Du lịch Miền Trung 2012

SUY NGHĨ LINH TNH.

Nhàn cư thì suy nghĩ lung tung cũng phải. Nhớ thời còn ở Việt Bắc những lúc đi trong rừng lang thang một mình chẳng ai quan tâm đến sự sống chết của mình hoặc đơn giản nhất là no, đói cũng chẳng ai biết đến, sao mà cuộc đời đơn giản đến thế ! Còn nay thì cuộc đời  của tất cả mọi người : lớn, bé, già, trẻ, thật phức tạp đến khó hiểu. khi lớn lên chút nữa, nghĩa là 10 tuổi thì từng giai đoạn một có sự đổi thay mà bây giờ tôi không thể nhớ nổi.

Nhớ nhất ngày đầu tiên vào trại thiếu sinh quân cục Tổ Chức, tổng cục Chính trị , người ta thì đi đoàn này đoàn nọ, còn tôi thì chỉ có 1 anh bộ đội đưa đi bộ từ sáng đến chiều. Nơi này toàn thiếu nhi, anh bộ đội giao mình cho anh phụ trách trại, đưa gì đó cho anh ta và ra nói với tôi:

- Em ở lại đây với các bạn nhé, anh về đơn vị đây.

- Vâng, anh về. Em chào anh ! - Nước mắt chạy quanh, tôi cố trả lời anh bộ đội thật bình tĩnh.

Bây giờ mới thực sự sống tập thể giữa các bạn đồng lứa. Nơi đây giờ nào việc ấy. Tất cả sống theo kỷ luật như bộ đội chính qui. Sáng ra trung đội  nào, tiểu đội nào làm việc gì đều được phân công rõ ràng. Mỗi trung đội đều có phân công kiếm củi, lấy gạo, xách nước cho cả trung đội dùng suốt ngày. Cấp dưỡng chỉ nấu cơm, thức ăn cho TSQ, còn lấy củi,  bổ củi, xách nước, rửa máng ( máng dùng thay bát đựng thức ăn ) đều phải phân công các trung đội trực cả ngày...

Tất nhiên tôi thích sống như thế này. Tuy vậy đêm đến tôi vẫn nhớ đến những ngày sống tự do như con thú hoang trong rừng. Nhớ những lúc hoàn thành nhiệm vụ, khi trở về tay không lang thang trong rừng. Đói tìm thức ăn như ổi, mơ, mận,trám, quả gì chim ăn được mình cũng ăn. Khát lay cây nứa non hay vầu non, lắc có nước là chặt uống hoặc tìm các cây bứa leo lên rung cho quả rụng, xuống nhặt ăn hoặc tìm các cây vải, bới gốc lấy quả chín bóp ra ăn cục mật ở trong. Cục mật vừa ngọt, vừa mát, nuốt xong có cảm giác mình vừa được ăn một miếng thạch ngon, tỉnh cả người, mệt mỏi tiêu tan hết. Cũng chẳng có gì to tát , chỉ đơn giản sống giữa bộ đội, giữa những người lớn mà mỗi mình mình là bé. Các anh quí mình thì cũng quí, song hay bắt nạt mình, không vừa ý là đánh, là cốc thủng đầu... Còn ở trại TSQ chẳng ai đánh, mắng mình, khi làm sai thì bị phê bình. Lớn giúp bé, khỏe giúp yếu, tập quân sự hành quân thì giúp nhau mang, vác nặng, ngã thì giúp nâng...Sự đoàn kết giữa những con người cùng lứa khác hẳn.

Trong trại cấp trên tổ chức cho các bạn lớp trên dạy văn hóa cho lớp dưới. Ai học lớp nào thì tự khai. Tôi có được học bao giờ đâu mà biết học lớp mấy. Khi thấy các anh hỏi học lớp mấy tôi ngạc nhiên.

- Lớp mấy là thế nào ?

- Là lớp nhất, lớp nhì, lớp ba ở trường ý.

- Thế lớp ba to hay lớp nhì to ? Mà nhì là gì ? Em có đi học ở trường bao giờ đâu mà biết.

- Tất nhiên nhì là 2, còn hỏi.

- Vậy em vào học lớp 3.

Còn các tổ chức thiếu niên tôi làm sao biết được đội THIẾU NHI THÁNG TÁM  là gì. Họ còn hỏi tôi có biết khăn đỏ là gì không, có biết 5 điều Bác dạy không. Tôi làm sao biết được nghĩa của những danh từ ấy,  chứ đừng nói đến các tổ chức ấy.

Tôi tìm một cô bạn có vẻ hiểu biết, vì cô ấy đã đi học ở trường kháng chiến để hỏi những từ, những tổ chức ấy có nghĩa là gì. Cô ta giải thích một lèo rồi đọc vanh vách 5 điều Bác dạy.

 1. Yêu Tổ Quốc.
 2. Thương đồng bào.
 3. Chuộng lao động.
 4. Giữ vệ sinh.
 5. Trọng kỷ luật. 

Cô bạn giải thích cho tôi các từ khó hiểu và ý nghĩa từng câu. Sau đó bắt tôi nhắc lại. Tôi nhắc lại đúng nguyên, cô bạn khen tôi sáng ý.

Bây giờ 5 điều Bác dạy họ đã thay đổi không còn như xưa. Tên đội cũng thay đổi theo từng thời kỳ.

Nghĩ lại cái thời đơn giản ấy mà buồn cười, mà luyến tiếc. Dạy nhau thật lòng, yêu nhau thật lòng, giúp nhau thật lòng, chẳng biết ai là con cháu ai, xuất thân từ đâu...

Rồi hầu như đều sang TQ học để tránh bom đạn, và ý nghĩa lớn hơn cả là để thành người xây dựng đất nước sau này. Chúng tôi hầu như ai cũng nghĩ:

Mình là mầm non của đất nước, phải bền trí, gắng quyết tâm học hành vì bây giờ không đủ sức chống xâm lăng. Học để rèn luyện tâm trí và học để xây đắp nước Nam sau này nên phải cố hết sức mình có. Mấy ai được như mình bây giờ. Chỉ đơn giản như thế thôi.

Với những ý nghĩ đơn giản của bọn trẻ lớn nhất là 13, bé nhất là 7 tuổi , thế mà các thầy, cô giáo các anh chị bảo mẫu hầu như không phải vất vả vì sự ngang trái của chúng tôi. Công bằng mà nói hầu hết chúng tôi đều ngoan, đều học giỏi, tất nhiên cũng có bạn bướng bỉnh mà lúc đó chúng tôi gọi là  BA GAI. Gọi là ba gai, nhưng so với nhiều trẻ bây giờ vẫn còn ngoan chán. Ba gai chỉ nghịch ngợm, lười tự học, trêu bạn bè, không thích tham gia các hoạt động tập thể và đôi lúc gây sự với bạn thôi.

Cũng vì vậy mà nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã nói thật lòng là lúc đó chúng tôi có được chọn lọc mấy đâu mà hầu như ai cũng trưởng thành, cũng học giỏi. Nhiều bạn đã trở thành lãnh đạo của đất nước, trở thành các cán bộ nòng cốt của nhân dân. Riêng 100 học sinh trường thiếu nhi VN Moskva của chúng tôi có tới 40 người là phó tiến sĩ và tiến sĩ, có cả viện sĩ. Đó không phải là sự cố gắng hết sức mình của thế hệ chúng ta hay sao?

Thời chúng tôi càng con ông to, bà lớn càng phải cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn, gương mẫu... Tóm lại là phải thật hoàn hảo để khỏi làm ô danh cha mẹ, để cha mẹ yên tâm làm việc phục vụ nhân dân, để cha mẹ tự hào về mình. Tuy không ai biết cụ thể bạn này, bạn kia là con ai, nhưng chúng tôi đều hiểu rõ là ít nhất chúng ta không phải là con ông nọ, bà kia, không phải con liệt sĩ, không phải con các nhà hoạt động cách mạng thì bản thân cũng là bộ đội con ( thiếu sinh quân). Lúc đầu nhiều trẻ con theo các anh bộ đội đi kháng chiến, các anh bộ đội sai làm việc nọ, việc kia, làm việc vặt rồi cao hơn là đưa tin, đưa thư ( liên lạc viên) từ nơi nọ đến nơi kia, đến bữa gọi cho ăn cùng, có gì ăn nấy, có thì ăn, không có cùng nhịn...Đơn giản thế, nhưng chúng tôi cũng đã nhờ thế mà trưởng thành, mà lớn lên giữa những anh bộ đội bình thường nhất. Sống giữa những người cao nhất nước cùng những người bình thường nhất đất nước, không có sự phân biệt như bây giờ làm cho đầu óc non trẻ của chúng tôi không bao giờ nẩy sinh công thần, tâng bốc, giả rối, nịnh hót...Bữa cơm của mọi người như nhau, chứ không có cơm quan, cơm lính. Sau này có cố vấn TQ mới có chế độ đại táo ( bếp lớn,to ), trung táo (bếp vừa ) , tiểu táo (bếp nhỏ).Bếp to cho mọi người, bếp vừa cho cán bộ vừa, bếp nhỏ cho cán bộ cao cấp.

Qua đi tuổi thơ ấu rồi đến tuổi lớn lên thành thanh niên. Đi làm để trả nợ công ơn nhà nước nuôi mình ăn học. Một bước ngoặt trong đời mỗi người trong chúng tôi. Tỏa về khắp mọi ngả của đất nước theo yêu cầu của Tổ Quốc.Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ Quốc cần. Chẳng ai chống lại sự phân công đi đến đâu, dù đó là vùng cao hẻo lánh nhất như Mù Căng Chải, nông trường Mộc Châu Sơn la...Làm hết sức mình có, không kể thời gian và tất nhiên chẳng bao giờ có bồi dưỡng. Giờ giấc ư ? Làm gì có, công việc chừng ấy cứ làm xong thì nghỉ, mà làm xong thì nhiều người phải nửa đêm mới được nằm. Mọi việc đều phải tự lo, tự tìm, tự hỏi, không như bây giờ tra tự điển, cao là google. 

Chiến tranh chống đế quốc Mỹ biết bao người trong chúng tôi đã quay trở lại quân đội và gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu khắp mọi miền, không ít các bạn tôi đã hy sinh anh dũng cho đất nước thân yêu này. Sau này họp trường, họp TSQ mới biết họ đã hy sinh hay vẫn còn sống.

Sau năm 1975 một số bạn lên làm lãnh đạo một số làm khoa học, làm kinh tế, làm văn học, nghệ thuật... Ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ cương vị nào các bạn cũng cố hết sức mình phục vụ nhân dân. Lúc này chúng tôi mới có thời gian quan tâm đến bạn nào là con ai. Ngẫm lại thấy con các ông to, bà lớn đều là tấm gương cho mọi người theo từ khi còn nhỏ. Không phải tôi thấy người sang bắt quàng làm họ, hay khoe khoang thân con ông nọ, bà kia, nhưng cả đời tôi thấy phục các bạn ấy. Dù làm lãnh đạo,  kinh tế hay khoa học , làm văn học hay nghệ thuật, lúc họp nhau chúng tôi vẫn như xưa. Giữa chúng tôi không có khoảng cách. Một số bạn đã ra đi,  nhưng mỗi khi họp nhau chúng tôi bao giờ cũng nhắc lại...Những lúc này mới thấy nhớ các bạn ấy đến não lòng.

Sắp tới sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thiếu nhi VN Moskva duy nhất của chúng tôi, sự vắng mặt của các bạn ấy sẽ làm cho chúng tôi buồn, không được vui trọn vẹn. Vẫn biết là nơi ấy ai mà chẳng đến, nhưng  làm sao khỏi buồn đau khi vắng các bạn tuổi thơ của mình...

Chúng tôi đã ở tuổi 70 trở lên thường không ai nghĩ cho mình nữa, bây giờ nghĩ cho con, cháu, chắt rồi.Tất nhiên những người như chúng tôi không thể không nghĩ đến thế hệ hiện nay và nhiều điều muốn để lại...

Nhưng buồn một nỗi khó nói quá, nói ai nghe mình đây? Tiếng nói của mình thật bé, nhỏ quá, làm sao thấu được đến những nơi mà mình muốn nói...Tôi nghĩ rằng những người như chúng tôi bây giờ thấy đau nhất là nền giáo dục của ta. Cải cách, cải cách và cải cách...Nhưng ta đã thu gì được từ cải cách? Thanh, thiếu niên bây giờ ra sao nhỉ?Trách nhiệm thuộc về ai : cha, mẹ, nhà trường, thầy cô giáo hay bản thân chúng? Ôi khó nói quá !!! Trước đây chắc không như bây giờ. Thật buồn !!! 
Các quí vị thấy sao ?


Viết ít dòng tâm sự, quí vị nào có thời gian đọc cho nhớ lại thời chúng ta. Cám ơn các quí vị đã bỏ chút ít thời gian quí báu đọc bài này.

Xin Kính chào !

                        

                  







 

6 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ rằng những người như chúng tôi bây giờ thấy đau nhất là nền giáo dục của ta. Cải cách, cải cách và cải cách...Nhưng ta đã thu gì được từ cải cách?
    Ui . Chị yêu quya... em cũng có những trăn trở này và hay buồn.. linh tinh vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Suy nghĩ nhiều, trăn trở, nhưng có được gì đâu, chỉ thêm buồn HC ạ. Chào buổi sáng !

      Xóa
  2. Suy nghĩ linh tinh mà có đầu có đuôi, lý sự đâu ra đấy, hay thật!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có đầu mà chẳng có đuôi, đuôi này thì để cho ruồi nó bâu. Hề hề. Bây giờ ý kiến , suy nghĩ của ta thì ruồi cũng chẳng thèm ngó tới. Viết chỉ để cho bạn bè đọc giết thời gian. Máy chán quá viết mà nó cứ sai mãi, sửa chán cả tay. Có bí quyết gì TM chia sẻ đi ! Chào !

      Xóa
  3. Chị gái khỏe lên là em gái vui rồi hi hi
    Em gái vẫn thuộc 5 điều bác Hồ dạy đó chị gái, đừng nghĩ nhiều mà mệt cho sức khỏe chị gái nhé ! Chị gái sang nhà Cát đọc bài về bệnh phù nề để biết thêm cách chữa trị chị gái nhé !

    Chúc chị gái tuần mới an lành, sức khỏe diệu kỳ chị gái nha ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  4. Hì ! Em gái gửi lại cho anh thôi chứ ko gửi lại cho chị gái đâu, chị em mình thân nhau chưa hết gửi lại làm gì chị nhỉ ? Em gái mong chị luôn vui khỏe để lại vào Quảng Trọi thăm em gái nữa chứ ?

    Chúc chị gái chiều thứ ba an lành, sức khỏe diệu kỳ chị gái nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa