Du lịch Miền Trung 2012

METRO Ở MOSKVA NĂM 1986.


Có người quen từ Hà nội sang Moskva làm việc đến chơi. Ở VN sang   Moskva ai cũng háo hức đi thăm các cửa hàng, sau đó là đi xem tầu điện ngầm, một công trình nổi tiếng đẹp nhất thế giới.
Anh bạn nhờ tôi đưa đi cửa hàng mua bàn là, nồi hầm, áo bay... rồi đi dạo Hồng trường và cuối cùng xuống tầu điện ngầm về nhà ăn tối.

Mua bàn là còn được, nồi hầm thì nặng và áo bay thì mò đâu ra. Cho nên tôi điều đình với anh :

- Ta đi dạo Hồng trường rồi vào GUM xem mua được gì thì mua, mà không mua được gì thì vẫn xuống Metro về ăn tối. Tôi biết anh sợ ăn ngoài tốn, còn phải để dành tiền mua đồ đạc về. Anh yên tâm, tôi  sẽ chiêu đãi anh những ngày anh ở Moskva, tùy túi tiền của anh mà mua hàng. Xuống Metro rẻ lắm, không sợ, tôi chi hết mà.

- Chị rộng rãi quá, cám ơn. Mình ra ngoại quốc lần đầu, lại đến thủ đô Moskva nên vợ, con mừng lắm. Họ dặn mua đủ thứ. Vợ thì bàn là, nồi hầm, áo bay..., con thì nói bố mua cho con cái xe đạp to to, bé bé như các bạn LX trong phim. Tiền chẳng có bao nhiêu mà mua đủ thứ, khốn khổ thật...

- Tôi thông cảm rồi, anh không phải thanh minh. Chỉ có điều ở nhà không biết chứ nồi hầm thì hiếm, quân VN lùng mua ác, áo bay thì coi như mò kim đáy biển, loại ấy chỉ có bộ đội mới mua được, còn tôi thì chịu. Ai sang cũng yêu cầu mua áo bay, mà thứ đó thì chỉ lính Nga mới được cung cấp miễn phí. Bản thân tôi cũng không có nổi lấy 1 cái để cho cậu em là lính VN. Người ta cầu cạnh, tay trong mới mua được, còn tôi thì chịu chết, không làm được việc ấy. Tôi ở đây lâu nên cũng quên tính ra tiền VN, hơn nữa tôi không làm kinh tế, chỉ làm công ăn lương thôi. Anh thông cảm cho tôi, nếu giúp được gì tôi sẵn sàng, nhưng phải trong khả năng của tôi, còn ngoài thì xin lỗi, tôi không có mối làm ăn riêng như người khác. 

- Tôi hiểu chị mà, bao giờ chị chả thế. Thôi chiều nay cứ đi như chị nói, ít nhất cũng biết Moskva là thế nào. À còn cái khoản của riêng tôi, nghe nói kem Moskva ngon lắm, nếu đến Moskva mà chưa ăn kem thì coi như chưa đến Moskva. Tôi cũng muốn thử, nhưng nghe nói đắt lắm.

- Anh yên tâm, chả lẽ anh từ VN sang đây tôi lại không chiêu đãi nổi anh mấy cái kem hay sao. Chốc nữa anh đi vi tôi, anh muốn ăn mấy cái cũng được. Còn tôi sợ viêm họng không ăn đâu, anh cứ tự nhiên, không có lại nghĩ tôi nhịn không dám ăn. Tôi làm việc bằng mồm nên phải giữ cho họng không đau mới làm được.

- Thế thì được. Tôi cũng đang nghĩ sợ tôi ăn chị lại không dám ăn. Ta chuẩn bị đi thôi. Đi bộ à ?

- Thì đi bộ để ngắm phố chứ xuống ngay metro thì nhìn được gì.

Đi đường thấy gì anh ta cũng hỏi. Qua đường đợi thì anh nóng ruột như lửa đốt :

- Ối giời ôi, xe ôtô  gì mà nhiều như cua bò thế kia thì bao giờ mình mới qua được bên kia đường.

- Thì chờ đèn xanh mình đi qua thôi.

-Nhưng đường rộng thế kia thì qua sao kịp bên kia?

- Ta qua đến giữa rồi đứng đợi bên kia đưng, bật đèn xanh lại qua nốt. Có sao đâu, ai cũng đi vậy mà.

- Chán nhỉ ! Ở bên này đi lại qua đường cũng phức tạp ra phết.

- Tôi thấy chẳng sao cả. Tôi quen nên thấy bình thường. Anh phải kiên nhẫn một chút.

Rồi cũng đến Hồng trường. Đi quanh một lúc anh kêu mỏi và yêu cầu vào cửa hàng GUM. Tôi làm theo ngay vì tôi cũng đã thấm mệt.

Vào cửa hàng tôi chiêu đãi kem cho anh đỡ mệt, anh cũng chỉ ăn được 2 cái là kêu lạnh, mặc dù tấm tắc khen ngon khác hẳn kem VN, vả lại anh bảo kem LX gì mà to thế, ăn 2 cái là no kềnh. Mời anh ăn  nữa anh cũng chịu.

Vào cửa hàng anh yêu cầu đi chỗ nọ, chỗ kia, tôi đáp ứng hết, nhưng cũng chỉ mua được 2 cái bàn là thôi. Còn các thứ khác anh cần không có. Xe đạp con thì phải mua ở cửa hàng " Thế giới trẻ con " mới có. Nhưng tôi và anh đều mệt lử, không ai muốn đi tiếp nên rủ nhau xuống metro về.

Sau khi giải thích cho anh bạn cách đi dưới metro xong tôi mua vé, kèm anh đi ngay sau lưng. Tuy vậy vẫn lo anh lạc. Mà lạc thì anh vừa CÂM , vừa ĐIẾC làm sao tm được đường về giữa thđô Moskva to lớn này. Anh trách tôi:

- Thì tôi hiểu rồi , giải thích mãi như dặn đứa tr lên 3 không bằng.

- Dặn nhiều không thừa đâu. Anh đứng sát sau lưng tôi không có chốc đông người hđẩy cho thì chết. 

Vừa nói xong tầu đến. Mấy người đứng trước vào, tiếp đến tôi. Giờ cao điểm  tôi cứ bđẩy theo dòng người, chân bung biêng không chạm đất. Không tài nào quay cổ lại xem anh bạn đâu. Bỗng một người đẩy tôi về phía trước. Thật không may cho tôi, anh ta dí chặt tôi vào lưng người đứng trước. Mũi tôi dính chặt vào lưng anh kia. Tôi tắc thở, không tài nào há nổi mồm ra để thở, nói thật không ngoa chút nào. Tôi tưởng chết đến nơi, họ to, cao thế,  đứng lù lù ra thì làm sao đẩy nổi, chân thì đang không chạm đất. May chợt nghĩ ra cách thoát. Tôi dẫy 2 chân và co cẳng đạp thật mạnh vào chân người đứng trước. Anh ta đau quá, co cẳng, ngoái lại nhìn, vậy là tôi thoát chết ngạt.

Ngoảnh lại nhìn mãi chẳng thấy anh bạn đâu, mãi mới thấy anh ta đứng dựa lưng vào cửa ra vào. Thôi thì bất lch sự,  tôi đành phải hét to thì anh ta mới nghe thấy. Anh nhìn tôi chỉ chỉ sau lưng. Hóa ra anh ta bị chen bật lại đằng sau, sợ lạc anh cố len vào cuối cùng. Áo anh mắc vào cửa không sao kéo ra được. Tôi bảo anh cúi về đằng trước kẻo đến ga người ta mở cửa thì ngã kềnh xuống đường tầu. Anh cố làm theo vì trước mặt anh cũng có mấy người đứng chật.

Xuống tầu an toàn, anh mừng rối rít:

- Tôi không ngờ ở đây giờ cao điểm cũng chật thế. Lúc ấy tôi lo lạc quá !

- Tôi dặn anh có thừa đâu. Giờ cao điểm thì trên tầu điện, ôtô  buýt, metro, đâu đâu cũng chật như vậy cả.

- Tôi tưởng ở Moskva thi không chật.

- Tôi nói cho anh biết. Có người VN đứng xếp hàng mấy tiếng mới mua được cái bắp cải. Trên đường về leo lên ôtô  buýt, giờ cao điểm, người cũng chật ních không sao cựa nổi như trên metro. Anh ta lúng túng đánh rơi cái bắp cải, không tài nào cúi xuống lấy được, đành bỏ cái bắp cải mà về, mặc dù tiếc đứt ruột. Mùa đông 1 cái bắp cải tươi quí lắm chứ không như ở ta. Giờ cao điểm mà lại là mùa đông thì đừng dại mà ra đường khi không có gì gấp.

Về đến nhà anh ta kể luyên thuyên chuyện nọ, chuyện kia. Tôi nói với anh:

- Thì các đô thị đều thế cả, có gì lạ đâu. Có  điều ngành giao thông phải nghĩ cách giúp dân đỡ khổ thôi. Chắc sau này Moskva cũng khác chứ không như bây giờ. Tôi thì cứ mong sao VN ta được bằng Moskva bây giờ .

Đúng vậy Moskva bây giờ khác nhiều. VN ta cũng khác nhiều. Nhưng còn nạn tắc đường của ta thì bây giờ tôi không dám ra đường giờ cao điểm, mặc dù đi bộ (xe số 11) chứ không đi loại xe nào.

Viết lại một chút kỷ niệm về giao thông ở Moskva năm 1986 vì nghe đâu các NGÀI giao thông VN lại có TRÒ mới. Mong các ngài làm gì thì làm, dân ta , nhất là các thành thị đã khổ vì TẮC ĐƯỜNG lắm rồi. Làm sao cho dân đỡ khổ MỘT CHÚT thôi.

Kính chào !


NHÀ TẬP THỂ (2)

Khi được lên cái nhà thứ 3 của trường thì ai cũng  bảo là mình sướng như được lên thiên đàng. Người lên tham quan nghìn nghịt. Có bạn bảo với mình:
 - TN sưởng thật, được ợ nhà lầu, còn mình vận ở nhà cập 4, chạ khạc gì cải ộ chỏ.
- Chả biết sướng sao chứ nhiều phiền phức quá, bạn ạ. Mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn. Có những cái khổ hơn là ở nhà cấp 4.
Có cô bạn thì thích nhà  tầng sạch sẽ, nhất là lại có nhà vệ sinh riêng nên cứ để dành cả ngày, hết giờ làm việc là lên nhà mình NHỜ. Cô ta bảo :
- Ở trên này sạch sẽ thật, xong giật nước ÙM một cái là sạch như lau.
Cô ấy không nghĩ là nước ở đây thiếu đến mức nhiều nhà chửi nhau thậm tệ. Mình chả dám nói với cô ta về điều đó. 
Gọi là căn hộ cho nó OAI thôi chứ trong nhà ngoài phòng vệ sinh riêng, chỉ có 1 cái bể đựng được khoảng 4 sô nước, cả ngày dùng. Chiều  đến họ bơm cho, đầy bể là chịu, chẳng có nổi lấy 1 cái chậu chứa thêm. Van không có, đày bể, nhà trên chảy xuống nhà dưới. Thế là ban đồng ca của cả nhà bắt đầu. Từ tầng 3 xuống đến tầng 1 tha hồ mà ca, còn tầng 4 không ca được thì chờ hết giờ bơm quét dọn nước tràn ra. Nếu phải giặt thì phơi ra ngoài, tầng dưới cấm tầng trên không được phơi vì chảy nước xuống không phận nhà họ...
Hành lang rộng 0,8m đi chung 4 nhà. Nhà ở trong cùng may không ai đi qua, nhà ngoài cùng thì cả 3 nhà đi qua cửa nhà mình. Cửa sổ 2 nhà chung 1 cái. Cái ông KTS cũng GIỎI ghê, 2 nhà chung 1 cửa sổ, nhà này mở thì nhà kia cũng phải mở. Bây giờ ta nói sao không cải tạo lại, nhưng lúc đó cải tạo sao được. Nguyên vật liệu LX cho để xây ụ pháo. Hòa bình không dùng trường cho xây nhà ở cho CBCNV của trường. Công xây là những ngày lao động của sinh viên. Xây xong họ trả lại cho ban kiến thiết những gì còn thừa. Mua ngoài chợ chẳng bao giờ có nổi 1 kg xi măng. Còn cửa và cửa sổ là các thùng  đựng máy móc LX cung cấp cho trường. Trong tay không 1 tấc gỗ, không 1 lạng xi măng, lấy gì cải tạo. Đành phải dùng dây buộc hé không đóng. Chẳng lẽ cứ í ới gọi nhau cùng mở cửa sổ.
Hành lang hẹp, ai đi qua cũng ngại nhìn xuống dưới nên đi sát vào cửa nhà mình. Đã đi sát cửa có mấy ai lại không nhìn vào trong nhà mình, nhất là giờ ăn cơm hay nhà nào có chuyện chẳng lành. Cái khoản này thì chẳng khác nhà cấp 4, khác chăng là họ đứng sát nhà mình XEM rồi ai đó GÓP ý kiến. Vì vậy nên tốt nhất là IM LẶNG .
Nhiều người vô ý cứ kéo lê dép ngay cửa nhà mình lúc đêm khuya. Lại chịu đựng.
Thế cho nên các cụ nói sống mỗi người 1 nhà là thế. Cái tập thể thì cực chẳng đã, mình nghèo không có đất thì phải chịu. Ai có đất được ở nhà riêng thì thật hạnh phúc.
Còn trưởng nhà thì muốn xông vào nhà mình lúc nào cũng được. Ở tầng dưới KIỆN , vậy là trưởng nhà xông vào tầng trên xem xét, xoi mói... Chủ không cho vào thì họp cả 48 gia đình phê bình. Mình đóng cửa theo cách lịch sự thì họ phê bình là ích kỷ, đóng cửa buổi tối để họ đi qua không thấy đường bị ngã... Khổ đủ điều. Thôi đành ở với hàng xóm 1 bỏ làm 10 cho yên thân.
Chỉ có trẻ con là cảm thấy vui. Chúng chả biết gì, chỉ biết có cầu thang đuổi nhau là sướng. Ở đây dù sao cũng sạch hơn ở nhà cấp 4, lại đông bạn, sau giờ học rủ nhau chơi, chạy nhảy tha hồ.
Hè rủ nhau hát. múa, chuẩn bị cắm trại . Chuẩn bị thi theo nhà đủ mọi thứ. Thêu, đan, trang trí trại hè đều có trong chương trình thi, nên chúng tích cực lắm. Chúng cố giật giải nhất. Con tôi thì mê những thứ ấy lắm, nó thích đã vậy , nhưng nó rất say mê. Trong nhà k6 nó lúc nào cũng nổi trội. Nó cố không thua em, kém chị. Chúng thân với nhau như ruột thịt. May những đứa nó thân toàn  là tự giác chăm học, ngoan ngoãn. Chúng tự biết làm sao học giỏi để cho bố , mẹ vui lòng. Hồi ấy cũng chẳng có học thêm như bây giờ. Nếu có học thêm thì chẳng biết lấy tiền đâu ra. Con cái không biết gì tự đi hỏi người lớn biết môn ấy. Giúp nhau vô tư. Con thứ 2 thì tối rủ các bạn cùng lứa tuổi hè đi SỜ VE. Bao giờ sờ được 1 con ve mới về. Mùa hè ve kêu, chúng theo tiếng ve kêu , tối mò cứ SỜ vào gốc cây mà tóm ve lột xác.
Có chị bạn được đi nghiên cứu sinh sang hỏi tôi :
- Chị ơi, em được đi NCS mà ngại quá. Chẳng biết để 2 thằng cu cho ai. Mình anh ấy không biết có dạy nổi không ?
 Thì cứ đi đi. Ở nhà có gì bảo anh ấy cứ hỏi, chị sẵn sàng giúp.
- Thế em đi, chị nhé. Chị ở nhà giúp em dạy bảo 2 thằng vậy.
Thế là cô bạn đi NCS 3 năm sau về. Hai thằng ở nhà học chẳng khác gì các bạn có đủ cha, mẹ. Thỉnh thoảng chắc bố chúng cũng muốn cám ơn mình sang nhà nói vài câu.
- Chắc hai thằng cũng làm bác mất thì giờ nhỉ. Tôi bận quá, vừa dạy, vừa lo cơm nước, giặt rũ cho 2 con vịt giời này không có chị thì gay. Mong cho mẹ chúng mau chóng trở về.
- Có gì đâu mà anh phải lo. Chúng ngoan mà. Có 1 lần duy nhất bảo thằng anh không được, tôi bợp cho 1 phát vào đầu cảnh cáo, vậy mà từ bấy đến nay ngoan hẳn, học hành chăm hơn...
Ba năm sau mẹ chúng tốt nghiệp trở về. Để cám ơn tôi mẹ chúng tặng tôi cái máy sấy tóc. Tôi không lấy, nhưng mẹ chúng nói mãi tôi lấy để làm kỷ niệm.
Cách đây chừng hơn 2 năm  tự nhiên có 1 thằng ở đâu chạy đến ôm chầm lấy tôi, rúc đầu vào ngực dúi dúi. Chẳng biết ai, tôi vừa cười vừa đẩy ra :
- Xem mặt đứa nào mà lớn thế này còn rúc đầu vào ngực bác đây ? Lùi ra mau !
- Cháu đây ! Thằng BK đây !
- À ra thằng BK. Lớn nhỉ ! Vợ con gì chưa ? bây giờ làm gì ?
- Cháu 1 vợ, 2 con. Vẫn làm cán bộ giảng dạy của trường BK.
- Thế vào nhà này làm gì ?
- Cháu vào làm đề tài khoa học. Vừa có tiền, vừa khỏi quên chuyên môn, chứ dạy mãi, như bác biết đấy, sẽ mòn mỏi đi rồi thì con cái nó lại cho mình là cả đời chỉ nhai mãi 1 giáo trình.
- Được đấy. Làm thêm vừa cải thiện đời sống, vừa không lạc hậu với chuyên môn, bác ủng hộ.
Chuyện trò một lúc, bác cháu chia tay. Nó nói:
- Quên cháu chưa hỏi thăm mọi người trong nhà k6. Bác nói cho cháu biết với.
- Cháu đi lâu quá rồi còn gì. Hơn 10 năm nay bao chuyện xẩy ra.
- Thôi, những chuyện ai mất cháu biết cả rồi. Có chuyện gì vui bác kể cho cháu nghe với:
- Vui à ? Chuyện người già nhé.  Mà người già thì nhiều chuyện vui lắm : ông nói gà thì bà nói vịt. Một hôm nghe anh HHP hỏi :
- Ba ơi, thằng cu L nhà con có bên này không ?
Bác không biết hai bố con nói gì, nhưng đến lúc anh HHP đi qua cửa nhà bác thấy bố anh ấy gọi lại. Anh vội quay ngay lại hỏi :
- Nó trốn ở đâu hả ba ?
- Rồi, rồi, cái đèn cháy rồi, con ạ.
- Hỏi thằng L có đây không thì ba lại bảo đèn cháy rồi. Khổ thật với ông.
Một lần nghe dép loẹt quẹt ngoài hành lang  khoảng gần 12 giờ đêm. Nghe tiếng trong nhà hỏi to:
- Sao ba đi họp chi bộ gì mà bây giờ mới về ? Ba thử nhìn xem mấy giờ rồi. Các cụ bộ đội về hưu mà họp hăng thế ?
- Họp thì 10 giờ hơn đã xong. Chẳng biết cái ông nào mà đi nhầm dép của ba về. Ba cứ ngồi đợi mãi xem ông nào đi nhầm dép của ba quay lại để đổi dép về. Vậy mà đợi hơn 1 giờ chẳng thấy ông nào quay lại. Chắc ông nào đi nhầm không chú ý cứ bỏ dép vào nhà đi ngủ luôn, nên ba đành về.
- Giời ơi ! Ba thử nhìn chân ba xem. Con ngồi đợi ba mấy tiếng ở đây vì sợ về vợ con nó bảo con  chưa già đã lẩm cẩm.
- Sao cơ ? Đợi ba làm gì ?
- Thì ba đi 1 chiếc dép của con, 1 chiếc dép của ba đi họp chứ sao. Khổ thật với ba.
Ông cụ cười cả xóm nghe thấy, nhưng chắc riêng ông thì không nghe thấy.
BK cười như chưa bao giờ nó cười như vậy. Nó cười chảy nước mắt rồi hỏi:
- Còn bác thì sao? Cháu thấy bác vẫn như xưa.
- Nói bậy nào. Bác già quá và nhiều khi lẩn thẩn cứ nghĩ lại ngày xưa , lúc các cháu còn bé. Nghèo mà tốt với nhau ghê.
- Chẳng phải bác đâu mà chúng cháu cũng thế. Thôi cháu vào làm việc , bác nhé. Cháu chào bác và cho cháu gửi lời chào 2 chị và các cháu.
- Chào cháu. Chúc cháu thành công, mọi sự may mắn. Gửi lời chào bố, mẹ và em cháu.
Chuyện nhà tập thể thì vui, buồn, tình người, tốt, xấu đủ cả. Có viết cả năm chắc cũng không hết. Chỉ viết vài chuyện vớ vẩn cho những ai rỗi thời gian đọc cho đỡ buồn và các con cháu đọc cho biết.
Xin cám ơn  tất cả những ai đã bớt chút thời gian ngó lại cái thời XƯA của chúng ta.
Xin kính chào ! 


NHÀ TẬP THỂ.

Trước năm 1974 ở Đại học Bách khoa không hề có một nhà tầng nào cho cán bộ, công nhân viên ở. Toàn bộ đều ở nhà 1 tầng. Mỗi nhà dài khoảng 30m , rộng 3,5 m. Chia mỗi phòng 15m cho 1 gia đình 2 con và 1 con thì 7,5m. Riêng nhà tôi ở thì toàn 15 m, vì các gia đình đều 2 con.

Người ta vẫn nói ở nhà quê bà con ở với nhau thân thiết hơn họ hàng, bán họ hàng xa, mua láng giềng gần. Còn ở thành thị thì ai biết nhà nấy. Nhưng  trong nhà tập thể chúng tôi không thế. Chẳng biết từ đâu ra cái " Nhà tập thể ". Nhưng khi về ĐHBK thì tôi đã thấy người ta gọi thế nên tôi cũng gọi theo. Nhà tập thể tôi ở 15 năm là 1 cái nhà dài 30m, rộng 3m, đằng trước có hành lang 0,5m. Trước nhà là bể nước và bếp tập thể. Sau nhà là bãi đất trống và nhà vệ sinh tập thể.

Nhà lợp ngói, tường tốcxi. chẳng biết tôi dùng từ có đúng hay không nhưng người ta bảo thế. Tường trát bằng đất trộn với ít vôi, bên trong là cốt tre. Lâu ngày nhiều chỗ cũng lở ra. Sắp bão phải đi lĩnh dây thép và cột tre về gia cố. Giữa phòng nọ với phòng kia cách nhau 1 bức tường như thế. Từ đây mới có nhiều chuyện hay xẩy ra. Cả 10 gia đình chỉ có 1 gia đình có radio, tối thứ 7 quây quần trước nhà có radio nghe:" Câu chuyện cảnh giác ". Nhà ai có chuyện vui, buồn, cãi cọ khó mà tránh lọt vào tai hàng xóm.

Một hôm bà L gọi trong nhà ra :

- C ơi, mày xem hộ tao sao cái phích của tao nó nguội thế này !

- Em làm sao biết được cái gì trong phích của chị. -Cô C vội chạy trong phòng ra và trả lời. - Thôi, em xem nào.

Ngắm nghía chán cô hỏi bà L.:" Thế cái vú của nó ở đáy phích sao lại vỡ thế này ?

- Tao bẻ nó đi rồi. Hôm qua vỏ phích tre cũ, tao mua cái mới, lắp thấy vướng, tao bẻ nó đi chứ để làm gì, vướng lắp mãi chả được.

- Thế nên phích của chị nguội là phải. Cái vú ấy để giữ chân không cho phích nóng, chị bẻ nó đi nguội là đúng rồi. Bây giờ để đựng đồ khô thôi.

- Sao mày biết ? - Cô C phải giải thích mãi bà L mới hiểu. Trước đây người ta còn ngây thơ với khoa học lắm, chứ bây giờ trẻ con cũng biết.

- Mày có biết không, tao phát hiện ra phích nguội, vì ông ấy đổ nước chè xanh vào một lúc đã nguội. Ông ấy nhà tao nghiện chè xanh. Tao cũng nghiện. Tao mua chè về nấu cùng uống. Vậy mà ông ấy toàn lừa tao, chắt nước đầu cất vào gầm giường để uống một mình. Hôm vừa rồi tao quét gậm giường mới phát hiện ra, mày ạ.

- Em không thích nghe những chuyện như thế chị đừng nói nữa nhé.

Bà ta giận dỗi đi vào nhà, mồm lẩm bẩm :" Thôi ".

Một hôm cô C ngồi chữa và lau cái quạt. Ông hàng xóm đi qua ngứa mồm nói :

- Cái ông T cũng lạ, mọi việc, thượng vàng, hạ cám không biết làm gì cả. Việc nước, việc nhà toàn cô C làm, ông chỉ là người:" Ông T đưa hộ  tôi vịt dầu, cái tuốc -nơ-vít ...". Tôi thì ngược lại mọi việc toàn mấy bố con làm . Bà ấy đi làm về chỉ lo cho 2 bữa cơm. Mọi việc tôi phải làm, phải lo, dạy dỗ con cái, tăng gia, làm thêm... bà ấy chỉ thu ngân rồi chi tiêu trong nhà. Còn ông T ngược lại giống bà nhà tôi. Cô C việc nước, chăm con, làm thêm, suốt ngày không ngừng tay. Xin lỗi, đêm tôi đi tiểu khuya vẫn thấy cô ấy thắp đèn dầu làm thêm. Còn ông chả làm gì ngoài việc vài giờ lên lớp, còn ở nhà thì như bà nhà tôi THU NGÂN.

Anh T chả nói gì, chỉ tủm tỉm cười mãn nguyện. Thật ra ông N nói có sai chút nào đâu. Anh T chẳng làm được việc gì ngoài lương . Ngay cả tăng gia rau đằng sau nhà anh ta cũng không xách nước tưới rau, trừ khi cô C nói mỏi mồm.

Ấy thế mà ở ngoài anh ta ga lăng lắm nhé. Có lần tôi thấy vợ anh ta khệ nệ xách gì đó đi cạnh anh, còn anh ta đi tay không. Vậy mà có người đàn bà đi trước xách gì đó, anh ta vọt lên xin xách hộ. Khi về tôi nói chuyện hàng xóm lại bảo họ thường thấy thế chứ có phải mình tôi thấy thế đâu.

Ở đây ngoài giờ làm việc ra nhiều người tối đem con ra sân chơi, nói đủ chuyện mà họ nghe, nhìn thấy bên phòng cạnh họ. Thì cũng chả kém gì ở nhà quê, nhưng họ nói to, công khai chứ không thầm thì. Có bà kể :

- Đầu giường nhà tôi có chỗ tường thủng to bẳng cái chén. Một hôm bà ta thấy tường thủng ngay tại đầu giường mình bèn lấy giấy nhét lại. Hai hôm sau lại thấy mất giấy. Mấy lần như thế bà ta tức nói với bà hàng xóm, bà  hàng xóm cười  hô hố:

- Nhà tao không có đồng hồ, nhà mày có đồng hồ to treo trên tường, ông nhà tao đục lỗ để ngó sang nhà mày xem giờ. Mày bịt lại, ông ấy lại đục ra.

- Ai lại làm thế.  Hỏi không được hay sao mà lại đục lỗ tường...

- Hôm nọ con bên cạnh nhà mày còn đục lỗ, rót maggi nhà mày thì sao.

- Em không biết chuyện đó. Mà sao chuyện vặt ấy chị cũng biết nhỉ. Ở bếp sau nhà cơ mà.

- Thì tao nghe thằng con nó bảo sao cô ấy đi vắng mà mẹ lại đục tường lấy maggi của cô ấy. Mẹ nó mắng nó thậm tệ nên tao mới biết.

- Chị nói làm gì chuyện của người ta. Sống với nhau những chuyện nhỏ nhen phải coi như không có. Chỉ có điều em thấy cô ấy đánh con ác quá. Ai đời đánh đã vậy còn lấy kìm kẹp tay con. Em góp ý, cô ấy cười :

- Thằng H gan lắm cơ. Kẹp thế mà nó không xin lỗi tao mới kinh chứ. Cho nó lớn lên đi làm cách mạng.

- Chả biết cách mạng để lật đổ ai đây, nhưng từ nay trở đi tôi xin bạn đừng đánh con kiểu ấy.

- Này, sao cậu nhịn tài thế. Hôm nọ người ta chửi lầm cậu sai thế mà không  đáp nửa lời. Bọn tớ bảo nhau cậu cóc biết cãi nhau.

- Xin lỗi nhé, ai chửi người ấy nghe. Còn tôi thì sống với hàng xóm phải 1 bỏ làm 10 chứ không phải 9 bỏ làm 10 đâu. Còn chửi bậy, cãi nhau ai cũng biết, nhưng có làm hay không là chuyện khác. Với tôi, nói với những người không hiểu biết thì tốt nhất im lặng, nói mệt, phí lời, giống như nói với 4 chân ấy mà.

Cô hàng xóm im lặng, từ đó cũng đỡ chửi bới hơn mỗi khi có gì không vừa lòng.

Hàng xóm gần nhau khi có chuyện gì cần gọi nhau ban đêm chẳng ai ngại giúp. Trẻ con chơi với nhau như anh, chị, em ruột thịt. Chúng có gì cũng chia cho nhau. Thường ngồi chung với nhau hát, chơi các trò chơi dân gian. Con ai có gì sai người lớn tận tình chỉ bảo.

Khi thiếu thốn gì thì xin nhau : Quả cà muối, bát canh, tí muối, tí dấm, tí maggi. Mời nhau ăn củ sắn, củ khoai,  bát canh ngọt...Giờ tăng gia gọi nhau ơi ới tưới rau. Gạo ngon rủ nhau xếp hàng giúp nhau mua...Nói chung vui, buồn, thượng vàng , hạ cám đều có nhau cả.


sau năm 1975 một số người được lên nhà 4 tầng của trường phân cho. Lúc đó mới có từ CĂN HỘ. Còn trước chỉ là phòng. Nhà quê bảo nhau ra HN xem sao họ lại, xin lỗi vì nói thật, đi ị trong nhà. Ở nhà quê người ta thường gọi là ĐI ĐỒNG, nghĩa là phải ra đồng. Còn bây giờ ở trong nhà biết gọi là gì đây.Thật buồn cười vì một thời ngưòi ta quá lạc hậu.

Nhân ngày 8/3 tôi kể để mọi người biết một thời của chúng tôi. Vui, buồn có cả, viết góp thêm vài chi tiết cho những ai lạc hậu với ngày xưa. Mong tất cả ai đọc bài này coi đây là chuyện của một thời, nhưng có thật 100%. Đừng ai nghĩ là bịa nhé, thật như thế mà.

Kính chào !

BÁC SĨ PHAN CHÚC LÂM.

Năm 1978 khi đi thỉnh giảng ở ĐH Tây nguyên về, tôi bị sốt liên miên. Nghĩ là mình lại bị nhiễm vi trùng sốt rét ở đó. Nghĩ vậy và tự uống kháng sinh, nhưng khỏi chẳng thấy đâu mà ngày càng nặng. Rồi chuyển giai đoạn sang ngất ngày 1 - 2 lần, rồi liên tục ngất, chẳng hiểu lý do gì. Đành đến cầu cứu ba tôi.

Nghe con trình bầy, ba tôi không do dự viết ngay thư cho bác sĩ Phan Chúc Lâm ở QYV 103. Cầm thư tôi hỏi lại :

- Ba ơi, con bị gì mà ba gửi con vào QYV 103 ? Chắc con không phải sốt rét đâu , ba ạ. Hay tại ba làm ở đó, hay tại cái câu bộ đội chuyền miệng cho nhau : ăn viện 5, nằm viện 8, khám viện 3 vậy.

- Cả 2 lý do con nói. Thôi cứ vào đó đi. Lý luận vừa thôi, con ạ.

Ba tôi dục tôi nửa đùa, nửa thật:

- Con đi nhanh lên, tranh thủ thời gian. Ba sắp phải mổ rồi, không đưa con đi được nữa đâu. Trước khi mổ họ bắt làm xét nghiệm nhiều nên cũng phải đi. Vào đấy hơi xa, nhưng tốt, con ạ.

Tôi cầm giấy của ba tôi viết cho bác sĩ Lâm và đi ngay. Đến nơi được đón tiếp tử tế, không phải chờ đợi. Găp bs Lâm cho ngay vào viện.

Vào viện đúng như người ta nói : khám viện 3 (103). Cả ngày từ sáng đến tối cứ giờ làm việc là hết tốp này đến tốp kia đến khám, hỏi đủ thứ. Chẳng biết họ báo cáo với bác sĩ Lâm thế nào, nhưng họ cũng hội chẩn, mỗi lần là cả chục người trong khoa thần kinh dự. Lúc đó bác sĩ Lâm là chủ nhiệm khoa thần kinh của BV.

Khi đó họ soi ổ bụng rồi xét nghiêm máu, điện tâm đồ, điện não đồ... đủ cả. Sau khi điện não đồ  bác sĩ Lâm hẹn tôi cứ sau cơm tối đến phòng bác.

Bác làm việc, ngủ ngay tại 1 phòng nhỏ, cạnh nơi bệnh nhân nội trú nằm. Phòng nhỏ, chỉ có 1 cái bàn, vài cái ghế, 1 tủ đựng tài liệu, 1 giường một để đêm bác sĩ ở lại. Cả tuần chỉ ngày chủ nhật bác sĩ mới về HN, mà cũng có khi chủ nhật mải công việc và bệnh nhân bác sĩ cũng không về.

Suốt cả tuần theo yêu cầu của bác sĩ, tôi cứ cơm chiều xong là vào phòng bác. Lúc đầu tôi hơi ngại, song sau thấy bác hỏi han thân mật, cặn kẽ từng chi tiết, thế là tôi mạnh dạn nhớ lại và kể hết cho bác sĩ nghe.

 Một tuần trôi qua, hôm đó chủ nhật bác sĩ không  về.Tối chủ nhật bác sĩ bảo tôi sáng mai thử tiêm chất cản quang xem có dị ứng không:

- Tưởng gì chứ cái ấy anh không phải lo. Em chả bao giờ dị ứng bất kỳ loại thuốc nào.

- Thôi, phải cẩn thận với thuốc, không thể coi thường. Mai anh sẽ ngồi trong phòng đợi.

Phòng làm việc của bác sĩ cách phòng tiêm có khỏang 10 mét.

Tôi bình tĩnh vào phòng tiêm như vẫn đi tiêm hàng ngày. Vào đến phòng tôi thấy hơi khác, có máy trợ tim, máy thở ôxy. Tôi cười nói với anh phụ trách tiêm :

- Quan trọng thế ! Không sao đâu , anh ạ.

- Thì chị nằm xuống, bình tĩnh, thở đều vào.

Tôi nằm xuống, coi như chẳng có gì quan trọng , lại còn cười cười.

Anh y tá vừa đưa mũi kim vào thì tôi nôn thốc, nôn tháo. Anh rút kim ra, vội gọi người phòng bên cạnh và cả bác sĩ Lâm.

 Mọi người  vừa cấp cứu cho tôi , vừa nói:" Thế mà bảo không phản ứng. Sức phản vệ nhanh thế, chỉ dính kim mà như vậy, nếu đã tiêm một ly thì không biết thế nào. May là đã chuẩn bị đầy đủ."

Sau khi cấp cứu xong họ cáng tôi về phòng. Thấy cáng tôi ngại bảo họ tự đi được. Họ không nghe và bắt tôi phải nằm vào cáng, họ đẩy  về.

- Tối hôm đó bs Lâm gọi tôi vào phòng và nói:

- Anh định dùng chất cản quang để chụp não cho em cho đỡ đau hơn, nhưng không được rồi, đành chịu đau vậy, phải làm thôi.

- Không bơm hơi não thất có được không anh ? Em nghe bộ đội truyền cho nhau là vào đây không có gì tra tấn nặng hơn, đau hơn là bơm hơi não thất.

- Đúng thế. Nhưng đành chịu vậy. Phải bơm hơi để chụp não xem có gì trong ấy. Anh cần chụp để có kết luận chính xác báo lại cho bác Hợp biết. Trong não em anh nghi lắm, nhất là sau khi mấy lần làm điện não đồ.

- Vâng, tùy ý anh, em chấp nhận. Nhưng em cứ cảm giác trong đầu mình như có cục gì ấy.

- Phải xác định cụ thể xem sao.Anh thấy hình như em có cục máu tụ trong đầu sau tai nạn giao thông mà em kể đấy.Ngày mai em chuẩn bị bơm hơi nhé. Ta làm sớm lên một hút để đến trưa còn ăn được gì đó.

-Vâng.

Sáng sớm (6h30) người ta mang cáng vào phòng bệnh, chở tôi đi. Vào phòng bơm hơi làm đủ mọi thủ tục xong, đến lúc chuẩn bị đưa kim vào tủy sống thì bs Lâm đến. Hóa ra bs chỉ huy bơm, chụp.

Sau mọi việc trong phòng chụp, họ đưa tôi về phòng bệnh. Tôi chẳng còn là người nữa. Chân treo cao, đầu chúc xuống 3 ngày liền. Lúc thì như mình nằm trong đống tuyết, lúc thì như mình nằm trong đống lửa. Đặc biệt cứ như có ai cầm con dao mà rạch vào trong đầu, trong não mình. Các bệnh nhân trong phòng ái ngại, lo tôi không qua khỏi. Còn bác sĩ Lâm  thì 3 ngày liền bệnh nhân tìm không thấy đâu.

Sáng ngày thứ tư bác sĩ Lâm xuất hiện.Anh cười hỏi tôi:

- Tỉnh chưa Nga? Đau lắm phải không. Mấy hôm rồi, họp hội chẩn liên miên.

- Anh ơi, em có sao không ? Tôi cố nói từng tiếng, đứt quãng.

Bệnh nhân trong phòng hỏi tới tấp. Họ nói lo  tôi chết. Trong 3 ngày lúc tỉnh, lúc mê, tôi cứ thở rít lên từng tiếng, tuyệt nhiên không kêu ca nửa lời, không rên...

- Người ta bảo anh dũng trên chiến trường, kiên cường trên giường bệnh. Chả biết trên chiến trường sao chứ trên giường bệnh thì chị Nga kiên cường chúng em chưa từng thấy.Tôi lại phải cố từng từ cắt ngang.

-Thôi, đừng nói gì nữa. Cho tôi hỏi anh Lâm đã. Anh ơi, em có sao không ?

- Nứt xương sọ, gẫy xương cách bướm, có ổ màu tụ trong đầu...

Thấy bác sĩ ngập ngừng tôi hỏi thêm :

- Còn gì nữa không ạ ?

- Tạm thời thế.

Nói xong bác sĩ chạy thẳng.Và tiếp tục lại biến mấy ngày nữa. Khi bác sĩ Lâm xuất hiện, tôi vội hỏi ngay:

- Anh nói tiếp em còn gì nữa đi. Em không sợ mà.

- Viêm màng nhện não. Dính màng não nhiều chỗ.

Nghe hết bệnh của mình tôi tự hỏi :" Sao sau tai nạn giao thông nặng thế mà nửa tháng sau mình dám vào đại học Tây nguyên dạy mấy tháng nhỉ. Sao mình chịu được nhỉ...

Ban giám đốc QYV 103 phải hội chẩn nhiều lần vì cái đầu của tôi. Cuối cùng họ quyết định thứ 3 hội chẩn  lần cuối về ngày và cách thức mổ.

Sáng thứ 2 sau khi mổ ba tôi ra viện. Chiều vào ngay thăm tôi. Sau khi xem phim ba tôi nói với ban giám đốc:

- Chỗ này mổ nguy hiểm lắm. Không mổ. Nếu mổ con tôi sống hay chết là may. Còn không may nằm liệt hoặc điên thì chẳng ai dám cho thuốc để nó chết, mà sống như thế thì khổ lắm. Thôi cứ để thế con tôi sống được bao lâu thì sống.

Vậy là tôi không phải mổ. Bác sĩ Lâm cho tôi ra viện chữa ngoại trú. Ba năm liền bs lâm tận tâm chữa cho tôi. Có những thứ thuốc mà chỉ có ở QYV 103 mới được cấp. Ba năm sau  tôi đi LX.

Nhờ có sáng suốt của đội ngũ bác sĩ, sự tận tình cứu chữa của Bác sĩ Phan Chúc Lâm và cũng nhờ có thuốc tốt lúc đó của LX cấp mà bây giờ tôi còn ngồi đây viết bài này.

Ai cũng ngạc nhiên tai nạn TO đến thế mà tôi có thể sống được.

Vậy thì có phải đội ơn bác sĩ Phan Chúc Lâm cả đời không? Chắc bác sĩ Lâm đã quên tôi rồi, nhưng tôi ơn bác sĩ Lâm đến chết.

Lúc đó ở QYV 103 họ gọi bác sĩ Lâm là ÔNG PHẬT SỐNG . Tất cả các bệnh nhân khoa này chưa được bs Lâm khám thì chưa yên tâm. Còn tôi thì phục lăn là những dự đoán của bác sĩ hoàn toàn không sai với phim chụp ra.

Có lần tôi nói đùa :" Chắc anh Lâm chưa biết đau như bơm hơi não thất là thế nào đâu nhỉ. Bởi thế anh bảo em bơm hơi xong trưa về còn ăn được."

Bác sĩ cười, trả lời :" Thì bác sĩ cứ động viên bệnh nhân chứ có đau bao giờ đâu mà biết. Nhất lại là bơm hơi não thất để bóc tách màng não dính vào xương sọ thì đau phải biết ".

Bây giờ cũng vậy, bác sĩ thường động viên ta thôi chứ làm sao biết được ta thế nào đâu. Chắc đó là bệnh NGHỀ NGHIỆP nhỉ.

Nhân ngày Thầy thuốc VN, mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông nói tới gương của các bác sĩ, tôi cũng muốn góp mấy bài để tri ân những vị PHẬT SỐNG.

Càm ơn tất cả những ai bớt chút thời gian đọc các bài của tôi về các thầy thuốc Việt Nam.

Xin kính chào !