HÀ NỘI 12 NGÀY ĐÊM.
Tôi cứ chờ đợi bộ phim Hà nội 12 Ngày đêm mãi, theo quảng cáo của VTV1. Nhưng đến lúc xem mấy lần từ đâu đến cuối tôi thấy ngạc nhiên, vì toàn những đạo diễn và diễn viên nổi tiếng mà phịm, theo tôi không được chính xác lắm.Như bài " Người lẩn thẩn (2) " tôi viết thì 12 ngày đêm ấy tôi đã ở lại HN 1/3 thời gian.Trong 1/3 thời gian ấy tôi đã tận mắt nhìn thấy sự tàn phá của bom đạn và sự đau thương của mất mát những người dân vô tội. Sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của bộ đội phòng không, không quân thì tôi không thể nhìn thấy, vì những lúc các chiến sĩ ta đang đương đầu với giặc Mỹ thì tôi chui trong hầm kiên cố của nhà A1. Các chiến sĩ ta chiến đấu sống còn với quân cướp nước thì tôi và những người dân HN không có nhiệm vụ chiến đấu tìm mọi nơi an toàn nhất cho mình để tránh bom đạn. Lúc đó việc tránh bom đạn cũng là nhiệm vụ của chúng tôi.
Trong 12 ngày đêm máu lửa ấy, riêng trường ĐHBK cũng 2 lần bị bom phá hoại. Trong kháng chiến chống Pháp, ngày Tây nhảy dù, đánh chiếm BẮC KẠN, tôi đã nhìn thấy các bản của dân tộc thiểu số bị tan hoang, người dân, trâu, bò, gia súc bị Pháp bắn chết la liệt. Tôi chỉ nhìn thấy những cảnh ấy sau khi đã qua mấy ngày. Còn 12 ngày đêm thì tôi tận mắt nhìn thấy cảnh người chết, máu chảy đỏ tươi trên từng cơ thể.
Giặc Mỹ ném bom 2 đêm liền không nghỉ. Ban ngày chúng im lìm. Nhưng sang ngày thứ 3 chúng đánh cả buổi trưa.Sau giờ làm việc buổi sáng, giờ nghỉ trưa chúng tôi về ăn cơm. Chưa kịp ăn uống gì thì còi báo động vang lên. Mọi người đều tìm chỗ an toàn cho mình. Dưới hầm nhà A1 của trường BK tôi đã đem giường xếp cho cháu Tịch và con tôi trốn tại đó.Chui xuống hầm tôi nói với cháuTịch:
- Hôm nay nó đánh cả ngày, nguy hiểm lắm cháu ạ. Mong sao qua đêm nay, mai đưa em Ly đi tiêm phát cuối cùng xong, cô cháu ta ra khỏi HN thôi.Cô lo quá ! Lỡ cháu và em có sao thì thật tội.
- Cô đừng lo, cháu không sợ đâu. Nếu chết thì ở Bắc Giang cũng chết mà.
- Không phải thế, cháu ơi. Trách nhiệm là ở cô. Đưa cháu và em về HN là cô có tội với cháu, với gia đình cháu. Các cháu còn quá bé mà. Thật tội nghiệp ! Bọn Mỹ này ta không thể đội trời chung với chúng.
Nói xong tôi bóc tạm quả cam cuối cùng trong "KHO" lương thực còn lại của tôi cho các cháu ăn tạm khỏi đói, vì chưa kịp nấu gì cho chúng nó ăn. Nói dại có chết chắc chúng tôi cũng toàn "ma đói" cả.
Chia cho mỗi đứa 1/2 quả cam, tôi nhẩy lên khỏi hầm xem trận bom chúng vừa thả rung chuyển cả trường BK nó chính xác ở nơi nào. Vừa ra khỏi hầm tôi nhìn thấy cảnh ngay cạnh nhà A1 thật khủng khiếp. Xe đạp, xích lô chở hàng chục người vừa chết, vừa bị thương, máu me be bét đỏ cả người chạy về phía cổng Bạch Mai. Trời rét căm căm, quần áo họ rách bươm. Tôi vội hét to : "Các anh tự vệ ơi ! Mau lên phòng cấp cứu lấy chăn Nam định cho mỗi người 1 cái." Mồm nói, chân chạy lên phòng cấp cứu lấy được mấy cái chăn, ném xuống cho các anh chở người để che tạm cho họ. Khoảng hơn chục người vừa chết, vừa bị thương vừa khuất. tôi chạy xuống hầm xem 2 đứa bé ra sao.
Hai đứa thấy tôi mừng quýnh. Chị Tịch đang dỗ em nín đi, mẹ sắp về, tay cấu từng múi cam cho em ăn đỡ đói :
- Nín đi, con ơi ! Mẹ về rồi. Mẹ có đi đâu, mẹ ở trên đường mà. Các chú chết và bị thương nhiều quá. Mẹ lấy chăn đắp cho họ khỏi rét thôi. Mà chị Tịch lấy cam đâu cho em ăn thế ?
- Em khóc sợ quá đòi mẹ. Cam lúc nãy cô cho cháu không ăn để dành cho em. Em bé hơn cháu, cô ạ.Nếu cháu ăn em đói lấy gì cho em ăn.
Tôi cảm động chùi nước mắt. Vừa thương những người bị bom đạn xong. Bây giờ lại cảnh cháu bé hơn 10 tuổi, con ông chủ nhà nơi sơ tán, nhường cho con mình từng múi cam. Không biết có ai tưởng tượng được tâm trạng tôi lúc đó không ? Tả sao nổi tâm trạng 1 con người lúc đau thương và họan nạn !
Tiêm phát cuối cùng cho con, tôi, cháu Tịch và con gái rời khỏi HN.
Trên đường lên Bắc Giang cảnh HN bị tàn phá hoang tàn đến ghê rợn. Tôi không còn nhìn thấy một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Bên trái là các xe chở tên lửa của phòng không không quân nối đuôi nhau trực chiến. Chúng tôi lên đến Bắc Giang với niềm vui vô tận của bạn bè và nhất là ông chủ nhà.
Ngày 26/12/1972 tôi đưa con về HN tiêm mũi nhắc lại. Cảnh tượng HN như tôi đã viết ở bài :" Người lẩn thẩn (2) ", không nhắc lại.
Ngày 25/12, vì nhiều gia đình vội bỏ HN đi sơ tán nên chỉ đem những gì tối thiểu cho cuộc sống nơi sơ tán. Lương thực, thực phẩm ăn theo tem phiếu nên trong nhà hầu như chẳng gia đình nào còn gạo ăn. Vậy là dân HN phải quay về mua gạo cứu đói. Nhiều người HN vẫn nghĩ là bọn Mỹ có ác mấy chăng nữa thì đêm Lễ Giáng sinh cũng không nỡ ném bom. Một số về HN mua gạo để hôm sau chở đi sơ tán cho gia đình.Không ai ngờ là chúng DÃ MAN đến mức ném bom hủy diệt nặng nề nhất trong 12 ngày đem lại đúng vào đêm Giáng sinh.
Tôi muốn nói là phim HN 12 ngày đêm đau thương và anh dũng. Tôi không dám nói gì về anh dũng, tôi làm sao có thể thấy được sự anh dũng của bộ đội tên lửa, khi tôi trốn trong hầm kiên cố? nhưng đau thương thì không hoàn toàn đúng. Nghĩa là trong phim chưa nói lên được nỗi ĐAU của người HN khi đó. Ngày 26/12/1972 HN rét như cắt ruột. Người thưa thớt, vắng tanh. Qua phố Khâm Thiên tôi thấy bao người chết đắp chiếu 2 bên hè phố. Thỉnh thoảng thấy mấy người vừa đi, vừa khóc!!! Chẳng có cảnh như trong phim nhiều người ôm áo quan khóc thảm thiết. Lúc đó lấy đâu ra áo quan? Ai là người tiễn đưa những thi thể không còn nguyên vẹn kia ? Người nhà họ đang còn ở nơi sơ tán chờ họ mang gạo lên cứu đói, làm sao biết họ chết mà cho vào áo quan, mà khóc .
Bệnh viện Bạch Mai cũng không kém hoang tàn, đổ nát. Tôi đặc biệt quan tâm đến BV này, năm 1943 vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập - tự do của Tổ quốc, chính nơi đây, người cha thân yêu của tôi đã trút hơi thở cuối cùng, nên tôi cố ý đi qua đó xem sao. Và cũng như tôi đã viết, nó lạnh tới mức tôi nhìn thấy mà người tự dưng run bắn lên như lên cơn sốt rét ác tính. Bất giác tôi gào thét thất thanh rồi tôi vội quay xe cắm mặt đạp thật nhanh không dám ngóai nhìn lại.
Cảnh thật của 12 ngày đêm HN máu lửa mà tôi tận mắt trong thấy là thế đấy. Nó khác với phim ảnh.
Tôi muốn những ai không được tận mát nhìn thấy hãy tưởng ượng đúng như HN nó vốn có trong 12 ngày đêm chứ không phải như phim ảnh. LỊCH SỬ LÀ LỊCH SỬ mà. Mai này các đời sau sẽ hình dung HN sao nhỉ, nếu chúng không thấy sự mất mát và đau thương thật sự???
Mong những ai đọc bài này hãy hiểu cho tâm trạng tôi bây giờ, những giây phút cuối cùng của 40 năm chiến thẳng ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG .
Năm 2013 chúc tất cả các quí vị KHỎE, VUI , HẠNH PHÚC , ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU MƠ ƯỚC !