Du lịch Miền Trung 2012

LỚP HỌC TRẺ CON ĐẦU ĐỜI ( bài 2 )



Hôm nay đúng ngày 20/11 tôi viết bài này tiếp để trao đổi thêm với những ai làm NGHỀ GIÁO. Hiện nay phong trào học và dạy ngoại ngữ rất mạnh, mục đích của mỗi thứ tiếng khác nhau, nhưng chung vẫn là sở hữu thứ tiếng đó để làm việc mình mong muốn. Cũng vậy lúc tôi dạy tiếng Nga cho các cháu nhỏ này cũng mong cho các cháu sở hữu tiếng Nga giỏi để lớn lên sang LX học. Lúc đó LX là mục đích của hầu hết người VN ở miền Bắc.

Để đạt được mục đích của mình, tôi phải nghĩ cách dạy sao cho các cháu MÊ đất nước và con người nơi xứ xở ấy. Muốn cho các cháu mê thì không phải chỉ tiếng mà toàn thể về con người và đất nước ấy. Làm sao cho mỗi khi các cháu đến lớp là niềm vui, niềm mơ ước chứ không phải bắt buộc.

Vì mục đích của mình, tôi tạo cho các cháu lòng yêu tiếng Nga, con người Nga, đất nước Nga nói riêng và LX nói chung.

Chính vì thế, lúc nghèo nàn, gia đình tôi chỉ có 1 radio RIGONDA và 1 số đĩa các bài hát Nga, lúc nghỉ giải lao tôi bật cho các cháu nghe và hát theo các bài hát Nga. Các cháu rất thích và tất cả đều hát theo. Khi các cháu hát thì sai đâu, tôi sửa đấy kể cả phát âm và nhạc, tôi không quan tâm đến các cháu có hiểu những từ trong bài hát hay không, miễn là chúng hát đúng. Tôi thường lấy những sai sót của sinh viên kể lại cho các cháu nghe vừa vui, vừa rút kinh nghiệm, như lớp sinh viên của tôi có anh nói toàn ngược:
 Lênin là vị lãnh tụ vĩ đại của LX. Anh ta toàn đọc là Nêlin. Tôi sửa mãi không được và giao bài về nhà cho anh chỉ đúng 1 từ:
- Tôi yêu cầu anh về nhà luyện cho tôi chỉ nói đúng 1 từ Lênin thôi. Lần tới anh phải trả bài cho tôi đúng thế.
Lần sau anh ta đến lớp vẫn Nêlin. Tôi rất bực, nhưng khi dạy tôi thường mềm mỏng và kiên nhẫn:
- Sao anh về không học bài à ? Chỉ có đúng 1 từ tôi giao mà anh đọc không được, vậy các bài khác trong lớp anh học thế nào ?
- Dạ thưa cô em đã cố học bài đấy chứ ạ. Nhưng quê em nói thế, xin cô thông cảm.
- Tôi không thể thông cảm với anh được, vì quê anh làm gì có ông Lênin mà anh bảo tôi quê anh nói thế. Tôi muốn cho các anh không những ngọai ngữ nói đúng mà là tiếng VN cũng phải nói đúng, vì các anh, các chị sau ra làm trong các cơ quan nhà nước hay đi dạy nếu nói tiếng VN còn ngọng thì nói ai nghe, nếu không nói là mọi người KHINH có trình độ đại học mà nói không nên lời. Còn thật lòng mà nói, các anh các chị chỉ học để nhìn chữ, hiểu nghĩa làm kỹ thuật tất nhiên không cần nói đúng. Nhưng tôi muốn có dịp nào đó ai được sang đất nước này sẽ không khó khăn khi nói, nghe, đọc và viết, Chỉ thế thôi.

Kể lai cho các cháu lớp nghe để các cháu vừa buồn cười và vừa chê những cái sai, tự luyện mình trong mọi trường hợp. Vì thế lớp tôi không cháu nào nói ngọng cả 2 thứ tiếng. Đó là phần thưởng lớn cho tôi. Tôi yêu chúng nên  QUYẾT TÂM dạy cho chúng về mọi mặt tốt của LX lúc bấy giờ. Bắt chúng viết đẹp, học giỏi cả ở lớp VN và giỏi cả tiếng Nga và ca nhạc LX, chỉ tiếc lớp bé không có chỗ dạy nhảy. Cháu nào hát cũng hay, đặc biệt Long không những hát hay mà còn đánh nhịp điều khiển lớp hát rất đúng, sai đâu thay cô sửa đấy, mà cũng có chút pha trò, tiếu lâm hay nhại lại cái sai nên lớp rất thích.

Kỷ luật của lớp bất di, bất dịch, không phân biệt cháu nào, kể cả con cô giáo. Cho nên không hiểu sao một hôm sắp dạy tôi nghe tiếng con tôi nài nỉ chị nó mãi :
- Đi, chị Lan ký cho em đi !!! Nếu chị không ký mẹ không cho em vào lớp thì Ê lắm !
- Mặc kệ, chị không ký để mẹ không cho vào lớp mà chừa đi.
- Thì chỉ 1 lần này thôi !
- Ừ, chỉ một lần này thôi đấy, không có lần nữa đâu nhé !

Nghe 2 con mặc cả với nhau, tôi buồn cười mà không dám cười sợ các cháu nhìn thấy lại chế con gái mình là bị mẹ cười cho không tuân theo kỷ luật của lớp, nên tí nữa không được vào lớp.

Tôi mừng là dù không nhiều nhưng cũng được hơn chục cháu nói và hát tiếng Nga rất hay. Sau đó cũng có một số lớp nữa mở thêm, nhưng thua lớp này, vì số người lên tới 20-25, thậm chí 30 cháu, tôi quá nể cố nhận, nhưng không còn luyện cho từng cháu cặn kẽ như lớp này vả lại học ở lớp học nghiêm chỉnh không có radio nên cô dạy sao học vậy,  không được nghe đĩa. Tuy người ngoài hay thậm chí phụ huynh của các lớp này vẫn ca ngợi và hài lòng, nhưng tôi không hài lòng chút nào.

Những năm sau, người ta mời tôi dạy riêng từng cháu với mục đích đi thi tiếng Nga, đi học đại học ở LX,  hay đi làm việc tại LX. Tất nhiên dạy từng cháu đi thi là mục đich lớn, vì tôi đã luyện thi thì cháu nào cũng được giải, nhưng từng nhóm đi sang LX làm việc thì mục đích học không cao. Họ trả bao nhiêu là tùy họ, nhưng số tiền thù lao không bao giờ tôi lấy đúng số tiền họ trả. Các lớp trả tiền tôi vẫn nhận cho phải lẽ thì tôi quản các cháu rất chặt. Có cháu học không chăm hay không đều buổi, tôi phản ảnh ngay với bố mẹ. Rất bực mình và bất bình trong đời làm nhà giáo của tôi bị 1 cháu năm 1988 nói:
- Sao cô phản ảnh với mẹ em là em vắng mặt không xin phép và không thuộc bài  Mẹ em đã trả tiền học phí cho cô rồi còn gì !
Vậy là ngay hôm sau mẹ học sinh đó nhận lại số tiền học phí đã nộp trong thời gian vừa qua và tất nhiên học sinh đó phải rời khỏi lớp.

Tính tôi nó quái thế - Áo rách còn giữ lấy lề, ngọc nát còn hơn ngói lành, đói cho sạch, rách cho thơm.

Bây giờ đã bao năm MẤT DẠY (nghỉ hưu), nhưng tôi vẫn giữ thói của mình như thế. Thậm chí vẫn dạy 1 số không thù lao. Tôi cố giữ lấy cái ĐỨC của mình là một cô giáo. Cho nên nếu nói TÂM của nhà giáo có thể tôi không có, vì nó xa vời quá, chứ ĐỨC thì tôi phải giữ mãi đến ngày cuối cùng.

Hôm nay đúng ngày 20/11 tôi thật lòng tâm sự với những ai làm nghề giáo hãy cố mà giữ lấy cái ĐỨC nhỏ nhoi của 1 người thầy hay 1 người cô với thế hệ đi sau ta. Xin chân thành cám ơn tất cả những vị đã đọc và góp ý. 
Xin kính chào !







 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét