Du lịch Miền Trung 2012

LIỆT SĨ T NHÀ 42 BÁCH KHOA.



Như đã viết ở bài liệt sĩ H, hôm nay lại viết sơ về liệt sĩ T ngay dẫy nhà tôi ở.

Nhà tôi ở có 15 gia đình toàn tạp nham : cán bộ giảng dạy toán, cơ, thể dục, Nga... và thêm mấy nhà lao công, thí nghiệm viên, cấp dưỡng, chăn nuôi. 

Bể nước, bếp công cộng của 2 dẫy nhà lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ : nơi đây mỗi nhà CHIẾM 1 chỗ vừa đúng đặt cái kiềng để nấu và 1 chỗ nhỏ đế cời tro khi cơm cạn vần xuống nấu tiếp nồi khác... Bể nước thì sạch bong, đầu bể nước chị O đặt 1 cái vại đựng nước gạo cho cả hơn 30 gia đình. Chẳng ai bảo ai, nhưng nước gạo, chút cơm cháy rửa nồi, miếng cơm trẻ không ăn nhè ra, tí canh thừa, cuộng rau già nhặt ... đều đổ vào thùng nước gạo...Chiều đến chị chủ lại chắt lấy mang về và rửa sạch vại cho ngày mai. Gọi là thùng nước gạo, nhưng nó rất sạch, không bao giờ có mùi gì. Cống thải của bể nước tập thể lộ thiên giữa 2 nhà, nhưng mọi người tự giác thấy bẩn là quét.

Trẻ con chơi với nhau con gái không bao giờ cãi nhau. Chúng thường tụ tập nhau hát, múa những bài hát chúng thích. Nơi đây có bộ 3 con gái đến tận bây giờ vẫn gắn bó với nhau T + T + LL. Chúng tự tổ chúc ca hát, múa, đóng kịch chuẩn bị cho  hội diễn trại hè của BK. Chẳng có người lớn hướng dẫn, mặc dù có cháu lúc đó còn nói ngọng : khoan khoan KHÒ khoan mà không nói được chư H. Ấy thế mà cũng được giải nhất khi biểu diễn đấy. Còn con trai cũng nghịch ngợm, thỉnh thoảng cũng  CHOẢNG nhau hay chửi nhau :" Đ...t mẹ mày " nhưng sau ít phút lại chơi với nhau như chưa hề có chuyện gì xẩy ra. Tôi nhớ khi mẹ cháu bị chửi tức mách bố cháu chửi, bố nó đánh con một trận khá đau, nhớ để đời, mỗi roi lại hét to :" P..con còn Đ..t mẹ nữa không ?" Thằng bé đâu quá hứa rối rít  :" Ba ơi , con biết lỗi rồi, từ nay con không đ..t  mẹ nữa  ạ. Con trừa rồi ạ !'...

Cháu T cũng nằm trong những cháu ở khu nhà này.  Mẹ cháu chăn nuôi của trường, còn bố cháu mổ lợn cho bếp ăn 1 tháng 5, một bếp duy nhất phục vụ cán bộ của tất cả cán bộ trường. Cũng chính vì vậy mà chị nuôi lợn, lấy nước gạo tập thể 2 nhà, thỉnh thoảng anh lại thịt lợn bán rẻ cho mỗi nhà 1 kg. Ôi 1 kg thịt lúc đó mới quí làm sao. Có lần tôi hỏi chị :
- Làm sao mà chị biết lợn đến lúc mổ cung cấp cho mỗi nhà một cân ?
- Dễ lắm, ông ấy lấy gang tay đo dọc con lợn, rồi đo qua bụng tính đủ gần 40 cân là thịt, nuôi con khác...Dễ ợt.

Chiều đến các gia đình đi làm, đi dạy về  là ra bể giặt rũ, rửa ráy, vào bếp nấu cơm hoặc gọi con trai lớn ra đằng sau gần sông Tô Lịch tưới  rau, tự túc của hầu hết các gia đình. Mỗi nhà ít nhất cũng có tới 3 luống rau, đủ ăn quanh năm. Lúc đo BK chưa có chợ mà muốn mua gì phải ra chợ Mơ...

Cháu T là anh cả với tiếp sau cháu là 1 lũ em gái và khóa đuôi là cậu út. Anh cả chăm lo , hướng dẫn, dạy dỗ các em tận tình thay cha, mẹ không có trình độ văn hóa chu đáo. Gương mẫu cho các em đủ điều, trong đó có học giỏi.

Người ta cứ bảo trẻ con 3 ngày 7 mặt, đằng này các cháu nhỏ không thế, nhưng lớn cũng nhanh lắm. Sau 5 năm học đại học ở Lạng Sơn trở về, mặc dù trước đây cô cháu vẫn quấn quít bên nhau, nhưng T lớn nhanh quá, tôi không còn nhận ra nữa.

Thấy tôi về cháu vào nhà nói đủ thứ chuyện vui, buồn trong thời gian qua rồi than phiền :
- Cháu buồn nhất là cô quên cháu rồi ! 
- Không phải quên mà cháu lớn nhanh cô không nhận ra !
- Thế mà cháu cứ tưởng cô thành kỹ sư nên giả vờ quên cháu !
- Đừng nói bậy, cô vẫn là cô Nga !
- Vâng, cháu xin lỗi. Cháu năm nay cũng sẽ là sinh viên ĐHBK rồi đấy cô ạ.
- Cháu giỏi thật, cô chúc mừng. Cố mà học giỏi thành kỹ sư cho bố, mẹ cháu mừng.
- Vâng, cháu sẽ hết sức ! Cô nhớ kèm cháu tiếng Nga nhé !
- Cô luôn sẵn sàng.
- Cô giỏi tiếng Nga thế, cháu nói cái này nhé :  Học xong khi thành ký sư BK thì cháu cũng hết cách 5 rồi. Học BK là vất vả, khổ sở đủ điều... Quần với môn quân sự, cô đã học qua BK biết đấy, kém gì bộ đội chính qui đâu, nên sau 1 tháng đứa nào, đưa ấy đen chùi chũi, gầy như quỉ đói. Thế chả hết cách 5 là gì !
- Cô vẫn không hiểu !
- Thì cô giỏi tiếng Nga phải biết cách 5 tiếng Nga tận cùng giống đực là -ÔM, -EM . Lúc ấy còn em nào muốn nhìn thấy mình nữa mà ÔM EM ?
- Ôi T ơi, cháu lớn thật rồi, dám nói với cô về yêu đương rồi đấy !
- Thì cháu 18 tuổi còn gì !
- Ừ, lớn thật rồi.

Lên năm thứ 2, tôi gặp cháu mấy lần. Có lần cháu vào nhà nói với tôi:
- Cô ơi cháu xung phong đi bộ đội rồi! Vào Nam chiến đấu, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực.
- Chúc cháu toại nguyện, chắc bộ đội sẽ nhận cháu !
- Thì cháu nói, cháu sắp nhập ngũ. Hôm nay vào chơi với cô không phải để học tiếng Nga mà để nghe cô hát mấy bài của lính Nga mà cháu thích cô đã dạy cháu trước ngày nhập ngũ đi chiến đấu...
- Thế à ! Thế thì cô cháu mình hát nhé. Nhưng trước khi hát cô chúc cháu lên đường bình an, chân cứng đá mềm, mũi tên, hòn đạn tự tránh xa cháu ra. Hẹn ngày chiến thắng gặp lại cháu sẽ  ĐỎ NGỰC.
- Cám ơn cô. Cô cháu mình hát nhé !

Hai cô cháu hát say sưa các bài hát của quân đội  Nga trong đại chiến thứ II.

Không ngờ sau ngày chiến thắng, sau nhiều ngày cháu không trở về. Một thời gian sau gia đình nhận được giấy báo tử... Cháu là lính xe tăng, hy sinh ngày 30/4, đúng trước cửa ngõ Sài gòn phút cuối cùng trước giờ chiến thắng..

Nỗi đau của gia đình, của cả 2 khu nhà chúng tôi... Tôi chỉ biết âm thầm nhẩm nhẩm :" Cầu xin cháu mau chóng siêu thoát để sau này quay trở lại với gia đình với đất nước VN đau thương mà anh dũng này !HỠI CÁC LIỆT SĨ TRẺ TUỔI CỦA ĐHBK HN  ngày ấy, mọi người luôn nhớ đến sự hy sinh cho sự trường tồn của đất nước này . Các liệt sĩ hãy yên giấc ngàn thu ! Toàn dân VN biết ơn các liệt sĩ đã quên mình, hiến thân cho Tổ Quốc !

ĐỜI ĐỜI CHÚNG TÔI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SĨ !!! Các đ/c hãy yên giấc ngàn thu cho chúng tôi ở lại yên lòng.
Nhân này 27/7 viết lại mấy bài về con em của cán bộ, công nhân viên BK đã  hy sinh  cho chiến thắng ngày ấy !!! Họ đã ra đi cho Tổ Quốc VN trường tồn, cho đồng bào được sống yên ổn.
Xin chia sẻ và cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


LIỆT SĨ H nhà 41.



Bách khoa trước đây đất rộng, người thưa nên toàn xây nhà cấp 4. Mỗi nhà có khoảng 12 - 18 phòng, rộng 15 m2. Mỗi phòng chia cho 1 hộ, nếu gia đình từ 4 người trở lên, còn chia đôi là mỗi gia đình 3 người. Các nhà xây quay mặt vào nhau ( không chọn hướng nhà ) . Ở giữa là bể nước và bếp chung cho cả khoảng 30 hộ cho cả 2 nhà. Vì thế cứ đến giờ nấu cơm hay vừa đi làm về là bể nước, bếp người nhộn nhịp rửa ráy, nấu cơm...Tình người cũng từ đó nấy sinh rất đậm đà. Con 30 hộ thì mọi người lớn đều quan tâm, lo lắng, dậy dỗ như con mình. Có quả cà, bát canh rau tập tàng ngọt cũng chia cho hàng xóm...Trẻ con cũng thế, chúng chơi thân với nhau như anh, chị, em một nhà...

Vì sống chung như thế, nên nhà hàng xóm có gì thì mọi người đều tỏ tường như nhà mình. Tường nhà nọ sang nhà kia bằng rơm trôn đất sét. Cốt trong là tre hay nứa, đụng mạnh là có thể đổ. Ở lâu ngày tường nhà rỗ như mặt người lên đậu. Chính vì thế mà hàng xóm nhà tôi đục 1 cái lỗ ngay đầu giướng nhà mình to bằng 2 bàn tay, mình lấp lại chỉ một lúc sau lại hở ra nguyên xi. Bực mình kêu hàng xóm để con nghịch đục tường thì mẹ nó trả lời :
- Không phải trẻ con mà ông ấy đục tường nhà mày để ngó đồng hồ nhà mày xem giờ ! " Bực nhưng đành thông cảm để cho hàng xóm xem giờ hàng ngày, mình lấp lại thì họ bảo mình  ÍCH KỶ cũng phiền.

Cũng do sự  NHÒM NGÓ ấy mà con mình bắt chước mẹ nói ; " MAO CHỔI XỂ "  bị ông cán bộ giảng dạy khoa lịch sử đảng phê bình bố nó trong chi bộ là mẹ nó dậy con nói bậy, mất lập trường của đảng. Cũng do thế mà mình mới biết chuyện một liệt sĩ của gia đình khác trong 2 ngôi nhà cấp 4 này. Chuyện là thế này :

Hai nhà đối diện nhau, mở cửa nhìn thông thống sang nhau như nhà mình. Giờ nấu cơm sum họp gần như 30 nhà trong 1 bếp. Dẫy nhà đối diện nhiều cán bộ giảng dạy bộ môm lịch sử đảng, còn bên nhà tôi ở thì đủ thành phần.

Ngày xưa người ta không coi những người có trình độ học vấn cao và MÙ CHỮ khác nhau, chỉ khác nhau là vị trí công việc mà thôi. Chả thế mà nhiều NGƯỜI COI THI vào đại học Bách khoa khóa 1, khóa 2, khóa 3 là y tá, cấp dưỡng, thậm chí lao công của trường...Chuyện thật như  bịa mà lại có thật 100% ở thời kỳ đó.

Bên nhà đối diện với nhà tôi có cháu H. Cháu thường nấu cơm trưa, chiều trong bếp cùng các gia đình khác. Vừa nấu cơm, vừa tán đủ mọi chuyện trên đời mà cháu NHẶT được, hôm nào không có chuyện thì thổi sáo, hát...Cháu rất thích và thân với tôi, vì thời đó tất cả các cháu học cấp 2 đều học tiếng Nga, mà cháu thích hát tiếng Nga,  nên làm quen với tôi từ đầu. Thượng vàng, hạ cám, hay, dở cháu đều nói với tôi.

Thế rồi kháng chiến chống Mỳ trong giai đoạn sôi sục, cháu làm đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ. Tôi mừng thấy cháu trưởng thành và dũng cảm xin nhập ngũ để vào Nam chiến đấu , nên gặp cháu tôi hết sức động viên và lại hát những bài tiếng Nga cho cháu nghe và hát theo...Trong thời gian luyện tập để đi B, thỉnh thoảng ngày nghỉ cháu về nhà chơi. Vì học ở Lạng Sơn nên tôi ít gặp cháu...Lần cuối cháu nói với tôi : 

- Cô biết không, chúng cháu sắp hoàn thành khóa huấn luyện. Huân luyện xong là đi B. Chả biết cô cháu mình còn gặp nhau được mấy lần nữa ...
- Được gặp lần nào hay lần ấy. Mong cháu chân cứng, đá mêm, mũi tên hòn đạn tránh xa cháu...Cô cháu mình chắc còn gặp nhau nhiều, cháu nhỉ...
 - Cháu cũng mong và hy vọng thế.

Rồi lần sau về HN thực tâp, tôi nghe hàng xóm nói cháu đã đi B. Trước khi đi cháu nhớ gia đình, các em, hàng xóm trốn về thăm...Nhưng bố cháu lại sợ mọi người biết cho là cháu  ĐÀO NGŨ... mắng cháu thậm tệ và nói cháu là  THẰNG HÈN, mặc dù cháu đã giải thích...Bố cháu không nghe, nhốt cháu vào nhà tắm, khóa cửa chặt, hàng xòm thấy nhà tắm công cộng khóa, cháu kêu gào trong đó, yêu cầu thả ra...Sau giờ chiều bố cháu về, thả cháu ra đèo xe đạp đưa cháu về đơn vị... Đó là lần cuối cùng cháu về cái khu tập thể nghèo nàn, đầy tình người của ĐHBK HN.

Sau ngày chiến thắng trở về HN, tôi không bao giờ được gặp cháu và một số bạn cháu trong cái tập thể BK nữa... Các cháu đã  HY SINH  cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước...Đau lòng, tôi chỉ dám nhìn bố mẹ các cháu một cách buồn bã mà không dám ngỏ một lời nào...Họ cũng biết tôi yêu thương các cháu như con cháu mình, đôi khi cũng nói ít lời nhắc lại những kỷ niệm trẻ con hàng ngày của các cháu. Bây giờ những bậc cha mẹ các cháu cũng nhiều người không còn, tôi không gặp ai trong họ. Tuy vậy tôi không thể quên các cháu : NHỮNG LIỆT SĨ TRẺ TUỔI, khi hy sinh vẫn chỉ dưới 20 tuổi đời... Thật đau lòng mỗi khi nhắc đến các cháu!

Vô cùng cám ơn, biết ơn các cháu đã hy sinh vì sự tồn vong của đất nước, vì hạnh phúc của đồng bào... Các cháu ơi, cô Nga không bao giờ quên ơn của các cháu đâu. Cô luôn luôn nhớ các cháu...Nhân ngày 27/7, ngày THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ cô thắp nén tâm hương cho các cháu và tất cả các liệt sĩ, chúc tất cả các liệt sĩ MAU CHÓNG SIÊU THOÁT.

ĐỜI ĐỜI CÁC LIỆT SĨ VẪN SỐNG TRONG LÒNG TOÀN DÂN VIỆT NAM! CHÚNG TÔI MÃI MÃI BIẾT ƠN CÁC LIỆT SĨ !

Chia sẻ với quí vị một vài kỷ niêm luôn sống mãi trong tôi, nhất là những ngày này. Xin cám ơn các quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kình chào !
 

HỒNG ANH .




Mới đấy mà đã 7 năm rồi, Hồng Anh ơi ! Hình ảnh bạn vẫn đâu đây như những ngày nào chúng ta bên nhau trong mọi sinh hoạt...Trong đầu tôi hiện nguyên hình từng giai đoạn hơn 55 năm chơi với nhau. 

Lần đầu tiên làm quen với Hồng Anh ở bãi xem phim Khu học xá TQ. Hôm ấy tôi tự làm quen với Hồng Anh khi 2 đứa vô tình ngồi bên nhau :
- Bạn Hồng Anh này, tôi là LTN, học sinh cấp 1. Tôi biết bạn học cấp 2, nhưng tôi vẫn muốn làm quen. Lý do rất đặc biệt. Hồi còn là cô Bé LL của BTTL, tôi nghe anh em bộ đội nói bạn có bức thư của mẹ viết bằng máu ở Hỏa lò trước khi hy sinh, có phải không. Tôi ngưỡng mộ bà Quang Thái lắm. Bạn có thể cho tôi xem bức thư ấy được không ?
- Được chứ sao ! Bạn là liên lạc viên bộ Tổng tư lệnh à ? Ba tôi làm ở đó đấy.
- Tôi biết bác Văn mà. Chúng tôi dưới quyền bác , nên anh em mới bảo nhau là bà Thái có bức thư viết cho con gái bằng máu. Ông Văn không giữ mà giao cho con gái giữ...
- Có bức thư đó thật, tôi vẫn đang giữ, nhưng không phải bằng máu mà bằng mực tím.
- Cho tôi xem với nhé ! Tôi rất và rất muốn xem !
- Mai nhé, hôm nay xem phim xong muộn rồi...
- Hẹn gặp nhau ngày mai nhé !

Sáng hôm sau y hẹn, Hồng Anh cho tôi xem bức thư:
- Đọc đi, ngắn thôi mà.
- Cám ơn bạn, tôi đọc ngay ! Bạn cho tôi đọc à ? Tôi tưởng chỉ cho xem hóa ra cho đọc, tuyệt quá !
Đọc xong tôi trả lại bức thư cho Hồng Anh :
- Chữ mực tím rõ quá, bác Thái viết đẹp thế ! Tôi đọc lại bức thư cho bạn nghe xem có đúng không nhé. Tôi thích và tâm đắc nhất câu này : " ..." 
- TN thuộc nhanh nhỉ !
- Thì cái gì tôi thích là chỉ một lần là thuộc. Kể cả các bài hát hay điệu múa. Nhưng học thì thường thôi, không giỏi như Hồng Anh đâu !
- Sao biết tôi giỏi ?
- Thì các bạn đồn thế !...

Chẳng bao lâu không ngờ chúng tôi lại cùng nhau sang LX học trường TNVN Moskva. Thế là có dịp chúng tôi gần nhau hơn. Vừa sang đến nơi tôi bị sốt rét, phải nắm trạm xá. Cứ mỗi khi chị y tá đi kiểm tra sức khỏe của học sinh là Hồng Anh và Việt Nga rủ nhau lẻn vào thăm tôi. Gặp nhau chỉ để chuyện trò linh tinh và 2 bạn dạy tôi hát bài hát tiếng Nga mới học được.

Trong trường chúng tôi có nhiều tổ ngoại khóa cho tất cả học sinh học ngoài giờ, ai thích gì thì học nấy, chỉ với điều kiện là thuộc bài. Tôi, Hồng Anh và Việt Nga đều tham gia tổ ca, múa, nhạc... Mỗi tuần 2 buổi học hát, học múa, rồi đi biểu diễn...Đi đâu 3 đứa cũng đi với nhau cho đến ngày trường giải tán...

Chúng tôi mỗi người một ngả, thỉnh thoảng mới gặp nhau, cho đến khi ở Hà nội nổi lên phong trào học khí công dân tộc của thầy BLT. Tôi rủ Hồng Anh cùng đi tập để rèn luyện sức khỏe và chữa bệnh...Lại có dịp hàng ngày bên nhau tập khí công. Thỉnh thoảng thầy tổ chức đi dã ngoại Yên Tử, Cúc Phương...chúng tôi cũng cùng đi học và luyện công... Mấy năm sau tôi bỏ học, Hồng Anh và con gái tôi vẫn theo, 2 cô cháu thân với nhau lắm... Thỉnh thoảng Hồng Anh vẫn đến nhà chơi, ăn cơm chay, xôi sắn...

Lần cuối cùng gặp Hồng Anh khi chúng tôi tham gia cầu siêu cho Minh Dương ở chùa Hòe Nhai HN. Tôi không dự cơm chay mà về sớm, Hồng Anh tiễn  tôi ra cổng hỏi sao không dự cơm chay nhà chùa để lấy lộc. Tôi trả lời không quen ăn cơm ở ngoài. Thấy Hồng Anh đứng nói chuyện vơi tôi không tiện, tôi dục :
- Này, vào đi kẻo người ta đợi ! Mà vào ăn cơm chay lấy lộc cho béo lên chút chứ gầy quá.
- Thì TN có khác gì đâu mà chê người ta gầy !
- Nhưng thú thật đi, sao gầy thế ? Sức khỏe thế nào ? Còn hen không ?
- Thì cứ thấy khó thở mình vận khí là hết ngay. Vẫn khỏe, chả ốm đau gì. Chỉ tại ăn chay lâu quá nên gầy thôi.
- Thôi, thôi bỏ ngay ăn chay đi, thiếu chất nên gầy như quỉ đói thế kia ! Tôi phản đối đấy ! 
- Thì bây giờ thôi ăn chay rồi. Gầy mà khỏe là được !
- Ừ khỏe là được, có khi khỏe, gầy lại sống lâu đấy. Ông thọ thế chắc Hồng Anh thời đại này còn sống lâu hơn ông ấy nhỉ.
- CŨNG CÓ THỂ ( đó là câu nói cuối cùng của Hồng Anh nói với tôi. ) ! Chào !
- Chào !


Tháng 7/2009 vừa về đến biên giới, sau chuyến đi sang Quế Lâm thăm trường cũ cùng đoàn TSQ thì nghe điện thoại con gái gọi :
- Mẹ về chưa ? Mẹ mau về đi ! Cô Hồng Anh không xong rồi...
- Chiều nay về tới HN, mẹ sẽ đi thăm.  Sáng hôm sau rủ các bạn đi thăm, hẹn nhau gặp tại bệnh viện , chiều hôm đó con về đến cửa nghe điện thoại, tôi chỉ nghe được con nói : 
- Cô Hồng Phúc ạ ? Cô Hồng Anh Sao Rồi ạ ?... Đi rồi ạ ?... Bao giờ ạ ?...Chiều hôm nay ạ ?...
-Hết rồi, Ly ơi! Mẹ định tổ chức các bạn mai đi thăm cô Hồng Anh thì hôm nay cô ấy đã ra đi ! Mẹ lại chậm 1 ngày... Ông Văn Cao, cô Xuân Phương, cô Minh Dương và hôm nay cô Hồng Anh... Mẹ lại chậm một ngày, Ly ơi ! Sao lại thế ???

Thế là câu cuối cùng của Hồng Anh nói với tôi đến nay tôi vẫn nhớ như in. Tại sao tôi lại dùng từ  CHÀO, vì tôi và Hồng Anh toàn dùng từ đó với nhau, để tưởng nhớ đến Hồng Anh, tôi tự hứa với mình lúc nào cũng dùng từ đó với mọi người. Hé mở cho quí vị biết là tôi dùng từ đó để BAO GIỜ  CŨNG NHỚ TỚI HỒNG ANH !
Bẩy năm qua, sắp đến ngày giỗ Hồng Anh, chia sẻ với quí vị nỗi nhớ và tiếc thương người bạn trẻ, đẹp gái , tài năng mà ra đi sớm quá !!!
Xin cám ơn quí vị đã đọc.
Xin kính chào !



OANH RA HÀ NỘI

Gặp nhau tại nhà Đoan