Du lịch Miền Trung 2012

NHỮNG BỮA CƠM CỦA BỘ ĐỘI CỤ HỒ .(viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài 7 )


Cô bé liên lạc khác với các anh bộ đội là có việc thì nó đi, không nó vào bản chơi, học tiếng với người Tầy. Vào bản cái gì nó cũng hỏi:     

- Sao nhà mình hay ăn cáy, ăn pất ( gà, vịt ) thế? Gà rừng còn bắn được chứ gà nhà, vịt nhà nuôi sao kịp ăn?     

- Nuôi kịp mà. Nuôi nhiều tha hồ khả (thịt). 
- Mà sao tôi không thấy gà, vịt đâu?    
- Mình nuôi xa nhà. Vịt thì gần suối. Nuôi gần người chúng chết nhiều lắm. Còn gà rừng thì bẫy chứ không bắn tốn hết tiền đạn.     
- Cá dưới xuôi nuôi ở ao, còn đây không có ao thì lấy đâu?     
- Mình đánh ở suối mà.     
- Có dạy tôi được không?     
- Được mà.     
Thế là họ dạy cô bé liên lạc đủ thứ.  Trước đây bữa cơn của các anh chỉ có gạo hẩm, muối + ớt, bí ử (bí đỏ). Thỉnh thoảng có rau tầu bay hay rau rớn. Cũng có khi cô bé xin được ít rau cải bao về cho các anh. Lạ nhất là hôm nào ăn cải bao xong các anh cũng bảo khỏe và nhẹ cả người. Dân trồng nhiều lắm, hết nương nọ đến nương kia. Mấy chục năm sau mới biết hoá ra là cây thuốc phiện non. Cô bé về rủ các anh đi nhặt trám trắng về muối, kho, luộc ăn với cơm. Dạy các anh cách lấy măng sao cho ngon. Ngon nhất là măng nứa, măng mai rồi đến măng vầu. Măng vầu có loại ngọt, loại đắng. Nhưng biết lấy thì măng đắng rất ngọt. Muốn lấy ngọt thì phải gạt lá ra, đất nứt thì đào, nếu để nó ngó nhìn mặt trời thì chỉ bằng 1/4 đốt ngón tay cũng đắng không tài nào ăn nổi. Nhưng măng đắng mà cố ăn thì cũng trừ được sốt rét. Còn măng giang thì phải lấy trên cành, rung nó rụng đến đâu thì lấy từ đó.     Cô bé dạy các anh nhặt trám, lấy măng thạo, nó tiếp tục dạy các anh bẫy gà rừng. Có hôm được 3, 4 con. Nó rủ các anh đi đánh cá. Công việc này vất vả nhất. Nó rủ các anh : 
- Hôm nay các anh vác dậu (rổ của người Tầy) đi đánh cá với em.  
- Nhặt trám, lấy măng, bẫy gà còn nghe được, chứ còn đánh cá mày nói có vẻ khó nghe quá. Mày không lừa các anh đấy chứ ? 
- Em lừa các anh để làm gì ? Lâu nay em có nói đùa nữa đâu. Nói đùa tí các anh đánh em đau chết, em phải trốn vào hang, trèo lên cây. Mà em có mách thủ trưởng đâu.
  Nhiều khi mấy anh này đánh nó như đòn thù. Tuy vậy không bao giờ nó khóc. Nó chỉ khóc khi các anh nói oan cho nó. Nó khóc vì tủi thân, nghĩ mình là con mồ côi, chẳng ai bảo vệ, chẳng ai thương sót, mà chỉ cậy lớn bắt nạt, đánh nó. Tất nhiên những hôm đó nó ra rừng ngồi khóc 1 mình và bữa cơm tiếp đó nó không về ăn. 
- Em giao hẹn này. Nếu em nói thật tối về có cá ăn  thì em chỉ xin các anh ngồi xếp hàng một cho em tái bung mỗi anh 5 cái. 
-  Tái bung là gì ?    
- Thế mà cũng hỏi . Anh nói ngược lại đi xem nào.     
- Thế thì mày búng tai từng này người các anh cơ à? - Vâng. Tất nhiên phải thế . Các anh đánh em nhiều lần rồi, còn em chỉ 1 lần này thôi.  
Cô bé đưa các anh ra chỗ suối nước đọng ăn vào chân núi:     
- Các anh vác đá ngăn suối kỹ vào kẻo cá chạy mất. Em đi đây.     
- Mày định bỏ các anh chạy hả. Mày định lừa các anh à, con ranh kia ?     
- Em chạy làm gì ? các anh cứ làm như em bảo, tí em về. 
Thế là nó chạy biến vào rừng. Một lúc sau ôm một ôm lá cơi. Chia cho mỗi anh mấy cành, nó bảo các anh đập thật nát rồi thả xuống suối. Các anh làm đúng như nó dặn. Một lúc sau cá nổi lềnh bềnh, có con đến gần 2 cân. Chiến lợi phẩm khoảng 20 cân mang về. Anh thư ký đánh máy ngồi hai chân kê lên cây gỗ cháy dở cho khỏi rét. Hai tay đánh máy thoăn thoắt, mắt nhìn vào bản viết tay, mồm huýt sáo hỏi mọi người:     
- Có nhiều chiến lợi phẩm không ?    
- Khoảng hai chục cân. Thích lắm, lính cậu không được tham gia . tiếc thật.     
- Tiếc gì ? Chẳng anh nào bằng anh ấy. Người HN chay, đánh máy thạo thế, lại còn đít lôm ( lớp 7) trường Bưởi nữa mà chẳng ở lại với Tây, ra đây chịu khổ thế này.     
- Đã thế còn trốn gia đình đi nữa chứ : Ra đi bu không cho đi, quần áo cứ thế cắp nách nên mới rét thế kia chứ.     
- Anh Hà ơi, bây giờ có chuyện hay đây. Anh nghe này: Tất cả từng này anh phải ngồi xếp hàng cho em tái bung mỗi anh 5 cái. Anh Giúp em tái bung hộ nhé. Tay  em bé búng không đau. Các anh nói lại cho anh Hà đầu đuôi, Anh Hà hưởng ứng ngay. Mấy anh xin khất lần khác, cô bé chẳng phản đối, đồng ý cho khất. Thật ra nó nói thế chứ có muốn búng tai các anh đâu. Chẳng qua nói cho sướng cái miệng thôi. Hồi này nó cũng hơn 10 tuổi rồi nên ít nghịch ngợm như trước. Nó không còn nói đùa nhiều với các anh nữa.
Từ đấy trở đi bữa cơm của mấy anh đã có cá kho trám trắng, măng sào thịt gà, các loại rau luộc... không phải ăn cơm với muối ớt và bí ử nũa.
Bài dài rồi, xin khất viết tiếp sau. Xin cám ơn các bạn đã đọc và comments.
Xinh kính chào !

5 nhận xét:

  1. Cô bé liên lạc giỏi quá! Nhờ vậy mà các anh bộ đội mới được ăn ngon.

    Trả lờiXóa
  2. Đặc tính của con gái thời chiến , thấy bộ đội khổ mình thương họ đến tột cúng. Cám ơn TM đã đọc và comment. Chào !

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đã đọc 1 mạch rất say sưa cả 10 câu chuyện bạn viết về " Cô Bé Liên Lạc" ở Chiến khu Việt Bắc. Bao nhiêu kỷ niệm thời tản cư chạy giặc Pháp rồi thời TSQ Cục TC ...bỗng ùa về. Trước mắt tôi như 1 cuốn phim trắng đen đã cũ nhưng rất sống động bởi chính mình cũng là 1 trong những nhân vất chính ! Tôi cũng từng sống lưu lạc, xa cha mẹ họ hàng ruột thịt. Tôi cũng từng sống với cha tôi 1 vài tháng ở Trường Lục Quân Trần Quốc Tuần thời kỳ ở đồi chè Phúc Trìu ( Cho đến khi máy bay Pháp oanh tạc Trường này phài sơ tán sang Vân Nam TQ ). Trên Blog LSQL mấy năm trước nhóm chúng tôi ( Quang Trung, Nguyên Hân, Thế Long v.v...) cũng đã từng viết hồi ký về thời kỳ TSQ Cục TC . Năm 2003 tôi cùng 1 số bạn đã lên thăm lại nơi chúng ta đóng quân cũ. Nhưng không thể nhận ra dấu vết ngày xưa . đúng là " Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Thành cũ lâu đài bóng tịch dương . ". Người già thường sống nhiều với kỷ niệm . Kỷ niệm một thời gian khổ mà hào hùng thơ mộng đầy tình người như trong Hồi ký bạn kể, thì làm sao có thể lãng quên ! Xin cảm ơn tác giả !

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn anh Calathau đã đọc hết 10 bài , lại 1 mạch nữa chứ ! Anh là người thứ 2 đọc liền 1 lúc 10 bài và nhận xét rất chân tình, TN rất cảm động. Chỉ biết nói thật lòng thế thôi, anh Caathau ạ. Chào !

    Trả lờiXóa
  5. Hình như TN đến TSQ cục TC một mình lại được anh Điểu giới thiẹu chào mọi ngừòi, các bạn khác hay đến theo đơn vị các cục hoặc F.

    Trả lờiXóa