Du lịch Miền Trung 2012

MƠ ƯỚC CỦA TÔI. ( Bài dự thi trên chuyến tầu về tuổi thơ )




Từ năm lên 3, khi còn ngọng líu, ngọng lô, tôi đã mê hát. Ông ngoại tôi là người sáng lập ra hướng đạo VN, nghĩa là người ta gọi ông là  HUYNH TRƯỞNG , còn có biệt danh là  HỔ SỨT. Hướng đạo làm gì tôi không biết, chỉ biết nhiều người đến nhà ông tôi ở Đại yên chuyện trò, họp hành và hát nhiều bài rất hay. Tuy bé mà tôi thích hát lắm. Ông ngoại tôi cũng hay dạy con, cháu hát những bài hát lúc bấy giờ, đặc biệt các bài hát của các tráng sinh như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí... Các bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi các anh hùng của VN, các bài hát trước và sau cách mạng. Nhà tôi không ai là không biết hát.

Tôi biết hoạt động của hướng đạo ( hoạt động ngoài giờ học văn hóa ) là đi cắm trại, múa MỌI ( múa Pako), chơi các loại trò chơi, vào rừng tìm thư, tìm đường về nhà...Quanh lửa trại họ hát hò rất vui. Hướng đạo có tổ chức  CHIM NON (cho con gái) và SÓI CON ( cho con trai ), họ có tổ chức rất chặt chẽ, mặc đồng phục, đi đứng, ăn ngủ đều đúng giờ. Họ được rèn luyện thân thể để khỏe mạnh, tập hát, múa, chơi các trò chơi để phát triển năng khiếu, luyện trí...Niềm mơ ước của trẻ con lúc bấy giờ là được đứng trong hàng ngũ  SÓI CON hay  CHIM NON. Tôi quá bé, không được tham gia, nhưng toàn nghe lỏm, học lỏm các bài hát của họ...

Không hiểu sao Trời phú cho tôi tuy ngọng, nhưng lại có trí nhớ tuyệt vời. Cứ thấy gì, nghe gì chỉ 1 lần là tôi nhớ. Các bài hát nghe xong là tôi thuộc, hát bi bô cả ngày mà ngọng chả từ nào hát nên lời.

Khi còn là 1 cô Bé liên lạc hàng ngày lang thang trong rừng thì miệng lúc nào cũng không rời các bài hát thời kỳ đó. Tôi chả biết đâu là nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh...Chỉ thích câu nào hát câu ấy...Thủ trưởng thấy tôi bi bô cả ngày ông khen :
- Bé hát hay lắm. Chú sẽ dạy cho con hát cả tiếng Ăng lê.
- Khi nào rỗi chú cứ dạy cho con hát tiếng Ăng lê để con biểu diễn cho anh em nghe.

Thế là tôi đã biểu diễn các bài hát tiếng Việt, tiếng Anh trong các buổi họp, văn nghệ, lửa trại của bộ đội khoảng từ  năm 1948 trở đi.

Nhạc cụ lúc đó nào có gì, mấy anh lính tạch tạch sè (tiểu tư sản) trai HN nhà giầu nhập ngũ mang theo mình 1, 2 bộ quần áo, đeo theo cái đàn măng đô luyn là OAI  lắm rồi. Chỉ có 1 anh giầu hơn mang theo cái gitar là sang trọng nhất. Mấy anh này giữ đàn của mình còn hơn giữ  MẢ TỔ. Đố ai dám SỜ vào đàn của họ. Nói thật đấy, sờ vào là họ la trời la đất :
- Đừng sờ vào mà hỏng đàn của tôi. Nhỡ chẳng may các bố hứng lên gẩy một phát, tay các bố như cái DÙI, làm đứt dây có là vứt đi. 
- Cho tớ sờ tí đã sao. Tớ rất cẩn thận. Đụng vào xem dây nó kêu thế nào chứ ở nhà quê thì biết gì đàn đâu. 
- Không biết đàn nên tôi mới sợ các bố làm đứt dây của tôi. Đứt dây lấy gì thay ? Lấy dây mây à ?
- Ôi, ông anh tạch tạch sè ơi, nhà quê chúng em thì làm gì có loại đàn này. Chúng em muốn sờ tí cũng không cho. Nhà quê chúng em thì chỉ có ĐÀN BÀ thôi. Mà đàn bà thì sờ chán rồi...

Nghe mấy anh lính trẻ nói đùa với nhau, cô Bé liên lạc chả hiểu gì, chỉ cười theo họ. Nhưng tối tối nó lân la NỊNH mấy anh lính tạch tạch sè dạy cho nó chơi đàn:
- Anh H. ơi, dạy em chơi đàn đi ! Em thấy anh chơi đàn hay lắm. Em mê tiếng đàn của anh lắm cơ...
- Nhưng lỡ em không biết VÊ mà nặng tay đứt dây đàn của anh thì sao .
- Không đứt được đâu, anh ơi. Dạy em 1 chút thôi, tay em bé mà mềm lắm, em VÊ nhẹ thôi. Đi anh, một tí thôi...Một tí thôi mà...Em sẽ VÊ rất khéo cho anh xem...Cứ đưa cho em thử một tí tẹo thôi...

Cô Bé năn nỉ mãi làm anh lính siêu lòng và dạy cho chơi đàn. Anh không ngờ chỉ dạy một lúc là cô Bé chơi như đã học từ lâu. Anh khen cô bé VÊ rất dẻo, tiếng đàn NGỌT NHƯ MÍA LÙI. Vậy là từ đó về sau cô Bé mượn đàn anh lính để chơi dễ dàng. Cô Bé tự mò các nốt nhạc và rồi tự chơi được các bài hát yêu thích. Có hôm anh H. còn gạ cô Bé chơi cho anh nghe bài nọ, bài kia của Văn Cao mà anh không biết, thế mà cô Bé đã tự mò ra.  Nhờ thế mà cô Bé gạ được anh có gitar cho mượn và dạy chơi không khó khăn.

Trong rừng 2 nhạc cụ gitar và măng đô luyn thì đơn vị này OAI nhất rồi. Một hôm đi biểu diễn đâu đó cô Bé thấy có đơn vị biểu diễn sáo. Lập tức tiếng sáo ăn sâu vào tâm hồn cô Bé. Sau khi nghe biểu diễn cô Bé liền gặp anh thổi sáo mượn thử thổi. Vì nó chỉ là 1 ống nứa tép thẳng , dài, có 6 cái lỗ nhỏ gần nhau, 1 cái lỗ to ở trên xa hơn. Anh lính sẵn sàng cho mượn còn nói  :" Tập thổi đi, dễ lắm. 6 lỗ là : đồ, rê,  mi, pha, sol, la, si, đô". " Thế mà sao nó lại thổi ra tiếng thành bài hát Trương Chi hay thế, anh nhỉ ". Mân mê chiếc sáo xong nó cùng anh em đốt duốc về và nói với mấy anh cùng đi :
- Thế nào em cũng phải làm bằng được cái sáo nứa cho các anh xem.
- Có mà măm!
- Em thề đấy. Măm là măm thế nào, đừng coi thường em nhé. Cuộc các anh mất gì với em ?
- Mất gì ? Mày cứ làm được đi, nếu làm được thì mày làm cho mỗi anh 1 cái thổi chơi cho vui.
- Ghê thế ! Nếu em làm được thì chỉ làm mẫu, các anh cứ tự kiếm nứa mà làm, chứ các anh chỉ thích ăn sẵn thì em không làm đâu. Nứa tép đầy rừng, sẵn dao cứ thế chặt, đục lỗ,  gọt là thành sáo thôi. Theo em chả khó gì.
- Được, mày cứ làm rồi các anh sẽ bắt chiếc sau.
- Thế chứ, các anh nhỉ. Chịu khó thì cái gì mà chẳng làm được.

Vậy là sau 1 thời gian, hàng chục chiếc sáo nứa ra đời. Lập thành 1 đội sáo nứa trong đơn vị. Lúc nào trong đơn vị cũng nghe văng vẳng tiếng sáo nứa của bộ đội, không còn im lặng như xưa.

Mê hát, nhạc cụ mà chỉ có 3 thứ nhạc cụ và tập mấy bài hát thời ấy, nhưng cô Bé không khỏi mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành tài tử ( hồi ấy gọi là tài tử chứ không gọi là nghệ sĩ ). Khi được tin vào trại TSQ đi học, tôi xin cấp trên cho  vào văn công quân đội. Nhưng không được chấp thuận, vì VĂN CÔNG không phải là một nghề.

Năm 1954 mang theo chiếc sáo nứa và lòng mong ước được trở thành tài tử  hát , múa, chơi các loại nhạc cụ, thậm chí trở thành tài tử đóng phim sang đất nước Xô Viết. Nơi đây có đủ điều kiện cho tôi được thực hiên mơ ước của mình. Tôi cố hết sức học bài ngay tại lớp, về chỉ việc làm bài cô giao về nhà thật nhanh, thật đúng, thật đẹp để đi học ngoại khóa của trường. Tất cả các môn ngoại khóa, kể cả thể dục thể thao, trượt tuyết, trượt băng tôi tham gia không thiếu môn nào. 

Cứ chiều đến nhà trường tổ chức các môn ngoại khóa cho học sinh có nguyện vọng, năng khiếu tham gia học, với điều kiện phải học thuộc bài và làm bài đầy đủ sau khi cô bảo mẫu kiểm tra xong là có quyền đi. Trường tôi rất chu đáo, tổ chức mời thầy dạy tất cả các môn ngoại khóa...Do đó nhiều bạn cũng học được nhiều môn có ích sau này...Tôi cũng không ngoại lệ.

Vậy mà khi lớn đề đạt học nghề thì tôi không được chấp nhận. Đại Sứ bảo tôi phải học nghề thư viện, vì gia đình không đồng ý cho tôi học ca, múa nhạc dân gian hay đóng phim. Thế là hết!!!

Niềm mơ ước của tôi tan thành mây khói. Tôi đành ngậm ngùi cả đời. Sau khi có con, cả 2 con gái của tôi, tôi cũng mơ chúng thành nghệ sĩ. Con lớn và con bé tôi đều muốn cho học piano, nhưng nghèo, không có tiền mua đàn, đành chịu và cũng lại tiếc đến tận ngày nay.

Có những ước mơ cả mấy đời không sao thực hiện được chỉ vì quan niêm hay chỉ vì NGHÈO nên đành bỏ lỡ.

Ngày nay những niềm mơ ước như tôi thì chả khó khăn gì. Hơn nữa bây giờ lại CHUỘNG nghệ sĩ chứ không còn quan niệm như xưa XƯỚNG CA VÔ LOÀI.

Một đời luyến tiếc, một đời ân hận vì  MƠ ƯỚC không thành.

Tuy sau này đi dạy tôi cũng còn dùng được một số khả năng của mình, nhưng cứ nghĩ lại tôi không thể không  ÂN HẬN, luyến tiếc !






2 nhận xét:

  1. Sao lại là may ? Thật lạ TM ơi ! Thôi cũng được, người cho là may, người cho là rủi, quan niêm xã hội cũng vậy mà ! Cám ơn TM đã đọc và còn cho ý kiến động viện. Chào !

    Trả lờiXóa