Du lịch Miền Trung 2012

CHUYỆN NGÀY NAY - NHỚ LẠI NGÀY XƯA.



Người già hay quên chuyện ngày nay, nhưng lại nhớ rất rõ chuyện ngày xưa. Ông ngoại tôi thỉnh thoảng lại nói:
- Ông khổ vì nhớ. Không sao quên được những chuyện đau lòng xẩy ra. Chuyện mợ con, chuyện cậu Thọ, chuyện cô Minh...( đây là 2 con gái và cậu con trai của ông tôi đã mất mà ông tôi là người chứng kiến nỗi đau này từ giờ phút ban đầu)...

Còn tôi bây giờ dù đi đâu, dù làm gì mà có những hiện tượng tương tự ngày xưa là lập tức những hình ảnh cũ lại NGUYÊN HÌNH hiện ra trước mắt.

Vâng, chính hôm 17/3/2016 vừa qua trưởng ban liên lạc khối lớp 3 LS - QL  Mạnh Kính (MK) tổ chức gặp mặt các bạn từ miền Nam ra HN và về cội nguồn Pắc bó... Được biết chính xác thời gian, địa điểm tổ chức, tôi phải hỏi cặn kẽ, vì tôi có tính rất xấu là hay lạc đường...

Đến địa điểm tổ chức MK đón vào và tiếp tục ra ngoài đường đón các bạn khác. Tôi cũng ra đứng cùng MK, một lúc sau nghe điện thoại báo các bạn miền Nam đã đến nhà MK đông đủ . MK dặn tôi :
- TN đứng đây đón mấy bạn nữa, mình quay về nhà đón các bạn ở Sài gòn ra nhé.

Một lúc sau thấy MK chở một bạn đến cổng nhà hàng, thả xuống. Cứ thế cả MK, cả Hữu Hùng lần lượt chở hết các bạn từ miền Nam ra. Tôi bật cười  vì cứ chốc chốc lại 1 bạn được đèo đến, cuối cùng là anh Quang Trung thủ lĩnh đoàn Sài gòn. Hỏi ra mới biết con đường Trường Chinh đang thi công, đào bới khắp nơi, cấm các phương tiên taxi, xe con  trừ xe buýt không được đi vào đường này. Vậy là bất đắc dĩ 2 bạn HH và MK phải làm "xe ôm" cho cả đoành Sài gòn ra. Hiện tượng này làm tôi nhớ cách đây 69 năm , nghĩa là năm 1947, trước khi TÂY NHẢY DÙ BẮC KẠN.

Khi mọi người ngồi yên vị, MK đến phía sau tôi hỏi mọi người xem NGỌC THỂ ra sao. Tôi trả lời:
- Ngọc thể bình thường, nhưng hôm nay thấy 2 bạn chở đoàn MN ra, tôi thấy nhớ lại cái ngày xa xưa quá.
- Xa xưa à ? Sao lại xa xưa ?
- Chả là năm 1947 có chuyện tương tự như các bạn hôm nay, nhưng chỉ khác là đường đi và phương tiện khác thôi.
- Chuyện sao cơ ?
- Không hiểu sao ngày ấy có 4 chị em mồ côi lại sa vào trại trẻ mồ côi, nghĩa là  HỘI TẾ SINH ở Phúc Yên. 
- Mồ côi ? Sao lại mồ côi ?
MK chỉ nghe, không hỏi gì...Tôi nói thêm:
- Hồi ấy đường không như bây giờ. Lên Việt Bắc có mỗi một con đường thì chả biết do sáng kiến của ai để ngăn bước chân của quân viễn chinh Pháp tấn công lên Việt Bắc tóm gọn đầu não của nước  VNDCCH non trẻ, mà đứng đầu là Hồ Chi Minh,   đã nghĩ ra cách đào hai bên đường lên Việt Bắc. Phương tiện đi lại chỉ có thể bằng đôi chân và xe đạp đi vòng vèo, lách qua những chỗ đường chừa lại cho những phương tiện thô sơ, con đường dài thêm gấp chục lần. Vậy nên Tố Hứu mới có câu thơ:
     Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi,
Hố ngang, hố dọc, chữ i, chữ tờ.
Nhờ vậy mà kế hoạch đánh nhanh, tóm gọn đầu não nước VNDCCH của quân cướp nước không thành. Cho nên chúng đã phải nhảy dù xuống Bắc Kạn và tất nhiên tổn thất đã nhiều, nhưng thời cơ của chúng đã hết...
Quay lại vấn đề chính là HỘI TẾ SINH và đường  lên Việt Bắc của 4 chị em mồ côi. Hội tế sinh là gì?  Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ hay đã biết đến cái tên này? Chắc không nhiều lắm. Hội tế sinh là nơi có một bà cụ  làm hội trưởng, đứng ra gom, nhặt những đứa trẻ mồ côi cha mẹ sau nạn đói năm 1945 ở đầu đường, xó chợ về một nơi. Bà tổ chức cho chúng ở trong một cái nhà trải rơm 2 bên để ở ban đêm hay đứa nào ốm đau, sắp chết ở lại ban ngày. Còn những trẻ có sức, cố đi lại được thì ra đồng trồng khoai, nhặt cỏ, nhặt nhạnh những gì còn dùng được, quét lá tre về đun, quét rác... Làm mọi thứ có thể làm, trưa về được 1 bát YÊU khoai lang độn cơm. Nghĩa là toàn khoai , chỉ có ít hột cơm dính vào khoai. Tối về chui vào cái nhà bẩn thỉu, hôi thối ngủ, lấy sức hôm sau đi làm tiếp. Cả ngày chỉ có 1 bát khoai độn cơm thế thôi, nghĩa là không bị chết đói, may thì có thể tồn tại thành người. Thỉnh thoảng lại có 1 đứa chết. Trẻ con tự đem bạn chết ra đồng chôn... Chẳng biết trong chúng ngày nay  có còn ai không... Bốn chị em kia sống ở hội tế sinh cũng không ngoại lệ.
Trước khi Tây nhảy dù Bắc Kạn, không biết TRỜI thương 4 chị em con liệt sĩ thế nào mà cho một anh ( anh Tăng, con rể nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà ) đón lên Việt Bắc. Con đường đi thật là gian nan...Ngày đi, đêm ngủ lại đâu đó, cứ thế 5 người, 1 người lớn, 4 đứa trẻ con ( đứa lớn nhất mới hơn 10 tuổi, em út chưa đầy 7 tuổi ) dắt dìu nhau lên đến thị xã Bắc Kạn.
Nếu chỉ nói dắt dìu nhau thì chắc nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Như trên đã nói : đường đi ngoắt ngoéo chữ chi...nên đoạn đường dài vô tận. Anh Tăng cứ đèo 1 đứa vòng vèo qua một đoạn, khi đã xa xa chút, nghĩa là còn nhìn hấy 3 đứa kia thì thả nó xuống, quay lại đón đứa khác...Ba đứa chưa được đèo thì cứ lẽo đẽo, lôi thôi, lếch thếch đi vòng quanh các hố đào, được bước nào, hay bước ấy... Chẳng biết sau bao ngày 5 anh em đã đến đích...
Ơn Trời, ngày nay 4 chị em vẫn còn nguyên, anh Tăng đã ra đi hàng chục năm rồi. Thỉnh thoảng gặp nhau 4 chị em vẫn nhắc lại chuyện này. Nhờ có tấm lòng vàng của anh Tăng, nhờ ơn chính phủ nước  VNDCCH, không những 4 chị em còn sống mà còn trưởng thành, trong số đó có 1 bác sĩ, 1 đại tá, 1 kỹ sư và 1 cử nhân sư phạm...Cả 4 chị em đều trưởng thành trong quân đội...
Chính nhờ chuyện MK và HH đèo các bạn từ Sài gòn ra nhắc tôi kể lại chuyện vui, buồn, ân nghĩa của cuộc đời này. Chia sẻ với các bạn chuyện mới, chuyện cũ...Mong quí vị đọc thông cảm cho NGƯỜI GIÀ hay nhớ chuyện cũ này. Xin cám ơn quí vị đã đọc và chia sẻ.
Xin kính chào !



 

ÔM, ÔM KHÔNG ?... ÔM NHÉ ?...

Có thể nói trừ thời gian phải đi bộ tập thể dục hàng ngày thì chưa bao giờ tôi phải đi bộ nhiều như thời gian qua. Phải đi bộ nhiều vì trước tết tôi bị 1 cái xe bình bịch to như CON VOI tông cho 1 phát dãn xương đầu gối trái què không đi được. Sau khi tập tễnh đi chấm, phẩy thì mọi người thân quen, họ hàng, lo cho mình nên yêu cầu, cấm tuyệt đối không cho đi xe đạp điện nữa mà phải đi taxi hay xe ôm cho an toàn. Vì thấy mọi người quá quan tâm đến mình, lo cho mình nên tôi cũng BUỘC phải tuân theo, nghĩa là không đi xe đạp điện nữa. Chính vì thế mà tôi cứ phải đi bộ để gọi xe taxi hay quãng đường không xa lắm thì đi bộ cho đỡ tốn. Còn xe ÔM thì tôi tối kỵ...

Đường Hà nội ngày nay thì nhiều thứ bực lắm. Nhưng bực cũng phải chịu, biết kêu ai? Lệnh đưa ra là PHẠT  người đi bộ đi xuống lòng đường. Nhưng phạt thì người đi bộ biết  LỘI LỐ MÔ ? Đang đi trên vỉa hè thì trước mặt có biển hiệu hay cái gì đó chắn lối đi, thế là người đi bộ đành LỘI xuống lòng đường, và tất nhiên nhiều người đã bị phạt oan... Có lần tôi phải đi bộ từ Cống Vọng đến trường đại học Bách khoa, đang trên vỉa hè, thấy đám đông chắn lối, tôi đành bước xuống lòng đường, vì ĐẦY vỉa hè là chỗ gửi xe, người đứng vây quanh. Đi được vài bước tôi lẩm bẩm :
- Thế này thì len vào đâu, nếu không bước xuống lòng đường ? Thế mà còn ra lệnh phạt người đi bộ trên lòng đường, thật vô lý !
Trước mặt nhìn thấy 3-4 công an đứng,  tức mình tôi nói to cho mấy công an nghe. Một công an dáng chừng xấu hổ đáp :
- Bác thông cảm đi xuống đường hay chờ một lúc hãy đi.
- Tôi đang vội, chờ sao được. Nhưng mà xuống lòng đường thi các anh lại PHẠT, phạt tôi là vô lý đấy. Quá vô lý, quá khổ !!!
Thế là tôi ra vẻ UNG DUNG cứ từ từ bước trên lòng đường đi khoảng hơn 150 m. Những lúc này hàng ngũ xe ôm mới được dịp mời chào:
- Ôm, ôm nhé ?... Ôm không ?...
Nghe mấy cha xe ôm lẽo đẽo theo, hay đi ngang mình cứ lèo nhèo, chèo kéo, đầu thì gật gật, mắt thì lúng liếng nháy liên tục, tay vẫy vẫy rủ mình đi...Những lúc đó tôi thường như câm, như điếc im lặng đi tiếp. Nhưng nhiều cha xe ôm cũng rất LÌ, cứ theo mình hàng trăm mét , mồm liên tục :" Ôm không ...Ôm nhé !!!.." Cứ trong mỗi lần đi bộ hàng nửa giờ hay 1 giờ thì không biết bao nhiêu lần xe ôm mời chào, chèo kéo. Bây giờ tiếng VN lại hay nói tắt nên chúng cứ ÔM, ÔM...nhé làm mình không còn đủ lòng kiên nhẫn để giả câm, giả điếc nữa, đành phải mở miệng:
- Ôm, ôm, ôm cái gì, người ta đã không trả lời thì đi đi, cần người ta tự gọi chứ việc gì phải lẽo đẽo theo... mời chào làm gì, có phải câm điếc đâu mà nhì nhèo, lẽo đẽo theo...
- Ôm nhé... rẻ thôi... hà tiện làm gì...Lên đây...Nhanh lên... Rẻ thôi mà, tội gì đi bộ thế...Nào...nào...
Tôi lắm lúc tức quá cũng đành trả lời thô bạo:
Ôm, ôm cái gì ? Ôm mãi ở nhà chán rồi, ra đường đi một mình cho thoải mái... Ôm nữa để mà chết à ???  Ngạt thở, bực mình quá, đi đi cho tôi nhờ.
Cũng may nhiều khi mình thô bạo nên cũng đuổi được mấy cha xe ôm chứ không thô bạo chắc những trường hợp ấy khó đuổi.

Những ai hay đi bộ, hoặc khách thập phương về HN chắc cũng gặp những trường hợp tương tự... 
Tôi là người rất ghét thô bạo, nói kháy, chửi bới, văng tục, văng bậy, chửi thề... vì mình không được những người trên cho phép từ nhỏ nên không quen. Nhưng nay hình như con người trở nên thô bạo, hay chửi bới, văng tục nên cũng phần nào ảnh hưởng đến mình. Lạ là bây giờ nói  TỬ TẾ người ta không nghe. Văn hóa đối xử, ứng xử bây giờ  ĐỔI LỘN với ngày xưa rồi. Ăn tục, nói bậy , chửi thề, nói ngọng, nói ngược mới là MỐT thời đại. Thế là mình lạc hậu so vói thế hệ ngày nay. Chả còn lời nào để nói nữa, quí vị ạ. 
Tâm sự với quí vị chút cho giải tỏa những bức bối hàng ngày khi ra đường. Nếu cục tức để lâu trong người chẳng may thành ung thư thì chết. Chia sẻ, nói ra với quí vị cho khỏi mắc bệnh ung thư nan giải. Để lâu thành ung thư thời đại thì nguy.
 Xin cám ơn các quí vị đã đọc và chia sẻ.
Xin kính chào !

BỮA CƠM GIA ĐÌNH.



Mấy tháng nay mạng trục trặc, không viết được gì, ngứa ngáy tay mà không biết làm sao, than thở cùng ai. Mỗi lần mở máy ra hoặc trắng tinh, hoặc viết được vài chữ hay vài dòng là lại biến mất. Vốn là người mù chữ, ngồi đáy giếng KHÔNG BIỆT LỔI MÔ MÀ LẦN nên đành ngậm ngùi đóng máy lại, bỏ đi lang thang cho bõ tức. Hôm nay mở máy ra một lúc, thấy có vẻ ổn, thử viết chuyện vui xem quí vị nào đọc được thì đọc, còn không MÙ CHỮ tôi cũng đành chịu. Chuyện vui là bữa cơm gia đình nửa cổ, nửa hiện đại là thế này :

Từ đời xưa, cha truyền, con nối VN ta vẫn có lệ ăn cơm chung, trong bữa cơm chung của 3, 4 thế hệ thì đủ chuyện trên đời được đưa ra để kể.  Nhất là các cụ lại có lệ : " ĐI HỎI GIÀ, VỀ NHÀ HỎI TRẺ " . Cho nên chuyện gì cũng có thể hỏi, nói thoải mái.

Sau này những bữa cơm hàng ngày không còn tồn tại được nữa thì bữa cơm cuối tuần thay bữa cơm hàng ngày. Thường các gia đình tập trung 3, 4 thế hệ vào ngày chủ nhật, sáng hay chiều là tùy từng hoàn cảnh các gia đình.

Bữa cơm chủ nhật thật đầm ấm và vui... Nó gắn kết mọi người trong gia đình nhỏ lại với nhau để khi ra đường không phải  ĐÁNH NHAU VỠ ĐẦU mới biết là họ hàng.
 Chuyện bữa cơm chiều chủ nhật của 1 gia đình cán bộ ngày trước là thế này :

Mọi người ngồi yên ổn vào chỗ , các cháu, rồi các con mời người trên...XƠI CƠM. Cầm đũa bát, ông, bà, cha, mẹ hỏi con cháu có chuyện gì vui, buồn trong tuần qua kể ra. Đầu tiên phải là ông, bà hỏi các cháu học hành tuần qua ra sao. Nghe xong chuyện học hành, làm việc... đến chuyện vui trong tuần. Người con gái kể :

- Ông, bà và các cô, các chủ biết không, con X năm nay gần 6 tuổi, sắp học lớp vỡ lòng rồi mà đêm nào ngủ cũng TÈ DẦM ướt hết cả chăn, chiếu... 

Con bé thẹn thùng, nhìn mẹ vừa có ý trách móc, vừa có ý hờn rỗi...Ông nó vừa vui, vừa chữa thẹn cho cháu nói :
- Con đừng xấu hổ, chuyện thường thôi mà.
Một cậu em nói :
- Sao bố bảo thường, đái dầm từng ấy tuổi là thẹn thật chứ còn gì ! Xấu hổ quá !
- Xấu hổ gì, con kệ chú ấy nói, ông kể cho con 1 chuyện có thật nhé. Lúc ông 16 tuổi, nhà xa trường phải ở trọ. Ở trọ là ở nhờ một nhà người nào tốt bụng cho ở nhờ, ăn uống, ngủ chung với chủ nhà. Đến khi đi thì chủ nhà cũng lo cho hết. Gia đình không hề biết, chỉ khi kết quả, học sinh về báo, bố, mẹ mới biết. Hoàn toàn chủ nhà và học sinh tự lo mọi việc, nghĩa là chủ nhà với học sinh TRỌ như cha con...

Năm thi TÚ TÀI phần 2, tức là trước khi vào đại học, ông sắp tốt nghiệp và sắp sửa ra nước ngoài học đại học. Ông về thăm nhà mấy hôm rồi lại lên nhà trọ để chuẩn bị thi. Đêm trước khi thi ông ngủ chung với ông chủ nhà. Bỗng bị PHẾT mấy cái thật đau điếng người đánh thức:
- Dậy, dậy mau !!! Mi có dậy mau không ?
- Có chuyện gì thế ông ?
- Chuyện gì à, chuyện mi đái dầm ướt hết cả chứ còn gì !!!
- Ông vội dậy thì thấy giường ướt hết, ông chủ nhà ướt từ đầu xuống dưới. Vừa sợ, vừa ân hận, ông dậy chạy ra tắm rửa, giặt rũ, thay quần áo và chẳng kịp ăn sáng ( bữa sáng thường là bát cơm nguội với muối vừng hay nước mắm ) vội chạy đến trường để thi...Chiều thi xong, về ăn cơm tối. Trong bữa cơm ông cúi mặt không dám nhìn ông chủ nhà. Ông chủ nhà bắt chuyện:
- T. hôm nay thi răng ? Tốt hay xấu ?
- Dạ, con làm tốt !
- Vậy là mi sắp đi học ngọai quốc, sắp xa ông rồi ! Ông nhớ mi lắm !!!
- Dạ, con cũng thế, nhớ ông lắm !
- Mi ở với ông, ông vui lắm. Đi học nước ngoài gắng, nghe con !
- Dạ, con hứa !
Hai ông cháu tỏ ra buồn thật sự. Để phá vỡ không khí buồn, ông chủ bắt đầu câu chuyện :
- T. mi có biết sao sáng nay ông đánh con không 
- Dạ có, con đái dầm ạ !
- Khi đái dầm mi nghĩ răng mà đái nhiều thế ?
- Dạ, con không nghĩ sao, nhưng con buồn tè quá, tức bụng đang trên đường đi thi, thấy bụi tre, con vội chui vào đó, tè một bãi thoải mái, sướng thì thôi!  Vừa tè xong con bị ông đánh !!!
- Còn ông thì sao con có biết không 
- Dạ không ạ.
- Ông đang ngủ say, đến giờ phải gọi đưa mi đi học, trên đường đi qua sông, ông phải cõng mi qua, nước sâu quá ngập hết cả chòm râu, ông phải cố bơi qua ướt hết, chòm râu nổi lềnh bềnh, mở mắt ra ông thấy mi cặp chặt hai chân vào cổ ông mà đái. Ông tức quá phết cho mấy cái đánh thức mi đó!
- Vậy là lúc đi thi tú tài phần 2, sắp đi nước ngoài học ông còn đái dầm. Vì thế con không phải thẹn gì hết.
Những bữa cơm XƯA là thế. Vui, buồn chia sẻ cùng nhau. Còn ngày nay cũng bữa cơm chủ nhật cuối tuần thì con, cháu 5 h chiều mới về, 5h30 cơm xong mỗi đứa 1 máy riêng, một chỗ DÍ mắt vào máy. Đến 7h chúng lại rủ nhau:
- Về thôi, 7 h rồi...
Vậy là chúng chỉ có mặt, ăn một bữa cơm cho xong rồi hết giờ, ra về.
Hôm nay mở máy ra, thấy viết có vẻ yên ổn chút, tôi kể chuyện vui chơi chơi thôi, nếu quí vị nào đọc được và nhất là góp vui thì tôi vô cùng cám ơn, còn nếu không đọc được thì  MÙ CHỮ TÔI đành chịu ! Xin thành thật cám ơn quí vị !
Xin kính chào !