Du lịch Miền Trung 2012

TSQ, HỌC VĂN HÓA ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ, bài 9 )




Huy hiệu Bác thưởng cho TN.


Sau chuyến chú Nguyễn Chí Thanh đến thăm, trại có việc thay đổi trọng đại. Đó là tất cả phải học văn hóa. Học văn hóa nói thì dễ, nhưng ở thời điểm 1952-1953 thì lấy đâu ra thầy mà dạy cho cả ngàn người. Vậy là trại lấy ngay thầy trong trại, nghĩa là người học lớp trên dạy người học lớp dưới.
Để tổ chức lớp thì phụ trách phải đi ghi lại trình độ từng người.
Đến lượt TN anh phụ trách hỏi :
- Em học lớp mấy ?
- Lớp mấy là thế nào ạ ?
- Là lớp nhất, nhì, ba ấy !
- Lớp nhất , lớp nhì, lớp ba thì lớp nào TO hơn hả anh ?
- Thì tất nhiên 3 to hơn 2 và 1 chứ còn gì !
- Thế anh ghi cho em lớp 3 nhé !
- Em đã học ở đâu, trường nào ?
- Em có học ở đâu đâu ạ. Em chỉ làm liên lạc, các bác viết thế nào em nhớ thế ấy. Em cũng thấy bộ đội học với nhau i tờ, tờ i ti, i tờ có móc cả 2, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ là thêm râu. O, A, 2 chữ khác nhau, chữ a khác bởi móc câu bên mình. E, ê, lờ vốn 1 loài, ê đội nón chóp, lờ dài lê thê, chữ bê thêm cái bụng sề, rồi vòng khuyết áo hắt về 1 bên. Em nhớ hết như trên bảng người ta viết dạy bộ đội rồi.  Em đọc thuộc thế chắc là viết và học cũng như nhau còn gì.  Vậy chắc là em học lớp 3 là được rồi. Chỉ có điều em chưa bao giờ cầm bút viết lên giấy đâu ạ.
Thế rồi anh phụ trách vẫn ghi cho TN lớp 3. Chị T đứng đằng sau TN cũng khai lớp 3.
Người thầy đầu tiên của TN là Nguyễn Ngọc Quán, con bác Nguyễn Ngọc Minh trưởng ban kiểm tra 12 mà TN đã biết rõ khi còn làm LL. Bạn NNQ học lớp 6. Bạn được phân công dạy lớp TN.
Bài đầu tiên bạn NNQ cho viết ám (chính) tả. Viết xong nộp bài cho THẦY, TN hỏi vội sau khi NNQ đọc xong :
- Bài viết sao ? Có được không ?
 NNQ không trả lời chỉ cười. Cho đến bây giờ TN cũng không thể tưởng tượng nổi bài chính tả đầu tiên ấy đã viết thế nào. Và người  THẦY đầu tiên của TN lại là Nguyễn Ngọc Quán. ( Nguyễn Ngọc Quán ở đâu, khi đọc được bài này lên tiếng đi nhé ! Chúng mình mong có tin của bạn lắm ! Bạn đừng ẩn nữa, có được không ?).
Còn chị T sau này gặp trong buổi họp mặt TSQ ở Quảng Ninh đã cười và nói với TN:
- Tao thấy mày khai lớp 3, tao cũng khai lớp 3. Nhưng sang TQ tao không học được phải xuống lớp 2, rồi lớp 2 không được lại xuống lớp 1, rồi lớp 1 không được tao xuống lớp vỡ lòng. Học mấy tháng lớp vỡ lòng tao học viết được, đọc được các chị thương tình cho tao lên lớp 1. Còn mày sao ?
- Ôi, em vẫn cò cưa lớp 3 đến khi sang LX cả lớp xuống lớp 2 ( theo quyết định của trên ) vì không biết tiếng em mới cùng các bạn lớp 3 xuống học lớp 2. Thế là ở TQ lớp 3, sang LX lớp 2. Bây giờ em vẫn họp mặt, sinh hoạt với khối lớp 3 Quế Lâm và lớp 2 LX đấy. Nhưng cũng rất may là hồi ở Lư Sơn-Quế Lâm em học toàn 4 và 5, chả bị con 3 nào. Sang LX em cũng học toàn 5 thôi. Vì học toàn 5, hồi sang LX Bác thưởng huy hiệu của Bác cho em đấy, chị ạ. Hôm có người ở Viện bảo tàng HCM xin, sau khi đã xin hết ảnh gốc của em chụp với Bác. Nhưng con Lưu Ly nhà em quyết giữ lại, không cho. Mà huy hiệu tự tay Bác trao cho em trong 1 lần chúng em đến thăm Bác chứ có phải thường đâu. Theo em được biết ở VN lúc đó, thì chỉ có 1200 chiếc huy hiệu này thôi Thật khó tưởng tượng lại lúc đó em ngây ngô đến mức nào. Mà thật ra em có biết mình ngây ngô, ngớ ngẩn đâu cơ chứ. Cứ cho như thế là đúng, là phải. Nghĩ lại thật chán cho mình ngu mà không biết mình ngu. Cho nên cụ Hồ bắt xóa nạn mù chữ từ những ngày đầu sơ khai nước VNDCCH là phải. Mù chữ đồng nghĩa với NGU  mà bọn Pháp đã không bao giờ cho nông dân biết điều đó, chị nhỉ. Biết chữ thì mở mang bao nhiêu, chúng chả lừa được ta mà bóc lột. Nghĩ thật khổ cho cái lạc hậu, phải không chị ? Bây giờ chắc còn ít người mù chữ, đúng không chị ?
- Còn đầy, mày ở HN không biết chứ chúng tao ở Quảng Ninh dân chài hầu như mù chữ. Cứ cắm đầu vào mà làm thêm đi, dốt mà không biết mình dốt...
- Thế mà em không biết, cứ tưởng ai cũng biết chữ, trừ trẻ con chưa đi học.
- Mày ở HN mà lạc hậu tình hình đất nước quá.
- Em xin lỗi vì mải gục đầu vào làm thêm nên không quan tâm đến bên ngoài. Em rút kinh nghiệm.
- Bớt làm thêm, kiếm ăn đi, chịu khó xem TV, đọc báo thì biết.
- Vâng, tuy từng này tuổi mà em còn lạc hậu, ngu quá. Em xin nhận lỗi.
Từ khoảng năm 1995 TSQ do anh Nguyễn Tiến Nguyên làm trưởng ban liên lạc, hay tổ chức họp mặt, về cội nguồn nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên, số người tìm về cũng ngày một đông, biết nhiều tình hình và đặc biệt về cội nguồn thường mang theo những thứ không dùng đem lên ủng hộ miền núi. Hóa ra mình lạc hậu thật, dân miền núi sau chiến tranh còn quá khổ, chả khác mấy khi kháng chiến, chỉ không có bom đạn thôi.

Bài quá dài, hẹn viết tiếp sau. Xin cám ơn các vị đã đọc và comments.
Xin kính chào !

0 nhận xét:

Đăng nhận xét