Du lịch Miền Trung 2012

LIỆT SĨ H nhà 41.



Bách khoa trước đây đất rộng, người thưa nên toàn xây nhà cấp 4. Mỗi nhà có khoảng 12 - 18 phòng, rộng 15 m2. Mỗi phòng chia cho 1 hộ, nếu gia đình từ 4 người trở lên, còn chia đôi là mỗi gia đình 3 người. Các nhà xây quay mặt vào nhau ( không chọn hướng nhà ) . Ở giữa là bể nước và bếp chung cho cả khoảng 30 hộ cho cả 2 nhà. Vì thế cứ đến giờ nấu cơm hay vừa đi làm về là bể nước, bếp người nhộn nhịp rửa ráy, nấu cơm...Tình người cũng từ đó nấy sinh rất đậm đà. Con 30 hộ thì mọi người lớn đều quan tâm, lo lắng, dậy dỗ như con mình. Có quả cà, bát canh rau tập tàng ngọt cũng chia cho hàng xóm...Trẻ con cũng thế, chúng chơi thân với nhau như anh, chị, em một nhà...

Vì sống chung như thế, nên nhà hàng xóm có gì thì mọi người đều tỏ tường như nhà mình. Tường nhà nọ sang nhà kia bằng rơm trôn đất sét. Cốt trong là tre hay nứa, đụng mạnh là có thể đổ. Ở lâu ngày tường nhà rỗ như mặt người lên đậu. Chính vì thế mà hàng xóm nhà tôi đục 1 cái lỗ ngay đầu giướng nhà mình to bằng 2 bàn tay, mình lấp lại chỉ một lúc sau lại hở ra nguyên xi. Bực mình kêu hàng xóm để con nghịch đục tường thì mẹ nó trả lời :
- Không phải trẻ con mà ông ấy đục tường nhà mày để ngó đồng hồ nhà mày xem giờ ! " Bực nhưng đành thông cảm để cho hàng xóm xem giờ hàng ngày, mình lấp lại thì họ bảo mình  ÍCH KỶ cũng phiền.

Cũng do sự  NHÒM NGÓ ấy mà con mình bắt chước mẹ nói ; " MAO CHỔI XỂ "  bị ông cán bộ giảng dạy khoa lịch sử đảng phê bình bố nó trong chi bộ là mẹ nó dậy con nói bậy, mất lập trường của đảng. Cũng do thế mà mình mới biết chuyện một liệt sĩ của gia đình khác trong 2 ngôi nhà cấp 4 này. Chuyện là thế này :

Hai nhà đối diện nhau, mở cửa nhìn thông thống sang nhau như nhà mình. Giờ nấu cơm sum họp gần như 30 nhà trong 1 bếp. Dẫy nhà đối diện nhiều cán bộ giảng dạy bộ môm lịch sử đảng, còn bên nhà tôi ở thì đủ thành phần.

Ngày xưa người ta không coi những người có trình độ học vấn cao và MÙ CHỮ khác nhau, chỉ khác nhau là vị trí công việc mà thôi. Chả thế mà nhiều NGƯỜI COI THI vào đại học Bách khoa khóa 1, khóa 2, khóa 3 là y tá, cấp dưỡng, thậm chí lao công của trường...Chuyện thật như  bịa mà lại có thật 100% ở thời kỳ đó.

Bên nhà đối diện với nhà tôi có cháu H. Cháu thường nấu cơm trưa, chiều trong bếp cùng các gia đình khác. Vừa nấu cơm, vừa tán đủ mọi chuyện trên đời mà cháu NHẶT được, hôm nào không có chuyện thì thổi sáo, hát...Cháu rất thích và thân với tôi, vì thời đó tất cả các cháu học cấp 2 đều học tiếng Nga, mà cháu thích hát tiếng Nga,  nên làm quen với tôi từ đầu. Thượng vàng, hạ cám, hay, dở cháu đều nói với tôi.

Thế rồi kháng chiến chống Mỳ trong giai đoạn sôi sục, cháu làm đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ. Tôi mừng thấy cháu trưởng thành và dũng cảm xin nhập ngũ để vào Nam chiến đấu , nên gặp cháu tôi hết sức động viên và lại hát những bài tiếng Nga cho cháu nghe và hát theo...Trong thời gian luyện tập để đi B, thỉnh thoảng ngày nghỉ cháu về nhà chơi. Vì học ở Lạng Sơn nên tôi ít gặp cháu...Lần cuối cháu nói với tôi : 

- Cô biết không, chúng cháu sắp hoàn thành khóa huấn luyện. Huân luyện xong là đi B. Chả biết cô cháu mình còn gặp nhau được mấy lần nữa ...
- Được gặp lần nào hay lần ấy. Mong cháu chân cứng, đá mêm, mũi tên hòn đạn tránh xa cháu...Cô cháu mình chắc còn gặp nhau nhiều, cháu nhỉ...
 - Cháu cũng mong và hy vọng thế.

Rồi lần sau về HN thực tâp, tôi nghe hàng xóm nói cháu đã đi B. Trước khi đi cháu nhớ gia đình, các em, hàng xóm trốn về thăm...Nhưng bố cháu lại sợ mọi người biết cho là cháu  ĐÀO NGŨ... mắng cháu thậm tệ và nói cháu là  THẰNG HÈN, mặc dù cháu đã giải thích...Bố cháu không nghe, nhốt cháu vào nhà tắm, khóa cửa chặt, hàng xòm thấy nhà tắm công cộng khóa, cháu kêu gào trong đó, yêu cầu thả ra...Sau giờ chiều bố cháu về, thả cháu ra đèo xe đạp đưa cháu về đơn vị... Đó là lần cuối cùng cháu về cái khu tập thể nghèo nàn, đầy tình người của ĐHBK HN.

Sau ngày chiến thắng trở về HN, tôi không bao giờ được gặp cháu và một số bạn cháu trong cái tập thể BK nữa... Các cháu đã  HY SINH  cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước...Đau lòng, tôi chỉ dám nhìn bố mẹ các cháu một cách buồn bã mà không dám ngỏ một lời nào...Họ cũng biết tôi yêu thương các cháu như con cháu mình, đôi khi cũng nói ít lời nhắc lại những kỷ niệm trẻ con hàng ngày của các cháu. Bây giờ những bậc cha mẹ các cháu cũng nhiều người không còn, tôi không gặp ai trong họ. Tuy vậy tôi không thể quên các cháu : NHỮNG LIỆT SĨ TRẺ TUỔI, khi hy sinh vẫn chỉ dưới 20 tuổi đời... Thật đau lòng mỗi khi nhắc đến các cháu!

Vô cùng cám ơn, biết ơn các cháu đã hy sinh vì sự tồn vong của đất nước, vì hạnh phúc của đồng bào... Các cháu ơi, cô Nga không bao giờ quên ơn của các cháu đâu. Cô luôn luôn nhớ các cháu...Nhân ngày 27/7, ngày THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ cô thắp nén tâm hương cho các cháu và tất cả các liệt sĩ, chúc tất cả các liệt sĩ MAU CHÓNG SIÊU THOÁT.

ĐỜI ĐỜI CÁC LIỆT SĨ VẪN SỐNG TRONG LÒNG TOÀN DÂN VIỆT NAM! CHÚNG TÔI MÃI MÃI BIẾT ƠN CÁC LIỆT SĨ !

Chia sẻ với quí vị một vài kỷ niêm luôn sống mãi trong tôi, nhất là những ngày này. Xin cám ơn các quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kình chào !
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét