Du lịch Miền Trung 2012

BUÔN CHUYỆN.( 3 ) (thi đại học)



Mỗi thời cái tên một khác, mỗi thời luật một khác, mỗi thời, đặc biệt, con người một khác. Vào những năm 1970-1980  bộ giáo dục  chia thành bộ giáo dục và BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP.( bộ ĐHTHCN).

Vào những năm này các trường đại học đã tuyển nhiều sinh viên hơn. Để chuẩn bị cho thống nhất đất nước, các ngành mới cũng nhiều hơn, số cán bộ tốt nghiệp đại học ở các nước về dạy các trường đại học cũng nhiều hơn hẳn.

Nói ra thì nhiều người cho là bịa, nhưng khóa I trường đại học bách khoa không đủ thầy, cô giáo coi thi nên phải lấy cả y tá, cấp dưỡng coi thi vào đại học. Thế nhưng cả người coi thi lẫn người đi thi rất nghiêm túc, không có trường hợp nào phải khiển trách.

Ngày nay thấy đội ngũ các cháu đi thi đại học tôi lại nhớ cách đây gần 40 năm, khi những người lứa tuổi tôi có con đi thi đại học. Trường Bách khoa số cán bộ giảng dạy và các bộ công nhân viên nhiều lắm. Thường cán bộ giảng dạy có vợ là thí nghiệm viên, nhân viên hành chính, công nhân và cấp dưỡng của trường.  Con em họ học các trường phổ thông cấp 3 quanh trường. Các cháu chỉ học ở trường, về nhà thắc mắc gì hỏi bố là chính, còn cần thì hỏi hàng xóm, những thầy có đủ trình độ giải thích bài. Chẳng bao giờ có chuyện học thêm, lớp riêng...

Trước khi thi đại học thường các ông bố hỏi con đã chuẩn bị kỹ cho ngày mai đi thi chưa, còn cũng ít khi mẹ chú ý đến học mà chuẩn bị gì đó cho con ăn 2 ngày đi thi  TƯƠM 1 tí. Nghĩa là vài lạng thịt, vài quả trứng, vài quả chuối, ít chè giải khát. Tôi muốn kể để các vị, những ai chưa biết 1 chút lúc ấy ở trường ĐHBK HN, một vài chuyện không biết vui hay buồn, nhưng có thật. Chả là tôi thấy bây giờ 1 người đi thi thì khổ cả gia đình lo, chạy, còn nhà nước thì lo bài thi, nơi thi, người coi thi...

Vào thời kỳ đó cán bộ coi thi ở đâu do bộ ĐHTHCN đảm nhiệm, nghĩa là các trường báo cáo số cán bộ phân công đi coi thi lên bộ. Bộ phân số cán bộ ấy đi địa phương nào thì cứ thế mà làm. Về các địa phương thì phân công ai coi phòng nào, mấy phòng, đó là việc của trường...

Học sinh thi đại học thì các địa phương có nhiều người  thi tự tổ chức tại đó, địa phương ít người thi thì vài địa phương gần nhau lập thành 1 địa điểm thi.

Học sinh không phải đi tập trung như bây giờ. Các môn thi chỉ có A, B, C, D, đơn giản. Các khối thi cùng ngày, chỉ khác phòng thi thôi. Tất nhiên số học sinh đi thi quá ít  so với bây giờ . Cán bộ coi thi chỉ việc bóc phong bì bài thi, viết lên bảng và trông coi không coppy, không mang sách, vở vào phòng thi... không mang bất cứ thứ gì ngoài bút, giấy nháp vào thi là được. 

Các cháu ở BK đi thi hồi ấy so với các nơi khác hơi thiệt 1 chút, vì bố, mẹ là cán bộ giảng dạy thì không ai đưa đi thi, phải tự đạp xe đi, về. Có một số cháu mẹ làm các công việc khác cố gắng bố trí xin nghỉ phép đèo con đi thi, hầu hết các trường ở HN nên không khó khăn lắm. Tôi kể vài chuyện vui để mọi người giải trí 1 chút:

Câu chuyện thứ nhất:

Một gia đình bố, mẹ cùng dạy đại học, nhưng ở 2 trường khác nhau. Bố nó được coi thi ở HN, còn mẹ nó coi ở Hà Tây. Nó là con gái đầu lòng, mới 16 tuổi đi thi. Buổi tập trung điểm danh bố nó về nói với mẹ nó :

- Anh được phân công trông đúng trường con gái mình thi.

- Tốt quá, thế là 2 bố con đèo nhau đi thi, khỏi phải lo gì.

- Nhưng anh đề nghị trường phân công cho anh sang trông ở trường khác rồi.

- Sao thế ?

- Anh sợ người ta bảo mình lợi dụng đưa bài cho con, không trung thực, anh là đảng viên, phải giữ danh dự của Đảng.

- Anh dở hơi à ? Anh biết gì về toán, lý , hóa mà làm hộ nó ! Cái tiếng Nga của anh nó không cần ! Chẳng qua nếu có đi cùng trường thì đèo nó đi cho nó đỡ mệt và động viên nó bình tĩnh. May ra anh chỉ làm được có thế thôi. còn sợ gà à, còn lâu anh mới đủ trình độ bằng nó mà gà.

- Nhưng anh đã đi trường khác rồi. Sợ người ta nghi ngờ mình không trung thực lại nhờ ai đó giúp nó thì sao.

- Đúng là hâm đến tỷ độ. Cần thì ở tận miền núi tôi cũng nhờ được chứ cứ gì ở cùng trường. Trung thực nó ở cái đầu anh ấy chứ có phải ở xa hay gần, cùng trường hay khác trường. 

Hôm sau đi coi thi về, mẹ nó hỏi có làm được bài không thì nó nói:

- Bài thì con làm được. Chỉ có điều khi đi, về cứ lủi thủ một mình. Lúc đến mọi người dặn dò con, cháu, xoa đầu, hôn con cháu cho đỡ lo thì con lủi thủi gửi xe vào 1 mình. Làm bài xong họ ríu rít hỏi con, cháu thì con lại lủi thủi ra lấy xe về.

- Hoàn cảnh mỗi nhà một khác, con ạ. Chúc mừng con đã làm được bài.

Người mẹ trả lời xong, quay mặt đi lau nước mắt.( kết quả con bé đã đỗ )

Câu chuyện thứ 2:

Bố làm ban kiến thiết, mẹ là  thư ký đánh máy. Con gái đi thi, 2 người bàn nhau bồi dưỡng cho con 2 ngày thi:

- Anh yên tâm, em chuẩn bị đầy đủ cho con ăn tử tế 2 ngày thi rồi. 

Sáng hôm đi thi, con bé nhìn bữa sáng mẹ chuẩn bị cho nó, chẳng nói gì, nó cuốn trong tay ít giấy nháp và cái bút đi thẳng đến trường. May nó thi BK nên chỉ đi khoảng 10 phút là tới.

Trưa nó về ăn cơm. Chan tí nước rau muống húp xong bát cơm nó đi thi tiếp.

Sáng ngày thi thứ 2 cũng vậy, nó nhìn bữa sáng và lại lẳng lặng đi thi. Buổi trưa thi xong nó về mệt mỏi nằm lăn quay ra giường. Mẹ nó hỏi:

- Con mệt lắm à ? Chắc 2 ngày nay con ăn ít vì lo không ăn được nên mệt, nghỉ đi rồi sẽ khỏe.

-Không phải con lo không ăn được mà con đói vì không được ăn.

- Sao không được ăn ?

- Mẹ thử nghĩ xem, sáng ra con đi thi mẹ cho con ăn bánh mì trứng rán, 2 quả chuối, đi thi ăn trứng để mà nhận điểm 0 à, ăn chuối thì trượt vỏ chuối còn gì. ? Trưa về mệt chết đi, mẹ cho con ăn bí ngô sào thịt bò, rồi chè đậu đen. Đã bí làm bài lại ăn bí,  đã dốt lại ăn thịt bò, đã đen lại ăn đậu đen. Sáng nay mẹ cho con ăn xôi lúa( xôi ngô) vào lớp thi đã ngố như ngố tầu lại ăn ngô sắc thì còn gì để nói.

Mẹ nó ngẩn người ra vì không biết con mình kiêng.

- Mẹ không biết, con ạ.( kết quả con bé trượt)

Câu chuyện thứ 3.

-Chị H. này, lâu nay thi đại học tôi không thấy hỏi vấn đề X nhỉ.  Môn hóa ấy mà.

- Chị nói sao ?

- Thì lâu nay không thấy có câu hỏi về vấn đề X của môn hóa, tôi nói chơi thôi.

- P, P con vào đây nghe này, cô T. bảo lâu nay không thấy hỏi vấn đề X của môn hóa, con thấy không, chú ý tối nay ôn nhé.

Hôm sau đi thi về thằng P bảo mẹ nó:

- Mẹ ơi, hình như cô T biết đầu bài hay sao ý. Hôm nay có câu hỏi ấy. May hôm qua con ôn nên hôm nay làm tốt lắm.

- May mẹ gọi con ra nghe đấy chứ. Cô ấy chỉ nói thế chứ có biết gì đâu.( kết quả thằng bé đỗ )

Câu chuyện thứ 4.

Anh hàng xóm than phiền thằng bé thi bỏ mất 1 câu hỏi quang học quan trọng:

- Cô có biết không, tối hôm trước tôi nhìn bể nước, bất chợt thấy có vấn đề khúc xạ.  Lớp 10 có chương trình quang học  khúc xạ, mình thấy hay, gọi để giải thích cho nó, nó còn nói:

- Bố thì cái gì chả thấy hay. Ngày mai con thi đang ôn bò ra mà bố còn muốn giải thích linh tinh. Mai thi về, bố muốn nói gì thì nói.

- Thì đấy chỉ là 1/2 điểm thôi mà. Cháu nó học giỏi thế, lo gì.

- Tôi không lo mà tôi tức. Cô biết đấy con tôi đứa nào cũng giỏi, nó cũng giỏi, nhưng lẽ ra nó nghe tôi tối hôm trước có phải được 30 điểm không. Tôi chấm cả 3 bài của nó mà môn lý thì chỉ có 9,5 điểm thôi.

- Quá tốt rồi còn gì. Con anh được 29,5 điểm anh còn trách gì.

- Cô không biết hơn 10 đứa tôi kèm hộ mấy hôm trước khi đi thi, chúng hẹn nhau nếu chỉ 1 đứa dưới 30 điểm thì không liên hoan.

- Anh kèm cháu D học thêm à ?

- Thì cái thằng này giỏi mà lười, nên tôi phải bảo nó rủ 10 đứa khá 1 chút, bố kèm cho thi đại học mấy hôm, không lấy gì hết, miễn là con chịu khó học để thi. Nếu tất cả đều đạt điểm giỏi, bố cho tiền ăn liên hoan 1 bữa. Có thế thôi.

Viết mấy chuyện trên để ai có con cháu thi đại học bây giờ biết về thời xưa thi đại học thế nào. Nhiều cháu thi điểm 29-30 lắm. Lúc đó không có từ  THỦ KHOA, chỉ bố, mẹ chúng mừng và đủ điểm đi học nước ngoài ( không gọi là du học như bây giờ). Nếu trong nhà đã có người đi học nước ngoài rồi thì phải hơn điểm chuẩn của trường ít nhất là 4 điểm.

Khi xưa đi thi người ta chỉ gọi là học sinh đi thi đại học, chẳng có các từ mỹ miều SĨ TỬ như bây giờ. Nhà nào có con đi thi cũng  VÊNH VÁO  khoe. Có lần tôi thấy các cháu tập trung đi thi khổ sở, vất vả, tốn kém quá nên nói với một số người :

- Giá như cứ để cán bộ đi coi thi các vùng thì vừa đỡ tốn, đỡ khổ cho học sinh và gia đình chúng. Chỉ vất vả cho cán bộ coi thi, nhưng số ấy là ít, số học sinh mới nhiều.

Một số phản đối ngay:

- Bà chả hiểu gì, những thứ bà nói ra có là gì đâu, nhưng mọi người có con đưa chúng đi thi đại học, nhất là HN thì sướng biết bao, vinh dự biết bao...

- À ra thế, bệnh SĨ của mọi người.

Vậy mọi người nghĩ sao, nếu cứ thi như thế này hơn hay thi ở từng nơi, từng tỉnh hơn. Số cán bộ coi thi chắc chắn ít hơn nhiều so với thí sinh, phải không quí vị.

Buôn chuyện thi đại học đến đây tạm dừng. Xin cám ơn quí vị nào đã đọc và góp ý.

Xin kính chào !


 

3 nhận xét:

  1. Ôm chị gái 1 phát cho đỡ nóng, trong em nóng quá tối ngủ ko ngon chị gái ạ ! Hì hì

    Trả lờiXóa
  2. Em gái đọc hết cả câu chuyện chị gái kể rồi, cười nhất câu chuyện thứ 2 mà cô bé nhịn ko ăn những món kiêng mà bà mẹ đã nấu, những câu chuyện thi cử vẫn là tin thời sự nóng hổi chị gái nhỉ ? Ngày trước thời của bọn em cũng có đi học thêm gì đâu, bây giờ ko học thêm ko được chị gái ạ ! Giống như 1 trào lưu ấy, chị gái kể chuyện bao giờ cũng duyên

    Chúc chị gái vui khỏe cùng nắng nóng nhé ! Trong em mấy hôm nay nóng cực đỉnh, nhưng may có gió lào thổi chị gái ạ. Luôn bình yên nha chị gái ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn BD ghé thăm và để lại lời nhận xét. Bây giờ thấy bộn trẻ được chiều quá lúc đi thi mà thấy thương thế hệ con mình ngày trước đi thi. Tuy chẳng có gì ăn, chẳng được bố mẹ quan tâm lo cho đi thi về mọi mặt, nhưng chúng vẫn đỗ, vẫn học tốt. Còn bây giờ thì nhiều chuyện quá không biết nhận xét sao cho phải. Ngoài này đã nóng lại độ ẩm cao nên mệt mỏi hơn. Chúc BD vui 2 ngày nghỉ ! Chào !

    Trả lờiXóa