Du lịch Miền Trung 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2016 .






CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2016 TẤT CẢ CÁC QUÍ VỊ THÂN MẾN. NĂM MỚI 2016 CHÚC QUÍ VỊ MỘT NĂM VUI VẺ, SỨC KHỎE TRÀN ĐẦY, AN KHANG, THỊNH VƯỢNG.


Xin thành thật cám ơn các quí vị năm qua đã ưu ái đọc và comments các bài viết của tôi. Hy vọng năm 2016 cũng sẽ được các quí vị ưu ái như năm qua. MỘT LẦN NỮA XIN CÁM ƠN QUÍ VỊ THẬT NHIỀU.
Xin kính chào quí vị !


BÀI VIẾT CUỐI CÙNG NĂM 2015.




Nhắc lại thời bom đạn một chút:
Ngày này năm 1972 đang ở Hà Bắc được lệnh trường đại học Bách khoa cho chuẩn bị về làm việc tại HN, tôi mừng khôn xiết, vội thu vén vài thứ cần thiết và đạp xe về ngay HN. Sau những ngày Mỹ đánh phá HN, về đến nhà tôi vừa mừng, vừa phải lo dọn nhà xập xệ sau những ngày bom đạn... Lên đến khoa và phòng làm việc vội thu xếp, dọn dẹp, lau chùi phòng, bắt tay vào công việc không được chậm trễ, kịp thời tổng kết cuối năm sau bom đạn. 

Gặp nhau tại khoa, ai cũng mừng khôn xiết, vì tuy bom đạn của giặc Mỹ ác liệt như vậy, hầu như cả khoa vẫn phải đi lại từ nơi sơ tán về HN để giải quyết những đề tài không thể trì hoãn. Thế mà tất cả đều vẫn sống, hơn nữa mọi công việc, các đề tài nghiên cứu khoa học đều hoàn thành mỹ mãn. Chủ nhiệm khoa vui mừng chúc chúng tôi đã  VƯỢT QUA BOM ĐẠN ÁC LIỆT CỦA GIẶC MỸ đã hoàn thành suất sắc mọi đề tài nghiên cứu khoa học đã nhận trong năm. Chủ nhiệm khoa thông báo trường cho phép chúng tôi ở nhà 1 ngày đề dọn nhà và chuẩn bị lương thực và thực phẩm đón chào năm mới.

Đúng là lúc ấy chúng tôi vui như tết, quét dọn phòng làm việc sạch sẽ, niêm phong phòng làm việc thật cẩn thận quay về nhà mình , dọn nhà, mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị đón con từ nơi sơ tán về đón xuân 1973 đầy hy vọng.

Di chợ Mơ, nơi quen thuộc của chúng tôi, ngoài rau ra, chỉ có ít cá bé tẹo mua về kho xì dầu ăn tết. Ai cũng giống ai, mua hàng tết chả có gì, nhưng trên miệng ai cũng nở nụ cười tươi, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện trên đời. Chỉ 1 điều duy nhất mà mọi người đều nói với nhau :
- Thôi thì ăn gì cũng được, may mà chúng mình còn sống sau những ngày bom đạn ác liệt của giặc Mỹ  trở về !

Sau này sang lại LX tôi mới biết những người quen lúc đó, kể cả những người dân Xô Viết cũng rất lo cho tính mạng của chúng tôi. Họ còn lo HN bị SAN PHẲNG không còn 1 mái nhà. Bởi vì Mỹ đã tuyên bố  ĐƯA VN TRỞ VỀ THỜI KỲ ĐỒ ĐÁ.

Tôi cũng đã ở lại HN 4 ngày đêm trong bom đạn B52 của 12 ngày đêm ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG.. Đạp xe 2 lần từ Hà Bắc về HN trong bom đạn, chứng kiến những cảnh đổ nát, bao người HN đã bị bom đạn giặc Mỹ giết đêm 25/12 năm ấy, chứng kiến mọi cảnh tang thương của dân HN đến tột cùng !

Thế mà chúng tôi vẫn còn sống đến bây giờ và tất nhiên thấy đất nước này thay đổi sau bao tổn thương do chiến tranh, sau bao nhiêu vất vả xây dựng lại đất nước, chúng tôi đã rất thiếu thốn, rất khổ, nhưng mọi thứ đã qua hết rồi.

Nhiều nơi trên đất nước này còn khổ, song riêng chúng tôi ở HN so với thời ấy thấy khác hơn nhiều. Mong rằng sang năm 2016 đất nước sẽ phồn vinh, người người no ấm, nhà nhà yên vui không bao giờ còn phải lo CHIẾN TRANH. 

Một điều duy nhất tôi lúc nào cũng cầu Trời, khấn Phật là:

     HÒA BÌNH TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.

Ít dòng tâm sự trước thềm năm mới, vì mạng trục trặc quá, nên bây giờ tạm dùng được tôi viết vội. Biết đâu tí nữa lại không có mạng.

NĂM MỚI CHÚC TẤT CẢ MỌI NHÀ, MỌI NGƯỜI VUI,  KHỎE, HẠNH PHÚC, AN KHANG, THỊNH VƯỢNG.

Xin cám ơn các quí vị đã đọc.
Xinh kính chào quí vị !
 

MƠ ƯỚC CỦA TÔI. ( Bài dự thi trên chuyến tầu về tuổi thơ )




Từ năm lên 3, khi còn ngọng líu, ngọng lô, tôi đã mê hát. Ông ngoại tôi là người sáng lập ra hướng đạo VN, nghĩa là người ta gọi ông là  HUYNH TRƯỞNG , còn có biệt danh là  HỔ SỨT. Hướng đạo làm gì tôi không biết, chỉ biết nhiều người đến nhà ông tôi ở Đại yên chuyện trò, họp hành và hát nhiều bài rất hay. Tuy bé mà tôi thích hát lắm. Ông ngoại tôi cũng hay dạy con, cháu hát những bài hát lúc bấy giờ, đặc biệt các bài hát của các tráng sinh như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí... Các bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi các anh hùng của VN, các bài hát trước và sau cách mạng. Nhà tôi không ai là không biết hát.

Tôi biết hoạt động của hướng đạo ( hoạt động ngoài giờ học văn hóa ) là đi cắm trại, múa MỌI ( múa Pako), chơi các loại trò chơi, vào rừng tìm thư, tìm đường về nhà...Quanh lửa trại họ hát hò rất vui. Hướng đạo có tổ chức  CHIM NON (cho con gái) và SÓI CON ( cho con trai ), họ có tổ chức rất chặt chẽ, mặc đồng phục, đi đứng, ăn ngủ đều đúng giờ. Họ được rèn luyện thân thể để khỏe mạnh, tập hát, múa, chơi các trò chơi để phát triển năng khiếu, luyện trí...Niềm mơ ước của trẻ con lúc bấy giờ là được đứng trong hàng ngũ  SÓI CON hay  CHIM NON. Tôi quá bé, không được tham gia, nhưng toàn nghe lỏm, học lỏm các bài hát của họ...

Không hiểu sao Trời phú cho tôi tuy ngọng, nhưng lại có trí nhớ tuyệt vời. Cứ thấy gì, nghe gì chỉ 1 lần là tôi nhớ. Các bài hát nghe xong là tôi thuộc, hát bi bô cả ngày mà ngọng chả từ nào hát nên lời.

Khi còn là 1 cô Bé liên lạc hàng ngày lang thang trong rừng thì miệng lúc nào cũng không rời các bài hát thời kỳ đó. Tôi chả biết đâu là nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh...Chỉ thích câu nào hát câu ấy...Thủ trưởng thấy tôi bi bô cả ngày ông khen :
- Bé hát hay lắm. Chú sẽ dạy cho con hát cả tiếng Ăng lê.
- Khi nào rỗi chú cứ dạy cho con hát tiếng Ăng lê để con biểu diễn cho anh em nghe.

Thế là tôi đã biểu diễn các bài hát tiếng Việt, tiếng Anh trong các buổi họp, văn nghệ, lửa trại của bộ đội khoảng từ  năm 1948 trở đi.

Nhạc cụ lúc đó nào có gì, mấy anh lính tạch tạch sè (tiểu tư sản) trai HN nhà giầu nhập ngũ mang theo mình 1, 2 bộ quần áo, đeo theo cái đàn măng đô luyn là OAI  lắm rồi. Chỉ có 1 anh giầu hơn mang theo cái gitar là sang trọng nhất. Mấy anh này giữ đàn của mình còn hơn giữ  MẢ TỔ. Đố ai dám SỜ vào đàn của họ. Nói thật đấy, sờ vào là họ la trời la đất :
- Đừng sờ vào mà hỏng đàn của tôi. Nhỡ chẳng may các bố hứng lên gẩy một phát, tay các bố như cái DÙI, làm đứt dây có là vứt đi. 
- Cho tớ sờ tí đã sao. Tớ rất cẩn thận. Đụng vào xem dây nó kêu thế nào chứ ở nhà quê thì biết gì đàn đâu. 
- Không biết đàn nên tôi mới sợ các bố làm đứt dây của tôi. Đứt dây lấy gì thay ? Lấy dây mây à ?
- Ôi, ông anh tạch tạch sè ơi, nhà quê chúng em thì làm gì có loại đàn này. Chúng em muốn sờ tí cũng không cho. Nhà quê chúng em thì chỉ có ĐÀN BÀ thôi. Mà đàn bà thì sờ chán rồi...

Nghe mấy anh lính trẻ nói đùa với nhau, cô Bé liên lạc chả hiểu gì, chỉ cười theo họ. Nhưng tối tối nó lân la NỊNH mấy anh lính tạch tạch sè dạy cho nó chơi đàn:
- Anh H. ơi, dạy em chơi đàn đi ! Em thấy anh chơi đàn hay lắm. Em mê tiếng đàn của anh lắm cơ...
- Nhưng lỡ em không biết VÊ mà nặng tay đứt dây đàn của anh thì sao .
- Không đứt được đâu, anh ơi. Dạy em 1 chút thôi, tay em bé mà mềm lắm, em VÊ nhẹ thôi. Đi anh, một tí thôi...Một tí thôi mà...Em sẽ VÊ rất khéo cho anh xem...Cứ đưa cho em thử một tí tẹo thôi...

Cô Bé năn nỉ mãi làm anh lính siêu lòng và dạy cho chơi đàn. Anh không ngờ chỉ dạy một lúc là cô Bé chơi như đã học từ lâu. Anh khen cô bé VÊ rất dẻo, tiếng đàn NGỌT NHƯ MÍA LÙI. Vậy là từ đó về sau cô Bé mượn đàn anh lính để chơi dễ dàng. Cô Bé tự mò các nốt nhạc và rồi tự chơi được các bài hát yêu thích. Có hôm anh H. còn gạ cô Bé chơi cho anh nghe bài nọ, bài kia của Văn Cao mà anh không biết, thế mà cô Bé đã tự mò ra.  Nhờ thế mà cô Bé gạ được anh có gitar cho mượn và dạy chơi không khó khăn.

Trong rừng 2 nhạc cụ gitar và măng đô luyn thì đơn vị này OAI nhất rồi. Một hôm đi biểu diễn đâu đó cô Bé thấy có đơn vị biểu diễn sáo. Lập tức tiếng sáo ăn sâu vào tâm hồn cô Bé. Sau khi nghe biểu diễn cô Bé liền gặp anh thổi sáo mượn thử thổi. Vì nó chỉ là 1 ống nứa tép thẳng , dài, có 6 cái lỗ nhỏ gần nhau, 1 cái lỗ to ở trên xa hơn. Anh lính sẵn sàng cho mượn còn nói  :" Tập thổi đi, dễ lắm. 6 lỗ là : đồ, rê,  mi, pha, sol, la, si, đô". " Thế mà sao nó lại thổi ra tiếng thành bài hát Trương Chi hay thế, anh nhỉ ". Mân mê chiếc sáo xong nó cùng anh em đốt duốc về và nói với mấy anh cùng đi :
- Thế nào em cũng phải làm bằng được cái sáo nứa cho các anh xem.
- Có mà măm!
- Em thề đấy. Măm là măm thế nào, đừng coi thường em nhé. Cuộc các anh mất gì với em ?
- Mất gì ? Mày cứ làm được đi, nếu làm được thì mày làm cho mỗi anh 1 cái thổi chơi cho vui.
- Ghê thế ! Nếu em làm được thì chỉ làm mẫu, các anh cứ tự kiếm nứa mà làm, chứ các anh chỉ thích ăn sẵn thì em không làm đâu. Nứa tép đầy rừng, sẵn dao cứ thế chặt, đục lỗ,  gọt là thành sáo thôi. Theo em chả khó gì.
- Được, mày cứ làm rồi các anh sẽ bắt chiếc sau.
- Thế chứ, các anh nhỉ. Chịu khó thì cái gì mà chẳng làm được.

Vậy là sau 1 thời gian, hàng chục chiếc sáo nứa ra đời. Lập thành 1 đội sáo nứa trong đơn vị. Lúc nào trong đơn vị cũng nghe văng vẳng tiếng sáo nứa của bộ đội, không còn im lặng như xưa.

Mê hát, nhạc cụ mà chỉ có 3 thứ nhạc cụ và tập mấy bài hát thời ấy, nhưng cô Bé không khỏi mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành tài tử ( hồi ấy gọi là tài tử chứ không gọi là nghệ sĩ ). Khi được tin vào trại TSQ đi học, tôi xin cấp trên cho  vào văn công quân đội. Nhưng không được chấp thuận, vì VĂN CÔNG không phải là một nghề.

Năm 1954 mang theo chiếc sáo nứa và lòng mong ước được trở thành tài tử  hát , múa, chơi các loại nhạc cụ, thậm chí trở thành tài tử đóng phim sang đất nước Xô Viết. Nơi đây có đủ điều kiện cho tôi được thực hiên mơ ước của mình. Tôi cố hết sức học bài ngay tại lớp, về chỉ việc làm bài cô giao về nhà thật nhanh, thật đúng, thật đẹp để đi học ngoại khóa của trường. Tất cả các môn ngoại khóa, kể cả thể dục thể thao, trượt tuyết, trượt băng tôi tham gia không thiếu môn nào. 

Cứ chiều đến nhà trường tổ chức các môn ngoại khóa cho học sinh có nguyện vọng, năng khiếu tham gia học, với điều kiện phải học thuộc bài và làm bài đầy đủ sau khi cô bảo mẫu kiểm tra xong là có quyền đi. Trường tôi rất chu đáo, tổ chức mời thầy dạy tất cả các môn ngoại khóa...Do đó nhiều bạn cũng học được nhiều môn có ích sau này...Tôi cũng không ngoại lệ.

Vậy mà khi lớn đề đạt học nghề thì tôi không được chấp nhận. Đại Sứ bảo tôi phải học nghề thư viện, vì gia đình không đồng ý cho tôi học ca, múa nhạc dân gian hay đóng phim. Thế là hết!!!

Niềm mơ ước của tôi tan thành mây khói. Tôi đành ngậm ngùi cả đời. Sau khi có con, cả 2 con gái của tôi, tôi cũng mơ chúng thành nghệ sĩ. Con lớn và con bé tôi đều muốn cho học piano, nhưng nghèo, không có tiền mua đàn, đành chịu và cũng lại tiếc đến tận ngày nay.

Có những ước mơ cả mấy đời không sao thực hiện được chỉ vì quan niêm hay chỉ vì NGHÈO nên đành bỏ lỡ.

Ngày nay những niềm mơ ước như tôi thì chả khó khăn gì. Hơn nữa bây giờ lại CHUỘNG nghệ sĩ chứ không còn quan niệm như xưa XƯỚNG CA VÔ LOÀI.

Một đời luyến tiếc, một đời ân hận vì  MƠ ƯỚC không thành.

Tuy sau này đi dạy tôi cũng còn dùng được một số khả năng của mình, nhưng cứ nghĩ lại tôi không thể không  ÂN HẬN, luyến tiếc !






THĂM BẠN GIÁM LỚP 2 CỦA TRƯỜNG TNVN MOSKVA.



Lên Cao Bằng là dịp đặc biệt nên tôi quyết tâm đến thăm Giám cùng học lớp 2 ở LX. Bạn Giám tốt nghiệp xong vào quân ngũ ngay cho đến khi về hưu và về quê ở Cao Bằng. Chính vì thế nên chúng tôi ít gặp nhau trong những ngày hội trường, thường chỉ những ngày chẵn. Giám có ý mời chúng tôi lên nhà chơi, nhưng xa quá, định tổ chức mấy lần mà không thành. Nay có dịp tôi quyết tâm đến nhà 1 lần.

Kế hoạch của đoàn TSQ khít quá, không sao bố trí được. May sao ngày thứ 3 có buổi chiều đoàn bố trí đi xem chợ Cao Bằng, tôi bỏ buổi đi chợ hẹn gặp Giám.

Nói địa chỉ cho Giám, khoảng nửa tiếng sau thấy nhà khách gọi có người nhà đến gặp. Đồng thời Giám cũng gọi cho tôi. Tranh thủ thời gian xuống gặp Giám tôi rủ Giám đưa về nhà ngay. Giám bảo :

- Tôi cũng có ý định đến đèo TN về xem nhà tôi. Nhưng bây giờ nhà đang làm , bẩn thỉu, ngổn ngang chưa xong. 
 - Thì có sao đâu, ta cứ đi, tôi chỉ muốn đến xem Giám ăn, ở thế nào thôi. Bây giờ biết làm nhà, nghĩa là ăn nên, làm ra rồi.
- Thì leo lên đây tôi đèo đi, nhưng hơi gió lạnh đấy, có chịu được không ?
- Thừa sức. Lính mà lị.
Sau khoảng 20 phút đến nhà Giám.
Quả thực nhà ngổn ngang, nhưng cũng thấy đẹp, khang trang rồi. Nhà 2 tầng, Giám đưa tôi lên tầng 2, nơi tạm ở trong những ngày xây dựng. Có con gái và cháu ngoại của Giám ra chào đón.

Vì đang xây dựng nên con gái dọn nước, quýt, kẹo đặc sản tôi cũng không muốn ăn để đỡ phiền 2 bố con. Chuyện trò khoảng 1/2 tiếng tôi ra về.

Tôi chụp lại mấy bức ảnh để các bạn lớp 2 và trường ta biết thôi chứ không đẹp.

Giám ngỏ ý mời các bạn cố gắng tổ chức 1 lần lên nhà Giám chơi khi đã làm xong nhà mới. Tôi tất nhiên không dám hứa, vì khó quá. Phút chia tay Giám nghẹn ngào (thật đấy) cám ơn chúng ta quá quan tâm đến bạn ấy. Giám là người tình cảm, rất tốt với bạn bè và chu đáo với gia đình. Chả thế mà phục vụ vợ liệt cả chục năm, nay mới rảnh tay. Giám nói với tôi sẽ ở cùng con gái giúp nó 2 năm đưa cháu đi học, sau đó hãy hay...

Chúng tôi chia tay nhau ở của nhà khách hơi buồn và hẹn gặp nhau tại HN. May nhất là tôi được gặp Giám trong chuyến đi này. Xin cám ơn các bạn đã đọc.
Xin Kinh Chào !

ĐOÀN TSQ CỤC TỔ CHỨC TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ LÊN CAO BẰNG.



Tôi từ lâu mong có ngày được lên Cao Bằng vì khi bé cứ nghe những câu thơ:
     Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi chảy nước non Cao Bằng.
     Cao Bằng xa lắm, anh ơi, 
Mời anh ở lại giếng khơi cho gần.

Mấy câu thơ ấy làm tôi liên tưởng không những Cao Bằng đẹp mà con gái cao bằng cũng chẳng kém nên anh chàng mới dặn nàng là nuôi cái cùng con để anh ra đi... Chưa biết bao giờ có ngày về. Thôi thì lúc bé nghĩ thế đúng hay sai, mà bây giờ được lên Cao Bằng để thăm rừng Pắc Bó, Suối Lenin, núi Các Mac, đồn phai khắt, hang Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, mộ anh Kim Đồng ( Nông văn Dền) cũng là thỏa nỗi ước mong rồi.

Lần này được ban liên lạc TSQ TCCT tổ chức cho đi theo lời mời của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng thì trừ những ai mệt, sức khỏe không cho phép, còn mọi người đều phấn khởi đăng ký đi.  Toàn đoàn đi 38 người, đi đến nơi, về đến trốn rất vui và ai cũng hài lòng về chuyến đi này. Tổng số đường đi ô tô là khoảng hơn 1000 km, không kể chúng tôi còn phải đi bộ từ bến xe đến nơi có di tích và trèo đèo, chui hang...lặn lội khắp nơi.

Bốn ngày, 3 đêm nhong nhong trên đường, nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Ở HN ra đi thì tùy xa, gần không biết mấy giờ, nhưng cả đoàn 6h30 phút xuất phát từ Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô  và cũng vậy 4 ngày chúng tôi cứ 6,30 h xuất phát, chiều 6h30 trở vể nhà khách của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng. Trừ bữa sáng và bữa trưa đi đến đâu tiện chúng tôi dừng tại đấy ăn, còn bữa cơm tối thì được chiêu đãi thịnh soạn, chu đáo và nhiệt tình, vui vẻ lắm. Ngày cuối cùng chúng tôi không quay lại thì các đ/c bộ đội lại cho chúng tôi bữa ăn sáng chiêu đãi khá NO. Còn để túi nilong để ăn còn bao nhiêu gói mang theo dọc đường. Gia đình Lê Hồng Liên ( Con bác trung tướng Lê Thùy) chiêu đãi đoàn. Còn 3 bữa nữa là cán bộ và lính của bộ chỉ huy tỉnh chiêu đãi. Chúng tôi được bố trí cứ 2 người 1 phòng ở nhà khách của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng trong cả 3 đêm. Được phục vụ nhiệt tình, chu đáo hơn người nhà, nên ai cũng cảm động lắm.
  Bước chân lên ô tô các đồng chí ở đó ra tiễn chân mà nhiều người trong chúng tôi bịn rịn, rơm rớm nước mắt, nhưng chẳng ai dám hẹn ngày gặp lại ở Cao Bằng, vì Cao Bằng xa lắm, biết bao giờ đã có dịp như thế này. Riêng tôi chỉ dám nói lời tạm biệt và cám ơn các đồng chí rất, rất nhiều kèm theo câu cuối :" Tôi không biết và không thể biết nói gì hơn nữa ". Đúng là chuyến đi có một không hai lên Cao Bằng làm cho mọi người không thể mệt mỏi.

Xin cám ơn tất cả các bạn và các đồng chí đã tổ chức cho chúng tôi chuyến đi lịch sử mà quá chu đáo này. Xin 1 lần nữa gửi lời cám ơn tất cả các đồng chí trong bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng đã cho chúng tôi 1 chuyến đi vô cùng quí giá. 
Xin kính chào.
Dưới đây là một vài cảnh của chuyến đi mà tôi ghi lại được.