Ông ngoại tôi ở nhà ít nói, ít cười, nghiêm khắc với các cháu. Cả đời tôi không dám cãi ông nửa lời. Trong nhà tôi không có chuyện dưới cãi trên.
Với ông tôi trong đời thường chỉ nghe và vâng ạ. Khác hẳn bọn trẻ ngày nay cãi người lớn như hát hay, chúng không quan tâm người đó là ai: cụ, ông, bà, cha, mẹ, người lớn tuổi... Khi nhà có khách phải đi chơi chỗ khác, không nói leo, người lớn nói không được phép cắt lời . Người lớn trong nhà nói chuyện không được hóng, hớt, tuyệt đối không được nghe lỏm. Chắc cũng vì thế mà khi gặp những người lãnh đạo hướng đạo ông tôi toàn nói tiếng Pháp với họ.
Khi hầu chuyện ông tôi, ông hỏi tôi trả lời thật, không thêm, không bớt, có sao nói vậy, không màu mè. Ông dạy gì hoặc dặn thì tôi vâng ạ, chỉ thế thôi. Khi hầu chuyện ông để ngắn, gọn tôi thường bỏ các từ : thưa ông, con vâng ạ, con xin cám ơn ông ạ, con xin vâng lời ông ạ... Ông tôi nhắc nhẹ : người HN chữ Ạ, Thưa, Con xin... quan trọng lắm, nó tỏ ra là người có lễ độ, được dạy tử tế, con nhà tử tế... Tôi không dám cãi, để thanh minh đôi khi tôi lợi dụng kể để ông nghe những lần học trong lớp với các thầy cô giáo hay phiên dịch cho người Nga họ dạy chúng tôi thông tin nhanh, tranh thủ thời gian nhiều cho bài học, bài dịch, hội nghị , cần thật ngắn, gọn... thì có thể bỏ được mấy từ : em thưa cô, em thưa thầy, thưa ông, thưa các quí vị, báo cáo... mà trả lời ngay vào câu hỏi. Có lẽ vì thế mà sau này không thấy ông tôi nhắc tới những từ lễ phép nữa.
Khi tôi đăng ký đưa công nhân VN đi lao động ở LX, ông tôi đau lắm. Ông hỏi tôi:
- Con ở nhà có vị trí như thế chưa đủ sao ? Con nổi tiếng trong nghề THẦY như vậy chưa đủ sao ? Con đưa CN đi lao động chắc làm phiên dịch cho họ chứ gỉ ?
- Thưa ông, con không làm phiên dịch ạ.
- Con làm trưởng vùng chứ gì ?
- Dạ thưa ông, không phải ạ. Con chỉ làm đội trưởng thôi, còn trưởng vùng phải là đảng viên mà con thì không vào Đảng như ông đã rõ.
- Làm phiên dịch thì họ gọi là CON phiên dịch. Làm đội trưởng thì họ gọi là CON đội trưởng. Giời ơi !
Nói xong ông tôi quay đi, thở dài. Ông tôi không nói thêm dù chỉ là 1 lời, tôi biết ông không bằng lòng và đau lắm, cho đến khi xong giấy tờ chuyển bộ, chuyển công tác, cầm vé trong tay tôi lên nói lại với ông, ông không trả lời. Vì thế trước khi đi tôi không dám đến chào ông, bà tôi. Tôi sợ chọc vào nỗi đau của ông. Tôi biết tính ông tôi lắm. Họ ngoại của tôi đến tôi là 4 đời nhà giáo. Cũng vậy tôi kể sơ về mẹ đẻ tôi:
Tôi hoàn toàn không biết gì về mẹ mình ngoài một số lời ngắn, gọn của những người thân trong gia đình khi nói chuyện với nhau hay nói chuyện với ai đó, cũng có khi tranh luận trong họ hoặc cha nuôi tôi trả lời anh Nguyễn Mạnh Cầm :" Nó là con chị ruột tôi, anh chị tôi đã hy sinh cả. Hay sau này còn nghe thêm vài câu ca ngợi mẹ tôi nữa... chẳng hạn: " Tao không bằng gót chân mợ mày, mợ mày giỏi lắm, nữ công, học hành, nói tiếng Tây như đầm... Thì đỏ lắm mới chết bỏ lũ con thơ cầu bơ, cầu bất... Em không được nói xúc phạm chị C, nếu còn chắc chị làm to lắm... To mà làm gì, sống nuôi con chẳng hơn à, em bạch vệ sống nuôi con em, không bỏ con côi cút, lý tưởng chị cao, còn em không có lý tưởng cao như chị... Còn ông ngoại tôi tuyệt nhiên không bao giờ nói gì về cha, mẹ tôi. Chỉ duy nhất có 1 lần khi tôi là người cuối cùng trong 4 chị em tôi, sau khi thực tập 1 năm rưỡi nhận được bằng tốt nghiệp, tôi về báo cáo:
- Con thưa ông, hôm qua con đã nhận được bằng tốt nghiệp đại học, sau một năm rưỡi thực tập rồi ạ.
- Thế à ? Thế là ông làm tròn lời hứa với mợ mày. Con là người cuối cùng trong 4 đứa tốt nghiệp đại học. Bốn đứa đều tốt nghiệp đại học cả. Ông mừng lắm.
Ông tôi thích tôi xưng CON chứ không thích xưng cháu. Còn các chắt thì ông thích gọi bằng ÔNG, xưng cháu. Ông tôi bảo như vậy cho gần, gọi cụ xa mà già quá. Bác Hồ mà còn chỉ gọi là Bác thôi.
Sau này nhờ cậu con út Hoàng Đạo Cung ( đã mất cách đây 1 năm rưỡi) tôi mới biết ông tôi những năm cuối đời đã viết nhiều sách mà chả có bàn, chỉ ngồi trông bà ốm ở cái ghế dựa cũ, lót chăn Nam định cũ, kê giấy lên đùi gối viết. Trong những quyển sách ấy có quyển :" Một đời người " ông tôi viết để lại cho con, cháu. Do đó tôi mới biết sơ về mẹ đẻ của mình.
Như tôi đã nói ở phần 1, ông tôi là Huynh trưởng Hổ Sứt của hướng đạo, trước cách mạng tháng Tám, ông tôi đã dạy cho các thành viên của mình YÊU NƯỚC, CHỐNG chào cờ của Pháp theo kiểu Hítle mà chỉ chào theo kiểu hướng đạo và hướng về cột CỜ CỦA TA, vì hướng đạo là yêu nước và làm việc tốt. Bọn Pháp đô hộ biết ông tôi XUI quân mình phản ứng Pháp NGẦM, tìm cách trị ông tôi. Có 3 cách trị :
1. - trừ lương 6 tháng.
2. - Bỏ tù.
3. - Chuyển công tác lên rừng núi.
Xem ra cả 3 cách chúng định trị ông tôi đều không ổn.
Cách thứ nhất thì bác sĩ Trần Duy Hưng bảo cứ để cho nó trừ lương, không cần. Tất cả chúng ta mỗi người chỉ cần cho ANH 1 xu còn hơn lương.
Cách thứ 2 thì chúng sợ, nếu bỏ tù uy tín của ÔNG TA càng tăng lên.
Cách thứ 3 thì chúng sợ, nếu đưa đi ở gần biên giới ÔNG TA sẽ trốn mất.
Khi ông tôi đang họp các trưởng hướng đạo thì toàn quyền Pháp tư giấy xuống mời lên gặp. Mẹ tôi vội đi đưa thư cho ông tôi vì sợ sinh chuyện và sợ nguy hiểm cho anh em đang họp. Ông tôi vội giải tán cuộc họp trở về.
Đến nơi ông tôi mới biết thống sứ Delsalle khôn khéo họp mấy chục quan Nam to chờ ông tôi ở đó xem sao để sử lý. Delsalle biết ông tôi trở về , nghĩa là cuộc họp đã giải tán, hắn xoa dịu :" Tôi đã thu xếp rồi, anh cứ dạy học như thường thôi "...
Có ai đó gọi ông tôi đến ngay bệnh viện Phủ Doãn.
Trên đường đưa thư về đến gần Kim Mã mẹ tôi bị xe ô tô đâm vào. Chiếc xe lôi mẹ tôi đi đến 50m, ngã bên phía làng Vạn Phúc. Đến BV mẹ tôi xin BS Tôn Thất Tùng cho gặp ông tôi rồi hãy mổ.
Khi gặp mẹ tôi nói:" ... Cậu trông 4 cháu cho con. Con mới 23 tuổi sao đã phải chết ?" Ông tôi hẹn"...Cậu sẽ trông nom các cháu. Con cứ hy vọng!"
Bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Tâm đưa mẹ tôi vào phòng riêng, sau nhà mổ. BS Tâm ở lại với ông tôi cho đến lúc mẹ tôi tỉnh lại và gọi một tiếng " Papa " rồi mất.
Năm 1975 ông tôi gặp lại BS Tâm, ông vẫn còn nhắc lại cảnh ngày ấy của mẹ tôi. Còn có lần cha nuôi tôi giới thiệu tôi là con mẹ tôi, BS Tùng không nói gì mà vẻ mặt rất buồn nhìn tôi, giơ tay bắt tay : "Chào chị ". Sau này tôi còn gặp BS Tùng nhiều lần, bao giờ ông cũng gọi tôi là chị. Bà ngoại, mẹ tôi rồi đến tôi ông vẫn gọi là chị. Chắc ông lịch sự theo kiểu Tây.
Có điều lạ là BS Tôn Thất Tùng không cho chuyển xác mẹ tôi xuống nhà xác mà để ở một phòng riêng. Ông còn đem hoa đến.
Một điều không hiểu vì sao tôi vẫn nhớ đã được nhìn thấy mẹ lần cuối ở phòng riêng này. Tôi còn nhớ ông ngoại tôi đưa chúng tôi vào và mở tờ giấy bản che mặt, tôi nhìn thấy một bên mép mẹ tôi có máu tươi, tôi kêu: máu mợ và nép vào ông ngoại, người ta đưa chúng tôi ra ngoài, có người nói với tôi không phải là máu mà là son. Tôi biết người ta nói dối tôi.
Sau nhiều năm ông Vũ Đình Hòe có đăng một bài báo về mẹ tôi và cái chết của mẹ tôi. Tôi đã photo lại, nhưng mất lúc nào bản đó tôi không biết.
Khi đọc được bài báo này tôi về nói với ông ngoại là ông Vũ Đình Hòe đã viết báo về mợ con và cái chết của mợ con. Chắc ông tôi đã đọc nên chỉ trả lời tôi :" Ừ ! ". rồi quay đi. Tôi không dám hỏi gì vì biết ông không thích nói gì là quay đi.
Năm 1975, sau ngày Thống nhất cục TTLL mời ông tôi đi thăm lại Sài Gòn. Khi ra HN ông tôi cho cả nhà tôi 4 gói mì tôm và kể:
- Ông vào Sài Gòn tìm nhà của cậu, mợ mày, trước đây là hiệu ảnh Mari Photo, nhưng Mỹ nó ủi hết đi rồi, bây giờ thành phố to lắm, ông không thể nhận ra. Cậu, mợ mày là chủ hiệu ảnh nên có nhiều ảnh lắm, ở Thái Lan, Cămpuchia, Lào, miến điện, Quảng Ninh,... trong kháng chiến, ông giữ mãi, đi đâu, chiến dịch nào ông cũng đeo trên lưng. Hòa bình lập lại cho con, cháu mỗi đứa một ít, nhất là chị mày ông cho nhiều lắm, thế mà bây giờ mất hết, chị mày bị cháy nhà, cháy không còn cái nào.
Bức ảnh gia đình sum họp duy nhất. Sau khi chụp bức ảnh này gia đình tan nát.
Nguyên văn ông tôi viết lại về đám ma mẹ tôi: "Sáng hôm sau những người đưa đám đứng kín cả phố Phủ Doãn, đến tận tòa án. Mượn mấy xe tải mới chở hết các vòng hoa...Tôi có cảm giác là bà con đến đưa đám tôi."...Các cháu bé dại chưa hiểu rõ, chỉ có Nga là khóc mãi, ôm lấy chân bàn thờ mà khóc. Có lúc phải trách mãi cháu".
Tôi chỉ biết có chừng ấy về mẹ đẻ của mình. có lần em trai tôi nói: "... Cả đời em chỉ mong có 1 lần được gọi tiếng MẸ mà không được" (lúc đó em tôi đã hơn 60 tuổi).
Những đứa con mồ côi cha mẹ từ tấm bé chỉ có 1 ước ao nhỏ là gọi mẹ. Vậy mà nay xã hội đã xoay chuyển chóng mặt. Trẻ bây giờ coi mẹ là gánh nặng...
Trong quyển " Một đời người " ông tôi viết kết luận:
Tạm ngừng ở đây vào ngày 13/1/1987.
Cả đời YÊU NƯỚC. Làm gì cũng nghĩ yêu Nước. Từ dạy học, làm hướng đạo, vào bộ đội. làm trường dân tộc vì yêu Nước. Đến cầm bút viết cũng vì mục đích ấy. Sau viết cũng vì thế chứ không phải làm nghề văn.
Có làm được mấy việc. Nhưng nhiều việc không làm được. Người ta bảo chết là hết ! Nhưng không, vẫn tiếc công việc.
Lời cuối cùng của tập này là :
" Than ôi ! Cha mẹ sinh tôi khó nhọc,
Chị nuôi, dạy công phu.
Công ơn ấy không báo đáp được phần nào.
Bắt chước ông Gióng mà xin " Lấy trung làm hiếu"
Thấy xã hội như thế nên mình cũng cố tránh sao khỏi phiền con, cháu. Tôi cố tự xoay sở để khỏi phiền ai. Mình cố sống khi còn giúp được con, cháu. Nếu không còn tự lo được cũng chỉ mong đi nhẹ nhàng, thanh thản, sạch sẽ như Ông Ngoại.
Biết mình được chôn ở Mai Dịch ông tôi di chúc lại là muốn về quê bên cạnh bà và làm câu thơ.
Ai đó nói chuyện về nghĩa trang:
Sắp hàng mãi cho đến ngày tận thế.
Đồng bào ơi, sao đặt để làm chi?
Cánh đồng kia, cỏ mọc xanh rì,
Vùi đâu đó, cũng thì mát mẻ....
Ngủ quên :
Gió thoảng, trăng trong buổi mát trời.
Ngủ quên, không dậy, việc thường thôi.
Các con chớ giận : không từ biệt.
Cháu nhớ ông, bà ngày tháng trôi.
Cái chính chỉ là một lời dặn:
"Giữ lòng trung hậu ở trên đời",
Nhớ tháng ghi tạc tình cao cả.
"Tổ Quóc bền lâu với đất trời "
Một lần viết :
Một giờ nào đó, ngủ quên đi
Chẳng phải rằng ông vội vã gì,
Vẫn muốn ở cùng con, cháu mãi.
Ngày trời đã hết có can chi.
Mấy điều dặn lại LỜI TÂM HUYẾT,
Để nhớ sau này lúc biệt ly.
" Trung hậu, nếp nhà lời Tổ dạy,
Cháu, con nhắc nhở để làm ghi."
Ít dòng tâm sự với các CỤ GIÀ bạn cũ. Còn ai quan tâm xin mời đọc để biết một thời đất nước ta có những gia đình như thế. Có lần họp mặt các bạn trách tôi không nói gì về nguồn gốc của mình. Hôm vừa rồi họp LS-QL có bạn đòi tôi kể, nhưng họp nhau để vui chứ kể thì mất thời gian, tôi hứa sẽ viết sơ trên blogg và hôm nay thực hiện một phần lời hứa đó. Tôi có đức khi hứa gì thì phải làm bằng được, thấy không làm được tuyệt nhiên không hứa.
Xin cám ơn độc giả và xin Chào !