Du lịch Miền Trung 2012

TÔI RẤT NHỚ VÀ VIẾT LẠI.(2)




Mối thù với đế quốc Mỹ thì tôi không những rất nhớ mà thường xuyên nhắc lại cho con, cháu và những người thân , quen. Tôi không thể quên những ngày đầu như vụ thảm sát Sơn Mỹ mà ngay bản thân cựu lính Mỹ còn nhắc lại với sự sợ hãi rùng mình khi thấy đàn bà, con trẻ bị giết...Rồi chúng cùng bọn Păk Chung Hi mổ bụng, moi gan nhắm rượu những người chúng bắt được mà gọi là  VIỆT CỒNG. Tôi đã xem những ảnh mà chính bọn Mỹ chụp lại từ hồi đó. Chúng giết hàng loạt dân vô tội không biết ghê tay. Tội ác của chúng làm sao kể hết ??? Trời chu đất diệt hết bọn chúng đi !!!!! Đó là tội ác vào những năm trước 1964. Còn từ 8/ 1964 chúng đánh ra miền Bắc thì tội ác  còn chất cao hơn núi.

Thanh niên viết đơn tình nguyện, ban tuyển quân không duyệt kịp. Từ năm 1965 đến năm 1967, 2 đứa cháu tôi vừa tốt nghiệp lớp 10, mới 17 tuổi cũng xung phong đi bộ đội, hơn nữa 2 đứa cháu này lại học giỏi, thi thừa điểm đi học nước ngoài. Rồi ngày chiến thắng chúng không trở về, mấy năm sau khi hòa bình lập lại anh, chị tôi nhân được giấy báo tử. Theo ngày tháng ghi trong giấy báo tử thì chúng đều hy sinh trước năm 20 tuổi.

Năm 1965 tôi vào đại học, trường ĐHBK sơ tán lên Lạng Sơn, tôi có dịp đi lại nhiều nơi và nhất là thực tập ở nhiều nhà máy. Khắp nơi tôi đến hay đi qua đều bị bom đạn tàn phá tan hoang. Cuộc đời sinh viên 5 năm mà 3 lần suýt chết. Có anh thi vào đại học BK,  khoa tôi, trên đường đi tập trung cũng bị bom chết. Năm 1972, trường ĐHBK sơ tán Hà Bắc. Lệnh để bảo vệ tính mạng cho mọi người, toàn bộ cán bộ, công nhân viên và sinh viên phải sơ tán. Chỉ có những trường hợp cần thiết như các đề tài đến ngày hoàn thành, kết thúc mới được về HN, nếu không về thì mất công toi 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, thậm chí 1 năm lao động, theo dõi, điện, hóa chất dùng trong thời gian đó, thiệt hại không biết đâu mà kể, còn chậm tốc độ của đề tài nữa chứ. Tôi cũng không nằm ngoài những người này. Vậy là con mới 2 tuổi, tôi mang về HN để kết thúc đề tài 6 tháng của mình.

Vụ Điện biên phủ trên không nổi tiếng thế giới 12 ngày đêm thì 2 mẹ con tôi ở 1/3. Bọn Mỹ đêm nào cũng rải bom từ tối đến sáng, ban ngày chúng nghỉ. Pháo hoa của ta bắn kỷ niệm các ngày lễ còn thua xa máy bay Mỹ ném bom rải thảm hồi ấy. Cả bầu trời HN rực lửa. Ôm con trong hầm tôi nghĩ chắc không qua khỏi những trận bão bom này.
Hai mẹ con tôi hút chết ngay ngày đầu tiên chúng thả bom HN. May sao hôm ấy tự dưng tôi lại chuyển hầm sang hầm khác sau 1 trận bom đầu tiên. Sáng về qua chiếc hầm trú ban đầu thì nó đã sập. Có anh bộ đội người Hà Bắc, chiến đấu tại chiến trường B, được bầu là dũng sĩ diệt Mỹ, được thưởng phép về thăm mẹ. Khi qua trường ĐHBK nghỉ lại với người quen không may bị bom chết ngay trong nhà 19. Trước mắt tôi hôm đó gần chục người chết bom. Sau 4 ngày ném bom rải thảm của Mỹ và cũng đã hoàn thành tổng kết đề tài, mẹ con  tôi rời HN. Nhưng không may trong thời gian về HN làm việc con tôi bị mèo dại cào, nên phải tiêm trừ dại. Ngày 26/12/1972 tôi đèo con từ Hà Bắc về HN để tiêm phát thuốc dại cuối cùng thì:

Hà nội ơi, đau thương bao trùm khắp nơi. Đâu đâu cũng kèn, trống đám ma. Dọc đường phố Khâm Thiên 2 bên thềm người đắp chiếu nằm la liệt, vì chưa có ai về nhận xác họ. Ai biết để mà về nhận xác họ chứ ? Chính họ tưởng ngày 25/12 là lễ Giáng sinh, chắc Mỹ sẽ không ném bom nên họ về mua gạo theo sổ kẻo cuối tháng hết hạn, hơn nữa ở nơi sơ tán cũng hết gạo ăn. Mà những ngày trước đây chúng toàn ném bom ban đêm chứ có ném bom ban ngày đâu. Vậy là cả phố Khâm thiên bị B52 rải thảm, hầu như chẳng còn ai. Bọn đế quốc Mỹ đã thề đưa VN về thời kỳ đồ đá mà. Tất nhiên lời thề của chúng nước VNDCCH không cho chúng thực hiện. Song tổn thất thật là  VÔ CÙNG LỚN.

Bệnh viện chúng cũng không tha. Qua BV Bạch Mai thật là 1 thảm cảnh mà bây giờ viết lại tôi vẫn thấy lạnh người và rưng rưng nước mắt. (viết đến đây, thật lòng anh ĐVH ơi, tôi không thể viết tiếp)...

Hôm nay bình tĩnh lại, tôi viết tiếp thảm cảnh ở BV Bạch Mai. Nếu mọi người ai cũng như tôi nhìn thấy cảnh đau thương này, chắc không thể không khóc ( khóc là khóc to, chứ không phải rơi nước mắt). Tôi gào thét như một con ĐIÊN tại nơi đây, khi những người chết được đắp mỗi người 1 tấm vải giải giường trắng, giữa cổng chính họ làm tạm 1 đài tưởng niệm cũng bằng khăn trắng, quanh khu nát đổ là 1 số người dùng cuốc, xẻng hay thậm chí bàn tay mình bới những đống đổ nát, trong đó có những hầm các bác sĩ, nhân viên y tế đang mổ cấp cứu mà hầm sập, tiếng kêu cứu vang từ đó lên... Tôi vội quay xe lại trường BK đón con đi tiêm, không dám đứng thêm 1 giây nào vì sợ mình không chịu nổi sẽ gục tại chỗ.

Đưa con đi tiêm từ BK đến phố Bà Triệu chỉ khoảng 20 phút, vậy mà tôi đi hơn 2 tiếng chưa đến nơi, vì đi ngả nào, ngõ nào, phố nào cũng nghe kèn, trống đám ma. Mà bệnh dại lại kiêng đám ma, cho nên phải tránh. Chắc buổi trưa nghỉ nên tôi tìm được 1 ngõ nhỏ bé, lách đến nơi tiêm phòng bệnh dại tiêm cho con. Tiêm xong tôi đạp thẳng lên Hà Bắc, không quay trở lại trường Bách khoa nữa, vì sợ bọn Mỹ lại ném bom như ngày 25/12. Con tôi  mới 2 tuổi đã nhận biết tiếng máy bay của Mỹ. Đi đường nghe tiếng máy bay, ngồi sau lưng nó hét :" Mẹ ơi, éc 11 đấy ( F 111), xuống hầm đi ". F111 thường đi trước, sau đó B52 đi sau và hàng loạt bom rải thảm nổ. Cứ thế 4 ngày trước con tôi đã chứng kiến và đã khiếp sợ cũng đã nhớ đến nỗi nghe thấy F111 là gọi mẹ xuống hầm...

Ai đã nhìn thấy cảnh HN mà dân ta thường nói : " Thăng Long phi chiến địa " thì thật sai lầm to. Khâm Thiên và một số nơi, thậm chí BV Bạch Mai và trường đại học Bách khoa cũng bị tan hoang. Khắp nơi không còn nơi nào nguyên vẹn. Vậy thì làm sao mà gọi là THĂNG LONG PHI CHIẾN ĐỊA được. Tổn thất - cái giá phải trả cho KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO là không thể đo đếm...

Sau năm 1975 tôi mới dám nói với bạn bè mình là:
- Bây giờ mới biết chúng mình còn sống.

Anh Đặng Việt Hùng quí mến, nơi ấy anh có thể tưởng tượng được những gì tận mắt tôi thấy, liệu CÓ THỂ QUÊN ? Nó đau đớn lắm, anh có biết không ? Trong 2 cuộc chiến tranh chống ngọai xâm + với chống quân xâm lược TQ, Tổ quốc ta, nhân dân ta và bản thân cha, mẹ, họ hàng nhà tôi đã mất mát bao nhiêu - không thể đo đếm ! Ôi, mối thù này làm sao có thể đội TRỜI chung được đây ? Tôi xin lỗi anh, vì đọc bài của anh tôi thấy như 1 mũi tên đâm thẳng vào trung tâm tim tôi đang chảy máu tươi, nên viết lung tung một chút để chia sẻ nỗi đau truyền kiếp này với anh.  Mong anh lượng thứ.

Xin cám ơn các quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !





TÔI RẤT NHỚ VÀ NHẮC LẠI (1)




Xin lỗi anh Đặng Việt Hùng, chả lẽ tôi lấy đầu đề của anh trong blog là KHÔNG THỂ QUÊN, nên tôi đáp lại những gì anh đã nhã ý nhắc tôi và tất cả mọi người, thế hệ con em chúng ta ngày nay và mai sau đừng bao giờ quên mối thù mà nhà cầm quyền TQ đã gây ra cho dân tộc ta năm 1979. Chị Nguyệt Ánh cũng đã có lần nhắc lại cho mọi người trong blog của mình ngày 17/2/1979 rồi. Tôi kể lại để anh và tất cả mọi người biết lúc đó chúng tôi ra sao nhé:

Năm 1979 khi tôi đang thỉnh giảng ở trường đại học Tây Nguyên thì nghe tin TQ đánh sang phía Bắc nước ta. Cả trường đại học Tây nguyên sôi sục căm thù, cán bộ giảng dạy và sinh viên viết đơn tình nguyện xin gác lại việc dạy và học để sẵn sàng  RA CHIẾN TRƯỜNG CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC TQ. Tôi nóng lòng nhưng thời hạn thỉnh giảng còn lại ít, biết sắp ra HN, tôi tìm gặp ông Trần Viết Theo, ty trưởng ty nông nghiệp Đắk Lắk thời kỳ chống Mỹ, gửi 2 đứa con cho ông để về nhập ngũ, nếu tôi không trở về nhờ ông và các em nuôi 2 đứa con tôi. Ông và các em (11 con ông ) sẵn sàng giúp tôi việc đó.

Nếu lúc đó anh ở VN thì sẽ chứng kiến tận mắt lòng sục sôi, căm thù bọn Tầu đến mức nào. Cũng chả khác gì thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhiều người đã lấy máu viết đơn xin nhập ngũ để trả thù cho hàng loạt dân lành trên Việt Bắc chết oan và hàng bao nhiêu bản làng mà cả rừng lính Tầu tràn sang chém giết dân lành, đốt phá bản làng tan hoang...

Xong việc thỉnh giảng ở đại học Tây Nguyên ra HN tôi được bạn bè cho biết lính Tầu đã san bằng một số nơi trước đây tôi đã từng học ở đó, hơn nữa một số người quen và bạn bè tôi (kể cả bạn cùng lớp) đã bị giết hại...

Vậy xin hỏi anh, liệu tôi có thể quên ? Mối thù khắc cốt, ghi xương đối với dân tộc, Tổ Quốc ta liệu có thể quên ? Không và không bao giờ, sống để bụng và nhắc lại cho những ai muốn hoặc đã quên và các con cháu mai sau hãy ghi lòng tạc dạ mối thù này, còn chết tôi sẽ mang theo !!!

Năm 2009 TSQ do anh Đinh Bá Trụ làm trưởng đoàn nhận lời mời của trường Quế Lâm sang đó mấy ngày . Chúng tôi được họ chia nhau ra phỏng vấn từng người. Tôi cũng được 1 nhà báo phỏng vấn, tôi không quan tâm nên không hỏi nhà báo bất cứ điều gì, mà chỉ trả lời họ hỏi :
- Xin hỏi chị có biết tiếng TQ không ?
- Tôi chỉ biết tiếng Nga, không biết tiếng TQ .
- Vì sao ?
- Vì lúc đó tôi mới học lớp 3, mà học cấp 2 tức là lớp 5 mới được học ngoại ngữ. Trong khi đang học lớp 3 thì tôi cùng 99 bạn được Bác cử sang LX học, tức là năm 1954.
- Sao chị và các bạn được sang LX sớm thế ?
- Chúng tôi sang TQ học để tránh bom đạn của Pháp. Nghĩa là ở NHỜ đất TQ để học tập cho khỏi chết vì bom đạn của Pháp. Còn chúng tôi học toàn thầy, cô giáo VN dạy. Ban giám hiệu cũng toàn người VN. Chỉ có duy nhất cấp dưỡng là người TQ. Còn vì sao chỉ có 100 ư ? Vì chúng tôi là những con các nhà  CM VN đã hy sinh và con các thứ, bộ trưởng, các vị lãnh đạo của nước VNDCCH. chứ không phải những trẻ nhặt , cầu bơ, cầu bất ngoài đường như các vị đã tưởng.
- Vậy là bây giờ chúng tôi đã rõ các vị không phải là những trẻ con " khuân nản" mà được TQ dạy dỗ tại đây nay trở thành các vị lãnh đạo nhà nước?
 - Không hề có chuyện đó. Tôi không biết tiếng TQ ai nói sao, nhưng cả những người đã học tại đây cho đến ngày giải tán trường và cả chúng tôi không hề có ai NHẶT được mà lại sang đây học, rồi trở về làm lãnh đạo nước tôi đâu.Nếu ông để ý xem danh sách các vị lãnh đạo hiện nay thì hầu hết học ở LX và các nước khác về chứ không phải chỉ ở TQ.
Khá nhiều câu hỏi XỎ mà tôi quên rồi, chỉ còn nhớ những câu chính như tôi trình bầy ở trên thôi.
Anh ĐVH có thấy họ định LÀM NHỤC ta là họ đã đào tạo những  THẰNG ĂN MÀY  trở thành những người lãnh đạo nước ta không ? Vậy thì sao tôi có thể trọng họ được. Chuyện to như Hoàng sa, Trường sa, tôi không dám động tới. Nhưng nếu giờ này ở VN anh sẽ biết thêm được bọn Tàu đã làm hại nông nghiệp VN, từ việc mua đỉa, mua khoai, mua chuối... với giá cao, khi dân gom lại chúng bỏ mặc họ để thối. Đồ chơi trẻ con toàn nhiễm chất độc, đặc biệt là chì. Thôi nói chuyện này thì chẳng bao giờ kết thúc...Vì nay chúng QUYẾT  GIẾT hại chúng ta trên mọi mặt trận chứ không phải như năm 1979 đâu, mà chúng giết hại hàng loạt dân ta bằng mọi cách, TIÊU DIỆT dân ta từ từ bằng mọi thủ đoạn...

Xin cám ơn anh ĐVH nơi xa Tổ Quốc hàng chục vạn dặm vẫn nhắc cho những người ở Quê hương nhớ lấy mối thù này. Nhờ có bài của anh, tôi có dịp nhắc lại mối THÙ này...
 

TÔI KHÔNG VÀ KHÔNG THỂ QUÊN, KHÔNG BAO GIỜ !!!!!

Bài sau tôi sẽ nhắc mọi người nhớ đến mối thù với ĐẾ QUỐC MỸ.
Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !

LỜI CÁM ƠN K5 LƯ SƠN -QUẾ LÂM.





Trước hết tôi xin thành thật cám ơn ban liên lạc và tất cả các thành viên K5 đã cho tôi được dự ngày hội của lớp. Mỗi lần dự ngày hội của lớp là một lần tôi gặp nhiều bạn cũ và thêm được bạn mới. Điều đó làm cho cuộc sống của tôi vui vẻ, có ý nghĩa hơn.

Tôi vừa gửi xe xong đi vào nơi họp thì gặp mấy anh, chị đang đứng chuyện trò rôm rả. Ở xa không nghe được gì, khi đến gần thì chỉ còn thấy tiếng anh Khoa Phi:
- Xanh, đỏ, tím, vàng đấy ! 
Biết chắc anh KP nói về mình, tôi cười và đáp :
- Anh nhìn lại xem, làm gì có xanh, đỏ, tím, vàng mà là đen, đỏ, vàng thôi. Nghĩa là áo đỏ+đen và váy đen với tóc vàng chứ lấy đâu ra...Chưa kịp nói tiếp thì có giọng anh nào đó nói:
- Lấy đâu ra xanh, đỏ, tím, vàng Tuấn Nga nhỉ !
Thật ra nhiều anh, chị lâu nay đã biết rất rõ tên tôi, nhưng chắc anh KP muốn nói thế cho vui.

Nhiều người thích nói đùa cho vui, tôi hiểu thế, nên chả nói gì chỉ thêm :
- Thì tôi đến đây. Tôi vốn là người vui đâu chầu đấy mà lị. 

Gặp gỡ, họp mặt với các anh, các chị K5 đối với tôi, tất nhiên không phải là KHÁCH thường vẫn được giới thiệu cho long trọng mà là 1 thành viên của lớp thì đúng hơn. Thành viên là nói sự có mặt thôi chứ thật ra là  TRÈO CAO đấy, vì tôi chỉ là học sinh lớp 3 thôi mà. Lần đầu tiên tôi được Thanh Mai tài trợ cho đi Đường Lâm và một số nơi, sau đó đi đâu TM cũng rủ tôi đi cho đỡ buồn và trao đổi không khí cho khỏe. Hơn nữa còn có cả Nữ Hiếu cũng hay quan tâm đến tôi và cũng cùng TM động viên tôi đi cùng các bạn K5. Thế là khoảng 5 năm nay tôi không còn quan tâm mình lớp nào cứ TM, Nữ Hiếu rủ là tôi hăng hái tham gia.

Nói vui đâu chầu đấy cho vui thôi, chứ CHẦU cũng nhiều điều hay lắm. Như các cụ nói :" Đi 1 đàng, học sàng khôn " nên tôi chầu lắm lúc cũng thu được nhiều điều tốt đáo để, kể ra thì dài, nhưng thật lòng tôi đã được mở mang khá nhiều điều trong những cuộc hội họp và đi dã ngoại này. Như chuyến đi Sapa đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm : Lần đầu tiên nhìn thấy sương mù, lần đầu tiên đi xem chợ tình, lần đầu tiên lên cổng trời... Những chuyến đi như thế này tôi đều NHẶT được những điều bổ ích và lý thú. Cũng vậy mọi người mới thấy tôi ĐI, leo trèo chả kém bất kỳ NAM nhi nào...Thôi tôi chỉ nói sơ sơ thế, chứ kể ra thì phải cả quyển sách mới hết kỷ niệm !  Một lần nữa xin cám ơn tát cả thành viên trong ban liên lạc lớp K5 và cho tôi được bầy tỏ lòng biết ơn với các bạn đã quan tâm đến tôi. Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


LỚP HỌC TRẺ CON ĐẦU ĐỜI ( bài 2 )



Hôm nay đúng ngày 20/11 tôi viết bài này tiếp để trao đổi thêm với những ai làm NGHỀ GIÁO. Hiện nay phong trào học và dạy ngoại ngữ rất mạnh, mục đích của mỗi thứ tiếng khác nhau, nhưng chung vẫn là sở hữu thứ tiếng đó để làm việc mình mong muốn. Cũng vậy lúc tôi dạy tiếng Nga cho các cháu nhỏ này cũng mong cho các cháu sở hữu tiếng Nga giỏi để lớn lên sang LX học. Lúc đó LX là mục đích của hầu hết người VN ở miền Bắc.

Để đạt được mục đích của mình, tôi phải nghĩ cách dạy sao cho các cháu MÊ đất nước và con người nơi xứ xở ấy. Muốn cho các cháu mê thì không phải chỉ tiếng mà toàn thể về con người và đất nước ấy. Làm sao cho mỗi khi các cháu đến lớp là niềm vui, niềm mơ ước chứ không phải bắt buộc.

Vì mục đích của mình, tôi tạo cho các cháu lòng yêu tiếng Nga, con người Nga, đất nước Nga nói riêng và LX nói chung.

Chính vì thế, lúc nghèo nàn, gia đình tôi chỉ có 1 radio RIGONDA và 1 số đĩa các bài hát Nga, lúc nghỉ giải lao tôi bật cho các cháu nghe và hát theo các bài hát Nga. Các cháu rất thích và tất cả đều hát theo. Khi các cháu hát thì sai đâu, tôi sửa đấy kể cả phát âm và nhạc, tôi không quan tâm đến các cháu có hiểu những từ trong bài hát hay không, miễn là chúng hát đúng. Tôi thường lấy những sai sót của sinh viên kể lại cho các cháu nghe vừa vui, vừa rút kinh nghiệm, như lớp sinh viên của tôi có anh nói toàn ngược:
 Lênin là vị lãnh tụ vĩ đại của LX. Anh ta toàn đọc là Nêlin. Tôi sửa mãi không được và giao bài về nhà cho anh chỉ đúng 1 từ:
- Tôi yêu cầu anh về nhà luyện cho tôi chỉ nói đúng 1 từ Lênin thôi. Lần tới anh phải trả bài cho tôi đúng thế.
Lần sau anh ta đến lớp vẫn Nêlin. Tôi rất bực, nhưng khi dạy tôi thường mềm mỏng và kiên nhẫn:
- Sao anh về không học bài à ? Chỉ có đúng 1 từ tôi giao mà anh đọc không được, vậy các bài khác trong lớp anh học thế nào ?
- Dạ thưa cô em đã cố học bài đấy chứ ạ. Nhưng quê em nói thế, xin cô thông cảm.
- Tôi không thể thông cảm với anh được, vì quê anh làm gì có ông Lênin mà anh bảo tôi quê anh nói thế. Tôi muốn cho các anh không những ngọai ngữ nói đúng mà là tiếng VN cũng phải nói đúng, vì các anh, các chị sau ra làm trong các cơ quan nhà nước hay đi dạy nếu nói tiếng VN còn ngọng thì nói ai nghe, nếu không nói là mọi người KHINH có trình độ đại học mà nói không nên lời. Còn thật lòng mà nói, các anh các chị chỉ học để nhìn chữ, hiểu nghĩa làm kỹ thuật tất nhiên không cần nói đúng. Nhưng tôi muốn có dịp nào đó ai được sang đất nước này sẽ không khó khăn khi nói, nghe, đọc và viết, Chỉ thế thôi.

Kể lai cho các cháu lớp nghe để các cháu vừa buồn cười và vừa chê những cái sai, tự luyện mình trong mọi trường hợp. Vì thế lớp tôi không cháu nào nói ngọng cả 2 thứ tiếng. Đó là phần thưởng lớn cho tôi. Tôi yêu chúng nên  QUYẾT TÂM dạy cho chúng về mọi mặt tốt của LX lúc bấy giờ. Bắt chúng viết đẹp, học giỏi cả ở lớp VN và giỏi cả tiếng Nga và ca nhạc LX, chỉ tiếc lớp bé không có chỗ dạy nhảy. Cháu nào hát cũng hay, đặc biệt Long không những hát hay mà còn đánh nhịp điều khiển lớp hát rất đúng, sai đâu thay cô sửa đấy, mà cũng có chút pha trò, tiếu lâm hay nhại lại cái sai nên lớp rất thích.

Kỷ luật của lớp bất di, bất dịch, không phân biệt cháu nào, kể cả con cô giáo. Cho nên không hiểu sao một hôm sắp dạy tôi nghe tiếng con tôi nài nỉ chị nó mãi :
- Đi, chị Lan ký cho em đi !!! Nếu chị không ký mẹ không cho em vào lớp thì Ê lắm !
- Mặc kệ, chị không ký để mẹ không cho vào lớp mà chừa đi.
- Thì chỉ 1 lần này thôi !
- Ừ, chỉ một lần này thôi đấy, không có lần nữa đâu nhé !

Nghe 2 con mặc cả với nhau, tôi buồn cười mà không dám cười sợ các cháu nhìn thấy lại chế con gái mình là bị mẹ cười cho không tuân theo kỷ luật của lớp, nên tí nữa không được vào lớp.

Tôi mừng là dù không nhiều nhưng cũng được hơn chục cháu nói và hát tiếng Nga rất hay. Sau đó cũng có một số lớp nữa mở thêm, nhưng thua lớp này, vì số người lên tới 20-25, thậm chí 30 cháu, tôi quá nể cố nhận, nhưng không còn luyện cho từng cháu cặn kẽ như lớp này vả lại học ở lớp học nghiêm chỉnh không có radio nên cô dạy sao học vậy,  không được nghe đĩa. Tuy người ngoài hay thậm chí phụ huynh của các lớp này vẫn ca ngợi và hài lòng, nhưng tôi không hài lòng chút nào.

Những năm sau, người ta mời tôi dạy riêng từng cháu với mục đích đi thi tiếng Nga, đi học đại học ở LX,  hay đi làm việc tại LX. Tất nhiên dạy từng cháu đi thi là mục đich lớn, vì tôi đã luyện thi thì cháu nào cũng được giải, nhưng từng nhóm đi sang LX làm việc thì mục đích học không cao. Họ trả bao nhiêu là tùy họ, nhưng số tiền thù lao không bao giờ tôi lấy đúng số tiền họ trả. Các lớp trả tiền tôi vẫn nhận cho phải lẽ thì tôi quản các cháu rất chặt. Có cháu học không chăm hay không đều buổi, tôi phản ảnh ngay với bố mẹ. Rất bực mình và bất bình trong đời làm nhà giáo của tôi bị 1 cháu năm 1988 nói:
- Sao cô phản ảnh với mẹ em là em vắng mặt không xin phép và không thuộc bài  Mẹ em đã trả tiền học phí cho cô rồi còn gì !
Vậy là ngay hôm sau mẹ học sinh đó nhận lại số tiền học phí đã nộp trong thời gian vừa qua và tất nhiên học sinh đó phải rời khỏi lớp.

Tính tôi nó quái thế - Áo rách còn giữ lấy lề, ngọc nát còn hơn ngói lành, đói cho sạch, rách cho thơm.

Bây giờ đã bao năm MẤT DẠY (nghỉ hưu), nhưng tôi vẫn giữ thói của mình như thế. Thậm chí vẫn dạy 1 số không thù lao. Tôi cố giữ lấy cái ĐỨC của mình là một cô giáo. Cho nên nếu nói TÂM của nhà giáo có thể tôi không có, vì nó xa vời quá, chứ ĐỨC thì tôi phải giữ mãi đến ngày cuối cùng.

Hôm nay đúng ngày 20/11 tôi thật lòng tâm sự với những ai làm nghề giáo hãy cố mà giữ lấy cái ĐỨC nhỏ nhoi của 1 người thầy hay 1 người cô với thế hệ đi sau ta. Xin chân thành cám ơn tất cả những vị đã đọc và góp ý. 
Xin kính chào !







 


LỚP HỌC TRẺ CON ĐẦU ĐỜI (BÀI 1).




Nhân ngày nhà giáo VN tôi viết bài này lại vì tôi đã từng đăng 3 bài này ở blog của mình, nhưng đổi mạng Yahoo sang blogspot mất rồi. Viết lại có khác chút, song về cơ bản vẫn đúng.

Con lớn của tôi khi 3 tuổi tôi vào học đại học đưa  theo lên Lạng sơn thì nó đã biết hàng trăm từ tiếng Nga. Một hôm đi nhà trẻ về, nó xin mẹ cho nó liếp ( лев ). Chưa kịp hiểu con xin gì thì nó nhắc lại bằng tiếng Việt :" Con tư tử ( con sư tử) , chứ không phải ( хлеб ) bánh mì đâu. Nó biết mình phát âm 2 từ này sai nên tự dịch sang tiếng Việt. Vậy mà đứa thứ 2 ra đời sau chị nó hơn 8 năm tuyệt đối không dùng tiếng Nga. Hơn nữa còn kịch liệt phản đối dùng tiếng Nga ngay tại nhà mình. Một hôm nó đòi xin gì đó, tôi nhất định không cho và bắt nó nói tiếng Nga  mới cho. Nó vẫn nói được đúng. Vậy là tôi hiểu nó CHỐNG ĐỐI tôi dùng tiếng Nga ở nhà. Tôi tức mắng nó :
- Sao con không nói tiếng Nga như cả nhà mà cứ nói tiếng Việt thế ?
- Có bạn nào trong lớp con nói tiếng Nga đâu mà con nói. Con nói các bạn Hítle ( không chơi với ) con. Thế thì con nói làm gì. Cả nhà mình cũng biết  tiếng Việt còn gì.
- Kệ các bạn ấy không nói, còn nhà mình cứ nói đã sao đâu .
- Nhưng các bạn chung quanh nghe tiếng lại bảo nhau Hitle con !
Khổ cho đời ở tập thể là thế, trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Mình nói với nhau to to một tí là chung quanh nghe thấy hết. Tôi nghĩ cách đối phó với bọn trẻ con chung quanh để chúng hiểu nói tiếng Nga trong gia đình không có gì XẤU. Cuối cùng tôi trao đổi với thầy giáo dạy "cơ lý thuyết " của tôi thời còn học tại trường Bách khoa. Trình bầy đủ mọi thứ xong tôi nói với anh :
- Anh Lân ơi, tôi định thành lập 1 lớp trẻ con học tiếng Nga. Anh thấy thế nào ? Nếu không tạo điều kiện cho các cháu học lúc bé, lớn lên cũng muộn, mà muộn thì phát âm không hay, tiếc lắm anh ạ.
- Tôi nhất trí với chị.
- Nhưng thành lập cũng khó lắm. Lớp ngồi vào đâu, học thế nào khi các cháu học cả tiếng Việt, ở trường chúng KHOE nhau và lũ bạn không được học lại khiêu khích cũng phiền...
- Chị nói đúng, nhưng ta thấy hay cứ làm. Tôi ủng hộ chị và sẽ cùng chị mở lớp.
- May quá, anh không những ủng hộ mà còn giúp tôi mở lớp. Vô cùng cám ơn anh. Thật ra như chị nó thì làm gì tôi phải mở lớp, con này bướng quá, phải mở lớp cho có bạn, chúng đua nhau.
- Đúng thể, chị cho tôi tham gia và cho thằng con tôi học với.
- Thế thì quá hay, vì cháu Long và con Ly trước đây cũng ở gần nhau, chúng chơi với nhau quen rồi. Nhưng cháu Long học lớp 1( lúc đó còn lớp vỡ lòng nữa ) mà con Ly chưa đi học, nghĩa là 1 chữ Việt bẻ đôi không biết.
- Có sao đâu, bây giờ chúng đều bắt đầu học tiếng Nga cả. Ta mở 1 lớp gồm toàn con cán bộ giảng dậy cho đỡ phức tạp, vì các thầy cô đều MÊ tiếng Nga, mà chị dạy thì tuyệt quá !
- Cám ơn anh, nhưng lớp đặt ở đâu bây giờ. Tôi nghĩ chỉ cho khoảng 10 cháu học thôi.
- Bên chị chứ còn ở đâu.
- Bên tôi thì chả có bàn, ghế, các cháu học thế nào.  Mà tôi nghĩ ra rồi, cứ cho các cháu ngồi xuống sàn, lấy mấy tấm ván dài, gác lên 2 cái ghế con lật nghiêng làm bàn, chắc được đấy.
- Hay rồi, tôi lo chị phải soạn giáo trình cho các cháu không biết dựa vào đâu.
- Tôi lại không lo, vì ở VN hiện nay bán sách BUKVAR của Nga đầy, mua cho mỗi cháu 1 quyển là xong.
- Nhưng quyển này đã dịch đâu, toàn tiếng Nga thì các cháu học sao, khi bên cô thì được, nhưng có phải bố,  mẹ nào cũng biết tiếng Nga đâu mà phụ đạo ở nhà.
- Cần gì phụ đạo. Tôi chỉ cần bố, mẹ đốc thúc các cháu học thuộc ở nhà thôi, còn kệ chúng xoay xở, miễn là thuộc bài là tốt.
- Học thế được, hả chị ? Thế dịch thế nào đây?
- Thì tôi nói không cần dịch, cứ thế học thẳng tiếng Nga, các cháu tự hiểu, các vị cứ mặc tôi không được can thiệp việc dịch. Hơn nữa tôi yêu cầu bố, mẹ tuyệt đối không tham gia vào việc dạy của tôi ở nhà. Tôi sẽ dạy các cháu theo cách của mình. Tôi yêu cầu chỉ 10 cháu thôi để cho chúng đua nhau học, không hơn, không kém. Anh thấy sao ?
- Đúng đấy, càng ít,  càng tốt. 
- Không phải càng ít, càng tốt mà đủ để các cháu thi nhau học, ít quá không có khí thế, nhiều thì không quản hết từng cháu phát âm. Việc tuyển học sinh anh có thể giúp tôi được không ?
- Tôi sẵn sàng theo ý chị là 10 cháu toàn con cán bộ gảng dạy.
Chúng tôi bàn cụ thể từng li từng tí và đến ngày khai giảng các cháu nô nức đến nhà tôi học. Mười cháu này hầu như quen biết nhau cả. Chúng chuyện trò vói nhau vui lắm. Để dễ điều khiển nói tiếng Nga cho đúng tôi hỏi tên các cháu và dựa theo chữ cái đầu đặt cho từng cháu. Thí dụ Ly - Lena, Anh - Anhia, Minh - Misa, Tâm - Tanhia... Các cháu rất thích được đặt tên Nga, mặt cháu nào cũng rạng rỡ hẳn.

Gia đình nào cũng mua cho các cháu đầy đủ sách học tiếng Nga (Букварь), bút chì 2b, 1 quyển vở tập viết nghiêng cũng của Nga bán và 1 quyển vở làm nhật ký sổ điểm.

Buổi đầu tiên chỉ có đặt tên và yêu cầu các cháu phát âm đúng tên mình và tên các bạn trong lớp. Vậy là các cháu đã biết được 10 tên Nga phát âm chuẩn rồi. Cháu nào cũng phấn khởi khoe với bố, mẹ mình có tên Nga và bạn nọ, bạn kia tên gì...

Học mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 90 phút, nghỉ giữa giờ 15 phút nghĩa là thực chất chỉ có 75 phút học. giữa giờ giải lao tôi khuyến khích các cháu đố nhau tiếng Nga bằng cách chỉ những con vật rồi nói thẳng sang tiếng Nga không được nói tiếng Việt. khoảng nửa tháng có anh dưới tầng 3 lên xin cho con lớp 2 học. Tôi từ chối, anh ấy nói nếu tôi không cho cháu học thì cứ ngồi cửa nhà tôi đến 12 giờ đêm không về. Vậy là tôi phải nói với anh xin 9 bố, mẹ các cháu đồng ý và nói với anh Lân, tất cả đồng ý tôi sẽ nhận. Quá 1 tháng lại thêm 1 cháu ở tầng 2 xin qua anh Lân. Tôi buộc phải theo, vậy là 11 cháu và con gái tôi. Chỉ mình con tôi là chưa biết chữ. Kỷ luật rất khắt khe. Ngày nào tôi cũng cho điểm và yêu cầu bố mẹ ký vào lần sau tôi mới cho vào lớp. Hơn nữa phải là học sinh GIỎI của lớp tiếng Việt chứ không được kém, để bố mẹ khỏi than phiền là vì tiếng Nga nên con học kém. Vì thế có hôm 1 ông bố đến gặp tôi than phiền :
- Cô giáo ơi, con bé nhà tôi nó chỉ thích học tiếng Nga thôi, riêng môn tiếng Nga học tự nguyện và bi bô cả ngày, còn tiếng Việt thì chúng tôi cứ dục mỏi mồm. 

Tôi lập tức chấn chỉnh ngay. Vậy là các cháu muốn học lớp tiếng Nga này phải cố học giỏi tiếng Việt.

Sau 2 tháng học anh Lân đến gặp tôi đề nghị cho nộp học phí. Tôi phản đối. Nhưng anh Lân nói các cháu học rất tốt, tôi quá mất sức với các cháu nên bố, mẹ các cháu yêu cầu bồi dưỡng cho cô một chút gọi là. Nghĩa là mỗi cháu nộp 3đ/tháng. Anh nói mãi, tôi đành nhận. Vậy là từ tháng tới này tôi nhận của mỗi cháu 3 đ/tháng, nghĩa là tôi không còn toàn quyền nữa mà phải phụ thuộc vào bố, mẹ các cháu. Điều này tôi không thích. Tôi chỉ ngại họ điều khiển tôi cách dạy các cháu theo ý họ. Nhưng rất may điều đó không xẩy ra.

Tôi dạy các cháu dần dần đọc thơ, học các bài hát của trẻ con Nga và đóng các vai trong chuyện cổ tích hay chuyện " Nhổ củ cải ". Đọc thơ tập thể, nghĩa là mỗi cháu đọc 2 câu cho đến hết bài. Khi hát tôi phân công cháu Long đánh nhịp hẳn hoi như một ban đồng ca. May sao các cháu rất thích và rất nghe lời. Các cháu bé nên uốn nắn phát âm tuyệt vời, nói chả khác gì trẻ con Nga...

Đến ngày hội diễn của trường đại học Bách khoa tôi xin đăng ký cho các cháu biểu diễn để khích lệ. Lần đầu tiên trường ĐHBK được nghe các cháu biểu diễn 3 bài hát và đọc thơ Nga.

Sau buổi biểu diễn mọi người hoan hô vang cả C2, vì các cháu biểu diễn kết thúc, nên cả hội trường nhao nhao bàn tán, hoan hô không ngớt ngay cả ngoài hội trường. Tiếng vang không những trong trường mà vang cả Hà nội, nhất là các trường đại học, đặc biệt trường sư phạm ngoại ngữ và trường ngoại ngữ Thanh xuân. Các thầy đầu ngành đến gặp tôi tham khảo...

Tôi cứ thế dạy cho các cháu từ Bukvar, lớp 1, lớp 2... đến gần hết quyển dạy tiếng Nga cho sinh viên thì tôi ra đi. Các cháu học tôi đều có cách đọc tiếng Nga khác với người VN lúc đó, không ê a, không ư ư, không ử ử, không ngang ngang giọng người VN. Riêng con tôi khi sang Nga học đúng lớp 5 như ở VN mà không khó khăn gì. Các cháu khác khi tốt nghiệp 10, đi LX không phải qua 1 năm học ngoại ngữ ở Thanh Xuân , cũng không khó khăn gì khi học đại học tại LX lúc bấy giờ.

Trước đây tôi đã viết 3 bài về lớp này, nhưng nay cô lại thành 1 bài nên hơi dài, thành thật xin lỗi bạn đọc. Nhân ngày 20/11 nhiều bạn đọc nhắc tôi viết nên tôi phục tùng viết lại. Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


CÒ Ở GA GIÁP BÁT HÀ NỘI.




Hàng ngày tôi xem chương trình " Chào buổi sáng " của VTV1 đều có hẳn 1 mục riêng về giao thông. Trong mục này lúc nào cũng nhắc nhiều thứ thuộc giao thông, nhưng cũng thường nói đến các loại xe công cộng trên các tuyến xe chính của HN. Tôi thấy lúc nào VTV cũng nhắc mọi người nên vào ga mua vé, không đón xe dọc đường. 

Tôi rất hưởng ứng việc vào bến xe mua vé. Thường đi Hải phòng tôi cũng vào tận nơi mua vé ở cửa bán vé và lên xe ngồi theo số trên vé. Cũng vậy hôm nay tôi nhắc con gái nên vào tận nơi mua vé, không lên ở cửa bến xe :
- Nhớ vào tận bến xe mua vé đi từ đầu, Ly nhé.
- Vâng, tất nhiên vào tận bến xe mua từ đầu chứ ạ.

Gửi xe máy xong, con đưa tôi vào bến. Trong bến xe hầu như các xe đi Thái bình RỖNG, chẳng có ai. Con tôi bảo :
- Xe nào cũng chẳng có người, không biết thế này bao giờ mới chạy. Để con xem xe nào có khách ngồi thì mua vé xe ấy.

Bọn CÒ MỒI thì chạy nhom nhom theo 2 mẹ con tôi còn nhiều hơn  QUÂN THANH . Chúng không những chạy theo chào mời mà còn níu kéo thật sự. Một số đuổi theo túm áo, túm eo, túm tay đẩy lên xe. Một thằng CÒ MỒI tóm chặt tay trái tôi, tay phải ôm eo đẩy lên xe, tôi vừa tức, vừa đau tay quá giật thật mạnh. Chiếc vòng ngọc bích đeo trên tay văng xa, tôi tìm mãi không thấy. Thằng cò mồi nói:
- Cháu có làm gì đâu, cái vòng tự nó văng ra.
 Thế là nó mới lẳng lặng chuồn thẳng ( chắc sợ phải đền ).
 Tôi tìm quanh mãi không thấy, có người bảo thôi tìm làm gì, chắc mất rồi...Không biết những lời nói đó là vô tình hay cố ý để tôi không tìm mà lên xe đi rồi họ tìm lấy sau.

May thay, Lưu Ly đi sau tôi trông thấy chiếc vòng văng ra khỏi tay tôi không phải là bên trái mà là bên phải, khi tôi tìm bên trái thì con tôi lại nói :
- Con thấy nó văng ra rơi bên này cơ , mẹ ơi ! 

Tôi quay ra cùng tìm với con và vài người khác. Ly reo lên:
- Con thấy đây rồi, mẹ ơi ! Tít tận bên kia !
Tôi nhìn thấy con tìm vòng cách 2 ôtô đỗ và quá nửa gầm xe thứ 3, vậy là khoảng hơn 4 m. Tôi giật tay mạnh đến mức vòng văng xa như vậy, nghĩa là tôi đã hết sức mới giật được tay mình ra khỏi tay gọng kìm của thằng cò mồi.

Bò vào gầm xe thứ 3 lấy được chiếc vòng ra, tôi tức đến nghẹn cổ. Vậy mà con còn trách mẹ :
- Mẹ giật tay mạnh quá nên vòng mới văng ngược và văng xa thế.
- Nếu không giật mạnh chắc nó bẻ gẫy tay mẹ rồi !

Chia sẻ nỗi  TỨC GẦN HỘC MÁU MỒM cho mọi người, nhất là các cụ già đi đâu bằng phương tiện công cộng, dù ở bất kỳ bến xe nào, chú ý rút kinh nghiệm.

Mong tất cả mọi người không bị gặp tình huống như tôi. Xin cám ơn các vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !

PHẦN THƯỞNG.




Sau khi đội văn nghệ của XND nhận diplom, tôi được TGD triệu lên gặp ông. Cũng không quanh co, ông hỏi ngay tôi:
- Các cháu thợ dệt VN sau khi nhận diplom nói gì ?
- Các cháu không nói gì, chúng trở lại làm việc theo ca bình thường.
- Thế thì tốt. Còn riêng chị nghĩ gì ?
-  Tôi nghĩ phải cho các cháu 1 phần thưởng xứng đáng với công sức của chúng, tất nhiên không phải là  TIỀN THUỞNG  bình thường, mà phải thưởng đặc biệt cho các cháu nhớ đời.
- Ôi, sao chị yêu cầu cao thế ?
- Tôi vốn là người thường nhìn lên cao mà ! Cho nên tôi cũng thích các cháu được thưởng gì cao một chút ( чуть-чуть ).
- Nghĩa là thế nào, chị nói đi.
- Tôi biết hàng năm trong các XN LX thường tổ chức cho công nhân hoàn thành kế hoạch được đi tham quan các nơi trên đất Xô Viết, vậy ông cho các cháu này đi 1 chuyến, được không?
- Đúng là chị, Natasa ! Chị lúc nào cũng làm tôi ngạc nhiên với suy nghĩ của mình. Quả thật đây là một phần thưởng NHỚ ĐỜI như chị nói, nhưng đi đâu đó không xa lắm mà lại rất hay - đó là 1 chuyến đi Moskva nhé !
- Không, thưa ông TGĐ kính mến !
- Thế chị muốn cho các cháu đi đâu, nếu không phải Moskva ?
- Các cháu này hầu hết không lạ gì Moskva, vì các cháu đã xin vida tự rủ nhau đi trong những ngày nghỉ ca rồi, thậm chí có cháu còn đi mấy lần. Đi đâu xa xa 1 chút và hơn nữa đặc biệt 1 chút.
- Thế thì đi Kavkaz nhé ! Kavkaz cũng đẹp và theo ý chị cũng xa xa một chút đấy !
- Không được, thưa ông. Tôi nghĩ Kavkaz là nơi núi rừng, các cháu ở VN không lạ gì. Ông nên cho các cháu đi đâu đó hiện đại 1 chút, Âu một chút và tất nhiên cũng là những nơi có chiến công lịch sử trong ĐẠI CHIẾN THỨ II, để các cháu hiểu thêm về  ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI XÔ VIẾT.
- Chị ghê thật đấy, Natasa. Đúng là chị bao giờ cũng đòi hỏi quá cao ! Đi Leningrad nhé !
- Vâng, thưa ông, nhưng cũng không phải Leningrad.
- Vậy thì đi đâu ?
- Đi Brest, Belarus, 3 nước vùng biển Baltich: Litva, Latvi và Estonia.
- Trời ơi, Natasa, chị một lần nữa làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Chị biết đi thế tốn thế nào không ?
- Tôi biết tốn, thế mới gọi là thưởng chứ nếu đi mấy nơi như ông nêu thì chẳng thà thưởng bằng tiền còn hơn phải nghĩ và tổ chức đi làm gì.
- Chị có biết là những nơi chị nói chúng tôi cũng chả bao giờ mơ tới, đừng nói là đi. Vừa tốn, vừa ai quản lí các cháu được, những nơi đó là biên giới với Balan, lỡ các cháu trốn thì sao ?
- Tôi chắc chắn các cháu không trốn. Còn người LX ở đây lúc nào đi tham quan chả được, các cháu VN chỉ có 5 năm làm việc tại đây, nếu không cho các cháu đi, sau khi làm việc chưa biết có dịp nào mới đi được. Mà năm nào công nhân xuất sắc cũng được cho vé đi nghỉ các nơi cơ mà. Công đoàn chỉ chi thêm một chút là các cháu VN được đi 1 chuyến để đời.
- Chị đã kiên quyết thế, để tôi bàn thêm với chủ tịch công đoàn và thông báo lại kết quả cho chị sau. Nhưng nếu được đi, ai phụ trách các cháu đây ? Chị có dám nhận không ?
-Thì tôi nhận cũng được...

Một hôm họp phiên dịch và đội trưởng, ông PTGĐ thông báo về việc thưởng cho một số cháu tham gia thi ở festival Ростов-на-Дону. Phần thưởng là một chuyến đi  Brest, Belarus, Estonia, Latvi và Litva. Tôi mừng tí reo lên. Song có chấn tĩnh lại, tôi làm như không biết hỏi lại ông PTGĐ...
- Chị LTN hỏi lại đúng đấy. Phần thưởng này rất xứng đáng, vì hôm đi thi có rất nhiều sinh viên các nước học tại Ротов-на-Дону tham gia, nhưng chỉ có đoàn ta được diplom, cho nên TGĐ và chủ tịch công đoàn quyết định thưởng cho các cháu 1 chuyến đi tham quan xứng đáng. Các đ/c có thấy xứng đáng không ?
 Chị P. nói ngay:
- Quá xứng đáng ! Tôi hoan hô nhà máy và công đoàn đã thưởng cho các cháu chuyến đi này. Nhưng xin hỏi ai đưa các cháu đi, vì đi xa, nhưng phải biết quản lý và đặc biệt phải biết dịch khi đến các nơi lịch sử ! Còn trong các trường hợp cần như cấp cứu chẳng hạn
- Tất nhiên XND , TGĐ và chủ tịch công đoàn nhất trí cử chị LTN làm trưởng đoàn ! Có ai thắc mắc không ?
Mọi người ngồi im. Chị P hỏi thì thầm :
- Cụ có đi được không, nếu không đi được thì từ chối kẻo mất 1 đứa thì cụ chết. Bọn này là củi mục ( dễ bảo, nhưng bướng lắm) mà khó cháy lắm đấy, thấy khó quá từ chối đi. Nếu cử tao thì tao hàng ngay !
- Tôi đồng ý đưa các cháu đi.

Thế là cô cháu tôi được 1 chuyến thăm quan nhớ đời thật. Riêng tôi thấy mừng khi một số cháu đã làm rạng rỡ cho con gái VN, không những làm việc giỏi mà văn nghệ cũng rất khá.

Lại hết 1 chuyện ngắn vui vui mà chưa ai biết, nay kể lại để quí vị biết người VN ở bất kỳ đâu, nếu cố gắng việc gì cũng làm được và chắc chắn không thua kém ai.
Xin cám ơn quí vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


 

DIPLOM.



Đến ngày đem chuông đi đánh lưng người thì đội múa của XND cũng đã hoàn thành, chỉ tiếc không có gậy để có điệu múa sạp mà người LX lúc đó rất thích và khâm phục không được thực hiện. Người LX lúc đó thích điệu múa sạp vì nó không những sôi nổi, tình cảm mà đặc biệt là múa thế mà không BỊ KẸP CHÂN vào 2 chiếc gậy. Còn múa nón thì nón và áo dài không những đẹp mà còn  là 2 thứ độc đáo của VN trên thế giới,  các cô gái múa xinh đẹp và yểu điệu, tha thướt trông rất MÊ. Các cháu thợ dệt non trẻ của XND không ngoại lệ. Trang điểm xong các cháu chẳng khác những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, nhưng khác với họ là chúng rất trẻ, đẹp, chỉ trên, dưới 20 tuổi.

Gặp TGĐ, tôi không vòng vo mà yêu cầu ngay ông phải quyết định cho 1 ôtô riêng đưa đi thi, không được dùng phương tiện công cộng.
 - Natasa, chị có biết yêu cầu của chị quá cao đối với nhà máy không? Phương tiện công cộng rẻ gấp chục lần so với thuê ôtô riêng. Thật sa hoa và lãng phí. Từ khi nhà máy thành lập không bao giờ được thưởng, vì chỉ không bị khiển trách là may, nên chúng tôi không có tiền tiêu vào những khoản không cần thiết như chị nói.
- Tôi biết mình nói gì và tất nhiên nắm rất rõ lịch sử XND và hoàn cảnh hiện nay XND phải tiết kiệm như thế nào. Nhưng tôi không đảm bảo an toàn khi các cháu đi bằng phương tiện công cộng. Xểnh ra các cháu vào siêu thị hay lớ ngớ đâu đó, tôi không quản lí được, mất quân tôi nói thế nào ? Mà tôi biết chắc chắn ông sẽ cử tôi đưa các cháu đi, nếu không cho thuê ôtô riêng đưa các cháu đi thì tôi xin phép ở nhà.
- Chị đã kiên quyết yêu cầu và đã nghĩ thấu đáo thế, tôi đành vì danh dự của XND mà đồng ý. Song tôi nhắc lại thỏa thuận trước đây của chúng ta là các cháu phải mang được GIẤY KHEN ( похвальная грамота ) về cho XND.
- Tôi đảm bảo chắc chắn điều này, ông cứ chờ đấy !

Vậy là chúng tôi đến ngày đi thi được ôtô riêng đưa đi đến nơi, về đến trốn an toàn.
Đến nơi tổ chức festival tôi dặn các cháu cứ tập trung tại nơi tiếp đón, không được đi đâu sợ lạc. Các cháu phải nghỉ ngơi, ổn định tinh thần,  thể xác thoải mái trước khi biểu diễn. Riêng tôi đi gặp ban tổ chức để đăng ký tiết mục và xem sân khấu ra sao. Đăng ký tiết mục thì họ chấp nhận đơn ca tự đệm gitar và múa nón vì quá nhiều tiết mục dự thi, còn dành thời gian cho các đơn vị khác. Tôi đành chấp nhận và đi xem sân khấu. Nhìn thấy sân khấu quá rộng so với nơi các cháu tập ở XND, tôi choáng vì nếu to như thế, các cháu vào, ra sân khấu không kịp và lỡ nhạc rất nhiều, khoảng 3 lần so với nơi tập hàng ngày. Tôi đề nghị chị phụ trách chương trình cho các cháu tập lại trên sân khấu này với lý do trên, chị ấy đồng ý ngay và hợp tác với tôi chấn chỉnh tập lại và khớp với nhạc sao cho phù hợp.

Ngoài kế hoạch của chúng tôi là phải tập lại trên sân khấu rộng lớn, không quen, tôi phải động viên các cháu vì danh dự của XND hãy tập trung nỗ lực hết sức mình và bằng bất ký giá nào phải giành được  GIẤY KHEN mà TGĐ và cả XND mong chờ. May sao qua thời gian luyện tập ở nhà , tất cả các cháu đã hiểu, thông cảm cho tôi nên quyết tâm chả khác gì tôi. Tập lại các cháu không 1 lời phản đối những uốn nắn của tôi và chị phụ trách chương trình. Khi tập đã xong, các cháu mệt lử, lại cộng đói từ trưa, các cháu ăn qua loa gì rồi vui vẻ nghỉ chờ đợi đến lúc biểu diễn...

Tiếng vỗ tay vang lên rầm rộ, kéo rất dài. Tôi mừng là tiết mục đã được hưởng ứng đặc biệt. Tiết mục đơn ca cũng được hoan hô nhiệt liệt không kém, vì cháu T vừa hát lại vừa đệm gitar, hát tiếng Nga rất chuẩn và hay. Cháu hát bài của Alla Pugatriôva gần giống bà , lúc đó người LX đang rất hâm mộ bà, bài " Hãy mang em đi theo với  ( " Возьми меня с собой " ) . Sau 2 tiết mục của các cô gái VN, mọi người đứng dậy hoan hô rầm rộ và mãi mới thôi. Tôi mừng khôn xiết và tất nhiên cũng vỗ tay như họ.

Kết thúc, ban tổ chức gọi chúng tôi lên nhận DIPLOM ( bằng danh dự ). Thật ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Ông PTGĐ đưa đoàn đi biểu diễn vui mừng không xiết, ông lại chơi với tôi tiếng Nga xem tôi có hiểu sự khác nhau giữa 2 từ giấy khen và bằng danh dự ( похвальная грамота и диплом ) không.Tất nhiên tôi giải thích cho ông là 2 từ này khác nhau rất xa. Ông khen thế là tôi đã là người Nga thực thụ nên mới hiểu được như vậy. Nhưng tôi nói, chúng tôi, những người được học chính thức ở mái trường Xô Viết không ai là không biết phân biệt 2 từ này. Ông khen chúng tôi là những con người khá hiểu biết...

Trên đường về khuya, các cháu mệt, ngủ gà, ngủ gật.  Còn tôi và ông PTGĐ vẫn trao đổi nhiều về đủ thứ việc phải làm tiếp tục...Nhưng thỉnh thoảng ông lại nhắc :" Tôi rất mừng hôm nay chúng ta nhận được DIPLOM, diplom, chị hiểu được không, đ/c TGĐ sẽ vui mừng đến cỡ nào." Riêng tôi lại nghĩ làm sao thưởng cho các cháu món quà ý nghĩa và phải là nhớ đời chứ không phải thường TIỀN. Nếu XND có phòng truyền thống chắc còn giữ diplom này vì nó là diplom đầu tiên mà XND nhận được từ khi thành lập.

Bài dài rồi, hẹn sẽ viết tiếp phần thưởng sau khi nhận diplom cho các cháu.
Xin chân thành cám ơn các vị đã đọc và góp ý. 
Xin kính chào !

NHẬN LỆNH.



 Tổng giám đốc đi ký hợp đồng mua bông Bulgaria về liền triệu tập tất cả đội trưởng để thông báo. Tôi tưởng ông thông báo về việc các cháu chuyển nghề, nhưng không phải. Ông vui vẻ thông báo tuy ký kết mua bông thêm chậm, nhưng phía bạn rất vui chấp nhận và việc ký kết đã thành công mĩ mãn. Song không phải đây là thông báo chính của ông trong cuộc họp hôm nay, vì ông biết các cháu VN rất giỏi và chắc chắn năm nay sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch. tất nhiên XND ( ХБК ) sẽ có thưởng.  Còn thông báo chính là thành phố Rostov na Đonu sắp tổ chức Festival ca, múa, nhạc nên XND của ta cũng có nhiệm vụ tham gia. XND Sakhty tham gia không có gì lạ, nhưng ông muốn đây là năm đầu tiên có con gái VN làm việc, nên chủ yếu con gái VN phải tham gia là chính.

Các đội trưởng nhìn nhau thăm dò nên như thế nào. Tất nhiên tôi lại có ý kiến ngay:
- Nếu đ/c TGĐ yêu cầu và tin tưởng, chắc chắn chúng tôi tham gia. Sợ gì mà chúng ta lại khước từ !
Mấy đội trưởng nhao nhao nói tiếng Việt :
- Sao TN liều thế ? Đã tham gia là phải có huấn luyện viên dạy hát, múa tử tế chứ cứ múa lôm côm như biểu diễn lăng nhăng tại XND sao được.
- Tất nhiên khi nói tôi phải chú ý đến điều đó ! Mà đã đem chuông đi đánh lưng người thì tất nhiên phải kêu thật THANH mới được.
- Trời ơi, đừng có mơ ! Chắc gì đã tổ chức được còn mơ là THANH nữa.
- Theo tôi khó, nhưng phải làm bằng được. Chúng ta phải để cho XND biết không những chúng ta làm việc giỏi mà hát , múa cũng giỏi...
- Khiếp quá, mơ mộng ghê ! Nếu thế chị nhận nhiệm vụ đi !
- Xin đ/c TGĐ cho tôi nói!
- Mời chị LTN có ý kiến. Tôi biết chị bao giờ cũng có ý kiến xây dựng khác mọi người. - TGĐ nói.
- Vâng, tôi xin nhận các cháu VN sẽ tham gia hát, múa.
- Chưa gì đã liều quá đấy TN ạ.
- Tôi sang đây hơi chậm so với một số người, nhưng tôi biết có 1 lần hội diễn của XND, các cháu VN đã tham gia. Các cháu tham gia tự phát, được XN đánh giá tốt. Cho nên tôi nghĩ dựa trên những gì ta đã có, chấn chỉnh lại toàn bộ, chắc sẽ tốt.
- Chị nhận trách nhiệm với XND huấn luyện các cháu tham dự Festval ca , múa, nhạc của thành phố được không ?
- Tôi đồng ý nhận nhiệm vụ này với một điều kiện:
- Điều kiện gì, chị cứ nói, tôi là TGĐ sẽ quyết định.
- Tôi xin nhận huấn luyện các cháu hát múa, nhưng các cháu tham gia hát, múa không cùng một ca làm việc, tôi cần luyện cho các cháu tất cả các buổi chiều còn lại từ nay đến khi đi biểu diễn. Vậy xin ông cho lệnh các cháu đang làm ca chiều được nghỉ làm việc để tập hát, múa...
- TN đòi hỏi cao quá đấy ! Nghỉ làm việc để tập văn nghệ đi thi. Đừng mơ!
- Nếu ông TGĐ đồng ý cho các cháu đang làm ca chiều nghỉ thì tôi đảm bảo luyện cho các cháu đi thi tốt.
- Chị có đảm bảo các cháu sẽ đem giấy khen về cho XND không?
- Tôi đảm bảo !
- Sao TN dám liều thế, lỡ không được thì sao mà dám quả quyết nhận giấy khen.
- Đ/C LTN kiên quyết thế, tôi TGĐ quyết định cho tất cả các cháu tham gia luyện tập văn nghệ chuẩn bị Festival ca, múa, nhạc Rostov na Đonu làm ca chiều được nghỉ để tập.
- Xin cám ơn ông đã tin tưởng ở tôi. Nhưng tôi chỉ xin cho các cháu múa thôi. Các cháu đơn ca hay song ca không cần. Còn đồng ca, thì để LX tham gia, chúng tôi không tham gia.
- Vì sao ? Các cháu VN cũng hát hay mà !
- Theo tôi các cháu có thể hát hay, nhưng phát âm sai tiếng Nga sẽ mất hay trong đội đồng ca. Tôi chỉ luyện lại cho các cháu cố sao cho đúng nhạc, chứ không thế phát âm đúng, nghĩa là không thể hát hay được.
- Thế chị nhận những tiết mục gì ?
- Tôi nhận: đơn ca, song ca, tam ca và múa còn đồng ca là LX cũng hợp lý.
- Được rồi, tôi chấp nhận. Múa gì?
- Múa nón và múa sạp. một cháu phiên dịch sẽ đơn ca, thôi cho 1 cháu công nhân đơn ca cũng tạm được và tam ca của phiên dịch trẻ, tự đệm ghitar.
- Tôi chấp nhận và quyết định bắt đầu từ ngày mai chị chuẩn bị luyện cho các cháu.
- Tôi còn điều muốn nói : đó là nón và áo dài các cháu có sẵn, nhưng gậy để múa sạp thì tôi chưa nghĩ ra kiếm ở đâu.
- Tôi nhận việc này - chị P - một đội trưởng hăng hái nhận.
-  Tôi hỏi chị kiếm đâu ra 10 gậy nhỏ, thẳng, dài và 2 gậy lớn thì dễ.
- Cụ kệ tôi, tôi lo là được. Đảm bảo cụ có đủ gậy cho các cháu tập là được chứ gì.
- Hoan hô và cám ơn cụ đã hỗ trợ giúp tôi.
- Thì tao cũng phải hỗ trợ chứ để mình cụ loay hoay à. Còn khi tập có gì cứ bảo tao. Tao sẽ thường xuyên có mặt để góp ý, mặc dù tao múa không giỏi, hát không hay.
- Thế là tốt rồi. Tôi đã có đồng minh ( союз ). Cám ơn cụ nhé. Mặc dù chúng tôi lúc ấy mới có chưa đầy 40 tuổi, nhưng hứng lên chúng tôi đều gọi nhau bằng CỤ.
Tan họp ra về chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo sao đi thi phải được giấy khen. Một số trách móc tôi, nhưng sự đã rồi, đâm lao phải theo lao thôi.
Chúng tôi lao vào luyện tập thật cẩn thận. Tôi luyện cho các cháu về tất cả mọi mặt chứ không phải chỉ múa đều là được. Uốn nắn từng cử chỉ, từng động tác, từng khuôn mặt, từng đôi mắt...Nhiều lúc luyện các cháu như chuyên nghiệp, chúng cũng tức lắm, nhưng nghĩ cô cũng chỉ vì danh dự người Việt, vì XND nên lại vui vẻ tập, luyện tác phong biểu diễn...
Cụ P đã thực hiện đúng lời hứa, chả biết bằng cách nào KIẾM được 10 gậy nhỏ, dài đủ tiêu chuẩn múa sạp. Thế là tôi yên tâm cho nỗi lo nhất.

Tuy vậy, một hôm mấy chị em đi làm về, 12 gậy múa sạp BIẾN đâu mất. Hỏi ra mới biết công an đã tịch thu vì không cho để gậy gộc trong nhà sợ bọn trẻ dùng gậy phang nhau. Chị P lồng lộn tìm đủ mọi cách đòi về, kể cả yêu cầu TGĐ can thiệp đòi. Nhưng khi TGĐ yêu cầu CA trả thì họ nói đã tiêu hủy (đốt) hết rồi. Chỉ còn 1 ngày nữa là đi biểu diễn, không kịp làm các gậy khác. Thế là công cốc chúng tôi luyện múa sạp mãi, bây giờ không có gậy đành hủy tiết mục. Chúng tôi tức muốn điên, nhưng XND đành đứng ra xin lỗi thay CA. Còn đồng ca XND không hiểu vì sao cũng hủy bỏ. Vậy là chỉ có người VN tham dự thi.

Sau khi ông TGĐ và PTGĐ duyệt các tiết mục đều hài lòng, chấp nhận cho xe đưa chúng tôi đi thi. Chỉ tiếc điệu múa sạp không thành.
Kết quả đi thi tôi sẽ kể chuyện sau. Tôi muốn viết lại những gì xẩy ra từ những ngày đầu đi lao động nước ngoài của các cháu thợ dệt non trẻ. Vui , buồn có nhau. Không như đi lao động xuất khẩu ngày nay để mọi người biết thêm những gì chưa biết. Xin cám ơn các vị đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


LỚP 2 GẶP MẶT ĐỂ KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA.

Đã mấy năm nay LBNga không còn kỷ niệm CMTM nữa, nhưng chúng tôi vẫn cứ tổ chức kỷ niệm, vì chúng tôi vẫn biết ơn nhờ có CMTM chúng tôi mới có được những ngày ăn học trên đất nước Xô Viết từ năm 1954. Là những người mang ơn nặng của CMTM chúng tôi không thể không họp mặt để ôn lại những kỷ niệm xưa.


Tuy chúng tôi tổ chức nhỏ ở gia đình, nhưng vẫn mang đầy ý nghĩa tôn trọng và biết ơn của mình với ngày trọng đại này. Nhờ có CMTM chúng tôi mới trưởng thành như ngày nay, tuy cả lớp chỉ còn TSKH Tạ Thúy Lan làm việc, tất cả chúng tôi đã về hưu, nhưng cứ nói đến LX là chúng tôi lại thấy như mình đang sống lại cái thời mới trên, dưới 10 tuổi hàng sáng xách cặp đến trường cùng ngồi học với các bạn LX, chủ yếu là các bạn Nga (Moskva), một Nga, một Việt ngồi bên nhau trên 1 bàn, ghế dưới mái trường Xô Viết còn khiêm tốn, sau Đại chiến thứ 2 mới chưa đầy chục năm.Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên dưới bầu trời Xô Viết, được thầy, cô giáo người Nga nuôi nấng, dậy dỗ lớn khôn hàng ngày. Chăm lo cho chúng tôi tất cả mọi mặt bằng tấm lòng của những người cha, người mẹ với các con.

Chúng tôi họp nhau không nói xa xôi đâu đâu mà chỉ nhắc đến các thầy cô giáo và các bảo mẫu đã dạy dỗ, chăm sóc chúng tôi tận tình trong những ngày xa nhà, xa nước. Chúng tôi nhắc những kỷ niệm xưa và đều tỏ lòng biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ, chăm sóc chúng tôi trong những năm học ở Moskva, tất cả những người đã chăm sóc chúng tôi thời đó, dù là ông gác cổng, bà dọn vệ sinh, chị y tá, bác sĩ, cấp dưỡng, bảo mẫu... cho đến những thầy cô dạy ngoại khóa...Ai ai cũng đem hết lòng mình ra để chăm sóc, dạy dỗ chúng tôi trên cương vị của mình...

Họp nhau chỉ để nhắc lai những kỷ niệm, nói lên lòng biết ơn của tất cả chúng tôi với LX  trước đây và Liên Bang Nga ngày nay, hay nói cách khác là với tất cả các nước liên bang cộng hòa XHCN thuộc LX lúc bấy giờ.

Chúng tôi cám ơn LX đã cho chúng tôi được có những kiến thức để phục vụ TQ VN của chúng tôi. Nói cách khác LX đã dạy cho chúng tôi trở thành  MỘT CON NGƯỜI với đúng nghĩa của nó. Tất cả chúng tôi đều tự hào là được giáo dục ở LX từ những ngày ấy. Một lần nữa tất cả chúng tôi đều VÔ CÙNG CÁM ƠN tất cả những gì LX cho chúng tôi thời ấy. Chúng tôi không phải ai cũng thành ông nọ, bà kia, nhưng chúng tôi đều tự hào chúng tôi đều đã trở thành một con NGƯỜI thật sự.

Chỉ thế thôi, chúng tôi ai cũng mong đất nước Nga và tất cả các nước thuộc LX trước đây HÒA BÌNH, thịnh vượng và mãi mãi hùng cường. 

Xin cám ơn các vị đã đọc bài này.

Xin kính chào !

Dưới đây là những học sinh lớp 2 của chúng tôi ngày ấy: 








ĐÀ NẴNG !

Trước đây tôi đã đi 1 lần Đà Nẵng 3 ngày, 2 đêm, nhưng đi theo kiểu du lịch nên đúng là cưỡi ngựa, xem hoa. Biết thành phố xanh, sạch, đẹp mà chả biết cụ thể thế nào. Lần này mới thật tận mắt chứng kiến nó  XANH, SẠCH VÀ ĐẸP thế nào.

Cũng 3 ngày, 2 đêm, nhưng được em NMCR đưa đi xem tất cả các cầu ở Đà Nẵng, 2 sáng lượn bờ biển trong lành, mát mẻ và  SẠCH NHƯ BỆNH VIỆN. Nói sạch như BV, nhưng thật ra BV ở HN cũng thua. Đặc biệt chưa đầy 5 h sáng NMCR đèo tôi ra bờ biển đón  MẶT TRỜI MỌC từ bên kia bờ biển, sau đó đi khắp thành phố ngắm cảnh đẹp bình minh tại ĐÀ THÀNH! Thật tuyệt. Tôi chưa bao giờ được đi như vậy. Bình minh lên, đèn thành phố tắt hết, mây bao phủ bầu trời, lúc trắng, lúc hồng, lúc đen, lúc xanh, đặc biệt có những đám mây đen giữa bầu trời xanh giống nhiều con thú rất đẹp. Tôi không biết chụp ảnh nên không thể chụp...Tiếc lắm!

Tối 25-10-2015 NMCR đưa tôi đi xem cầu RỒNG. Rồng chỉ phun lửa và phun nước ngày thứ bẩy và chủ nhật. May tôi vào đúng chủ nhật nên đã được tận mắt thấy hết. Chỉ tiếc lúc nó phun lửa và phun nước tôi không biết chụp ảnh, nên lúc nó bắt đầu phun mới bấm máy, thế là toàn ảnh rồng phun xong rồi. Chỉ vẻn vẹn 15 phút, mà hôm 25-10-2015 chỉ có 10 phút nên lỡ mất. Hai chị em tiếc ngẩn ngơ quay về, nhưng không sửa được nữa rồi.

Hai đêm, 3 ngày thật tuyệt, nó để lại cho tôi một niềm vui vô tận, một cảnh đẹp thiên thần, một tình bạn vĩnh cửu... Tôi thật kém cỏi, không biết tả bằng lời chuyến đi lịch sử này của tôi. Dư âm của nó sẽ mãi mãi theo tôi đến cùng. 

Cám ơn em NMCR - Lê Thanh Bình và gia đình đã đón tôi, cho tôi ăn, ở, xem thành phố  những ngày tuyệt vời vừa qua. Cám ơn Nhâm và Nga đã tạo cho tôi chuyến đi nhớ để đời này. Cám ơn 3 em ( Nhâm, Nga, Bình ), cả 3 bạn vì tất cả. Xin cám ơn những quí vị đã đọc.

Chỉ vài tấm ảnh xấu xí, không nghệ thuật đưa lên để các vị xem.

 



BA THÁNG SAU !


Sau 3 tháng chuyển nghề cho các cháu tôi nhớ đến lời cam kết với TGĐ xí nghiệp dệt liền gọi điện cho ông xin gặp. Nhưng ông không có nhà. Tôi hỏi ông PTGĐ phụ trách người VN thì ông trả lời :
- Chị không biết à ? Đ/C TGĐ đi Bulgaria rồi !
- Xin cho tôi hỏi, ông ấy sang Bulgaria làm gì ?
- Thì theo thách thức của chị đấy ! Ông ấy đã sang Bulgaria để ký mua thêm bông về cho XN ta.
- Hay quá, tôi không ngờ nói đùa thế mà thành sự thật. Tôi chỉ để ý thấy nhà máy sạch sẽ, không có nguyên liệu chất lung tung. Tôi thấy trong kho sắp hết bông dự trữ rồi. Tôi không ngờ các cháu VN của chúng tôi lại làm được việc lớn như vậy !
- Chị cũng quả thật là con người dũng cảm, dám đưa TGĐ của chúng tôi sang Bulgaria mua bông, điều này chưa từng có ở XND này.
- Thật vậy sao ? Thế trước các ông mua bằng cách nào ?
- Chúng tôi ký kết với họ hàng năm theo khả năng của XN, nhưng có năm nào chúng tôi hoàn thành kế hoạch đâu. Cho nên chị thấy bán thành phẩm khắp nơi. Chị biết bao nhiêu bán thành phẩm ( BTP ) được qui vào 1 thành phẩm, nên BTP mới đầy các phân xưởng là thế.
- Tôi cũng đã đoán được, nhưng không tiện hỏi ông. Năm nay thì sao ? Theo ông có hoàn thành KH của XN không ?
- Chắc chắn hoàn thành, vì bây giờ đ/c  TGĐ đi mua thêm bông về, chắc chắn đủ nguyên liệu cho đến cuối năm.
- Xin chúc mừng ông, chúc mừng TGĐ, chúc mừng XN. Riêng tôi chỉ quan tâm đến mấy cháu VN của chúng tôi không bị  ĐÓI thôi.
- Việc này tôi không nói, chị không nói, TGĐ không nói, chả ai biết. Nếu nói ra các cháu vừa có được mấy đồng lại phải nộp thuế thì khổ chúng.
- Tôi dại gì mà nói ra. Ông còn chưa biết là tôi chuyển nghề cho các cháu có người đã nói tôi vi phạm hiệp ước lao động giữa 2 nước rồi đấy.
- Ai nói nhỉ ? Để tôi hỏi xem sao !
- Ông không phải hỏi, tôi biết, nhưng sẽ không bao giờ nói ra.

Con người VN ghen ăn, tức ở nên SQ mới biết đấy, các bạn ạ. Theo tôi con người VN có nhiều tính xấu, nhưng ghen ăn, tức ở là một trong những tính xấu nhất. Nhưng tôi đã hứa không nói ra và nhất là nay những người đó không còn nên lại càng không nên nói. Chỉ biết rằng ở đời đừng nên làm hại nhau, vì kết cục tự mình giết mình mà thôi. Dù sao tôi cũng thấy vui, hài lòng vì làm được chút gì đó cho các cháu non trẻ lúc xa nhà, xa nước. Thế thôi ! Tôi sẽ còn viết tiếp về đề tài LAO ĐỘNG này cho nhiều người chưa biết thời  TRỨNG NƯỚC của lao đông  XUẤT KHẢU VN. Xin cám ơn quí vị nào đã đọc.
Xin kính chào !