Du lịch Miền Trung 2012

ÔNG CỪ CẤP DƯỠNG.(viết cho Chuyến tầu về tuổi thơ. bài 8 ).






Ông đã gần 60, vừa già lại vừa gầy. Trong đơn vị có ông là người già nhất và cô bé liên lạc  là trẻ nhất. Họ thân nhau như 2 ông cháu. Ngày nào ông cũng vào các bản để mua thức ăn bồi dưỡng cho thủ trưởng ốm. Trước đây ông làm bồi cho một quan Tây cỡ lớn ở HN. Chẳng loại bánh nào, chẳng loại món ăn nào của Pháp thời đó mà ông không biết làm, miễn là có nguyên liệu. Mà nguyên liệu là đường, sữa, sôcôlat, bơ, phomat... chiến lợi phẩm thiếu gì. Những thứ ấy các anh bộ đội nông dân lại không biết ăn.  Ông thường khoe:    
- Chẳng món bánh nào ngon, chẳng thức ăn nào ngon mà tôi không biết làm. Cái gì ngon là mình xơi trước. Có lần chủ sai mình đi mời cô đầu về, mình cũng xơi trước.     
-Thế ông xơi trước cô đầu có biết không ?    
 Ông cười ha hả. Biết tôi chẳng hiểu gì nên trả lời:  - Biết chứ sao không.
- Sao bây giờ cháu thấy ông nấu chỉ ngửi chứ không nếm. Vậy làm sao ông biết được mặn, ngọt , chua , cay ra sao ?     
- Tôi ngửi là biết chính xác.
 - Sao ông không xơi trước ?
- Trước đây làm cho Tây mới thế. Cả đời mình làm nô lệ cho nó, nên mình mới thế. Bây giờ làm cho ta ai lại thế. 
- Ông là người HN chay, từ bé không ra khỏi HN, ăn sướng thế, bây giờ già rồi, ông vào bộ đội làm gì?  Ngày 2 bữa cơm gạo hẩm, muối, bí đỏ, măng, trám, rau cải bao, rau rớn, rau tầu bay chả biết thịt, cá là gì, nhiều khi cháu thấy ông nuốt mãi không trôi, ông thấy có khổ không ? Cháu như ông ở lại HN với con cái.     
- Thế sao được ? Còn sức mình còn làm viêc. Phục vụ kháng chiến mà, sợ gì khổ.      
- Lên rừng ông có thấy sợ không ?     
- Sợ dân thì không. Còn thú rừng, rắn rết thì tôi khiếp lắm.
- Trước đây cháu cũng nhát gan lắm, nhưng bây giờ cháu chẳng sợ gì cả. Có hôm ngồi nghỉ thổi sáo trên hòn đá, khỉ nhảy xuống vai, bới đầu cháu, định bắt về nuôi mà nó chạy mất.     
- Cô bạo thế chứ tôi sợ lắm. Còn rắn, rết, vắt, đỉa thì nghĩ đến đã khiếp rồi.
- Ông nhát gan thế mà cũng là đồng chí (đảng viên) cơ à? Vì sao ông lại trở thành đồng chí ? 
- Trước CM tôi nuôi một số các ông hoạt động CM. Chỗ tôi là an toàn nhất. Thức ăn có thừa, chỗ ngủ không thiếu, các ông ấy cứ việc đàng hoàng ăn ở chỗ tôi mà làm việc. Rồi năm 1946 có ông hỏi tôi:  - Anh có thích vào Đảng không? 
- Tất nhiên là có. Nhưng vào Đảng nào có lợi tôi mới vào. Đảng Xã hội, Dân chủ thì cỡ mình không được. Đảng Cộng sản, cộng nhà cửa, vợ con, mình dại gì, chỉ còn lại Quốc dân Đảng, chắc tôi xin gia nhập. Anh cán bộ vội giải thích cho tôi ĐCS không phải thế. Anh giải thích nhiều lắm, tôi hiểu và đồng ý gia nhập ĐCS. Sau đó họ kết nạp tôi. Thế là tôi thành đồng chí. Cô ngạc nhiên tôi là đồng chí, già còn vào bộ đội, nhưng tôi vẫn có ích chán, lên đến cấp D (cấp dưỡng ) còn gì. Thắng lợi về với vợ, con cũng không muộn.     
Qua câu chuyện cô bé liên lạc biết thóp ông Cừ nhát gan nên bầy trò dọa ông. Lần đầu nó lấy dọc mùng làm rắn, tối ông đi họp về nó chui trong bụi khua dọc mùng, ông và mấy anh tưởng rắn, đánh nát bét. Sáng hôm sau ra lấy làm thịt thì hóa ra dọc mùng. Mấy anh bị lừa tức lẩm bẩm : 
- Lại con ranh con !  
Ăn cơm sáng xong mỗi anh bắn một phát badôca rồi mới đi làm. Thế là ai vào việc nấy, chiều mới về ăn cơm. Mỗi anh mang một bộ râu tuyệt vời, anh thì bên trái, anh thì bên phải, anh thì giữa mồm, chẳng có gương nên anh nào cũng cười không ai bảo ai. Bữa cơm chiều họ nhìn nhau cười sặc sụa. Các anh đi rửa mồm thì nhọ chảo rửa khó sạch, phải lấy bồ hòn thay xà phòng rửa mới sạch. Các chú bộ đội sau khôn hơn, mỗi khi hút thuốc lào là lấy lá bịt lại rồi đục lỗ để hút. Hết trò bôi nhọ nồi. Hết trò này nó bầy trò khác. Khỉ hay vào nhà bếp ăn vụng ban đêm. Ông Cừ phải ngủ ở bếp để trông khỉ. Khi có tiếng động ông chỉ dám suỵt, suỵt cho khỉ chạy chứ không dám ra ngoài. Cô Bé Liên lac lợi dụng ngay việc đó. Tối đến ông Cừ vừa buộc cửa xong lên giường là ở ngoài nó giật lá lợp ở mái. Đuổi mãi khỉ vẫn không chạy ông vác gậy đập vào vách. Mấy ngày liền ông tức lẳng lặng vót cây nứa nhọn, tối khỉ quấy rầy, ông đem gậy chọc. Cô bé liên lạc sợ quá vừa chạy vừa cười khanh khách. Lúc ấy ông mới vỡ lẽ ra là bị lừa. Trò chơi lại kết thúc. Mấy chú bộ độ khoái chí nói :
- Con ranh hết trò rồi. Bây giờ thì yên trí nhé !     Cô bé liên lạc không nói gì , nhưng nó lại nghĩ ra trò khác. Nhớ lại ngày đầu lên Việt Bắc nó sợ vắt phát điên, nó nghĩ ngay : Hàng ngày sau khi dọn dẹp xong mọi vịệc ông Cừ nằm nghỉ trưa. Ông ngủ mặc mỗi quần đùi, để hở rốn ra. Nó gắp đỉa bỏ vào rốn ông. Thấy ngứa ông gãi, sờ ngay vào con đỉa. Ông nhẩy xuống giường hét thất thanh. Mọi người chạy đến thấy cảnh ông , cười sặc sụa. Ông vớ được khẩu súng treo trên vách hét to :
 - Chúng mày không gỡ cho ông con đỉa ra tao bắn.   
Anh em cố giữ ông để gỡ con đỉa ra. Mặt ông xanh như tàu lá. Cả người ông run như lên cơn sốt rét. Cô Bé  nhìn ông ân hận vì trò nghịch ngợm của mình. Nó nghĩ từ nay thôi không nghịch nữa. Để chuộc lại lỗi lầm của mình bây giờ trên đường đi có quả gì chín ngon: mơ, mận, vả. bứa, ổi, sa nhân và nhất là lạc tiên nó hái để dành cho ông. Có hôm vớ được ổ trứng gà rừng nó cũng đem về để ông bồi dưỡng. Một lần nó mang cho ông ổ trứng chim, ông xem bảo đó là trứng rắn, phải vứt đi . Hai ông cháu vui vẻ với nhau đến ngày nó rời đơn vị vào trại Thiếu sinh quân.  Khi ở trại TSQ mỗi lần nghĩ đến ông nó lại ân hận vì mấy trò trẻ con của mình. Nó định về phải tìm ông để tạ tội. Về hỏi mới biết ông đã mang quân hàm đại úy .Ông đã về nghỉ và mất trước đó mấy tháng.
Viết mãi chuyện vất vả, khó nhọc của cô Bé lên lạc, nên viết chuyện này để mọi người xả chút. Cũng lại phải dừng hẹn viết tiếp sau vì dài rồi. Xin cám ơn ai đã đọc và nhất là đã comments.
 Xinh kính chào !

2 nhận xét:

  1. Không ngờ cô bé liên lạc nghịch quá và đáng yêu quá!!!

    Trả lờiXóa
  2. Nghịch cho đến bây giờ đấy Song Thu ạ. Phải sửa dần thôi, nhưng bây giờ sửa khó quá, em nhỉ ! Cám ơn em nhé ! Chào em và MK !

    Trả lờiXóa