Du lịch Miền Trung 2012

CHUYỂN NGHỀ !



Như bài trước tôi đã nói, tôi xin gặp TGĐ xí nghiệp dệt 13.000 người. Mỗi khi ai cần gặp ông thì phải đăng ký trước để ông bố trí thời gian tiếp. Tôi cũng không ngoại lệ. Song hơi ngạc nhiên, khi gọi điện xin gặp thì ông lại bảo tôi đến ngay, ông sẵn sàng tiếp. Nhưng tôi nói là tôi xin gặp ông, song không thể thiếu sự có mặt của PTGĐ phụ trách người VN của XN. Ông quả quyết :
- Mời chị cứ đến phòng làm việc của tôi, tất nhiên  cả PTGĐ Đotsenko cũng có mặt.
- Cám ơn ông vì đã ưu ái cho tôi được gặp ông ngay, không phải chờ đợi.
- Phải thế chứ, Nếu tôi để chị phải đợi tôi thì tôi không phải là TGĐ XN dệt này nữa.
Thật lòng lúc ấy tôi cũng không thể ngờ ông TGĐ lại dễ dãi với tôi đến thế. Trên đường đến phòng làm việc của ông tôi sắp xếp những việc chuẩn bị trình bầy với ông sao cho ngắn, gọn và dễ hiểu nhất. Dễ hiểu đây là tôi sợ trình độ tiếng Nga của mình kém, có thể không biết trình bầy bằng ngôn ngữ Nga các danh từ chuyên môn dệt chưa thạo lắm. 
Đến nơi, gõ cửa, ông TGĐ tự ra mở cửa mời tôi vào. PTGĐ đã ngồi đợi sẵn. Sau khi chào hỏi xã giao tôi vào đề ngay:
- Hôm nay tôi đến muốn đề đạt với ông một số việc cụ thể của XN mình, của công nhân VN, một số nhận xét qua thời gian mấy tháng tôi làm việc ở đây đã thấy. Cụ thể :
+ Sắp xếp của nhà máy.
+ Đề nghị cho người VN làm hưởng lương theo sản phẩm.
+ Đề nghị cho một số cháu chuyển nghề. 

- Chà, tôi không ngờ hôm nay tiếp chị lại là những việc quá lớn (слишком огромные дела !) thế này.
- Theo tôi mọi việc nằm trong tầm tay của 2 ông, không có gì quá lớn. Tôi chắc chắn các ông sẽ làm được không khó khăn gì !
- Về mặt tiếng thì tôi khẳng định chị LTN không có gì là không hiểu. Còn giải quyết công việc thì không thể nói gì hơn là rất tốt, rất tháo vát. Tôi thua ông vì ông và chị LTN đồng hương Moskva, còn tôi người Ukraina. Nói đùa chút chứ chị LTN chúng tôi thường nói là thổ dân Nga nên không dấu được chị bất kỳ điều gì. Hôm nay để chị nói, ông sẽ biết chị là ai.
- Tôi rất mừng là có một cán bộ VN được đồng nghiệp của tôi, mà lại là người  KHÓ TÍNH như đ/c Đotsenko khen. Chị LTN chắc chưa biết, đ/c Đotsenko đây nguyên tắc và khó tính lắm, nhưng ông rất tốt.
- Qua mấy tháng làm việc tôi đã quen cách làm việc của PTGĐ và biết ông là ai, nên xin TGĐ cho qua lời giới thiệu.
- À, ra chị cũng biết tiết kiệm thời gian đấy nhỉ, vậy ta vào việc luôn nhé ! 
- Vâng, tôi xin nói ngay :
1. Mấy tháng nay tôi đi tất cả các phân xưởng, kể cả phân xưởng nhuộm. Tôi cảm thấy nhà máy sắp xếp không gọn. Nguyên vật liệu chất đầy, khắp nơi chỗ nào hở là có NVL chất vào. Lỡ có hỏa hoạn thì chả biết làm sao. Còn bình thường công nhân làm việc cứ phải chạy tránh chúng, lỡ vấp ngã thì nguy, hơn nữa tránh cũng làm tốc độ làm việc chậm lại, năng suất chắc chắn không thể cao. May hôm trước nhà máy bị cháy đống bông chất ngoài trời, chứ mà cháy ở phân xưởng nào đó thì không biết sao nữa.

Phân xưởng nào cũng bẩn, kể cả phân xưởng nhuộm. Người ta nói phân xưởng nhuộm không cho người ngoại quốc vào, nhưng tôi cũng đã vào đó. Bụi thành lớp. Nếu tôi muốn  ĂN CẮP công nghệ nhuộm chả khó gì. Nhưng tôi không làm việc đó.
- Ôi, sao chị vào được phân xưởng nhuộm ?
- Khó gì đâu, tôi giới thiệu tôi tên là Natasa, ở bên phân xưởng sợi con, có việc muốn xin vào, vậy là họ cho tôi vào ! Tôi xem hết rồi lại ra. Có thế thôi !
Tất nhiên tôi không nói nếu tôi muốn ăn cắp công thức pha chế thuốc nhuộm thì bằng cách nào, nhưng tôi dán tiếp cho ông biết  BỤI THÀNH LỚP thì đó chả là công nghệ nhuộm hay sao. Mà tôi cũng chả cho ông biết ngày nào tôi vào đấy , chỉ cho ông biết tôi đã có mặt, thế thôi.

2. Các học sinh đã qua 3 tháng học nghề, còn 6 tháng thực tập tại máy, hưởng lương thực tập, một mức lương tối thiểu. Các cháu rất khó sống, nhất là con gái...Tôi đề nghị các ông cho chúng hưởng lương sản phẩm. Vì 3 tháng học trực tiếp, các cháu đã thạo nghề, hưởng lương sản phẩm các cháu sẽ làm tốt hơn...

3. Tôi đề nghị cho một số cháu chuyển sang học thợ dệt. Các cháu đủ khả năng làm thợ dệt tốt. Ở đó ít thợ dệt LX, nhiều máy tôi thấy chưa có người đứng...Các cháu đứng máy sợi thô lên đứng máy sợi con và một số trường hợp đặc biệt.
- Tôi ngạc nhiên khi chị nắm vững nhà máy, ngành nghề hơn cả tôi và đ/c PTGĐ !
- Ông nói đùa thế, chứ tôi chỉ biết những gì tôi nhìn thấy thôi chứ có nắm vững gì đâu.
- Bây giờ đến lượt tôi, TGĐ XN liên hợp dệt,  trả lời chị :
1. NVL chất khắp nơi trong nhà máy là làm không hết, thiếu công nhân đứng máy. Thế chúng tôi mới nhận con gái VN sang làm việc. Không phải sắp xếp không gọn mà là thiếu chỗ...Bên nhuộm bụi thì tôi sẽ góp ý sau. Tôi biết là nhà máy bẩn, NVL khắp nơi, nhưng hết cách rồi. Chị có cách nào cứ nói.

2 Cho các cháu hưởng lương theo sản phẩm tôi không thể. Vì theo hiệp định đã ký kết thì sau 9 tháng các cháu mới chính thức trở thành công nhân chuyên nghiệp, lúc đó mới được hưởng lương theo sản phẩm. Nếu bây giờ hưởng lương sản phẩm lỡ không hoàn thành các cháu lấy gì sống. Cho nên chị cứ chịu khó chờ 9 tháng các cháu sẽ phải làm theo sản phẩm !

3. Chuyển nghề cho một số cháu !? Tôi ngạc nhiên chị dám đề nghị việc này ! Nó lớn lắm ! Các cháu VN bé nhỏ thế liệu có làm nổi các việc khác như đứng máy dệt...

- Đến lượt tôi trả lời 2 ông: Cả 3 việc đều liên quan đến nhau, nghĩa là chỉ có đúng 1 việc thôi. Qua thời gian học việc các cháu thạo lắm rồi. Chuyển sang làm sản phẩm, các cháu sẽ rất thích vì hiện nay tôi theo dõi, thấy năng suất các cháu cao hơn LX. Vậy cho làm lương sản phẩm, kích thích chúng và tôi bảo đảm 3 tháng sau chỗ NVL chất đống trong các phân xưởng sẽ BAY hết. Nếu không còn NVL thì phân xưởng sẽ sạch thôi. 

Chuyển các cháu làm lên việc phức tạp hơn, chúng khéo tay làm nhanh hơn con gái LX thì tất nhiên NVL cũng hết, nhanh hơn nghĩa là số máy chúng đứng sẽ nhiều lên thì làm gì còn máy thừa và NVL thừa. Chắc chắn sau 3 tháng cũng SẠCH NVL trong các phân xưởng. Đứng máy dệt có gì là khó, tôi cũng đã đứng và dệt được như công nhân dệt LX rồi.

Cho 30 cháu lên thợ dệt. Lương thợ dệt cao, các cháu sẽ phấn đấu học thật nhanh, làm thật tốt, chắc chắn trong phân xưởng dệt sẽ không còn máy bỏ trống thừa.

- Tóm lại. tôi đảm bảo với 2 ông làm theo ý tôi, sau 3 tháng nhà máy sẽ  SẠCH BONG. Lúc đó tôi xin đảm bảo ông TGĐ sẽ phải cắp cặp sang Bulgaria ký mua thêm bông về cho nhà máy !!!
-Á à, chị LTN ghê thật, dám thách thức TGĐ chúng tôi sau 3 tháng cắp cặp sang Bulgaria mua bông cho nhà máy !!!
- Tôi lại chơi với các ông đây ! Hiện nay bên tôi và bên 2 ông là O-O. Nếu các ông thua tôi thì sao ! ?
- Đ/c Đotsenko nói đúng, tôi đồng ý chơi.
- Vậy bây giờ tôi và 2 ông ký cho các cháu chuyển nghề. Ngay ngày mai chuyển luôn.
- Nhanh thế à ?
- Tính chị LTN là đề nghị gì chị ấy yêu cầu làm ngay .
Chúng tôi ký ngầm với nhau cho các cháu chuyển nghề và làm theo sản phẩm, với điều kiện cứ làm, cả 3 người không công bố.
Ông TGĐ yêu cầu :
- Ta cứ lẳng lặng làm, nếu như tốt cho bọn trẻ. Tôi sẽ không nói với ai, đ/c PTGĐ không nói với ai, chị LTN không nói với ai, thế thì chả ai biết. Còn các cháu được hưởng cuộc sống tốt hơn, cả ba ta đều biết và đều mừng cho các cháu.

Chúng tôi hẹn sau 3 tháng , 3 người lại họp nhau tại đây để tổng kết rút kinh nghiệm.

Kết quả sao, tôi phải chịu trách nhiệm gì trong việc mạo hiểm tầy trời này, bài sau tôi sẽ kể tiếp. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mình cứ tự gây khó cho mình, nhưng khi đó tôi chỉ có đúng một động lực : đó là cải thiện cho đời sống các cháu nơi đất khách, quê người.  Xin cám ơn mọi người đã đọc và comments.
Xin kính chào !



 

HỌC NGHỀ.



Nhàn rỗi mãi cũng chán, nên các cháu gợi ý cô viết những  CHUYỆN XƯA cô chưa từng nói với ai cho chúng cháu xem với...Có một số cháu đến thì thầm tự giới thiệu mình trước đây được cô ưu ái...Gợi mọi chuyện cô cháu rủ nhau làm những việc mà bây giờ sau 33 năm mới dám nói ra. Tuổi trẻ nhiều chuyện buồn, vui, khôn, dại sao mà lường được.Tôi chỉ nói với các cháu :
- Cô sẽ nhớ và viết lại mọi chuyện buồn, vui, dại , khôn có thể nhớ được với điều kiện phải đúng ít nhất là 99%, còn 1 % là quên chứ không phải BỊA, vì cô ghét bịa lắm ! Bắt đầu từ chuyện HỌC NGHỀ của tôi. Không biết dại hay khôn, nhưng từ đây cũng đem lại những gì  BẤT LỢI nhất cho cuộc đời CU LI của tôi. Chuyện là thế này :

Mượn bảng thang lương của tất cả các ngành trong nhà máy và danh sách bố trí con gái VN ở những nghề gì. Xem xong tôi quyết định đi tất cả các phân xưởng có người VN làm việc, vì bây giờ đã qua 3 tháng học nghề. Các cháu bắt đầu hưởng lương thực tập nghề : ít nhất là 60 rúp, nhiều hất là 90 rúp. Với số tiền phụ cấp này thì chắc chắn các cháu rất khổ.

Mỗi phân xưởng có người VN tôi dừng lại một thời gian đề học làm việc ấy thật thạo. Phân xưởng nào dễ nhất thì tôi học 1 ngày là thạo, khó thì chỉ 2 ngày không quá. Tôi ngạc nhiên khi thấy công việc chẳng có gì khó khăn mà chỉ cần nhanh tay, khéo tay, tháo vát, liếc mắt, nhanh nhẹn một chút là hoàn thành  ĐỊNH MỨC của công nhân chuyên nghiệp như chơi. Vậy sao phía VN lại ký kết với LX cho các cháu làm những công việc không mấy khó khăn, hơn nữa chẳng cần kỹ thuật cao gì...Lương thì quá thấp. Lương thợ dệt cao nhất 380 rúp/tháng thì tuyệt nhiên không cháu nào được vào ???

Sang phân xưởng dệt, tôi nhờ trưởng ca dạy tôi đứng máy dệt xem sao. Trưởng ca trả lời :
- Nơi này kỹ thuật cao, máy móc phức tạp, sức khỏe phải khỏe mới CHẠY được.
- Tôi sẽ cố làm được. Nhờ chị dạy giúp cho tôi.
- Chị muốn học việc à ? Tôi sẵn sàng dạy, với điều kiện chị bảo lãnh đạo của chị đến đây yêu cầu, chúng tôi sẽ giúp.
- Xin lỗi chị, tôi chưa tiện nói, nhưng do yêu cầu của chị, tôi tự giới thiệu tôi là lãnh đạo của 1 đội 50 thợ VN ở đây.
- Sao chị phải học dệt làm gì cho khổ, lãnh đạo thì có phải trực tiếp đứng máy đâu. Hơn nữa tôi trông thấy chị yếu, gầy lắm, không đủ sức đâu.
- Xin chị cố giúp, tôi thích học việc và sẽ cố hết sức, chỉ cần chị giúp tôi chỉ bảo tận tâm.
- Được thôi, tôi giúp chị.
Sau 2 ngày tôi đứng thành thạo máy dệt, đồng thời thuộc mọi kỷ luật của thợ dệt chuyên nghiệp.

Sau khi học được tất cả các nghề trong nhà máy dệt.  Nghĩa là từ BÔNG đến thành phẩm - VẢI, tôi xin gặp TGĐ xí nghiệp liên hợp dệt Sakhty. TGĐ chấp thuận và hẹn ngày gặp tôi đế làm việc. Tôi chỉ đề nghị cho tôi gặp riêng ông, PTGĐ và tôi, không có bất kỳ người VN nào, với lý do là trao đổi mà nhiều người không hiểu nghề, tiếng nên tham dự sẽ mất thời gian. TGĐ và PTGĐ chấp thuận.Thật lòng tôi không muốn động chạm đến các đội trưởng khác, vì họ không như tôi. Bài sau tôi sẽ kể chuyện cuộc họp tay 3. Bài này đã dài rồi ! Xin cám ơn các quí vị đã đọc và comments. 
Xin kính chào !

DẠO QUANH NHÀ MÁY DỆT .



Ở VN đi nhiều nhà máy công nghiệp nặng, nhưng chưa bao giờ đi nhà máy dệt, nên tôi phải đi hết nhà máy dệt xem họ bố trí ra sao kể cả nơi làm việc của các phân xưởng và các nơi sắp xếp nguyên vật liệu, thành phẩm...

Bước vào phòng điều độ SX tôi không ngồi vào bàn làm việc mà tôi chào và hỏi mượn ngay bản đồ nhà máy. Một chị trả lời :
- Thì chị cứ ngồi vào chỗ làm việc nghỉ chút đã, rồi hỏi gì thì hỏi sau.
- Thôi, chị nào giữ cho tôi mượn đi, tranh thủ chạy 1 vòng ( обход ) rồi trưa nghỉ luôn một thể.
- Chị đúng là con người của công việc. Chúng tôi ai đến đây cũng ngồi nghỉ 1 lúc hồi sức rồi mới làm việc. 
- Tôi quen làm việc xong nghỉ luôn một thể, chứ ngồi xuống nghỉ, đứng dậy làm việc ngại lắm !
Họ còn tán thêm mỗi người vài, ba câu nữa mới chịu cho tôi mượn bản đồ nhà máy. Xem xong, ghi lại các nơi bố trí các phân xưởng, tôi định đi thì 1 chị vội nói :
- Phân xưởng nhuộm là không đi được đâu nhé !
- Vì sao không đi được ?
- Bí mật quốc gia. Tất cả người ngoại quốc không được vào đấy.
- Tôi hiểu rồi, cám ơn ! Tôi xin phép đi chứ đứng đây chắc đến trưa không đi hết các phân xưởng...

Tôi chỉ đi các phân xưởng có các cháu VN đang học, còn nơi nào không có thì tôi không vào. Nhưng vì mấy câu dặn dò của các chị làm tôi tò mò và nghĩ cách vào phân xưởng nhuộm xem có gì mà bí mật quốc gia. Nhưng hôm nay chắc chắn không đủ thời gian đi.

Vào những nơi các cháu VN đang học, chưa có cháu nào làm việc vì còn phải học 3 tháng mới đứng máy. Vào bất kỳ phân xưởng nào cô giáo dạy nghề cũng hỏi :
- Vì sao chị phải vào đây xem? Có cần gì đặc biệt không ?
- Chả có gì đặc biệt. Đó là thói quen của tôi thích tò mò xem các cháu học tập thế nào, hơn nữa biết đâu tôi cũng học được việc thì sao !
- Chị cứ tự làm khổ mình. Lâu nay có chị lãnh đạo nào vào thăm xem các em học thế nào đâu. Chị thấy chúng tôi dạy các em thế nào ?
Ở tất cả các phân xưởng tôi đều nhận được những câu nói, hỏi tương tự nhau.
Dạo qua 1 vòng thì vừa đến 14 h . Tôi gõ cửa liều vào văn phòng phó tổng giám đốc. Không ngờ ông ta vẫn ngồi làm cố việc gì đó. 
- Chào ông ! Xin lỗi tôi vào đúng giờ nghỉ của ông. Nếu ông đi ăn trưa ta cùng đi, tôi trao đổi 1 chút thôi.
- Chị cứ nói ở đây, tôi chưa nghỉ, làm cố mấy việc, chiều tôi đi Moskva họp gấp về việc bố trí cho các em VN sắp học xong ra làm việc.
- Thế thì hay quá, nếu không gặp ông bây giờ thì lại phải chờ đến khi nào ông về mới trao đổi được.
- Có gì gấp không ?
- Không có gì gấp, nhưng tôi chỉ muốn lưu ý các ông là các cháu không biết tiếng mà giảng bài chán chê mới cho các cháu xem bản vẽ...Như người VN chúng tôi nói là VỊT NGHE SẤM.
Ông phó TGĐ cười phá lên và nói lần đầu tiên được nghe câu châm ngôn của VN.
Tôi góp ý cụ thể nên làm sao cho các cháu hiểu được tại máy ( cầm tay chỉ việc ) chứ giảng thế này mất thì giờ mà hoàn toàn không mang lại kết quả gì. Ông PTGĐ đồng ý ngay và nói sẽ sửa chữa ngay trong ngày mai. Tôi nói chiều nay ông đi Moskva còn làm sao sửa được. Ông nói:
- Chiều nay trước khi đi tôi sẽ họp tất cả các giáo viên dạy nghề, yêu cầu họ sửa chữa ngay rồi tôi mới đi. 
Tôi mừng là ông này biết tiếp thu ý kiến của người khác. Tôi đáp ngay :
- Cám ơn ông đã nghe ý kiến của tôi và đặc biệt chấp nhận theo ý tôi. May ra các em VN sẽ dễ hiểu hơn và mau chóng tiếp thu được nghề.
- Cũng may phía VN đã gửi chị cho chúng tôi. Thật là một người tuyệt vời ! Chị biết cách làm việc. Còn chúng tôi chưa có kinh nghiệm dạy nghề cho người nước ngoài.
- Cám ơn ông quá khen. Chỉ là tôi biết các em không biết tiếng nên nói lý thuyết thì không thể hiểu nổi mà mất rất nhiều thời gian...Cứ cho chúng nó đến máy, chỉ các bộ phận, dạy chúng tên gọi từng bộ phận và cách thao tác là xong. Bọn VN thông minh và nhanh nhẹn lắm. Nói chúng hiểu và làm được ngay. Ông không biết chứ con gái VN chúng tôi khéo tay lắm. Tôi bảo đảm với ông chỉ không đầy 1 tuần là chúng làm việc được.
- Quả thật chị giỏi ! Tôi không ngờ lại có 1 trợ thủ ( помощник ) tốt như thế này !

 Thế là đề nghị của tôi ngay ngày hôm sau các cháu được đưa ra các phân xưởng xem người LX làm việc.

Một số cháu ngạc nhiên vì tự dưng không phải ngồi nghe những gì người ta nói...Tuy vào các phân xưởng xem làm việc thì mệt, nhưng thú vị hơn là ngồi. Các cháu được chỉ từng chi tiết của máy, cách sử dụng và tên nó là gì.

Đúng không đầy 1 tuần sau các trưởng ca báo cáo với PTGĐ về khả năng của con gái VN. Họ khen chúng khéo tay, nhanh nhẹn, tháo vát hơn họ...

Sau 3 tháng con gái VN đã làm chả kém gì thợ chuyên nghiệp, lâu năm của nhà máy. Một số cháu còn được khen làm nhanh, tốt hơn người LX.

Tôi mừng cho các cháu và lại nghĩ ra cách khác giúp cho các cháu nơi đất khách, quê người .

Bài dài, hẹn viết tiếp sau, mong rằng các thợ dệt đọc được sẽ thông cảm cho tôi, một đội trưởng hay bầy nhiều trò cho mọi người ở nhà máy. Đừng trách sao bây giờ tôi mới nói ra. Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và comments.
Xin kính chào !

 
 

Một hiện tượng đặc biệt tại Việt Nam

Các bạn hãy xem mấy video clip dưới đây: Tin thì tin, không tin thì cũng chẳng sao:


Thầy Võ Hoàng Yên có kỹ năng điều trị câm, điếc, bại liệt rất tài tình.

1. Trường hợp cháu trai này câm, điếc từ nhỏ vậy mà sau khi chữa đã nghe được, nói thì còn khó khăn, phải tập thêm:

https://www.facebook.com/tuan.giang.73/videos/626534764156006/?pnref=story

2. Trường hợp cháu bé 8 tuổi bị tật ở chân, 1 chân ngắn hơn chân kia 5 cm, thầy chữa một lát kéo được 2 chân bằng nhau. Cháu bé này sống ở Boston Mỹ, sau khi đi nhiều bệnh viện bên Mỹ chưa mang lại kết quả thì Thầy đã chữa được chỉ trong vài phút đồng hồ:

https://www.facebook.com/phanvuca/videos/566468820166615/?pnref=story

3. Một số trường hợp cam, điếc, bại liệt vì nhiều lí do mà Thầy Võ Hoàng Yên đã chữa thành công. Tỉnh Hà Tĩnh và một số Hội Đông Y tại Việt Nam đã công nhận khả năng điều trị của thầy:

https://www.facebook.com/phanvuca/videos/566468820166615/?pnref=story 

4. Thầy Võ Hoàng Yên điều trị tại Milpitas, California:

http://www.kenhhay.vn/videos/oGjo6DvSgo0/Thay-Vo-Hoang-Yen-tri-benh-tai-Milpitas-California-phan-5.html





THỬ THÁCH.




Tám giờ sáng xuống tầng 1 KTX thợ dệt nhà số 31. Vừa xuống đến nơi thấy bà thường trực bảo ông phó tổng giám đốc gọi điện nhắn chị đúng 9 giờ gặp tại văn phòng ông.
- Ai cơ ? Ông ДОЦЕНКО ( Đotsenko ) hả bà ?
- Còn ai nữa, chính ông ấy gọi, tôi nghe điện mà.
- Cám ơn bà ! Nhưng tôi chưa biết văn phòng ông ở đâu. Thôi được tôi sẽ đến nhà máy tìm ông ấy.
- Để tôi gọi lại hỏi hộ chị.
- Thôi, tôi sẽ tự đến nhà máy tìm ông, cám ơn bà ! 
- Gọi điện hỏi dễ hơn, tội gì chị phải đến nhà máy hỏi.
- Tôi không quen dùng điện thoại, vì ở VN tôi thường không dùng.
- Tùy chị, thế thì đi đi cho kịp. Ông này đúng giờ lắm đấy.
- Cám ơn bà, tôi đi !

Vội đến nhà máy cho kịp giờ hẹn, vừa đi vừa nghĩ :" Ông này định thử mình chứ gì ! Mà tìm ông ta ở đâu trong nhà máy dệt to lớn , mình chân ưởt, chân ráo, hôm nay mới là ngày thứ 3 đến đây!
Được, ta cứ thử vào phòng điều độ sản xuất hỏi, đằng nào mình cũng phải đến nhà máy để tìm ông ta. chắc chắn họ biết rõ !" Rảo bước đi cho kịp giờ, đến cổng nhà máy tôi hỏi ngay phòng điều độ SX . Vừa vào phòng mọi người đã chào và hỏi tôi có đúng là LTN kg. Trả lời xong họ bảo ông phó TGĐ vừa ở đây, yêu cầu phòng bố trí chỗ ngồi làm việc cho tôi và nhắn lại ông đợi tôi ở phòng làm việc của ông.
Gõ cửa phòng phó TGĐ, được mời vào. Vừa bước vào cửa tôi chào, ông đáp lai:
- Chào chị LTN, chị đúng giờ nhỉ. Còn 5 phút nữa mới đúng 9h.
- Tôi quen làm việc đúng giờ và tất nhiên tôi chưa bao giờ muộn giờ khi tôi còn ở VN. Nguyên tắc của tôi là không được để ai đợi mình, còn mình phải đợi người khác là chuyện bình thường.

Qua mấy câu hỏi xã giao ông hỏi về gia đình, con cái và sức khỏe, ông vào việc.
- Chị được bố trí làm lãnh đạo 1 đội, nghĩa là 50 người, nhưng qua tiếp xúc với chị mấy ngày, tôi thấy chị nghe, hiểu tiếng Nga giỏi như người Nga. Nên tôi muốn gặp riêng chị để yêu cầu chị giúp thêm cho chúng tôi trong công việc. Vừa qua không ai nghe được, có thể do tiếng Nga các chị ấy chưa có thực tế, mà cũng có khi tôi nói tiếng Nga cũng không hoàn toàn chuẩn như người Nga nên hơi khó nghe.
- Vâng, tôi sẵn sàng giúp ông, tôi nói, nghe tiếng Nga cũng chỉ được độ 60-70 % thôi.  Giúp ông cũng là giúp người VN chúng tôi nơi đây. Hình như tôi không lầm, ông là người UKRAINA thì phải .
- Chị đoán giỏi thật ! Tôi chính là người Ukraina, nhưng tôi cũng chỉ nói tiếng Nga chứ không nói tiếng Ukraina. Sao chị lại đoán được tôi là người Ukraina nhỉ ?
- Ông Đotsenko kính mến, chẳng khó gì, mà tôi cũng không quan tâm ông nói tiếng Nga ra sao, có điều họ của ông chính là họ UKRAINA nên tôi nói ngay. Có thế thôi !
- Ra chị cũng KHÔN thật đấy. Người ta nghe tôi nói cũng bảo tôi có giọng Ukraina và cũng có khi lơ lớ giọng Ukraina. Xem ra chị nói giống thổ dân Moskva, kể cả từ CHÀO của chị.
- Ôi, ông quá khen, tôi làm sao giống THỔ DÂN Moskva được ! Có điều khi học và ở cùng những người Moskva, tôi cố hạ giọng như họ, hơn nữa cô giáo chủ nhiệm chúng tôi luyện cho chúng tôi nói khiếp lắm, Cô uốn nắn chúng tôi từng âm. Còn giọng thì phải chính xác giọng Nga, bỏ hẳn giọng Việt lơ lớ, ngang ngang. Hơn nữa tôi được 1 người bảo mẫu tuyệt vời, mỗi năm chị ấy đưa cho tôi khoảng 3 quyển vở thơ chị sưu tầm được và luyện cho tôi đọc từng âm, từng chữ, từng ngữ cảnh... Tôi ơn họ lắm. Nhưng 20 năm rồi tôi chưa được gặp lại họ...
- Thế thì tôi với chị phải chơi tiếng Nga xem ai thắng ai mới được. Chị đồng ý không? Bắt đầu từ giờ nhé. Bây giờ tôi với chị là 0-0.
- Ông đã muốn, tôi nào dám chống đối. 
- Chị nói khôn thật. Tôi đọc qua lý lịch VN gửi cho tôi, chị tốt nghiệp đại học không phải ở LX mà là ở VN. Đúng không ? 
- Đúng thế, tôi học đại học ở VN và cũng tốt nghiệp ĐH ở VN.
- Chị có 2 bằng ĐH phải không ? Một bằng tốt nghiệp xuất sắc, đúng không ?
- Đúng 100% !
- Chị có mang theo 2 bằng không ? Tôi chưa thấy bằng ĐH VN bao giờ.
À ra ông này khôn thật, định kiểm tra mình đây ! Ông ta định kiểm tra xem mình hay bên VN mình có khai gian không. Tôi trả lời ngay :
- Tôi có mang theo, nếu ông muốn, tôi sẵn sàng !
Tôi đưa ông ta xem. Ông ta đọc 3 từ : ĐỖ XUẤT SẮC màu đỏ trên tấm bằng cử nhân ngoại ngữ của tôi, liền hỏi:
- Tôi không biết chữ VN. 3 chữ này nghĩa là gì và tại sao viết chữ ĐỎ.
- Thưa ông phó TGĐ kính mến, trường này chưa có bằng đỏ, nên các bằng giống nhau chỉ khác 3 từ viết đỗ trung bình, đỗ loại khá và đỏ là đỗ xuất sắc thôi ạ.
- Thế ra phía VN gửi cho chúng tôi những người lãnh đạo không tồi ! Chị dạy đại học à?
- Vâng.
- Cám ơn chị. Hôm nay tạm làm quen nhau và tạm dừng ở đây. Chị về phòng làm việc của chị đi. Tôi đã nói họ bố chí chỗ ngồi cho chị rồi đấy.
- Cám ơn ông, nhưng chắc là tôi ít dùng đến chỗ ngồi...Tôi quen đi lang thang.
- Xin lỗi, chị nói chỗ ngồi, chỗ làm việc của chị. Vậy là chị đã thắng tôi 1-0 rồi đấy. Tôi quen hay dùng chỗ ngồi cho công nhân dễ hiểu, còn chị lại dùng chỗ làm việc.
- Chào ông ! Khi nào cần, ông cứ gọi, tôi luôn luôn sẵn sàng !
- Cám ơn chị. Lại nói như người Nga :" Luôn luôn sẵn sàng !"
Các vị thấy không, ông phó TGĐ này khá khôn đấy. Nhưng tôi đoán được ý ông ta chẳng khó khăn gì. Thời ấy người ta thường nói với nhau: - người do thái khôn hơn người Nga, nên 3 thằng Nga mới bằng 1 thằng do thái. Nhưng 3 thằng do thái mới bằng 1 thằng VN đấy nhé. Bọn con trai xây dựng hay nói với bọn con gái dệt thế mà. Không hiểu ai còn nhớ những câu này nhỉ ? Đùa tí thôi, VN mình nhiều TRÒ lắm! Viết sau vậy, bài dài quá rồi, các bạn ạ. Xin cám ơn các bạn đã đọc và comments.
Xin kính chào !
     

NHỚ LAI NĂM 1981.







Tôi thường không quản ngại đi bất ký đâu, dù rừng núi hay hải đảo. Nhưng vì là phụ nữ nên muốn đi đâu trên cũng phải xét rất lâu. Lần này không phải trên xét lâu, mà chính tôi phải suy nghĩ rất lâu. Từ khi được biết bộ Lao động thương binh và xã hội đưa thanh niên đi học tập lao động ở LX đến khi quyết định chính thức đồng ý đi, tôi phải suy nghĩ đến 6 tháng.


Thấy người của cục hợp tác quốc tế  bộ Lao động đến gặp và hỏi nếu họ yêu cầu tôi, thì tôi có dám bỏ đại học mà đi không. Chủ yếu họ nói đưa các cháu học xong lớp 10 sang học nghề để về VN xây dựng 1 tầng lớp công nhân mới XHCN cho VN. Hơn nữa cũng góp 1 phần trả nợ cho viện trợ của LX trong thời gian chiến tranh. Thời hạn là 5 năm cho con gái và 6 năm cho con trai. Những cháu này có thể sẽ là lãnh đạo chủ chốt trong các nhà máy của ta...

Suy nghĩ 6 tháng liền, nghĩa là từ lúc bộ LĐ cử người đi ký đến khi tổ chức đi cũng khá dài. Khi tôi đồng ý đi thì đã có một vài đoàn ( khoảng 300 người ) các cháu thanh niên nam, nữ đi trước  1, 2 tháng.
Làm xong mọi thủ tục, giấy tờ ra đi cũng mất hơn 1 tháng. Cầm giấy điều động chuyển công tác trong tay, tôi lặng lẽ lên sân bay, không dám chào họ hàng gần xa , nước mắt lưng tròng lên ô tô.

Bước chân lên cầu thang máy bay, tôi không dám quay đầu lại, cúi mặt xách túi du lịch chui vào máy bay. Các cháu đi trước còn dựa theo bài hát " Đoàn giải phóng quân ...:
Mười chín tháng năm một lần ra đi,
Nào có mong chi đâu ngày trở về,
Ra đi, ra đi nhất bộ anh Tố ( lúc ấy mỗi người được anh thủ kho tên là Tố phát cho 1 bộ quần áo mới và 1 túi du lịch )
Ra đi, ra đi nào có chi đâu.
Thầy , u khóc lóc ngồi nhà buồn rầu,
Người yêu ra tiễn ngậm ngùi, sụt sùi...
Nghe bài này tôi mới thấy khổ cho các cháu và mình cũng chả hơn. Một bộ của nhà mang theo  1 bộ được phát cho vào túi du lịch đồng mầu lôi thôi, lếch thếch lên máy bay. Tôi không biết có bao nhiêu người, đi những đâu trên đát nước Xô viết. Chỉ biết cả đội trưởng và phiên dịch nam nữ hôm ấy khoảng dưới 10 người. Hỏi nhau mới biết cùng đến Rostov na Đonu. Lên máy bay 1 lúc thì say : người nôn mửa, người lả ra như sắp chết... Chả ai nói với ai lời nào.

Đón tại sân bay Moskva là phó tổng giám đốc xí nghiệp dệt Sakhty. Ông đưa mọi người chuyển sang máy bay khác, bay tiếp đến Rostov na Đonu rồi đi ô tô về ký túc xá của xí nghiệp.

Ngay hôm sau chúng tôi được ông Tổng giám đốc tiếp và giao nhiệm vụ. Khi ở nhà nghe nói đội trưởng ( trong hiệp định gọi là Руководитель ) nghĩa là người lãnh đạo toàn người học ở LX về, có thực tế, quen việc lãnh đạo công nhân, giỏi tiếng mà mình HỐT. Bụng bảo dạ :" Mình đi thế này  là quá dại rồi. Thảo nào tất cả những người trên mình phản đối mà mình bướng không nghe ". Nhưng đã chót nhúng chàm rồi, đành chịu thôi. Ông tổng giám đốc nói một lúc về đủ mọi việc, về các em phải học tiếng, học chuyên môn, giờ học , giờ nghỉ...Đều phải nhờ vào những người đang ngồi đây. Nghe xong thấy công việc nặng như cả một quả núi. Tôi than phiền với mấy người cùng họp. Thấy họ chỉ cười và lắc đầu. Tưởng họ cũng như mình thấy khó khăn quá nên cười nhạt và lắc đầu. Tôi nói :" Trời ơi, đang tự dưng đi mang nợ vào thân thế này. Không biết nặng nề thế này thì có đủ khả năng làm việc hay đành xách túi du lịch quay về "! Lúc đó họ mới nhom nhom hỏi:
- Sao lại nặng, sao phải quay về ?...
- Ông ấy có nói gì đâu mà nản lòng thế ?...
Khổ thân tôi, bây giờ mới hiểu tất cả họ chỉ như vịt nghe sấm, họ chả hiểu gì nên cười và lắc đầu. Một cháu gọi là phiên dịch mạnh bạo hỏi tôi :
- Cô ơi, ông ấy nói gì đấy ? Cháu chả nghe được từ nào ! Cô nói cho cháu nghe đi !
Lúc ấy tôi mới hiểu trừ tôi còn chả ai hiểu gì. Thế là mình phải tường thuật lại cuộc họp. Cũng từ lúc ấy cả nhà máy đè lên lưng mình. Chả biết trên tuyển sao ? Cuối cùng đi đâu họ cũng kéo mình đi...

Những ngày lao động khổ sai. Đúng với nghĩa lao động khổ sai, Vì thượng vàng, hạ cám mỗi mình mình hiểu họ. Có cô cẩn thận còn viết từng từ rồi TRA TỰ ĐIỂN. Tra mãi không được, hỏi tôi, tôi đành thú thật :
- Đời tôi chưa bao giờ học tiếng Nga qua tự điển, nên tôi cũng không tra tự điển. Học trực tiếp, không hiểu nhờ họ giảng cho bằng các từ khác sẽ hiểu...

Một tuần trôi qua, làm việc không biết ngày, đêm. Không biết ăn vào lúc nào... Cả ngày đói, tối về đặt lưng nghỉ thì nơi này gọi, nơi kia kêu...Nhớ con , nước mắt lúc nào cũng chảy, nhưng vẫn làm việc. Chị y sĩ thương mình đề nghị với phó tổng giám đốc cho mình nghỉ ngơi chút ít thì ông ta trả lời :
- Tôi không thể khác được, mấy trăm con người chỉ mình chị ấy hiểu...
- Nhưng chị ấy chỉ là lãnh đạo có 50 người thôi.
- Chị không có tinh thần XHCN, lúc cần thế này mà chia 50 người, vậy còn các cô gái khác thì bỏ à ?
Chị y sĩ đành nói với tôi:
- Tôi lo chị chịu không nổi, chắc chết mất !
- Liđa, cám ơn chị quan tâm thương tôi, nhưng tôi đành phải HIẾN THÂN thôi.
Mấy tháng như vậy, rồi cánh phiên dịch cũng dần dần nghe được, đội trưởng cũng gật gù khi họ cầm tay chỉ việc. Trưởng vùng thì chỉ CƯỜI và đi đâu cũng:
- Natasa, mày giúp tao với...
Thế là lại chạy như đèn cù hết ngày này qua tháng khác giải quyết không biết bao nhiêu khó khăn...
Qua một ngày là mừng một ngày.

Đầu tiên là thế. Hai năm liền tôi sẽ kể để các vị nghe những gì xẩy ra khi tôi làm việc ở Sakhty.Tạm dừng ở đây để viết nhiều chuyện thú vị sau. Xin cám ơn quí vị đã đọc và comments.
Xĩn kính chào !

 

GẶP MẶT NHÓM РОСТОВ-НA-ДОНУ .( Nhóm này nằm trong các nhóm của НОСТАЛЬГИЯ ПО СССР.)



Nhờ có tham gia hội Hoài niệm LX tôi mới có ngày gặp mặt nhóm Ростов-на-Дону mà nói riêng là nhóm  Шахты. Đã 33 năm tôi mới lại được nhìn thấy các cháu  THỢ DỆT đầu tiên của tôi. Đây là những người thợ dệt đầu tiên mà VN gửi đi để học dệt và về xây dựng các nhà máy dệt ở VN. Tham vọng là thế, nên sau khi được người ta VỜI mãi tôi mới bỏ trường đại học để đi đào tạo họ cho Tổ quốc có nền công nghiệp non trẻ (1981). Tham vọng thế, nhưng hiện hỏi còn bao nhiêu cháu làm nghế này ??? Thật buồn !

Tôi đã đăng ký đi dự họp mặt khối lớp 3 QL, nhưng suy đi, tính lại thấy các cháu nhiệt tình mời, hơn nữa đã 33 năm không gặp nên tôi đành lỗi hẹn lần đầu tiên với lớp 3 (vì vừa gặp mặt tháng 8/2015 ) và đã có lời xin lỗi.

Nhóm này với tôi thân thiết như người nhà nên tôi cũng mong được gặp các cháu. Khi gặp thì tôi thấy rất may được các cháu ưu ái mời và tôi quyết định gặp các cháu là đúng.

Thật lòng 33 năm mới có 1 ngày họp mặt vui đến thế. Rời Tổ Quốc ra đi - xa nhà, xa Nước các cháu là những thanh niên hoặc hơn, hoặc bằng, hoặc kém tuổi con mình nên chúng đều gọi bằng từ CÔ. Rời ghế nhà trường, lần đầu tiên xa cha, mẹ nơi đất khách, quê người chúng chỉ có mình (đội trưởng) là người thân, người giúp đỡ chúng, nhiều cháu thật sự coi mình là cô chúng. Tình cảm ấy vẫn giữ cho đến ngày nay...

Trông thấy tôi, các cháu đều gọi tên ngay, không hề quên mặt mình. Còn ngược lại tôi hầu như không nhớ được ai. Cháu nào cũng hỏi :
- Cô ơi, cô có nhớ con không ?
- Cô ơi cô có nhớ cháu không ?
 Tôi đành thú thật:
- Cô nhớ tất cả các cháu, nhưng từng cháu thì cô không thể nhớ. Công việc thì quá nhiều, quá nặng, làm cả ngày cả đêm không hết, mà các cháu mấy trăm đứa cô không thể nhớ... Cô xin lỗi sẽ ôn lại sau, bây giờ vui chung đã.
Sau cả tiếng có 1 cháu đến bên tôi nói :
- Cô ơi, cháu là Liên, cháu là người cô cho về nước đầu tiên.
- Ôi, cô không thể ngờ hôm nay gặp cháu, một niềm  vui to lớn với cô, vui thật sự vì không thể ngờ cô còn gặp được cháu.
- Cháu cũng thế ! Gặp cô cháu mừng vô kể !
- Biết không Liên, khi tiễn cháu lên tầu về Moskva để cháu về nước, cô đã khóc suốt đường về...Thương cháu mới có 18 mà đã mắc trọng bệnh, chả biết còn sống được bao lâu. Thôi nói sau nhé, bây giờ gặp gỡ chung đã.

Nhiều cháu đến nhắc chuyện nọ, chuyện kia, từ chuyện trốn việc, mấy cô cháu rủ nhau vào rừng chặt cành mận về ngâm cho ra hoa ngày tết, trốn đi Moskva không có vida, vào rừng mận ăn cắp mận mang về...Rồi gió bão tuyết đến thổi bay người tưởng vùi xuống núi tuyết không về được... Nhắc lại các cháu vui như tết. Tôi hẹn các cháu bây giờ vui hết mình, nay mai cô sẽ dần dần viết lại những ngày ở Шахты sau. Nhiều chuyện cứ như tiếu lâm mà có thật.

Thế là tạm gác hết, vào bữa trưa chạm cốc, liên hoan, sau đó bắt đầu nhảy đến cuối buổi gặp mặt. Còn lúc đầu thì đã đủ lời phát biểu, biểu diễn văn nghệ, hát hò kể cả trong lúc ăn rồi.

Tôi cám ơn ban liên lạc của các cháu, cám ơn tất cả những người tham dự mới có ngày nay vui thế này và không quên cô TN - Natasa tuy trước đây các cháu sợ lắm, mà cũng có khi ÁC lắm, ghét cô lắm, nhưng chưa bao giờ cô báo công an bắt đứa nào không vida đi Moskva hay các nơi khác, mà cũng chẳng bao giờ báo công an bắt mấy anh ở Артём, Батайск trèo tường lên tầng 2 đâu nhé. Cô chỉ dọa cho các cháu sợ chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ bắt đứa nào đâu...
 Cả bọn vui như tết khi nhắc sơ các chuyện cũ.

Đến tiết mục nhẩy thì cô cũng không ngờ các cháu mà các cháu cũng không ngờ còn nhẩy được như vậy. Vui lắm ! 33 năm mới có 1 ngày vui như vậy.
Cám ơn các cháu đã cho cô trở lại 33 năm về trước mà lại trong không khí của mùa thu mát mẻ ở  QUÁN GIÓ hồ Bẩy mẫu là nơi nhiều lần họp mặt , nhưng chưa bao giờ có ngày vui như thế. Cám ơn tất cả các cháu nhóm Ростов-на-Дону, Шахты đã nhớ tới cô và vẫn còn yêu quí cô. Đặc biệt cám ơn cháu Phí Kiều Vân đã tìm được cô và đưa cô trở lại với các cháu. Cô sẽ dần dần viết lại những kỷ niệm vui, buồn của Sakhty ngày nào.
Cám ơn ai đã đọc bài viết linh tinh này và đặc biệt cám ơn vị nào comments vào đây.
Xin kính chào !



NGÀY 10/10/2015 KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG THVN MOSKVA TẠI LÂU ĐÀI DA VINCI CỦA EM NGUYỄN XUÂN THẮNG.


Nguyễn Xuân Thắng và Trần Tiến Đức 


Em Thắng mà chúng ta thường gọi lúc bé là  THẮNG CON , số 102 của chúng ta, nay là Nguyễn Xuân Thắng tổng thư ký liên hiệp  UNESCO  thế giới ( WFUCA ),  Chủ tịch liên hiệp các Hội  UNESCO VN ( VFUA ), Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay. Nhưng đến lâu đài trăm tỷ của em, các anh, chị đều chỉ gọi em là Thắng hay Thắng con như hồi nào. Vẫn cái không khí gia đình Internat ngày xưa chứ không phải là Thắng ngày nay. Em vẫn rất vui, ưu ái các anh, chị như em Thắng vốn có. Chính vì thế mà hôm 10/10/2015 mưa to, gió lớn, trời bắt đầu trở lạnh mà các anh, chị hầu hết đã bước qua tuổi  XƯA NAY HIẾM vẫn rất nhiệt tình đến lâu đài của em để dự ngày thành lập trường.

Nghe Phạm Phu nói lúc đầu có 42 người đăng ký đi. Nhưng do thời tiết thay đổi đột ngột, nhiều bạn bị SỔ MŨI đành bỏ cuộc. Trước khi đến nơi anh Phạm Phu báo cáo với em Thắng là các anh, các chị chỉ có 32 người, kể cả chị phụ trách Thái Hồng Hảo, còn chị Hoài không liên lạc được. Báo để em biết mà bớt thức ăn đi. Thế mà khi xong  TIỆC vẫn còn lại đến 2/3 thức ăn.

Xong mọi thủ tục các bạn mỗi người phát biểu mấy câu ngoại giao, em Thắng đáp lễ, các anh , các chị được em Thắng chiêu đãi bữa TIỆC tinh thần cực kỳ NGÀY XƯA. Các bài hát đưa các anh, các chị trở về gần 60 năm trước đây. Xong tiệc TINH THẦN vui đến tiệc BỤNG. Xuống nhà ăn mới thấy bầy  ĐẦY  một bàn những món QUEN và LẠ. Quen là xalat Nga do tự tay em Thắng làm (ngon tuyệt nhé) . Còn lại là những món tôi không biết tên nên các bạn hỏi TN :
- Này , món gì đây TN ?
- Trời biết (Бог знает ! ).
- Thế mà cũng gọi là người HN, VN.
- Thì TN là người RỪNG vậy !
- Hết ý ! Khôn thế, khỏi trả lời để còn ĂN.
- Trả lời các bạn hết thì TN đói à ? Các bạn chén hết còn gì !
- Ừ TN ở lại mà chén hết đi nhé !
-Tất nhiên rồi !!!

Mọi người cạn chén vang Pháp, rượu TÂY mạnh gì đó mà tôi cũng lại không biết tên, nhưng biết nó vô cũng giá trị và vô cùng đắt. Cánh các chị không ai động tới.
Chén no, rượu say một số túm tụm quanh Trần Tiến Đức nghe đủ chuyện thời sự. Vừa nghe vừa ăn cốm làng vòng + chuối tiêu trứng cuốc do 2 anh chị Ngô Quốc Bưu mang tới.
Quên, quên, còn món calo, bánh mì đen, cá đặc biệt do bạn nào mang tới mà tôi quên rồi ( xin lỗi chủ nhân ), vì tôi không ăn nên không nhớ chủ nhân mà.  Mấy thứ này thì trên bàn tiệc trắng tinh, hết vèo ngay từ giờ phút đầu.
Tất cả các món của em Thắng chiêu đãi đều là đặc sản cả. Mọi Người bảo nhau :" Ăn đi, ngon lắm ! ".

Sau khi ăn quay trở lại phòng khách chuyện trò, tán PHÉT với nhau thêm một lúc , 13 giờ rủ nhau về kẻo trời mưa to, tối chủ nhân phải điều khiển thu dọn chiến trường kẻo RÉT rồi.

Lên xe sợ còn bỏ quên anh, chị nào tại nhà em Thắng, anh Phạm Phu đếm lại chỉ còn có 29 người. TN đếm đi, đếm lại thấy cũng chỉ có thế. Điểm người của từng lớp, không thiếu ai. Vậy là trước khi đến anh Phạm Phu đã báo em Thắng 32 quá 3 người. Chắc anh định báo thêm sợ ĐÓI đấy mà.
Trong bữa ăn anh PP trách em Thắng :
- Sao em làm nhiều thế, ăn sao hết được.
Thắng chưa kịp nói thì TN đáp hộ:
- Em Thắng sợ các anh, các chị ĐÓI đấy mà.
- Hì, chị TN bao giờ cũng hay pha trò.
- Thì chị vẫn như thế từ XƯA rồi, em ạ.

Mọi người kéo nhau ra về. Em Thắng đầu HÓI trần tiễn các anh, chị lên ô tô, hẹn gặp lại các anh, các chị cùng lên hay bất kỳ anh chị nào đem gia đình, bạn bè lên chơi cũng sẵn sàng đón tiếp. Chỗ ăn, chỗ ngủ không lo !

Ô tô chuyển bánh, em Thắng vẫn đầu trần đứng vẫy tay cho đến khi khuất.

Thật cảm động với gia đình Internat Moskva đã 61 năm qua không thay đổi, mặc dù đã 22 bạn về sum họp cùng tổ tiên. Mong rằng sang năm số người còn lại vẫn nguyên vẹn như ngày nay.
Xin có lời với các bạn trường ta, tôi viết để các bạn biết thôi, viết linh tinh, không đầu, không đuôi, 
lộn xộn và ảnh thì méo mó, có hơn không. Nhiều bạn viết hay chụp đẹp hơn tôi , vì thế tôi không dám đăng ngay và không dám ngo ngoe. Xin cám ơn ai đã đọc và comments.
Xin kính chào !




 

FLAMINGO RESORT !




Mấy lần ban liên lạc K5 Quế Lâm- Lư Sơn do Nguyễn Kim Nữ Hiếu  CẦM ĐẦU suy đi, tính lại đủ mọi điều mới thực hiện được. Trước tiên tôi phải cám ơn các bạn đã, sau mới nói sơ sơ về nơi đây : Một trong 10 resort đẹp nhất thế giới. 

Đẹp nhất thế giới ở chỗ nào nhỉ ? Chắc là ở chỗ  ngôi nhà toàn bằng tre, nứa , lá không 1 li, một lai sắt, chỉ có một không 2 trên trái đất này ! Còn quang cảnh nơi đây ư ? Đúng với nghĩa : XANH, SẠCH, ĐẸP. Đặc biệt rừng thông bạt ngàn, làm cho không khí nhẹ như lông hồng. Nhà cửa ít, thưa thớt quanh hồ. Buổi trưa mùa thu râm mát. Ai muốn bơi, tắm - xin mời  XUỐNG HỒ. Còn một số chúng tôi thì tha hồ đi nhặt quả thông rụng về làm thuốc thông  KHÍ, HUYẾT dùng sau tai biến. Tuy chưa dùng đến, nhưng cứ để đấy dự trữ thì  MẤT GÌ CỦA BỌ, bọ cứ để đấy cho lúc cần. Buổi trưa họ cho ăn 1 bữa cơn NHIỀU ĐẶC SẢN như gà đồi, lợn rừng, cá bống hồ... Họ nói thế thì biết thế chứ hồ, ao...đồi thì làm sao ta biết được.

Buổi trưa quanh quẩn đến 15h rủ nhau về ! Thế cũng là thỏa mãn lòng mong ước của  BẦN CỐ đi cho biết đó, biết đây, ru rú ở nhà thì làm sao biết được cái RESORT nhất thế giới này. Tiếc cho ai hôm đó biết mà không đi !

 Dưới đây là mấy bức ảnh tôi chụp, tuy xấu còn hơn không có. Xin cám ơn ai đã đọc bài này.
Xin kính chào !





                   

NĂM 1986 VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ.

Lớp 2 của tôi. Chụp trong vườn nhà.
 Năm 1986 tôi về thăm trường cũ và ký túc xá xưa. Đến nhà 28, phố Katralova vừa ngó vào cổng thì 1 cậu lính gác trẻ măng ra hỏi :
- Bà cần gì ?
-Tôi không cần gì, mà chỉ muốn xem lại nơi cũ chúng tôi ở từ năm 1954 thôi.
- Nhưng bây giờ bà không thể vào được, vì đây là sứ quán Tuynidi rồi.
- Tôi biết vì đã đọc bảng treo ngoài cổng.
- Vậy xin mời bà đi cho !
- Tất nhiên anh không nói tôi cũng tự đi. Tôi quá biết việc này, chỉ ngó xem trong vườn cây xưa có còn hay chặt hết rồi, nhưng anh nói thế thì tôi cũng không ngó vào vườn làm gì. Chào !

Quay ra đường tôi đi theo vỉa hè đến trường cũ. Ngôi trường ngày nay khác xưa nhiều quá. Trông đồ sộ, khang trang, đẹp hẳn so với trước, hơn nữa nhiều cây um tùm. Tôi vào gặp bà thường trực của trường:
- Chào bà, tôi là học sinh cũ của trường, muốn vào thăm lại trường có được không ạ ?
- Trước đây chị học trường này ả ? Chị người nước nào ?
- Tôi người VN, học ở đây từ những năm 1954, nên muốn quay lại trường thân yêu của tôi ngày xưa , nay thay đổi thế nào !
- Xin chờ tôi 1 phút, tôi gọi điện hỏi ông hiệu trưởng xem sao !
- Nếu bà hỏi thì chắc ông hiệu trưởng không biết chúng tôi, vì chắc ông còn trẻ, mà hiệu trưởng cũ của chúng tôi đã khoảng 80 tuổi rồi !
- Thì vẫn ông hiệu trưởng từ hồi đó !
- Ông Antôn Palekhin ?
- Đúng vậy. Chị chờ tôi gọi điện nhé, xem ông có ở phòng hay đi kiểm tra các lớp !
- Tất nhiên tôi đợi và cám ơn bà.
Bà thưởng trực cũng đã tương đối già chứ không còn trẻ.
- Ông hiệu trưởng rất vui mời bà vào. Nhưng ông nói để tự ông xuống đón bà lên.
-Ôi, cảm động quá ! Cám ơn bà !
Chỉ mấy phút ông hiệu trưởng đã xuất hiện trước mắt tôi. Ông cười rất tươi và lao ra ôm chầm lấy tôi thật chặt !
- Em chào thầy, người thầy, người hiệu trưởng đầu tiên đáng kính, đáng yêu và rất nhớ của tất cả chúng em !!!
Tôi vừa định giới thiệu họ, tên mình và học lớp nào thì ông đã đáp lời chào của tôi:
- Chào Bạch Tuyết ! Ông già Tuyết đâu rồi, tôi không nhìn thấy ?
- Dạ thưa thầy bạn Quang hy sinh rồi ạ !
- Tôi biết rồi, chỉ hỏi đùa em chút thôi.
Tôi cảm động cực kỳ, tí nữa bật khóc, vì không ngờ ông vẫn còn nhớ tới mình mà lại là cái tên Bạch Tuyết. Còn hỏi cả ông già tuyết đóng đôi với tôi mấy năm ở trường.
Ông đưa tôi đi thăm các lớp, đến lớp nào ông cũng giới thiêu tôi là 1 trong 100 học sinh ngoại quốc đầu tiên của trường...Đi với tôi ông kể:
- Hồi Quang hy sinh, sau đó mẹ Quang có lần được sứ quán VN đưa đến thăm trường. Ông và tất cả các thầy, cô dạy ở trường tập trung lại gặp gỡ, nói chuyện rất nhiều về Quang, hơn nữa biếu bà rất nhiều tài liêu liên quan đến Quang và lớp của Quang. Nhưng từ khi bà ấy về, chúng tôi tuyệt nhiên không biết tin gì.
- Vâng, em cũng không được biết gì hơn thầy, vì chiến tranh mỗi người một ngả...
- Tôi hiểu thế ! Tôi vẫn thường nhắc lại với học sinh của chúng tôi ngày nay là các học sinh VN học giỏi lắm. Tốt nghiệp lớp 10 số huy chương vàng, bạc bao giờ cũng nhiều hơn học sinh LX. Lúc đó nhiều khi mình muốn số huy chương vàng của học sinh LX cao, đưa các bài văn 4 điểm lên bộ giáo dục chấm lại, họ kiểm tra còn cho mấy bài điểm 5 xuống 4. Nói để em biết thực chất của HS VN là thế nào. Giỏi thật sự. Khi nói với các em LX tôi khen HS VN thì chúng biện lý do :
- Bọn VN được nhà nước, bác Hồ gửi đi học nên giỏi là phải. Còn chúng em có ai gửi đi đâu mà giỏi ạ.
- Bọn HS LX khéo chống chế, nhưng chúng cũng hay (интересные ученики !). Khéo chống chế !
Ông vừa đưa tôi đi thăm khuôn viên của trường ngày nay thay đổi ghê gớm, vừa chuyện trò như không muốn dứt. Nơi tập thể dục ngoài trời ngày xưa, nay thành bể bơi. Phòng tập thể dục thay vào những dụng cụ thô sơ thành những dụng cụ hiện đại. Chỉ khác các lớp vẫn giản dị, vì chắc họ cố tình để như vậy. Phòng truyền thống treo nhiều ảnh chúng tôi ngày xưa và nhiều ảnh, bảng huy chương vàng của các bạn hổi ấy. Đi một vòng quanh trường mà đến giờ nghỉ trưa 2 thầy trò mới biết đã hết buổi học sáng. Tôi chào thầy ra về. Thầy đáp :
- Sao lại về ? Em phải ở lại đây ăn trưa với chúng tôi để biết bữa cơn trưa của HS trường, hơn nữa bữa trưa miễn phí cho mọi người. Hồi em ở đây chưa có chế độ này.
- Cám ơn thầy ! Em sẽ cùng ăn trưa nay với thầy.
Bữa trưa không có gì đặc biệt, chỉ đặc biệt là miễn phí mà bây giờ mới có. 
Ăn xong tôi xin phép về để thầy nghỉ. 
- Em đừng lo, thầy vẫn khỏe mặc dù đã sang tuổi 80, nhưng làm việc cả ngày không biết mệt.
- Em rất cám ơn thầy đã dành riêng cho em cả sáng nay.
- Không có gì. Nếu gặp lại ai đó cùng học với em cho thầy gửi lời chào và nói thầy luôn luôn rất nhớ các em.
- Xin chào thầy ! Một lần nữa em cám ơn thầy thật to ( огромное вам спасибо ! ).
Ra về lòng tôi xáo trộn những ý nghĩ ấm áp năm xưa mà các thầy, cô giáo LX đã dành cho chúng tôi. Trên taxi tôi lau nước mắt. Không ngờ anh lái xe để ý hỏi. Tôi trả lời tất cả. Khi anh biết tôi ở nhà Beria, anh hỏi :
- Nghe người ta nói khắp nơi, kể cả bệ hố xí đều mạ vàng có phải không ?
- Họ đồn bậy, làm gì có.
Thế là ở đâu cũng đồn thổi đủ mọi thứ chứ không phải chỉ ở VN đâu nhé.
Nhân ngày 3/10, ngày thành lập trườngThiếu nhi VN Moskva, tôi viết ít dòng về ngôi trường thân thương của chúng tôi và về người thầy hiệu trưởng thân yêu, cao quí của chúng tôi. Xin cám ơn các bạn đã đọc và comments.
Xin kính chào !








ÁO DÀI.




Như tôi đã viết trong 1 bài nào đó: " Cô Bé liên lạc "  phụ nữ lúc đó múa điệu gì mà tên là múa THỘN, mặc áo dài điệu và đẹp lắm. Tôi chỉ nhớ có thế thôi. Nhưng ai đã biết thời trước chống Pháp con nhà tử tế ở HN  đố ai dám mặc áo ngắn ra ngoài cửa nhà mình . Ra khỏi cửa đã là con gái phải mặc áo dài, nếu mặc áo ngắn người ta bảo :" Cái cô gái ấy sao mà DƠ (xấu hổ )  thế, mặc áo cộc ra đường mà không biết dơ !"Vì thế cho nên con gái HN đi tản cư vẫn mặc áo dài lượt thượt, ai tân tiến lắm thì theo kiểu TÂY mặc áo sơ mi đã là ghê gớm, mạnh bạo lắm. Các bà trong hội phụ nữ VN lúc đó cũng phải BẠO lắm mới dám mặc áo sơ mi ở ngoài nhà, còn áo CÁNH tuyệt nhiên không dám. Con gái là phải kín đáo, còn áo cánh là hở hang đằng sau như các bà nhà quê, không thể chấp nhận được.
Cũng chính những quan niệm ấy mà khi biểu diễn múa các chị phụ nữ phải mặc áo dài để che đằng sau. Hôm ấy tôi không biết là ngày gì, có thể là ngày hội phụ nữ ( 8/3 ), mà cũng có thể là ngày mừng sinh nhật BÁC. Múa xong các chị vây quanh Bác trò chuyện, vui đùa, trêu Bác phải ấy vợ... Trong 1 bài nào đó tôi đã viết về phụ nữ yêu cầu Bác lấy vợ và Bác đã nêu ra tiêu chuẩn phụ nữ được Bác đồng ý lấy làm vợ phải có những tiêu chuẩn gì...

Nhân lúc vui Bác khen các chị phụ nữ múa đẹp, dẻo, uyển chuyển, dịu dàng lắm, nhất là mặc áo dài  THA THƯỚT của các cô gái VN rất ĐẸP và DUYÊN DẮNG...Nhưng có điều rất bất tiện khi phải lao động, di chuyển trong thời chiến nơi rừng rậm, núi cao khó đi... Không may vướng cây cối trong rừng ngã, cũng có khi vì ngã mà nguy hiểm đến bản thân...Chỉ trong cuộc nói chuyện vui đùa của Bác mà sau đó tôi thấy hầu như tất cả phụ nữ ở các nơi đều mặc sơ mi đi làm, kết thúc giai đoạn phụ nữ mặc áo dài đi làm việc.

 Sau này khi về HN chị họ tôi ở lại HN trong thời chiến, nói với tôi:" Bây giờ chị trông thấy phụ nữ mặc áo sơ mi đi làm quen mắt rồi. Lúc đầu chị cứ xấu hổ không dám ra cửa, mặc áo dài sợ họ chê mình lạc hậu. Mặc áo ngắn thì mình xấu hổ, thấy nó cứ trơ trơ, dơ làm sao ấy !".

Riêng phần tôi thì chỉ thấy một điều, khi nào cần mặc áo dài trong các buổi long trọng buộc phải mặc. Còn mặc váy là tiện nhất, không vướng víu vào đâu, dễ xoay xở. Mặc áo dài người ta khen đẹp, còn tôi thấy khó chịu, vướng víu, bất tiện đủ điều. Cho nên tôi chỉ mặc khi cần long trọng, chơi bời, diện cho vui vẻ, đẹp mắt mọi người, chứ quả thật bất tiện lắm.

Ta cố mặc sao cho trông lịch sự, chỉnh tề, gọn gàng, đẹp mắt mình , hẳn sẽ đẹp mắt người.

Vài điều tâm sự với mọi người về trang phục VN một chút thôi chứ không dám bình luận về phong cách. Mỗi người một sở thích khác nhau, chẳng ai giống ai. Tôi chỉ không thích và không chấp nhận nhất là mặc  HỞ HANG thôi. Vì tôi vẫn là NGƯỜI CỔ  quan niệm như các cụ dạy :" Đẹp bầy ra, xấu xa đậy lại !" Thế thôi.
Quí vị nào thấy bài viết của tôi khó chịu thì cứ chê bai, tôi rất cám ơn. Xin cám ơn tất cả ai đã đọc và comments.
Xin kính chào !