Du lịch Miền Trung 2012

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG CHIẾN TRANH (3).

Tôi không may vào đại học đúng chiến tranh chống đế quốc Mỹ bắt đầu. Chẳng biết thời bình sinh viên học có những chương trình gì, đi thực tập những đâu, còn chúng tôi là sinh viên trong chiến tranh thì khổ đủ điều, đã vậy tính mạng những khi đi thực tập thì ngàn cân treo sợi tóc, nói không ngoa. Chương trình 5 năm thực tập của chúng tôi ngoài tại trường ra còn đi thực tập tại các nhà máy như:

- Cao su, Xà phòng, Thuốc lá ( khu cao , xà, lá )
- Phân lân Văn Điển.
- Pin Văn Điển.
- Phân đạm Bắc Giang.
- Nhà máy đường Vạn Điểm
- Nhà máy hóa chất Việt Trì.
- Nhà máy superphosphat  Lâm thao.
- Thủy tinh Hà nội.
-Thủy tinh Hải phòng.
- Xi măng Hải Phòng .

Mỗi nhà máy đi ít nhất là 2 tuần, vừa là 1 tháng và nhiều là 3 tháng (thực tập , làm đồ án tốt nghiệp) . Mỗi khi đi nhà máy nào thì khoa phân công các nhóm người, ngày, giờ tập kết. Còn mặc sinh viên tùy nghi di tản. Vậy là chúng tôi chỉ lo sao không chậm đến địa điển thực tập theo yêu cầu của khoa. Khổ nhất là phương tiện đi không có, chủ yếu là xe đạp, xin đi nhờ ô tô dọc đường. Tất nhiên như vậy thì chúng tôi không thể lo ăn cho mình, mà gọn nhẹ là 2 bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng. Có bạn sinh viên nam còn chỉ 1 bộ mặc trên người và 2 bộ lót. Tôi chỉ lo muỗi đốt nên bao giờ cũng cố mang theo cái màn, hơn nữa tôi cũng có xe đạp nên không lo nặng lắm. Còn chị Ch thì người miền Nam hay sợ rét nên bao giờ cũng cõng theo cái chăn đơn Nam Định. Khổ nhất là năm nào tôi đi thực tập cũng bị bom Mỹ đuổi theo, nghĩa là năm nào cũng hút chết.


chúng tôi được lệnh đi thực tập nhà máy đường Vạn Điểm 1 tháng. Lúc đó đêm nào máy bay cũng ném bom các nhà máy, còn ban ngày thì dọc đường quốc lộ vào Nam. Vừa ra khỏi nhà máy được  gần cây số về nơi trọ thì nhà máy bị bom giặc Mỹ ném. Chị Th hoảng sợ đạp thật nhanh ra xa nhà máyChân đạp, mắt ngoái lại nhà máy không nhìn phía trước, thế là tôi nghe một tiếng ÙM. Nhìn lại không thấy chị Th đâu, ngoảnh sang ao bên lề đường thấy chị đang ngoi ngoi. Tôi không biết bơi mà cũng chưa biết kêu ai thì thấy mấy người đi đường núp ở đâu đã nhảy xuống ao vớt chị Th và xe đạp của chị lên. Chắc đó là những người dân hay khách qua đường. Hai chị em tôi hú hồn, chân chị Th run như cầy sấy. Chúng tôi chỉ kịp cám ơn xong là mấy người đã cứu chị Th vắt vội quần áo ướt rồi lên xe đi thẳng..Chúng tôi lại lên đường về nhà trọ. Đến nhà trọ sau khi thay quần áo sinh viên bắt đầu tán phét việc chị Th khi ra khỏi nhà máy vẫn nghĩ đến các bạn chưa có gì ăn tối nên nhảy xuống ao bắt cá cho anh, chị em cải thiện.

Những chuyện không may đến với chúng tôi trên đường thực tập thì nhiều lắm. Càng nhiều chuyện xẩy ra chúng tôi càng có dịp tán vui trong thời kỳ thực tập căng thẳng.

Thường cứ hết chiều thứ 7 là chúng tôi, mạnh ai nấy chạy, đạp xe khoảng 35 km về THĂNG LONG PHI CHIẾN ĐỊA, tránh bom Mỹ. Tôi tất nhiên không ngoại lệ. Chiều chủ nhật lại cắm cổ đạp đến nhà máy để sáng thứ 2 còn làm việc. 

Một hôm đang cắm cổ đạp xe thì nghe tiếng trẻ con :

- Chị đi đường kia ! Muốn chết hay sao mà báo động, bom sắp rơi mà còn cắm đầu, cắm cổ đạp xe ?  Không sợ chết à ?

- Ai gọi đấy ? Gọi chị à ?

- Chị nhìn đường xem có ai ngoài chị, chẳng gọi chị còn gọi ai ? Xuống đây mau, nó sắp cắt bom rồi. Nhanh, nhanh lên !!!

Tôi vội vứt xe đạp bên cạnh đường, nhìn quanh tìm hố cá nhân bên đường.

- Xuống đây mau lên. Còn xa mới có hố khác. Xuống nhanh !

Tôi vừa nhẩy xuống hố cá nhân của em và 2 chị em vội lấy hết sức đậy nắp hầm lại, thì nghe tiếng bom nổ ẩm ầm trên đường. Hết bom, 2 chị em nhẩy lên khỏi hầm. May 2 chị em đều bé nên vừa cái hầm cá nhân. Tôi hỏi em :

- Em ở gần đây à ?

- Em ở trong làng. Hàng ngày em chăn trâu ở đây.

- Chiều rồi sao chưa về, mà trâu đâu ?

- Em đưa trâu về nhà rồi lại ra đây.

- Em ra hứng bom Mỹ à ? Sao mạo hiểm thế.

- Mạo hiểm đâu. Em ra ngồi dưới hố cá nhân giờ này bọn Mỹ hay ném bom dọc đường, nên xem ai giống như chị ấy, lớ ngớ không nghe báo động em gọi cho mà tránh bom.

- Thế em gọi được mấy người ngoài chị ra ?

- Cả chị là 4 rồi.

- Cám ơn em đã cứu chị. Em tốt quá. Em thật dũng cảm. Sao biết bọn Mỹ sắp cắt bom mà gọi ? Em tên gì ?

- Cám ơn gì em. Tên em có nói sau này chị cũng quên, nếu chị còn sống. Em thích thì em làm thôi, không cần hỏi, không cần cám ơn. Em quen ở đây nên biết khi nào chúng sắp cắt bom là em đậy nắp hầm ngồi yên ở dưới, nếu có ai đi qua là em gọi để tránh.

Đường còn xa. tôi sợ tối nên lấy xe đạp  đi. Không ngờ xe bị trục trặc, loay hoay mãi mới chữa được. Chắc đất, đá bị bom ném văng lên xe của tôi... Chữa xong xe quay lại định nói tiếp với cậu bé vài lời thì nó đã chạy biến vào làng không 1 lời chào.

Thật là tình cảm thời chiến! Cám ơn cậu bé có lòng tốt đã cứu tôi. Thế mà do nhiều hoàn cảnh tôi quên cả kể việc này với người thân, các con tôi. Bây giờ ngồi nhà lúc già mới nhớ ra. Chỉ mấy người sinh viên cùng thực tập với tôi ở nhà máy đường Vạn Điểm mới biết việc này mà cũng chẳng biết bây giờ họ ở đâu. 

Cám ơn các quí vị đã đọc bài này và xin chào các quí vị.
                 

,

13 nhận xét:

  1. Em gái gặt được tem vàng
    Chúc chị gái tuần mới vạn điều bình yên (~_~)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc chuyện chị gái kể bao giờ cũng xúc động trào dâng, thời chiến tranh mà tình cảm con người thật ấm nồng chị gái nhỉ ? Đọc đến đoạn chị Th tùm xuống sông rồi sinh viên các chị tán phét về chị Th em ko nhịn được cười hì hì, chị gái giỏi lắm, vừa chiến tranh vừa học miệt mài vậy thì còn ai giỏi bằng, chị gái của em đáng lẽ phải làm chức rõ to ở TƯ mới đúng, mong gặp chị gái lắm rồi nha

    Chúc chị gái của em luôn mạnh khỏe để còn kể nhiều chuyện em nghe nữa nhé !

    À quên, hôm qua em mơ được sang Nga lại, đi máy bay sang đến nơi rồi, đang chuẩn bị gặp bạn ở Nga thì giấc mơ biến mất, em tiếc hùi hụi chị gái ạ hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Ch. 2 con, hơn chị mấy tuổi mà cũng cố theo học mới phục chứ. Chị không hế có ý nghĩ làm ông nọ, bà kia nên chịu ăn ít để nuôi con chứ quyết từ chối đề bạt. Khi nào ta rủ nhau sang Moskva chơi nhé, nhưng để hoàn toàn yên ổn đã.Chào !

      Xóa
  3. Đọc bài này của chị em lại nhớ lại thời đó...Khi em đưa SV thực tập tại CT xây dưng sô2...ở Mai Hương ngày nay. Hôm đó máy bay VÀO NÉM BOM HN, GẦN NƠI CÁC EM THỰC TẬP. MÁI NGÓI XÔ, TƯỜNG NỨT...Vừa dứt bom, em vội đến thăm. Thấy các em lo lắng, mắt lộ vẻ hoảng hốt rất ...người chị ạ. Tội quá. Sau đó mới có lệnh đi sơ tán. Em nhớ mãi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình người trong hoạn nạn mà. Họ thương nhau chẳng khác ruột thịt. Nhường cả sự sống cho người không quen biết. Vĩ đại thay con người khi hoạn nạn. Chào !

      Xóa
  4. Có lẽ VN mình thắng Mỹ ngoài sự giúp đỡ to lớn cua rbef bạn khắp năm châu thì còn có tinh thần yêu nước, còn có những con người như cậu bé đã chạy ra đường để giúp chị.
    Đó là ở Miến Bắc! Còn ở Quảng bình túi bom như bọn em thì chuyện bom nổ, người chết, tiếng khóc vì có người mới bị bom Mỹ giết hại vẫn thường xảy ra. Chúng em vẫn phải sống, vẫn đi học vẫn đi làm đồng... Sướng nhất chị biêt là gì không? Được đi bộ đội! Đi bộ đội được ăn no, được mặc ấm.... Thế đó chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc đó chúng tôi biết người dân Quảng Bình bị bom Mỹ hàng ngày ác liệt lắm. Chỉ biết thôi chứ chẳng ai nói ra, đâu đâu cũng chết chóc... Chỉ mong hòa bình thôi.Chào !

      Xóa
    2. Nếu như thời đó cứ tuyên truyền chết chóc, bom đạn...thì liệu đất nước mình có chiến thắng Mỹ không chị nhỉ?

      Xóa
  5. Thật vô tư và đáng yêu, phải không chị! Thời chiến tranh, biết bao lần ta may mắn gặp những người tốt như cậu bé đó, nếu không thì chẳng còn mà gõ chữ tếu táo với nhau bây giờ chị nhỉ?
    Kể tiếp đi chị. Chúng em sẽ cùng chị ôn lại, nhớ về ngày xưa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị chỉ muốn nhắc lại cái giá mà chúng ta, mỗi người, phải trả trong chiến tranh để có ngày nay thôi. Còn bọn cướp đi mạng sống thì chúng đâu có biệt dân lành mất mát thế nào khi chúng đầy túi tiền vơ vét được. Bọn trẻ bây giờ ít biết cái giá mà chúng ta phải trả cho ngày nay của mỗi người dân lành là thế nào. Buồn lại kể, ai thích thì xem, còn không để các cháu sau này đọc cũng được May là còn có phương tiện này để viết lại. Chào !

      Xóa
  6. Không hiểu sao đọc lại những ký ức thời chiến tranh em thấy buồn lắm chị ạ. Em vẫn vào mạng đọc blog của mọi người nhưng ít khi com. Em thích thà đọc mà ko com chứ ko bao giờ com mà ko đọc. chị khỏe nhé! Mưa quá chị ạ.

    Trả lờiXóa
  7. Mõi người một tâm trạng, một ý thích LL ạ. Chị không để ý lắm, vì nếu thích mà có thời gan thì đọc, không thì thôi. Comment cũng vậy LL ạ. Chúc em vui lên, cả nhà khỏe lên sau những ngày âm u này, chj cũng đang phải cố lấy hết sức để vượt đây. Chào !

    Trả lờiXóa