Du lịch Miền Trung 2012

MỘT KHÚC ĐƯÒNG LÀNG TÔI.

Cầu Cống Mọc
Lần đâu tiên từ khi ra đời tôi về làng vào năm 62, qua cầu Cống Mọc, tôi ngạc nhiên hỏi cậu em:

- Sao em nhớ được đường vào làng và nhớ được cả đường vào nhà bác Hai nữa ?

- Khó gì đâu chị, cứ thẳng tiến mãi, hết ruộng đến đường gạch lát nghiêng rồi nhìn sang tay trái thấy cổng làng bên tay trái, rẽ vào, thế là xong.

- Xong sao được, còn đường rẽ vào nhà bác Hai nữa chứ. Nhà quê, nhà nào cũng gần giống nhà nào, chị chịu không thể nhận ra.

- Ôi tưởng gì ! Dễ ợt, qua đình làng rồi đến chùa độ 50m, trước mặt là nhà bác Hai.

- Ừ, phải có cách nhớ như em mới nhớ được, chứ toàn ruộng là ruộng, ruộng thẳng cách cò bay, làng nào chả giống làng nào, Trong mỗi thửa ruộng lại có mấy ngôi mộ của giòng họ, trông không biết nhà nào vào mới nhà nào, khó chết. Mà sao có một ngôi nhà cao tít tận đằng xa kia?
  - Ngôi nhà xa tít mù tắp cao ngất ngưỡng ở xa kia là nhà máy Cơ khí Trung Qui Mô đấy. Nhà máy cơ khí duy nhất to ở ta.

Vậy mà bây giờ... Làng mọc Quan Nhân của tôi chỉ toàn nhà cao tầng là nhà cao tầng, nhiều nhà còn cao từ 30 - 40 tầng. Chùa chẳng thấy đâu, vì nó lặn sâu trong số nhà cao tầng như cái chuồng vịt của các nhà đại địa chủ ngày xưa. Còn giếng làng bây giờ là 1 ao tù bẩn thỉu, nhỏ xíu. Tầm nhìn xa ở làng tôi nay chỉ còn vài chục mét, nếu là đường phố Quan Nhân.

Cầu Cống Mọc nay cũng khác xưa, to hơn, lát bêtông hẳn hoi. .Đường vào làng bây giờ chẳng còn thấy gạch lát nghiêng mà cũng đã lát bêtông và đã thành phố Quan Nhân.

Tên Cầu Mọc chắc là cái cầu dẫn vào làng mọc Quan Nhân qua sông Tô Lịch. Tôi đoán thế chứ không biết vì sao. Còn cái tên làng Mọc Quan Nhân thì tôi hỏi một số người vì sao, người ta trả lời cho tôi :

- Làng này ngày xưa đàn ông toàn làm quan ở Hà Nội.

Người thì trả lời:

- Đàn ông làng này không những học cao, văn minh, lịch sự mà còn hễ cứ ra khỏi làng là thế nào cũng làm quan.

Tôi không nghĩ như vậy mà chỉ nghe để biết xuất xứ của một tên làng mà thôi.

Về làng nay tôi lạc hậu quá nhiều, vì bao năm đóng đô ở cái phường Bách Khoa, nơi xưa kia được mệnh danh là  LÀNG ĐẠI HỌC. Các con tôi cũng đã tốt nghiệp đại học và trưởng thành từ nơi đây. Thật lòng mà nói trước những năm 90 của thế kỷ 20 thì đúng thế . 

Trước đây ở BK không có chợ, cần gì ra chợ Mơ. Tiểu khu Bách Khoa là một tiểu khu gương mẫu, không có tệ nạn, không buôn bán. Hầu hết ở đây là cán bộ giảng dạy và cán bộ công nhân viên phục vụ trường đại học Bách khoa. Con cái của họ chăm học, ngoan ngoãn nghe lời người lớn, không bao giờ nói bậy.  Ở đây toàn nhà cấp 4, trừ mấy nhà A,B,C,D của Tây để lại.

Sau năm 1990 Bách khoa lột xác. Chợ búa, buôn bán, trẻ con bỏ học, còn nữa - tệ nạn nghiện ngập cũng xâm nhập vào. Cũng phức tạp như những nơi khác. Một số cán bộ giảng dạy bán nhà đi nơi khác, một số xin đất xây nhà cao tầng, nhà cao tầng mọc còn dầy hơn nấm mọc trong rừng rậm sau mưa. Tôi không biết Bách khoa lên PHƯỜNG từ bao giờ.

Tuy vậy BK cũng còn rớt lại một chút tốt của phường Bách khoa ngày xưa . Chợ đây không đắt lắm vì gần ngoại thành. Nhiều người buôn bán ở đây là vợ, con và người thân của cán bộ BK. Họ bán cho nhau cũng không nói thách nhiều, nhất là với những người như tôi thì họ không nói thách, vẫn còn tình cũ, nghĩa xưa. Đời sống cũng dễ chịu hơn nhiều nơi khác. Tình người cũng vẫn còn chấp nhận được. Trẻ em cũng không đến nỗi ăn tục, nói bậy như ở ngoài.

Còn bây giờ tôi về làng thì hoàn toàn khác. Gọi là làng mà đi tìm mỏi mắt không thấy 1 cọng rơm. Gọi là chợ làng quê mà giá đắt gấp đôi giá ở Bách khoa. Đường làng bây giờ đi vào giờ cao điểm đố ai mà qua đường được. 

Cây khế ở Chùa Mọc
Bây giờ người ta gọi làng tôi là  RỐN HÀ NỘI. Trước đây các cụ dạy con gái ra đường phải: "Đi đừng ngoái lại, ngẩn ngơ". Bây giờ đi mà không ngoái lại, không ngẩn ngơ suy nghĩ xem qua đường sao cho an toàn thì có bữa bọn đi đường thọc hậu, thọc nách, là mình TOI ngay. 

Một hôm đi bộ về làng vào giờ cao điểm, phải chờ mãi đèn xanh mới bật. Tôi vội xuống lòng đường để qua, đằng sau có tiếng :

- Em ơi, tránh ra cho anh đi tí nào !

Nghe tiếng, biết ngay 1 thằng NHÓC. Tôi đáp không quay lai :

- Này, cụ đấy, nhóc ạ!

Thằng bé nói lại :

-À, cụ tránh ra nhanh lên nào !

Trẻ con bây giờ láo thật, bọn con trai đi đường lúc nào cũng coi những người đàn bà đi đường là EM còn tự xưng là ANH. Cái lễ phép của người HN, cái thanh lịch của người HN không còn tồn tại. Chưa hết, qua cầu chúng leo xe máy lên  60cm lề cầu dành cho người đi bộ. Đụng vào người đi bộ trên lề cầu chúng không xin lỗi mà còn chửi tục :

- Mù à, đ. mẹ... sao không tránh cho ông mày (bố mày) đi? Đứng thế à? Tránh ra mau!...

Một bên phố là doanh trại quân đội, có tường xây hẳn hoi, chỉ để lại độ 1m cho người đi bộ. Thế nhưng khốn nỗi, bọn xe máy vẫn leo lên. Chúng còn khoát tay ra hiệu tránh ra cho chúng đi. Thôi thì người đi bộ chịu đủ khổ khi đi đường.

Một hôm tình cờ tôi đi bộ thấy may mắn quá, cột điện gần cầu đêm qua đã được rỡ, may hơn cho người đi bộ là họ đã đập bỏ chỗ xây thoai thoải cho xe LEO lên lề cầu. Người đi bộ mừng quá.

Tôi không phải thợ ảnh, nhưng sẵn máy ảnh chụp mấy kiểu để quí vị xem và thông cảm.

Tắc đường tại Cầu Mọc

Nghe đâu người ta bảo TRÊN có ý định CẤM xe máy ở tỉnh thành đông như HN , Tp HCM. Không biết đúng sai thế nào, ai lại ĐẺ ra cái ý kiến quái gở này. Tôi đã nói cả đời tôi không làm chính CHỊ, cho nên già rồi tôi lại càng không làm, không tham gia chính CHỊ, nhưng đây là đời sống dân sinh của dân lành, dân nghèo, mà tôi lại là một  CỤ già về hưu thấy chuyện bất bình nên không thể ngậm miệng, bịt tai. Cũng không thể chửi lung tung trong khu và trên đường phố cho sướng mồm, thỏa nỗi tức. Dân tức chửi bộ trưởng Đinh La Thăng khắp nơi khi tắc đường, ai cấm họ, tức thì chửi cho sướng mồm, còn người qua đường ai biết ai đâu.

Dân đi lại quá khổ ở khắp nơi, những người già không dám ra đường vào giờ cao điểm. Ở nơi nhà quê như nơi tôi ở không có xe công cộng như xe buýt thì các cụ cần đi bệnh viện, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, qua đời bằng cách nào, nếu không nhờ con, cháu, họ hàng, xóm giềng đèo xe máy đi. Chắc các ngài lại nói là có xe ôm, taxi... sao không đi chứ gì. Xin thưa lương hưu của các cụ chưa đủ ăn, mà các cụ có lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ sẽ NGỬA TAY xin con tiền tầu xe. Cho nên nghe tin CẤM xe máy trong thành phố HN và Tp. HCM, tôi muốn qua blogg của mình hỏi hẳn bộ trưởng bộ giao thông vận tải  Đinh La Thăng việc này có đúng không. Tôi viết đây để ai quan tâm đọc và nếu có điều kiện biết cách hỏi giúp tôi bt ĐLT và mong được ông chính thức trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi xin cám ơn trước. Tôi không muốn như người ta nói : " Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn 3 ngày đường ". Ngày xưa tiếng dữ đồn chỉ có 3 ngày đường thôi, nhưng ngày nay có internet thì tiếng dữ đồn cả thế giới cơ, mà chỉ trong mấy phút. Cho nên tôi không muốn tiếng dữ đồn về bộ trưởng Đinh La Thăng lại đồn khắp thế giới,  mới chính thức xin bộ trưởng ĐLT trả lời. Xin hỏi bộ trưởng Đinh La Thăng:

1. Ngài bộ trưởng đi làm hàng ngày bằng phương tiện gì? Câu hỏi này, nếu ngài cho nó là ngớ ngẩn, thì xin thưa: không ngớ ngẩn đâu, thưa ngài, vì trước đây tôi có cậu em làm bộ trưởng, nhưng đi làm trong thành phố toàn bằng XE MÁY, chỉ khi đi xa mới đi ô tô (chuyện thật 100%, không hề bịa 1 tí nào).

2. Một tháng ngài đi mấy lần xe buýt? Kể cả ngài và gia đình, họ hàng ngài nữa, hàng ngày tham gia giao thông bằng phương tiện gì, cá nhân hay công cộng?

3. Có bao giờ ngài nghĩ đến nỗi khổ của dân, nhất là dân nghèo và người về hưu phải tham gia giao thông ngày nay không? 

4. Muốn dân dùng phương tiện giao thông công cộng, vậy ngài đã nghĩ đến giao thông công cộng hiện nay ra sao chưa? Chuyện bỏ chuyến, ít xe là tất nhiên, vẫn chưa hểt, nay lại tăng giá,  nếu 3.000 đồng 1 vé là rẻ quá, tăng lên 5.000 đồng là vừa, nay vận động đi xe công cộng thì không những không tiện, không rẻ mà còn định tăng lên 7.000 đồng, thật nghịch lý.

Cuối cùng tôi xin nói với ngài, tôi không được HỌC CAO, HIỂU SÂU, BIẾT RỘNG, ĐI NHIỀU, ĐI KHẮP THẾ GIỚI như ngài, tôi học thấp, hiểu biết ít, nhưng đứng về phía người nghèo và người về hưu để hỏi ngài, mong ngài trả lời chính thức việc này cho dân yên lòng, không phải bàn tán, chửi bậy ngoài đường. Tôi không thích nghe chửi mỗi khi tham gia giao thông công cộng. Khó chịu lắm! Chắc chẳng ai thích nghe chửi bới, nói linh tinh trên đường. Cả họ nhà tôi khi nghe chửi nơi công cộng cũng khó chịu lắm. Ngoài ra mỗi khi ở đâu có chửi nhau thì tất nhiên nơi đó nghẽn giao thông, vì sự hiếu kỳ của một số người.

Tạm thời chỉ hỏi ngài vài điều nho nhỏ (chắc ngài cho đó là chuyện nhỏ), nhưng với dân nó cũng không nhỏ đâu.


Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc bài này và cám ơn gấp bội nếu ai đã giúp tôi chuyển những câu hỏi trên tới ngài bộ trưởng Đinh La Thăng. Cứ đăng thẳng tên  cha sinh, mẹ đẻ đặt cho tôi, không cần giấu diếm, không cần ních nem, ních chả gì, vì từ xưa nói thật tất nhiên mất lòng và bị thù oán, trả thù, nhưng tôi lại chỉ thích nói thật, không sợ thù oán. Hầu hết những thiếu sinh quân thời chống Pháp bọn tôi đều kỵ nói dối, kỵ nịnh bợ... Vì chúng tôi đã được Bác Hồ và quân đội nhân dân Việt Nam dạy cho tính thẳng thắn, thật thà từ khi còn nhỏ, nên chúng tôi không thể làm khác được, mong ngài bt ĐLT thông cảm. Tôi chỉ có mấy triệu lương hưu chẳng lẽ bộ trưởng Đinh La Thăng lại thù tôi, yêu cầu  bộ lao động và thương binh xã hội cắt lương hưu của tôi?

Một lần nữa xin cám ơn các quí vị đã đọc và cám ơn TO vị nào giúp tôi chuyển Tất cả lời của tôi đến ngài bộ trưởng Đinh La Thăng.

Xin chào các quí vị.


16 nhận xét:

  1. Tem vàng! Em Ngựa cầm tay
    Ngắm chùm khế ngọt trên cây trĩu cành.
    Đường tắc, thật chán Hà Thành.

    Trả lờiXóa
  2. Tặng em tem vàng cùng chùm khế ngọt chùa mọc Quan Nhân quê của chị sau bão tố cây cổ thụ dổ mà chùm khế vẫn nặng trĩu cây.. Cám ơn em ghé thăm. Chào !

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em chia sẻ tuyệt đối với chị. Nhà em này xưa có thê đặt bàn bóng bàn mà chơi... chạy nhảy thoải mái....
      Nay thì đi xe không thể ngã được ví họ chen, còn lại một lối đi nhỏ rộng hơn cái xe máy một tẹo
      Lâu em không về nhà cũ Trần Phú nữa... Phố đấy chị ơi, không phải làng...

      Xóa
    2. Cám ơn HC đã đọc và thông cảm với dân lành ! Chào !

      Xóa
  4. Cây khế Chùa Mọc quê chị gái sai trĩu thích thật, em cũng hay về quê lắm chị gái à, cứ nghỉ cuối tuần trời nắng là em lại thích về, nhiều khi chỉ để ngắm những cánh đồng quê chín vàng đồng lúa,hay ngắm những chú cò trắng trên những cánh đồng sau mùa gặt hái

    Hà Thành của chị chuyện tắc đường chắc thường xuyên xảy ra chị gái nhỉ ? Mà đông người quá cũng sinh ra văn hóa giao thông lộn xộn, có phải ai cũng như mình đâu chị gái ơi vì thế chị gái đừng buồn nhé ! Mong rằng tồng chí Đinh La Thăng sẽ có lúc lắng nghe và giải quyết những vấn đề chị nói, em gái tin thía mà

    Tuần mới sức khỏe thật diệu kỳ chị gái nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cây khế ngọt của nhà chùa sau bão mà vẫn quả chi chít, chị thấy vui mắt và cũng ngạc nhiên nên chụp lại. Chị, nếu không có việc gì cần thì không bao giờ ra đường để ... NGHE CHỬI mỗi khi tắc đướng. Từ cầu vào đên ngõ nhà chi độ hơn 100 m,vậy mà có khi ra đến ngõ rồi mà không thể ra đường vì tắc. Mà dân nhà quê họ sợ gì mà không chửi, không văng tục... Chán lắm, em ạ. Chào !

      Xóa
  5. Dù Anh Đinh La Thăng có đồng ý hay không cũng mặc kệ! Tôi cứ thay mặt anh trả lời chị TN rằng thì là: Phải bỏ hết xe máy đi mới đỡ ách tắc giao thông. Nhà nước sẽ có thật nhiều xe buýt cho các vị đi, đảm bảo 5 phút một chuyến. Còn ai không thích đi xe công cộng thì đi xe đạp cho không khí đỡ bị ô nhiễm, cho nó khỏe người, cho nó đỡ cồng kềnh tốn nhiều diệt tích. Các nước thực hiện được thì mình cũng thực hiện được. Riêng chị TN vẫn ưu tiên cho đi xe đạp điện vì nó cũng không bị ô nhiễm mà chị lại đi chậm bằng tốc độ người ta đạp xe nên chẳng ảnh hưởng gì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Này, này tôi mà là anh ĐLT sẽ thưởng cho TM 1 cái kẹo thật to.Tôi nói rồi, nếu giao thông công cộng vừa tiện, vừa rẻ thì tôi có điên hay mất trí cũng leo lên đó tham gia chứ dại gì lóp cóp đi xe máy vừa mệt,vừa bụi,vừa tốn tiền. Anh ĐLT cứ tạo điều kiện tốt giao thông công cộng đi thì không phải nói dù chỉ là 1 lời, mọi người cũng tự động bỏ hết phương tiện giao thông cà nhân chứ đừng nói chỉ xe máy. Nếu vừa tiện, vừa sẻ thì chẳng ai điên mà không dùng. Chuẩn không cần chỉnh nhé. Chào !

      Xóa
  6. Em mà được lũ nhóc gào lên: Em ơi tránh ra...là em thích vì mình được trẻ lại hihi... HN làm gì còn làng. Cả các thôn làng hẳn hoi mà bấy giờ ở đâu cũng giống phố...Làm gì còn làng hả chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ anh TT nói đúng, tôi phải thích mới đúng chứ nhỉ ? Hóa ra sức ỳ của tôi quá lớn nên lúc ào cũng nghĩ mình là cụ thì không thể quay lại thời gian được, một phút qua đi là 1 phút già thêm không bao giờ trẻ lại, đúng không anh TT ? Đùa thôi chứ anh thấy bọn trẻ bây giờ có láo không, chúng chẳng coi ai ra gì, chắc cha ,mẹ chúng và nhất là ông bà chúng không biết dạy. Thật chán ! Cám ơn anh TT nhiều. Chào !

      Xóa
  7. Em tặng chị mấy câu 'gọi là thơ' em viết về phô Ao Sen - Thanh Xuân chị nhé:
    Ao sen xưa chỉ có ở làng
    Bây giờ lên phố khá khang trang
    Nhà nhà đeo số trông vừa oách
    Ngõ ngõ gắn tên thấy thật sang
    Gái quê môi đỏ, phì phèo thuốc
    Trai xóm giầy cao bước ngênh ngang
    Còn đâu em gái bơi xuồng thúng
    Bán cá, tôm nơi bến nước làng…
    Lương Thành
    17/1/2013

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn anh TT đặ tặng tôi bài thơ rất hay. Các cụ nói thuền đua thì lái cũng đua, lẽ nào con gai, con trai thành thị thì được mà nhà quê thì không được nhỉ ? Bình dẳng và thành thị hóa nông thôn mà. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của việc xây dựng nông thôn mới dấy chứ. hìiii ! Chào !

    Trả lờiXóa
  9. Cuối tuần vui nhé chị gái ơi ?
    Đừng ra đường khỏi tắc thêm phiền chị ơi ?
    Cứ ở trong nhà với các cháu cho vui
    Khi rảnh lướt mạng nụ cười ròn tan

    Vui thật nhiều nha chị gái (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nay đã thứ ba ròi, chị lại phải ra khỏi nhà để làm việc chùa. Không đi không được, BD ơi. Thôi thì cứ đi, còn nó muốn ra răng, ra sao thì đành chịu, phó thác mang mfnh để Trời định, hềhề. Chào !

      Xóa
  10. Chị ơi, từ ngày vượt sông sang bên này ở em toàn đi xe buýt, nhưng bây giờ thì ko đi được nữa rùi, hu hu...Giờ mà em đi xe bus thì chắc ko mất mạng cũng tàn tật vì chưa kịp lên hay xuống thì nó đã giật cho ngã dúi xuống đường rồi 'xe ta bon bon đi trên đường..." bỏ mặc bà già ngã bên đường hay bị cuốn vào gầm xe như có một bà đã bị cách đây dăm năm nếu ko có cả chồng lẫn con làm trong bv Việt Đức thì giờ chắc sang cát rồi!

    Trả lờiXóa