Du lịch Miền Trung 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014 !



NĂM MỚI 2014, CHÚC TẤT CẢ CÁC QUÍ VỊ  VÀ CÁC BẠN SỨC KHỎE, VUI VẺ, THÀNH ĐẠT, HẠNH PHÚC TRONG CÔNG VIỆC VÀ TRONG GIA ĐÌNH RIÊNG !


УВАЖАЕМЫЕ ГОСТИ,  ДОРОГИЕ МОИ ДРУЗЬЯ, ПРИМИТЕ ОТ МЕНЯ, МОЙ ПРАЗДНИЧНЫЙ ПРИВЕТ!  ЖЕЛАЮ, ВСЕМ ВАМ, КРЕПКОГО ЗДОРОВЬЯ, ВЕСЕЛЬЯ, УДАЧИ И СЧАСТЬЯ В ЛИЧНОЙ ЖИЗНИ!






QUẢ ÓC CHÓ.

                        


Chương trình sức khỏe " Sống tuyệt vời " của Nga đã nêu ra 3 thứ thực vật giống các bộ phận trong người, giống thì cũng có thể còn nhiều thực vật khác, nhưng đặc biệt nó giống bộ phận nào của người thì lại bổ đúng cho bộ phận ấy. Đó là:

1. Quả óc chó - giống bộ óc của người - bổ óc.

2. Hạt đậu đỏ to - giống quả thận của ta - bổ thận.

3. Cọng cần Tây to - giống xương cánh tay người - bổ xương.

Hạt đậu đỏ to và cần tây to ta vẫn thường dùng trong các bữa ăn hàng ngày, nó tốt mà không đắt lắm, nên nhiều nhà hay dùng. Ngoài ra cần tây còn hạ huyết áp nên nhiều người dùng chữa huyết áp cao. Chỉ riêng có quả óc chó thì ít người dùng vì nó đắt, khó bóc lại không biết có công dụng gì mà phiền phức cả về kinh tế lẫn sử dụng. 

Thường những gì khó trồng, khó kiếm, khó nuôi đều có công dụng tốt riêng của nó. Cho nên quả óc chó cũng thuộc loại KHÓ. Trên thế giới thường dùng trong thực phẩm cao cấp, đắt tiền, chỉ người có tiền mới mua. Vậy nó tốt và có công dụng như thế nào :

1. Tốt cho tim mạch.
2. Củng cố độ bền cho động mạch.
3. Ngăn ngừa sỏi túi mật.
4. Bảo vệ xương.
5.Tăng cường và bảo vệ trí não ( đây là thực phẩm chuyên dành riêng cho trí não) .
6. Tốt cho bệnh nhân đái đường.
7. Giúp nhuận tràng cho người già.
8. Chiến đấu chống một số bệnh ung thư.
9. Chống mất ngủ.
10. Cải thiện chất lượng tinh trùng.
11. Tốt cho phụ nữ mang thai.

1. Giúp cho tim mạch hoạt động tốt.

Quả óc chó có vô số lợi ích cho trái tim, vì trong đó có nhiều chất mà trong các quả khác không có. nó có lợi hơn bất kỳ loại quả nào trên trái đất. Đó là : axid béo omega 3, khoáng chất, các loại vitamin, đặc biệt chống oxy hóa. Vì thế nó là loại hạt của sức khỏe trái tim.

Omega 3 có khả năng ngăn ngừa cục máu đông, nguyên nhân gây cơn đau tim. Omega 3  kết hợp với chất xơ, làm giảm mức độ LDL (lipoprotein mật độ thấp ), hoặc colesterol xấu  -   một trong những tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim - làm loạn nhịp tim, tim đập thất thường, quả óc chó giúp ta ổn định lại.

2. Củng cố thành mạch, chất lượng động mạch.

Bảo vệ cho trái tim tốt thì tất nhiên có tác dụng lớn với bệnh cao huyết áp. Nó giúp lớp màng động mạch khỏe hơn và vững chắc hơn.

3. Ngăn ngừa sỏi túi mật.

Qua 2 thập kỷ các nhà nghiên cứu đã kết luận hơn 80.000 người ăn quả óc chó đã có thể ngăn ngừa được sỏi túi mật.

4. Bảo vệ, làm chắc xương.

Theo tuổi tác mật độ chất khoáng trong xương giảm dần, người già thường bị bệnh loãng xương. Quả óc chó giúp ta làm chắc xương nhờ có chất khoáng của nó.

5. Thực phẩm cho trí não .

Quả óc chó giống não của ta nên nó cũng là thực phẩm chuyên dành riêng cho não. Omega 3 trong quả óc chó giúp ta duy trì cấu trúc chất béo trong não, loại cấu trúc béo này chiếm tới 60% bộ não, Não là trung tâm sử lý của cơ thể, nếu ta giữ gìn, bổ xung nó sẽ giúp ta tăng cường trí nhớ, tăng cường nhận thức, giảm trầm cảm và các bệnh liên quan đến não.

6. Bệnh đái đường.

Người bị bệnh đái đường loại 2 thường không sản sinh ra được insulin, nó giúp cho bệnh nhân tạo nên insulin. Và bệnh nhân đái đường thường có nguy cơ các bệnh tim mạch và  huyết áp thì nó cũng giúp ngăn ngừa các bệnh này như đã nói ở trên.

7. Nhuận tràng cho người già.

Quả óc chó có hàm lượng chất xơ cao, nên giúp ta nhuận tràng tốt. Người già ít ăn rau hay táo bón ăn quả óc chó sẽ giúp được nhiều.

8. Chiến đấu với một số bệnh ung thư.

Quả óc chó giầu chất oxy hóa và một số loại khác của chất oxy hóa. Hợp chất oxy hóa được gọi là axit ellagic, lọai chất rất hữu ích trong cuộc chiến đấu chống ung thư, nó tăng cường hệ miễn dịch nên giúp bệnh nhân ung thư phục hồi sức khỏe nhanh, nhất là trong và sau giai đoạn xạ trị và hóa trị.

9. Chống mất ngủ.

Quả óc chó giúp an thần, tim mạch và huyết áp nên chắc chắn sẽ giúp ta ngủ ngon.

10. Cải thiện chất lượng tinh trùng.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã thấy nhóm ăn quả óc chó sau 12 tuần, hình dáng, tốc độ di chuyển
 và sức sống của tinh trùng đều được cải thiện rõ rệt. Họ cho rẳng các axit béo trong loại quả này đã giúp tinh trùng phát triển mạnh. Cho nên có chế độ ăn quả óc chó cho những người đàn ông kém số lượng và chất lượng tinh trùng là cần thiết.

11. Quả óc chó giúp cho người có mang.

Óc chó giầu omega 3 . vitamin E, photpho, axit amin L-Arginne. Trong quả óc chó omega 3 gấp 3 lần cá hồi, giúp đại não và thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trẻ sẽ thông minh. Ngoài ra giúp chị em tránh được viêm nhiễm sau sinh,  bệnh phụ khoa  u xơ tử cung, ung tư cổ tử cung và không tăng cân sau sinh.

Ngày nay óc có được dùng nhiều trong công nghệ thực phẩm.

Cách ăn quả óc chó: 

- Tuần đầu ăn mỗi ngày từ 3 - 5 quả.

-  2 tuần sau từ 5 - 8 quả.

- Tiếp theo ăn từ 8 - 10 quả và cứ dùng tiếp với liều lượng này.

Xin thông báo những ai dùng quả óc chó là đừng thấy ngon mà cứ chén tỳ tỳ nhé. Tốn tiền mà lại không cần thiết. Ăn nó cũng cảm thấy béo ngậy, tôi chỉ ăn được có 3 quả mà đã thấy chán ngấy rồi. Xin chúc những ai sẽ sử dụng quả óc chó thành công rực rõ.

 Xin cám ơn các quí vị đã đọc và xin chào !


                                    

BỜ HỒ.

Đi chơi Bờ Hồ, nghe 4 từ này người ta có cảm giác những người ở nhà quê ra hay từ vùng, miền xa xăm, thậm chí Việt kiều ở nước nào đó về hay người nước ngoài đi du lịch. Nhưng tôi không nói đến những người ấy, mà nói 2 bà cháu tôi. Cháu tôi năm nay đã 14 tuổi, sinh ra và lớn lên tại HN, vậy mà lần đầu tiên nó được đi chơi Bờ Hồ với bà. Ở Bờ Hồ nó rất vui và luôn mồm nói là lần đầu tiên được đi chơi Bờ Hồ với bà thích và vui quá. Chuyện là thế này:

Buổi trưa đi học về nó chào bà và khoe hôm nay kiểm tra cuối kỳ cháu làm bài tốt lắm.

Ăn trưa xong nó hỏi :

- Bà ơi, đi Bờ Hồ đi xe số mấy, hả bà ?

- Xe số 09, nhưng hỏi làm gì.

- Cháu muốn đi chơi Bờ Hồ để giải tỏa một chút, chuẩn bị kiểm tra môn khác.

- Cháu đi với ai ? Đi đến mấy giờ ?

- Cháu đi 1 mình, còn không biết mấy giờ cháu mới về.

- Thế thì bà đi với cháu.

- Sướng quá, 2 giờ bà gọi cháu dậy đi nhé.

- Được rồi, ngủ đi 2 giờ bà gọi.

2 gờ gọi mãi nó mới dậy. Hỏi nó:

- Miu, cháu có định đi Bờ Hồ nữa không ?

- Ôi, có chứ ạ. Cháu dạy ngay đây.

Hai bà cháu ra bến xe, nhưng lâu rồi bà không đi, mà HN hồi này sửa đường liên tục nên bến xe thay đổi, đi mãi không thấy hóa ra nó bỏ bến,  hỏi thăm, tìm được bến xe. Hai bà cháu lên xe. Lần đầu tiên cả 2 bà cháu đi xe này. Xe 09 nó đưa mình đi khắp các phố cũ, mới của HN rồi mới đến Bờ Hồ. Đi xe máy thì chỉ 1/2 giờ là đến, còn đi ô tô buýt thì 1 tiếng 30 phút mới tới. Thôi lâu cũng được, bà có dịp chỉ cho cháu chỗ nọ, chỗ kia. Ô tô chật, được 1 cháu gái nhường chỗ cho nên tôi ngồi từ đầu đến cuối. Còn cháu cứ đứng mãi, mỏi chân nó ngồi bệt xuống chỗ để chân cao một chút cho đến nơi, quần bẩn đầy bụi.

Xuống xe cháu khen :

- Ôi, Bờ Hồ đẹp quá. Hôm nay trời nắng đẹp, lại lần đầu tiên trong đời được bà đưa đi chơi Bờ Hồ. Sướng quá, thích quá ! Bạn cháu nó cứ hỏi cháu đi chơi Bờ Hồ chưa , vậy mà sinh ra, lớn lên ở đây tận bây giờ cháu mới được bà đưa đi, cháu vui quá, vui quá.

May Bờ Hồ không thay đổi nên tôi còn nhớ các phố, các nơi quanh Hồ. 2 Bà cháu vừa đi, vừa chụp ảnh, các cảnh đẹp, trời quang đãng nên chụp ảnh cũng tốt. Vậy mà về xem lại nó xóa rất nhiều ảnh mình chụp cho nó. Hóa ra mình thích chụp toàn cảnh, cả người cho nó, nhưng nó chỉ thích có 1/2 người nên đã xóa đi.

Chuyến đi này có 1 điều cả 2 bà cháu hài lòng là lần đầu tiên cả bà lẫn cháu được tận mắt nhìn thấy con chó NGAO TÂY TẠNG. Một loài chó cực hiếm và phải đến cả 100 triệu 1 con.

Cháu luôn mồm nói hôm nay vui quá, chưa bao giờ được vui thế này. 2 Bà cháu đi bộ 1 vòng quanh Bờ Hồ, chụp ảnh dưới chân cụ  LÝ THÁI TỔ rồi về vào lúc 5h30 phút.

Số tôi cứ ra đường NÀ NẠC đường. Khi về chắc mẩm lên xe số 09 là về nhà. Lên xe đi khắp các phố phường HN chờ đến bến thì xuống. Bị tắc đường cả tiếng đồng hồ. Trời tối, khắp các nơi bật đủ loại đèn, không tài nào nhận ra phố nào với phố nào. Số người xuống xe đã vãn, hỏi lái phụ:

- Anh làm ơn cho tôi hỏi, sắp đến phố Thái Thịnh, chỗ bệnh viện Nội tiết chưa?

- Bến này đến đấy, bác xuống đi.

Cám ơn xong, 2  bà cháu xuống. Đi gần 3 bến xe mà chả thấy bệnh viện Nội tiết đâu. Thế là thằng lái phụ chỉ sai bến cho mình. Hỏi thăm mãi, 2 bà cháu mới lên được xe số 18 về. Sai 1 ly, đi 1 dặm. Mình bị chỉ sai đường, 2 bà cháu đi gần 2 km lại mất thêm 10 nghìn tiền ô tô khác mới về được đến nhà. Về đến nhà 7h30 tối. Cháu sợ mẹ mắng cứ nài bà đừng kể đi lạc cho mẹ nó. Bà bảo sợ gì, đi với bà chứ có phải với bạn đâu mà sợ. Ngày 2 tết đi chùa Trấn Quốc, lúc về nó đưa đi mãi,  thấy chỉ còn mấy người trên xe, hỏi phố Thái Thịnh lái phụ trả lời, đây là bến xe MỸ Đình. Định chờ xe quay lại, nó bảo đây là chuyến cuối. Thế là đi bộ gần 10 km, về đến nhà đã 10 giờ đêm, vậy là bị giông cả năm.  Chính tôi sợ nó bị lạc, đi một mình giữa HN, nên mới tình nguyện đi cùng với nó. Cuối cùng 2 bà cháu vẫn lạc. Hề hề.

May quá, dù lạc 2 bà cháu cũng về tới nhà. Cái cảm giác sợ cháu lạc hay bị bắt cóc tại HN nhờ có việc đi chung với cháu mà không tồn tại. nếu không đi với nó, chắc giờ này vẫn còn luẩn quẩn trong đầu nỗi lo sợ.

Một chuyến đi lịch sử cho 2 bà cháu tôi. Kể lại cho các cụ rút kinh nghiệm, đôi khi ta có cảm giác rất bình thường đi chơi với cháu, nhưng với chúng lại là niềm vui hiếm có trong đời.  

Xin cám ơn ai đã đọc bà này và xin kính chào ! 


                                         Chó ngao Tây Tạng


                                     Tuy chó ngao mà hiền khô , không ác như mấy con bảo mẫu trên mạng

THIẾU SINH QUÂN CỤC TỔ CHỨC TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ HỌP MẶT.

 
Trưởng ban liên lạc triệu tập ngày 14/12/2013, trước 1 tuần cho mọi người chuẩn bị, nhưng chắc Trời lại không cho phép triệu tập trước ngày 22/12 nên gió mùa về, mưa phùn thành thử các CỤ TSQ sợ bị cảm lạnh không dám đi. Tuy vậy một số tích cực thì có mưa bão cũng vẫn đi để có dịp gặp nhau mỗi năm 1 lần. Cuối cùng sau giờ hẹn gặp 1 giờ cũng được 32 cụ. Trưởng ban Đinh Bá Trụ  (ĐBT)  tuyên bố lý do cuộc họp.



Sau khi  tuyên bố lý do, ĐBT đã nhắc tới Nguyễn Tiến Nguyên đã bỏ chúng ta đi mấy năm rồi, cũng chính từ đấy các cuộc họp TSQ không hào hứng và đều đặn như cũ. Cũng nhiều bạn từ lâu vắng mặt, mặc dù ĐBT đã báo. Thêm nữa mỗi tuổi nó đuổi khí thế của ta đi: bận nhiều việc sau khi về hưu, lo cho con, cháu... mà sức khỏe mỗi ngày lại kém đi 1 chút nên chẳng ai trách ai, chỉ tiếc bạn này, bạn nọ không thể dự.





Tôi thấy mấy nhân vật tích cực nhất hôm nay vắng mặt, đó là Nguyên Hân, Trương Trác, anh Thiện. Anh Thiện mệt không dự được , nhưng có gọi điện chào tất cả, hiện nay vẫn ở Quảng Ninh. 


Đặc biệt hôm nay cũng có mấy nhân vật lâu lắm không đi họp lại xuất hiện như CHU HẢO, NGUYỄN THỊ OANH và thêm đ/c VŨ MÃO là TSQ khóa trước, trưởng ban liên lạc TSQ toàn quốc, do ban liên lạc TSQ Cục Tổ chức Tổng Cục Chính Trị mời.


Mọi người nói chuyện rôm rả. Xoay quanh sức khỏe hiện nay và đặc biệt ôn nghèo kể khổ : ăn cơm bằng máng cây mai, kiếm củi, xách nước, vác gạo, tập quân sư, hành quân, báo động... Rồi đến đại tướng Nguyễn chí Thanh đến thăm và lệnh cho phát quần áo, ba lô, dép cao su đỏ. Lúc đó riêng nữ còn được phát thêm áo lót cổ vuông. Chẳng khác gì bộ đội chính qui, chỉ khác là còn bé thôi. Chế độ giống bộ đội, mặc quần áo , deo ba lô, đi dép cao su như bộ đội chính qui mọi người sướng lắm. Lại còn thỉnh thoảng anh La Văn Cầu và Chị Nguyễn thị Chiên đến thăm và nhảy xòn la xòn nữa chứ. Bọn chúng tôi không ít người mơ trở thành anh hùng quân đội như 2 anh hùng quân đội này.


Tranh nhau kể chuyện cũ, có chuyện nhớ nhiều, có chuyện nhớ ít, có chuyện thì chỉ người kể nhớ. Thế rồi cũng đến giờ nâng cốc bia chúc nhau. Bữa liên hoan tổ chức tại nhà hàng  BÁNH TÔM HỒ TÂY. Bây giờ bia chỉ ít người uống. Thức ăn có lạc rang, ốc bươu (nhồi đầy thịt) hấp lá gừng, 1 món thịt bò sào và lẩu cá.


Gần 12 giờ phải giải tán cho cửa hàng còn đón khách khác. Chúng tôi lần lượt kéo nhau ra về, luyến tiếc hẹn ngày gặp lại.

Tôi có tập chụp lại mấy kiểu ảnh, tuy không đẹp cứ đưa lên cho vui. Đặc biệt khi chụp ảnh chung do nhiếp ảnh gia của nhà hàng chụp, mọi người để Lệ Thủy ngồi cạnh tôi, nhưng LT từ chối: "Tao không ngồi với TN đâu. "Mọi người hiểu ý cười toe toét, còn LỆ THỦY lại tiếp :" Nó cứ bé thế mãi, mấy chục năm nay nuôi mãi mà không lớn lên được. Lúc nào cũng bé tí. "Mỗi người 1 câu pha chuyện cho rôm rả. Tôi nói: "Này cứ tưởng mình tôi là thấp bé, nhẹ cân à ? Nhìn xem còn bao nhiêu người chung quanh giống ta nhé. Chưa chắc ta đã thấp bé, nhẹ cân nhất đâu, LT đừng coi thường". 


Xin cám ơn và chào tất cả những ai ghé thăm blog của tôi. 
                                          

HẠT THÔNG.

Nói đến tác dụng của quả thông mà không  nói đến tác dụng của hạt thông thì thật là thiếu sót lớn và không công bằng. Hạt thông không những không thua kém quả, mà còn có nhiều tác dụng hơn quả thông.

Từ thời kỳ đồ đá đến y học cổ truyền TQ đều nói đến tác dụng của quả  và hạt thông trong y học. Nó là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn  với mức cholesterol thấp, nó giúp cho máu lưu thông tốt hơn. Nếu hàng ngày ăn hạt thông ta sẽ có 1 trái tim khỏe mạnh.

Hạt thông khô có thể làm đẹp da, dưỡng nhan, kiện thể. Đặc biệt nó là loại thuốc bổ trường sinh.

Trong nhân hạt thông có nhiều thành phần dinh dưỡng  có ích cho cơ thể như protein ưu chất, chất béo, chất đường và rất nhiều loại vitamin E, K, A, B1, B2, C,D, các chất canxi, phôtpho, potassium, tinh dầu thơm dễ bốc hơi...

Nhân hạt thông bổ cốt, hòa huyết, đẹp da, nhuận phế, trừ ho, nhuận tràng, thông đại tiện, cường dương...

Sách cổ truyền TQ đã viết hạt quả thông có những tác dụng chủ yếu:
- Bổ khí huyết.
- Mạnh gân bắp.
- Dưỡng tân dịch.
- Dập tắt phong tà.
- Làm ấm dạ dầy.
- Làm tan biến các chất kết đọng trong cơ thể.
- Hạ khí, thơm thân.
- Làm toàn thân trẻ lại.

Đây quả là 1 tiên phẩm, phải không các quí vị ?

Nếu thường xuyên ăn hạt thông ta sẽ có 1 cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng. Con gái ăn sẽ trẻ mãi, da dẻ trắng trẻo, mịn màng, thơm tho, hồng hào, sáng sủa...

Trong hạt thông có tới 74% dầu béo,mà chủ yếu là olein, chất mỡ linolic acid, rất tốt cho người già.

Có tới 20 loại hạt thông trên thế giới, nhưng tác dụng chủ yếu cũng giống nhau như:

- Giảm cân.
- Hỗ trợ tim, mạch.
- Bổ mắt.
- Bổ sung sắt.
- Dồi dào năng lượng.
- Chống lão hóa.

Loài gặm nhấm có răng sắc như cưa mới cắn được hạt thông, còn răng ta thì chịu, phải rang cho vỡ ra mới ăn được hay dùng máy bóc vỏ hiện đại mới bóc được.

Trên thế giới nhiều nước có thông, từ châu Á, câu Âu, châu Mỹ, Châu Úc. Các nước này đã dùng nhân quả thông để chế biến các loại thực phẩm đặc biệt cao cấp như socolat, thức ăn, bánh ngọt bổ dưỡng, xalat đặc biệt chiêu đãi trong các bữa đại tiệc...

Nhớ lại năm 1955 ở trại hè thiếu nhi quốc tế Artek,  một hôm đi rừng nhặt được ít hạt, giờ ngủ trưa nằm gậm mãi chả được, bỗng chị phụ trách vào kiểm tra:

- Em ăn gì mà như gặm nhấm ấy ?

- Em thử cắn hạt thông sáng nay nhặt được.

- Em làm sao cắn được, khi em không phải loài gặm nhấm ?

- Sao ạ. Em cứ thử xem.

- Loài gặm nhấm răng như cưa mới gặm được, còn răng em bằng thế kia không thể gặm được đâu. Thôi, ngủ đi đừng gặm nữa làm các bạn mất ngủ.

- Vâng ạ.

Cũng từ đó tôi không bao giờ quan tâm đến nhặt hạt thông nữa, mặc dù cũng thấy nhiều lần. Hôm đi Huế chỉ nhặt ít quả đem về chống kiến, ai ngờ nó có tác dụng tốt thế. Tiếc quá !

Xin báo để các quí vị biết, có 1 lần tôi vào cửa hàng ăn chay thấy có bán hạt thông rang, nhưng đắt, mà mình lại  cần gì ăn những thứ gì vừa không biết tác dụng, vừa tốn tiền nên không mua. Khi biết tác dụng, hôm vừa rồi ra cửa hàng mua thì đã hết. Họ bảo hồi này khó nhập lắm, toàn phải nhập từ Nhật, nhưng lâu rồi không có. Hóa ra thiên hạ biết giỏi hơn ta nhiều, mình là người cuối cùng.  Bây giờ biết cũng đã muộn, nhưng muộn còn hơn không biết gì. Tôi viết để ai chưa biết đọc cho hay chứ các vị biết rồi thì tha thứ. Cám ơn các qui vị đã đọc bài này.

Xin kính chào!

            







QUẢ THÔNG TRONG Y HỌC DÂN GIAN.

Quả thông có khắp trong các rừng thông trên thế giới. Ai vào rừng thông cũng nhìn thấy quả rụng. Ngoài việc nhiều người biết là sóc hay tìm  quả thông lấy hột đem cất đi để mùa đông ăn dần thì chẳng ai nghĩ đến cái quả xù xì ấy có lợi gì cho ta.
 
Vậy mà sách y học cổ truyền TQ đã ghi chép lại công dụng của quả và hạt thông như sau:

- Bổ khí huyết.
- Mạnh gân bắp.
- Cải lão.
- Tiêu khí hôi trong cơ thể.
- Tẩy trừ các da thịt chết...
Gần đây y học hiện đại cũng công nhận công dụng của quả thông trong y học dân gian.

Các loại thuốc đắt tiền, các liệu trình chữa bệnh phức tạp, tốn kém, chẩn đoán phức tạp lôi thôi đã kết án bệnh tim, mạch và H/A là nặng nề, DI CHỨNG KHÔNG THẺ SỬA ĐƯỢC, THƯỜNG LÀ  TÀNG TẬT SUỐT ĐỜI. Đó là một bản án cho những người mắc bệnh này. Cũng có khi bác sĩ dọa chúng ta để bắt ta phải đến hiệu thuốc thường xuyên. Thật ra có những bài thuốc dân gian không kém gì thuốc Tây. Gần đây tôi biết và cũng đã dùng nhiều thuốc an cung ngưu hoàng hoàn. Tất nhiên không phủ nhận là nó tốt, song rất đắt. Quả thông, thuốc Tây, an cung ngưu hoàng hoàn, cái nào tốt hơn cái nào. Tôi chịu không thể nói gì, vì mình mù chữ biết gì mà nói. Nhưng phải nói là quả thông  mang so sánh với 2 loại kia thì rẻ hẳn.

Theo các thầy thuốc thì thuốc phục hồi khả năng làm việc của não là không thể và không tồn tại  sau tai biến mạch máu não.

Hiện nay tai biến mạch máu não đã là căn bệnh của tất cả các loại tuổi, tất nhiên người già bị nhiều hơn hẳn. Khi mắc phải bệnh này NẶNG THÌ CHẾT, nhẹ thì mang tật cả đời còn lại, khả năng lao động có thể nói là phải loại trừ ra khỏi cuộc sống tiếp theo. Theo tôi thà chết còn hơn sống phải dựa vào người khác...

Cái đáng sợ nhất không phải là lúc bị tai biến mà là DI CHỨNG của nó để lại cho ta, đó là khi đã bị đột qui. Nhiều khi trong những giờ đầu một số tế bào chưa thể hiện là nó đã bị tổn thương nên ta chưa cảm thấy rõ rệt. Khi tai biến nghĩa là não ta thiếu máu, thiếu oxy. Thiếu oxy thì  một số tế bào sẽ chết dần và lây lan sang các tế bào khỏe bên cạnh làm nó chết theo, khi đó là ta đã bị đột quị. Nghe đến đột quị thì bây giờ nhiều người đã quá sợ di chứng của nó.

Đột quị là chết, là mất khả năng hoạt động, là liệt, nhẹ thì cũng méo miệng, khoèo tay, đi chấm phẩy...Trung qui ra cũng là não bộ của ta không còn làm việc, nó bị chết dần các bộ phận điều khiển mà nó vẫn phải thực hiện khi ta khỏe.

Các nhà bác học Mỹ đã nghiên cứu những thói quen của loài gặm nhấm. Chúng có thói quen cất quả thông mùa đông. Họ đã khám phá ra trong quả thông có các chất đặc biệt chống tắc nghẽn mạch máu, chống các  tế bào chết trong não làm tắc mạch máu não.  Ngăn chặn các tế bào chết tiếp theo sau đột quị. Tuy là vi lượng, nhưng nó rất hiệu quả, đó là chất tananh.  Tananh có trong quả thông, vỏ và hạt nho.

Các bác sĩ khẳng định đúng là tananh trong quả thông, trong vỏ và hột nho tím có khả năng chữa các di chứng của tai biến mạch máu não. Tất nhiên cũng cần kết hợp thêm cả các thuốc khác. Dưới đây là đơn rượu có quả thông:

Lấy từ 10-12 quả thông, ngâm trong 1 lít rượu trắng, cho ngập hết quả thông. Để vào bóng tối có nhiệt độ từ 18-20 độ C. Sau 10 ngày chắt ra uống, Ngày uống 3 lần, pha nước chè loãng , uống lần cuối trước khi đi ngủ. 1 thìa cà phê / 3 lần/ngày. Một liệu trình 2-3 tháng. Chú ý rượu chắt ra phải có màu nâu hay nâu thẫm.

Chuyện vui có thật:

Một ông bệnh nhân người Nga bị tai biến đã liệt hầu như toàn thân. Không ăn, không uống, không nói,  không cử động được, chỉ nằm bất động, có người hầu mọi việc. Thuốc Tây chẳng giúp được gì. Nghe hàng xóm mách, ông không tin, nhưng thôi cứ uống thử xem sao. Sau 1 tháng ông gần như trở lại bình thường và sau 2 tháng ông đã đào đất sửa nhà như chưa hề mắc bệnh. Người ta  nói ông khỏe như TRÂU ( bò đực ).

Chuột bạch (tôi) đã thử nghiệm, sau 1 tháng thấy người nhẹ nhõm hẳn, các hiện tượng phù do uống thuốc lâu nay đã biến dần hết. Di chuyển thấy nhẹ nhàng hơn. Huyết áp trước đây sáng ra thường 165;170/100, nay còn 145;150/90. Cộng thêm thuốc hạ H/A thì cả ngày cũng được 135;140/85. Cơ bản là thuốc H/A không còn gây phù nữa. Trước đây chuột bạch (tôi) đã phải dùng  mỗi ngày 3 viên hạ H/A, nay chỉ còn 1 viên buổi sáng. Bác sĩ Phạm Gia Khải nói tất cả thuốc hạ huyết áp đều gây phù, vậy mà chuột bạch đã loại trừ được phù và H/A đã hạ được xuống, mặc dù hạ chưa lý tưởng, nhưng bệnh cao H/A đã 32 năm bây giờ hạ được như vậy cũng tốt lắm rồi. Vẫn phải mỗi ngày 1 viên hạ huyết áp , không dám bỏ. Thời gian qua  chuột bạch đã đổi nhiều thứ thuốc H/A , nhưng kết quả ít, mà phù, ho thì nhiều. Chuột bạch thay đổi chế độ uống rượu quả thông là uống 1 lần vào buổi tối để ngủ tốt, nhưng lượng rượu bằng cả ngày ( tôi thường uống 2 chén hạt mít vào buổi tối ), vì ban ngày vẫn phải uống những thứ thực phẩm chức năng khác để duy trì sức khỏe cần thiết, mà trước đây vẫn uống thường xuyên.

Viết vớ vẩn chút, cụ nào thích và cần thì thử xem. Chuột bạch sẽ tiếp tục thí nghiệm, song kiếm quả thông khó quá. Chỉ có 10 quả nhặt được ở Huế về chơi, nay biết đem dùng hết rồi. 

Cám ơn các vị đã bớt thời gian đọc bài này.

Xin chào các quí vị. 



 

MỘT KHÚC ĐƯÒNG LÀNG TÔI.

Cầu Cống Mọc
Lần đâu tiên từ khi ra đời tôi về làng vào năm 62, qua cầu Cống Mọc, tôi ngạc nhiên hỏi cậu em:

- Sao em nhớ được đường vào làng và nhớ được cả đường vào nhà bác Hai nữa ?

- Khó gì đâu chị, cứ thẳng tiến mãi, hết ruộng đến đường gạch lát nghiêng rồi nhìn sang tay trái thấy cổng làng bên tay trái, rẽ vào, thế là xong.

- Xong sao được, còn đường rẽ vào nhà bác Hai nữa chứ. Nhà quê, nhà nào cũng gần giống nhà nào, chị chịu không thể nhận ra.

- Ôi tưởng gì ! Dễ ợt, qua đình làng rồi đến chùa độ 50m, trước mặt là nhà bác Hai.

- Ừ, phải có cách nhớ như em mới nhớ được, chứ toàn ruộng là ruộng, ruộng thẳng cách cò bay, làng nào chả giống làng nào, Trong mỗi thửa ruộng lại có mấy ngôi mộ của giòng họ, trông không biết nhà nào vào mới nhà nào, khó chết. Mà sao có một ngôi nhà cao tít tận đằng xa kia?
  - Ngôi nhà xa tít mù tắp cao ngất ngưỡng ở xa kia là nhà máy Cơ khí Trung Qui Mô đấy. Nhà máy cơ khí duy nhất to ở ta.

Vậy mà bây giờ... Làng mọc Quan Nhân của tôi chỉ toàn nhà cao tầng là nhà cao tầng, nhiều nhà còn cao từ 30 - 40 tầng. Chùa chẳng thấy đâu, vì nó lặn sâu trong số nhà cao tầng như cái chuồng vịt của các nhà đại địa chủ ngày xưa. Còn giếng làng bây giờ là 1 ao tù bẩn thỉu, nhỏ xíu. Tầm nhìn xa ở làng tôi nay chỉ còn vài chục mét, nếu là đường phố Quan Nhân.

Cầu Cống Mọc nay cũng khác xưa, to hơn, lát bêtông hẳn hoi. .Đường vào làng bây giờ chẳng còn thấy gạch lát nghiêng mà cũng đã lát bêtông và đã thành phố Quan Nhân.

Tên Cầu Mọc chắc là cái cầu dẫn vào làng mọc Quan Nhân qua sông Tô Lịch. Tôi đoán thế chứ không biết vì sao. Còn cái tên làng Mọc Quan Nhân thì tôi hỏi một số người vì sao, người ta trả lời cho tôi :

- Làng này ngày xưa đàn ông toàn làm quan ở Hà Nội.

Người thì trả lời:

- Đàn ông làng này không những học cao, văn minh, lịch sự mà còn hễ cứ ra khỏi làng là thế nào cũng làm quan.

Tôi không nghĩ như vậy mà chỉ nghe để biết xuất xứ của một tên làng mà thôi.

Về làng nay tôi lạc hậu quá nhiều, vì bao năm đóng đô ở cái phường Bách Khoa, nơi xưa kia được mệnh danh là  LÀNG ĐẠI HỌC. Các con tôi cũng đã tốt nghiệp đại học và trưởng thành từ nơi đây. Thật lòng mà nói trước những năm 90 của thế kỷ 20 thì đúng thế . 

Trước đây ở BK không có chợ, cần gì ra chợ Mơ. Tiểu khu Bách Khoa là một tiểu khu gương mẫu, không có tệ nạn, không buôn bán. Hầu hết ở đây là cán bộ giảng dạy và cán bộ công nhân viên phục vụ trường đại học Bách khoa. Con cái của họ chăm học, ngoan ngoãn nghe lời người lớn, không bao giờ nói bậy.  Ở đây toàn nhà cấp 4, trừ mấy nhà A,B,C,D của Tây để lại.

Sau năm 1990 Bách khoa lột xác. Chợ búa, buôn bán, trẻ con bỏ học, còn nữa - tệ nạn nghiện ngập cũng xâm nhập vào. Cũng phức tạp như những nơi khác. Một số cán bộ giảng dạy bán nhà đi nơi khác, một số xin đất xây nhà cao tầng, nhà cao tầng mọc còn dầy hơn nấm mọc trong rừng rậm sau mưa. Tôi không biết Bách khoa lên PHƯỜNG từ bao giờ.

Tuy vậy BK cũng còn rớt lại một chút tốt của phường Bách khoa ngày xưa . Chợ đây không đắt lắm vì gần ngoại thành. Nhiều người buôn bán ở đây là vợ, con và người thân của cán bộ BK. Họ bán cho nhau cũng không nói thách nhiều, nhất là với những người như tôi thì họ không nói thách, vẫn còn tình cũ, nghĩa xưa. Đời sống cũng dễ chịu hơn nhiều nơi khác. Tình người cũng vẫn còn chấp nhận được. Trẻ em cũng không đến nỗi ăn tục, nói bậy như ở ngoài.

Còn bây giờ tôi về làng thì hoàn toàn khác. Gọi là làng mà đi tìm mỏi mắt không thấy 1 cọng rơm. Gọi là chợ làng quê mà giá đắt gấp đôi giá ở Bách khoa. Đường làng bây giờ đi vào giờ cao điểm đố ai mà qua đường được. 

Cây khế ở Chùa Mọc
Bây giờ người ta gọi làng tôi là  RỐN HÀ NỘI. Trước đây các cụ dạy con gái ra đường phải: "Đi đừng ngoái lại, ngẩn ngơ". Bây giờ đi mà không ngoái lại, không ngẩn ngơ suy nghĩ xem qua đường sao cho an toàn thì có bữa bọn đi đường thọc hậu, thọc nách, là mình TOI ngay. 

Một hôm đi bộ về làng vào giờ cao điểm, phải chờ mãi đèn xanh mới bật. Tôi vội xuống lòng đường để qua, đằng sau có tiếng :

- Em ơi, tránh ra cho anh đi tí nào !

Nghe tiếng, biết ngay 1 thằng NHÓC. Tôi đáp không quay lai :

- Này, cụ đấy, nhóc ạ!

Thằng bé nói lại :

-À, cụ tránh ra nhanh lên nào !

Trẻ con bây giờ láo thật, bọn con trai đi đường lúc nào cũng coi những người đàn bà đi đường là EM còn tự xưng là ANH. Cái lễ phép của người HN, cái thanh lịch của người HN không còn tồn tại. Chưa hết, qua cầu chúng leo xe máy lên  60cm lề cầu dành cho người đi bộ. Đụng vào người đi bộ trên lề cầu chúng không xin lỗi mà còn chửi tục :

- Mù à, đ. mẹ... sao không tránh cho ông mày (bố mày) đi? Đứng thế à? Tránh ra mau!...

Một bên phố là doanh trại quân đội, có tường xây hẳn hoi, chỉ để lại độ 1m cho người đi bộ. Thế nhưng khốn nỗi, bọn xe máy vẫn leo lên. Chúng còn khoát tay ra hiệu tránh ra cho chúng đi. Thôi thì người đi bộ chịu đủ khổ khi đi đường.

Một hôm tình cờ tôi đi bộ thấy may mắn quá, cột điện gần cầu đêm qua đã được rỡ, may hơn cho người đi bộ là họ đã đập bỏ chỗ xây thoai thoải cho xe LEO lên lề cầu. Người đi bộ mừng quá.

Tôi không phải thợ ảnh, nhưng sẵn máy ảnh chụp mấy kiểu để quí vị xem và thông cảm.

Tắc đường tại Cầu Mọc

Nghe đâu người ta bảo TRÊN có ý định CẤM xe máy ở tỉnh thành đông như HN , Tp HCM. Không biết đúng sai thế nào, ai lại ĐẺ ra cái ý kiến quái gở này. Tôi đã nói cả đời tôi không làm chính CHỊ, cho nên già rồi tôi lại càng không làm, không tham gia chính CHỊ, nhưng đây là đời sống dân sinh của dân lành, dân nghèo, mà tôi lại là một  CỤ già về hưu thấy chuyện bất bình nên không thể ngậm miệng, bịt tai. Cũng không thể chửi lung tung trong khu và trên đường phố cho sướng mồm, thỏa nỗi tức. Dân tức chửi bộ trưởng Đinh La Thăng khắp nơi khi tắc đường, ai cấm họ, tức thì chửi cho sướng mồm, còn người qua đường ai biết ai đâu.

Dân đi lại quá khổ ở khắp nơi, những người già không dám ra đường vào giờ cao điểm. Ở nơi nhà quê như nơi tôi ở không có xe công cộng như xe buýt thì các cụ cần đi bệnh viện, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, qua đời bằng cách nào, nếu không nhờ con, cháu, họ hàng, xóm giềng đèo xe máy đi. Chắc các ngài lại nói là có xe ôm, taxi... sao không đi chứ gì. Xin thưa lương hưu của các cụ chưa đủ ăn, mà các cụ có lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ sẽ NGỬA TAY xin con tiền tầu xe. Cho nên nghe tin CẤM xe máy trong thành phố HN và Tp. HCM, tôi muốn qua blogg của mình hỏi hẳn bộ trưởng bộ giao thông vận tải  Đinh La Thăng việc này có đúng không. Tôi viết đây để ai quan tâm đọc và nếu có điều kiện biết cách hỏi giúp tôi bt ĐLT và mong được ông chính thức trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi xin cám ơn trước. Tôi không muốn như người ta nói : " Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn 3 ngày đường ". Ngày xưa tiếng dữ đồn chỉ có 3 ngày đường thôi, nhưng ngày nay có internet thì tiếng dữ đồn cả thế giới cơ, mà chỉ trong mấy phút. Cho nên tôi không muốn tiếng dữ đồn về bộ trưởng Đinh La Thăng lại đồn khắp thế giới,  mới chính thức xin bộ trưởng ĐLT trả lời. Xin hỏi bộ trưởng Đinh La Thăng:

1. Ngài bộ trưởng đi làm hàng ngày bằng phương tiện gì? Câu hỏi này, nếu ngài cho nó là ngớ ngẩn, thì xin thưa: không ngớ ngẩn đâu, thưa ngài, vì trước đây tôi có cậu em làm bộ trưởng, nhưng đi làm trong thành phố toàn bằng XE MÁY, chỉ khi đi xa mới đi ô tô (chuyện thật 100%, không hề bịa 1 tí nào).

2. Một tháng ngài đi mấy lần xe buýt? Kể cả ngài và gia đình, họ hàng ngài nữa, hàng ngày tham gia giao thông bằng phương tiện gì, cá nhân hay công cộng?

3. Có bao giờ ngài nghĩ đến nỗi khổ của dân, nhất là dân nghèo và người về hưu phải tham gia giao thông ngày nay không? 

4. Muốn dân dùng phương tiện giao thông công cộng, vậy ngài đã nghĩ đến giao thông công cộng hiện nay ra sao chưa? Chuyện bỏ chuyến, ít xe là tất nhiên, vẫn chưa hểt, nay lại tăng giá,  nếu 3.000 đồng 1 vé là rẻ quá, tăng lên 5.000 đồng là vừa, nay vận động đi xe công cộng thì không những không tiện, không rẻ mà còn định tăng lên 7.000 đồng, thật nghịch lý.

Cuối cùng tôi xin nói với ngài, tôi không được HỌC CAO, HIỂU SÂU, BIẾT RỘNG, ĐI NHIỀU, ĐI KHẮP THẾ GIỚI như ngài, tôi học thấp, hiểu biết ít, nhưng đứng về phía người nghèo và người về hưu để hỏi ngài, mong ngài trả lời chính thức việc này cho dân yên lòng, không phải bàn tán, chửi bậy ngoài đường. Tôi không thích nghe chửi mỗi khi tham gia giao thông công cộng. Khó chịu lắm! Chắc chẳng ai thích nghe chửi bới, nói linh tinh trên đường. Cả họ nhà tôi khi nghe chửi nơi công cộng cũng khó chịu lắm. Ngoài ra mỗi khi ở đâu có chửi nhau thì tất nhiên nơi đó nghẽn giao thông, vì sự hiếu kỳ của một số người.

Tạm thời chỉ hỏi ngài vài điều nho nhỏ (chắc ngài cho đó là chuyện nhỏ), nhưng với dân nó cũng không nhỏ đâu.


Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc bài này và cám ơn gấp bội nếu ai đã giúp tôi chuyển những câu hỏi trên tới ngài bộ trưởng Đinh La Thăng. Cứ đăng thẳng tên  cha sinh, mẹ đẻ đặt cho tôi, không cần giấu diếm, không cần ních nem, ních chả gì, vì từ xưa nói thật tất nhiên mất lòng và bị thù oán, trả thù, nhưng tôi lại chỉ thích nói thật, không sợ thù oán. Hầu hết những thiếu sinh quân thời chống Pháp bọn tôi đều kỵ nói dối, kỵ nịnh bợ... Vì chúng tôi đã được Bác Hồ và quân đội nhân dân Việt Nam dạy cho tính thẳng thắn, thật thà từ khi còn nhỏ, nên chúng tôi không thể làm khác được, mong ngài bt ĐLT thông cảm. Tôi chỉ có mấy triệu lương hưu chẳng lẽ bộ trưởng Đinh La Thăng lại thù tôi, yêu cầu  bộ lao động và thương binh xã hội cắt lương hưu của tôi?

Một lần nữa xin cám ơn các quí vị đã đọc và cám ơn TO vị nào giúp tôi chuyển Tất cả lời của tôi đến ngài bộ trưởng Đinh La Thăng.

Xin chào các quí vị.


NHẠC SĨ VĂN CAO.

Tôi biết tên và các tác phẩm nhạc của Văn Cao từ thưở ấu thơ, vì ông là hướng đạo sinh, nghĩa là tổ chức mà ông ngoại tôi là huynh trưởng Hổ Sứt.

Ông ngoại tôi rất quí nhạc sĩ Văn Cao cũng như một số nhạc sĩ thời ấy là Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí, Nguyễn Đình Thi... 

Ngày ấy chúng tôi là những đứa trẻ lên 6, lên 7 tuổi, nhưng cũng đã biết yêu thích các bài hát cách mạng và hay cả ngày hát bi bô các bài hát này. Nhất là trời rét, trong rừng Việt Bắc đốt lửa sưởi, thế nào gia đình tôi cũng lần lượt hát các bài hát của các nhạc sĩ này. Khi hát xong còn sớm, ông tôi lại dạy các bài hát mới chúng tôi chưa biết trong thời kỳ gần nhất.

Hôm nay nhân ngày kỷ niệm sinh nhật của nhạc sĩ Văn Cao, tôi nhớ lại một vài kỷ niệm với nhạc sĩ. Tôi chỉ được gặp nhạc sĩ Văn Cao mấy lần. Tuy vậy tôi tranh thủ những thời gian gần ông để hỏi những gì mình muốn biết. 

Tuy nhạc sĩ Văn Cao nhiều tuổi, nhưng tôi vẫn gọi là Anh, vì đây là nguyên tắc xưng hô của hướng đạo, mặc dù là vợ ông có vẻ không đồng tình. Còn ông cũng thích nói chuyện với tôi và thích tôi gọi như vậy, vì tôi là cháu ngoại huynh trưởng Hổ Sứt của ông, nhưng tôi còn cảm thấy ông thích nói chuyện với tôi, vì tôi hay hỏi ông về những gì tôi thích một cách tự nhiên, không sợ gì, không do dự, kể cả một số việc mà nhiều người né tránh... Còn tôi, những gì mọi người né tránh thì tôi lại hay hỏi ông.

Ngoài bài hát Tiến quân ca mà ai cũng biết thì tôi rất thích 3 bài hát cách mạng khác của ông là ; Chiến sĩ VN, Thủy quân VN và Không quân VN. Mọi người rất biết và khâm phục ông với một tác phẩm nổi tiếng, vì lúc đó ông còn rất trẻ, nhạc viện thì lấy bài hát đó để dạy cho sinh viên của nhạc viện - đó là bài Trường ca Sông Lô.

- Anh ơi, em tò mò, nhưng anh thích thì trả lời mà không thì thôi, anh đừng giận em nhé.

- Thì cứ hỏi, anh không giận. Điều gì trả lời được anh sẵn sàng, hỏi đi.

- Vậy em bắt đầu hỏi nhé. Ngoài các bài mà em cũng như mọi người đều thích như: Buồn tàn thu, Thiên thai, Gò Đống Đa, Suối mơ, Trương Chi,... Thì em còn rất thích các bài : Chiến sĩ VN, Thủy quân VN và Không quân VN, còn nữa - Là người HN em cũng rất thích bài hát Thăng long thành hành khúc, bài này không những hay mà còn có những câu gọi,  thúc giục: "Ôi Thăng Long, ôi Thăng Long, ôi Thăng Long ngày nay...., Ôi TL, Ôi TL ngày mai... " Sao mà hay thế !

Tôi vừa hỏi, vừa hát, vừa tỏ ra rất khí thế, hào hùng múa tay...giậm chân, hát hết cả đoạn mình thích.

- Em cũng biết nhiều đấy. Mỗi bài hát đều mang tính chất riêng của từng thời kỳ...Con người của thời ấy hát cũng khác bây giờ...Em cũng thế.

- Vâng. Em cũng nghĩ thế, nhưng em nghĩ thời kỳ, con người thời nào thì hát bài thời ấy mới hay, mới đúng tâm trạng.

- Đúng thế. Cho nên bây giờ ít người hát đúng với tâm trạng và giọng điệu của thời kỳ đó.

- Vâng. Như bài Suối mơ của anh, hôm vừa rồi em nghe 1 cô hát giọng ồ, ồ - Suối mờ... Vậy thì còn đâu là Suối mơ của Văn Cao nữa... Em nghe mà thấy như đấm vào tai. Suối mơ là phải hát giọng trong veo, suối mơ ở Việt Bắc ta nước trong vắt, chảy thánh thót, đi trong rừng nghe mới thích làm sao.  - Tôi vội cướp lời nhạc sĩ. Ông nói tiếp :

- Ca sĩ ngày nay mình chi tiền cho nó hát, nó ăn chơi, tiêu hết tiền rồi vớ mấy đứa hát rẻ tiền hát cho có bài. Anh cũng chán, nhưng cũng phải kệ thôi. Bây giờ họ muốn làm gì với các bài hát của mình thì làm, mình chịu rồi. Như bài trường ca Sông Lô, khi sáng tác mình có mỗi cái ghitar nên nguyên bản là thế. Bây giờ họ thêm piano... đệm nọ, đệm kia, nói là thành bài giảng trong nhạc viện, mình cũng chả biết nói sao, đành chịu...

- Những điều lớn em không biết. Bây giờ em chỉ muốn tranh thủ gặp anh hỏi những gì em muốn biết.  Nhưng nếu hỏi nhiều sợ anh mệt, anh phải nghỉ thôi.

Đang nói chuyện bỗng tôi thấy 2 tay nhạc sĩ run run, dáng vẻ mệt mỏi. Ông cầm cái chai trắng và rót vào cái ly của LX lúc đó độ khoảng 30 ml, ông uống. Sau khi uống ông có vẻ đỡ hơn. Tôi biết ông nghiện rượu nên thế. Tôi nhăn mặt tỏ ra buồn. Ông vội nói:

- Em hỏi đi, anh không sao. Anh trả lời được.

- Vâng, em đành hỏi vắn tắt vậy: "... Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng (Chiến sĩ VN)... Xa khơi sóng vang dạt dào....Tầu nhấp nhô... Ngày về Tổ Quốc ghi công (Thủy quân VN)...Đi không ai tìm xác rơi...Không quân VN vút trên ngàn mây gió (Không quân VN)... Trời, sao anh nhìn xa, trông rộng  và mơ mộng đến thế. Em rất thích mơ mộng xa xôi của anh. Nhất là lúc ấy thì làm gì có ngựa mà ngựa phi nơi xa kia... Làm gì có tầu thủy thì lấy đâu ra thủy quân mà trông thấy - Xa khơi sóng vang dạt dào.. tầu nhấp nhô...Tầu bay của Pháp thì người ta gọi là tầu bay bà già, Việt Nam mình mơ cũng chẳng biết TẦU BAY là gì, nếu máy bay của Pháp không bay qua vùng ấy. Vậy mà anh thì Không quân VN vút trên ngàn mây gió... Ù u ù ú.. Không quân VN vút trên ngàn mây gió... Đi không ai tìm xác rơi... Hỏi đến đâu tôi hát đến đó chứ không đọc từng câu...

- Nhạc sĩ không những phải nhìn xa, trông rộng mà còn như em nói phải  MƠ MỘNG nữa. Không mơ mộng sao có thể là nhạc sĩ được. Hơn nữa không mơ mộng không thể có bài hát hay. Em hát các bài của anh hay đấy, khí thế lắm...

- Em cũng nghĩ thế nên mới hỏi anh. Vì các bài hát bây giờ em không thể nghe chứ đừng nói thích hay hát, hơn nữa không thể nuốt trôi được... Nhiều bài em thấy có vài câu, hát vớ vẩn như đấm vào tai người nghe...Nhưng thôi kệ họ, em chỉ muốn anh cho em biết xuất sứ của một số bài SỐNG ĐỜI của anh, còn nói hết các bài của anh chắc không thể.

- ... Ngựa phi nơi xa... là anh nhìn thấy bộ binh các nước như thế , nên nghĩ VN tương lai cũng thế. Sau chiến thắng sông Lô anh được họ đưa đi thăm sông Lô rồi nghĩ cảnh VN chắc chắn sau này cũng có tầu thủy và thủy quân không kém gì quân Pháp đem tầu thủy hoành hành trên sông Lô mà bị ta đánh chìm. Còn bài Không quân VN là bộ đội mình bắn rơi chiếc đacôta của Pháp, họ đưa anh đi xem, mình nghĩ ngay đến VN sau này chắc chắn sẽ có máy bay và không quân chẳng kém gì không quân LX... Còn bài Thăng Long thành hành khúc thì ngày nay kiên quyết chống xâm lăng, thề chiến đấu đến cùng, mà chiến đấu ắt chiến thắng, mà chiến thắng thì nhất năm châu toàn quốc sống kiêu hùng chứ, có phải không em?

-  Vâng. Anh mệt rồi, anh nghỉ đi. em về lần sau lại đến HẦU  chuyện anh.

- Chưa, còn bài Bến Xuân em hỏi, anh chưa trả lời.

- Em biết, nhưng để lần khác. Em về đây. Anh mệt lắm rồi, anh phải nghỉ thôi.

- Lần khác, nói chuyện khác. Lần này em đã hỏi anh trả lời hết rồi về cũng được. Anh không sao mà. Anh rất vui được trả lời em.

- Vâng, anh đã nói thế thì anh trả lời nốt sự tò mò của đứa em bất trị này.

- Không bất trị đâu, hay đấy. Ít khi thấy con gái mà em nói là TÒ MÒ , mà lại hỏi anh như vậy. Họ toàn hỏi những chuyện đâu đâu. Bài Bến Xuân là bài hát  trước bài  Đàn Chim Việt, Anh viết xong tặng ngay cho Phạm Duy. Rồi Phạm Duy dinh tê, anh đổi thành bài hát Đàn Chim Việt. Cũng hay thật là cô ấy chỉ đến thăm anh có 1 lần mà anh lại làm ra một bài hát.

- Anh đúng là người mơ mông mà lần đầu tiên em được gặp. Em cám ơn anh nhiều lắm. Em xin phép anh em về đây.

- Em về nhé. Cho anh hỏi thăm Huynh trưởng Hổ Sứt và nói hộ anh là: "Tráng sinh Văn Cao luôn luôn nhớ tới huynh trưởng Hổ Sứt".

- Vâng, nhất định em sẽ chuyển lời thật trung thành cả câu nói và từng chữ của anh. Mà sao lại là tráng sinh ạ. Em không hiểu 2 từ này.

- Tráng sinh là thành viên hướng đạo . Không là hướng đạo sinh thì không thể gọi là TRÁNG SINH.

- Em chào anh, em về. Em rất, rất và rất cám ơn anh về cuộc nói chuyện hôm nay của anh.Thật bổ ích và thú vị. Em tò mò quá, anh nhỉ.

- Anh rất vui vì hôm nay  nói chuyện với cô em TÒ MÒ. Thoải mái lắm.

Chuyện kể dài quá, hết rồi. Ai quan tâm đến nhạc sĩ Văn Cao ở đời thường, xin mời đọc. Tôi thì chỉ biết viết chuyện đời thường chứ còn chuyện chính CHỊ thì MÙ CHỮ, không biết gì hết, tôi không biết và không bao giờ làm chính CHỊ, làm chính CHỊ mệt mỏi lắm, mong quí vị thông cảm chuyện linh tinh đời thường của tôi. Tán phét thật trung thành với việc thật xẩy ra trong cuộc đời của tôi cho đỡ buồn và rèn luyên óc, trí nhớ, tay, mắt í mà. Kể lung tung một tí, nhưng trung thành, không bịa đặt. Văn Việt tôi không được học, dù chỉ là 1 giờ trong trường VN nên nó mới lủng củng thế.

  Xin cám ơn tất cả những ai đã bỏ chút ít thời gian quí báu của mình để đọc bài này.

Xin kính chào quí vị.



NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI.

Cả cuộc đời tôi gắn liền với tập thể, chắc Trên đã định thế rồi. Tôi không bao giờ được ở nhà riêng, mà theo các CỤ nói là: "Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ". Vậy là lúc sống đã không có một nhà, còn chết thì sao? Chắc cũng không được một mồ rồi...

Từ năm 1960 tôi bắt đầu sống nhờ nhà tập thể. Khi còn làm việc tại Ủy ban Khoa học nhà nước tôi đã ở tầng trên cùng của nhà 39 Trần Hưng Đạo, người con gái đầu tiên vào ở nơi đây. Rồi sau đó cứ tiếp cuộc đời cho đến nay là nhà tập thể, căn hộ nhà tầng cho đến giờ phút này.

Ở tập thể cũng nhiều điều bực mình, nhưng cũng nhiều điều hay. Nhà quê xưa có câu:"Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần". Nơi thành thị hiện nay còn vương vấn lại một chút của câu này.

Láng giềng gần thì nhiều người dùng cái mồm của mình để  CHỬI, dùng cái tai của mình để nghe ngóng mọi chuyện thượng vàng, hạ cám của các gia đình sống cạnh ta. Tất nhiên CHỬI và ĐƯA CHUYỆN, THÊU DỆT chuyện của hàng xóm là không biết đâu mà kể. Chuyện tốt ít ai quan tâm, nhưng chuyện xấu lòi ra, đến tai người ngoài thì dù chỉ bằng con kiến cũng biến thành con voi. Thật ra mà nói chuyện tập thể có kể cả đời không hết.

Nhiều người sợ phải nghe CHỬI lắm, trong đó ông ngoại tôi là người TỐI KỴ phải nghe chửi. Còn tôi thì khác, họ chửi thì mồm họ gần tai, họ tự nghe lấy, còn mình cứ BƠ đi là xong. Chính vì thế mà nhiều người tức tôi lắm. Họ nói sai - tôi kệ, họ chửi oan - tôi coi như ĐIẾC. Nhiều người hỏi tôi có ở nhà không, có nghe họ chửi không, có ...  tôi đều trả lời có, có... Trả lời với 4 chân thì trả lời làm gì cho mất lời, mệt xác, để cho óc một chỗ làm việc khác, chứa việc khác thì hơn...

Người bịa chuyện, chửi bới chẳng hay ho gì, càng chẳng tốt lành gì. Chửi chán họ thấy mình không trả lời , họ càng tức, nghĩa là họ tự chuốc lấy cái khổ vào thân. Còn mình vẫn thảnh thơi, làm việc khác, nghe nhạc, hát hò vui vẻ với con cái, học trò... Nguyên tắc của tôi là ở tập thể thì cố mà coi những chuyện linh tinh là của người khác, ai cần mình giúp, không tham gia vào những việc vô bổ. Tán vui thì tôi tham gia, còn tán láo tôi không bao giờ tham gia. Ở tập thể thì không phải như các cụ nói: "9 bỏ làm 10", mà phải 1 bỏ làm 10. Nhiều lúc tức muốn tự tử mà chết,  mình cũng phải im như thóc. Con mình chúng cũng vậy, chúng không quen và không biết chửi bới ai. Mọi chuyện sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật thì tham gia tích cực. Hè đến con tham gia sinh hoạt hè với các bạn. Mẹ tham gia dạy tiếng, dạy hát, dạy thêu... cho các cháu. Vì thế các con tôi tập thể chỉ có khen mà không thể chê. Tôi thấy hẹ nhõm ở chỗ ấy.

Em trai tôi cũng có cách sống riêng. Nó bảo chị cứ kệ để một phía muốn làm gì thì làm, nên người ta cứ tưởng chị xấu. Còn em thì nói lại, nhưng không thù oán ai. Kệ họ xấu với mình rồi Trời sẽ định. Chị cũng phải nói ra cho họ hiểu... tôi vẫn giữ theo cách của mình tới nay. Nhưng, trên đời có từ NHƯNG, đúng như em trai tôi nói, nghĩa là ai xấu với mình thì rồi họ chịu lấy. Cho đến nay những người quanh tôi chơi xấu, nói xấu  tôi hầu như không còn tồn tại, mặc dù tuổi đời không cao. Tôi thật không mong thế, nhưng luật Trời đã định thì tôi tuân theo. Các cụ nói: "Ác giả, ác báo". Cho nên mình đừng làm gì ác với ai là được. Khi người ta cần mình giúp được thì giúp, không bao giờ hứa những gì mình không thể làm được. Giúp rồi nên quên đi, đừng để nó chiếm 1 vị trí trong óc. Ngược lại ai giúp mình thì nhỏ mấy cũng phải cố mà nhớ ơn, đừng có ăn cháo đái bát...

Tuy thế trong tập thể cũng nhiều người tốt lắm. May mắn cho tôi ở Bách khoa gần 50 năm tôi cũng có những người hàng xóm tuyệt vời, về nơi mới đây cũng vậy. Nhưng phải công nhận người xấu nay nhiều hơn người tốt. 

Ở Bách khoa bên trái căn hộ tôi là nhà ông Tiếu, bà Ba và các con ông bà. Gia đình này sống với tôi tuyệt vời. Mọi việc cần họ đều giúp vô tư. Thậm chí tôi không có nhà, con gái tôi đẻ, 2 ông bà chăm nó như con ông bà. Hai ông bà trông cháu tôi mấy tháng không lấy tiền để con gái tôi đi làm. Bây giờ ông không còn nữa. Bà cũng đã già hơn 80 tuổi, con, cháu một số đi xa, còn lại có 2 con ở nhà. Khi còn ở BK việc gì không làm được, thậm chí dắt xe lên, xuống tầng 4 tôi đều phải nhờ. Cháu Hoàng, con rể ông, bà giúp tôi hơn cả con tôi. Cháu dặn con CÚN: "Cụ Nga có một mình lại yếu. Sáng ra 7 giờ không thấy cụ ra ngoài, con nhớ ngó xem cụ sao nhé". Điều này tôi chỉ biết sau một lần nghe cháu nói to: "Ông ơi, cụ dậy rồi. Cụ đang ở trong bếp". Tôi sang hỏi xem hàng xóm cần gì thì chúng trả lời:" Con dặn cháu sáng ra lâu không thấy cụ mở cửa phải ngó xem cụ đâu, cụ nằm hay cụ là cụ đã dậy..." Hóa ra họ sợ tôi ở một mình H/A cao, không may chết trong nhà. Cho nên thỉnh thoảng bây giờ tôi vẫn về đó thăm. Buồn một nỗi chỉ 1 thời gian ngắn bà Ba đã quên tôi rồi. Chắc bà mắc bệnh QUÊN của thế kỷ  . Không những tôi mà các con tôi cũng buồn lắm. Con bà nói gia đình bà có bệnh này từ trước, cứ trên 80 là thế. Hôm vừa rồi về thăm bà thì bà chỉ nhìn tôi mỉm cười trông thật hiền lành, phúc hậu. Bà chỉ móm thôi chứ da vẫn hồng hào, mặt vẫn không béo, không gầy.

Một hôm vô tình tôi đọc quyển hồi ký của anh tôi (Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 anh hùng) thấy có chuyện trùng lặp. Tôi hỏi bà Ba, bà chẳng biết gì. Nhưng con bà đưa cho tôi xem gia phả thì NGẠC NHIÊN CHƯA chúng tôi lại có họ với nhau. Quyển hồi ký và gia phả của hàng xóm lại có chuyện, ảnh trùng nhau. May quá, mấy chục năm sống với nhau luôn giúp đỡ, đùm bọc nhau nên nhận họ hàng không đến nỗi xấu hổ. Chỉ có điều không biết ai trên, ai dưới, các cháu vẫn gọi mình bằng CÔ, còn mình vẫn gọi chúng là CHÁU. Có khi ngược lại cũng nên...

Còn về nơi mới này Trời cũng lại cho tôi ở cạnh hàng xóm tử tế. Một trung tá về hưu, 1 công nhân thôi việc làm ngoài và đứa con bị chất độc da cam. Tuy 26 tuổi, nhưng cháu không thể đi làm. Bố mẹ nuôi nó trong nhà như một thằng con trai chưa trưởng thành. Gọi là bị chất độc da cam của bố để lại, nhưng mặt nó cũng đẹp trai, mọi công việc nhà nó làm được hết. Đặc biệt nó giỏi máy móc, cơ khí, điện và vi tính. Nó chỉ nóng tính, không thể kìm chế nổi bản thân nên bố, mẹ nó nhiều khi chửi nó đ.mẹ mày thì nó cũng chửi giả đ.mẹ bà, đ.mẹ ông... Bố nó ném gì thì nó ném giả. Một hôm tôi lựa lời nói với hàng xóm:

- Này, đừng chửi mắng nó mà tội. Mọi việc nhà nó làm tốt thế. Mẹ về ngày nào cũng dắt xe lên và khi xe bẩn nó rửa cho sạch thế. Nó có bệnh hoạn thì từng này tuổi mới chịu ở nhà, chứ lành lặn thì nó TẾCH đi từ lâu rồi. Chửi đ.mẹ nó, nó chửi lại đ.mẹ bà. Mà mẹ nó là ai nhỉ. Cứ thế ngày qua ngày tôi nói với bố, mẹ nó, may sao bây giờ hầu như không còn nghe bố, mẹ nó chửi nó nữa.

Một chuyện thằng bé làm tôi cảm động rơi nước mắt. Bởi lành lặn như ta mà đã mấy ai có một đứa con lành lặn lại làm như nó. Tôi thường hay cho hàng xóm những thức ăn mình cảm thấy ngon muốn chia sẻ cho nó và bố, mẹ nó. Một hôm thấy nó đi tập thể dục về, hỏi biết là nó chưa ăn sáng. Tôi vội rán 1 đĩa xôi to và mấy miếng chả mực đem sang cho nó và mồm nói:

- Cháu mới đi tập thể dục về, chưa ăn sáng còn đói, mang vào ăn cho nóng, nhanh lên, bác bỏng tay quá ! 

Nói xong tôi vào nhà, đóng cửa đến sáng hôm sau thấy bố nó trả mình cái đĩa và hỏi: 

Sao xôi chị rán nhiều dầu thế ?

- Sao anh biết ?

- Thì hôm qua cả nhà em ăn mà.

-Sao lại cả nhà ? Tôi bảo cháu là: "Ăn đi cho nóng mà".

- Chị ơi, không bao giờ chị cho cái gì mà nó ăn một mình đâu. Nó cứ để dành chúng em về ăn cùng. Hôm nay em vừa mua cho nó cái bánh bao, nó đạp xe đi rồi. Nhất định nó đem lên chợ chia cho mẹ nó một nửa.

- Trời ơi! anh có một đứa con VÀNG rồi. Đứa nào lành lặn đã nghĩ và làm được như nó ???

- Cái khoản này chị nói thì em vui rồi. Thằng này thương bố, mẹ lắm. Nhất là mẹ nó...

Cả nhà nó thường nói với tôi: "Cần gì chị cứ bảo em, bảo cháu, đừng ngại..." Mình không ngại sao được. Chỉ việc gì thật sự mình không thể cố tự làm được thì mới nhờ. Thằng bé cũng biết, nó nói với bố, mẹ nó :

- Bố, mẹ đừng tưởng cái gì bác Nga cũng nhờ nhé. Phải việc gì thật sự bác không thể làm mới nhờ. Hôm vừa rồi bác mượn con cái khoan về để lắp các ổ cắm điện, con bảo để con làm giúp mà bác không nhờ.

Thằng bé thật khôn và ngoan, chỉ phải tội bệnh tật, nóng tính nên 26 tuổi vẫn phải bố, mẹ nuôi. Biết bao đứa lành lặn có được một phần của nó không. Tôi thật yêu quí và thương thằng bé. Cả nhà nó rất tốt với tôi. Đây chẳng phải là Trời cho tôi được những người hàng xóm tốt sao. Ơn Trời !!!

Chia sẻ với những ai đọc bài này để biết quanh ta nhiều người tốt, thậm chí đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam cũng rất tốt, chỉ tội chúng bị khuyết tật mà thôi. Cám ơn những ai đã bớt chút thời gian đọc chuyện này.

Ảnh đầu bài là nhà K6 BK HN, nơi tôi đã sống hơn 30 năm, có cây giao mọc ghé bên tường khoảng 30 năm , không có đất mà vẫn BÁM TƯỜNG sống. Kỳ lạ ! Tôi đi đã hơn 2 năm mà 7 cây cọ tôi trồng trên nóc nhà tôi vẫn tươi tốt, mặc dù chẳng ai tưới cho từ ngày vắng tôi.

Xin kính chào ! 


.