Du lịch Miền Trung 2012

LƯỢN. (ngày mồng 2 tết )





Năm nay mồng 1 tết chờ gia đình con gái từ sáng đến chiều mới về. Tôi mở của chào đón gia đình con vui vẻ và chúc tết. Chúng xin lỗi vì về muộn và cũng đã thấm mệt cả ngày đi khắp nơi chúc họ hàng, làng xóm, bạn bè...Cơm chiều xong giải phóng cho thằng bé về đi ngủ, vì nó đã quá mệt cả ngày theo bố mẹ đi chúc tết rồi. Lại 1 mình ngồi với VTV và mở máy xem có gì hay, thế cũng hết  ngày Mồng 1 tết.
Sáng mồng 2 tết theo thường lệ tôi đi thăm dì ruột Hoàng Kim Oanh, cũng là bà mẹ đỡ đầu của tôi, năm nay bà đã gần chín chục. Là người con cao tuổi nhất của ông ngoại tôi hiện còn sống.
Sợ nhất đi đến nhà ai cũng  KÍN CỔNG, CAO TƯỜNG, đi đường thì ít, đứng đợi mở cổng thì nhiều. Tôi đã có tính lạc, nhưng may hôm mồng 2 tết chỉ lạc độ 1/2 km, sau đó nhận được ra đường quay lại. Đến cổng nhà bà Oanh bấm chuông mấy lần, đứng đợi 1/2h không ai mở cửa. Tôi đoán cô giúp việc về ăn tết, bà không thể ra mở của nên quay sang nhà cậu em con trai thứ 5 và là con trai út của bà ( bà có 6 con,  đầu và cuối là 2 ả Tố Nga) 4 con trai giữa, 3 chú bộ đội. Bấm chuông mãi cũng phải đến 20 phút mới thấy cô em dâu ra mở cửa. Chả biết có mừng thật hay không, nhưng cô ra mở của rất tươi và:
- Ôi, chị Nga đến ! Em vui quá, lâu lắm không gặp chị, chị đưa em dắt xe vào cho chị. Chết thật chị vẫn đi xe đạp điện à?
- Không đi xe đạp điện thì đi bằng gì đến đây ?
-Đúng thật chị nhỉ, chỗ này cũng chẳng thuận tiện xe cộ. Ông N. nhà em đang còn ngủ. Hôm qua cả nhà đi chơi về muộn quá.
- Không sao, chị phải đi trước 9h sáng vì sợ sau đông. Chị đứng đợi mãi bên mẹ mà không ai ra mở cửa. Chắc C. cùng gia đình đi chơi sớm hay hôm qua không về.
- Không phải, chắc trên tầng 3 không nghe chuông, lại đi chơi khuya về ngủ say. Trong nhà có cô bé giúp việc đấy ạ.
- Thôi kệ, chị em mình ngồi nói chuyện 1 lúc rồi chị quay lại bên mẹ cũng được.
Hai chị em nói chuyện 1 lúc thì N. lò rò từ trên xuống:
- Ô chị Nga, em ngủ chả biết gì, em xin lỗi. Định xuống hỏi chị đi bằng gì thì nhìn thấy cái xe đạp điện xinh xinh của chị khỏi phải hỏi. Chị uống gì chưa ? Ăn sáng với em nhé.
-Chị ăn sáng rồi, ngồi nói chuyện với chị 1 lúc cho vui. Các em biết chị đã ăn sáng rồi thì chị không ăn gì nữa mà. Các em cứ tự nhiên ăn sáng đi.
- Thôi chị không ăn cũng được, nhưng em pha cà phê thì chị đừng chê.
Cậu em pha xong cốc cà phê phin, 2 tay bưng ra, đi từng bước như sợ đổ. Nhìn nó tôi kêu lên thất thanh:
- Ôi N. sao dáng em đi không khác dáng bố chỉ 1 ly. Giống bố đến cực độ. Nguyên hình ông TQB !
- Thì mẹ em và mọi người đều nói thế, chị ạ. - cô vợ đáp ngay.
Ba chị em ngồi nó chuyện lâu lắm. Lần đầu tiên tôi về nước cậu này còn bé tí, Đi xem duyệt binh ngày 2/9 cứ bám áo tôi vì sợ công an, vậy mà nay đã thành ông và năm tới sẽ về hưu .
Lần đầu tiên tôi nói 1 số chuyện về bố cho 2 em nghe. Chúng bảo bây giờ mới biết, nếu chị không kể chắc chẳng bao giờ chúng em biết. Những nhận xét, những câu chuyện chị nói rất đúng với tính cách ông. Tôi nói thêm :
- Khi ấy sao mà khổ thế. Con Ly luộc rồi sào cho ông 1 đĩa macaron với bơ và phoma, ông ăn ngon lành và sau này lúc nào ông cũng khen con Ly nấu ngon. Thật ra theo chị có ngon lắm đâu, nhưng lâu ngày bố không được ăn bơ, phoma, sữa nên được ăn macaron nấu với những thứ ấy thì thấy ngon. Tôi nghiệp bố quá, lúc đó chị nói chị có tiền rồi, ở Moskva bố muốn mua gì cứ nói, chị sẽ mua. Vậy mà bố chả mua gì. Trước khi về nước bố nói với chị:" Cha rất tiếc, cha học nhiều, hiểu biết nhiều đi nhiều nước,vậy mà không làm được gì để đời con, các con khổ và phải làm tiếp cha!" ...
Nói đến đây tôi thấy lòng mình đau như thắt không thể nói tiếp, tôi bảo em dắt xe ra cho tôi sang mẹ.
Sang bà, gặp gia đình em C. đang lên ô tô đi chơi. C. là cậu bộ đội cả đời, nghĩa là TSQ trường Trỗi rồi đi bộ đội. Nay đã lên thiếu tướng và cũng đã đến tuổi về hưu.
Mấy chị em chào, hỏi, chúc tết xong tôi bảo các em cứ đi, tôi vào thắp hương cho ông và nói huyện bới bà.
Không ngờ bà nay cũng đã yếu quá, đi lọm khọm. Tuy vậy nói chuyện với bà vẫn thấy bà không quên một tí gì. Dì tôi giống ông ngoại đủ mọi thứ, từ khuôn mặt, tính tình đến trí nhớ tuyệt vời... Ông ngoại tôi mất ở tuổi 94 mà trước 1/2 ngày ông tôi mất vẫn dặn 2 mẹ con tôi :"Con nhớ 28 về giỗ bà, con nhé ". Vậy mà sáng 5 Tết ông tôi thanh thản ra đi trong khoảng 10 phút...
Thấy bà không đi lại được nhanh nhen như năm ngoái, tôi đưa bà vào phòng, nhưng bà không chịu vào và tiễn tôi ra cửa. Tôi ôm bà thấy bà run run, bà nói :
- Con về nhé. Nga ơi ! Con đã đến 60 chưa nhỉ ?
Tôi bật cười và nói :
- Cô ơi, N. cũng sắp 60 rồi mà cháu hơn N. bao nhiêu, hả cô? Cô lầm rồi !
- Con nhanh nhẹn và trẻ thế làm cô lầm thật. Chịu khó ăn uống cho béo lên chứ gầy quá ! Cho mày cái gì cũng không lấy, không mang về cho bọn trẻ.
- Tính cháu nó thế rồi. Cháu giống chú, cô ạ !
- Con khỉ, lúc nào cũng đùa được, lúc nào cũng trêu cô. Chú thế chứ mày cũng thế à ?
- Hì, con nhà tông không gống lông cũng giống cánh, cô ạ. Ấy nhưng giống H/A cao tai hại lắm.
- Cô cũng H/A cao, nhưng không đi đâu chứ con H/A cao mà xách xe lượn khắp HN thì gay.
- Không sao đâu, cháu đi đây. Chúc cô năm mới sống lâu muôn tuổi như ông !
Tôi ra về. Khi về nhà tôi nghĩ không biết tôi còn đi được bao nhiêu lần đến chúc tết bà đây ?
Tôi viết ít dòng tâm sự với các bạn, vì nghĩ là các bạn chắc cũng có bạn giống tôi. Có lẽ chúng ta cũng phải tranh thủ đi thăm các cụ được lần nào hay lần ấy. Cám ơn các bạn đã đọc và chia sẻ cùng tôi.
Xin kính chào !


 

SÁNG 29 TẾT ..



 
Bây giờ đã gần hết ngày mồng Một TÊT Ất Mùi rồi. Lại ăn cơm mới, nói chuyện cũ vậy. Sáng 29 tết định làm 1 vòng quanh sông Tô Lịch xem hoa đào, thấy có cành đào hồng 5 cánh nhỏ sẽ mua về, chả lẽ nhà nào cũng có hoa, mà nhà mình lai đen thui.
Vừa xuống tầng 1,Thấy quanh sân người ta chuẩn bị TẾT sôi nổi quá, chỗ nấu bánh chưng, chỗ đãi đậu, chỗ cắt thịt, chỗ làm ruốc, chỗ sàng gạo...Ở đây còn có lệ cũ là ĐỤNG (chung nhau) lợn. Thấy họ làm cái gì cũng có vẻ lúng túng, gượng gạo, nơi đây hầu như toàn dân ngụ cư đâu đó về ở, họ chuẩn bị tết để 30 đem về quê.Thấy tôi mọi người nửa đùa, nửa thật gọi ý ới và trêu tôi nói :
Người đẹp ( người mẫu, mẫu hậu, hoa hậu ) thôi thì ai thích gọi tôi bằng từ gì thì kệ họ, dại gì mà trả lời. Nhưng đi qua cô sàng gạo, thấy cô này cứ lắc cái sàng bên nọ, sang bên kia, tôi ngứa mắt và ngứa mồm nói:
- Này cứ gọi tôi là người mẫu đi, nhưng tôi sàng gạo thì chị phải gọi tôi bằng CỤ đấy.
- Đố Hoa hậu sàng tốt hơn cháu đấy, cháu sàng siêu thế Hoa hậu còn chê.
- Này, chị đừng có tự khen mình đấy, mèo khen mèo dài đuôi vừa thôi. Chị đưa tôi hướng dẫn cho.
Tôi ngồi xuống sàng tròn xoe, sau đó hướng dẫn cho cô ta sàng đúng, tôi đứng dậy.
- Này người mẫu có biết làm sao cho ruốc bông không. Cháu rang, giã mãi rồi mà nó chứ vón thế này.
Lại phải hướng dẫn cô khác làm ruốc. Cứ thế đến làm mứt, nấu các món ăn mặn, làm dưa món...Vậy là mất gần 2 giờ của mình. Đứng dậy, tôi nói:
- Từ nay nhớ cấm chị nào được gọi bậy bạ mẫu hậu, người mẫu, hoa hậu, thời trang...Tôi là nông dân chính cống mới biết sàng, sẩy, là người lao động chân tay chính cống mới biết làm ruốc, làm mứt, nấu các món ăn...nói chung là biết làm cỗ. Còn các chị thời mới nên làm gì cũng lóng ngóng, hầu như chả biết làm gì đúng cả. Cho nên từ nay trở đi thấy tôi phải chào bằng CỤ đấy, cấm ai được gọi những từ khác, nghe chưa ?
- Sao CỤ giỏi thế ? Chúng cháu thấy lúc nào cụ cũng ăn mặc khác chúng cháu và khác mọi người, có vẻ DIỆN tợn, chúng cháu mới gọi thế. Vậy mà cụ không giận chúng cháu. Không ngờ CỤ siêu tợn. Tại sao cái gì cụ cũng SIÊU thế?
- Có gì đâu, năng nhặt, chặt bị. Tôi đi đâu có gì tôi thấy mình chưa biết mà hay hay thì tôi NHẶT. Thôi tôi xin các chị tha cho tôi, hôm nay 29 TẾT rồi, nhà tôi chưa có gì đáng giá 1 xu, tha cho tôi đi đã, các chị làm tôi mất mấy tiếng rồi còn gì.
- Cho cháu hỏi 1 câu cuối cùng thôi, hỏi cụ phải nói thật, đừng dấu chúng cháu.
- Thì tôi có gì dấu đâu, biết thì thưa thốt, không biết tôi dựa cột nghe đấy chứ.
- Cháu thì thầm nhé. Gọi là thì thầm nhưng chị ấy nói to tướng:
- Cụ làm sao có cái eo, cái bụng đẹp thế ?
- Ăn ít, làm nhiều, chăm tập thể dục đều, ai cần gì mình giúp, thế thôi.
- Thảo nào cụ đứng mấy tiếng với chúng cháu rồi còn gì.
Nhà quê có khác, mỗi người 1 tí, một câu hết cả buổi. Đúng là người ta nói :  BUÔN DƯA LÊ. Họ tán chuyện cả ngày không chán, thời gian với họ chả có nghĩa lý gì, họ chỉ cần chợ búa, 2 bữa là xong. Mình tiếc thời gian , họ ngạc nhiên.
Nơi tôi ở bây giờ nửa quê, nửa thành phố. Toàn tứ xứ đến đây thuê nhà hay ra ở với chồng, con... Nhiều người nhìn mọi người cứ ra vẻ ta đây giầu có, ra thành phố nhờ chồng con là đại gia hay ông nọ, ông kia, nhưng chả biết làm gì.
Thế là tôi cũng lại  BUÔN DƯA LÊ với mọi người rồi. Tôi buôn dưa lê vì thấy chán cho thanh niên bây giờ chả biết làm gì.
Ngày tết, mưa dầm,  chả đi đâu nên không biết làm gì,  kể cho mọi người chuyện NHÀ QUÊ chuẩn bị ăn tết.
Cám ơn tất cả những ai đã đọc. Năm mới chúc tất cả ước gì , được nấy, an khang THỊNH VƯỢNG !
Xin kính chào! 

 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI.


 NĂM NGỰA ĐÃ QUA, NĂM MÙI ĐÃ ĐẾN  từ đáy lòng tôi thành thật chúc tất cả mọi người năm mới thật vui, thật khỏe, thật hạnh phúc, an khang - thịnh vương, vạn sự như ý.

PHIÊM CHỢ QUÊ NGÀY 27 TẾT.



Tối 26 tết con gái gọi điện nói trời mưa quá mà phải về quê chồng cúng tổ tiên nên xin gửi thằng con ở với bà. Con nói thế thì mình không thể từ chối. Đến 9h30 hai bố con đưa nhau sang bà, trời mưa tầm tã.

- Con chào mẹ. Mẹ cho con gửi cháu , mai con về quê, mưa quá. Cả con chó nữa. Còn 2 con mèo đành phải để ở nhà thôi.
- Vâng, anh yên tâm, anh cứ về đi.
- À quên, sáng mai có phiên chợ cuối năm ngày 27 tết, một phiên duy nhất. Nếu mẹ đi, cho cháu đi với.
- Vâng, nếu tôi đi chắc chắn cho Chí theo bà đi, anh yên tâm.
Tôi đã biết chợ quê chẳng có gì, vì năm ngoái cả đời mới đi chợ quê mình mà ra đến chợ toàn những thứ linh tinh chẳng mua được gì. Mua cho cháu mấy thứ đồ chơi con trai, tôi bảo cháu về thôi. Nó nhắc :
- Bà ơi, cháu thấy bà biết thổi sáo, hồi còn ở Bách khoa cháu thích nghe bà thổi lắm. Bây giờ cái sáo ấy đâu không thấy nữa.
- Nó nứt, bà vứt đi rồi.
- Thế bà mua cái khác đi. Ở đây bán nhiều sáo trúc thế mà bà không mua.
Nể cháu tôi mua 1 cái cho mình, khi thử thấy không ưng lắm, nhưng đành mua cho cháu vui.

Đêm qua cháu ngủ yên, nhưng trời rét cứ tung chăn, chốc lại phải đắp vì sợ nó lạnh sẽ cảm thì phiền, Hơn nữa con cún thì thỉnh thoảng lạch cạch chạy đến chân đòi lên giường, chắc ở nhà nó ngủ với người quen nên cứ i ỉ đòi. Nó bé tí, chỉ hơn 1 kg, nhưng tôi không muốn cho nó ngủ với mình, tuy ngày nào cũng tắm rất sạch. Thế là thức trắng cả đêm.

Hơn 9h sáng cháu ăn sáng song, nó rủ:
- Bà ơi, 2 bà cháu mình đi chợ đi.
- Mưa ướt quá, thôi đừng đi. Cũng như năm ngoái có gì mua đâu.
- Nhưng cháu vẫn muốn đi, bà ạ.
Chiều nó ngày sắp tết, tôi mặc quần áo, đưa cháu đi. Quả thực chẳng khác gì năm ngoái, toàn các loại bánh, hoa, quả nhà quê mà đâu đâu cũng bán. Cháu gạ bà :
- Bà ơi, cháu thích quả bóng con cá heo.
Tôi mua xong bảo nó về thôi.
- Bà ơi, cháu thích con dê.
Thế là mua thêm con dê.
- Đây gần cửa nhà cháu, bà cho cháu về nhà 1 tí.
- Làm gì có chìa khóa mà về ?
- Cửa sổ nhà cháu mở.
- Cháu làm sao trèo vào qua cửa sổ được ?
- Thì cháu ngó qua thôi, cháu nhớ 2 con mèo quá, bà cho cháu nhìn chúng 1 tí thôi.
Tôi đành đưa nó về nhìn mèo rồi đưa về. Thế là gọi chợ phiên duy nhất, năm 1 lần mà tôi không thể mua được gì đáng giá 1 xu. Hai bà cháu nhất trí không mua bất kỳ loại bánh gì, vì sợ bẩn và ngộ độc.
Chợ đông như kiến cỏ, chỉ toàn người là người, chả hiểu họ giữ cái phiên chợ duy nhất ngày 27 tết để làm gì. Nhiều nơi bây giờ cứ cố giữ cái mà chả có ý nghĩa gì. May nhất là từ khi cách mạng tháng 8 thành công họ đã bỏ được tục lê:
Ai về làm rể làng Mọc Quan Nhân là phải nộp 100 viên gạch để xây đường làng. Đường làng tôi trước đây toàn xây gạch nghiêng chứ không xây thẳng nên đi không trơn mà lại bền. Đường bây giờ toàn bê tông. Bây giờ còn mỗi cái cổng làng cổ kính mà tôi được người làng nói lại là ông nội tôi xây cách đây hơn 100 năm. Đền, chùa không biết ai xây, nhưng họ nói là của làng xây.
Làng tôi có tục lệ lễ hội rước kiệu 5 năm 1 lần. Kiệu quay là có thật.Trước đây tôi đã đưa cả cán bộ và sinh viên LX đi xem, họ thấy lạ và rất thích Tôi chưa hỏi năm nay có hay không, nếu năm nay có tôi sẽ mời mọi người về xem. 
Viết để các bạn, ai chưa biết chợ quê là gì hãy đọc chơi.
Xin cám ơn các bạn đã đọc.
Xin kính chào!

.









UỐNG GÌ ĐÂY ? ( tham khảo trên thế giới)


Uống gì ??? Hầu như ai cũng quan tâm đến việc uống gì cho tốt với sức khỏe mọi lứa tuổi. Tuy thế trẻ con quan tâm đến uống gì có gaz và ngọt là được. Thanh niên và phái MẠNH thì quan tâm đến  RƯỢU, BIA, ít ai quan tâm đến loại nước uống khác. Các CỤ quan tâm nhiều đến nước chè và nước chè XANH. Đến chơi nhà nào cũng mời nước CHÈ XANH làm tôi phát SỢ, vì cả đời tôi không uống loại ấy. Chỉ 1 ngụm nhỏ chè xanh là bụng tôi phản đối, đầu óc quay cuồng và tất nhiên là... nôn ọe như vừa bị NGỘ ĐỘC.

Cũng chính vì lý do trên mà tôi phải tự tìm thức uống cho mình, ngoài nước lã đun sôi. Thỉnh thoảng có uống chè sen hay chè mạn nói chung, nhưng vừa mất ngủ lại không thích pha lôi thôi, nên chỉ dùng tiếp khách. Tôi thì chỉ thích và trung thành với  CÀ PHÊ từ ngày huyết áp còn thấp 70/50, uống hàng ngày để tăng H/A lên. Hơn 32 năm nay tôi bị H/A cao , nhưng vẫn trung thành với cà phê, mỗi ngày chỉ uống 1 ly để bảo đảm cho mình không mắc bệnh parkison và bệnh alzheimer của tuổi già. Chính vì thế mà bất cứ chương trình sức khỏe của nước nào nói đến cà phê là tôi quan tâm. Mặc dù nhiều người biết tác dụng của nó, nhưng ( thừa giấy làm gì chẳng vẽ VOI), tôi vẫn muốn viết để chia sẻ những gì tôi nhận thức được.


Cà phê có lợi hay có hại ?
Trên thế giới nhiều nước quan tâm, nhất là Nhật, Mỹ, Châu Âu đều lao vào nghiên cứu tác dụng của nó, vì cà phê là toàn thế giới ưa chuộng và dùng rất nhiều. Họ đều kết luận:
Người ta kết luận bệnh đái đường sẽ giảm mắc nếu uống 4-5 ly/ngày.

Các bệnh sỏi thận, viêm túi mật, gút, mất trí nhớ, bệnh lây qua đường tình dục sẽ ít mắc hơn nếu dùng 3-4 ly/ngày.

Đặc biệt bệnh nhồi máu cơ tim, Mỹ nghiên cứu 20 năm gần đây có tới 128.000 người giảm, ngay cả với những người nghiện rượu, thuốc lá, không uống trà, lười thể dục, không bổ sung vitamin thì vẫn giảm bị nhồi máu cơ tim.

15 năm gần đây số phụ nữ tham gia thử nghiệm là 27.000 người độ tuổi từ 55-69, uống 3 ly cà phê/ngày thì số lượng bị tử vong do nhồi máu cơ tim và viêm nhiễm đã giảm được 24%.
Trong cà phê có chất chống oxy hóa rất tốt, nó làm giảm hẳn bệnh parkison.
Ở Nhật 30 năm gần đây, số người thí nghiệm là 8.000 người uống 3ly cà phê/ngày, giảm mắc bệnh alzhemer  tới 5 lần.
    
 KẾT LUẬN :
1. Tăng hiệu quả của kháng sinh từ 2-4 lần  (IRan).

2. Uống 3ly/ngày không ảnh hưởng đến thai nhi.

3. Gút:50.000 người Mỹ tham gia trong  6 năm 3ly/ngày giảm 40%.   

4.Đau khớp: Uống 2 ly trước khi tập nặng sẽ giảm đau cơ bắp.

5. Giảm sơ gan do rượu : Ở Mỹ số người giảm sơ gan do rượu là 22% , còn ở Arghetina giảm được 125.850 người sơ gan do rượu.

6. Giảm tác dụng hơi của thuốc lá: ung thư bàng quang được 7 lần khi uống 3ly/ngày.

Tác dụng của cà phê xanh, nghĩa là chưa rang tôi đã có bài sưu tập riêng. Ai quan tâm đến giảm cân, nhất là sau những ngày tết. Kết quả một số người cho tôi biết là khả quan.
Mong tất cả mọi người đọc, tham khảo và tùy từng người áp dụng cho mình. Riêng tôi chắc bây giờ phải tăng lên 2 ly/ngày.
Xin cám ơn những ai đã đọc. 
Xin kính chào !