Du lịch Miền Trung 2012

CHẠY TÂY NHẢY DÙ BẮC KẠN ( Bài viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài 2 ).



Tây nhẩy dù vào thị xã Bắc Kạn với ý định  TÓM GỌN BỘ NÃO CỦA NƯỚC VNDCCH. Vì như bài trước tôi đã viết :" thơ Tố Hữu : Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi, hố ngang, hố dọc chữ I chữ T (tờ) " nên chúng không thể dùng đường bộ lên Việt Bắc mà phải dùng đường không, nghĩa là nhẩy dù ngay xuống Bắc Kạn bí mật, bất ngờ, tóm gọn cả bộ não của nước VNDCCH, vì thế chúng nhẩy đúng vào sân trường võ bị . Nhưng sân trường đã cắm chông nứa nhọn dầy đặc, nhẩy dù xuống có thể bị chông cắm chết tại chỗ, và điều đó đã thực sự xẩy ra trong ngày Tây nhẩy dù. 
Khoảng 10 giờ thấy nhiều máy bay quá, mọi người ngạc nhiên, gọi nhau ra xem đông lắm, nhưng chắc không ai nghĩ là Tây sẽ nhảy dù. Trường võ bị không còn sân tập nên đi tập ở trong rừng , kể cả giám đốc lẫn cán bộ giảng dậy đều đi với học viên. Trong trường chỉ còn cấp dưỡng. Họ chuẩn bị bữa cơm trưa cho học viên đi tập vể ăn. Chúng tôi nhìn thấy từ máy bay cứ có gì RƠI xuống. Những vật RƠI xuống dầy đặc như truyền đơn, nhưng động đậy như người, nhiều lắm. Vì rừng núi nên dù gần mà khuất núi chúng tôi không thể nhìn rõ.
Đến chiều cụ Hoàng Đạo Thúy, giám đốc của trường đem một đoàn anh em đi tập về nhà cụ bà nói là Tây đã nhẩy dù vào trường. xin còn bao nhiêu gạo đem nấu cơm hết cho anh em ăn. Sáng tập gần trường, thấy Tây nhẩy dù, cụ dẫn đoàn đi vòng quanh trong rừng để trốn, vì quá bất ngờ. Cơm ở trường dọn ra đầy đủ, Tây nhẩy dù xuống chỉ việc ngồi vào ăn, còn anh em thì đói lại được trưởng đoàn dẫn chạy vào rừng ổi. Đang đói, anh em cứ trèo ổi ăn no. Nhưng ăn ổi no thì cồn ruột. Anh em thi nhau nôn mửa trong lúc chờ đợi nấu cơm. Cơm nước xong, cụ ông ra lệnh cho cụ bà thu dọn mọi thứ thật gọn, nhẹ cả nhà đi theo đoàn. Tất cả gọn, nhẹ, nên mỗi người chỉ có 1 bộ mặc và 1 bộ mang theo, hầu như chân đất. Tất cả lặng lẽ lên đường ngay trong đêm tối. Gần sáng thì đến chợ RÃ. Ông chia tay với gia đình dẫn đoàn học viên  đi. Bà dẫn con, cháu theo đoàn người khác.
Đoàn đi hết ngày này sang ngày khác, không biết mấy tháng. Tây cứ đuổi đằng sau. Đoàn người cứ ít dần, ít dần... Họ bỏ đoàn ở lại đâu đó vì mất sức, quá mệt hay chán nản. Có chuyện đau lòng là Tây cứ đuổi sát sau lưng, mọi người cứ im lặng mà chạy. Qua cầu có 1 người bế đứa bé trên tay, đứa bé cứ khóc mãi, bịt mồm không nín, vì đoàn người khá đông. Sợ bị lộ cả đoàn sẽ chết hết, một anh giằng đứa bé từ tay mẹ nó ném xuống suối. Mẹ nó liền nhảy theo, giòng suối chảy xiết lôi theo 2 mẹ con tội nghiệp kia... 
Đi trong rừng, nói đúng hơn là chạy trong rừng, mà không biết chỗ nào cũng có Tây đuổi sát đằng sau. Có khi mình sợ chui trong hang ngồi cả ngày, Tây không bao giờ dám chui vào hang, bụi rậm, chúng chỉ đi chỗ nào có đường.  Tây nói chuyện, quát với nhau nghe xì là , xì lồ gì đó rõ mồn một. Chúng đi đến đâu, gặp ai, gặp con gì cũng bắn hết. Chúng tôi đi theo anh giao thông người Tầy, anh cứ phát đường cho chúng tôi theo. Có khi sợ lộ lội ngược suối cả ngày để Tây không tìm ra.  Đói, khát thì cứ vục nước suối uống no. Có lần chúng tôi đi ngược dòng suối, uống no nê nước suối , lên thượng nguồn thấy cả bản người lẫn trâu, lợn, gà bị Tây bắn từ bao giờ đã bị chảy nước vàng. Đến bản nào dân có gì cho ăn nấy. Quần áo phải xắn cao đến nách và bẹn để không vướng cây khi chạy. Bây giờ vắt cắn đầy chân từ đùi xuống đen ngòm, vậy mà cô bé không còn la hét, lặng lẽ bẻ que nứa cào vắt xuống, làm gì có thì giờ gỡ từng con. Sau khi cào vắt xuống thì 2 chân đỏ lòm toàn máu tươi chảy ra.
Không biết anh giao thông người Tầy dẫn đường đi đâu, nhưng mấy tháng sau thấy 1 cái cầu to, người ta bảo đó là cầu Kỳ Cùng. Qua cầu là đã tương đối xa Tây, sắp sang Trung Quốc, nhưng không hiểu sao đoàn quay lai. Tiếp tục đi về Phúc Trìu Thái nguyên, nơi có chè nổi tiếng ngon ở VN. Thế là đoàn trụ lại đấy. Đây cũng chính là đồn điền chè của bà địa chủ Nguyễn thị Năm.
Bọn trẻ được giao việc hái chè trong rừng, chè trồng sen kẽ với cây thầu dầu, câu chẩu. Thích nhất là được CHUI vào rừng chè lâu năm, hái những búp chè mũm mĩm, dài hơn gang tay mà không có lá. Có lần 3 người, mỗi người đi một ngả mà mỗi người vớ được 1 ổ trứng gà rừng. Mỗi đứa lẳng lặng đem về dấu vào 1 bồ thóc, không nói cho ai. Đến khi đem lúa đi xay, chị P phát hiện ra và nói với mọi người, cuối cùng kiểm tra xem ai dấu mới phát hiện ra trong 3 bồ lúa, mỗi nơi 9 quả trứng gà rừng. Lạ nhất là mỗi ổ chỉ có 9 quá, không hơn, không kém.
Từ nơi đây 4 chị em mồ côi bắt đầu chia nhau mỗi người một ngả, đó là năm 1948.
Cuộc đời cô bé liên lạc bây giờ mới thực sự thay đổi, kể cả tên cũng thay bí danh là NMT. Cô bé đã 8 tuổi rồi, trước đây 8 tuổi là đã lớn, phải làm đủ mọi việc như 1 thiếu nữ 15 tuổi. Nghe có vẻ sao sao, nhưng đó là sự thật. 
Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và comment. Hẹn sẽ viết tiếp bài sau.
Xin kính chào !
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét