Du lịch Miền Trung 2012

30/4 NĂM ẤY .


     Những ngày cuối tháng tư  năm ấy ( 1975) thật nhộn nhịp vui vẻ. Gặp nhau trên đường đi làm mặt ai cũng tươi như vừa trúng xổ số. Đến nơi làm việc chẳng ai bảo ai đều trước giờ làm việc 15 phút, trái hẳn với những ngày trước mọi người cứ sát nút mới vội vàng vào phòng để khỏi chậm giờ.

 Năm ấy báo chí , đài phát thanh rất hiếm, TV thì không BÓI đâu ra được. Lý do của việc đi sớm 15 phút là để nghe và tán chuyện MẶT TRẬN PHÍA NAM . Ai cũng háo hức trông chờ tin chiến thắng, nhưng nhiều người cũng lo không biết nhanh thế có giống Mậu Thân 1968 không.

Phòng làm việc của bộ môn tôi trước cửa có treo bản tin hàng ngày trên bảng kế hoạch làm việc, nên ai đến cũng xúm vào đọc. Mọi người vừa đọc, vừa xem bản đồ đánh dấu ĐỎ, vừa bàn tán sôi nổi. Nhìn mặt ai cũng tươi roi rói.

Khu tập thể nhà tôi ở thì bàn tán đủ chuyện vui, buồn. Vui vì chiến thắng dồn dập. Buồn vì các gia đình có con đang chiến đấu ở MN lo cho con mình không thể đi đến chiến thắng cuối cùng. Mọi người an ủi nhau là cứ hy vọng  mũi tên, hòn đạn nó tránh cha, chồng , con  anh em mình. Hồi đó ít ai dám nói :" Cầu Trời, khấn Phật che chở cho cha, chồng, con, anh, em mình " vì sợ qui là mê tín dị đoan.Hồi ấy họ soi mói nhau về mặt chính trị và tín ngưỡng lắm. Chẳng nhà nào có bàn thờ, chẳng ai dám nói thật đang lo thắt ruột cho những người thân đang ngày đêm chiến đấu ở MN. Sự hy sinh cho TQ là điều thiêng liêng nhất, là vinh dự nhất, nên nếu mình nói ra điều gì đó sợ người ta phản ảnh là làm nhụt trí người ngoài tiền tuyến, tiếp tay cho bọn tâm lý chiến. Ôi, nghĩ lại cái thời ấy mà thấy nhiều thứ qui kết cho nhau quá, người ta sđđiều. Ăn ngon một tý sợ người ta bảo không đồng cam, cộng khổ với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến...

Nơi làm việc của chúng tôi thì cố làm thật hết sức mình. Không ai đi muộn thì tất nhiên rồi, nhưng không ai về sớm dù chỉ là 1 phút. Về sớm sợ bị phê bình là ăn cắp giờ của nhà nước trong lúc mỗi người làm việc bằng 2 vì MN ruột thịt và các chiến sĩ ta đang ngày đêm lăn lộn sống chết trên chiến trường là vô đạo đức...

Một cán bộ trong chúng tôi tự nguyện làm người thông báo mọi chi tiết của cuộc chiến, vì anh ta có cái ĐÀI CẦM TAY, nên mọi thông báo anh ta nghe hết. Nghe xong anh ta tổng kết lại và viết lên bảng, đánh dấu ĐỎ những nơi chiến thắng. Đi đâu anh ta cũng đeo cái đài bên hông, không lọt một tin nào. Một ông già nhà quê ra HN nói :" Sao cái ANH KIA ĐEO CÁI ĐÀI BÊN HÔNG  mà nó cứ  nói oang oang, cái gì cũng biết. Lạ thật ! Nếu đài ở nhà thì còn hiểu được, vì nó dựa vào tường mà  nói, còn ở đây dựa vào ĐÍT mà sao cũng nói được đủ mọi chuyện ??? Ở HN bây giờ nhiều chuyện lạ quá ! " Lúc ấy còn nhiều nông dân lạc hậu thế đấy.(thật 100%).

Trường Bách khoa thanh niên tổ chức hẳn 1 đội tuyên truyền  tin chiến thắng. Họ lập một đội gọi là đội DUYỆT BINH MỪNG CHIẾN THẮNG. Kế hoạch là ai có xe máy cm cờ đi trước ( hồi đó cả trường chỉ có khoảng 10 cái xe máy xã hội chủ nghĩa ), sau đó đến đội quân xe đạp, cuối cùng là những ai không có xe đạp thì đi bộ. Tất cả sẽ vừa đi, vừa hô khẩu hiệu quanh trường mới 5 vòng rồi ra phố tiến thẳng ti Bờ H. Khi nghe tin chiến thắng thì cứ tự động tập trung trước cửa nhà C1 mà đi. Kế hoạch chu đáo lắm. Mọi người hưởng ứng nhiệt liệt.

Tin chiến thắng đến với mọi người vào tối 30/4. Sáng 1/5 tuy ngày nghỉ, chẳng ai bảo ai tự động đến nơi làm việc. Mặt ai cũng cười tươi, vui vẻ hỏi nhau tin chiến thắng như muốn thanh minh không biết mình có nghe lầm chăng. Tin chiến thắng lan nhanh quá sức tưởng tượng. Người biết thông báo cho người chưa biết nhanh như điện. Thông báo bao giờ cũng có câu :" BIẾT CHƯA, tin giải phóng hoàn toàn MN ?" Nhiều người thấy chiến thắng nhanh quá cứ tưởng như mình nằm mơ hay nghe sai.

Tôi tất nhiên vì có ĐÀI của Nga do cậu em đi Nga về cho nên không nghi ngờ. Vào phòng làm việc tôi liền hỏi :

- Này các bạn ơi, kế hoạch DUYỆT BINH  sao rồi?

- Sao là sao?

- Sao là bao giờ duyệt ?

- Còn duyệt gì nữa, hôm qua chiến thắng, hôm nay nghỉ 1/5 ai đi làm mà duyệt ? 2/5 thì hết khí thế rồi còn đâu. - anh bạn phụ trách việc DUYỆT BINH  trả lời.

Thế là mọi người vừa cười , vừa nói :

- Kế hoạch của ĐỘI DUYỆT BINH thanh niên Bách khoa là kế hoạch Nava.( Nava là tướng Pháp thất bại ở VN).

Chiến thắng ai mà không vui. Nhưng những người có người thân chiến đấu ở chiến trường B ai cũng lo thót tim. Mọi người nhìn nhau chẳng ai dám nói ra mà trong ruột có khác nào đống lửa đốt. Trong số đó có tôi...

Tất nhiên tin dữ không đến ngay, nhưng dần dần đến các nhà. Thay vào tin vui của TQ, của toàn dân thì các gia đình  cdần nhận tin dữ  đau  như có ai đó cầm dao cắt tim mình. Tôi không dám gặp cha, mẹ của các cháu vì không thể chịu nổi nỗi đau mà còn  nhìn thấy cha, mẹ chúng thì làm sao chúng tôi chịu nổi.

Ở phường BK của chúng tôi nhiều tin đau lắm. Không ai dám nói với ai điều gì, chỉ chia sẻ nỗi đau bằng đôi mắt. Sợ trong nỗi đau có gì lỡ lời. Thời đó là thế đấy. Bây giờ vẫn còn thấy đau.

Viết lại cái cảm giác của tôi ngày 30/4 năm ấy để ai đọc hiểu được buồn vui trong ngày chiến thắng của những người trong cuộc.

Cám ơn ai đã bớt chút thời gian ghé đọc tâm sự của tôi ngày hôm nay khi nghĩ lại cảm giác của 30/4/1975.

13 nhận xét:

  1. Chị còn nhớ nhiều chuyện thật! Ở khu tập thể em cũng nhiều cái hay lắm. Không nhắc lại khéo quên hết...chị ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thường chị quên, nhưng cứ động đến việc gì là nó lại hiện lên cảnh ấy như những thước phim đen trắng ngày xưa. Thậm chí từng lời nói,kế cũng lạ. Chào !

      Xóa
  2. Chúc chị gái Tuấn Nga nghỉ lễ vui khỏe chị nhé ! Những chuyện chị kể thật hay, cứ như thời sự mới đưa tin vậy, càng đọc càng thót tim hì hì (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kể trung thực thôi BD ạ. Chia sẻ nhưng vui, buồn quá khứ với nhau kẻo ra đi chẳng ai biết những hào hùng, hy sinh của thê hệ thanh niên thời đó. Chào !

      Xóa
  3. Cơ quan mình nghe tin giải phóng miền Nam là phải lao ngay vào việc chuẩn bị suốt ngày đêm để "Tiến vào Sài Gòn" biểu diễn. Mình cũng đã đăng bài Kỷ niệm ngày 30/4 từ lâu, chẳng hiểu TN đã đọc chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài hát GIẢI PHÓNG MIỀN NAM nó hút toàn bộ thanh niên thời ấy hừng hực tiến vào Nam, nhất là giới trí thức và văn hóa lại càng phải đi đầu để truyền bá, cơ quan TM là đầu não về tuyên truyền mà lị. Bài TM viết lâu lắm rồi , TN lúc đó đang còn mù chữ hoàn toàn sao đọc được. Hôm nay mệt không dậy được nên bây giờ mới cố dậy được đấy. Chào !

      Xóa
  4. Chị ơi! Em đọc bài chị mà cứ cuốn theo khí thế bừng bừng 30/4 năm 1975! Hồi đó chúng em đang ở chiến trường Quảng Trị. Tin vui cứ đến hàng giờ.
    Đọc bài viết của chị, nhớ lại cái thời quá cổ lỗ, thương thế.Đúng là hồi đó chẳng ai "cầu trời khấn phật cho người thân tránh khỏi hòn tên mũi đạn", nếu lo lắng thì cũng âm thầm lo thôi!
    Chị có khiếu kể chuyện thật! Em mới đi Hòa Khánh về, có chị gái ngoài Quảng Trị vào thăm con gái, nên em cưỡi xe máy ra thăm. Mai chị cùng con cháu về nhà em để tối mai xem bắn pháo hoa đó chị! Tối mai chị nhớ xem ti vi nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kể chuyện vui buồn thời còn gọi là thanh niên khí thế bừng bừng. Khi nào quên đành chịu. Em giỏi thật, còn cưỡi xe đi xa thế ! Chào !

      Xóa
  5. Chị ơi! Tối qua em đọc bài viết này cho OX cùng nghe đó! Anh ấy rất tâm đắc và vui lắm!

    Trả lờiXóa
  6. Nhớ gia đình bác Chương, 3 anh mãi mãi nằm lại chiến trương, không bao giờ được nhìn thấy ngày chiến thắng. Chi mong sao VN mình không bao giờ có chiến tranh nữa, để những người cha người mẹ không còn phải chịu cảnh tiễn con đi chiến trường mà không dám nghĩ đến ngày trở về.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mẹ thương 2 bác quá, bây giờ vẫn không dám nhắc lại vì anh Hưng và anh Hùng do quyết định của mẹ mà đã nhập ngũ năm 17 tuổi và không bao giờ trở về. Hôn Lan và các cháu. Chào cả nhà !

      Xóa
    2. Nghe đâu đã tìm thấy hài cốt của anh Hưng và anh Hùng. Hôm truy điệu mẹ không đi vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu mẹ không tin, vì mấy chục năm 2 bác mò mẫm mãi khắp chiến trường MN mà không thấy. Vì là đặc công nên khi hy sinh 2 anh không có tí gì trong người, kể cả quần áo nên khó xác định lắm. Nay tự dưng bảo tìm thấy mà không thử ADN thì mẹ không thể tin, nếu mẹ đi không may mẹ nói ra diều gì đó làm 2 bác buồn mẹ không đành lòng. Nay bác Phượng đã 90, còn bác Trương dẫ 94 rồi,tìm thây hài cốt thì may, dù ai cũng được vì đều là chiến sĩ hy sinh cho TQ, nhưng lỡ ra có lời nào thì mẹ còn tiếp tục ân hận nữa. Mẹ quên không nói với Lan điều này. Không hiểu sao hồi ấy mẹ lại quyết tâm cho 2 anh đi đều vừa 17 tuổi, đều đặc công. Hai anh đều học giỏi, đều được đi học nước ngoài. Nhưng mẹ lại nói với 2 bác :"...Khi chiến thắng trở về các cháu vẫn còn kịp học..." Hai bác đã nói với 2 anh kiên quyết không cho đi, để lại quyết định cuối cùng cho cô Nga.Cô Nga đã quyết định như thế nên 2 bác tôn trọng lời hứa cho đi. vậy nên mẹ ân hận cả đòi vì sự hy sinh của 2 anh. Mỗi khi nói đến 2 anh mẹ buồn lắm. Sự mất mát của chúng ta trong chiến tranh là thế. Cả dân tộc chứ có phải riêng ta đâu, nhưng nỗi đau nó cứ cắn xé từng gia đình. Thế đấy, con ạ. Целую всех! Пока!





      Xóa