Du lịch Miền Trung 2012

LIỆT SĨ T NHÀ 42 BÁCH KHOA.



Như đã viết ở bài liệt sĩ H, hôm nay lại viết sơ về liệt sĩ T ngay dẫy nhà tôi ở.

Nhà tôi ở có 15 gia đình toàn tạp nham : cán bộ giảng dạy toán, cơ, thể dục, Nga... và thêm mấy nhà lao công, thí nghiệm viên, cấp dưỡng, chăn nuôi. 

Bể nước, bếp công cộng của 2 dẫy nhà lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ : nơi đây mỗi nhà CHIẾM 1 chỗ vừa đúng đặt cái kiềng để nấu và 1 chỗ nhỏ đế cời tro khi cơm cạn vần xuống nấu tiếp nồi khác... Bể nước thì sạch bong, đầu bể nước chị O đặt 1 cái vại đựng nước gạo cho cả hơn 30 gia đình. Chẳng ai bảo ai, nhưng nước gạo, chút cơm cháy rửa nồi, miếng cơm trẻ không ăn nhè ra, tí canh thừa, cuộng rau già nhặt ... đều đổ vào thùng nước gạo...Chiều đến chị chủ lại chắt lấy mang về và rửa sạch vại cho ngày mai. Gọi là thùng nước gạo, nhưng nó rất sạch, không bao giờ có mùi gì. Cống thải của bể nước tập thể lộ thiên giữa 2 nhà, nhưng mọi người tự giác thấy bẩn là quét.

Trẻ con chơi với nhau con gái không bao giờ cãi nhau. Chúng thường tụ tập nhau hát, múa những bài hát chúng thích. Nơi đây có bộ 3 con gái đến tận bây giờ vẫn gắn bó với nhau T + T + LL. Chúng tự tổ chúc ca hát, múa, đóng kịch chuẩn bị cho  hội diễn trại hè của BK. Chẳng có người lớn hướng dẫn, mặc dù có cháu lúc đó còn nói ngọng : khoan khoan KHÒ khoan mà không nói được chư H. Ấy thế mà cũng được giải nhất khi biểu diễn đấy. Còn con trai cũng nghịch ngợm, thỉnh thoảng cũng  CHOẢNG nhau hay chửi nhau :" Đ...t mẹ mày " nhưng sau ít phút lại chơi với nhau như chưa hề có chuyện gì xẩy ra. Tôi nhớ khi mẹ cháu bị chửi tức mách bố cháu chửi, bố nó đánh con một trận khá đau, nhớ để đời, mỗi roi lại hét to :" P..con còn Đ..t mẹ nữa không ?" Thằng bé đâu quá hứa rối rít  :" Ba ơi , con biết lỗi rồi, từ nay con không đ..t  mẹ nữa  ạ. Con trừa rồi ạ !'...

Cháu T cũng nằm trong những cháu ở khu nhà này.  Mẹ cháu chăn nuôi của trường, còn bố cháu mổ lợn cho bếp ăn 1 tháng 5, một bếp duy nhất phục vụ cán bộ của tất cả cán bộ trường. Cũng chính vì vậy mà chị nuôi lợn, lấy nước gạo tập thể 2 nhà, thỉnh thoảng anh lại thịt lợn bán rẻ cho mỗi nhà 1 kg. Ôi 1 kg thịt lúc đó mới quí làm sao. Có lần tôi hỏi chị :
- Làm sao mà chị biết lợn đến lúc mổ cung cấp cho mỗi nhà một cân ?
- Dễ lắm, ông ấy lấy gang tay đo dọc con lợn, rồi đo qua bụng tính đủ gần 40 cân là thịt, nuôi con khác...Dễ ợt.

Chiều đến các gia đình đi làm, đi dạy về  là ra bể giặt rũ, rửa ráy, vào bếp nấu cơm hoặc gọi con trai lớn ra đằng sau gần sông Tô Lịch tưới  rau, tự túc của hầu hết các gia đình. Mỗi nhà ít nhất cũng có tới 3 luống rau, đủ ăn quanh năm. Lúc đo BK chưa có chợ mà muốn mua gì phải ra chợ Mơ...

Cháu T là anh cả với tiếp sau cháu là 1 lũ em gái và khóa đuôi là cậu út. Anh cả chăm lo , hướng dẫn, dạy dỗ các em tận tình thay cha, mẹ không có trình độ văn hóa chu đáo. Gương mẫu cho các em đủ điều, trong đó có học giỏi.

Người ta cứ bảo trẻ con 3 ngày 7 mặt, đằng này các cháu nhỏ không thế, nhưng lớn cũng nhanh lắm. Sau 5 năm học đại học ở Lạng Sơn trở về, mặc dù trước đây cô cháu vẫn quấn quít bên nhau, nhưng T lớn nhanh quá, tôi không còn nhận ra nữa.

Thấy tôi về cháu vào nhà nói đủ thứ chuyện vui, buồn trong thời gian qua rồi than phiền :
- Cháu buồn nhất là cô quên cháu rồi ! 
- Không phải quên mà cháu lớn nhanh cô không nhận ra !
- Thế mà cháu cứ tưởng cô thành kỹ sư nên giả vờ quên cháu !
- Đừng nói bậy, cô vẫn là cô Nga !
- Vâng, cháu xin lỗi. Cháu năm nay cũng sẽ là sinh viên ĐHBK rồi đấy cô ạ.
- Cháu giỏi thật, cô chúc mừng. Cố mà học giỏi thành kỹ sư cho bố, mẹ cháu mừng.
- Vâng, cháu sẽ hết sức ! Cô nhớ kèm cháu tiếng Nga nhé !
- Cô luôn sẵn sàng.
- Cô giỏi tiếng Nga thế, cháu nói cái này nhé :  Học xong khi thành ký sư BK thì cháu cũng hết cách 5 rồi. Học BK là vất vả, khổ sở đủ điều... Quần với môn quân sự, cô đã học qua BK biết đấy, kém gì bộ đội chính qui đâu, nên sau 1 tháng đứa nào, đưa ấy đen chùi chũi, gầy như quỉ đói. Thế chả hết cách 5 là gì !
- Cô vẫn không hiểu !
- Thì cô giỏi tiếng Nga phải biết cách 5 tiếng Nga tận cùng giống đực là -ÔM, -EM . Lúc ấy còn em nào muốn nhìn thấy mình nữa mà ÔM EM ?
- Ôi T ơi, cháu lớn thật rồi, dám nói với cô về yêu đương rồi đấy !
- Thì cháu 18 tuổi còn gì !
- Ừ, lớn thật rồi.

Lên năm thứ 2, tôi gặp cháu mấy lần. Có lần cháu vào nhà nói với tôi:
- Cô ơi cháu xung phong đi bộ đội rồi! Vào Nam chiến đấu, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực.
- Chúc cháu toại nguyện, chắc bộ đội sẽ nhận cháu !
- Thì cháu nói, cháu sắp nhập ngũ. Hôm nay vào chơi với cô không phải để học tiếng Nga mà để nghe cô hát mấy bài của lính Nga mà cháu thích cô đã dạy cháu trước ngày nhập ngũ đi chiến đấu...
- Thế à ! Thế thì cô cháu mình hát nhé. Nhưng trước khi hát cô chúc cháu lên đường bình an, chân cứng đá mềm, mũi tên, hòn đạn tự tránh xa cháu ra. Hẹn ngày chiến thắng gặp lại cháu sẽ  ĐỎ NGỰC.
- Cám ơn cô. Cô cháu mình hát nhé !

Hai cô cháu hát say sưa các bài hát của quân đội  Nga trong đại chiến thứ II.

Không ngờ sau ngày chiến thắng, sau nhiều ngày cháu không trở về. Một thời gian sau gia đình nhận được giấy báo tử... Cháu là lính xe tăng, hy sinh ngày 30/4, đúng trước cửa ngõ Sài gòn phút cuối cùng trước giờ chiến thắng..

Nỗi đau của gia đình, của cả 2 khu nhà chúng tôi... Tôi chỉ biết âm thầm nhẩm nhẩm :" Cầu xin cháu mau chóng siêu thoát để sau này quay trở lại với gia đình với đất nước VN đau thương mà anh dũng này !HỠI CÁC LIỆT SĨ TRẺ TUỔI CỦA ĐHBK HN  ngày ấy, mọi người luôn nhớ đến sự hy sinh cho sự trường tồn của đất nước này . Các liệt sĩ hãy yên giấc ngàn thu ! Toàn dân VN biết ơn các liệt sĩ đã quên mình, hiến thân cho Tổ Quốc !

ĐỜI ĐỜI CHÚNG TÔI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ !!! Các đ/c hãy yên giấc ngàn thu cho chúng tôi ở lại yên lòng.
Nhân này 27/7 viết lại mấy bài về con em của cán bộ, công nhân viên BK đã  hy sinh  cho chiến thắng ngày ấy !!! Họ đã ra đi cho Tổ Quốc VN trường tồn, cho đồng bào được sống yên ổn.
Xin chia sẻ và cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


1 nhận xét:

  1. Những ngày gian khổ mà đẹp đẽ.Cho nên cái đẹp nhất chính là những con người.Ở đây cũng vậy.

    Trả lờiXóa