Du lịch Miền Trung 2012
CHUYỆN NGÀY NAY - NHỚ LẠI NGÀY XƯA.
Thứ Tư, tháng 3 23, 2016
2 comments
Người già hay quên chuyện ngày nay, nhưng lại nhớ rất rõ chuyện ngày xưa. Ông ngoại tôi thỉnh thoảng lại nói:
- Ông khổ vì nhớ. Không sao quên được những chuyện đau lòng xẩy ra. Chuyện mợ con, chuyện cậu Thọ, chuyện cô Minh...( đây là 2 con gái và cậu con trai của ông tôi đã mất mà ông tôi là người chứng kiến nỗi đau này từ giờ phút ban đầu)...
Còn tôi bây giờ dù đi đâu, dù làm gì mà có những hiện tượng tương tự ngày xưa là lập tức những hình ảnh cũ lại NGUYÊN HÌNH hiện ra trước mắt.
Vâng, chính hôm 17/3/2016 vừa qua trưởng ban liên lạc khối lớp 3 LS - QL Mạnh Kính (MK) tổ chức gặp mặt các bạn từ miền Nam ra HN và về cội nguồn Pắc bó... Được biết chính xác thời gian, địa điểm tổ chức, tôi phải hỏi cặn kẽ, vì tôi có tính rất xấu là hay lạc đường...
Đến địa điểm tổ chức MK đón vào và tiếp tục ra ngoài đường đón các bạn khác. Tôi cũng ra đứng cùng MK, một lúc sau nghe điện thoại báo các bạn miền Nam đã đến nhà MK đông đủ . MK dặn tôi :
- TN đứng đây đón mấy bạn nữa, mình quay về nhà đón các bạn ở Sài gòn ra nhé.
Một lúc sau thấy MK chở một bạn đến cổng nhà hàng, thả xuống. Cứ thế cả MK, cả Hữu Hùng lần lượt chở hết các bạn từ miền Nam ra. Tôi bật cười vì cứ chốc chốc lại 1 bạn được đèo đến, cuối cùng là anh Quang Trung thủ lĩnh đoàn Sài gòn. Hỏi ra mới biết con đường Trường Chinh đang thi công, đào bới khắp nơi, cấm các phương tiên taxi, xe con trừ xe buýt không được đi vào đường này. Vậy là bất đắc dĩ 2 bạn HH và MK phải làm "xe ôm" cho cả đoành Sài gòn ra. Hiện tượng này làm tôi nhớ cách đây 69 năm , nghĩa là năm 1947, trước khi TÂY NHẢY DÙ BẮC KẠN.
Khi mọi người ngồi yên vị, MK đến phía sau tôi hỏi mọi người xem NGỌC THỂ ra sao. Tôi trả lời:
- Ngọc thể bình thường, nhưng hôm nay thấy 2 bạn chở đoàn MN ra, tôi thấy nhớ lại cái ngày xa xưa quá.
- Xa xưa à ? Sao lại xa xưa ?
- Chả là năm 1947 có chuyện tương tự như các bạn hôm nay, nhưng chỉ khác là đường đi và phương tiện khác thôi.
- Chuyện sao cơ ?
- Không hiểu sao ngày ấy có 4 chị em mồ côi lại sa vào trại trẻ mồ côi, nghĩa là HỘI TẾ SINH ở Phúc Yên.
- Mồ côi ? Sao lại mồ côi ?
MK chỉ nghe, không hỏi gì...Tôi nói thêm:
- Hồi ấy đường không như bây giờ. Lên Việt Bắc có mỗi một con đường thì chả biết do sáng kiến của ai để ngăn bước chân của quân viễn chinh Pháp tấn công lên Việt Bắc tóm gọn đầu não của nước VNDCCH non trẻ, mà đứng đầu là Hồ Chi Minh, đã nghĩ ra cách đào hai bên đường lên Việt Bắc. Phương tiện đi lại chỉ có thể bằng đôi chân và xe đạp đi vòng vèo, lách qua những chỗ đường chừa lại cho những phương tiện thô sơ, con đường dài thêm gấp chục lần. Vậy nên Tố Hứu mới có câu thơ:
Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi,
Hố ngang, hố dọc, chữ i, chữ tờ.
Nhờ vậy mà kế hoạch đánh nhanh, tóm gọn đầu não nước VNDCCH của quân cướp nước không thành. Cho nên chúng đã phải nhảy dù xuống Bắc Kạn và tất nhiên tổn thất đã nhiều, nhưng thời cơ của chúng đã hết...
Quay lại vấn đề chính là HỘI TẾ SINH và đường lên Việt Bắc của 4 chị em mồ côi. Hội tế sinh là gì? Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ hay đã biết đến cái tên này? Chắc không nhiều lắm. Hội tế sinh là nơi có một bà cụ làm hội trưởng, đứng ra gom, nhặt những đứa trẻ mồ côi cha mẹ sau nạn đói năm 1945 ở đầu đường, xó chợ về một nơi. Bà tổ chức cho chúng ở trong một cái nhà trải rơm 2 bên để ở ban đêm hay đứa nào ốm đau, sắp chết ở lại ban ngày. Còn những trẻ có sức, cố đi lại được thì ra đồng trồng khoai, nhặt cỏ, nhặt nhạnh những gì còn dùng được, quét lá tre về đun, quét rác... Làm mọi thứ có thể làm, trưa về được 1 bát YÊU khoai lang độn cơm. Nghĩa là toàn khoai , chỉ có ít hột cơm dính vào khoai. Tối về chui vào cái nhà bẩn thỉu, hôi thối ngủ, lấy sức hôm sau đi làm tiếp. Cả ngày chỉ có 1 bát khoai độn cơm thế thôi, nghĩa là không bị chết đói, may thì có thể tồn tại thành người. Thỉnh thoảng lại có 1 đứa chết. Trẻ con tự đem bạn chết ra đồng chôn... Chẳng biết trong chúng ngày nay có còn ai không... Bốn chị em kia sống ở hội tế sinh cũng không ngoại lệ.
Trước khi Tây nhảy dù Bắc Kạn, không biết TRỜI thương 4 chị em con liệt sĩ thế nào mà cho một anh ( anh Tăng, con rể nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà ) đón lên Việt Bắc. Con đường đi thật là gian nan...Ngày đi, đêm ngủ lại đâu đó, cứ thế 5 người, 1 người lớn, 4 đứa trẻ con ( đứa lớn nhất mới hơn 10 tuổi, em út chưa đầy 7 tuổi ) dắt dìu nhau lên đến thị xã Bắc Kạn.
Nếu chỉ nói dắt dìu nhau thì chắc nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Như trên đã nói : đường đi ngoắt ngoéo chữ chi...nên đoạn đường dài vô tận. Anh Tăng cứ đèo 1 đứa vòng vèo qua một đoạn, khi đã xa xa chút, nghĩa là còn nhìn hấy 3 đứa kia thì thả nó xuống, quay lại đón đứa khác...Ba đứa chưa được đèo thì cứ lẽo đẽo, lôi thôi, lếch thếch đi vòng quanh các hố đào, được bước nào, hay bước ấy... Chẳng biết sau bao ngày 5 anh em đã đến đích...
Ơn Trời, ngày nay 4 chị em vẫn còn nguyên, anh Tăng đã ra đi hàng chục năm rồi. Thỉnh thoảng gặp nhau 4 chị em vẫn nhắc lại chuyện này. Nhờ có tấm lòng vàng của anh Tăng, nhờ ơn chính phủ nước VNDCCH, không những 4 chị em còn sống mà còn trưởng thành, trong số đó có 1 bác sĩ, 1 đại tá, 1 kỹ sư và 1 cử nhân sư phạm...Cả 4 chị em đều trưởng thành trong quân đội...
Chính nhờ chuyện MK và HH đèo các bạn từ Sài gòn ra nhắc tôi kể lại chuyện vui, buồn, ân nghĩa của cuộc đời này. Chia sẻ với các bạn chuyện mới, chuyện cũ...Mong quí vị đọc thông cảm cho NGƯỜI GIÀ hay nhớ chuyện cũ này. Xin cám ơn quí vị đã đọc và chia sẻ.
Xin kính chào !
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyện chị kể rất cảm động chị Nga ạ!
Trả lờiXóaChuyện kể từ hồi blog yahoo, nhưng nhiều người chưa đọc nhất là hội HNLX nên viết lai, có người còn nói :" Như chuyện cổ tích." Em đi về vui mà có mệt kg ? Lần trước đoàn TSQ đi 4 ngày, 3 đêm, mệt thì mệt mà vui. Chào em và MK RÂU nhé !
Trả lờiXóa