Du lịch Miền Trung 2012
NGÀY NÀY NĂM 1981.
Nỗi nhớ nhà, nhớ nước không cần nói nhiều với những người như chúng tôi lúc đó. Bốn tháng đi làm lúc nào nước mắt cũng lưng tròng. Người LX cùng làm việc với tôi ai cũng thông cảm, an ủi tôi, nhiều người còn mời về nhà họ chơi. Song tôi làm gì có thời gian đi đến nhà ai, vì công việc ngập đầu từ sáng đến tối, nhiều hôm còn nhịn cả ngày không kịp xuống nhà ăn công cộng để ăn. Thế nhưng tối về, nỗi nhớ con, nỗi nhớ đất nước, bạn bè còn làm cho tôi rã rời, mệt mỏi hơn. Đang gục xuống giường khóc thì nghe tiếng gõ cửa:
- Mời vào ! Cửa không gài, cứ đẩy vào nhé !
Một lúc ùa vào bốn , năm cháu, tôi không còn nhớ nữa. Có mấy cháu mắt cũng rơm rớm nước. Tôi thông cảm và hỏi :
- Có chuyện gì thế ? Hay nhớ nhà ?
- Vâng cô ạ. Chúng cháu buồn vào chơi với cô thôi. Nhân thể hỏi cô mấy việc.
- Cứ hỏi, biết đến đâu trả lời đến đó. Không biết thì thôi đấy nhé.
- Cô ơi, sắp TẾT rồi, chỉ hơn 1 tháng nữa thôi.
- Tết thì buồn lắm, cô nhỉ. Lần đầu tiên xa nước, xa nhà chắc chúng cháu đi làm sẽ gào khóc, nước mắt ướt cả máy cũng nên.
- Tết ở nhà thì vui : Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Còn ở đây lại vác xác đi làm, chán mớ đời !
- Các cháu không phải đi làm đâu. Theo hiệp định lao động thì các cháu được nghỉ thêm 2 ngày trong năm so với công nhân LX là mồng MỘT Tết ta và mồng 2/9, ngày quốc khánh.
- Nghỉ mà làm gì thêm buồn ! Đi làm còn đỡ. Cô tính trời rét căm căm, ngoài chợ thức ăn còn hiếm nói gì đến hoa ngày tết.
- Hoa không có violet hay hoa đào như ở ta.
- Cô nghe các cháu nói ở đây rừng mân bạt ngàn cơ mà.
- Vâng, bạt ngàn thì bạt ngàn, mà toàn cành khô ! Cả rừng không 1 cái lá thì cô hỏi làm gì.
- Cô hỏi là có việc đấy. Mấy ngày nữa đến phiên nghỉ ca, cô cháu ta vào rừng mận chặt cành về nhé.
- Mai chúng cháu nghỉ ca rồi. Nhưng chặt cành khô về làm gì, hả cô ?
- Trông nó thế chứ không khô đâu. Mùa đông nó rụng lá, nằm NGỦ để mùa xuân đâm chồi nẩy lộc, ra hoa kết quả đấy. Nếu ngâm nó vào nước để trong nhà ấm, chắc nó sẽ ra rễ và ra lá.
- Ra rễ và lá để làm gì , hả cô ?
- Thì có lá, có rễ là quí rồi, ta mua giấy hồng về cắt, dán làm cành ĐÀO giả chứ sao !
- Ôi hay đấy, cô nhỉ. Mai chúng cháu ngủ dậy, vác dao lên gọi cô đi.
- Mà cô thế này liệu có đi được không ?
- Sao không ? Cứ thế nhé ! Thôi về phòng đi, cô còn đói từ sáng đây này !
- Chúng cháu có thức ăn, mề gà sào cà chua, hành tây và cơm, cô có ăn chúng cháu mang lên cho cô .
- Thôi về đi ngủ, mai dậy sớm mà đi. Cô không ăn gì của cac cháu đâu !
Như đã hẹn, mấy cô cháu vào rừng mận chặt cành. Mỗi người chặt 3; 4 cành kéo về. Nhưng thật không may, kéo về được 2/3 đường thì bão tuyết. Mà đã là bão tuyết thì 2; 3 người VN ôm nhau đi cũng bị bay bật trở lại. Người lo nhất là tôi, đã đầu têu cho các cháu lại còn mắc bão tuyết thế này thì nguy to. Làm sao về bây giờ? Bỏ cành lại thì tiếc, mà kéo về xem ra khó khăn quá:
- Thôi, ta đành bỏ cành lại, mấy cô cháu ÔM nhau về thôi !
- Bỏ sao được , hả cô. Bao nhiêu công sức từ sáng đến giờ. Ta cố mà kéo về thôi.
Thấy các cháu nói đúng ỷ mình nhưng tôi vẫn nói :
- Kéo về thì nặng lắm, sức cô cháu mình kéo chắc không nổi đâu.
- Ta buộc chúng lại với nhau thành 1 bó. Mấy cô cháu ôm nhau cùng kéo. Sức nặng của ta và các cành cây thì bão tuyết không bay được đâu.
Mấy cô cháu hì hục quấn chằng các cành cây lại thành 1 bó, ôm nhau hì hục khom lưng kéo, bước từng bước, vượt bão tuyết về ký túc xá. Về đến nơi miệng thở ra khói, mặt đỏ như gà chọi, 2 tay rớm máu, nhưng mấy cô cháu rất vui.
Dặn các cháu chặt thành những cành con, chia nhau mỗi phòng 1 cành, lấy xô đựng ước ngâm cành vào để góc nhà. Các cháu làm y lời dặn.
Khổ nỗi ban vệ sinh của KTX đi khám thấy cành khô ngâm trong xô nước cứ đòi đội trưởng bắt các cháu phải vứt đi, sợ chẳng may đêm hôm các cháu đánh đổ nước bẩn nhà. Phải nói mãi họ mới cho yên.
Hàng ngày mấy cô cháu nhòm, ngó xem CÀNH KHÔ có gì thay đổi. Dần dần phần ngâm nước cành mận cũng ra rễ. Còn khoảng 10 ngày nữa thì trên cành thấy lum lúm như sắp ra lá. Các cháu thích lắm, hàng ngày theo dõi và báo cô biết. Phó tổng giám đốc không còn cằn nhằn mỗi khi đi khám vệ sinh phòng các cháu. Rồi ông cũng vui mà rằng :
- Natasa, tôi hài lòng với những việc làm của chị. Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ khi nghe chị trình bầy việc làm hoa tết cho các cháu. Hy vọng tết các cháu sẽ làm hoa ĐÀO tết VN.Tôi chưa bao giờ thấy hoa đào VN cả.
- Chắc chắn sẽ có hoa đào VN cho ông xem. Tôi mời ông đến vui tết với các cháu.
May sao đúng mồng 1 tết hoa mận nở trắng xóa trong tất cả các phòng. Sáng mồng 1 Tết cả ký túc xá các cháu chạy sang phòng nhau NGẮM hoa mậm nở.
Mồng một TẾT không những các cháu không khóc mà ôm nhau nhảy nhót, hò la, cười vang cả KTX.
Viết đến đây cảnh các cháu hôm đó lại hiện nguyên hình, hơn nữa lại nhớ ngày họp mặt cùng các cháu THỢ DỆT ở Quán gió có cháu nào đó nhắc lại :
- Cô còn nhớ cô cháu mình đi chặt cành mận về ngâm cho tết nở hoa không?
- Hiện tượng đó cô còn nhớ, nhưng những cháu nào cùng làm với cô ngày ấy thì cô QUÊN thật rồi.
Nhớ lại những ngày ấy, vui, buồn đủ cả, thế mà ngày nay các cháu nhắc lại vẫn cảm thấy vui.
Cái tết đầu tiên của các cháu thợ dệt xa nhà, xa nước, với tôi sau 22 năm mới ăn tết ở nước ngoài là như vậy. Bây giờ các cháu đã thành bà nội, bà ngoại, thế mà vẫn nhớ đến NGÀY XƯA và cảm động nhất là vẫn còn nhớ đến tôi. Cám ơn tình cảm của các cháu dành cho cô.
Xin cám ơn các qui vị đã ưu ái đọc bài này.
Xin kính chào !
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét