Du lịch Miền Trung 2012

CÔ BÉ LIÊN LẠC ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ. Bài 4 ).




Nói đến chuyện sốt rét thì ai có trải qua mới biết nó thế nào. Ngày trước vì sốt rét  mà nhiều chiến sĩ đã bỏ mạng ở nơi khỉ ho, cò gáy cho đến bây giờ vẫn là  VÔ DANH . Cơn sốt rét lên có đắp bao nhiêu chăn, mấy người ôm đè lên, thậm chí ngồi cạnh đống lửa vẫn run như cầy sấy. Sau khi rốt rét chuyển sang sốt nóng thì ngược lại, người cứ như nằm trong đống lửa, đầu đau như búa bổ, phát điên, phát rồ lên vì cứ có cảm giác đang bị đốt trong đống lửa, nghĩa là có cảm giác mình đang bị thiêu sống...Sợ hơn nữa là sốt cách nhật. Cách 1 ngày lại làm một trận nằm trong băng tuyết và rồi bị thiêu sống. Những lúc cơn sốt rét chuyển sang cơn sốt nóng thì khỏe cực kỳ, không ai có thể 2 người đè một được mà phải 3,4 người mới giữ được người sốt nóng , mê man, không còn biết gì nữa, nghĩa là thực sự đã bị ĐIÊN. Kêu , khóc, chạy, nhẩy khắp mọi nơi, không biết đó là nơi nào, trên cây hay dưới suối sâu nước chảy xiết. Anh em phải chạy theo giữ chặt để người sốt không trèo cây nhẩy xuống đất hay nhảy tòm xuống suối nước sâu chảy xiết. Trên thực tế đã có mấy anh làm nhưvậy và đã mất rồi.  Ngày không bị sốt thì ngồi con ruồi đậu vào mép không buồn đuổi, nghĩa là không còn chút sức lực nào để tồn tại.
Cô bé LL cũng bị sốt rét thường xuyên, nhất là đang đi trong rừng một mình, bỗng cơn sốt rét ập tới, chống cự không nổi thì tất nhiên nằm quay lơ trong rừng. Có lần đi đến bờ suối, thấy khát định xuống uống, nhưng rồi ngã lăn quay trên bờ suối không biết gì nữa. Khi tỉnh đậy thấy mình đang ở nhà sàn 1 người Tầy. Họ nói:" Cái em gái này nằm ngoài bờ suối ngủ không biết gì. Chị đi gần nghe tiếng chó kêu, xuống thấy em gái nằm ngủ , người nóng như cục than cháy trong bếp, bế về cho sưởi và nấu nước chân nai khô đổ cho uống mới tỉnh dậy đấy. Bây giờ hết rồi, chị cho ăn cơm rau rớn ( cây non của loại như cây dương sỉ, người Tầy rất thích ăn sau khi bị ốm, nhất là sau khi sốt rét) em no rồi hãy đi. Đói sau ốm không đi được đâu, lố !" Ăn no, không quên cám ơn, nó từ dã người chị tốt bụng đi về đơn vị và cũng chả nói cho ai. Đến bây giờ cô bé LL cũng chưa bao giờ gặp lại chị người Tầy tốt bụng cứu cô lần nữa. Nhưng bài thuốc chân nai khô thì nó đã sử dụng trong suốt cuộc đời làm liên lạc để cứu nhiều chiến sĩ sốt rét. Từ đó nó hay nghêu ngao trong rừng những câu hát bịa lời theo các bài hát của nhạc Sĩ Văn Cao như bài " Thủy quân VN "
     Bao anh em miền xuôi bụng to lên đây, 
     Mở mắt trông, trông nước độc nơi đây.
     Ra đi bu không cho đi, 
     Quần áo cứ thế cắp nách.
     Chân đi không mang săng đan,
     Ký ninh dùng hàng tháng.....
     Em ơi, lấy chăn đắp vào, 
     Chăn bông đắp cho kín đầu,
     Con muỗi bay: vù vù vù,
     Có tiếng rên: hừ hừ hừ,
     Đầu lắc lư.....
     Ngày về Tổ Quốc ghi tên.
Đi trong rừng hay nghêu ngao hát, thổi sáo là một thói quen của cô bé LL. Đặc biệt nó thích hát to để mình nghe tiếng của mình vang rừng núi . Hơn nữa hát lên cho quên sợ hãi, buồn chán khi một mình trong rừng. Nó hầu như chả biết lời chính thức, chỉ biết các lời xuyên tạc lúc đó mà thôi:
     Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở.
      ( lới chính :Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ)
     Chết quan tài mà không biết phù hộ ai...
      (Lời chính:  Chết huy hoàng mà không khuất phục ai...)
Hồi ấy có ai chết được chôn quan tài đâu, toàn vùi đâu đó, may mắn được gói bằng 1 chiếc chiếu, nên ai cũng cảm giác nơi đây chỉ có ăn sắn và mong khi chết được có một cái quan tài...Cho nên nhạc sĩ Văn  Cao mới có câu hát của bài Chiến sĩ VN :
      ...Là trang nam nhi,
        Quyết chiến sa trường,
        Sống thác coi thường. 
        Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai.
 Đặc biệt cô bé LL rất thích tính nhìn xa, trông rộng, lạc quan, mơ mộng của nhạc sĩ Văn cao trong bài hát " Thăng long thành hành khúc:
     Ôi Thăng long, ôi Thăng long.
      Ôi Thăng long, ngày nay,
      Kiên quyết chống xâm lăng,
      Thề chiến đấu đến cùng, 
       Dân trí sống nêu cao,
       Nòi giống nước Nam hùng...
       Ôi Thăng long, ôi Thăng long ,
       Ôi Thăng long ngày mai,
       Danh thắng nhất Năm châu,
       Toàn quốc sống kiêu hùng...
       Gần, xa hò hét :
       Thăng long, 
       Thăng long, 
       Thăng long thành !
Mỗi khi cất tiếng hát điệp khúc bài này nó thấy tự hào cao độ vi mình là người Thăng long...Khí thế lúc đó lên cao đến mức cứ chạy băng băng trong rừng không biết mệt...Cười, hét vang rừng núi...
Một thú vui nữa của cô bé liên lạc là nuôi gà. Nó được dân bản cho 4 con gà con. Nó tự làm chuồng và tự lo thức ăn và bảo vệ chúng khỏi bị cáo ăn thịt... Chuyện này phải để viết sau thôi, vì bài dài rồi, đọc nữa sẽ mỏi mắt và chán. Hẹn mọi người bài viết tiếp. Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và nhất là đã bỏ thời gjan comments.
Xin kính chào !


 

2 nhận xét:

  1. Bệnh sốt rét kinh quá nhỉ! May quá! Mình đi theo cơ quan của bố ở mãi trong rừng, trong hang mà không bị bệnh ấy!

    Trả lờiXóa
  2. TN bị sốt rét đến khi sang LX 1954 họ thử máu vẫn còn vi trúng sốt rét, sau đó họ cho uống thuốc gì không biết một thời gian sau họ bảo thử máu đã hết vi trùng sốt rét.Cám ơn TM. Hôm nay đi gặp Thục để tạm biệt, mai lên đường sang Bulgaria rồi ! Chào !

    Trả lờiXóa