Du lịch Miền Trung 2012

NHỚ LAI NĂM 1981.







Tôi thường không quản ngại đi bất ký đâu, dù rừng núi hay hải đảo. Nhưng vì là phụ nữ nên muốn đi đâu trên cũng phải xét rất lâu. Lần này không phải trên xét lâu, mà chính tôi phải suy nghĩ rất lâu. Từ khi được biết bộ Lao động thương binh và xã hội đưa thanh niên đi học tập lao động ở LX đến khi quyết định chính thức đồng ý đi, tôi phải suy nghĩ đến 6 tháng.


Thấy người của cục hợp tác quốc tế  bộ Lao động đến gặp và hỏi nếu họ yêu cầu tôi, thì tôi có dám bỏ đại học mà đi không. Chủ yếu họ nói đưa các cháu học xong lớp 10 sang học nghề để về VN xây dựng 1 tầng lớp công nhân mới XHCN cho VN. Hơn nữa cũng góp 1 phần trả nợ cho viện trợ của LX trong thời gian chiến tranh. Thời hạn là 5 năm cho con gái và 6 năm cho con trai. Những cháu này có thể sẽ là lãnh đạo chủ chốt trong các nhà máy của ta...

Suy nghĩ 6 tháng liền, nghĩa là từ lúc bộ LĐ cử người đi ký đến khi tổ chức đi cũng khá dài. Khi tôi đồng ý đi thì đã có một vài đoàn ( khoảng 300 người ) các cháu thanh niên nam, nữ đi trước  1, 2 tháng.
Làm xong mọi thủ tục, giấy tờ ra đi cũng mất hơn 1 tháng. Cầm giấy điều động chuyển công tác trong tay, tôi lặng lẽ lên sân bay, không dám chào họ hàng gần xa , nước mắt lưng tròng lên ô tô.

Bước chân lên cầu thang máy bay, tôi không dám quay đầu lại, cúi mặt xách túi du lịch chui vào máy bay. Các cháu đi trước còn dựa theo bài hát " Đoàn giải phóng quân ...:
Mười chín tháng năm một lần ra đi,
Nào có mong chi đâu ngày trở về,
Ra đi, ra đi nhất bộ anh Tố ( lúc ấy mỗi người được anh thủ kho tên là Tố phát cho 1 bộ quần áo mới và 1 túi du lịch )
Ra đi, ra đi nào có chi đâu.
Thầy , u khóc lóc ngồi nhà buồn rầu,
Người yêu ra tiễn ngậm ngùi, sụt sùi...
Nghe bài này tôi mới thấy khổ cho các cháu và mình cũng chả hơn. Một bộ của nhà mang theo  1 bộ được phát cho vào túi du lịch đồng mầu lôi thôi, lếch thếch lên máy bay. Tôi không biết có bao nhiêu người, đi những đâu trên đát nước Xô viết. Chỉ biết cả đội trưởng và phiên dịch nam nữ hôm ấy khoảng dưới 10 người. Hỏi nhau mới biết cùng đến Rostov na Đonu. Lên máy bay 1 lúc thì say : người nôn mửa, người lả ra như sắp chết... Chả ai nói với ai lời nào.

Đón tại sân bay Moskva là phó tổng giám đốc xí nghiệp dệt Sakhty. Ông đưa mọi người chuyển sang máy bay khác, bay tiếp đến Rostov na Đonu rồi đi ô tô về ký túc xá của xí nghiệp.

Ngay hôm sau chúng tôi được ông Tổng giám đốc tiếp và giao nhiệm vụ. Khi ở nhà nghe nói đội trưởng ( trong hiệp định gọi là Руководитель ) nghĩa là người lãnh đạo toàn người học ở LX về, có thực tế, quen việc lãnh đạo công nhân, giỏi tiếng mà mình HỐT. Bụng bảo dạ :" Mình đi thế này  là quá dại rồi. Thảo nào tất cả những người trên mình phản đối mà mình bướng không nghe ". Nhưng đã chót nhúng chàm rồi, đành chịu thôi. Ông tổng giám đốc nói một lúc về đủ mọi việc, về các em phải học tiếng, học chuyên môn, giờ học , giờ nghỉ...Đều phải nhờ vào những người đang ngồi đây. Nghe xong thấy công việc nặng như cả một quả núi. Tôi than phiền với mấy người cùng họp. Thấy họ chỉ cười và lắc đầu. Tưởng họ cũng như mình thấy khó khăn quá nên cười nhạt và lắc đầu. Tôi nói :" Trời ơi, đang tự dưng đi mang nợ vào thân thế này. Không biết nặng nề thế này thì có đủ khả năng làm việc hay đành xách túi du lịch quay về "! Lúc đó họ mới nhom nhom hỏi:
- Sao lại nặng, sao phải quay về ?...
- Ông ấy có nói gì đâu mà nản lòng thế ?...
Khổ thân tôi, bây giờ mới hiểu tất cả họ chỉ như vịt nghe sấm, họ chả hiểu gì nên cười và lắc đầu. Một cháu gọi là phiên dịch mạnh bạo hỏi tôi :
- Cô ơi, ông ấy nói gì đấy ? Cháu chả nghe được từ nào ! Cô nói cho cháu nghe đi !
Lúc ấy tôi mới hiểu trừ tôi còn chả ai hiểu gì. Thế là mình phải tường thuật lại cuộc họp. Cũng từ lúc ấy cả nhà máy đè lên lưng mình. Chả biết trên tuyển sao ? Cuối cùng đi đâu họ cũng kéo mình đi...

Những ngày lao động khổ sai. Đúng với nghĩa lao động khổ sai, Vì thượng vàng, hạ cám mỗi mình mình hiểu họ. Có cô cẩn thận còn viết từng từ rồi TRA TỰ ĐIỂN. Tra mãi không được, hỏi tôi, tôi đành thú thật :
- Đời tôi chưa bao giờ học tiếng Nga qua tự điển, nên tôi cũng không tra tự điển. Học trực tiếp, không hiểu nhờ họ giảng cho bằng các từ khác sẽ hiểu...

Một tuần trôi qua, làm việc không biết ngày, đêm. Không biết ăn vào lúc nào... Cả ngày đói, tối về đặt lưng nghỉ thì nơi này gọi, nơi kia kêu...Nhớ con , nước mắt lúc nào cũng chảy, nhưng vẫn làm việc. Chị y sĩ thương mình đề nghị với phó tổng giám đốc cho mình nghỉ ngơi chút ít thì ông ta trả lời :
- Tôi không thể khác được, mấy trăm con người chỉ mình chị ấy hiểu...
- Nhưng chị ấy chỉ là lãnh đạo có 50 người thôi.
- Chị không có tinh thần XHCN, lúc cần thế này mà chia 50 người, vậy còn các cô gái khác thì bỏ à ?
Chị y sĩ đành nói với tôi:
- Tôi lo chị chịu không nổi, chắc chết mất !
- Liđa, cám ơn chị quan tâm thương tôi, nhưng tôi đành phải HIẾN THÂN thôi.
Mấy tháng như vậy, rồi cánh phiên dịch cũng dần dần nghe được, đội trưởng cũng gật gù khi họ cầm tay chỉ việc. Trưởng vùng thì chỉ CƯỜI và đi đâu cũng:
- Natasa, mày giúp tao với...
Thế là lại chạy như đèn cù hết ngày này qua tháng khác giải quyết không biết bao nhiêu khó khăn...
Qua một ngày là mừng một ngày.

Đầu tiên là thế. Hai năm liền tôi sẽ kể để các vị nghe những gì xẩy ra khi tôi làm việc ở Sakhty.Tạm dừng ở đây để viết nhiều chuyện thú vị sau. Xin cám ơn quí vị đã đọc và comments.
Xĩn kính chào !

 

2 nhận xét: