Du lịch Miền Trung 2012

CÓ NHỮNG CÁI CHẾT VÔ NGHĨA, ĐÁNG TIẾC.

Năm thứ nhất chúng tôi học ở Na Sầm. Các lớp đều rải rác làm nhà cách sông Kỳ Cùng gần 1 km, để gần nước. Cũng tại nơi đây chị Hồng Minh, con bác Lê Hồng Phong và Minh Khai tí chết đuối, may được dân cứu.

Lớp tôi ở bản Gioong bên kia sông, còn các thầy ở bên này sông. Mỗi lần qua sông phải đi nhờ mảng của dân. Gọi là nhờ chứ mảng dân làm cứ để đấy, ai cần thì đi. không có người chống và không ai quản lý. Đi mãi cũng quen, thấy mảng là tự chống mà qua sông, chả cần nhờ, hỏi ai. 

Cả cán bộ giảng dạy, cán bộ công nhân viên của khoa cũng như sinh viên đều bỡ ngỡ, ngán ngẩm rừng núi mưa dầm gió bấc mãi, ai cũng mong đến nghỉ tết, nghỉ hè để được về HN. Tuy  nghỉ tết chỉ 1 tuần cũng là phần thưởng lớn cho chúng tôi. Bằng bất kỳ giá nào ai cũng phải tìm đường về HN.

Vừa được lệnh nghỉ, SV vội thu xếp ra đường cái vẫy xe đi nhờ về xuôi. Cứ từng tốp  3 - 4  người rủ nhau đi cho vui. Mà cũng phải rủ nhau đi thế lỡ không may còn có nhau.

Một nhóm ( tôi không nhớ mấy người ) rủ nhau ra đường cái vẫy xe về xuôi. Tất nhiên quà cho người HN là bút máy sao vàng, dầu xoa, mật ong, măng khô, đậu xanh, gạo nếp làm bánh chưng tết. Ai cũng đầy túi quà rừng. Nhóm này may vớ được 1 xe tải không, mà may hơn nữa lại là xe chở hàng cho trường ĐHBK lên Lạng Sơn, khi về xe rỗng. Họ vẫy xe đi nhờ. Anh lái xe dừng lại cho họ lên. Một cậu lên cuối cùng, trong ba lô toàn đậu xanh, măng khô. Cậu ta vừa leo lên xe, anh lái cho xe chạy. Cậu này không biết sao ngồi ngất ngưởng ở bệ sau, đi 1 đoạn đậu xanh rơi vãi đầy đường. Chẳng biết  loay hoay thế nào rồi cậu ta ngã từ trên xe xuống đường. Đường rừng mấp mô toàn đá, 1 bên là vách cao, 1 bên là vực thẳm, anh lái không biết vẫn nhấn ga ì ì lên dốc Bố Củng. Người ta bảo chẳng thà bị bố củng còn sướng hơn leo dốc Bố Củng. Mọi người đập vào thành xe, hét mãi anh lái mới nghe tiếng và đỗ lại. Cả nhóm xuống quay lại thì cậu SV đã không còn biết gì, chỉ còn thở thoi thóp. Vậy là 1 cái chết đầu tiên của SV BK ở Lạng Sơn.

Ai cũng thương tiếc cho cậu SV này. Nhưng rồi thời chiến, mọi người coi cái chết nhẹ nhõm, không bàn tán nhiều.

Sau tết, thầy, trò trở lại rừng núi để học. Lại sáng lao động làm nhà, xưởng, phòng thí nghiệm, chiều lên lớp, tối làm bài tập. Nhất là sau tết lại cơm bí ử ( bí đỏ) hoặc cơm muối ớt chỉ thiên, canh toàn quốc ( toàn nước ) rau rừng, rau rớn, rau tầu bay, măng luộc. Con gái thì không quan tâm đến ăn uống nhiều, còn con trai lại cảm thấy ăn như cơm tù thế này sau tết là quá khổ. Họ rủ nhau vào làng mua cáy, rồi khả cáy ( thịt gà) nấu cháo ăn thêm. Tệ hơn, họ còn rủ nhau mua chó thịt ăn với nhau. Trong nhóm có người miền Nam, miền Bắc, người thiểu số rất hiếm, nhưng vẫn có,  mà chủ yếu là người Tầy.

Một hôm tối đã muộn, có tốp người tìm đến y tế, một cậu người Tầy đau bụng, la hét ầm ĩ. Y tá không thể chữa, cho uống tạm Atropin giảm đau, SV thay nhau khênh cậu ta ra bệnh viện tỉnh Lạng Sơn ( khoảng 20 km đường rừng ). Gần trưa nhóm khênh trở về báo cậu SV người Tầy đã chết. 

Bác sĩ kết luận sau khám nghiệm là cậu SV này ăn thịt chó no, nên đã nứt ruột mà chết. Cậu này ăn thịt chó lần đầu và cũng là lần cuối. Toàn khoa buồn mấy hôm rồi cũng qua.

Năm thứ 3, tôi đã chuyển sang học khoa kỹ sư kinh tế của trường.Thật lòng mà nói, tôi không thích học khoa này, nhưng lệnh của trường phải chấp nhận vô điều kiện. Đặc điểm của khoa kỹ sư kinh tế là :

Đây là khóa 10 Bách khoa, nhưng là khóa I kỹ sư kinh tế của Việt Nam.

Cán bộ giảng dạy các môn khoa học tự nhiên đào tạo trong nước thì còn có, chứ cán bộ chuyên môn kinh tế thì toàn thầy trẻ học ở LX về.

Khoa này toàn cán bộ đi học. Cả khoa chỉ có 1 lớp dài hạn duy nhất, còn toàn chuyên tu ma, (tu ma tiếng Tầy là con chó ), chúng tôi gọi họ như thế. Các anh chị ấy trước khi đi học thường đã có chức, có quyền. Họ đến đây học, tranh thủ ( thời chiến các nhà máy bị bom phá hoại gần hết) ít việc, bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn để sau chiến tranh về lãnh đạo, họ toàn là đảng viên, tất cả phụ nữ đều có từ 2 con đến 3 con. Họ gửi con cho người thân hay bố mẹ nuôi hộ lên Lạng Sơn học.

Tuy có chức, có quyền, nhưng bây giờ họ đều là SV nên ngang nhau với lớp dài hạn chúng tôi ( lớp dài hạn toàn cán bộ quèn đi học, ít đảng viên mà toàn là đoàn viên ). Phần nhiều họ là người miền Nam, vì ưu tiên cho Thành đồng Tổ Quốc mà. Thống nhất họ còn phải về miền Nam xây dựng XHCN. Có môn chúng tôi phải học 48 tiết, thì họ chỉ học có 18 tiết thôi. Gọi là bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo, không cần phải học chi tiết, tỉ mỉ như bọn dài hạn. Tất nhiên sau 5 năm học thì bọn dài hạn cũng sẽ làm lãnh đạo,  còn  chuyên tu ma đã làm lãnh đạo thì chỉ  cần học 3 năm.

Các anh chị chuyên tu ma cũng hay đi vào bản dân ăn mảnh, vì tiền họ cũng nhiều hơn chúng tôi. Một hôm họ vào bản mua gà, trên đường 1 anh thấy nhiều nấm quá, rủ các anh khác hái. Bốn anh phản đối vì sợ nấm độc. Anh Vinh quả quyết :" Tui ở miền Nam miết, loại nấm này ăn hoài, ngon lắm. Bây giờ vẫn sống nè. Loại nấm trắng này ngọt lịm, ăn ngon hơn thịt gà. ". Vậy là 5 người hái mỗi người 1 xâu mang về bếp nấu. May mà cả lớp đã ăn xong, về làm bài ở nhà xa bếp. Còn 5 anh lục cục nấu xong đem ra ăn cùng cơm tối với nhau. Khi ăn ai cũng tấm tắc khen ngon, ngọt, cơm muối ớt chỉ thiên, được thêm nấm thế này thật tuyệt... Anh Vinh (đầu têu ) ăn nhiều nhất. Giữa đêm cả 5 người đau bụng, rồi miệng nôm, trôn tháo. Không chịu nổi cả 5 anh đến trạm xá của khoa. Chị H. là y tá, ở ngay tại trạm tiếp nhận và xử lý giải độc. Sáng ra tuy có chiều hướng đỡ, đã ngừng miệng nôn, trôn tháo, nhưng chị H. vẫn cứ kiên quyết gửi họ về HN chữa tiếp.

Dân bản nghe nói có 5 anh sinh viên ngộ độc nấm, họ đến giúp. Theo cách chữa của họ thì họ truyền lại :" Nấm trắng là nấm độc lố. Ăn nó vào là ngộ độc ngay vớ (đấy )" Phải luộc mỗi đứa 1 con gà, uống hết nước rồi ăn cả con mới sống được lố. Không làm thế chắc chắn chết lố".( lố là từ đệm của người Tầy, giống như từ đấy, đó trong tiếng Kinh )

Chị H, không chấp nhận, vẫn nói tạm thời đã đỡ, đã cầm được miệng nôn, trôn tháo, nhưng vẫn gửi về HN chữa tiếp.

Sau mấy ngày, tin từ HN đưa lên anh Vinh đã chết, còn 4 anh kia BV Bạch mai vẫn đang chữa tiếp tích cực.

Bao nhiêu người trách họ tham ăn thì chết. Đặc biệt có người còn nói :" Tên là Vinh mà chết nhục".  Thật  buồn và đáng trách !

Trong đời SV tôi biết 4 cái chết, thì chỉ có 1 cái chết của anh Châu nhường hầm cho 2 mẹ con chị đi đường tránh bom Mỹ là đáng kính, đáng phục, còn lại 3 cái chết là đáng thương, nhưng đáng trách nhiều hơn.

Giá như không có chiến tranh thì làm gì có những cái chết vừa thương tâm, vừa đáng tiếc như thế này. Ôi, chiến tranh, sao mà căm thù thế !!! Mong sao VN ta, dù có khổ, nhưng không bao giờ có chiến tranh như vừa qua nữa.

Cám ơn quí vị nào đã bỏ thời gian đọc bài của tôi.

Xin chào các quí vị.

                      

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG THỜI CHIẾN (6).

Chỉ còn thực tập nốt lần này là chúng tôi được về làm đồ án tốt nghiệp, chúng tôi thấy mình sắp đi đến đích nên mừng vô cùng. Chẳng ai nói với ai, nhưng chúng tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ sống đến ngày bảo vệ. Tuy vậy chúng tôi vẫn mong đến ngày viết và vẽ đồ án tốt nghiệp tại trường ĐHBK Hà nội. Suốt thời gian qua chúng tôi không hề được bước chân đến giảng đường nguy nga của trường. Cổng trường thường đóng im ỉm, chỉ có tự vệ và một số cán bộ không thể rời HN vì các đề tài nhà nước vô cùng quan trọng cho chiến tranh, như anh Vũ Đình Cự và nhóm nghiên cứu của anh. 

Chuyến thực tập cuối cùng là 3 tháng ở nhà máy thủy tinh Hải Phòng và nhà máy xi măng Hải phòng. Phương tiện đi chủ yếu vẫn là xe đạp.

Tôi xếp đồ đạc và đi Hải Phòng một mình, vì con đường tôi đã quen và chỉ có hơn 100 km. Đạp đến Hải Dương thì , than ôi, mấy hôm mưa to liền mà tôi đã không biết, Hải Dương như biển nước. Tôi đành xắn quần dắt xe từ từ mà lội, từ từ mà tiến. Nhưng đến đầu cầu thì tôi ngẩn ngơ, chỉ biết nhìn bể nước mà ngán. Đi cũng dở mà ở thì nước mênh mông thế này biết ngồi nghỉ vào đâu, bao giờ nước mới rút đây ??? Quả thực lúc này tôi hoang mang đến tột cùng. Người đi đường hầu như không có mà có chắc gì đã giúp được mình...Ngẩn ngơ, chán ngán lo không có lối thoát. Đi đâu bây giờ ? Đi thì không thể, ngồi lại cũng không được, có chỗ nào mà ngồi giữa bể nước này... Lo tối nay không biết tìm đâu ra chỗ nghỉ tạm... Đang rối như tơ vò thì tôi nghe tiếng lội nước bì bõm sau lưng, quay lại thấy anh bộ đội cũng đang dắt xe dò dẫm lội lần từng bước . Anh bộ đội làm quen:

- Này em gái, đi đâu mà vội thế, không đợi nước rút mai mới đi được không ?

- Tôi xuống Hải Phòng thực tập.

- Tôi đoán ngay thế mà. Chỉ cần lắm mới đi thế này.

- Thế anh cũng đi đâu mà vội, mai đi không hơn à? 

-  Thì tôi cũng phải ra đảo trả phép đúng tối nay. Quân lệnh, em có biết không ? Chết cũng phải đi.

- Tôi hiểu mà. Riêng tôi nếu mai đi cũng được, nhưng sợ mai mới đi thì không kịp nên cứ thủng thẳng đạp hôm nay, đi đến đâu, nghỉ đến đấy. Ai ngờ Hải Dương lại lụt thế này.

- Em đứng đây chờ, tôi vác xe của mình qua bên kia rồi quay lại đón em, vác xe cho em chứ nước mênh mông, chảy xiết thế kia, em làm sao dắt xe qua được.

- Vâng, anh cứ vác xe lo cho mình qua cầu đi, em cố tự lo cho mình. Tôi thấy anh có vẻ hơn tuổi mình nên đổi xưng là EM.

Miệng nói thế thôi , còn bụng thì nghĩ: anh ấy an ủi mình chứ hơi đâu mà quay lại vác xe cho mình qua cầu.

Đứng một lúc mỏi chân quá, tôi co một cẳng gác lên xe nghỉ tạm. Bỗng trước mắt tôi anh bộ đội lúc nẫy đang lội qua cầu. Tôi thực sự ngạc nhiên và cảm động.

- Em đợi lâu chắc sốt ruột lắm. Tôi sang đến bên kia, tìm mãi mới thấy có cái cây để khóa xe. Xong việc tôi chạy vội lại đón em, vì tôi đoán em không tin tôi sẽ quay lại, may em còn tin tôi.

Nói xong anh vác xe tôi lên vai, 1 tay dắt tôi đi qua cầu. Sang đến bên kia cầu anh bỏ xe xuống và bảo tôi chờ anh ở đấy. Nói xong anh chạy vội. Tôi đứng lại trông 2 xe chờ anh. Trong bụng nghĩ :" Chắc lội nước mãi, bây giờ mới dám đi giải quyết nỗi buồn đây ".

Đi khoảng 15 phút, anh quay lại, mặt tươi như hoa:

- Anh em mình đi mau, tôi vừa đến ga Tiền Trung hỏi thăm, có một tầu vận tải hàng quân sự, tôi hỏi họ đồng ý cho đi nhờ xuống Hải Phòng rồi.

- Trời ! Anh giỏi quá ! Cám ơn anh nhiều nhiều, lắm lắm, anh bộ đội ơi !

Tôi nói mà như hát. Anh bộ đội vui lắm. Chúng tôi vào ga, anh bộ đội gặp 1 người nào đó rồi quay lại vác xe tôi đưa lên tầu, sau đó mới đến xe anh. Anh đỡ tôi lên toa vừa để hàng, vừa để xe và vừa người ngồi. Ngồi bên anh tôi thấy vui vô tận. Được lên tầu đi Hải Phòng  thế này là quá hạnh phúc rồi. Ngồi 1 lúc yên chỗ, tầu chạy, tôi hỏi:

- Anh bộ đội ơi, tên anh là gì ? Anh ở đơn vị nào ? Ở đảo nào ? Làm ơn cho em biết với. Hôm nay gặp anh, em thật may mắn quá, giá như mai mới đi thì chắc còn khổ hơn nhiều.

- Em nhớ tôi là anh bộ đội là được rồi, không cần tên. Còn ở đâu, đơn vị nào, em có hỏi trăm lần tôi cũng không nói, bí mật quân sự mà lị.

- Em hiểu rồi, nhưng vẫn mong muốn anh cho biết tên, lỡ có dịp gặp hay hỏi thăm thì sao.

- Không được, quên đi !

- Anh nghĩ em vô ơn thế à ? Em sẽ nhớ anh cả đời, thật đấy.

Từ đó tôi và anh ngồi yên giữa đống hàng hóa, xe đạp cho đến ga Hải Phòng.

- Để anh vác xe xuống rồi 2 anh em cùng đi. Trời cũng bắt đầu tối rồi.

- Vâng, cám ơn anh !

- Em đi đâu, có gần không ?

- Dạ, đến trước cửa bảo tàng Hải Phòng, phố Điện Biên Phủ, chị ruột em ở đấy.

- Anh biết rồi, anh đi bến Bính cũng qua đấy, anh đưa em tới nơi.

Anh đưa tôi đến nơi, tôi quay lại nói đã đến nơi, mời anh vào nghỉ, uống chén nước kẻo anh quá mệt.

- Tối rồi, lúc khác, nếu có dịp qua đây anh sẽ rẽ vào thăm em.

- Anh nhất định không nói tên à ?

- Thì đã bảo anh bộ đội mà lị.

- Cám ơn anh quá to, quá nhiều. Chẳng thể nói gì khác hơn. Anh quá tốt ! Mong trời phù hộ anh , bom đạn Mỹ sẽ phải tránh anh !

- Thôi, anh đi, em nhé!

- Chào anh,  hẹn gặp lại ! Cám ơn anh to lắm nhé!

- Hẹn gặp lại !

Vậy mà đến giờ tôi có bao giờ gặp anh bộ đội tốt bụng đâu, vẫn vô danh, tên anh vẫn là ẩn số với tôi. Tuy vậy tôi vẫn nhớ anh, suốt đời vẫn mang ơn anh, không bao giờ quên.

Thế là kết thúc một chuỗi dài thực tập thời chiến. Sau khi thực tập 3 tháng, lần đầu tiên chúng tôi được bước chân vào hội trường C1 nghe phổ biến làm đồ án tốt nghiệp. Cái cảm giác được ngồi vào hội trường to, đẹp thế này chúng tôi thấy sướng như được lên cõi tiên.

Kết thúc những ngày gian khổ trên đường thực tập, mặc dù chiến tranh còn  gần 5 năm nữa mới kết thúc. Con đường gian nan, nguy hiểm trong chiến tranh còn dài lắm, 5 năm nữa cơ, biết có sống được đến ngày hòa bình ?

 Cám ơn các quí vị nào đã đọc.

Xin chào các quí vị.

                       

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG THỜI CHIẾN (5).

Nhà máy supperphosphat nay có làng nổi tiếng số 1 ở VN, là làng ung thư. Khi chúng tôi đến thực tập vì trình độ còn kém nên không biết hóa chất ở đây độc hại đến mức nào. Tôi rất ngạc nhiên ngay hôm đầu đạp xe đến cách nhà máy 2 km thì tự dưng tôi không thể ngẩng đầu lên mà nó cứ nặng trĩu kéo tôi gục xuống.

Chúng tôi tập trung nghe báo cáo của nhà máy : công suất hàng năm, ai giúp xây dựng, số cán bộ lãnh đạo, số kỹ sư , số công nhân... Đặc biệt tôi quan tâm đến tiền lương, chế độ đãi ngộ công nhân...

Nhà máy này dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động, không có lao động chân tay bình thường từ khâu đưa NVL vào đến khi ra sản phẩm. Những người không hiểu biết gì về sản xuất, lại chưa bao giờ được thấy 1 nhà máy vĩ đại đến thế của nước ta do LX giúp đỡ, ai cũng thán phục. Chế độ của công nhân:

- Lương tháng trên, dưới 100 đ.( trong khi đó kỹ sư mới ra trường chỉ có 60 đồng )

- Chế độ làm việc : 3 ca, 4 kíp.

- Công nhân đi làm được bồi dưỡng 1/3 hộp sữa đặc có đường, uống tại chỗ. Làm ca đêm còn được bồi dưỡng thêm 1 bát phở bò 3 hào.

- Mỗi tháng công nhân được mua 3 hộp sữa đặc có đường và cung cấp miễn phí 3 hộp.

Nghe báo cáo mà thấy mê chế độ nhà máy. Chế độ này là của LX đề ra, phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Nghe báo cáo xong chúng tôi xuống thực tế các phân xưởng sản xuất.

Tôi đặc biệt thấy lạ là công nhân rất béo, nhưng ai cũng  mặt bủng, da chì. Tôi thì thầm với anh bạn:

- Chắc hóa chất ở đây đã ăn hết hồng cầu của công nhân rồi. Tôi thấy mệt và nhức đầu quá, mong hết giờ về nghỉ thôi.

- Tôi cũng đang mệt và buồn nôn đây này. Cố gắng lên, sắp hết giờ rồi.

Đó là ngày đầu vào nhà máy, còn cả tháng phía trước, lo quá, không biết cả nhóm có thể chịu nổi được 1 tháng mà hoàn thành thực tập.

Về đến nhà trọ mọi người đều mệt mỏi. Tôi nói với nhóm:

- Lạ nhất là đến cách 2 km đầu tôi không tài nào ngóc lên được, vậy mà lúc ra cũng đúng cái chỗ mình không ngóc đầu lên được thì tự dưng đầu mình lại ngẩng lên được mới tài chứ. Suốt thời gian trong nhà máy cũng thế, bây giờ thì nhẹ đầu rồi, nhưng không hề muốn ăn gì.

- Cũng lạ thật, công nhân họ quen chứ thư sinh như chúng ta ai cũng kêu oai oái là mệt, đau đầu, buồn nôn... - Anh C. trưởng nhóm nửa đừa, nửa thật nói.

Chúng tôi tranh thủ ra chợ mua hoa quả ăn cho đỡ đói và đỡ mệt chứ chất bột chả ai muốn ăn. Hoa quả thì chủ yếu là khế, ổi, bưởi, quít hôi, dâu da , thị và chuối. Lúc đó trong chúng tôi không ai uống nước chè mà chỉ có 1anh nghiện thuốc lá.

Vậy là riêng tôi cả tháng dùng hết tiền lương mua hoa quả, chỉ thỉnh thoảng ăn vài củ sắn luộc hay vài bắp ngô mà hoàn toàn không hề ăn cơm. Cũng lợi là  tem gạo còn nguyên cả tháng.

Quanh nhà máy độ 2 km thì cây chết hết, chỉ một màu đất đỏ khô cằn...

Chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn thực tập, chúng tôi ai cũng mừng là đã trụ nổi 1 tháng bằng số tiền ít ỏi của mình không có 1 xu nào bồi dưỡng. Cũng ngay hôm đó chúng tôi phấn khởi chuẩn bị lên đường về HN thì chiều hôm ấy vừa ra khỏi nhà máy khoảng hơn 1 km, máy bay Mỹ kéo tới. Chúng tôi cố đạp nhanh ra xa nhà máy. Một loạt bom nhằm vào nhà máy làm chúng tôi đều bị ngã lăn ra đường. Quay lại nhìn thấy chúng ném bom vào trúng nhà máy. Chúng tôi lổm ngổm bò dạy, đạp nhanh về nhà trọ. Không ai nói với ai, nhưng trên nét mặt mỗi người đều cảm thấy may là mình còn sống...

Cả tối hôm ấy chẳng ai nói gì. Sáng hôm sau mọi người vẫn vào nhà máy.

Đến nhà máy thấy, may trời phù hộ, chúng ném vào bãi nguyên vật liệu, 1 quả bom ném trúng nóc bể axit. Trời phù hộ cho cả nhà máy, quả bom rơi trúng nóc bể axit, nhưng nóc nó LX đã thiết kế bằng hợp kim rất dầy và nóc dốc, nên quả bom rơi trượt xuống đất, lăn ra xa mới nổ. Giá như bể axit nổ thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra với toàn bộ công nhân đang làm việc tại nhà máy và cả vùng quanh nhà máy sẽ ra sao. Nóc bể axit chỉ nghiêng sang 1 bên, trông cũng kinh lắm.

Thế là chúng tôi đã hoàn thành đợt thực tập, hút chết bom, chịu đựng chất độc của nhà máy, theo tôi, là đợt thực tập nguy hiểm nhất trong đời sinh viên.

Trên đường đạp xe về HN, chúng tôi không vội nên cứ từ từ đạp và ôn lại 1 tháng qua. Chuẩn bị cho 3 tháng thực tập năm cuối là xong.

Chẳng biết kể ra để làm gì, nhưng tôi vẫn muốn kể để có ai đó thích đọc về thời chiến của những người không cầm súng chiến đấu mà chỉ cầm bút kiếm kiến thức cho ngày mai cũng không yên ổn, cũng nguy hiểm.

Cám ơn quí vị nào đã đọc để chia sẻ.

Xin cám ơn các quí vị.

                       

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG THỜI CHIẾN (4).

Chúng tôi được lệnh lên nhà máy hóa chất Việt Trì và nhà máy supperphosphat Lâm thao thực tập 1 tháng. Nhóm tôi gồm 3 nam, 2 nữ. Cả nhóm có 4 xe đạp, 3 con trai và tôi. Còn chị Ch. thì không dám đi xe đường dài vô tận và bất định. Chúng tôi đạp xe và đều nhất trí với nhau không mang thực phẩm, nước uống để giảm trọng lượng vì còn phải đèo chị Ch. Quan điểm chung là đến đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường nên thấy nhẹ nhõm. Ăn thì gặp mua được gì, ăn nấy mà có đói 1 ngày cũng không sao. Các phương tiện từ HN đi không có hoàn toàn, chúng tôi chỉ hy vọng đi nhờ được ô tô vẫy dọc đường, nhưng đường lên Phú Thọ thì hầu như không có xe tải. Đi mãi mới đến Việt Trì, qua cầu treo Việt trì thì 4 xe đạp nối đuôi nhau để có ngã còn đỡ nhau. Cầu treo lắc lư thật khó đi, mà lúc đó chúng tôi còn sợ lỡ không may cộng hưởng thì tất cả đều tùm xuống sông Thao, toi cả lũ. Nhưng may điều đó không xẩy ra. Chúng tôi qua đến bên kia cầu, dựng xe nghỉ cho đỡ mệt và đỡ căng thẳng. Tưởng chị Ch. đi liền sau, chúng tôi định quay lại nói chuyện thì T. Chỉ tay lên cầu và cười bò ra. Theo tay T. chúng tôi nhìn lên cầu thấy chị Ch. đang bò lổm ngổm trên cầu, 2 tay, 2 chân dạng ra để giữ cơ thể thăng bằng.  Cả lũ cười như nắc nẻ, chảy cả nước mắt. Anh C. vội vàng quay lại cầu để dắt chị Ch. qua. Sang đến hết cầu chị Ch. chân tay run lẩy bẩy như bị sốt rét. Chúng tôi lại được mẻ cười. Vừa cười, vừa thương chị. Hết cơn cười, chúng tôi lại đi tiếp. Tôi là con gái nên cứ tự lo đạp xe theo 3 anh con trai, còn chị Ch. thì được 3 anh này thay nhau đèo. Kể ra nhát gan cũng lợi ra phết. Tôi lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, không cần con trai giúp nên cứ đạp và đèo hành lý của mình, kiên quyết không nhờ ai dù nhiều lúc cảm thấy sắp đứt hơi.

 Con đường dù chỉ còn ngắn, nhưng sức đã kiệt, trên đường đi chúng tôi chỉ ghé mấy nhà ven đường xin nước giếng uống, có khi chẳng có ai mà xin, cứ lấy gầu múc nước uống rồi tiếp tục đi.

Sức mỗi lúc một kiệt vì vừa đói, vừa mệt vì đạp xe một quãng đường dài. Chúng tôi quyết định đến nơi có nhà gần nhất thì nghỉ, ngày hôm sau đi tiếp.

Đi 1 lúc thấy có 1 cái nhà lá hơi to hơn nhà dân thường làm 1 chút. Chúng tôi đi vào, hóa ra nhà kho của nông dân để dụng cụ nông nghiệp và lúa mới cắt chưa khô chất vào chống mưa, nắng. Chúng tôi nhất trí nghỉ tại đây, nhịn và ngủ 1 giấc thật say cho đã mệt.

Vừa lót rơm làm đệm nằm thì có 2 người vào:

- Này các đồng chí ở đâu đến mà tự động vào kho HTX trải rơm ra nằm.

- Chúng tôi là sinh viên trường ĐHBK đi thực tập ở nhà máy Supperphosphat Lâm Thao. Đi từ sáng đến giờ mệt quá. Các đ/c cho chúng tôi ngủ nhờ, sáng mai đi.

- Ngủ nhờ thì được, nhưng các đ/c nấu ăn thì không được, nhỡ cháy kho thì chúng tôi chết.

- Chúng tôi không nấu gì, vì có gì đâu mà nấu...

- Các đ/c nhịn đói cả ngày đến sáng mai à ?

- Đành thế thôi, các đ/c ạ.

Chúng tôi ngồi xuống nghỉ. Sau đó xếp 4 xe đạp vào 1 chỗ, lấy dây buộc lại với nhau phòng mất cắp. Chị Ch. lớn tuổi nhất , rồi đến anh C. Hai anh kia hơn tôi 1 tuổi. Trong kho muỗi to như con ruồi, làm sao ngủ được. Như tôi đã viết ở phần trước, tôi sợ muỗi nên bao giờ cũng mang theo màn, còn chị Ch. thì sợ rét nên lúc nào cũng kèm chiếc chăn đơn Nam Định. Ba anh con trai thì chỉ 2 bộ quàn áo ngoài và 2 bộ lót. Chị em tôi bàn nhau, lúc đầu chị Ch. không đồng ý, nhưng thấy nếu không chấp nhận phương án của tôi đưa ra thì không lối thoát, nên tuyên bố với 3 anh:

- Tui phân công ngủ thế này để bảo đảm sức khỏe mai đi và thực tập lâu dài. Nga có màn, tui có chăn, 3 cậu không có gì. Vậy ta mắc màn  chui cả 5 đầu vào, chăn đắp từ bụng xuống ta ngủ chung cả 5 người. Nga nằm trong cùng, 3 cậu nằm giữa, còn tui nằm ngoài cùng, vì tui tỉnh ngủ, có gì kêu to cho mọi người biết.

Cả nhóm đồng ý. Thu xếp xong, vừa đặt lưng nghỉ tạm, chỉ có anh M. mới có đồng hồ đeo tay, lúc đó là tương đối giầu, vì có xe đạp lại còn đồng hổ PODOT  của LX nữa chứ. Khi xem mấy giờ anh M. bảo trong ba lô, mở ra xem bây giờ là mấy giờ thì mới biết đồng hồ mà người VN lúc đó gọi là PODOT của LX là ( Полёт - chuyến bay ). Tôi chỉ cười vì chữ tác đánh chữ tộ, mà chẳng dám nói gì vì sợ họ bảo mình ra điều biết tiếng Nga. Cho đến lúc này tôi vẫn không dám thú nhận biết tiếng Nga cho mọi người.


Vừa nằm nghỉ 1 lúc thì 7 giờ tối. Cửa kho mở, chúng tôi chuẩn bị đánh trộm thì:

- Các đ/c ơi, dậy ăn tạm ít khoai, sắn luộc cho đỡ đói rồi hãy ngủ.

Hóa ra 2 đ/c xã viên lúc nãy bỏ vào làng, luộc khoai cho chúng tôi, chắc họ sợ không đủ nên thêm mấy củ sắn. Chúng tôi cám ơn, họ chẳng nói gì, lẳng lặng đi và đóng cửa lại.

Thật cảm động, chúng tôi ngồi cả dậy ăn khoai, sắn trong bóng tối. Ăn xong còn 1 ít, chúng tôi gói lại để mai ăn trước khi lên đường. Sáng sớm hôm sau :

- Các đ/c ơi, dậy ăn sắn để còn lên đường sớm kẻo muộn là máy bay Mỹ ném bom chết đấy. Đây là vùng trọng điểm giữa 2 nhà máy to của ta, nên chúng ném bom ác lắm.

Các xã viên HTX thật chu đáo, họ nghèo không có gạo thì luộc khoai, sắn cho chúng tôi ăn đỡ đói lòng. Chúng tôi xin, cám ơn và ăn hết luôn cả sắn và khoai hôm qua tiếp tục đóng cửa kho lên đường đi tiếp quãng đường ngắn còn lại. Đường thì không xa lắm, nhưng bom cầy nát nên nhiều đoạn phải dắt, vác xe mới qua được.

Đến 1 làng cách nhà máy supperphosphat chúng tôi xuống, xin dân cho ở nhờ 1 tháng thực tập. Lúc đó chúng tôi biết ở gần nhà máy độc, nhưng chưa biết độc đến mức nào. Sắp xếp xong anh C, trưởng nhóm đi liên hệ với ban lãnh đạo nhà máy bố trí thực tập cho chúng tôi.

Về đến nơi trọ anh phân công chúng tôi vào các bộ phận và còn không quên nói có tác giả bài hát Ở tận sông Hồng em có biết ( Trương Quang Lục)... Đang là 1 trưởng phòng ở đây, nhưng KIÊU lắm. Cũng học hóa BK ra, trước ta mấy khóa...

Chúng tôi đi chợ mua ít thức ăn chuẩn bị mai vào nhà máy, nơi nguy hiểm cả về bom giặc Mỹ lẫn hóa chất...

Bài đã dài, tôi sẽ kể tiếp sau. 

Cám ơn quí vị đã đọc bài này, hẹn gặp lại

Xin kính chào quí vị.

TÌNH CẢM CON NGƯỜI TRONG CHIẾN TRANH (3).

Tôi không may vào đại học đúng chiến tranh chống đế quốc Mỹ bắt đầu. Chẳng biết thời bình sinh viên học có những chương trình gì, đi thực tập những đâu, còn chúng tôi là sinh viên trong chiến tranh thì khổ đủ điều, đã vậy tính mạng những khi đi thực tập thì ngàn cân treo sợi tóc, nói không ngoa. Chương trình 5 năm thực tập của chúng tôi ngoài tại trường ra còn đi thực tập tại các nhà máy như:

- Cao su, Xà phòng, Thuốc lá ( khu cao , xà, lá )
- Phân lân Văn Điển.
- Pin Văn Điển.
- Phân đạm Bắc Giang.
- Nhà máy đường Vạn Điểm
- Nhà máy hóa chất Việt Trì.
- Nhà máy superphosphat  Lâm thao.
- Thủy tinh Hà nội.
-Thủy tinh Hải phòng.
- Xi măng Hải Phòng .

Mỗi nhà máy đi ít nhất là 2 tuần, vừa là 1 tháng và nhiều là 3 tháng (thực tập , làm đồ án tốt nghiệp) . Mỗi khi đi nhà máy nào thì khoa phân công các nhóm người, ngày, giờ tập kết. Còn mặc sinh viên tùy nghi di tản. Vậy là chúng tôi chỉ lo sao không chậm đến địa điển thực tập theo yêu cầu của khoa. Khổ nhất là phương tiện đi không có, chủ yếu là xe đạp, xin đi nhờ ô tô dọc đường. Tất nhiên như vậy thì chúng tôi không thể lo ăn cho mình, mà gọn nhẹ là 2 bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng. Có bạn sinh viên nam còn chỉ 1 bộ mặc trên người và 2 bộ lót. Tôi chỉ lo muỗi đốt nên bao giờ cũng cố mang theo cái màn, hơn nữa tôi cũng có xe đạp nên không lo nặng lắm. Còn chị Ch thì người miền Nam hay sợ rét nên bao giờ cũng cõng theo cái chăn đơn Nam Định. Khổ nhất là năm nào tôi đi thực tập cũng bị bom Mỹ đuổi theo, nghĩa là năm nào cũng hút chết.


chúng tôi được lệnh đi thực tập nhà máy đường Vạn Điểm 1 tháng. Lúc đó đêm nào máy bay cũng ném bom các nhà máy, còn ban ngày thì dọc đường quốc lộ vào Nam. Vừa ra khỏi nhà máy được  gần cây số về nơi trọ thì nhà máy bị bom giặc Mỹ ném. Chị Th hoảng sợ đạp thật nhanh ra xa nhà máyChân đạp, mắt ngoái lại nhà máy không nhìn phía trước, thế là tôi nghe một tiếng ÙM. Nhìn lại không thấy chị Th đâu, ngoảnh sang ao bên lề đường thấy chị đang ngoi ngoi. Tôi không biết bơi mà cũng chưa biết kêu ai thì thấy mấy người đi đường núp ở đâu đã nhảy xuống ao vớt chị Th và xe đạp của chị lên. Chắc đó là những người dân hay khách qua đường. Hai chị em tôi hú hồn, chân chị Th run như cầy sấy. Chúng tôi chỉ kịp cám ơn xong là mấy người đã cứu chị Th vắt vội quần áo ướt rồi lên xe đi thẳng..Chúng tôi lại lên đường về nhà trọ. Đến nhà trọ sau khi thay quần áo sinh viên bắt đầu tán phét việc chị Th khi ra khỏi nhà máy vẫn nghĩ đến các bạn chưa có gì ăn tối nên nhảy xuống ao bắt cá cho anh, chị em cải thiện.

Những chuyện không may đến với chúng tôi trên đường thực tập thì nhiều lắm. Càng nhiều chuyện xẩy ra chúng tôi càng có dịp tán vui trong thời kỳ thực tập căng thẳng.

Thường cứ hết chiều thứ 7 là chúng tôi, mạnh ai nấy chạy, đạp xe khoảng 35 km về THĂNG LONG PHI CHIẾN ĐỊA, tránh bom Mỹ. Tôi tất nhiên không ngoại lệ. Chiều chủ nhật lại cắm cổ đạp đến nhà máy để sáng thứ 2 còn làm việc. 

Một hôm đang cắm cổ đạp xe thì nghe tiếng trẻ con :

- Chị đi đường kia ! Muốn chết hay sao mà báo động, bom sắp rơi mà còn cắm đầu, cắm cổ đạp xe ?  Không sợ chết à ?

- Ai gọi đấy ? Gọi chị à ?

- Chị nhìn đường xem có ai ngoài chị, chẳng gọi chị còn gọi ai ? Xuống đây mau, nó sắp cắt bom rồi. Nhanh, nhanh lên !!!

Tôi vội vứt xe đạp bên cạnh đường, nhìn quanh tìm hố cá nhân bên đường.

- Xuống đây mau lên. Còn xa mới có hố khác. Xuống nhanh !

Tôi vừa nhẩy xuống hố cá nhân của em và 2 chị em vội lấy hết sức đậy nắp hầm lại, thì nghe tiếng bom nổ ẩm ầm trên đường. Hết bom, 2 chị em nhẩy lên khỏi hầm. May 2 chị em đều bé nên vừa cái hầm cá nhân. Tôi hỏi em :

- Em ở gần đây à ?

- Em ở trong làng. Hàng ngày em chăn trâu ở đây.

- Chiều rồi sao chưa về, mà trâu đâu ?

- Em đưa trâu về nhà rồi lại ra đây.

- Em ra hứng bom Mỹ à ? Sao mạo hiểm thế.

- Mạo hiểm đâu. Em ra ngồi dưới hố cá nhân giờ này bọn Mỹ hay ném bom dọc đường, nên xem ai giống như chị ấy, lớ ngớ không nghe báo động em gọi cho mà tránh bom.

- Thế em gọi được mấy người ngoài chị ra ?

- Cả chị là 4 rồi.

- Cám ơn em đã cứu chị. Em tốt quá. Em thật dũng cảm. Sao biết bọn Mỹ sắp cắt bom mà gọi ? Em tên gì ?

- Cám ơn gì em. Tên em có nói sau này chị cũng quên, nếu chị còn sống. Em thích thì em làm thôi, không cần hỏi, không cần cám ơn. Em quen ở đây nên biết khi nào chúng sắp cắt bom là em đậy nắp hầm ngồi yên ở dưới, nếu có ai đi qua là em gọi để tránh.

Đường còn xa. tôi sợ tối nên lấy xe đạp  đi. Không ngờ xe bị trục trặc, loay hoay mãi mới chữa được. Chắc đất, đá bị bom ném văng lên xe của tôi... Chữa xong xe quay lại định nói tiếp với cậu bé vài lời thì nó đã chạy biến vào làng không 1 lời chào.

Thật là tình cảm thời chiến! Cám ơn cậu bé có lòng tốt đã cứu tôi. Thế mà do nhiều hoàn cảnh tôi quên cả kể việc này với người thân, các con tôi. Bây giờ ngồi nhà lúc già mới nhớ ra. Chỉ mấy người sinh viên cùng thực tập với tôi ở nhà máy đường Vạn Điểm mới biết việc này mà cũng chẳng biết bây giờ họ ở đâu. 

Cám ơn các quí vị đã đọc bài này và xin chào các quí vị.
                 

,

TINH CẢM CON NGƯỜI TRONG THỜI CHIẾN. (2)

Lúc đó người ta nói khi nhận được giấy báo vào học ĐHBK thì coi như mới xách va li bước đến cổng  PARABOL (cổng chính vào trường ĐHBK ) thôi, hết năm thứ nhất là bước qua ngưỡng cửa và hết năm thứ 3 mới gọi là được vào học ở trường. Khi làm bài thi, tôi nhìn thấy mấy câu thơ mà bây giờ vẫn còn nhớ về sự vất vả của việc học đến thế nào :

     5 năm có 9 lần thi,
1 Lần đồ án còn gì là XUÂN ?

Bước ra kỏi phòng thi tôi hỏi cán bộ coi thi ý nghĩa của 2 câu thơ này, 2 câu thơ mà nếu tôi không học BK, nhất là thời chiến, thì không thể hiểu nổi nỗi gian truân của nó để bước vàoKHKT. Anh gải thích tôi mới biết học BK là vất vả ra sao.

Thế là tôi đã được vào học BK như người ta nói, nghĩa là đã học năm thứ 3. Qua 4 lần hút chết vì bom Mỹ, tôi đã dạn dầy trong học tập và mọi nẻo đường thực tập của chương trình học trong trường thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Một hôm đang ngồi nghe giảng có chị ở trong ban chủ nhiệm khoa Kỹ sư Kinh tế đến lớp thông báo khoa tập trung tất cả sinh viên hết giờ học phải có mặt tại hội trường lớn ( gọi thế cho oai, chứ cũng chỉ là nhà lá, vách nứa, to hơn lớp học 1 chút thôi.)

Vào hội trường hôm nay thấy ban chủ nhiệm khoa đeo băng tang ở tay, mặt ai cũng trang nghiêm và buồn rười rượi. Tự nhiên cả hội trường im phăng phắc. Mọi người ngồi xong chủ nhiệm khoa bước ra nói:

-  Thưa tất cả các đồng chí, hôm nay ban chủ nhiệm mời các đ/c đến đây để truy diệu đ/c (tôi quên mất tên rồi, vì lâu quá không nhắc đến ). Trên đường lên Lạng Sơn nhập học, đ/c ấy đã hy sinh để cứu 2 mẹ con người đi đường. Tiểu sử đ/c ấy :

Họ và tên ( tôi quên không thể nhớ được )

Là quản đốc phân xưởng X. Vì bị bom đạn Mỹ đánh phá, hiện nay tạm thời ngừng hoạt động. Đồng chí được nhà máy điện HN cử đi học ở khoa ta, trường ta để về tiếp tục công tác sau này.

Trên đường đi, đến gần thị xã Lạng Sơn thì báo động. Đồng chí ấy đã nhẩy xuống hố cá nhân ven đường và đang ngẩng lên đậy nắp hầm. Vừa nhảy xuống cố đậy gần xong nắp hầm  thì nhìn thấy 2 mẹ con 1 cô gái chạy đến gần đó, hớt hải tìm hầm. Đồng chí đã không sợ hy sinh, nhẩy lên khỏi hầm cá nhân, đẩy 2 mẹ con cô đi đường xuống hố cá nhân của mình. Vừa kịp đậy hố xong thì bom rơi ngay bên cạnh, đ/c ấy đã hy sinh. Chiếc xe đạp và ba lô kèm giấy gọi vào học khoa ta văng ra xa...Còn thân thể... Không còn tìm thấy nữa...

Nói đến đây chủ nhiệm khoa lau nước mắt, không nói tiếp. Chắc thân thể đ/c đó không còn nguyên vẹn hay không tìm thấy, nên chủ nhiệm khoa không nói tiếp.

Chúng tôi nhận được xe đạp hỏng, ba lô và giấy tờ của đ/c ấy gọi điện về nhà máy, họ xác nhận chính sác , nên hôm nay khoa làm lễ truy điệu, coi như đ/c ấy là sinh viên năm thứ nhất của khoa ta. Trường và nhà máy sẽ làm tiếp công việc còn lại.

Chúng tôi chỉ biết về người sinh viên năm thứ nhất mà chủ nhiệm khoa báo và cả khoa truy điệu là thế.

Khi ấy là quản đốc phân xưởng mà đã có bằng tốt nghiệp phổ thông lại vào khoa Kỹ sư Kinh tế, học chuyên tu thì không phải thi. Chúng tôi hay gọi đùa họ là chuyên tu ma (tu ma tiếng Tầy là con chó) nên họ khó chịu với bọn học dài hạn lắm. Các anh chị ấy bảo chúng tôi cậy vẫn còn thanh niên, học dài hạn nên toàn CHÊ họ dốt đi chuyên tu, ngu đi tại chức. Chúng tôi chỉ có 1 lớp dài hạn 5 năm thôi, còn chuyên tu lại có 2 lớp...

Tình cảm con người thời chiến là như vậy đấy. Họ có thể nhường sự sống của mình cho bất cứ ai, không 1 giây suy nghĩ. Cũng vì tôi gặp một số trường hợp tương tự nên không còn để ý và cho đó là chuyện bình thường giữa cuộc chiến nên mới quên tên đ/c quản đốc này. Hình như tên đ/c ấy là Châu thì phải. Thật hối hận, nhưng già rồi, biết làm sao đây. Đành mắc tội với người đã khuất. Nếu ai đó ở nhà máy điện thời ấy chắc vẫn còn nhớ tên đ/c này.

Xin cám ơn tất cả và xin chào !