Du lịch Miền Trung 2012

NĂM 1986 VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ.

Lớp 2 của tôi. Chụp trong vườn nhà.
 Năm 1986 tôi về thăm trường cũ và ký túc xá xưa. Đến nhà 28, phố Katralova vừa ngó vào cổng thì 1 cậu lính gác trẻ măng ra hỏi :
- Bà cần gì ?
-Tôi không cần gì, mà chỉ muốn xem lại nơi cũ chúng tôi ở từ năm 1954 thôi.
- Nhưng bây giờ bà không thể vào được, vì đây là sứ quán Tuynidi rồi.
- Tôi biết vì đã đọc bảng treo ngoài cổng.
- Vậy xin mời bà đi cho !
- Tất nhiên anh không nói tôi cũng tự đi. Tôi quá biết việc này, chỉ ngó xem trong vườn cây xưa có còn hay chặt hết rồi, nhưng anh nói thế thì tôi cũng không ngó vào vườn làm gì. Chào !

Quay ra đường tôi đi theo vỉa hè đến trường cũ. Ngôi trường ngày nay khác xưa nhiều quá. Trông đồ sộ, khang trang, đẹp hẳn so với trước, hơn nữa nhiều cây um tùm. Tôi vào gặp bà thường trực của trường:
- Chào bà, tôi là học sinh cũ của trường, muốn vào thăm lại trường có được không ạ ?
- Trước đây chị học trường này ả ? Chị người nước nào ?
- Tôi người VN, học ở đây từ những năm 1954, nên muốn quay lại trường thân yêu của tôi ngày xưa , nay thay đổi thế nào !
- Xin chờ tôi 1 phút, tôi gọi điện hỏi ông hiệu trưởng xem sao !
- Nếu bà hỏi thì chắc ông hiệu trưởng không biết chúng tôi, vì chắc ông còn trẻ, mà hiệu trưởng cũ của chúng tôi đã khoảng 80 tuổi rồi !
- Thì vẫn ông hiệu trưởng từ hồi đó !
- Ông Antôn Palekhin ?
- Đúng vậy. Chị chờ tôi gọi điện nhé, xem ông có ở phòng hay đi kiểm tra các lớp !
- Tất nhiên tôi đợi và cám ơn bà.
Bà thưởng trực cũng đã tương đối già chứ không còn trẻ.
- Ông hiệu trưởng rất vui mời bà vào. Nhưng ông nói để tự ông xuống đón bà lên.
-Ôi, cảm động quá ! Cám ơn bà !
Chỉ mấy phút ông hiệu trưởng đã xuất hiện trước mắt tôi. Ông cười rất tươi và lao ra ôm chầm lấy tôi thật chặt !
- Em chào thầy, người thầy, người hiệu trưởng đầu tiên đáng kính, đáng yêu và rất nhớ của tất cả chúng em !!!
Tôi vừa định giới thiệu họ, tên mình và học lớp nào thì ông đã đáp lời chào của tôi:
- Chào Bạch Tuyết ! Ông già Tuyết đâu rồi, tôi không nhìn thấy ?
- Dạ thưa thầy bạn Quang hy sinh rồi ạ !
- Tôi biết rồi, chỉ hỏi đùa em chút thôi.
Tôi cảm động cực kỳ, tí nữa bật khóc, vì không ngờ ông vẫn còn nhớ tới mình mà lại là cái tên Bạch Tuyết. Còn hỏi cả ông già tuyết đóng đôi với tôi mấy năm ở trường.
Ông đưa tôi đi thăm các lớp, đến lớp nào ông cũng giới thiêu tôi là 1 trong 100 học sinh ngoại quốc đầu tiên của trường...Đi với tôi ông kể:
- Hồi Quang hy sinh, sau đó mẹ Quang có lần được sứ quán VN đưa đến thăm trường. Ông và tất cả các thầy, cô dạy ở trường tập trung lại gặp gỡ, nói chuyện rất nhiều về Quang, hơn nữa biếu bà rất nhiều tài liêu liên quan đến Quang và lớp của Quang. Nhưng từ khi bà ấy về, chúng tôi tuyệt nhiên không biết tin gì.
- Vâng, em cũng không được biết gì hơn thầy, vì chiến tranh mỗi người một ngả...
- Tôi hiểu thế ! Tôi vẫn thường nhắc lại với học sinh của chúng tôi ngày nay là các học sinh VN học giỏi lắm. Tốt nghiệp lớp 10 số huy chương vàng, bạc bao giờ cũng nhiều hơn học sinh LX. Lúc đó nhiều khi mình muốn số huy chương vàng của học sinh LX cao, đưa các bài văn 4 điểm lên bộ giáo dục chấm lại, họ kiểm tra còn cho mấy bài điểm 5 xuống 4. Nói để em biết thực chất của HS VN là thế nào. Giỏi thật sự. Khi nói với các em LX tôi khen HS VN thì chúng biện lý do :
- Bọn VN được nhà nước, bác Hồ gửi đi học nên giỏi là phải. Còn chúng em có ai gửi đi đâu mà giỏi ạ.
- Bọn HS LX khéo chống chế, nhưng chúng cũng hay (интересные ученики !). Khéo chống chế !
Ông vừa đưa tôi đi thăm khuôn viên của trường ngày nay thay đổi ghê gớm, vừa chuyện trò như không muốn dứt. Nơi tập thể dục ngoài trời ngày xưa, nay thành bể bơi. Phòng tập thể dục thay vào những dụng cụ thô sơ thành những dụng cụ hiện đại. Chỉ khác các lớp vẫn giản dị, vì chắc họ cố tình để như vậy. Phòng truyền thống treo nhiều ảnh chúng tôi ngày xưa và nhiều ảnh, bảng huy chương vàng của các bạn hổi ấy. Đi một vòng quanh trường mà đến giờ nghỉ trưa 2 thầy trò mới biết đã hết buổi học sáng. Tôi chào thầy ra về. Thầy đáp :
- Sao lại về ? Em phải ở lại đây ăn trưa với chúng tôi để biết bữa cơn trưa của HS trường, hơn nữa bữa trưa miễn phí cho mọi người. Hồi em ở đây chưa có chế độ này.
- Cám ơn thầy ! Em sẽ cùng ăn trưa nay với thầy.
Bữa trưa không có gì đặc biệt, chỉ đặc biệt là miễn phí mà bây giờ mới có. 
Ăn xong tôi xin phép về để thầy nghỉ. 
- Em đừng lo, thầy vẫn khỏe mặc dù đã sang tuổi 80, nhưng làm việc cả ngày không biết mệt.
- Em rất cám ơn thầy đã dành riêng cho em cả sáng nay.
- Không có gì. Nếu gặp lại ai đó cùng học với em cho thầy gửi lời chào và nói thầy luôn luôn rất nhớ các em.
- Xin chào thầy ! Một lần nữa em cám ơn thầy thật to ( огромное вам спасибо ! ).
Ra về lòng tôi xáo trộn những ý nghĩ ấm áp năm xưa mà các thầy, cô giáo LX đã dành cho chúng tôi. Trên taxi tôi lau nước mắt. Không ngờ anh lái xe để ý hỏi. Tôi trả lời tất cả. Khi anh biết tôi ở nhà Beria, anh hỏi :
- Nghe người ta nói khắp nơi, kể cả bệ hố xí đều mạ vàng có phải không ?
- Họ đồn bậy, làm gì có.
Thế là ở đâu cũng đồn thổi đủ mọi thứ chứ không phải chỉ ở VN đâu nhé.
Nhân ngày 3/10, ngày thành lập trườngThiếu nhi VN Moskva, tôi viết ít dòng về ngôi trường thân thương của chúng tôi và về người thầy hiệu trưởng thân yêu, cao quí của chúng tôi. Xin cám ơn các bạn đã đọc và comments.
Xin kính chào !








2 nhận xét:

  1. Thật cảm động chị ạ. Làm gì có nơi nào thầy hiệu trưởng đã 80 tuổi vẫn nhớ học sinh của mình đến như vậy!

    Trả lờiXóa
  2. Một sô bạn có dịp về thăm cũng nói ông rất nhớ các bạn ấy. Hôm tới chi rất tiếc kg về họp khối lớp mình được. Chúc thành công, vui vẻ ! Chào em và MK !

    Trả lờiXóa