Du lịch Miền Trung 2012

TÌNH CẢM CON NGƯỜI THỜI CHIẾN.( 1 )


Thật ra viết bài này tôi cũng chỉ muốn mọi người hiểu trong gian nguy con người nghĩ sao, làm gì trong cái khoảnh khắc ấy.

Được giấy gọi của trường Đại học Bách khoa tôi mừng khôn xiết. Khi làm đơn xin thi tôi chỉ nghĩ trong chiến tranh được gần nhà, gần con, lại được chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt trên không của Mỹ. tốt nhất nên vào BK, vậy là làm đơn xin thi, từ chối đi học lại LX theo yêu cầu của bộ Giáo Dục mà không phải thi. Cầm giấy mời tôi đọc xem mình vào khoa nào, ngày, giờ tập trung. Không may đơn xin thi vào khoa vô tuyến điện, thì bây giờ lại phân công vào học khoa cơ, luyện kim. Sau mới biết khoa vô tuyến, điện sẽ đào tạo chỉ 3 năm để phục vụ chiến trường, mà tôi thì không đủ điều kiện do sức khỏe thiếu cân và có con 3 tuổi. Vậy muốn học thì phải chấp nhận. Hơn nữa trong thông báo mẫu làm đơn thi vào ĐHBK còn có 1 tờ cam kết :" Đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì mà TQ cần ". Thế là tôi phải chấp hành vô điều kiện. Cũng vì lý do này và thêm lý do tập trung không phải ở HN mà ở lạng sơn nên có một vài người bỏ cuộc.

Vì muốn có kiến thức đại học nên tôi chấp nhận hoàn toàn. Triệu tập nhận được đúng 3 ngày trước khi đến địa diểm. Lúc đó tầu hỏa không còn chạy ban ngày mà chỉ chạy ban đêm. Lượng người đông vô kể. Tuy vậy tôi cũng mua được vé tối lên tầu. Vừa bước khỏi cổng Parabol của BK. tôi nghe tiếng gọi dồn dập. Quay lại thấy cháu tôi, Nguyễn Quốc Hùng chạy vội tới. Cháu báo bà cháu mất, mai đưa tang. Tôi nói lý do không thể đến. Khi nghe vậy cháu khuyên tôi nên thôi học KHKT và chuyển sang học tiếng Anh, nơi cháu đang dạy. Tôi vẫn kiên quyết , mặc dù biết vào ĐHSP thì được ở lại HN, mai lại đi dự dám tang bà cháu. Cháu nói cháu sẽ chuyển giấy báo sang trường Sư Phạm, vì cũng là khối A. Tôi gửi lời xin lỗi cậu, mợ cháu và cám ơn cháu đã quan tâm, tôi đã quyết định học BK rồi. Thế là tôi lên tầu đi Lạng Sơn.

Cuộc đời sinh viên bắt đầu. Một cuộc đời đầy gian nan, nguy hiểm của tôi để chinh phục KHKT mà tôi mơ. Nhiều lúc cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng may Trời đã bắt tôi phải gian nan, nguy hiểm, chỉ để thử thách sự can đảm, lòng ham muốn và kiên quyết của tôi, nhưng không nỡ bắt tôi chết nên lúc nào gặp nguy hiểm là che chở cho tôi khỏi bom rơi, đạn lạc.

Hết năm thứ nhất ; sáng đi lao động, chiều vượt sông Kỳ Cùng đến lớp học, tối thắp đèn dầu sáng bằng hạt đậu xanh làm bài cho đến 1 - 2 giờ sáng chùm chăn trên đệm rơm ngủ vội mấy tiếng còn lại để đúng 6 giờ sáng bắt tay vào lao đông. Chúng tôi đào hầm xong thì bước vào xây dựng nhà lá, vách nứa làm hội trường và phòng thí nghiệm. Cứ thế cho đến hết năm thứ nhất.

Các thầy KB biết sinh viên thế, nhưng không hề giảm bài làm về nhà mà ngược lại, tăng thêm rất nhiều bài tập lớn hoặc đồ án môn học. Họ muốn chứng tỏ trong chiến tranh họ vẫn là những người thầy dạy giỏi, day tốt. Sinh viên sao họ không quan tâm.

Được dịp sống tập thể giữa rừng xanh, họ tha hồ mà tán đủ mọi điều. Dù sao thì họ cũng không thể tránh được bàn cô sinh viên này đẹp, học giỏi, cô SV kia đẹp mà dốt như bò... và bao giờ họ cũng CHÊ  SV K10  học sao mà dốt thế. Đến khi kết thúc khóa học thì họ lại khen trước các khóa sau là K 10 giỏi nhất. Vừa làm, vừa học, cơm muối ớt mà  làm được bao nhiêu nhà học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập và các bài học làm đâu ra đấy... Tất nhiên các thầy, cô giáo cũng giống SV ăn toàn cơm muối trộn ớt, may mắn được bát canh toàn quốc ( toàn nước ). Vì số thầy, cô ít nên thỉnh thoảng cũng được ăn thịt trâu hay thịt gà. Những thứ đó may ra SV được ăn  vài tháng 1 lạng. Nhưng chẳng ai hé ra một lời kêu ca, phàn nàn. Ai cũng thầm lặng chịu đựng, miễn sao không có bom rơi yên tâm dạy và học.

Hết năm thứ nhất SV được lệnh về thực tập năm thứ nhất ở các nhà máy. Mọi phương tiện đi thực tập phải tự lo sao đúng giờ ấy, ngày ấy phải có mặt tại nhà máy. Bây giờ mới đến thời kỳ khó khăn, nguy hiểm giữa bom đạn của Mỹ trên đất Việt.

Chúng tôi ở sâu trong rừng, xa thị trấn nên không có bom rơi của Mỹ. Nhưng giờ bắt đầu ra khỏi nơi an toàn, ra đường cái, nguy hiểm không biết đâu mà lần. Nhưng lệnh là lệnh, phải tìm cách đi bằng được.

Trên Lạng sơn lúc đó ô tô TQ cứ nườm nượp nối đuôi nhau trở người hoặc gì đó trong ô tô bịt kín ngược, xuôi. Trong đường rừng cứ độ 1 km lại có mấy thùng nước và ít cốc sắt tráng men để bên lề đường cho ai khát thì cứ uống.

Các sinh viên lợi dụng những gì có thể. Cả đoàn rủ nhau kéo ra đường cái, đi gần hết buổi sáng trèo đèo, lội suối mới đến đường cái ( đường ô tô đi được ). Cả đoàn cứ thấy ô tô là thi nhau la hét, vẫy tay lia lịa  :" Nỉ hảo, nỉ hảo ". Họ thấy bọn thanh niên VN đi cả đoàn, vẫy tay rối rít thì dừng lại. Bọn tôi ra hiệu xin đi nhờ, chỉ chỉ, chỏ chỏ. Vậy là được đi 1 quảng đường dài. Đến gần thị xã Lạng sơn họ đỗ lại, thả chúng tôi xuống. Xixi nỉ rối rít, chúng tôi chia tay mấy anh bạn TQ, kéo nhau đi bộ tiếp. Bây giờ lại phải vẫy tiếp xe về xuôi. Đi tiếp 1 đoạn khá dài mới thấy 1 xe tải VN chở mấy người, chúng tôi lại vẫy. Xe dừng lại, biết chúng tôi muốn đi nhờ xuống xuôi, anh lái bảo chỉ chở được ít thôi, còn lại phải chờ xin xe khác. Thế là tôi được đi nhờ, vì tôi đem theo con gái. May quá, có con cũng lợi ra phết. Nhất là con gái tôi lại ngoan, bảo gì nghe nấy. Tuy bé cũng biết chiến tranh nên cứ lặng lẽ, lùi lũi theo mẹ. Nhiều khi chỉ có bát cháo bột mì cũng ăn, không một lời. Lúc đó nói chuyện với bất kỳ ai tôi cũng bảo khổ con quá, tưởng nó không biết chiến tranh là gì. Ai ngờ nó khổ thế này...

Đi nhờ qua cầu Kỳ Cùng, nơi đây dấu vết chiến tranh bom Mỹ mới ghê rợn. Thị xã Lạng Sơn như một đống gạch vụn, tang thương, chỉ còn một vài cái nhà may mắn chưa bị bom phá tan nát. Anh lái xe chắc quá căng, quá mệt và đói nên cho mọi người nghỉ để may ra kiếm được gì ăn.

Hai mẹ con tôi vào 1 ngôi nhà tương đối còn nguyên. Vừa ngồi nghỉ được 1 chút thì một người đem ít rau muống vào bảo tôi nhặt. Hai mẹ con vừa nhặt được mấy ngọn thì còi báo động. Biết nơi đây báo động, nghĩa là bom sắp rơi, tôi vứt vội cọng rau muống cầm tay, bế thốc con, nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Không biết đây là đâu, tôi đảo mắt nhanh tìm hầm trú ẩn. Nhìn thấy 1 cái hố dài khoảng hơn 1 m, rộng khoảng hơn nửa mét, sâu khoảng gần 2 m, tôi ấn con xuống và nhảy theo, nằm đè che hết con trong lòng. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ đè lên nó, nếu mảnh bom có rơi thì trúng mình chết trước, nếu bom có cắt qua người mình mới đến nó. Mới chỉ nghĩ đến đấy, ngửng đầu lên đã thấy 2 thanh niên ngơ ngác tìm hầm. Tôi gọi vội :" Đây, đây, xuống đây !" Thế là 2 thanh niên nhảy xuống, tôi len lên, ấn 2 người xuống và nằm đè lên cả 3 người. Con tôi nằm dưới cùng. Lúc đó tôi nghĩ nếu cả 3 người lớn chết, chắc con mình vẫn sống. Chỉ nghĩ thế thôi chứ có nghĩ được gì khác đâu. Bom rơi, nổ sé tai, 2 người nắm dưới tôi run cầm cập. Trong đầu tôi cứ xuất hiện câu :" Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. " Chỉ nghĩ trong đầu chứ không nói ra lời.

Gần 1 tiếng sau yên lặng tuyệt đối, tôi trèo lên, 2  thanh niên cũng trèo theo và bế con tôi lên. Thấy bên trên có những mảnh bom, đất đá lấp đầy, người toàn đất. Nhìn lại ngôi nhà 2 mẹ con tôi vừa ngồi chỉ còn là đống gạch vụn.

Mấy người trú quanh đâu đấy, may quá, còn nguyên không ai chết. Truyện còn nở hơn ngô rang khi may thoát chết. Có một anh mang con cá khoảng 5 kg, nói là vớt được dưới sông, bom nổ ầm ầm, cá chết như rạ. Dân quanh đấy tha hồ vớt, nhưng anh chỉ vớt 1 con cho cả đoàn chứ vớt nhiều làm gì, để dân họ vớt ăn, chắc họ cũng đói lắm.

Cơm nấu xong, dọn ra các tướng được ăn sướng lắm, bắt đầu tán, kể lúc nẫy ở đâu, trốn ra sao. May trong đoàn có người còn gạo, nấu ăn no và nhất là ưu tiên anh lái thật no để còn xuôi cả đêm nay. Một anh nói :

- Tôi tiếc lúc nãy không có máy quay phim mà quay, cảnh đẹp tuyệt vời.

- Cảnh bom đạn có gì mà đẹp tuyệt vời ?

- Thế ông chui vào đâu vậy ?

- Làm gì có chỗ nào mà chui, nấp sau cây cổ thụ kia kìa !

- Thế thì có gì mà đẹp tuyệt vời ?

- Người ta chưa nói hết đã ngắt lời. Tôi nói cảnh đẹp là thế này. Lúc báo động mình đang ở ngoài nhà, định chạy vào trong nhà để lôi 2 mẹ con bà này ra khỏi nhà thi... Ôi sao mà lạ, mà đẹp thế, thấy bà ấy ôm con bé phốc lên, nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Cái cửa sổ cao thế , trên tay lại 1 đứa con mà sao bà ấy lại nhảy phốc 1 cái qua được, giống như mình đang xem phim ấy. Đứng sau cây cổ thụ, tôi nghĩ thầm, nếu còn sống tôi sẽ kể chuyện này cho toàn thế giới nghe, chỉ tiếc là không có máy quay phim mà quay để chứng minh sự thật. 

Nói thêm, chúng tôi toàn những người đi nhờ ô tô về xuôi, chắng ai biết ai, mà cũng chẳng ai hỏi tên ai, vì biết có sống được qua cuộc chiến tranh ác liệt của Mỹ gây ra trên đất này. Cuộc chiến mà dân thường chỉ chờ sự may mắn không bị bom đạn của Mỹ rơi vào mình bất ký giờ phút nào. Cái chết cứ luôn bên mình từng giờ, từng phút.

Anh lái xe nói là về xuôi để chở hàng lên Lạng Sơn. Hàng gì anh không nói, mà chúng tôi, theo nguyên tắc bí mật, cũng không ai hỏi. Chỉ nghĩ anh này lái xe xuôi, ngược thế này thì chẳng biết có sống được qua cuộc chiến tranh này không.

Sau này mỗi khi nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại có thể nhảy cao được đến thế, trong khi ở LX đi thi thể thao tôi phải xuống hạng 2 vì không vượt qua mổi 80 cm, thế mà cái cửa sổ này phải cao đến trên 1 m.

Có lẽ tình yêu là động lực đã cho người ta sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, nhất là TÌNH MẪU TỬ. 

Chẳng biết con gái tôi còn nhớ chuyện này không, nhưng đọc chuyện này may ra nó còn nhớ. Nếu Lan nhớ hãy kể cho 2 con nghe nhé, để chúng biết chiến tranh là thế nào và dân VN đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ, nguy nan ra sao. Và nhất là mẹ con mình đã trải qua những khoảnh khắc nguy hiểm đến mức nào.

Bài đã dài, tôi sẽ viết 1 bài nữa không phải tình mẫu tử, không phải tình yêu mà là  TÌNH NGƯỜI trong chiến tranh mà tôi được biết. Xin cám ơn ai đã đọc bài này.

Xin kính chào !

10 nhận xét:

  1. Đẻ con sớm thế!
    Học xong phổ thông là lấy chồng ngay à? Trong chiến tranh ác liệt vừa học vừa nuôi con vừa lao động, ăn uống kham khổ mà vẫn sống nổi. Thế mới biết dân VN anh hùng thật, tiêu biểu là hai mẹ con TN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không đủ khả năng học tiếp, TN đi làm và quyết định làm xong việc gia đình thì đi học đại học, nhưng không được quá 30 tuổi.Trong cuộc đời SV còn mấy lần hút chết nữa, sẽ từ từ kể sau. Cám ơn TM đọc mở hàng ! Chào !

      Xóa
  2. Chị giỏi thật! Một thân một mình nuôi con vẫn đi học, học giỏi! Dân QB tuyến lửa như em, ăn hầm ngủ hầm, học dưới hầm cũng không bằng chị đâu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anhTT quá khen, tôi 2 mình nuôi con đi học chứ không phải 1 mình, nếu nói 1 mình e người ta bảo tôi VÔ ƠN . Nhưng không hiểu sao những lúc gian nguy tôi hay cùng con, kể cả trong năm 1972 tại HN. Chào !

      Xóa
  3. Em gái sang đọc cảm động lắm về tình cảm thời chiến của đất nước ta, ngày ấy tình cảm là trên hết chị gái nhỉ ? Chị gái của em giỏi lắm, tính cách mạnh mẽ như đàn ông thế thì bom rơi đạn nổ cả trăm lần vẫn ko hề hấn gì cả đâu hì hì

    Em gái rất vui vì nghe được giọng nói còn rất trẻ trung của chị, em bằng tuổi con gái chị mà nghe giọng chị em ngỡ chị mới độ tuổi 60 thôi hi hi, em gái vui lắm, rất mong được ôm chị 1 cái đấy, chị gái cực khổ thế mà vẫn thành tài xứng đáng là bạn của tồng chí Putin lắm, chúc chị gái thật khỏe mạnh, thật vui, luôn nhớ về 1 thời gian khổ nhưng thật hùng tráng của đất nước mình chị gái nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm nay chị có khách liên tục nên không vào mạng,xin lỗi em nhé. Chờ đến cuối thang 3. Chúc em 2 ngày nghỉ vui vẻ . Chào !

      Xóa
  4. Sao mà chị có trí nhớ tuyệt vời thế không biết nữa. Những câu chuyện chị kể làm cho em cứ tưởng như một bức tranh ngày cũ được vẽ ra...Em đã từng những ngày bom đạn, sống chết tấc gang nên rất hiểu sức mạnh lúc lâm nguy chị ah.
    Chị gái ơi! Em hình dung lúc đó chị như con sóc ý! Nhanh và khỏe nữa..
    Hãy nhứ lại một thời, để khỏe lên chị nhé! Đỡ đau đầu chút nào không chị ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiều nào cũng vẫn đau đầu, nhưng có khách nên cứ ôm đầu tiếp. Đến tối 2/3 là chị hét khách rồi. Chị sẽ đăng tiếp mấy bài về chiến tranh để mọi người trong, ngoài nước có ai đọc cảm thấy CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI TRÒ CHƠI, KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA. Hãy cố gắng bằng bất kỳ giá nào để con, cháu chúng ta không phải chịu cảnh như chúng ta. Ukraina chắc đại chiến thư II qua lâu rồi nên họ đã quên cái già gần 30 triệu mạng người phải trả để có ngày nay. Mình chẳng làm được gì nên chỉ viết nhắc lại cảnh mất mát đau thương thôi. Dù xa hay gần, dù nhiều hay ít thì mỗi người trong chiến tranh cũng phải mất, không ai có thể bình yên, nếu người đó yêu gia đình, yêu đất nước, quí trong mạng sống của con người thì phải thế. Chào !

      Xóa
  5. Me oi, chac hoi do con nho qua nen khong nho çhuyen nay, nhung con nho biet bao nhieu chuyen khac thoi ky chien tranh va so tan. Bao nhieu lan vua ngoi tranh bom trong ham vua run vua so.

    Con rat biet on bo me du trong hoan canh kho khan va nguy hiem van cham lo nuoi nang va day do chung con nen nguoi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lan ơi, mẹ không có ý kể công với các con, còn mẹ hỏi thế để xem trí nhớ lúc thơ ấu của con đến đâu thôi, con đừng suy nghĩ. Mẹ hỏi còn định so sánh giữa mẹ và con có gì giống nhau, vì lúc bà mất mẹ cũng bằng tuổi Lan lúc đó mà mẹ vẫn nhớ nguyên đám ma bà, lần cuối cùng bà cho mẹ 1 miếng bánh dẻo con Rằm tháng 8. Chắc nỗi đâu nhớ lâu, còn chưa đến nỗi đau lắm thì phải quên, óc ta nhỏ bé thế cơ mà. Đừng băn khoăn, nghĩ ngợi nhiều. Mong con và các cháu vui vẻ, khỏe mạnh. Mây hôm nay nhà đông khách LX 30 về trước, nên vui lắm.Nhà mình là trụ sở của họ mà. Mồng 2/3 cô Lên đi thì chắc hết khách. Cái tên Natasa lại được dùng liên tục, tạm thời quên cái Tên Tuấn Nga, làm không khí trở về 30 trước, cũng hay. Họ bảo bây giờ yêu, thích cô chứ không sợ cô nhứ cô Natasa nghiêm khắc ngày trước...

      Xóa