Du lịch Miền Trung 2012

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG THỜI CHIẾN (4).

Chúng tôi được lệnh lên nhà máy hóa chất Việt Trì và nhà máy supperphosphat Lâm thao thực tập 1 tháng. Nhóm tôi gồm 3 nam, 2 nữ. Cả nhóm có 4 xe đạp, 3 con trai và tôi. Còn chị Ch. thì không dám đi xe đường dài vô tận và bất định. Chúng tôi đạp xe và đều nhất trí với nhau không mang thực phẩm, nước uống để giảm trọng lượng vì còn phải đèo chị Ch. Quan điểm chung là đến đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường nên thấy nhẹ nhõm. Ăn thì gặp mua được gì, ăn nấy mà có đói 1 ngày cũng không sao. Các phương tiện từ HN đi không có hoàn toàn, chúng tôi chỉ hy vọng đi nhờ được ô tô vẫy dọc đường, nhưng đường lên Phú Thọ thì hầu như không có xe tải. Đi mãi mới đến Việt Trì, qua cầu treo Việt trì thì 4 xe đạp nối đuôi nhau để có ngã còn đỡ nhau. Cầu treo lắc lư thật khó đi, mà lúc đó chúng tôi còn sợ lỡ không may cộng hưởng thì tất cả đều tùm xuống sông Thao, toi cả lũ. Nhưng may điều đó không xẩy ra. Chúng tôi qua đến bên kia cầu, dựng xe nghỉ cho đỡ mệt và đỡ căng thẳng. Tưởng chị Ch. đi liền sau, chúng tôi định quay lại nói chuyện thì T. Chỉ tay lên cầu và cười bò ra. Theo tay T. chúng tôi nhìn lên cầu thấy chị Ch. đang bò lổm ngổm trên cầu, 2 tay, 2 chân dạng ra để giữ cơ thể thăng bằng.  Cả lũ cười như nắc nẻ, chảy cả nước mắt. Anh C. vội vàng quay lại cầu để dắt chị Ch. qua. Sang đến hết cầu chị Ch. chân tay run lẩy bẩy như bị sốt rét. Chúng tôi lại được mẻ cười. Vừa cười, vừa thương chị. Hết cơn cười, chúng tôi lại đi tiếp. Tôi là con gái nên cứ tự lo đạp xe theo 3 anh con trai, còn chị Ch. thì được 3 anh này thay nhau đèo. Kể ra nhát gan cũng lợi ra phết. Tôi lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, không cần con trai giúp nên cứ đạp và đèo hành lý của mình, kiên quyết không nhờ ai dù nhiều lúc cảm thấy sắp đứt hơi.

 Con đường dù chỉ còn ngắn, nhưng sức đã kiệt, trên đường đi chúng tôi chỉ ghé mấy nhà ven đường xin nước giếng uống, có khi chẳng có ai mà xin, cứ lấy gầu múc nước uống rồi tiếp tục đi.

Sức mỗi lúc một kiệt vì vừa đói, vừa mệt vì đạp xe một quãng đường dài. Chúng tôi quyết định đến nơi có nhà gần nhất thì nghỉ, ngày hôm sau đi tiếp.

Đi 1 lúc thấy có 1 cái nhà lá hơi to hơn nhà dân thường làm 1 chút. Chúng tôi đi vào, hóa ra nhà kho của nông dân để dụng cụ nông nghiệp và lúa mới cắt chưa khô chất vào chống mưa, nắng. Chúng tôi nhất trí nghỉ tại đây, nhịn và ngủ 1 giấc thật say cho đã mệt.

Vừa lót rơm làm đệm nằm thì có 2 người vào:

- Này các đồng chí ở đâu đến mà tự động vào kho HTX trải rơm ra nằm.

- Chúng tôi là sinh viên trường ĐHBK đi thực tập ở nhà máy Supperphosphat Lâm Thao. Đi từ sáng đến giờ mệt quá. Các đ/c cho chúng tôi ngủ nhờ, sáng mai đi.

- Ngủ nhờ thì được, nhưng các đ/c nấu ăn thì không được, nhỡ cháy kho thì chúng tôi chết.

- Chúng tôi không nấu gì, vì có gì đâu mà nấu...

- Các đ/c nhịn đói cả ngày đến sáng mai à ?

- Đành thế thôi, các đ/c ạ.

Chúng tôi ngồi xuống nghỉ. Sau đó xếp 4 xe đạp vào 1 chỗ, lấy dây buộc lại với nhau phòng mất cắp. Chị Ch. lớn tuổi nhất , rồi đến anh C. Hai anh kia hơn tôi 1 tuổi. Trong kho muỗi to như con ruồi, làm sao ngủ được. Như tôi đã viết ở phần trước, tôi sợ muỗi nên bao giờ cũng mang theo màn, còn chị Ch. thì sợ rét nên lúc nào cũng kèm chiếc chăn đơn Nam Định. Ba anh con trai thì chỉ 2 bộ quàn áo ngoài và 2 bộ lót. Chị em tôi bàn nhau, lúc đầu chị Ch. không đồng ý, nhưng thấy nếu không chấp nhận phương án của tôi đưa ra thì không lối thoát, nên tuyên bố với 3 anh:

- Tui phân công ngủ thế này để bảo đảm sức khỏe mai đi và thực tập lâu dài. Nga có màn, tui có chăn, 3 cậu không có gì. Vậy ta mắc màn  chui cả 5 đầu vào, chăn đắp từ bụng xuống ta ngủ chung cả 5 người. Nga nằm trong cùng, 3 cậu nằm giữa, còn tui nằm ngoài cùng, vì tui tỉnh ngủ, có gì kêu to cho mọi người biết.

Cả nhóm đồng ý. Thu xếp xong, vừa đặt lưng nghỉ tạm, chỉ có anh M. mới có đồng hồ đeo tay, lúc đó là tương đối giầu, vì có xe đạp lại còn đồng hổ PODOT  của LX nữa chứ. Khi xem mấy giờ anh M. bảo trong ba lô, mở ra xem bây giờ là mấy giờ thì mới biết đồng hồ mà người VN lúc đó gọi là PODOT của LX là ( Полёт - chuyến bay ). Tôi chỉ cười vì chữ tác đánh chữ tộ, mà chẳng dám nói gì vì sợ họ bảo mình ra điều biết tiếng Nga. Cho đến lúc này tôi vẫn không dám thú nhận biết tiếng Nga cho mọi người.


Vừa nằm nghỉ 1 lúc thì 7 giờ tối. Cửa kho mở, chúng tôi chuẩn bị đánh trộm thì:

- Các đ/c ơi, dậy ăn tạm ít khoai, sắn luộc cho đỡ đói rồi hãy ngủ.

Hóa ra 2 đ/c xã viên lúc nãy bỏ vào làng, luộc khoai cho chúng tôi, chắc họ sợ không đủ nên thêm mấy củ sắn. Chúng tôi cám ơn, họ chẳng nói gì, lẳng lặng đi và đóng cửa lại.

Thật cảm động, chúng tôi ngồi cả dậy ăn khoai, sắn trong bóng tối. Ăn xong còn 1 ít, chúng tôi gói lại để mai ăn trước khi lên đường. Sáng sớm hôm sau :

- Các đ/c ơi, dậy ăn sắn để còn lên đường sớm kẻo muộn là máy bay Mỹ ném bom chết đấy. Đây là vùng trọng điểm giữa 2 nhà máy to của ta, nên chúng ném bom ác lắm.

Các xã viên HTX thật chu đáo, họ nghèo không có gạo thì luộc khoai, sắn cho chúng tôi ăn đỡ đói lòng. Chúng tôi xin, cám ơn và ăn hết luôn cả sắn và khoai hôm qua tiếp tục đóng cửa kho lên đường đi tiếp quãng đường ngắn còn lại. Đường thì không xa lắm, nhưng bom cầy nát nên nhiều đoạn phải dắt, vác xe mới qua được.

Đến 1 làng cách nhà máy supperphosphat chúng tôi xuống, xin dân cho ở nhờ 1 tháng thực tập. Lúc đó chúng tôi biết ở gần nhà máy độc, nhưng chưa biết độc đến mức nào. Sắp xếp xong anh C, trưởng nhóm đi liên hệ với ban lãnh đạo nhà máy bố trí thực tập cho chúng tôi.

Về đến nơi trọ anh phân công chúng tôi vào các bộ phận và còn không quên nói có tác giả bài hát Ở tận sông Hồng em có biết ( Trương Quang Lục)... Đang là 1 trưởng phòng ở đây, nhưng KIÊU lắm. Cũng học hóa BK ra, trước ta mấy khóa...

Chúng tôi đi chợ mua ít thức ăn chuẩn bị mai vào nhà máy, nơi nguy hiểm cả về bom giặc Mỹ lẫn hóa chất...

Bài đã dài, tôi sẽ kể tiếp sau. 

Cám ơn quí vị đã đọc bài này, hẹn gặp lại

Xin kính chào quí vị.

11 nhận xét:

  1. Tui phân công ngủ thế này để bảo đảm sức khỏe mai đi và thực tập lâu dài. Nga có màn, tui có chăn, 3 cậu không có gì. Vậy ta mắc màn chui cả 5 đầu vào, chăn đắp từ bụng xuống ta ngủ chung cả 5 người. Nga nằm trong cùng, 3 cậu nằm giữa, còn tui nằm ngoài cùng, vì tui tỉnh ngủ, có gì kêu to cho mọi người biết.
    CHỊ ƠI... THỜI CHIẾN BON EM ĐÃ TỪNG NGỦ, LÚC ĐẦU CÒN Ý TỨ, SAU RÉT VÀ MỆT RỒI CHẢ BIẾT ĐẦU ĐUỐI XUÔI NGƯỢC THẾ NÀO, ĐỨA NÀY ÔM ĐỨA KHÁC... THỜI GIAN ĐÂU MÀ NGHĨ CHUYỆN BẬY BẠ TRONG ĐẦU... MỘT THỜI MÀ CÁI CHẾT NGAY BÊN CẠNH!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con người chúng ta lúc ấy sao mà trong trắng thế, HC nhỉ. Cám ơn em đã đọc mở hàng cho chị. Chức cả tuần vui vẻ. Chào !

      Xóa
  2. Tình cảm con người trong gian nan thật cao thượng chị nhỉ? Bây giò tìm dc người giúp nhau như thế chắc hiếm!

    Trả lờiXóa
  3. Cũng không hiếm lắm, anh TT a. Nhưng con người lúc đó giúp nhau hoàn toàn vô tư, thương người như thể thương thân, thật lòng mình vì mọi người. Cám ơn anh đã đọc và còn comment nữa. Chào !

    Trả lờiXóa
  4. Em gái đọc say sưa, chị gái viết chuyện duyên lắm, em nghĩ chị Ch sợ cái vụ tùm xuống ao rồi nên ko dám đi xe đạp nữa phải ko chị ? Thời chiến tranh ác liệt thật chị gái nhỉ ? Cái chuyện sống chết trong gang tấc chẳng biết đường nào mà lần, nhiều khi ngẫm lại sự may mắn cũng là điều quan trọng chị gái nhỉ ? Chị gái thật dũng cảm kiên cường cả thời chiến lẫn thời bình đó, em mong được ôm chị 1 cái lắm đó hì hì

    Tối hôm kia em lại mơ đến được nước Nga rồi chị gái ạ nhưng em lại bị lạc giữa rừng người Nga, vốn tiếng Nga 3 tháng của em chỉ đủ em đi mua bánh mỳ năm mà thôi, chị gái đừng cười em, em mong lúc đó có chị Natasa thì tuyệt vời, đang lơ ngơ giữa nước Nga thì tỉnh giấc, em mong nếu có giấc mơ nữa em sẽ gặp chị gái, mà em gần gặp thật rồi chứ chẳng cần mơ nữa chị gái nhỉ ? Hì hì

    Chúc chị gái của em tuần mới sức khỏe diệu kỳ, mọi điều may mắn chị gái nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  5. Thời chống Mỹ mình toàn trực chiến ở Hà Nội. Thỉnh thoảng đạp xe đến Tam Nông, nơ sơ tán của cơ quan họp xong lại về ngay! Và chẳng bao giờ chịu chui xuống hầm. Mình nghĩ rằng hằng ngày ở bang Cò ỉa mà chưa bao giờ cò ỉa trúng mình thì bom Mỹ cũng vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TM chắc luôn ở Thăng Long phi chiến địa nên không phải khổ như bọn sinh viên BK, nhất là khóa 10 thì hoàn toàn học ở rừng, ăn cơm muối ớt để cố kiếm cái giái cho mình. Đến khổ ! Vậy mà chỉ năm đầu có vài người bỏ, sau đó đều chiến đấu đến cùng. Chúc TM khỏe nhé. Chào !

      Xóa
  6. Chị Nga viết những câu chuyện giản dị cảm động thời chiến mà ít người viết ra ... Chị góp lại thành sách đi chị à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ST ơi, chị không có ý định ấy, có vẻ to tát quá Chỉ viết để nhớ lại những gì xẩy ra trong đời, nếu ai có thì giờ, hứng thú đọc giết thời gian thì đọc Sau này mình ra đi cứ để đấy may ra có người cần đến. Chị còn gõ thế này chứ chj Hà Tường Vân, cháu ruột ông Hoàng Xuân Tùy thì ngồi viết bằng tay để luyện đủ thứ. 25/3 em có đi không ? Chúc e và MK khỏe, vui. Chào !

      Xóa
  7. Những câu chuyện chị kể cứ hay chân chất vậy chị ơi!
    Đọc mà cười,mà thương, mà nhớ cái thời gian khổ đạn bom nhưng thấm đẫm tình người.

    Út Bạch Dương sắp được gặp chị rùi... hu hu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NMCR ơi, chị viết thật thà, kể lạ trong vui có buồn, trong nguy hiểm có tình người, gặp qian nguy mới thấy quí cuộc sống, quí, trân trọng tình người. Chắc em cũng gặp những trường hợp tương tự nhỉ, kể đi chia vui, buồn với bạn bè. Nhiều lúc chị nghĩ cứ viết để giết thời gian cô đơn. Chúc cả nhà vui, khỏe. Chào !

      Xóa