Du lịch Miền Trung 2012

CHÚ, CHÁU.


Hồi mới đi làm, chưa đầy 20 tuổi, trong cơ quan Ủy Ban Khoa học Nhà nước, toàn các bậc cha, chú như bác Trường Chinh, Chú Bùi Công Trừng, chú Tạ Quang Bửu, chú Trần Văn Giầu...Vậy mà khi làm việc tự dưng thấy chú Trần Văn Giầu nói:" Em dịch hộ anh..." tôi ngạc nhiên không dám hỏi, nhưng rồi tìm 1 người tuổi vừa vừa tôi hỏi vì sao tôi bé nhất Ủy ban mà mọi người cứ gọi tôi là em, xưng anh, tôi thấy ngượng quá. Anh ta nói không biết, nhưng qui định thế, khi làm việc ít tuổi là em, còn nhiều tuổi là anh , chị. Lớn tuổi với nhau thì xưng tôi. Trẻ nhất cơ quan cũng hơn tôi 7-8 tuổi, thế mà toàn gọi bằng anh, còn trong cuộc họp thì gọi bằng đồng chí.

Nghĩ bụng, mình đồng chí gì với các nhà lão thành cách mạng, chỉ là con họ, mà sao họ cứ gọi mình thế nhỉ. Mỗi khi làm việc trực tiếp với họ tôi cứ thấy ngượng ngượng thế nào ý. Nhưng mãi rồi cũng quen. Chỉ ngoài giờ làm việc tôi mới gọi họ là chú, bác, cô còn trong giờ tuyệt đối không dính dáng đến 3 từ ấy.

Sau này nhiều khi đến nhà họ tôi cũng bị các bà vợ của họ chê trách là vô lễ. Tất nhiên trước mặt các bà tôi không gọi họ là anh, nhưng đến nhà làm việc đôi khi vẫn gọi anh để giữ đúng thái độ làm việc, không phải gia đình. Chính vì thế các bà vợ nghe thấy 2 từ anh, em mà bực mình, khó chịu. Khổ thân tôi là đã gần 20 tuổi mà mọi người chỉ đoán tôi chưa qua12 tuổi, nên nhiều người không biết tôi đi làm việc mà chỉ nghĩ tôi đến nhà chơi.

Bây giờ lại nghe thấy 2 từ chú, cháu trên công sở tôi mới nhớ ra cách đây hơn 50 năm đã có điều đó.

Thời gian trôi qua, những qui định nghiêm ngặt xưng hô trong công việc cứ dần biến mất và thay vào đó là những từ cần thiết khác.Tôi nhớ lại lúc chưa " mất dạy " tôi dạy cả sinh viên lẫn học sinh nên 1 hôm phòng tổ chức dự lớp bất chợt, tôi quên nên nói với 1 sinh viên :" Mời em lên bảng ". Thế là tôi bị phòng tổ chức cảnh cáo là coi thường sinh viên, phạm qui. Vì qui định thầy cô giáo phải xưng TÔI và gọi sinh viên bằng ANH, CHỊ. Ngày xưa ở nơi làm việc ( bây giờ gọi là công sở ), phải xưng hô theo qui định để giữ khoảng cách nhất định và tính nghiêm túc, đọc lập trong công việc. Còn nay thì tùy ý mọi người.

Sáng qua tôi lại nghe buổi phát thanh " Chào buổi sáng " nói là báo lao động viết về việc :" Chuẩn văn hóa trong công sở, không có từ CHÚ, CHÁU... ", tôi mới nhớ lại thời của tôi. Hóa ra sau mấy chục năm người ta lại thấy những hô từ : anh, chị, đồng chí và TÔI phải dùng trở lại ở công sở . Tôi nhất trí ủng hộ việc chấn chỉnh xưng hô trong công việc. Không hiểu sao tôi rất thích mình xưng với mọi người không có quan hệ thân là TÔI. Tôi cũng đã dạy học sinh Nga là nếu cảm thấy khó xưng với mọi người thì cứ xưng là TÔI, bởi lẽ từ này là từ chung để xưng hô trong mọi trường hợp.

Lại buôn chuyện rồi. Nhưng tôi thích bình luận của mọi người về tính nghiêm túc trong công việc hoặc ở mọi nơi trong giao tiếp. Nghe thấy báo viết về chuẩn hóa văn hóa trong công sở tôi thấy vui và cũng muốn chia sẻ cùng quí vị. Cám ơn quí vị nào đã bỏ thời gian quí báu để đọc và góp ý.

Xin kính chào !

GẶP GỠ.


Nhận được điện thoại của Quế Hương rủ đến nhà Trịnh Thanh Đoan để nghe các bài hát của một thời Xô Viết và chia tay với Đoan chuẩn bị đi chơi với con ở Ănglê . Tôi chẳng ngần ngại đồng ý ngay, vì mỗi cuộc họp mặt là một lần gặp được các bạn thưở ấu thơ và tích lũy thêm tình bạn. Tôi cũng chẳng bao giờ từ chối bất kỳ cuộc họp mặt nào của các bạn cũ, vì đó là nguồn vui của tôi. Càng già thì các cuộc gặp gỡ càng ít đi, nhất là số người họp mặt lại càng ít, vì nhiều lý do. 

Cũng may phương tiện thông tin bây giờ thuận tiện nên triệu tập nhau không mấy khó khăn như trước. Ấy thế mà có chuyện  LẠ ĐỜI lần nào chúng tôi đến nhà Đoan cũng bị mất điện. Trời nóng như đổ lửa, đến nơi ai cũng muốn hưởng chút mát của quạt máy, nếu không nói là điều hòa, vậy mà vào nhà tối om, nóng nực. Trên bàn Đoan để 1 đống báo để các bạn tự dùng làm quạt. Mọi người thắc mắc nhà Đoan ở 32 Cột Cờ cũ, nay là số mấy Điện Biên Phủ tôi không nhớ, gọi là khu A Ba Đình HN. Trong số chúng tôi chẳng ai lại không thắc mắc, nên vào nhà ai cũng hỏi :" Ô, nhà Đoan mà mất điện à ? Khu A Ba Đình cơ mà "! Cũng chính vì thế mà nhà Đoan không hề có quạt giấy hay quạt nan.

Đoan vội đi pha cho mỗi người 1 cốc thạch thập cẩm để giải nhiệt. Vậy là mọi người tạm giải quyết được chuyện nóng, khát. Sau  hàng tiếng mới có điện, ai cũng mừng. Tất cả vào phòng khách, vì mục đích chính là nghe HÁT , nếu không có điện thì mục đích ấy coi như loại bỏ. Đoan thì cứ đi đi, về về với con ở Anh nên trước khi đi muốn KHOE với các bạn đã sưu tầm được gần 200 bài hát thời thơ ấu ở nhà số 28 phố Katralov Moskva. Một công trình khá mất thời gian và công phu.

Những nhân vật hôm nay không có mặt của lớp 2 là: Tạ Thúy Lan, Đỗ Trọng Thiều, Lê Đoạn Yên và Nguyễn thị Nhường.

Hôm nay có 2 " em bé " lớp 1 là  Hoàng Giang và Minh Hòa cùng dự.Thật là vui cho lớp 2.

Chúng tôi vừa nghe các bài hát , vừa chia sẻ buồn vui tuổi già, nhắc lại vài chuyện cũ. Gần đây VTV cắt mất chương trình OPT1 của Nga, một nỗi buồn cho chúng tôi. Lại phải mất thêm , hình như , 50 nghìn mới được xem chương trình này, chứ không phải CAB của VTV xem bình thường như cũ vẫn có chương trình OPT1. Chia sẻ bạn Tô Quang Thịnh kể, vì mất OPT1, mà tôi chuyên xem chương trình này, nên con đã bỏ tiền ra lắp cho bố phụ kiện đầu HD để xem chương trình đó. Đoan cũng giống Thịnh, vậy là 1 số bạn đã tự hoặc nhờ các con liên hệ lắp giúp. Cũng vì mất OPT1 mà một số bạn trở nên lạc hậu với chương trình này. Thịnh vui vẻ kể :

- Mất chương trình OPT1 tôi nhờ con hỏi, thế là nó liên hệ lắp ngay đầu HD nên chỉ mất có mấy hôm.

- Có chương trình gì hay không?

- Có, vừa rồi họ lật lại vụ án Beria ( bộ trưởng bộ Nội vụ LX thời Xtalin). Các bạn nhớ không, chúng ta đã ở nhà Beria 5 năm còn gì.

- Nhất định chẳng ai quên.

- Hay lắm, họ chiếu lại toàn cảnh, rồi từng phòng của chúng ta. Có cái lạ là không hiểu sao trong nhà có đường hầm sâu đi đâu đó, mà tôi không biết. 

- Cửa đường hầm ở ngay đầu giường tôi mà. Hồi ấy tôi cứ muốn tò mò mở mà sợ, không dám. Nó cũng bọc vải gấm Thượng Hải như vải gấm Thượng Hải bọc  trên tường của phòng, gắn ngay trên tường ở đầu giường tôi. - TN vội trả lời.

- Thế mà tôi không biết. Thịnh đáp ngay.

- Thì con trai có bao giờ vào phòng con gái đâu mà biết. - Rợi tiếp luôn.

- Thịnh kể tiếp từng chi tiết của các cửa ra vào, thay đổi cổng vào nhà,  các cửa sổ, cửa ra vào các phòng, cầu thang, màu sơn, rèm cửa...

Ngôi nhà này là nơi trú chân của 100 thiếu nhi VN được Bác gửi sang LX học năm 1954. Nó là nơi đầu tiên nuôi bọn trẻ và đưa chúng đến nền văn minh thế giới, đến khoa học kỹ thuật... Ai có thể quên được chứ.

Bây giờ con số còn lại là 80, thế là 20 bạn đã về với cha ông của họ. Lớp 2 của tôi cũng đã chia tay vĩnh viễn với Phạm Quang Đẩu, Phạm Minh Dương, Lê thị Muội. Các bạn ấy ra đi không bao giờ trở lại để cho chúng tôi 1 nỗi buồn mà mỗi lần gặp nhau, chúng tôi không thể không nhắc đến...

- Chuyện trò tưởng như không dứt. Hơn 12 giờ vài bạn đã ra về, còn một số ở lại tiếp chuyện dài lâu. Không biết mấy giờ mới tan hết.

Lại kể chuyện vặt cho ai muốn giết thời gian. Xin cám ơn các quí vị đã đọc.

Xin báo tin mới hôm nay 24/6/2014 đành bấm bụng lắp đầu HD để xem đài OPT1 không có bí lắm.

Xin kính chào.


BUÔN CHUYỆN (2).

Mỗi khi định viết 1 điều gì đó, tôi hay nghĩ lung tung, vớ vẩn. Nhưng rồi chả lẽ mình lại mang nó theo mà không chia sẻ với ai, lỡ có ai đó gặp trường hợp như mình, họ có thể rút kinh nghiệm mà tránh, cứu 1 người, phúc đẳng hà sa, nên rồi lại viết. Buôn chuyện cũng là một ý nghĩ bao ngày của tôi về tính mạng các cháu. Mỗi ngày nghe VTVN thấy có những cháu lìa đời mà sót sa. Bây giờ lại nói đến chuyện  GIÁO DỤC  ngày nay và những suy nghĩ riêng tôi.

Tôi có 4 cháu, 3 trai, 1 gái. Xem ra sự dạy dỗ của mình với các con, nay lạc hậu với các cháu quá rồi. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay mà tự an ủi :" Tao dạy con tao, mày dạy con mày vậy ". 

Ngày xưa thời tôi, các cụ cấm nói leo, cấm cãi, cấm lẩm bẩm... Nay điều đó đã quá lỗi thời với giới trẻ. Mình đang nói, 1 đứa HỨNG lên cắt ngang và thao thao bất tận... Mình dạy con phải lặng yên nghe lời, thì bây giờ chúng chẳng nghe mà cắt ngang cãi theo ý nó và bạn nó... Mình nói gì đúng thì nó lẩm bẩm :" Chỉ có bà mới dạy thế, còn bạn cháu, bà và bố, mẹ chúng không dạy như vậy, nghe lời bà thì thiệt cả đời..."

Dạy chúng phải cố gắng, sống phải có không nhiều thì ít ích lợi cho xã hội. Chúng bảo chỉ có bà mới nói thế, chứ mọi bạn nó chỉ thích sống có ích cho bản thân, còn xã hội thì kệ, người khác lo...

Sống phải có nghị lực, thì chúng cãi, nghị lực như bà thì chỉ thiệt thôi.  

- Thiệt là thiệt thế nào ? Cháu nói bà nghe xem sao.

- Thế này nhé, bao lần bà ốm thập tử nhất sinh, bà cấm không cho con cháu báo cho người thân, bạn bè biết để họ không đến thăm phiền phức.

- Thế thì tốt chứ sao. Người ta đến thăm mình, mất thì giờ và thêm mất tiền quà cáp, phong bì đến thăm bà, như vậy chẳng phiền lắm sao.


- Người khác thì không nghĩ thế, họ vừa hắt hơi đã làm ầm lên, mọi người đến thăm, quà cáp, phong bì thì lợi chứ bà ?

- Bà khác các cháu cũng như nhiều người khác là như vậy. Các cháu nghĩ mà xem, 60 năm bà là học sinh trường thiếu nhi VN Moskva, đã 1 lần nào bà ốm mà ban liên lạc phải đến thăm chưa, kể cả những lần sau khi ốm nhiều người ngạc nhiên sao bà còn sống được. Cũng như vậy hội TSQ của bà chỉ biết bà đăng ký đi ATK mà phút chót bà từ chối. Trưởng ban sau khi đi về trách sao bà bỏ không đi, bà trả lời sau tai biến 1 ngày không thể đi. Họ trách bà không nói rõ để họ đến thăm và bao năm nay chưa 1 lần ốm mà TSQ phải đến thăm. Theo bà điều đó là tốt, vì chẳng phiền ai, hơn nữa họ đến thăm có điều gì đó bà không thể ngồi tiếp thì bất tiện lắm. Bà ghét dựa vào ốm đau, bệnh tật để phiền người khác, nếu không nói là vụ lợi.

- Thế bà mới thiệt. Các bạn cháu bảo bà HÂM.

- Hâm như bà cũng tốt, bà thích hâm như vậy. Chỉ sau khi ốm nặng người ta hỏi bà mới nói thôi. Bà nói 1 phần tâm sự, nhưng 1 phần cũng để chia sẻ cách sử lý bệnh chứ không phải để ca thán.

- Cháu hiểu bà như thế, nhưng mỗi người, mỗi thời một khác, bà ạ.

- Các cháu bây giở GIỎI thật, mọi việc làm đều suy nghĩ cho mình trước. Bà chịu thua các cháu rồi. Nhưng bà vẫn muốn nói những gì bà cho là đúng, để mai kia bà có chết thì các cháu nghĩ lại bà đã nói thế, dạy thế.

- Chúng cháu biết rồi.

- Biết rồi thì được. Bà chỉ muốn các cháu hãy sống CÓ NGHỊ LỰC, hãy quan tâm đến mọi người xung quanh và gần nhất là những người họ hàng trên mình : SỐNG VÌ MỌI NGƯỜI một chút chứ không hoàn toàn như bà. Hãy cố gắng tự lo lấy mình , đừng làm phiền ai : TỰ LỰC CÁNH SINH. Chủ yếu bây giờ là lo làm sao tự học thật tốt, không học thì không làm được việc gì lớn đâu. Vì phong trào ngày nay các cháu phải học thêm, nhưng theo bà, học thêm chỉ để biết thêm những gì người ta không dạy trong giờ học mà thôi, còn kiến thức là phải tìm tòi, học hỏi, vì thế phải tự dựa vào mình mà vươn lên. Tạm thời giải đáp cho các cháu đến đây thôi. Nói nhiều Ù TAI quên hết. QUÊN bây giờ là BỆNH THẾ KỶ mà.

Tôi cũng chấm dứt buôn chuyện (2) ở đây. Cám ơn quí vị nào đã đọc và cám ơn hơn nữa những ai đã bỏ công góp ý. Với tôi mọi điều khen nếu không phải là lỗi lạc thì chỉ là nịnh, còn chê mới thật lòng và CHÊ mới là điều tôi chân trọng. Xu thế bây giờ thích KHEN , thích NỊNH lắm, tôi thì KỊ. Xin cám ơn trước những điều CHÊ.

Xin kính chào !



BUÔN CHUYỆN .

Buôn chuyện không phải sở thích của tôi, nếu không nói là tôi rất ghét. Vậy mà hôm nay tôi lại buôn chuyện trên blog của mình. Thôi, cũng thử làm trái ý thích của mình hơn 70 năm qua 1 lần xem sao.

Gần đây tôi thấy nói nhiều đến việc các bà mẹ SỢ cho con đi tiêm chủng. Thấy một số cháu không may vì sự vô trách nhiệm của người tiêm dẫn đến tử vong, tôi vô cùng ngạc nhiên với các NHÀ CHUYÊN MÔN không quan tâm đến tính mạng con người, nhất là trẻ con. Nếu là cha, mẹ ( với đúng nghĩa của nó) thì ai cũng yêu thương con mình, ai cũng có thể nhường nhịn bất cứ thứ gì của mình cho con, kể cả mạng sống của mình cho chúng. Cho nên khi nghe đứa nọ, đứa kia, nơi nọ, nơi kia có cháu bị sốc thuốc mà chết , tất nhiên cha mẹ nào chẳng hoảng hốt, nghĩ đến chẳng may con mình nằm trong hàng chục triệu cháu mới có 1. Cái số 1 đó làm cho chẳng ai muốn đưa con mình đi tiêm phòng. Nhưng, nhưng và nhưng các bậc cha mẹ hãy xem tôi kể sơ về 1  chuyện cách đây hơn 50 năm nhé:

 Tại 1 bệnh viện có tiếng của nước VNDCCH giữa thủ đô HN, bệnh viện C. Ngày ấy nước VN còn nghèo và lạc hậu lắm. Ngành y tế thế giới so với bây giờ còn nhiều điều lạc hậu. Việt nam lại càng lạc hậu hơn. Cái thời ấy mổ đẻ là việc bất đắc dĩ, không còn con đường nào khác. Các bác sĩ khuyên sản phụ phải ăn kiêng, đi nhiều để tránh con to, khó đẻ, phải mổ...Còn bây giờ mổ đẻ là MÔT rồi, người ta nghe kể lại chuyện xưa thì cười người mẹ lạc hậu, nhưng không phải người mẹ mà  là bác sĩ cũng sợ động dao, kéo vào sản phụ.

Thì cũng vậy, ngày trước trừ chống lao, đậu mùa không còn loại thuốc vácxin chống bất kỳ loại bệnh gì khác. Niềm mơ ước của các bậc cha, mẹ là mong sao các nhà bác học nghiên cứu ra được thêm dù chỉ là một loại thuốc gì chống được 1  bệnh tật nào đó cho các cháu. Như vậy cũng cứu được bao sinh mệnh đáng thương.

Sởi là một bệnh mà các cụ ta bảo là bệnh LÀNH, nhưng khi biến chứng nó chẳng lành chút nào. Nó cướp đi mạng sống của  biết bao cháu xấu số. Rồi bệnh viêm màng não, bệnh đậu mùa... Tôi nghĩ lại cái thời đó mà rùng mình.

Tôi kể sơ về 1 gia đình đã nuôi con thời ấy:

Cháu gái sinh ra trong 1 gia đình không đến nỗi lam lũ hay như tôi thường đùa gọi là MÙ CHỮ, vì sự không hiểu biết tối thiểu về y học. Mẹ nó rất hay tìm hiểu về y học, vì cũng có ý định thi vào đại học Y. Cũng vì ý định ấy mà mẹ nó cứ thấy bất kì sách mới nào nói về y học là mua, nhất là y học về trẻ con. Chính thế nên mẹ nó đọc rất nhiều, kiến thức không kém bác sĩ về lý thuyết. Mẹ nó có thể chẩn đoán bệnh chính xác khi nghe người ta kể cho và hỏi ý kiến. Nhưng có điều thực tế mẹ nó hoàn toàn không có. 

Ngày đầu tiên ra đời nó trắng như trứng gà bóc, xinh gái, ai cũng trầm trồ khen nó giống người ngoại quốc. Người ta hỏi mẹ nó có phải bố nó người ngoại quốc không, thì mẹ nó trả lời bố nó là người nước ngoài. Vậy mà chỉ 3 ngày sau, khi cô y tá dưỡng nhi đưa nó cho mẹ nó thì mẹ nó trợn mắt, hét thất thanh :

- Cô ơi, cô đưa lầm cháu cho tôi rồi. Đây không phải con tôi.

- Chị để em xem lại số nhé. Chị đưa số đeo tay của chị, em khớp với số đeo cổ của cháu và số + tên cháu ở đùi. Cũng có thể tắm cho các cháu, chúng em vô tình đeo nhầm số, nhưng tên và số ở đùi là chính xác.

Sau khi so sánh, khớp lại số đeo cổ, số và tên ở đùi thì cô y tá cũng ngạc nhiên và nói :

- Ôi chị ơi, đúng hoàn toàn, không có gì sai cả. Em biết cháu này, nó xinh nhất trong khu dưỡng nhi, mà sao bây giờ nó lại thế này ? Chị để em hỏi bác sĩ nhé. Em chưa thấy trường hợp này bao giờ.

Người mẹ khi biết con mình không thể ngờ được, ôm con trong tay mà run bắn mình như đang lên cơn sốt rét ác tính. Con bé bị  VÀNG DA không khác 1 củ nghệ tươi. Nó không còn vẻ lanh lợi như hôm trước.

Mẹ nó tìm gặp bác sĩ Hương, bác sĩ giải thích:

- Em chưa biết bệnh này là phải, bệnh này rất hiếm và ở bệnh viện C từ khi làm việc đến nay chị chưa thấy trường hợp nào như thế này.

- Chị ơi, chị cố tìm cách chữa cho con em với. Em xin chị đấy, em chẳng biết xin ai bây giờ , ngoài chị ra.

-Chị sẽ cố hết sức mình thử chữa cho cháu xem sao. Nhưng em phải hiểu đây là bệnh về máu, khó chữa lắm. Ở các nước tiên tiến người ta thay máu, còn ở ta chưa có, em ạ.

- Ôi chị ơi, chị lấy máu của em thay cho cháu đi, em chịu được mà. Chị cứ lấy bao nhiêu cũng được, thậm chí hết em cũng xin chị.

- Không phải thế, máu em có hợp với con đâu. Loại máu này khó lắm, chị chưa thực hành bao giờ, mới chỉ học lý thuyết thôi.

- Thì chị lấy em làm thí nghiệm của mình đi. Nếu có sao em không bao giờ kiện chị mà chỉ biết ơn chị thôi.

- Em nói chị thấy cảm động vì tấm lòng của người mẹ trẻ như em, nhưng chị không có quyền làm như ý em. Chị sẽ nghiên cứu xem có cách nào khác để cứu cháu không .

- Chị nghiên cứu đi. Em đã sẵn sàng .

Ba ngày sau con bé như 1 cái rẻ rách, nghĩa là không còn sự sống. Người mẹ trẻ ôm con mình tìm gặp bác sĩ Hương van nài cứu con.

- Bàn với người mẹ 1 lúc , bác sĩ Hương quyết định tiêm B12 với liều lượng thật cao. Nhưng bác sĩ Hương làm công tác tư tưởng với mẹ nó :

- Thế này, em nhé. Chị em mình quyết tâm thí nghiệm chữa cho cháu. Nhưng tình trạng cháu bây giờ không còn biểu hiện của sự sống, ta đành liều một phen. Chị nói thật, vì em mà chị quyết tâm cứu cháu, nhưng cháu này nếu có ra đi em cũng đừng nên quá đau lòng, vì cháu có sống được cũng đần độn cả đời. Em chuẩn bị tinh thần kẻo sau có gì lại bảo chị không báo trước. Em có đồng ý thế không ?

- Em đồng ý cả 2 tay, 2 chân. Chị làm ngay đi, may ra còn cứu được cháu. Với các cháu bây giờ 1 phút cũng quan trọng lắm.

Người mẹ trẻ cứ cả ngày, cả đêm ôm đứa con nhỏ trên tay như nắm một túm rẻ rách. Cháu bé không còn sự sống hoàn toàn. Mẹ nó phải dùng ống nhỏ từng giọt sữa vắt ra vào mồm nó. Lúc đầu nó còn nuốt được 15 cc, sau cả ngày chỉ có 10 cc, và đến ngày thứ 16 thì không còn nuốt được giọt nào nữa. Ở dưỡng nhi không hiểu vì bệnh gì mà cứ vài ngày lại 1 cháu ra đi. Mỗi cháu ra đi là một đòn nặng nề, thậm chí là 1 nhát dao đâm vào tim người mẹ trẻ.  Nhìn thấy 1 cháu chết co quắp, mẹ nó hoảng  hốt tìm bác sĩ Hương khẩn khoản :

- Chị ơi, cháu sắp chết rồi. Hôm nay không còn nuốt được giọt sữa nào nữa. Chắc tắc hoàn toàn tất cả các bộ phận rồi.

- Như chị đã nói, cháu bị bệnh máu khá trầm trọng. Có cố cứu được thì cả đời đần độn, em phải hầu. Nhưng thôi, chị em ta còn nước, còn tát xem sao vậy. Ý em thế nào, nói đi.

- Em sợ cháu bị tắc cái gì đó ở cổ nên không nuốt được. Chị cho cháu sang BV Bạch Mai khám TAI, MŨI, HỌNG xem sao. Chị cứ thử đi, em xin chị đấy.

- Chị lại nghĩ có khi cháu bị biến chứng của bệnh mà dẫn đến hẹp hoàn toàn thượng vị cũng nên. Nhưng thôi theo ý em, chị cứ xin xe cho cháu sang khám ở BV Bạch mai đã.

Ôm con sang BV Bạch Mai người mẹ như lửa đốt trong lòng. Mỗi phút trôi qua dài như 1 thế kỷ. Ở đây các cháu cấp cứu còn nhiều gấp mấy lần ở bệnh viện C. Có cháu chưa kịp làm giấy tờ đã chết ngay trên tay mẹ. Những đứa bé đẹp như thiên thần cứ lặng lẽ về với tổ tiên...

Đến phòng khám họ xem giấy giới thiệu và cho vào khám cấp cứu bác sĩ Đức ngay.

Bác sĩ Đức xem giấy tờ, nhìn vẻ cầu cứu của mẹ nó rồi với tay lấy dụng cụ:

- Giữ chặt nó kẻo nó rẫy không xem được,

- Nó không thể rẫy nổi nữa rồi, bác sĩ ơi. Cả đêm qua đến bây giờ không thể nhỏ được 1 giọt sữa vào mồm . Nhỏ vào giọt nào, lập tức trào ra giọt ấy.

- Cô yên tâm, để anh xem sao. 

Bác sĩ khám cẩn thận lắm.  Mẹ nó không nhìn vào tay bác sĩ mà nhìn vào mắt, mặt bác sĩ xem phản ứng. Bỗng bác sĩ nhăn mặt, tay xoay cái THÌA khám họng. Con bé khóc thét thất thanh. Cái thìa bác sĩ vứt ra khay dính đầy máu. Người mẹ nhìn bác sĩ xem ý thế nào.

- Cô cho nó bú thử xem nó có bú được không. May ra nó bú được đấy. Người mẹ cho con bú và :" Trờ ơi, sướng quá, nó bú được rồi, anh Đức ơi ! Em biết cám ơn anh thế nào đây ?  Anh hãy nhận lòng biết ơn của em suốt đời ".

Sau 17 ngày ở BVC sang ngày 18 bác sĩ Hương cho 2 mẹ con về để cho phần nào người mẹ được nghỉ. Chế độ tiêm thuốc B12 vẫn như cũ. Khổ nhất là B12 lúc ấy cũng vô cùng khó kiếm.

Đứa bé đã được cứu sống, nhờ Trời phù hộ và các bác sĩ thời ấy đã hết lòng cứu chữa. Người mẹ bây giờ đã già rồi, nhưng không bao giờ quên chuyện cũ và ơn để đời của các bác sĩ.

Bây giờ với y học hiện đại thì bệnh máu RH có là cái gì đâu.  Họ chẩn đoán ngay từ trong bào thai, khắc phục lập tức, Nều chẳng may đẻ con ra họ tiếp máu, thay máu dễ dàng, tính mạng đứa trẻ bảo đảm hoàn toàn.

Thêm nữa con bé ngày nào ấy vẫn sống và còn thông minh chứ không ngu đần như bác sĩ Hương nói. Hóa ra bác sĩ động viên mẹ nó cho đỡ đau lòng, nếu mất nó. 

Bây giờ chẩn đoán trước, sau sinh dễ dàng, mọi thứ thuốc tiêm phòng, kể cả phòng ung thư cổ tử cung cho con gái cũng có. Vậy mà sao các bà mẹ lại phân vân không cho con đi tiêm phòng, một niềm mơ ước của thế hệ chúng tôi ngày xưa. 

Giá như này xưa có thuốc tiêm phòng thì thế hệ chúng tôi không phải thấp thỏm, phập phồng mỗi khi có dịch. Quanh tôi biết bao cháu đã chết vì biến chứng của sởi, viêm màng não, uốn ván... Có gia đình đẻ 5 cháu mà chỉ còn 1 vì 2 cháu chết cùng dịch sởi, 1 cháu viêm màng não và 1 cháu sốt cao co giật rồi chết... Những chuyện đau lòng thời tôi nuôi con nhiều vô kể.

Hỡi các bà mẹ trẻ, các ông, bà nội, ngoại hãy đưa con cháu mình đi tiêm phòng đi. Nếu chẳng may trong hàng triệu cháu có 1 cháu hy sinh, âu cũng là sự cống hiến cho khoa học mai sau. Hãy dũng cảm lên ! Tránh được bệnh gì, con cháu ta may được bệnh ấy không mắc. Con, cháu ta lành lặn , chẳng phải đó là niếm mơ ước của ta sao !

Tôi thấy trên VTV thường nhắc nhiều bậc cha, mẹ, ông , bà không cho con đi tiêm phòng, tôi thông cảm. Nhưng quí vị hãy dũng cảm lên, vì sự lành lặn, hạnh phúc của con, cháu mình.

Xin quí vị hãy vì tương lai con, cháu ta mà nghiêm túc nghĩ và đem chúng đi tiêm phòng. Chúc quí vị có những đứa con, cháu lý tưởng. Xin cám ơn ai đã đọc bài này.

Xin kính chào !
 

MỞ LÒNG.

Nóng quá ! Nóng từ trên xuống dưới, nóng từ ngoài vào trong. Nóng từ trên xuống dưới là nóng từ trên trời xuống dưới đất. Nóng từ ngoài vào trong là nóng từ nước ngoài vào trong nước mình. Nóng làm bao người mất ngủ, trẻ con , người già mắc đủ thứ bệnh. Toàn dân mất ăn, mất ngủ vì nóng sôi sục khi bọn  HÀNG XÓM quấy rối, phá hoại chúng ta, cướp sự bình an của dân ta. Gọi là hàng xóm vì chúng ở ngay cạnh ta, chứ hàng xóm gì chúng.

Thật khó chịu khi phải ở gần cái hàng xóm khốn kiếp này, nhưng ta làm gì có quyền chọn láng giềng gần này, nên đành phải tìm đủ mọi cách để sao cho dân sống bình yên. Vậy mà quá khó bao  thế kỷ nay. Ông cha ta đã khổ mãi, thời Hai bà Trưng mới tạm thoát khỏi chúng... Lịch sử để lại cho ta bao bài học. Vậy mà nay, chúng ta vẫn phải ăn không ngon, ngủ không yên vì chúng.

Nhớ lại khi bắt đầu đi làm tôi cứ cảm thấy sướng vì đất nước ta hòa bình. Tưởng rằng cuộc đời từ nay sẽ yên ổn. Thế mà có yên ổn đâu, 2 đứa con tôi sinh ra cũng phải trải qua chiến tranh. Thế rồi 4 đứa cháu của tôi chắc gì đã không biết đến chiến tranh.

 Nhớ lại ngày đầu đi làm, trình độ của hầu hết cán bộ VN  là thấp. VN chỉ có đúng một cơ quan khoa học cao nhất là Ủy Ban Khoa học Nhà nước (UBKHHNN). Chỉ có trình độ lớp 7 và một chút tiếng Nga dùng trong giao tiếp mà tôi dám vào làm phiên dịch phòng liên lạc Quốc tế UBKHHNN. Ông Trường Chinh làm chủ nhiệm, ông Bùi Công Trừng làm phó chủ nhiệm phụ trách kinh tế, ông Tạ Quang Bửu phó chủ nhiệm kiêm tổng thư ký. Các ông là bậc cha chú thì làm việc ở các viện của UBKHHNN như ông Trần Văn Giầu, ông Hoàng Minh Chính, ông Đặng Kim Giang, ông Trần Phương... đều coi tôi là con và vì thế họ gọi tôi là con cưng của UB.

Con cưng là bề ngoài, thực chất thì công việc vô cùng nặng nhọc, quá khả năng, quá trình độ của mình hàng ngàn lần. thời gian ấy máy bay sang ta không giờ giấc, đêm đến cũng phải đi đón các viện sĩ viện hàn lâm khoa học các nước đến họp, hội nghị. Trình độ khoa học hoàn toàn không có, mà UBKHHNN chỉ làm việc với các viện sĩ viện hàn lâm khoa học các nước XHCN. Các đại biểu không có phiên dịch, họ là viện sĩ thông tấn, viện sĩ cả, vậy mà sang UBKHHNN lại làm việc với một con bé phiên dịch chưa đầy 20 tuổi, không có trình độ gì, không hiểu lúc đó họ nghĩ sao, vì tiếng Nga lúc đó hiếm, mà phe XHCN chỉ dùng tiếng Nga. Còn tiếng Anh, tiếng Pháp thì thời nay vẫn phải quì gối lạy các bậc tiền bối của ta là  CỤ TỔ. Các cụ giỏi lắm, nói, viết như gió.

Sau 7 năm làm việc tôi mới vào đại học và mới biết sự đánh giá của các viện sĩ khi làm việc với tôi. Họ thấy không có tôi đi dịch, hỏi ra họ mới biết trình độ chỉ lớp 7, nên tôi phải vào đại học để nâng cao kiến thức. Họ ngạc nhiên và nói nếu nước họ Viện hàn lâm khoa học có 1 phiên dịch như tôi thì không bao giờ thả cho đi đâu.

Khi mới vào làm việc tôi chán nản đến tột độ, vì mình có biết gì đâu. Khó quá tôi đành xin ông Tạ Quang Bửu:

- Chú ơi, cho cháu trở lại bộ đội, cháu làm gì cũng được, chứ dịch khó quá. Cháu không đảm nhiệm nổi công việc này. Một phiên dịch phòng liên lạc quốc tế, toàn làm việc với các viện sĩ. Hội nghị khoa học cao cấp của các viện hàn lâm khoa học các nước XHCN nghĩa thế này lỡ có gì sai sót.  

- Khó thì con phải cố làm bằng được. Vào bộ đội bây giờ làm gì, chú còn phải bỏ bộ đội sang đây làm, con đủ biết công việc khoa học trong lúc này là cần như thế nào.  bộ đội không có con chẳng sao, nhưng UB bây giờ đang rất cần con. Khó khăn gì cứ hỏi chú, chú giúp cho.

- Vâng ạ.

Bề trên khi dạy bảo xong tôi chỉ vâng ạ và cố thực hiện. Cố thực hiện, song khó khăn như cái núi trước mặt mình. Ngày làm không đủ thì làm đêm. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác cứ thường xuyên phải thức đến 1-2 giờ sáng để dịch, đánh máy cho kịp hội nghị...Các chú chỉ biết thương khi thấy làm việc quá sức và xoa đầu :" Con cưng UB chịu khó nhé. Con giỏi lắm ! Công việc khoa học trong hòa bình  là vậy ". Chỉ có những lời khen và cũng có khi được 1 cái hôn vào trán chứ chẳng bao giờ có 1 xu bồi dưỡng. Vậy mà tôi đã làm việc ở đó 7 năm.

Trong công việc làm xong không bao giờ được nói với ai. Tôi đã quen ở thời làm liên lạc cho BTTL rồi. Nhưng những khi bức bối quá, thắc mắc quá không thể im lặng như lúc bé mù chữ được, nên cũng hỏi lại ông Tạ Quang Bửu. Tôi chỉ hỏi những gì rất cần phải biết. Một lần tôi hỏi:

- Chú ơi, sao bảo các nước xã hội chủ nghĩa trong phe XHCN thì giúp nhau  VÔ TƯ mà mỗi khi bàn đến viện trợ khoa học hay một vấn đề gì khác đều chẳng vô tư tí nào. Nói sùi bọt mép ra mà không xong. Họ ích kỷ thế, chú nhỉ ?

- Không phải, nói vô tư là nói thế thôi, chứ trong công việc, nhất là khoa học, quân sự, kinh tế... thì không có 2 từ đó. Mà con phải nhớ kỹ điều này:" Đàm phán bất kỳ điều gì dù LỚN hay NHỎ  cũng phải nhớ  NGUYÊN TẮC HAI BÊN CÙNG CÓ LỢI." Mà 2 bên cùng có lợi đâu phải vấn đề dễ.

Tôi bỗng nhớ ông đi hội nghị Giơnevo và ký hiệp nghị thay VN thì im thin thít và cũng lại 2 từ quen thuộc VÂNG Ạ mà thôi. 

Cho nên bây giờ theo tôi, câu nói của ông TQB vẫn rất đúng. Ai cũng là con người, nên ai cũng nghĩ lợi cho mình. Mà là lãnh đạo thì cũng phải lo cho nước mình, nên ta cũng đừng trông chờ ở các nước " anh, em " dù chỉ là 1 lời nói VÔ TƯ đâu. Họ TO mấy thì TO, LỚN mấy thì LỚN , không bao giờ họ nói ủng hộ ta khi chạm đến quyền lợi họ đâu. Đừng hòng! 

Cho nên vấn đề của ta, ta phải tìm cách LO lấy thôi, đừng trông mong, tin tưởng vào ai. Còn thời sự ta phải theo sát để biết thôi, chứ lời nói của chúng ta bây giờ chỉ là hạt cát, hạt bụi, ông to, bà lớn nào quan tâm đến. May ra có ai đó quen lãnh đạo nói thì họ biết thôi chứ ý của họ thì thay đổi sao được.

Vậy mà một số trước đây học ở các nước liên quan  cãi nhau như mổ bò trên FB và thậm chí GHÉT nhau vì bênh nước này, chửi nước khác. Mất hết bạn bè, thật đáng tiếc! Mà bênh hay chửi thì ta có được gì đâu. Chỉ khi động đến ta thì ta không thể im lặng mà phải lên tiếng ngay -  như thằng cha nhà báo Đ. Kosyrev ngu ngốc, nói láo, tờ báo RIA NOVOSTI đăng bài đó thì ta phải đáp ngay không do dự,  phải nói đến chính những nơi cần có tiếng của ta, tiếng của ta cần và đúng ở đó. Cái tờ báo ấy ta cũng không thể tha, lời nói của ta mới có trọng lượng,  mới có kết quả. Bởi ta đã học ở đó, ta là những người có học, không tha thứ cho những đứa xằng bậy vì 1 lý do nào đó mà làm tổn hại đến đất nước ta. Còn nước người ta mình nói sao được. Nếu người ta tốt với mình thì mình tốt lại. Còn xấu ta coi như không có nó, bây giờ ban lãnh đạo TQ là kẻ thù rồi, nhân dân TQ thì khác. Cụ Hồ chả phân biệt cho ta từ xưa là gì.

Ngày bé tôi vẫn học thuộc lòng câu :" Mình vì mọi người, mọi người vì mình ". Thật ra câu này chỉ đúng phần đầu thôi, còn rất và rất ít có phần 2 sau. Ai cũng vì mình cả. Mọi người vì mình ư ? Đừng hòng !!! Ở tất cả các mức độ từ thấp đến cao, phần 2 câu này chỉ là lý thuyết. Tôi tự nhẩm câu nói của ông TQB dặn : Hai bên cùng có lợi cho nhẹ lòng.

Ta tạm suy nghĩ ít đi một chút để đỡ ốm đau, đỡ tiền thuốc bảo hiểm 100% của ta và con cháu đỡ phải chăm sóc, buồn phiền vì ta là tốt lắm rồi. Còn bây giờ thì sợ gì chết.  Qui luật là sống gửi, thác về, lo gì. Cố giữ gìn sức khỏe cho con, cháu, bạn bè vui, phải không quí vị.

Có lần nói chuyện với ĐSĐMTQ LBNga, ông V.
V.Seraphimov, ông nói :" Natalja Khốiminovna, chị biết không, ơn trời cho ta một điều rất may là ta chỉ biết ngày sinh, còn trời không cho ta biết ngày, giờ, tháng , năm chết, vì nếu biết ngày chết sẽ chẳng ai làm được việc gì. Cũng vì thế mà có bao nhiêu công trình khoa học của các nhà khoa học để lại cho ta. Hay nói gần nhất là bản thân ta cũng làm được gì cho đất nước, cho dân tộc ta và cho gia đình ta. Chúng ta vì TQ, vì gia đình mà làm bất kỳ điều gì họ cần, không vì bản thân mình. Mà nói không vì bản thân mình cũng không đúng, có điều khi TQ cần thì ta chấp nhận. Ta cũng rất cần có gia đình và cũng phải lo cho mình chứ không lo sao được.

Giờ này chúng ta không chỉ cần có gia đình mà còn rất, rất cần có bạn tốt. Đến lúc này mà không có bạn tốt thì cuộc đời ta coi như bỏ đi, đau khổ lắm, các vị ạ.

Buồn quá nên mới mở lòng với ai cũng có thời gian như tôi và cũng quan tâm như tôi cho nhẹ  bớt chút ít tấm lòng già mà ăn, mà ngủ. Tôi viết linh tinh, không đầu, không đuôi, không chủ đề gì, quí vị thông cảm nhé... Tạm dừng tại đây, khi nào hứng lên lại mở lòng tiếp. Cám ơn ai bỏ chút thời gian đọc bài này và mở lòng với tôi.( tấm ảnh trên là tôi chụp chia tay với bạn Phạm Minh Dương cùng lớp, sau này là phó tổng giám đốc đài THTW, khi tôi bỏ học đi làm).

Xin kính chào !