Năm tôi sinh cháu đầu lòng ở BVC. Đang nằm suy nghĩ xem phải làm gì tiếp những ngày tới vì con đang bị vàng da. Một xe cáng chở sản phụ vừa sinh xong đứng ngay cạnh tôi, chị y tá đỡ sản phụ xuống giường bên cạnh. Tôi cắt đứt dòng suy nghĩ, quay sang nhìn sản phụ mới nằm xuống. Trông chị mệt mỏi, nhưng tươi vui và tôi cảm thấy chị xinh và hiền hậu.
Cô y tá mở tủ con đầu giường cất hộ chị cái làn đựng quần áo sơ sinh. Nhìn vào làn quần áo trẻ con tôi thấy toàn đồ ngoại. Nhìn chị thấy hình như chị muốn gì đó, tôi làm quen hỏi :
- Chào chị ! Chị có cần giúp gì không ? Chị có khát không ?
- Chào em ! Chị khát lắm, cho chị xin miếng nước.
Chị nói nhỏ, nhẹ, giọng đặc Huế. Tôi rót cho chị cốc nước, đưa cho chị uống. Nâng đầu chị dậy, tôi hỏi khẽ :
- Chị người Huế ạ ? Nghe chị nói giọng Huế dễ thương ghê.
- Ừ, chị người Huế. Em mới sinh à ?
- Ba ngày rồi chị ạ. Cháu ngày thứ 3 mà sao da nó vàng như nghệ, em lo mà chả biết vì sao.
- Chị hơi đang mệt, sẽ giải thích cho em sau nhé.
- Em nói thế thôi chứ không phải nhờ chị giải thích đâu. Mà chị cũng tài , sao chị lại có thể giải thích nổi việc vàng da của trẻ sơ sinh.
Chị cười và nói: " Chị biết ".
Sau mấy tiếng , đến giờ ăn. Hồi đó cứ báo cơm, ngày 2 bữa họ mang đến tận giường trong 5 ngày đầu sau sinh. Tôi nhìn xuất cơm ngán ngẩm nói chị phục vụ:
- Chị mang giúp tôi đi, tôi không ăn đâu. Ai ăn được chị cho gười ta ăn kẻo nguội và bỏ đi thì phí.
Chị nói giọng Huế lại nhỏ, nhẹ nói với tôi:
- Em chịu khó ăn mấy miếng cho có sữa cho con bú. Nhịn cạn sữa thì khổ.
- Chị nhìn cơm xem : có miếng cá mè kho, 1 bát canh rau cải, ăn mấy bữa bây giờ em chán lắm, không tài nào ăn được. Nhịn bữa sau ăn cho đỡ sợ. Ở đây bữa nào cũng như bữa nào, chị ạ.
- Em nói với người nhà mang cái khác cho ăn, không được nhịn đâu. Chị cũng phải thế.
- Em chẳng có ai thăm và mang cơm ngoài bệnh viện, chị ạ.
- Chị cũng không có người nhà, nhưng bạn mang đến.
- Em không thích phiền ai đâu. Nhịn cũng không sao mà. Em nhiều sữa lắm, ngày nào y tá cũng vắt của em cả cốc 1 lít cho trẻ thiếu tháng, nên nhịn càng tốt.
- Em làm gì ? Ở đâu ?
- Em làm phiên dịch phòng Liên lạc Quốc tế, Ủy ban khoa học Nhà nước.
- Thế à ? Em làm Phiên dịch ở đó có biết anh Nguyễn Đình Tứ không ?
- Có ạ. Em là người dịch lý lịch của anh ấy để gửi đi LX học nghiên cứu sinh nguyên tử. Hiện anh đang ở LX mà.
- Chồng chị đấy.
- Thế ạ. Sao em lại gặp được chị ở đây nhỉ ? Chị là bác sĩ phải không ạ ? Chắc em không lầm.
- Đúng, em không lầm. Có gì không hiều về Y em cứ hỏi nhé.
Ngày thứ 3 chị ra viện. Chị dặn tôi địa chỉ của chị, nếu cần cứ đến. Chị bảo trong ngành nên chị xin ra viện sớm và khuyên tôi ở lại chữa bệnh vàng da cho con khi nào khỏi mới được về... Sau 17 ngày tôi mới ra viện và tiếp tục chữa cho con tại nhà...
Con gái tôi hơn 1 tuổi cứ bị đi ngoài suốt. Bác sĩ Trần Hữu Tước trực tiếp chữa mãi cho con tôi, nhưng cứ ngừng thuốc thì bệnh đâu lại vào đấy. Tôi lo quá, đành đến cầu cứu chị Nhạn vì tôi biết chị làm ở BVB (Nhi) Trần Hưng Đạo.
Đến nhà chị tôi nói ngay :" Em chào chị, em đến cầu cứu chị đây ".
Chị hỏi và tôi trình bầy cặn kẽ cho chị nghe. Cuối cùng chị nói:" Ngày mai em đưa con gấp đến BVB, chị nhận cháu. Không cần giấy tờ gì đâu.
Tôi làm đúng như chị dặn. Đến nơi chị giải quyết mọi khâu rất nhanh. Nói ra thì dài lắm. Sau khi mổ 10 ngày nặng nề, cháu ra viện. Chỉ biết những cháu ở ĐHBK được giới thiệu đi (nghĩa là đi cổng trước) không cháu nào về, vì quá muộn. Còn con tôi (đi cổng sau ) lại duy nhất về cổng trước. Đúng là thời cơ và Trời, Phật phù hộ.
Tôi ơn chị Nhạn đã cứu sống con tôi. Vậy là chị đã sinh ra cháu chứ không phải là tôi.
Thỉnh thoảng tôi qua lại, thăm anh chị và cháu Hà, sinh sau con tôi 3 ngày. Có gì không hiểu, cần tôi lại hỏi chi, nhờ chị giúp. Chị chưa nhờ tôi việc gì dù nhỏ nhất.
Năm ấy con gái cả của tôi bị mổ ruột thừa tại BV Bạch Mai. Con thứ 2 vừa bị sốt xuất huyết nặng, qua cửa tử mới ra viên được mấy ngày.
Tôi đang vội chạy ngược, chạy xuôi, lấy xe đạp trở về xem con thứ 2 ở đâu và nấu gì cho nó ăn thì chị Nhạn bỗng chạy đến trước mặt tôi:
- Em đi đâu mà vội thế ? Cần chị giúp không ?
- Không ạ. Cháu Lan vừa bị mổ, đang nằm đây, đi mổ muộn lại phải đánh thuốc mê 2 lần nên bây giờ vẫn mê man. Còn con Ly vừa bị sốt xuất huyết nặng, ra viện được ít ngày mà hôm nọ cánh tay do phản ứng penicillin nên đen như than. Em cho uống vitamin C mãi không tan, ngày càng đen hơn.
- Mai em mang ngay con Ly đến đây gặp chị.
- Thôi để cháu Lan đỡ . Mấy hôm nữa em mang cháu Ly sang chị. Bây giờ em bận quá, có một mình vừa đi dạy, vừa trông 2 đứa ốm nên bận quá. May cháu Ly ngoan lắm, vừa ốm nặng về mà cứ tha thẩn chơi quanh quẩn không đi xa. Em phải nhờ hàng xóm cho cháu ăn chứ em không có thì giờ lo cho cháu.
- Em lại nhịn chứ gì? Muốn nhịn thì nhịn, mai mang ngay con Ly sang chị, cấm không được chậm trễ. Y lệnh đấy em nhé.
- Vâng ạ. - Khi chị Nhạn nói Y lệnh là tôi hiểu mức nghiêm trọng, nhưng tôi không hỏi lại mà vội về nhà ngay.
Sáng hôm sau tôi đưa con sang gặp chị Nhạn. Chị khám xong cho cháu và gửi ngay xuống Nhi Thụy
Điển ( lúc đó ở BV Bạch mai ). Chị dặn vội tôi:
- Em xuống ngay kẻo hết giờ. Họ hỏi em trả lời :" Em là em chị Nhạn. không nói gì thêm. Đưa giấy cho người phụ trách ."
Tôi làm theo chị. Con tôi mỗi ngày phải chạy đến 3 loại máy, chạy từ sáng đến trưa mới về. Hai tuần sau tay cháu trở lại bình thường. Tôi đến cám ơn chị Nhạn tại phòng làm việc.
Chị cười vẻ mãn nguyện. Chắc chị thấy vui gì điều gì đó:
- Nga đến đấy à. Con Ly sao rồi ?
- Dạ, tay cháu trở lai bình thường rồi ạ. Em đến cấm ơn chị.
- Thế là may rồi. Chị bắt em đưa con đến gấp vì trước khi em gặp chị 2 ngày có 1 cháu ở Thái Bình lên mới 18 tuổi, cũng bị phản ứng penicyllin , nhưng để lâu quá, thịt bị thối hết, phải tháo khớp đến tận bẹn .
Sau khi nói chuyện với chị Nhạn xong tôi thấy thật hú vía. Vội nói:
- May cho em quá, nếu không gặp chị chắc cháu cũng bị tháo khớp tay đến tận nách. Thật là điếc không sợ súng.
- May rồi, em về nhé. Chị bận làm việc một chút. Nếu con có gì nhớ đến chị ngay, đừng ngại, đừng chần chừ.
Tôi các ơn rối rít ra về. Thật may cho tôi quá. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in 2 lần chị Nhạn cứu 2 đứa con tôi. Thỉnh thoảng tôi lại nhắc với con và kể lại chuyện này với những người quen có con nhỏ để rút kinh nghiệm.
Hôm nay nhân ngày Thầy thuốc VN tôi viết bài này để tỏ lòng biết ơn với chị Nhạn và nói để bạn đọc biết VN có nhiều thầy thuốc tốt như chị Nhạn lắm. Còn các thầy thuốc trẻ hãy cố noi theo gương Bác Sĩ Nhạn.
Cám ơn các bạn đọc. Xin kính chào !
Du lịch Miền Trung 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
May quá đấy! Không gặp BS Nhạn thì nguy to. Bố nó đâu mà TN phải chăm sóc hai đứa vất vả thế?
Trả lờiXóaTN coi như chúng không có bố. Có lần con Ly bị viêm xoang sàng bảo bố nó đưa 2 mẹ con đi cấp cứu, bố nó bảo còn phải đi họp chi bộ. Con người ta ớ quê chết cả đấy...Đến khi bác sĩ bảo nếu chị đi chậm vài tiếng nữa thì cháu MÙ, lúc đó bố nó mới trợ mắt ra... TN bảo TN không có chồng mà . Bọn lớp 3 cứ nói TN nói tỉnh bơ như không. Quan điểm của bố chúng là không chăm, không dạy, mặc chúng tự khắc lớn lên như cỏ dại. Thế đấy TM ạ. Thật buồn ! Chào !
XóaChị Thu Nhạn là bạn học cùng cấp3 Lam sơn với ông xã G,dạo đó (1953) mình học lớp 5,chị phụ trách nữ sinh lớp dưới nên G cũng quen,Từ năm 1964 đến 1987 gia đình mình cùng ở khu Trung tự,gần nhà chị,nhưng vì anh ấy là quan to nên nhà mình không qua lại,anh Tứ mất rất đáng tiếc vì chị ấy cứ làm theo ban bảo vệ sức khỏe TƯ,không xử lý đúng phương pháp cần làm,ông chồng mình cứ kêu chị ấy mãi.
Trả lờiXóaSố rồi MG ạ. Vợ cứu người mà không cứu được chồng, vì chồng làm to. Cũng như con ông Duẩn chết cũng do bố làm to, chứ như mình đẻ con thứ hai, 3 lần băng huyết, 2 lần nạo nhau, bác sĩ tư xử lý, chẳng hỏi ai lại sống, chờ cấp trên thì muộn rồi...Đời mình cứ mặc bác sĩ xử lý, nên 13 lần lên bàn mổ mà vẫn sống, chẳng xem ngày, giờ, bảo cắt gì thì cắt, sẻo gì thì sẻo, lên bàn lúc nào thì lên, phó thác mình cho chuyên môn làm chuột bạch. Hay chưa ? Đọc MG chắc buồn cười lắm, nhưng thực vậy. Chào !
XóaNhững bác sĩ kiểu như chị ấy rất tân tâm và giỏi nữa. Thế mà ... em cũng nghe chuyện anh Tứ. Thật tiếc!
Trả lờiXóaNhiều chuyện lắm HC ạ. Nói mà thêm tiếc và buồn. Thôi chị Nhạn có ơn với chị nhiều lắm nên bao giờ chị cũng ơn chị ấy. Còn anh ấy thi quên đi.Chào !
XóaEm nghĩ thời ấy có nhiều bác sĩ vừa giỏi cừa tốt chị nhỉ! Còn bât giờ em nghĩ cũng có, nhưng ít và bị che lấp đi bởi sự xuống cấp của ngành y và ngững BS trẻ vô cảm phải không chị? thật đáng buồn.
Trả lờiXóaChị tin đến một ngày nào đó con em chúng ta sẽ nghĩ và quay trở lại con đường lương thiện mà ông, bà, cha , mẹ chúng đã đi. Em hãy cùng tin với chị nhé ! Em gặp con Ly nhà chị chỉ gầy, còn vẫn nguyên vẹn, không bị khuyết tật gì thì biết quanh chúng ta bao bác sĩ lương thiện, tốt. Chào !
XóaHu hu ! Đọc chuyện chị kể cứ như chuyện trinh thám vậy, chị viết có duyên lắm chị gái, nghĩ đi nghĩ lại em thấy chị gái rất giống em, hồi 2 đứa con em còn nhỏ em toàn đi gặp bác sĩ ko à? Đến giờ chúng lớn tí đỡ đấy chị ạ, chị vất vả thế mà người chị lại ốm thế giữ gìn sức khỏe chị gái nha
Trả lờiXóaNhững người như bác sĩ Nhạn rất hiếm chị ạ .chúng ta luôn ghi ân những thầy thuốc như thế chị nhỉ ? Vui khỏe ngày cuối tuần chị gái nha !
Nuooi con mói biết lòng mẹ mà.Như hị bác sx Nguyễn Thu Thoa BVK nói:" Con thì có hơn 70 tuổi vẫn là con, ta vẫn phải chăm sóc như lúc mới đẻ ra." Bây giờ chị vẫn thế mà. Lo cho con từng ngày, em ạ. Lúc nào cũng nơm nớp lo, sợ. Đời chị may , không cha, không mẹ mà toàn gặp bác sĩ tốt thôi. Chắc Trời, Phật thương độ cho chị đấy.Chào!
XóaBS Nhạn quen cũng biết mẹ em. Em cũng có lần gặp BS khi cháu đầu lòng của em phải điều trị tại BV Nhi Thụy Điển. BS là người hiền hậu, giỏi giang, xinh đẹp. Tiếc là hồi ấy thấy BS làm to rồi em lại ngại tiếp xúc...hì
Trả lờiXóaChị thường cũng ngại tiếp xúc với ông to, bà lớn lắm, nhưng họ toàn chủ động giúp chị nên dần dần chị thấy quen và không ngại nữa ( kể cả Bác Hồ ). Ở vị trí của chị thì họ đều làm to cả.Chào !
Xóa