Từ khi biết tin bác Văn mất tôi theo rõi mọi tin tức về bác. Sau khi nghe được tin bác Văn về quê theo di chúc, tôi thấy lòng mình tự dưng thanh thản hẳn.
Bác ở đó giữa đất trời bao la, cảnh đẹp thần tiên, khác hẳn Mai dịch chật chội và cũng không bị lạnh lẽo giữa những người chỉ quan hệ trên công việc. Vả lại ở nơi đây người trần cũng lấn chiếm đường đi, xây chen chúc chẳng khác gì các nhà tập thể, đi lại chật hẹp, có chỗ cũng phải lách chân. Ông ngoại tôi cũng đã từng di chúc về quê, nhưng không thực hiện được, nay vẫn nằm ở Mai Dịch.
Từ nay trở đi lúc nào bên cạnh bác cũng có những người bà con, đồng hương chăm sóc và trò chuyện. Bác không phải nằm một mình lạnh lẽo ở Mai dịch. Cháu nghĩ đây có lẽ là niềm vui cuối cùng của bác.
Cháu biết bác từ năm 1948, rồi đến Đồi cọ...Hồi ấy bác hay thăm chú Bửu lúc chú bị ốm nặng. Sau này trở thành liên lạc viên (1949) của bộ Tổng tư Lệnh cháu lại được gần bác hơn. Bác rất gần gũi tất cả mọi người. Bộ đội sợ bác là cấp trên, nhưng họ yêu quí bác như anh ruột của mình. Chẳng ai gọi bác là Đại tướng mà gọi bác là ANH VĂN. Cháu cũng quen với cái tên ấy từ đó đến giờ. Cháu thích gọi như vậy, vì nó gợi cho cháu cả một quãng đời quen biết bác từ tuổi thơ cho đến nay. Bác là bác Văn của cháu, với nhân dân, với đất nước, với Tổ Quốc và thế giới thì bác là Đại tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp, còn với chúng cháu, với gia đình chúng cháu bác là bác Văn. Các con cháu cũng gọi là ông Văn.
Hồi học ở Liên xô về, biết bác ở cách nhà cháu 1 bức tường có cửa qua lại giữa nhà cháu (36 Hoàng Diệu), rồi đến nhà bác Hoàng Văn Thái bên cạnh (là nhà của bác Bô cháu cho bác Hoàng Văn Thái mượn), rồi đến nhà bác (30 Hoàng Diệu). Vừa quen cũ, vừa là bạn của Hồng Anh cháu hay chui qua cổng nhỏ này sang chơi với 2 bác. Mỗi lần sang cháu được cô Bích Hà chào đón vui vẻ, thăm hỏi đủ mọi việc. Xong mọi chuyện cô Bích Hà thường gọi bác từ tầng 2 xuống nói chuyện với cháu: "Anh Văn ơi, Nga bạn Hồng Anh đến đây này". Thế là cháu chẳng hiểu bác đang làm gì, nhưng chưa đầy 1 phút bác đã cười hỏi: "Nga, con đến đấy à ?"
- Cháu chào bác, cháu vừa đến. Cháu nói chuyện với cô Hà rồi. Bây giờ cháu hỏi thăm sức khỏe của bác một chút.
- Ừ. Ngồi chơi nói chuyện cho vui. Có việc gì không, có cần bác giúp gì không?
- Dạ, thưa bác không có việc gì đâu ạ. Cháu chỉ sang thăm bác và cô Hà thôi ạ.
Thế là 2 bác cháu nói chuyện với nhau đến hết mọi chuyện thì thôi. Cuộc nói chuyện dài, ngắn tùy thuộc vào những chuyện phát sinh trong lúc trò chuyện. Bác hỏi tôi nhiều chuyện lắm, từ chuyện công việc có gì thuận tiện, khó khăn, khúc mắc riêng tư. Bao giờ tôi cũng nói mọi việc suôn sẻ, vì tôi không muốn làm phiền bác. Tôi chưa bao giờ nhờ bác giúp tôi bất kỳ việc gì dù lớn hay nhỏ. Việc này thường xuyên xẩy ra cho đến một ngày:
Có một người bạn rối rít khoe tôi:
- Nga có biết không, tôi vừa được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Ừ, thì sao ?
- Có 2 người trong đời tôi mơ ước được gặp, đó là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác thì khó, cứ chờ xem có dịp nào không. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì được gặp rồi.
Tôi ngạc nhiên vì không ngờ chung quanh mình mọi người được gặp bác Văn cũng ao ước, sung sướng không kém gì được gặp bác Hồ.
Lúc đó tôi mới ngộ ra là mình chẳng hiểu biết gì về bác Văn, mặc dù biết rất rõ về vị trí của bác. Tôi ân hận vì mình đã không biết mà hay sang bác chơi làm mất thời gian của bác. Còn bác, chắc nhớ Hồng Anh (lúc đó đang học ở LX) nên tôi sang thăm bác bất kỳ lúc nào bác cũng rất vui và luôn hỏi chuyện về Hồng Anh khi chúng tôi cùng học với nhau.
Mãi sau này, có lần gặp tôi (198..) bác hỏi :
- Cháu đi LX làm nghiên cứu sinh hay doctoran?
- Dạ, cháu đưa công nhân đi lao động ạ.
- Ai cho cháu đi ?
- Cháu tự nguyện quyết định đi ạ.
- Lẽ ra cháu không được đi. Nhưng bây giờ lỡ rồi, cháu đành phải cố hết sức thôi.
- Vâng ạ.
Từ khi biết việc gặp bác Văn là một vinh dự lớn tôi tự chấm dứt chui tường sang chơi với 2 bác. Cho mãi sau này Hồng Anh về tôi mới sang chơi lại. Rồi thời thế thay đổi, bộ đội trát lại cửa sau. Vào những năm 90 trở đi thì chúng tôi sang bằng cửa chính, nghĩa là không qua sân vườn nhà bác Bô.
Tôi rủ Hồng Anh học khí công, vì Hồng Anh bị hen mãn tính. Hầu như ngày nào 2 người cũng đi học khí công với nhau. Thỉnh thoảng đến chơi nhà nhau. Rủ nhau đi chùa, đi giải hạn, đi tập ở các nơi ngoài HN.
Sau năm 2000 có lần tôi đến bác Văn hỏi tôi: "Cháu ở đâu nhỉ?" Tôi giật mình biết bác bắt đầu quên, nên nói với Hồng Anh:
- Chết rồi, bác Văn quên tôi rồi, Hồng Anh ơi. Bác bị quên lâu chưa?
- Ừ, ông bắt đầu đãng trí.
- Lâu chưa?
- Mới thôi, nên bây giờ đi đâu cũng phải có người kèm.
- Thế à. Vậy ông đi dự các cuộc mời thì sao?
- Thì tôi vẫn đi theo xem có gì nhầm lẫn. Nhưng may hầu như các bài phát biểu ông không lẫn, rất mạch lạc, minh mẫn, còn việc ngoài thì ông cũng quên nhiều, lẫn lắm rồi.
- Tuổi này thế còn minh mẫn chán. Liệu mình ở tuổi này có được 1 phần của cụ không.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Tôi chỉ kể sơ về đời thường của bác Văn đối với tôi, một người hoàn toàn không máu mủ, ruột rà, xa lạ. Còn các chuyện khác mọi người biết nhiều hơn tôi, nên tôi không dám nói tới.
Nay cả 2 cha con bác đã gặp nhau bên kia thế giới vui vẻ. Còn chúng ta thì đang thương tiếc, đau đớn.
Bác Văn của cháu ơi, bác có thấy từng đoàn, từng đoàn người đang xếp hàng tiễn bác không? Đông lắm, bác ạ. Nhưng họ xếp hàng trật tự, vẻ mặt đau thương, nuối tiếc, chỉ vài hôm nữa thôi là bác rời thủ đô Hà nọi về quê quây quần bên họ hàng, làng xóm. Hà nội vắng bác từ đây!!!
Trang - vợ của cháu Việt (con trai Hồng Anh) ra đón trường Internat vào viếng Bác |
Hôm nay 8/10/2013 vào lúc 10 giờ chúng cháu, những đứa cháu, bạn học của Hồng Anh đã tập họp đông đủ, được gia đình ra đón vào nhà thăm bác lần cuối cùng. Sau 9 năm (2004), chúng cháu trở lại nơi đây, ngôi nhà này bác không còn nữa. Cảnh vật ảm đạm quá.
Hoa do đoàn người đến viếng bác mang theo chất đầy trên các bàn 2 bên đường từ cửa vào. Chúng cháu đã tận mắt chứng kiến đoàn người nối đuôi nhau vào viếng bác. Nếu không có gia đình cho người ra đón cổng riêng, chắc chúng cháu không đủ sức để xếp hàng.
Đại diện của trường (hai bạn Trần Tiến Đức và Hồ Anh Dũng) ghi sổ tang |
Mới ngày nào bác thấy chúng cháu là thiếu nhi học ở Liên xô, lần cuối cùng gặp bác, bạn Minh Tường nói:
- ..... Chúng cháu là học sinh trường thiếu nhi Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ gửi sang LX
- "Không phải là trường thiếu nhi Việt nam đầu tiên mà là trường thiếu nhi VN duy nhất được Bác Hồ gửi sang LX" - Bác ngắt lời sửa lại cho bạn Vương Minh Tường.
Sau khi mọi việc long trọng xong (có VTV4 quay phim), chúng cháu xin phép ra về. Tất cả đứng dậy chào bác, bác nhắc bảo chúng cháu ra chụp ảnh: " Mọi người đến đây thăm bác có 2 phần, phần thứ nhất là gặp gỡ, nói chuyên, phần thứ 2 là chụp ảnh " và bức ảnh chúng cháu chụp với bác lần cuối còn lưu lại trong sách "Lớn lên giữa Mạc Tư Khoa" của chúng cháu. Các hậu duệ của chúng cháu chắc sau này còn được chiêm ngưỡng mãi.
Thế mà ngày hôm nay chúng cháu cũng đã già, trên 70 cả, nên không còn đủ sức đứng lâu nữa.
Sáng mai nhà nước tiễn đưa bác về quê. Vậy là từ nay trở đi bác được yên nghỉ nơi quê nhà tiên cảnh. Chúng cháu vắng bác và Hà nội vắng từ đây.
Gia đình cháu kính chúc bác thượng lộ bình an. Chúng cháu xin chúc bác mau chóng siêu thoát.