôi nhà cấp 4 này. Chuyện là thế này :

Hai nhà đối diện nhau, mở cửa nhìn thông thống sang nhau như nhà mình. Giờ nấu cơm sum họp gần như 30 nhà trong 1 bếp. Dẫy nhà đối diện nhiều cán bộ giảng dạy bộ môm lịch sử đảng, còn bên nhà tôi ở thì đủ thành phần.

Ngày xưa người ta không coi những người có trình độ học vấn cao và MÙ CHỮ khác nhau, chỉ khác nhau là vị trí công việc mà thôi. Chả thế mà nhiều NGƯỜI COI THI vào đại học Bách khoa khóa 1, khóa 2, khóa 3 là y tá, cấp dưỡng, thậm chí lao công của trường...Chuyện thật như  bịa mà lại có thật 100% ở thời kỳ đó.

Bên nhà đối diện với nhà tôi có cháu H. Cháu thường nấu cơm trưa, chiều trong bếp cùng các gia đình khác. Vừa nấu cơm, vừa tán đủ mọi chuyện trên đời mà cháu NHẶT được, hôm nào không có chuyện thì thổi sáo, hát...Cháu rất thích và thân với tôi, vì thời đó tất cả các cháu học cấp 2 đều học tiếng Nga, mà cháu thích hát tiếng Nga,  nên làm quen với tôi từ đầu. Thượng vàng, hạ cám, hay, dở cháu đều nói với tôi.

Thế rồi kháng chiến chống Mỳ trong giai đoạn sôi sục, cháu làm đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ. Tôi mừng thấy cháu trưởng thành và dũng cảm xin nhập ngũ để vào Nam chiến đấu , nên gặp cháu tôi hết sức động viên và lại hát những bài tiếng Nga cho cháu nghe và hát theo...Trong thời gian luyện tập để đi B, thỉnh thoảng ngày nghỉ cháu về nhà chơi. Vì học ở Lạng Sơn nên tôi ít gặp cháu...Lần cuối cháu nói với tôi : 

- Cô biết không, chúng cháu sắp hoàn thành khóa huấn luyện. Huân luyện xong là đi B. Chả biết cô cháu mình còn gặp nhau được mấy lần nữa ...
- Được gặp lần nào hay lần ấy. Mong cháu chân cứng, đá mêm, mũi tên hòn đạn tránh xa cháu...Cô cháu mình chắc còn gặp nhau nhiều, cháu nhỉ...
 - Cháu cũng mong và hy vọng thế.

Rồi lần sau về HN thực tâp, tôi nghe hàng xóm nói cháu đã đi B. Trước khi đi cháu nhớ gia đình, các em, hàng xóm trốn về thăm...Nhưng bố cháu lại sợ mọi người biết cho là cháu  ĐÀO NGŨ... mắng cháu thậm tệ và nói cháu là  THẰNG HÈN, mặc dù cháu đã giải thích...Bố cháu không nghe, nhốt cháu vào nhà tắm, khóa cửa chặt, hàng xòm thấy nhà tắm công cộng khóa, cháu kêu gào trong đó, yêu cầu thả ra...Sau giờ chiều bố cháu về, thả cháu ra đèo xe đạp đưa cháu về đơn vị... Đó là lần cuối cùng cháu về cái khu tập thể nghèo nàn, đầy tình người của ĐHBK HN.

Sau ngày chiến thắng trở về HN, tôi không bao giờ được gặp cháu và một số bạn cháu trong cái tập thể BK nữa... Các cháu đã  HY SINH  cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước...Đau lòng, tôi chỉ dám nhìn bố mẹ các cháu một cách buồn bã mà không dám ngỏ một lời nào...Họ cũng biết tôi yêu thương các cháu như con cháu mình, đôi khi cũng nói ít lời nhắc lại những kỷ niệm trẻ con hàng ngày của các cháu. Bây giờ những bậc cha mẹ các cháu cũng nhiều người không còn, tôi không gặp ai trong họ. Tuy vậy tôi không thể quên các cháu : NHỮNG LIỆT SĨ TRẺ TUỔI, khi hy sinh vẫn chỉ dưới 20 tuổi đời... Thật đau lòng mỗi khi nhắc đến các cháu!

Vô cùng cám ơn, biết ơn các cháu đã hy sinh vì sự tồn vong của đất nước, vì hạnh phúc của đồng bào... Các cháu ơi, cô Nga không bao giờ quên ơn của các cháu đâu. Cô luôn luôn nhớ các cháu...Nhân ngày 27/7, ngày THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ cô thắp nén tâm hương cho các cháu và tất cả các liệt sĩ, chúc tất cả các liệt sĩ MAU CHÓNG SIÊU THOÁT.

ĐỜI ĐỜI CÁC LIỆT SĨ VẪN SỐNG TRONG LÒNG TOÀN DÂN VIỆT NAM! CHÚNG TÔI MÃI MÃI BIẾT ƠN CÁC LIỆT SĨ !

Chia sẻ với quí vị một vài kỷ niêm luôn sống mãi trong tôi, nhất là những ngày này. Xin cám ơn các quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kình chào !
 

HỒNG ANH .




Mới đấy mà đã 7 năm rồi, Hồng Anh ơi ! Hình ảnh bạn vẫn đâu đây như những ngày nào chúng ta bên nhau trong mọi sinh hoạt...Trong đầu tôi hiện nguyên hình từng giai đoạn hơn 55 năm chơi với nhau. 

Lần đầu tiên làm quen với Hồng Anh ở bãi xem phim Khu học xá TQ. Hôm ấy tôi tự làm quen với Hồng Anh khi 2 đứa vô tình ngồi bên nhau :
- Bạn Hồng Anh này, tôi là LTN, học sinh cấp 1. Tôi biết bạn học cấp 2, nhưng tôi vẫn muốn làm quen. Lý do rất đặc biệt. Hồi còn là cô Bé LL của BTTL, tôi nghe anh em bộ đội nói bạn có bức thư của mẹ viết bằng máu ở Hỏa lò trước khi hy sinh, có phải không. Tôi ngưỡng mộ bà Quang Thái lắm. Bạn có thể cho tôi xem bức thư ấy được không ?
- Được chứ sao ! Bạn là liên lạc viên bộ Tổng tư lệnh à ? Ba tôi làm ở đó đấy.
- Tôi biết bác Văn mà. Chúng tôi dưới quyền bác , nên anh em mới bảo nhau là bà Thái có bức thư viết cho con gái bằng máu. Ông Văn không giữ mà giao cho con gái giữ...
- Có bức thư đó thật, tôi vẫn đang giữ, nhưng không phải bằng máu mà bằng mực tím.
- Cho tôi xem với nhé ! Tôi rất và rất muốn xem !
- Mai nhé, hôm nay xem phim xong muộn rồi...
- Hẹn gặp nhau ngày mai nhé !

Sáng hôm sau y hẹn, Hồng Anh cho tôi xem bức thư:
- Đọc đi, ngắn thôi mà.
- Cám ơn bạn, tôi đọc ngay ! Bạn cho tôi đọc à ? Tôi tưởng chỉ cho xem hóa ra cho đọc, tuyệt quá !
Đọc xong tôi trả lại bức thư cho Hồng Anh :
- Chữ mực tím rõ quá, bác Thái viết đẹp thế ! Tôi đọc lại bức thư cho bạn nghe xem có đúng không nhé. Tôi thích và tâm đắc nhất câu này : " ..." 
- TN thuộc nhanh nhỉ !
- Thì cái gì tôi thích là chỉ một lần là thuộc. Kể cả các bài hát hay điệu múa. Nhưng học thì thường thôi, không giỏi như Hồng Anh đâu !
- Sao biết tôi giỏi ?
- Thì các bạn đồn thế !...

Chẳng bao lâu không ngờ chúng tôi lại cùng nhau sang LX học trường TNVN Moskva. Thế là có dịp chúng tôi gần nhau hơn. Vừa sang đến nơi tôi bị sốt rét, phải nắm trạm xá. Cứ mỗi khi chị y tá đi kiểm tra sức khỏe của học sinh là Hồng Anh và Việt Nga rủ nhau lẻn vào thăm tôi. Gặp nhau chỉ để chuyện trò linh tinh và 2 bạn dạy tôi hát bài hát tiếng Nga mới học được.

Trong trường chúng tôi có nhiều tổ ngoại khóa cho tất cả học sinh học ngoài giờ, ai thích gì thì học nấy, chỉ với điều kiện là thuộc bài. Tôi, Hồng Anh và Việt Nga đều tham gia tổ ca, múa, nhạc... Mỗi tuần 2 buổi học hát, học múa, rồi đi biểu diễn...Đi đâu 3 đứa cũng đi với nhau cho đến ngày trường giải tán...

Chúng tôi mỗi người một ngả, thỉnh thoảng mới gặp nhau, cho đến khi ở Hà nội nổi lên phong trào học khí công dân tộc của thầy BLT. Tôi rủ Hồng Anh cùng đi tập để rèn luyện sức khỏe và chữa bệnh...Lại có dịp hàng ngày bên nhau tập khí công. Thỉnh thoảng thầy tổ chức đi dã ngoại Yên Tử, Cúc Phương...chúng tôi cũng cùng đi học và luyện công... Mấy năm sau tôi bỏ học, Hồng Anh và con gái tôi vẫn theo, 2 cô cháu thân với nhau lắm... Thỉnh thoảng Hồng Anh vẫn đến nhà chơi, ăn cơm chay, xôi sắn...

Lần cuối cùng gặp Hồng Anh khi chúng tôi tham gia cầu siêu cho Minh Dương ở chùa Hòe Nhai HN. Tôi không dự cơm chay mà về sớm, Hồng Anh tiễn  tôi ra cổng hỏi sao không dự cơm chay nhà chùa để lấy lộc. Tôi trả lời không quen ăn cơm ở ngoài. Thấy Hồng Anh đứng nói chuyện vơi tôi không tiện, tôi dục :
- Này, vào đi kẻo người ta đợi ! Mà vào ăn cơm chay lấy lộc cho béo lên chút chứ gầy quá.
- Thì TN có khác gì đâu mà chê người ta gầy !
- Nhưng thú thật đi, sao gầy thế ? Sức khỏe thế nào ? Còn hen không ?
- Thì cứ thấy khó thở mình vận khí là hết ngay. Vẫn khỏe, chả ốm đau gì. Chỉ tại ăn chay lâu quá nên gầy thôi.
- Thôi, thôi bỏ ngay ăn chay đi, thiếu chất nên gầy như quỉ đói thế kia ! Tôi phản đối đấy ! 
- Thì bây giờ thôi ăn chay rồi. Gầy mà khỏe là được !
- Ừ khỏe là được, có khi khỏe, gầy lại sống lâu đấy. Ông thọ thế chắc Hồng Anh thời đại này còn sống lâu hơn ông ấy nhỉ.
- CŨNG CÓ THỂ ( đó là câu nói cuối cùng của Hồng Anh nói với tôi. ) ! Chào !
- Chào !


Tháng 7/2009 vừa về đến biên giới, sau chuyến đi sang Quế Lâm thăm trường cũ cùng đoàn TSQ thì nghe điện thoại con gái gọi :
- Mẹ về chưa ? Mẹ mau về đi ! Cô Hồng Anh không xong rồi...
- Chiều nay về tới HN, mẹ sẽ đi thăm.  Sáng hôm sau rủ các bạn đi thăm, hẹn nhau gặp tại bệnh viện , chiều hôm đó con về đến cửa nghe điện thoại, tôi chỉ nghe được con nói : 
- Cô Hồng Phúc ạ ? Cô Hồng Anh Sao Rồi ạ ?... Đi rồi ạ ?... Bao giờ ạ ?...Chiều hôm nay ạ ?...
-Hết rồi, Ly ơi! Mẹ định tổ chức các bạn mai đi thăm cô Hồng Anh thì hôm nay cô ấy đã ra đi ! Mẹ lại chậm 1 ngày... Ông Văn Cao, cô Xuân Phương, cô Minh Dương và hôm nay cô Hồng Anh... Mẹ lại chậm một ngày, Ly ơi ! Sao lại thế ???

Thế là câu cuối cùng của Hồng Anh nói với tôi đến nay tôi vẫn nhớ như in. Tại sao tôi lại dùng từ  CHÀO, vì tôi và Hồng Anh toàn dùng từ đó với nhau, để tưởng nhớ đến Hồng Anh, tôi tự hứa với mình lúc nào cũng dùng từ đó với mọi người. Hé mở cho quí vị biết là tôi dùng từ đó để BAO GIỜ  CŨNG NHỚ TỚI HỒNG ANH !
Bẩy năm qua, sắp đến ngày giỗ Hồng Anh, chia sẻ với quí vị nỗi nhớ và tiếc thương người bạn trẻ, đẹp gái , tài năng mà ra đi sớm quá !!!
Xin cám ơn quí vị đã đọc.
Xin kính chào !



OANH RA HÀ NỘI

Gặp nhau tại nhà Đoan











CHÁU TÔI.



Mong mãi hôm nay trời mới mưa cho. Xin đa tạ ông Trời đã thương dân Hà nôi mấy ngày nay ngắc ngoải, chờ đợi. Nhân trời mưa to tôi lai nhớ cách đây khoảng gần chục năm , khi cháu ngoại còn ở với bà. Có những lần đi đón cháu từ trường về. Chuyện là thế này:

 1 - Khi cháu mới học lớp 1 ở trường Lê Văn Tám trong Bách khoa, hôm đó đón cháu về, đang đứng trao đổi với cô giáo, trời đen kịt. Tôi vội chào cô giáo :

- Xin phép cô cho tôi đưa cháu về kẻo trời sắp mưa to rồi. Sợ không kịp chạy về đến nhà cô ạ.
- Vâng, bà đưa cháu về kẻo không kịp lại ướt hết.
- Bà cứ nói chuyện đi. Trời không mưa đâu ạ. - Cháu tôi vội giật áo tôi và nói thế.
- Thôi cứ về, cháu biết đâu mà nói. Về đi kẻo ướt hết !
Quả thực về đến nhà an toàn và hôm ấy trời không mưa,

2.- Đang trao đổi với cô giáo, cháu tôi giật giật áo :
- Bà ơi, về mau kẻo sắp mưa rồi. Nếu chậm không kịp về đến nhà thì ướt hết !
- Sao cháu biết ? Ừ thì cứ về xem sao.
 Vậy là vừa về đến cầu thang nhà K6, trời đổ mưa như nước chút từ xô ra.

Sau đó, cháu ở với tôi 3 năm (từ lớp 1-3), lần nào cháu nói cũng đúng. Tôi đem chuyện này kể cho mẹ cháu nghe. Con tôi nói :
- Nó nói đúng đấy mẹ ạ. Con cũng biết !
Hỏi cháu sao biết mưa, nó trả lời :
- Cứ sắp mưa cháu ngửi thấy mùi đất khác lắm. Mà mùi đất khác là thế nào cũng mưa.
- Con cũng biết thế, nhưng mẹ không hỏi nên con không nói thôi.

Hóa ra trong nhà con và cháu đều có thể đoán được trời có mưa hay không mà tôi chẳng biết. Tất nhiên là đoán ngay tức thời chứ không phải  DỰ ĐOÁN như nha khí tượng đâu.

Chia sẻ với quí vị chút chuyện vui vui để giết thời gian, may mở được blog. Vì lâu nay không mở được blog nên mọi người chán bỏ gần hết ! Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý. 
Xin kính chào !

BÁC ƠI !!!!! CHÁU NHỚ BÁC LẮM !!!



Bác ơi, cháu chào Bác ạ ! Con Nga bé bé, gầy gầy của Bác đây ( Bác vẫn chưa thấy cháu Nga gầy gầy, bé bé đâu, Bác nhắc như vậy khi chưa thấy tôi có mặt trong các cuộc gặp riêng ở nơi Bác ở. ) ) !!! Mới thế mà xa Bác đã 47 năm rồi ! Cháu chưa bao giờ ngừng nghĩ, nhớ về Bác, nhưng có lẽ chưa bao giờ cháu lại nghĩ đến Bác nhiều và liên tục như bây giờ. Chả là cháu hay đọc, hay xem VTV, họ liên tục nhắc đến Bác đủ điều, còn cháu thì khác, không giống họ. Dòng suy nghĩ của cháu về Bác chảy ngược lại QUÁ KHỨ từ cách đây gần 70 năm, khi đó cháu còn chưa biết chữ, chưa hiểu biết gì về cuộc sống, lần đầu tiên NHÌN thấy Bác ở TRƯỜNG VÕ BỊ SƠN TÂY khóa 1, khi đó ông ngoại cháu làm giám đốc của trường, đến lần cuối NHÌN thấy Bác ở trường ĐHBK HN năm 1962. Sơ qua dòng chảy ngược, cháu xin tâm sự, thì thầm bên tai Bác như thế này :

Mỗi khi nghe người ta nói về Bác, tất cả những lần gặp Bác, những lời nói của Bác lại hiện nguyên hình như cháu vừa nghe đâu đây:

+ Gặp Bác trên đường làm liên lạc từ cục Thông tin Liên lạc về Bộ Tổng tư lệnh, vô tình gặp Bác : tay chống gậy, đôi dép cao su, quần đùi, đội nón mà 2 quai là 2 ống quần nâu, cháu không nhận được ra Bác, sau chuyện trò, Bác xoa đầu bảo :
- ...Thôi cháu đi về kẻo tối. Đừng đi lang thang, chơi, nhặt quả, trèo cây... trong rừng nữa, tối đến nơi rồi, nguy hiểm lắm...
- Vâng ạ ! Cháu chào Bác, Cháu về...

+ Cháu làm gì dưới đó thế ?
- Cháu mót lúa cho gà ăn ạ!
- Cháu nuôi được mấy con gà ?
- ...Dạ, 4  con ạ.
- ... Chịu khó mót lúa ... nuôi gà cho bộ đội ăn....Bác về đây...
- Cháu chào Bác ạ...

+Mấy chị em chơi ở sân nhà bác Trần Đăng Ninh, Bác đến thăm, nhưng bác Trần Đăng Ninh vừa đi chiến dịch về, mệt nên còn ngủ...Bác không cho đánh thức bác Ninh, ra cùng chơi chạy trốn, bắt với 4 chị em cháu. Quang chạy quanh Bác, vòng sau lưng trốn cháu, túm lấy quần đùi của Bác kéo, chui qua háng Bác, tránh cháu bắt được. ( May hồi ấy quần chỉ có DẢI DÚT ) chứ không có dây chun như bây giờ ! Rồi có một ai đó rất thông minh chụp cho cháu cái ảnh đầu tiên bên Bác để đời đến bây giờ...Khi biết bác Ninh định chiêu đãi Bác thịt thỏ , Bác nói :
- Ối giời ơi, con thỏ nó hiền lành thế kia mà lại thịt nó, ăn gì chả được. Nếu thịt nó thì thịt Bác đây này...Vậy là con thỏ được sống.


+ Nhiều và nhiều lần sau nữa ở Việt Bắc Bác nói chuyện với bộ đội mà cháu không thể kể... Chỉ nhớ nhất Bác dặn bộ đội, trong đó có cháu :" ... Việc gì tốt cho nhà nước, cho TQ, cho dân thì cố mà làm. Việc gì xấu, có hại thì cố mà tránh ! "Câu nói này cháu mang theo suốt cuộc đời mình !

 + Còn là một cô Bé liên lạc của BTTL QĐNDVN tóm lại là thế. Sau này được sang Liên xô học trường TNVN Moskva, lại bước sang trang mới của cuộc đời cháu. Chúng cháu là 100 đứa trẻ, con em những vị có công với đất nước còn sống hay đã hy sinh, được Bác và chính phủ nước VNDCCH chọn gửi sang học, đào tạo chúng cháu trớ thành con NGƯỜI. Lúc này chúng cháu lại được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của Bác. Sơ qua như sau :

Mỗi lần Bác sang chúng cháu đều được đón Bác tại sân bay, gặp Bác ở trường đại học Lomonoxop, đến thăm Bác nơi Bác lưu trú, Bác đến tận ký túc xá chúng cháu ở, bất kỳ lúc nào Bác có thời gian: sáng sớm, trưa, chiều...Bác cho chúng cháu hỏi bất kỳ câu hỏi gì chúng cháu muốn và trả lời chúng cháu đơn giản, đầy đủ, dễ hiểu...Cháu thì đặc biệt nhớ lần đứng sau lưng Bác khi Bác đang viết bài cho báo " Ngọn lửa nhỏ " của thiếu nhi LX, Bác cúi xuống hở gáy ra, cháu liền nghịch ngợm thò tay vào cổ Bác cù. Sau khi Bác quay lại hỏi :" Cháu làm gì trong cổ, sau lưng Bác thế ?" Chột dạ vì sự nghịch ngợm của mình, tôi trả lời :" Dạ, cháu nhặt mấy cái tóc bạc của Bác ạ !"
Biết con RANH này nói dối nên Bác cười dí dỏm và kéo tôi xuống HÔN vào má. Cứ nghĩ đến đấy lại cười một mình, thấy mình vừa bạo, vừa nghịch, vừa coi Bác như bác của mình, chả cảm thấy sợ mới bạo như thế. Bác thật đời thường !

Mỗi khi có đoàn đại biểu nào đi công tác qua Moskva Bác đầu dặn phải ghé thăm chúng cháu và tất nhiên không quên gửi cho chúng cháu nước mắm, hạt sen. Chúng cháu đã chia nhau từng giọt nước mắm, từng hạt sen. Khi về phải báo cáo lại với Bác cụ thể tình trạng về mọi mặt của chúng cháu...

Những năm tháng ấy, chúng cháu bảo nhau nhớ lời Bác dặn trực tiếp :" CÁC CHÁU PHẢI CỐ HỌC GIỎI, NGOAN NGOÃN, NGHE LỜI THẦY, CÔ GIÁO, BẢO MẦU, ĐỂ SAU NÀY VỀ GÓP PHẦN DỰNG XÂY ĐẤT NƯỚC ! Còn nữa: Thư Bác tự tay đánh máy gửi cho chúng cháu vẫn nguyên , chỉ bị mờ chút theo thời gian những lời khuyên của Bác :"... Bác mong các cháu luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ, đoàn kết chặt chẽ; thi đua học hành, để mai sau về nước làm việc cho Đảng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân..."  Làm việc cho Đảng, phục vụ cho Tổ Quốc và nhân dân, chỉ đơn giản thế thôi, nhưng chúng tôi 100 học sinh ( sau này thêm 2 em Nguyễn Xuân Thắng và Trần thị Chính là 102 ) đều NGẦM thi đua nhau làm điều Bác dạy. Không đao to, búa lớn như bây giờ, lúc nào cũng nói CHÚNG TA HỌC TẬP VÀ LÀM THEO GƯƠNG BAC HỒ VĨ ĐẠI mà chả biết làm được những gì theo GƯƠNG Bác. Mỗi khi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập trường,  chúng tôi đều thấy không hổ thẹn là những người được Bác trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ, mặc dù hầu hết chúng tôi không phải là ÔNG NỌ, BÀ KIA mà chúng tôi đều hài lòng với công việc bình thường chúng tôi đã làm, bản thân chúng tôi đã  XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT CON NGƯỜI với đúng nghĩa của nó...

Sắp ngày thiếu nhi quốc tế 1/6, ngồi một mình, suy nghĩ lại từ thuở còn THƠ, nhờ có sự chăm sóc, dạy dỗ của Bác , của nhà nước VNDCCH và LX chúng tôi mới có ngày nay, sống thanh thản tuổi già với những đồng lương hưu đủ sống tằn tiện. Chẳng ai trong chúng tôi nhắc đến những lời  ĐAO TO, BÚA LỚN :" Sống và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại " !!! cả, mà chỉ ôn lại những kỷ niêm xưa không thể phai mờ về những gì chúng tôi đã được nhận ở BÁC. Có thế thôi.

Viết lại ít kỷ niệm về Bác nhân 1/6 để nhắc cho con em chúng ta hãy sống  ĐƠN GIẢN như chúng tôi đã sống ( kể ra tôi cũng lẩm cẩm rồi ), song nghĩ gì tôi viết nấy. Cũng muốn chia sẻ với những thế hệ sau này, khi Bác không còn nữa, biết để đừng thần thánh hóa Bác mà hãy nghĩ Bác đơn giản chỉ là một  CON NGƯỜI bằng xương, bằng thịt như chúng ta, nhưng có một  TÁI TIM, TÂM HỒN VĨ ĐẠI !!!!! Trong Tôi Bác là như thế đấy. Xin cám ơn các quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !
TN đứng sau lưng Bác

Hồng Anh thay mặt các bạn chào mừng Bác đến trại hè  thăm.

Ấy ấy, cháu ngồi cao lên chứ miệng đúng vào miệng chén, khi rửa ảnh ra người ta lại bảo cháu ăn tham, lúc mọi người còn quan tâm đến chụp ảnh, thì mình vội uống nước ngọt !



Ảnh này Bác đẹp lắm à ? Thế mặt Bác thế này có đẹp hơn không ?

Bác viết thư cho bao ОГОНЁК ( NGỌN LỬA NHỎ ) của TNLX bằng tiếng Nga ạ ?


Đến lượt cháu chụp à ? Vâng, thưa Bác.

Cháu làm gì sau lưng Bác thế?

Chữ Bác đẹp và cũng viết  NGHIÊNG đúng chữ Nga.