Du lịch Miền Trung 2012

ÔNG CỪ CẤP DƯỠNG.(viết cho Chuyến tầu về tuổi thơ. bài 8 ).






Ông đã gần 60, vừa già lại vừa gầy. Trong đơn vị có ông là người già nhất và cô bé liên lạc  là trẻ nhất. Họ thân nhau như 2 ông cháu. Ngày nào ông cũng vào các bản để mua thức ăn bồi dưỡng cho thủ trưởng ốm. Trước đây ông làm bồi cho một quan Tây cỡ lớn ở HN. Chẳng loại bánh nào, chẳng loại món ăn nào của Pháp thời đó mà ông không biết làm, miễn là có nguyên liệu. Mà nguyên liệu là đường, sữa, sôcôlat, bơ, phomat... chiến lợi phẩm thiếu gì. Những thứ ấy các anh bộ đội nông dân lại không biết ăn.  Ông thường khoe:    
- Chẳng món bánh nào ngon, chẳng thức ăn nào ngon mà tôi không biết làm. Cái gì ngon là mình xơi trước. Có lần chủ sai mình đi mời cô đầu về, mình cũng xơi trước.     
-Thế ông xơi trước cô đầu có biết không ?    
 Ông cười ha hả. Biết tôi chẳng hiểu gì nên trả lời:  - Biết chứ sao không.
- Sao bây giờ cháu thấy ông nấu chỉ ngửi chứ không nếm. Vậy làm sao ông biết được mặn, ngọt , chua , cay ra sao ?     
- Tôi ngửi là biết chính xác.
 - Sao ông không xơi trước ?
- Trước đây làm cho Tây mới thế. Cả đời mình làm nô lệ cho nó, nên mình mới thế. Bây giờ làm cho ta ai lại thế. 
- Ông là người HN chay, từ bé không ra khỏi HN, ăn sướng thế, bây giờ già rồi, ông vào bộ đội làm gì?  Ngày 2 bữa cơm gạo hẩm, muối, bí đỏ, măng, trám, rau cải bao, rau rớn, rau tầu bay chả biết thịt, cá là gì, nhiều khi cháu thấy ông nuốt mãi không trôi, ông thấy có khổ không ? Cháu như ông ở lại HN với con cái.     
- Thế sao được ? Còn sức mình còn làm viêc. Phục vụ kháng chiến mà, sợ gì khổ.      
- Lên rừng ông có thấy sợ không ?     
- Sợ dân thì không. Còn thú rừng, rắn rết thì tôi khiếp lắm.
- Trước đây cháu cũng nhát gan lắm, nhưng bây giờ cháu chẳng sợ gì cả. Có hôm ngồi nghỉ thổi sáo trên hòn đá, khỉ nhảy xuống vai, bới đầu cháu, định bắt về nuôi mà nó chạy mất.     
- Cô bạo thế chứ tôi sợ lắm. Còn rắn, rết, vắt, đỉa thì nghĩ đến đã khiếp rồi.
- Ông nhát gan thế mà cũng là đồng chí (đảng viên) cơ à? Vì sao ông lại trở thành đồng chí ? 
- Trước CM tôi nuôi một số các ông hoạt động CM. Chỗ tôi là an toàn nhất. Thức ăn có thừa, chỗ ngủ không thiếu, các ông ấy cứ việc đàng hoàng ăn ở chỗ tôi mà làm việc. Rồi năm 1946 có ông hỏi tôi:  - Anh có thích vào Đảng không? 
- Tất nhiên là có. Nhưng vào Đảng nào có lợi tôi mới vào. Đảng Xã hội, Dân chủ thì cỡ mình không được. Đảng Cộng sản, cộng nhà cửa, vợ con, mình dại gì, chỉ còn lại Quốc dân Đảng, chắc tôi xin gia nhập. Anh cán bộ vội giải thích cho tôi ĐCS không phải thế. Anh giải thích nhiều lắm, tôi hiểu và đồng ý gia nhập ĐCS. Sau đó họ kết nạp tôi. Thế là tôi thành đồng chí. Cô ngạc nhiên tôi là đồng chí, già còn vào bộ đội, nhưng tôi vẫn có ích chán, lên đến cấp D (cấp dưỡng ) còn gì. Thắng lợi về với vợ, con cũng không muộn.     
Qua câu chuyện cô bé liên lạc biết thóp ông Cừ nhát gan nên bầy trò dọa ông. Lần đầu nó lấy dọc mùng làm rắn, tối ông đi họp về nó chui trong bụi khua dọc mùng, ông và mấy anh tưởng rắn, đánh nát bét. Sáng hôm sau ra lấy làm thịt thì hóa ra dọc mùng. Mấy anh bị lừa tức lẩm bẩm : 
- Lại con ranh con !  
Ăn cơm sáng xong mỗi anh bắn một phát badôca rồi mới đi làm. Thế là ai vào việc nấy, chiều mới về ăn cơm. Mỗi anh mang một bộ râu tuyệt vời, anh thì bên trái, anh thì bên phải, anh thì giữa mồm, chẳng có gương nên anh nào cũng cười không ai bảo ai. Bữa cơm chiều họ nhìn nhau cười sặc sụa. Các anh đi rửa mồm thì nhọ chảo rửa khó sạch, phải lấy bồ hòn thay xà phòng rửa mới sạch. Các chú bộ đội sau khôn hơn, mỗi khi hút thuốc lào là lấy lá bịt lại rồi đục lỗ để hút. Hết trò bôi nhọ nồi. Hết trò này nó bầy trò khác. Khỉ hay vào nhà bếp ăn vụng ban đêm. Ông Cừ phải ngủ ở bếp để trông khỉ. Khi có tiếng động ông chỉ dám suỵt, suỵt cho khỉ chạy chứ không dám ra ngoài. Cô Bé Liên lac lợi dụng ngay việc đó. Tối đến ông Cừ vừa buộc cửa xong lên giường là ở ngoài nó giật lá lợp ở mái. Đuổi mãi khỉ vẫn không chạy ông vác gậy đập vào vách. Mấy ngày liền ông tức lẳng lặng vót cây nứa nhọn, tối khỉ quấy rầy, ông đem gậy chọc. Cô bé liên lạc sợ quá vừa chạy vừa cười khanh khách. Lúc ấy ông mới vỡ lẽ ra là bị lừa. Trò chơi lại kết thúc. Mấy chú bộ độ khoái chí nói :
- Con ranh hết trò rồi. Bây giờ thì yên trí nhé !     Cô bé liên lạc không nói gì , nhưng nó lại nghĩ ra trò khác. Nhớ lại ngày đầu lên Việt Bắc nó sợ vắt phát điên, nó nghĩ ngay : Hàng ngày sau khi dọn dẹp xong mọi vịệc ông Cừ nằm nghỉ trưa. Ông ngủ mặc mỗi quần đùi, để hở rốn ra. Nó gắp đỉa bỏ vào rốn ông. Thấy ngứa ông gãi, sờ ngay vào con đỉa. Ông nhẩy xuống giường hét thất thanh. Mọi người chạy đến thấy cảnh ông , cười sặc sụa. Ông vớ được khẩu súng treo trên vách hét to :
 - Chúng mày không gỡ cho ông con đỉa ra tao bắn.   
Anh em cố giữ ông để gỡ con đỉa ra. Mặt ông xanh như tàu lá. Cả người ông run như lên cơn sốt rét. Cô Bé  nhìn ông ân hận vì trò nghịch ngợm của mình. Nó nghĩ từ nay thôi không nghịch nữa. Để chuộc lại lỗi lầm của mình bây giờ trên đường đi có quả gì chín ngon: mơ, mận, vả. bứa, ổi, sa nhân và nhất là lạc tiên nó hái để dành cho ông. Có hôm vớ được ổ trứng gà rừng nó cũng đem về để ông bồi dưỡng. Một lần nó mang cho ông ổ trứng chim, ông xem bảo đó là trứng rắn, phải vứt đi . Hai ông cháu vui vẻ với nhau đến ngày nó rời đơn vị vào trại Thiếu sinh quân.  Khi ở trại TSQ mỗi lần nghĩ đến ông nó lại ân hận vì mấy trò trẻ con của mình. Nó định về phải tìm ông để tạ tội. Về hỏi mới biết ông đã mang quân hàm đại úy .Ông đã về nghỉ và mất trước đó mấy tháng.
Viết mãi chuyện vất vả, khó nhọc của cô Bé lên lạc, nên viết chuyện này để mọi người xả chút. Cũng lại phải dừng hẹn viết tiếp sau vì dài rồi. Xin cám ơn ai đã đọc và nhất là đã comments.
 Xinh kính chào !

NHỮNG BỮA CƠM CỦA BỘ ĐỘI CỤ HỒ .(viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài 7 )


Cô bé liên lạc khác với các anh bộ đội là có việc thì nó đi, không nó vào bản chơi, học tiếng với người Tầy. Vào bản cái gì nó cũng hỏi:     

- Sao nhà mình hay ăn cáy, ăn pất ( gà, vịt ) thế? Gà rừng còn bắn được chứ gà nhà, vịt nhà nuôi sao kịp ăn?     

- Nuôi kịp mà. Nuôi nhiều tha hồ khả (thịt). 
- Mà sao tôi không thấy gà, vịt đâu?    
- Mình nuôi xa nhà. Vịt thì gần suối. Nuôi gần người chúng chết nhiều lắm. Còn gà rừng thì bẫy chứ không bắn tốn hết tiền đạn.     
- Cá dưới xuôi nuôi ở ao, còn đây không có ao thì lấy đâu?     
- Mình đánh ở suối mà.     
- Có dạy tôi được không?     
- Được mà.     
Thế là họ dạy cô bé liên lạc đủ thứ.  Trước đây bữa cơn của các anh chỉ có gạo hẩm, muối + ớt, bí ử (bí đỏ). Thỉnh thoảng có rau tầu bay hay rau rớn. Cũng có khi cô bé xin được ít rau cải bao về cho các anh. Lạ nhất là hôm nào ăn cải bao xong các anh cũng bảo khỏe và nhẹ cả người. Dân trồng nhiều lắm, hết nương nọ đến nương kia. Mấy chục năm sau mới biết hoá ra là cây thuốc phiện non. Cô bé về rủ các anh đi nhặt trám trắng về muối, kho, luộc ăn với cơm. Dạy các anh cách lấy măng sao cho ngon. Ngon nhất là măng nứa, măng mai rồi đến măng vầu. Măng vầu có loại ngọt, loại đắng. Nhưng biết lấy thì măng đắng rất ngọt. Muốn lấy ngọt thì phải gạt lá ra, đất nứt thì đào, nếu để nó ngó nhìn mặt trời thì chỉ bằng 1/4 đốt ngón tay cũng đắng không tài nào ăn nổi. Nhưng măng đắng mà cố ăn thì cũng trừ được sốt rét. Còn măng giang thì phải lấy trên cành, rung nó rụng đến đâu thì lấy từ đó.     Cô bé dạy các anh nhặt trám, lấy măng thạo, nó tiếp tục dạy các anh bẫy gà rừng. Có hôm được 3, 4 con. Nó rủ các anh đi đánh cá. Công việc này vất vả nhất. Nó rủ các anh : 
- Hôm nay các anh vác dậu (rổ của người Tầy) đi đánh cá với em.  
- Nhặt trám, lấy măng, bẫy gà còn nghe được, chứ còn đánh cá mày nói có vẻ khó nghe quá. Mày không lừa các anh đấy chứ ? 
- Em lừa các anh để làm gì ? Lâu nay em có nói đùa nữa đâu. Nói đùa tí các anh đánh em đau chết, em phải trốn vào hang, trèo lên cây. Mà em có mách thủ trưởng đâu.
  Nhiều khi mấy anh này đánh nó như đòn thù. Tuy vậy không bao giờ nó khóc. Nó chỉ khóc khi các anh nói oan cho nó. Nó khóc vì tủi thân, nghĩ mình là con mồ côi, chẳng ai bảo vệ, chẳng ai thương sót, mà chỉ cậy lớn bắt nạt, đánh nó. Tất nhiên những hôm đó nó ra rừng ngồi khóc 1 mình và bữa cơm tiếp đó nó không về ăn. 
- Em giao hẹn này. Nếu em nói thật tối về có cá ăn  thì em chỉ xin các anh ngồi xếp hàng một cho em tái bung mỗi anh 5 cái. 
-  Tái bung là gì ?    
- Thế mà cũng hỏi . Anh nói ngược lại đi xem nào.     
- Thế thì mày búng tai từng này người các anh cơ à? - Vâng. Tất nhiên phải thế . Các anh đánh em nhiều lần rồi, còn em chỉ 1 lần này thôi.  
Cô bé đưa các anh ra chỗ suối nước đọng ăn vào chân núi:     
- Các anh vác đá ngăn suối kỹ vào kẻo cá chạy mất. Em đi đây.     
- Mày định bỏ các anh chạy hả. Mày định lừa các anh à, con ranh kia ?     
- Em chạy làm gì ? các anh cứ làm như em bảo, tí em về. 
Thế là nó chạy biến vào rừng. Một lúc sau ôm một ôm lá cơi. Chia cho mỗi anh mấy cành, nó bảo các anh đập thật nát rồi thả xuống suối. Các anh làm đúng như nó dặn. Một lúc sau cá nổi lềnh bềnh, có con đến gần 2 cân. Chiến lợi phẩm khoảng 20 cân mang về. Anh thư ký đánh máy ngồi hai chân kê lên cây gỗ cháy dở cho khỏi rét. Hai tay đánh máy thoăn thoắt, mắt nhìn vào bản viết tay, mồm huýt sáo hỏi mọi người:     
- Có nhiều chiến lợi phẩm không ?    
- Khoảng hai chục cân. Thích lắm, lính cậu không được tham gia . tiếc thật.     
- Tiếc gì ? Chẳng anh nào bằng anh ấy. Người HN chay, đánh máy thạo thế, lại còn đít lôm ( lớp 7) trường Bưởi nữa mà chẳng ở lại với Tây, ra đây chịu khổ thế này.     
- Đã thế còn trốn gia đình đi nữa chứ : Ra đi bu không cho đi, quần áo cứ thế cắp nách nên mới rét thế kia chứ.     
- Anh Hà ơi, bây giờ có chuyện hay đây. Anh nghe này: Tất cả từng này anh phải ngồi xếp hàng cho em tái bung mỗi anh 5 cái. Anh Giúp em tái bung hộ nhé. Tay  em bé búng không đau. Các anh nói lại cho anh Hà đầu đuôi, Anh Hà hưởng ứng ngay. Mấy anh xin khất lần khác, cô bé chẳng phản đối, đồng ý cho khất. Thật ra nó nói thế chứ có muốn búng tai các anh đâu. Chẳng qua nói cho sướng cái miệng thôi. Hồi này nó cũng hơn 10 tuổi rồi nên ít nghịch ngợm như trước. Nó không còn nói đùa nhiều với các anh nữa.
Từ đấy trở đi bữa cơm của mấy anh đã có cá kho trám trắng, măng sào thịt gà, các loại rau luộc... không phải ăn cơm với muối ớt và bí ử nũa.
Bài dài rồi, xin khất viết tiếp sau. Xin cám ơn các bạn đã đọc và comments.
Xinh kính chào !

CẬN ĐẠI SAU THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ ( viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài phụ hiện đại)




Tối chủ nhật 26/7/2015, 4 mẹ con, bà , cháu đang chuẩn bị ăn tối, tôi dục các cháu:

- Ăn nhanh, dọn dẹp để bà còn sửa lại, điều chỉnh bài  CHIẾN SĨ VÔ DANH còn đăng không có muộn mất, mai 27/7 rồi, ngày thương binh liệt sĩ ta không thể quên.

- Mẹ còn nhớ thằng T nhà chú H không ? Hồi trước ( khoảng 1980) nó về hỏi bố nó:

- Bố ơi bố, bố là thương binh hay liệt sĩ ?

- Sao con hỏi thế, nếu bố là liệt sĩ thì làm gì có con và bố làm sao còn ngồi đây ?

- Thì cô bảo con về khai lý lịch ( lớp 1 ) là nếu con là con thương binh hay liệt sĩ thì phải ghi rõ.

- Hôm vừa rồi mẹ có nghe buổi chất vấn lũ trẻ: "Ông Quang Trung và ông Nguyễn Huệ quan hệ với nhau như thế nào kg, đứa thì trả lời 2 người bạn thân, đứa thì trả lời 2 bố con, đứa thì trả lời 2 anh em...- Ly hỏi mẹ.

- Mẹ nghe rồi, thật là buồn cười cho trẻ con bây giờ học sử.

- Còn 1 thằng trả lời chắc chắn :
- Cháu biết rõ ông này mà. 
- Cháu có chắc chắn kg ?
- Cháu chắc chắn vì trường cháu mang tên ông ấy.
- Thế trường cháu tên là gì ?
-  Thì trường cháu tên là  NGUYỄN DU. Mà ông Nguyễn Du với Quang Trung là một mà.

Thế mới sợ trẻ con bây giờ... - Cả nhà cười như nắc nẻ.

- Bây giờ bà hỏi Chí nhé : " Thương binh và liệt sĩ là thế nào ?

- Thì là MỘT ạ ! - cháu tôi trả lời chắc như đinh đóng cột.  Vâng, chắc chắn là MỘT ạ.

- Ôi, cả nhà tôi cười gần sặc cả cơm lên mũi.

Khi hỏi tôi định thử xem cháu mình định nghĩa thế nào là thương binh, thế nào là liệt sĩ, ai ngờ cháu tôi trả lời thế chứ.

Đấy, nếu chúng ta không nhắc lại lịch sử cho các cháu thì càng về sau không hiểu các cháu hiểu các định nghĩa danh từ VN chứ đừng nói ý nghĩa của các danh từ. Mọi người chịu khó đọc và cười thoải mái đi nhé. Ai có nhã ý đọc và comments xin cám ơn.

Xinh kính chào !
 

 

CHIẾN SĨ VÔ DANH ( viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài 6. )



 Hình như bây giờ người ta không thích dùng từ chiến sĩ vô danh, mà dùng chiến sĩ chưa biết tên. Đến bao giờ mới biết tên các anh ? Chẳng bao giờ cả. Kháng chiến chống Mỹ gần đây, bộ đội đã có nhiều điều kiện ghi lại mọi thông tin còn mất nữa là thời kỳ chống Pháp. Nhiều anh ra đi có phải dưới bom đạn kẻ thù đâu, mà là sốt rét, ốm đau đủ thứ bệnh. Phần đông là sốt rét, còn một số bị lao, ốm thiếu dinh dưỡng , kiệt sức...Tất cả những trường hợp ra đi của các anh biết có ai ghi lại không ? Tôi nghĩ là không ai ghi lại cả. Mà có ghi thì thời gian, bom đạn như thế thì làm gì còn giữ được . Anh nào, tên gì, ở đâu, mất vì sao ai mà biết ! Chắc gì ngay cả gia đình có còn nhớ đến các anh, hay gia đình các anh cũng chẳng còn ai...Hầu hết các chiến sĩ chống Pháp là từ dưới xuôi lên, đa số người HN. Họ toàn là lính tình nguyện. Nhiều người gia đình không cho đi, nhưng vận nước thanh niên không thể khoanh tay nhìn , không thể ở lại HN . Họ biết đi là khổ, là bệnh tật, là ốm đau, thậm chí là chết , nhưng chẳng do dự quyết tâm bỏ nhà ra đi . Tất nhiên mọi sự gian khổ nằm ở phía trước . Họ nghe chán tai những câu :" Bản Ty ra đi không về. Đầm Hồng không chồng mà chửa. " Lên Việt Bắc là Bản Ty . Bản Ty là ma thiêng, nước độc. Lên đó ốm đủ các bệnh không tên , mặt bủng , da chì rồi chết . Đa phần chết vì sốt rét.Chết thì vùi xác đâu đó chứ lấy đâu ra áo quan. May anh nào có được chiếc áo quan thì thật là : " Chết quan tài mà không biết phù hộ ai ". Chắc anh này thiêng lắm. Đầm Hồng không chồng mà chửa, nghĩa là sốt rét, bị báng bụng to hơn các đại gia bây giờ mà thân hình chẳng khác gì cành cây khô . Sốt rét lấy đâu ra thuốc. Dân mách gì , ta làm vậy. Họ mách đào giun ở các gốc chuối rừng , những con giun to bằng ngón tay , mang về gói vào lá ổi , nướng lên, nấu cháo ăn cho ăn,  mượn chân lợn rừng khô, chân nai khô của dân nấu cháo cho các anh ăn. Chỉ còn việc cúng con ma rừng là không làm thôi. May ra một vài anh thoát chết, chắc các anh ấy số cao. Bồi dưỡng chẳng có gì ngoài mấy miếng thịt gà rừng hay mấy con cá đánh được dưới suối hoặc mấy quả trứng gà rừng tìm được trong rừng. Sốt rét thì qua giai đoạn rét, rét đến bao nhiêu chăn đem hết ra đắp , mà đốt cả đống lửa vẫn run bắn người. Như nằm trong núi băng tuyết. Sau khi sốt rét là sốt nóng. Giai đoạn sốt nóng là giai đoạn nguy hiểm nhất , giai đoạn giết người nhiều nhất. Tôi chỉ nói sơ giai đoạn sốt nóng như sau: -Có anh nóng phát điên. Trời rét căm căm mà nhảy tùm xuống suối lặn, ngụp, cười khanh khách, đập nước bắn tung, một lúc sau lên, có anh chết ngay, có anh vài hôm thì chết. - Có anh trèo lên cây sung bắt ngang ra suối nhảy múa như lũ khỉ, tỏ ra vui sướng tột độ , bỗng nhiên nhảy từ cây sung xuống suối đập đầu vào đá chết tươi. -Còn có anh ra "ngắm " chỗ vực thẳm rồi thản nhiên nhẩy xuống như người ta nhảy dù. Mất tăm ! Sơ sơ những cái chết thảm thương như vậy thì ai biết mà ghi lại ? Ai báo cho gia đình các anh biết ? Chắc chẳng ai . Như thế ai đã công nhận là liệt sĩ ?...Nhiều anh không khai gia đình, quê quán vì sợ người nhà biết đến đòi về . Đấy là các anh bảo vệ các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều khi tôi nghĩ chắc linh hồn các anh đang chơi lang thang nơi rừng thiêng, nước độc hay đang hú với gió , cười với rừng rú như ngày nào. Với những người còn sống như tôi vẫn xem các anh là anh hùng vô danh . Các anh vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi, mặc dù vì tuổi tác đã làm tôi quên từng anh tên gì , mất trong trường hợp nào...Tôi chỉ còn nhớ những cái tên Hùng, Hiển, Việt, Khảm, Thắng, Chiến. ... 

   Sau năm 1960 tôi chẳng còn được gặp ai trong số những chiến sĩ bảo vệ nữa. Tôi cứ ân hận là giá như được gặp ai đó, dù chỉ là 1 anh để nói lên những gì chứa chất trong lòng bấy lâu. Vậy mà các anh đã lặng lẽ ra đi hết.

   Hỡi những người chiến sĩ VÔ DANH, em không bao giờ quên các anh đâu. Các anh hãy yên nghỉ nơi người Tầy đã đùm bọc các anh ngày nào. Nơi đó bây giờ là quê hương các anh rồi . Em chúc các anh thân yêu của em, những anh hùng VÔ DANH của em, yên giấc ngàn thu!

CÔ BẺ LIÊN LẠC (viết cho nhóm Chuyến tầu vè tuổi thơ, bài 5).




Cô bé  liên lạc đặc biệt yêu thương cây và con ( động, thực vật ). Như bài trước viết, nó được người Tầy cho 4 con gà con, đã lựa trống , mái theo kinh nghiệm của họ. Sau này cô bé LL cũng đã lựa, đúng 100%, số gà trống nở trong đàn bao giờ cũng ít hơn gà mái vài con. Bốn con gà con cô bé chăm hơn cả chăm mình. Lúc còn mới nở ăn chẳng đáng là bao. Nhưng nó lớn nhanh như thổi vì ngoài những cơm rơi, cơm vãi ra, cô bé LL thường gọi 4 con đi theo, đào đất lấy giun cho chúng ăn. Bọn gà khôn lắm, cứ thấy chủ cầm con dao và cái ống là chạy theo. Giun bé thì 1 con cướp chạy biến, giun to thì chúng giằng nhau như kéo co. Chẳng bao lâu 2 con gà mái mơ và con gà đội mũ đã đẻ. Bây giờ vấn đề ăn của chúng mới là mối lo thật sự. Cô bé NMT liền nghĩ ra cách đi mót lúa của người Tầy gặt còn sót lại. Mót được nhiều lắm, cô bé LL phơi khô cho vào ống nứa để dành cho gà ăn dần, vì bây giờ chúng ăn cả ngày, Mót lúa cũng có chuyện hay đáo để. Chuyện là thế này :
Một hôm đang quần sắn cao tận bẹn,lõm bõm lội ruộng mót lúa, bỗng nó nghe tiếng quen quen hỏi :
- Cháu làm gì dưới ấy đấy ?
- Dạ, cháu mót lúa cho gà ăn ạ ! - Nó trả lời không ngẩng đầu lên.
- Cháu nuôi được mấy con gà ?
- Dạ, thưa bác cháu nuôi được 4 con ạ !
- Thiếu nhi thi đua mỗi người nuôi 2 con gà mà cháu nuôi được 4 con, nghĩa là gấp đôi rồi.
- Vâng ạ .
- Thôi cháu mót lúa đi nhé, chịu khó nuôi gà mau lớn, bác về đây.
- Cháu chào bác ạ.
Quái tiếng ai quen thế nhỉ, nó nghĩ bụng vội ngẩng đầu lên và giật mình! Ôi BÁC HỒ ! Vậy mà từ nẫy đến giờ mới ngẩng đầu lên nhìn, nó ân hận và tiếc !
Nó nhớ có lần Bác đến thăm bác Trần Đăng Ninh sau chiến dịch, không có gì ăn bác TĐN bảo bắt con thỏ ra để thịt. Bác liền gàn :
- Mấy con thỏ trông nó hiền thế, sao lại bắt làm thịt. Có thịt thì thịt bác đây này...Ăn gì chả được.
Thế là chả ai dám làm thịt thỏ nữa. Cô bé LL cũng không biết hôm ấy Bác ăn cơm với gì.
Cũng có lần anh em bộ đội nói đùa với Bác :
- Bác xem chị D gầy thế mà đẻ con đứa nào cũng bụ bẫm, tròn tròn dể thương.
- Chú lạ lắm à ?
- Vâng, chúng cháu cứ bàn tán, trầm trồ khen sữa chị D tốt và chị có tay nuôi con.
- Không phải thế, các chú lạ thật à ?
- Vâng, chúng cháu lạ lắm chứ ạ. Ăn có gì đâu, toàn bí ử (bí đỏ) mà mấy đứa con cứ tròn trùng trục.
- Có gì lạ đâu, các chú có thấy cây bầu, cây bí không? Thân cây bé tí, thế mà quả to thế, nên chị D cũng như cây bầu, cây bí thôi!
- Anh em bộ đội nhìn nhau cười và nó với nhau:
- Bác nói đúng nhỉ !
Đang chuyện nọ lại sọ sang chuyện kia. Quay lại chuyện 4 con gà. Qua thời kỳ đẻ, mỗi con đẻ được 14-15 quả, sau 21 ngày ấp 3 đàn gà xinh xinh nở ra ríu rít quanh mẹ. Cả cơ quan ai cũng thích, cũng trầm trồ khen cô bé LL mát tay. Thóc cho gà thừa ăn, nhưng ngày ngày sợ nhất là cắt bắt trộm gà. Người ta nói nhanh như cắt chẳng sai. Thấy mấy con mẹ QUÉC báo hiệu cho con là nguy hiểm thì bọn con nhanh chóng chui vào cánh mẹ che chở. Nhưng sau chúng lớn, chui vào không vừa, dấu đầu, hở đuôi, chui được đầu vào cánh mẹ thì đuôi hở hết ra ngoài, vậy là cắt ở trên cây chớp nhoáng xà xuống chộp ngay 1 con. Mỗi đàn thất thoát 3-4 con. Khi lớn mẹ bỏ thì 3 đàn chỉ còn có 3 chục con. Sáng ra cô bé LL cho ăn, thả ra, chiều gọi về cho ăn, đếm và nhốt vào chuồng kẻo cáo bắt. 
Có điều lạ là khi nhốt gà buổi tối đếm đủ, đóng chặt cửa chuồng, sáng hôm sau đếm đã thấy thiếu 1 con.
Quyết làm cho ra gần chục con gà mất ban đêm không lý do, cô bé LL rình xem con gì bắt trộm gà của nó. Nó đã tìm ra, bộ đội bắt trộm gà của nó để nấu cháo tối ăn với nhau hoặc cho anh nào mới sốt ăn. Nó nói các anh :
- Các anh bắt trộm gà của em, em biết thừa rồi. Gần chục con có phải ít đâu. Các anh muốn ăn thì xin em cho, sao lại bắt trộm ? Em chỉ muốn nuôi chúng nó đến thật lớn, chúng nó đẻ lấy trứng bồi dưỡng cho các anh ốm nặng thôi, em có nuôi cho em đâu, mà em cũng có ích kỷ đâu. Các anh bắt gà tơ thì còn được, cấm không được bắt 2 con gà mái mơ và con gà đội mũ đâu đấy...
Nhờ việc nghịch ngợm giả làm khỉ vào bếp ăn trộm thức ăn của bộ đội nó mới phát hiện ra mấy anh bắt trộm gà của nó nấu cháo ăn tối hay bồi dưỡng cho người ốm. Chính vì nói thẳng nên từ đấy nó không bị bắt trộm gà nữa. Thế ra nói thẳng cũng hay !
Thôi, bài lại quá dài rồi, phải dừng thôi, hẹn bài sau viết tiếp. Xin cám ơn ai đã có lòng đọc và comments vào đây.
 Xin kính chào, hẹn bài tiếp theo.

CÔ BÉ LIÊN LẠC ( bài viết cho chuyến tầu về tuổi thơ. Bài 4 ).




Nói đến chuyện sốt rét thì ai có trải qua mới biết nó thế nào. Ngày trước vì sốt rét  mà nhiều chiến sĩ đã bỏ mạng ở nơi khỉ ho, cò gáy cho đến bây giờ vẫn là  VÔ DANH . Cơn sốt rét lên có đắp bao nhiêu chăn, mấy người ôm đè lên, thậm chí ngồi cạnh đống lửa vẫn run như cầy sấy. Sau khi rốt rét chuyển sang sốt nóng thì ngược lại, người cứ như nằm trong đống lửa, đầu đau như búa bổ, phát điên, phát rồ lên vì cứ có cảm giác đang bị đốt trong đống lửa, nghĩa là có cảm giác mình đang bị thiêu sống...Sợ hơn nữa là sốt cách nhật. Cách 1 ngày lại làm một trận nằm trong băng tuyết và rồi bị thiêu sống. Những lúc cơn sốt rét chuyển sang cơn sốt nóng thì khỏe cực kỳ, không ai có thể 2 người đè một được mà phải 3,4 người mới giữ được người sốt nóng , mê man, không còn biết gì nữa, nghĩa là thực sự đã bị ĐIÊN. Kêu , khóc, chạy, nhẩy khắp mọi nơi, không biết đó là nơi nào, trên cây hay dưới suối sâu nước chảy xiết. Anh em phải chạy theo giữ chặt để người sốt không trèo cây nhẩy xuống đất hay nhảy tòm xuống suối nước sâu chảy xiết. Trên thực tế đã có mấy anh làm nhưvậy và đã mất rồi.  Ngày không bị sốt thì ngồi con ruồi đậu vào mép không buồn đuổi, nghĩa là không còn chút sức lực nào để tồn tại.
Cô bé LL cũng bị sốt rét thường xuyên, nhất là đang đi trong rừng một mình, bỗng cơn sốt rét ập tới, chống cự không nổi thì tất nhiên nằm quay lơ trong rừng. Có lần đi đến bờ suối, thấy khát định xuống uống, nhưng rồi ngã lăn quay trên bờ suối không biết gì nữa. Khi tỉnh đậy thấy mình đang ở nhà sàn 1 người Tầy. Họ nói:" Cái em gái này nằm ngoài bờ suối ngủ không biết gì. Chị đi gần nghe tiếng chó kêu, xuống thấy em gái nằm ngủ , người nóng như cục than cháy trong bếp, bế về cho sưởi và nấu nước chân nai khô đổ cho uống mới tỉnh dậy đấy. Bây giờ hết rồi, chị cho ăn cơm rau rớn ( cây non của loại như cây dương sỉ, người Tầy rất thích ăn sau khi bị ốm, nhất là sau khi sốt rét) em no rồi hãy đi. Đói sau ốm không đi được đâu, lố !" Ăn no, không quên cám ơn, nó từ dã người chị tốt bụng đi về đơn vị và cũng chả nói cho ai. Đến bây giờ cô bé LL cũng chưa bao giờ gặp lại chị người Tầy tốt bụng cứu cô lần nữa. Nhưng bài thuốc chân nai khô thì nó đã sử dụng trong suốt cuộc đời làm liên lạc để cứu nhiều chiến sĩ sốt rét. Từ đó nó hay nghêu ngao trong rừng những câu hát bịa lời theo các bài hát của nhạc Sĩ Văn Cao như bài " Thủy quân VN "
     Bao anh em miền xuôi bụng to lên đây, 
     Mở mắt trông, trông nước độc nơi đây.
     Ra đi bu không cho đi, 
     Quần áo cứ thế cắp nách.
     Chân đi không mang săng đan,
     Ký ninh dùng hàng tháng.....
     Em ơi, lấy chăn đắp vào, 
     Chăn bông đắp cho kín đầu,
     Con muỗi bay: vù vù vù,
     Có tiếng rên: hừ hừ hừ,
     Đầu lắc lư.....
     Ngày về Tổ Quốc ghi tên.
Đi trong rừng hay nghêu ngao hát, thổi sáo là một thói quen của cô bé LL. Đặc biệt nó thích hát to để mình nghe tiếng của mình vang rừng núi . Hơn nữa hát lên cho quên sợ hãi, buồn chán khi một mình trong rừng. Nó hầu như chả biết lời chính thức, chỉ biết các lời xuyên tạc lúc đó mà thôi:
     Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở.
      ( lới chính :Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ)
     Chết quan tài mà không biết phù hộ ai...
      (Lời chính:  Chết huy hoàng mà không khuất phục ai...)
Hồi ấy có ai chết được chôn quan tài đâu, toàn vùi đâu đó, may mắn được gói bằng 1 chiếc chiếu, nên ai cũng cảm giác nơi đây chỉ có ăn sắn và mong khi chết được có một cái quan tài...Cho nên nhạc sĩ Văn  Cao mới có câu hát của bài Chiến sĩ VN :
      ...Là trang nam nhi,
        Quyết chiến sa trường,
        Sống thác coi thường. 
        Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai.
 Đặc biệt cô bé LL rất thích tính nhìn xa, trông rộng, lạc quan, mơ mộng của nhạc sĩ Văn cao trong bài hát " Thăng long thành hành khúc:
     Ôi Thăng long, ôi Thăng long.
      Ôi Thăng long, ngày nay,
      Kiên quyết chống xâm lăng,
      Thề chiến đấu đến cùng, 
       Dân trí sống nêu cao,
       Nòi giống nước Nam hùng...
       Ôi Thăng long, ôi Thăng long ,
       Ôi Thăng long ngày mai,
       Danh thắng nhất Năm châu,
       Toàn quốc sống kiêu hùng...
       Gần, xa hò hét :
       Thăng long, 
       Thăng long, 
       Thăng long thành !
Mỗi khi cất tiếng hát điệp khúc bài này nó thấy tự hào cao độ vi mình là người Thăng long...Khí thế lúc đó lên cao đến mức cứ chạy băng băng trong rừng không biết mệt...Cười, hét vang rừng núi...
Một thú vui nữa của cô bé liên lạc là nuôi gà. Nó được dân bản cho 4 con gà con. Nó tự làm chuồng và tự lo thức ăn và bảo vệ chúng khỏi bị cáo ăn thịt... Chuyện này phải để viết sau thôi, vì bài dài rồi, đọc nữa sẽ mỏi mắt và chán. Hẹn mọi người bài viết tiếp. Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và nhất là đã bỏ thời gjan comments.
Xin kính chào !


 

CÔ BÉ LIÊN LẠC ( Bài viết cho nhóm CHUYẾN TẦU VỀ TUỔI THƠ , bài 3 ).




Chia tay với những người thân, một anh bộ đội bế nó lên lưng con ngựa đưa đi, nó khóc như mưa, đòi về. Nhưng không được. Tuy đã 8 tuổi nhưng nó gầy như cây sậy, bé tí tẹo. Mồ côi cha mẹ từ năm lên 3, chả được ai chăm sóc nên mới gầy thế. Chỉ không đầy nửa năm cả cha lẫn mẹ bỏ 4 chị em nó mà đi. Cũng may còn có họ ngoại nuôi, nếu không chắc cũng chết đói năm 1945 hay ít nhất cũng thất lạc nhau. Cha, mẹ nó nhiều bạn cùng chí hướng lắm. Họ đều muốn nuôi 4 chị em, nhưng ông ngoại nó không cho. Tuy nay đây, mai đó, nhưng rồi cuộc đời từ đây cũng ổn định, vì nó được 1 cán bộ cao cấp của bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) nuôi.
Nó ở với gia đình ông, lúc ấy mới có 1 con gái 4 tuổi. Hai chị em cứ tha thẩn trong rừng, đến bữa về ăn. Sau 1 thời gian có thêm em trai. Lúc này lưng địu em trai, tay dắt em gái cũng vẫn tha thẩn trong rừng...
Rồi một hôm ông gọi nó vào và nói:
- Con mang giúp chú cái này sang bác M. Cứ thế hôm thì sang bác M, hôm thì sang bác N, hôm thì sang bác V...Nó lúc nào cũng phấn khởi làm tròn việc được giao. Gần thì lưng địu em, tay dắt em, cài bức thư vào cạp quần. Xa thì đi một mình. Cứ thế nó đi từ gần tới xa, đến những nơi ông yêu cầu.Từ qua 1 đồi, đến qua bao núi non, khe suối hiểm trở nó phải vượt qua một mình... Tuy mù chữ, nhưng chỉ nhìn phong bì 1 lần là nó nhớ ngay bác này viết thế nào, bác kia viết thế nào, ở đâu, đi đường nào, không bao giờ nhầm lẫn.
Hôm nào có thư trả lời, nó chạy vội về ngay, không có thư trả lời thì nó lang thang trong rừng đến xẩm tối mới về. BTTL, BTTM, Tổng cục Cung Cấp, Ban kiểm tra 12, Cục TTLL... nó thuộc đường rừng như lòng bàn tay, không bao giờ lạc.
Trong người nó đi gần thì chỉ 1 con dao, 1 cái sáo nứa tép nó tự làm dắt sau lưng và 1 cái gậy trúc khô. Nếu đi xa thì thêm chiếc ba lô con, trong có ít gạo, mấy thứ nó thích nhặt được trong rừng.
Quãng đường mỗi ngày một xa dần. Cũng có hôm cơn sốt rét lên nó phải nằm lại đâu đó hoặc nặng hơn là ngất đâu đó trong rừng không ai biết. Chỉ khi về đến đơn vị mọi người mới mừng là :" Bé đã về !". Nó quen đi trong rừng như con thú. Hổ, báo, khỉ, chó rừng, rắn, rết, hươu, nai, hoẵng, gà rừng, côn trùng bây giờ nó đã quá quen, chả sợ con gì cả.
Trèo đèo, lội suối cả ngày. Khát : lắc cây nứa non nào có nước chặt uống, đói : chim ăn quả gì nó ăn quả ấy. Gạo sẵn trong ba lô cứ chặt cây nứa có nước đổ gạo vào nấu là có cơm ăn. Thức ăn là măng rừng, các quả ăn được mà nó không biết tên. Hoa, quả trong rừng vô cùng phong phú, hầu như các quả đều ăn được, nhưng để chắc chắn chim ăn quả gì thì nhớ, lúc đói cứ thế chén no. Trám đen, trám trắng, bứa, sung, vả, ổi, thanh mai, lạc tiên, mơ, mận, sa nhân... Vả nằm dưới đất, nó bới lấy quả chín ăn miếng mật ở trong, quả xanh đắp lại lần sau đi lại bới ra ăn. Bứa, mơ, mận, ổi...cao thì trèo  lấy ăn no và cho vào ba lô chiêu đãi các anh bộ đội nơi đến hay cùng đơn vị. Qua các bản người Tầy thì họ có cây gì quả ăn được nó xin ăn (Thời gian này không dùng tiền) và trèo lấy đầy ba lô đem về. Dân trồng bí, rau, nó xin về cho bộ đội ăn. Nó học nói tiếng Tầy nhanh lắm, nói i si người Tầy. Cách nấu ăn, trồng rau, đánh cá của người Tầy bằng lá gì nó biết hết.
Trong lúc chờ đợi người lớn viết thư thì nó tán chuyện với mấy anh bộ đội gác và không quên chiêu đãi các anh những quả trong ba lô.
Có lần mệt ngồi trên phiến đá to, thổi sáo chơi, đàn khỉ nhẩy xuống vây quanh, có con trèo lên vai , cào, bới đầu bắt chấy cho nó. Nó định tóm 1 chú về, nhưng khỉ nhanh lắm, không tóm được.
Tiếp xúc nhiều với bộ đội nghèo , người dân tộc, muông thú trong rừng NMT cũng dần dần lớn lên theo thời đại. Chẳng bao giờ nó lo sợ gì cho bản thân, chỉ lo cho các anh bộ đội ăn khổ, đói, sốt rét, lo cho mấy con gà nuôi hàng ngày kiếm gì nuôi chúng, tối gọi về nhốt kẻo cáo bắt ăn thịt... Cuộc đời thật đơn giản trôi. Nào ai nghĩ đến no, đói, khổ sở, rét căm căm, nóng như lửa đốt. Gió núi, mưa ngàn, nguy hiểm trước thiên nhiên và muông thú... Giữa sự sống với cái chết cứ nhẹ như lông hồng.
Giữa những người bộ đội đủ các loại thành phần đều thân thuộc như 1 gia đình. Tán chuyện cho vui, chia sẻ chuyện gia đình...Chuyện bao giờ cũng như chưa nói hết.
Đi đưa thư thì phải chạy vội cho nhanh, cứ đường mòn dân đi thì đi theo. Nhưng khi về thì nhìn hướng, phát rừng mà đi, tội gì đi đường mòn vừa xa lại vừa ít thức thú vị.
Thường ngày năm này qua năm khác là như thế. Một số chuyện đặc biệt và tối, tối cô bé và các anh bộ đội làm gì, hẹn bài sau. Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và comment.
Xin kính chào !

CHẠY TÂY NHẢY DÙ BẮC KẠN ( Bài viết cho nhóm Chuyến tầu về tuổi thơ, bài 2 ).



Tây nhẩy dù vào thị xã Bắc Kạn với ý định  TÓM GỌN BỘ NÃO CỦA NƯỚC VNDCCH. Vì như bài trước tôi đã viết :" thơ Tố Hữu : Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi, hố ngang, hố dọc chữ I chữ T (tờ) " nên chúng không thể dùng đường bộ lên Việt Bắc mà phải dùng đường không, nghĩa là nhẩy dù ngay xuống Bắc Kạn bí mật, bất ngờ, tóm gọn cả bộ não của nước VNDCCH, vì thế chúng nhẩy đúng vào sân trường võ bị . Nhưng sân trường đã cắm chông nứa nhọn dầy đặc, nhẩy dù xuống có thể bị chông cắm chết tại chỗ, và điều đó đã thực sự xẩy ra trong ngày Tây nhẩy dù. 
Khoảng 10 giờ thấy nhiều máy bay quá, mọi người ngạc nhiên, gọi nhau ra xem đông lắm, nhưng chắc không ai nghĩ là Tây sẽ nhảy dù. Trường võ bị không còn sân tập nên đi tập ở trong rừng , kể cả giám đốc lẫn cán bộ giảng dậy đều đi với học viên. Trong trường chỉ còn cấp dưỡng. Họ chuẩn bị bữa cơm trưa cho học viên đi tập vể ăn. Chúng tôi nhìn thấy từ máy bay cứ có gì RƠI xuống. Những vật RƠI xuống dầy đặc như truyền đơn, nhưng động đậy như người, nhiều lắm. Vì rừng núi nên dù gần mà khuất núi chúng tôi không thể nhìn rõ.
Đến chiều cụ Hoàng Đạo Thúy, giám đốc của trường đem một đoàn anh em đi tập về nhà cụ bà nói là Tây đã nhẩy dù vào trường. xin còn bao nhiêu gạo đem nấu cơm hết cho anh em ăn. Sáng tập gần trường, thấy Tây nhẩy dù, cụ dẫn đoàn đi vòng quanh trong rừng để trốn, vì quá bất ngờ. Cơm ở trường dọn ra đầy đủ, Tây nhẩy dù xuống chỉ việc ngồi vào ăn, còn anh em thì đói lại được trưởng đoàn dẫn chạy vào rừng ổi. Đang đói, anh em cứ trèo ổi ăn no. Nhưng ăn ổi no thì cồn ruột. Anh em thi nhau nôn mửa trong lúc chờ đợi nấu cơm. Cơm nước xong, cụ ông ra lệnh cho cụ bà thu dọn mọi thứ thật gọn, nhẹ cả nhà đi theo đoàn. Tất cả gọn, nhẹ, nên mỗi người chỉ có 1 bộ mặc và 1 bộ mang theo, hầu như chân đất. Tất cả lặng lẽ lên đường ngay trong đêm tối. Gần sáng thì đến chợ RÃ. Ông chia tay với gia đình dẫn đoàn học viên  đi. Bà dẫn con, cháu theo đoàn người khác.
Đoàn đi hết ngày này sang ngày khác, không biết mấy tháng. Tây cứ đuổi đằng sau. Đoàn người cứ ít dần, ít dần... Họ bỏ đoàn ở lại đâu đó vì mất sức, quá mệt hay chán nản. Có chuyện đau lòng là Tây cứ đuổi sát sau lưng, mọi người cứ im lặng mà chạy. Qua cầu có 1 người bế đứa bé trên tay, đứa bé cứ khóc mãi, bịt mồm không nín, vì đoàn người khá đông. Sợ bị lộ cả đoàn sẽ chết hết, một anh giằng đứa bé từ tay mẹ nó ném xuống suối. Mẹ nó liền nhảy theo, giòng suối chảy xiết lôi theo 2 mẹ con tội nghiệp kia... 
Đi trong rừng, nói đúng hơn là chạy trong rừng, mà không biết chỗ nào cũng có Tây đuổi sát đằng sau. Có khi mình sợ chui trong hang ngồi cả ngày, Tây không bao giờ dám chui vào hang, bụi rậm, chúng chỉ đi chỗ nào có đường.  Tây nói chuyện, quát với nhau nghe xì là , xì lồ gì đó rõ mồn một. Chúng đi đến đâu, gặp ai, gặp con gì cũng bắn hết. Chúng tôi đi theo anh giao thông người Tầy, anh cứ phát đường cho chúng tôi theo. Có khi sợ lộ lội ngược suối cả ngày để Tây không tìm ra.  Đói, khát thì cứ vục nước suối uống no. Có lần chúng tôi đi ngược dòng suối, uống no nê nước suối , lên thượng nguồn thấy cả bản người lẫn trâu, lợn, gà bị Tây bắn từ bao giờ đã bị chảy nước vàng. Đến bản nào dân có gì cho ăn nấy. Quần áo phải xắn cao đến nách và bẹn để không vướng cây khi chạy. Bây giờ vắt cắn đầy chân từ đùi xuống đen ngòm, vậy mà cô bé không còn la hét, lặng lẽ bẻ que nứa cào vắt xuống, làm gì có thì giờ gỡ từng con. Sau khi cào vắt xuống thì 2 chân đỏ lòm toàn máu tươi chảy ra.
Không biết anh giao thông người Tầy dẫn đường đi đâu, nhưng mấy tháng sau thấy 1 cái cầu to, người ta bảo đó là cầu Kỳ Cùng. Qua cầu là đã tương đối xa Tây, sắp sang Trung Quốc, nhưng không hiểu sao đoàn quay lai. Tiếp tục đi về Phúc Trìu Thái nguyên, nơi có chè nổi tiếng ngon ở VN. Thế là đoàn trụ lại đấy. Đây cũng chính là đồn điền chè của bà địa chủ Nguyễn thị Năm.
Bọn trẻ được giao việc hái chè trong rừng, chè trồng sen kẽ với cây thầu dầu, câu chẩu. Thích nhất là được CHUI vào rừng chè lâu năm, hái những búp chè mũm mĩm, dài hơn gang tay mà không có lá. Có lần 3 người, mỗi người đi một ngả mà mỗi người vớ được 1 ổ trứng gà rừng. Mỗi đứa lẳng lặng đem về dấu vào 1 bồ thóc, không nói cho ai. Đến khi đem lúa đi xay, chị P phát hiện ra và nói với mọi người, cuối cùng kiểm tra xem ai dấu mới phát hiện ra trong 3 bồ lúa, mỗi nơi 9 quả trứng gà rừng. Lạ nhất là mỗi ổ chỉ có 9 quá, không hơn, không kém.
Từ nơi đây 4 chị em mồ côi bắt đầu chia nhau mỗi người một ngả, đó là năm 1948.
Cuộc đời cô bé liên lạc bây giờ mới thực sự thay đổi, kể cả tên cũng thay bí danh là NMT. Cô bé đã 8 tuổi rồi, trước đây 8 tuổi là đã lớn, phải làm đủ mọi việc như 1 thiếu nữ 15 tuổi. Nghe có vẻ sao sao, nhưng đó là sự thật. 
Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và comment. Hẹn sẽ viết tiếp bài sau.
Xin kính chào !
 

VÀI MẨU CHUYỆN CUỘC ĐỜI CÔ BÉ LIÊN LẠC ( viết tham gia nhóm chuyến tầu về tuối thơ, bài 1 ) ).



Với tư cách 1 bà lão, tham gia với nhóm CHUYẾN TẦU VỀ TUỔI THƠ cho vui và phần nào đó cho thế hệ của những người sau cô bé liên lạc có khái niệm 1 chút về thời ký CHỐNG PHÁP, vì thời kỳ CHỐNG MỸ thì nhiều người biết rất rõ, nhưng thời chống Pháp thì chưa ra đời ! Bắt đầu từ năm 1947 thế kỷ XX :

Một lũ trẻ mồ côi, không nơi nương tựa được 1 bà cụ CM cho NHẶT về nuôi ở 1 ngôi nhà tranh dài, trải rơm 2 bên để ngủ ban đêm, giữa để 1 con đường vừa chân người đi. Ban ngày lũ trẻ đi làm đồng tự nuôi thân. Chắc đứa lớn nhất chưa đầy 15 tuổi, còn đứa bé mới  4 - 5 tuổi. Nơi đây có 4 chị em con liệt sĩ cũng được người nhà gửi bà cụ nuôi hộ. Cả 4 chị em này cũng chả khác lũ trẻ nhặt được ngoài đường, có ưu tiên hơn lũ trẻ nhặt được là tối bà cụ trải cho 1 cái chiếu rách tại góc nhà ngói. Rồi năm 1947 không biết lý do gì mà chú T. một người con rể ông tư sản NSH về đón 4 đứa lên Việt Bắc. Chắc là vì bà cụ CM, trưởng trại đã mất và TÂY sắp tấn công đến Phúc Yên, nơi bọn trẻ đang sống.
Chuyến đi của 5 chú cháu thật là ly kỳ. Để chống ý định của Pháp chiếm VN thật nhanh, thì ta lại kìm chân cho chúng thật chậm. Đầu não của nước VNDCCH là Việt Bắc. Không biết sáng kiến của ai mà tất cả đường cái (ô tô đi được) đều được chính phủ vận động nhân dân đào sâu khoảng 0,5 met. Cách nhau chỉ 1 con đường có thể đi xe đạp. Bên nọ 1 hố, bên kia 1 hố, con đường trở thành  CHỮ CHI, vì thế Tố Hữu có câu thơ :" Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi, hố ngang, hố dọc chữ I, chữ T(tờ)."
Chú T. cứ đèo 1 đứa, đi 1 đoạn lại bỏ xuống cho tự đi bộ, quay trở lại đón đứa khác, 4 lần như thế chắc đi được độ vài km là cùng. Không biết qua bao ngày thì 5 chú cháu cũng lên đến Bắc Kạn. Đến Bắc Kạn 4 đứa trẻ thích nhất là được lên xe ngựa đi đến thị xã. Vừa lên xe đi được độ vài km trong rừng thì nghe tiếng tầu bay. Anh lái xe ngựa dừng xe, đuổi tất cả xuống, buộc ngựa vào cây và bịt mắt ngựa lại để có nghe thấy tiếng súng của máy bay đa cô ta bắn xuống không biết đường mà chạy.
Vừa báo yên, anh lái xe ngựa dục mọi người lên xe nhanh kẻo càng muộn thì máy bay càng nhiều. Mọi người lên xe. Bỗng 1 tiếng thét thất thanh, vang rừng núi :" Á, á, con gì cắn chân Bé rồi !" Mọi người nhìn chân cô Bé thì thấy con VẮT. Anh lái xe ngực cười và bảo :" Ôi, tưởng gì, hóa ra con vắt mà la hét vang rừng núi ." Cô bé giẫy đành đạch, càng hét to, chú T lại gỡ con vắt, nhưng không tài nào giữ nổi chân nó để gỡ, nó giẫy như điên, như bị điện giật, mọi người cười và bảo con bé giẫy như ĐỈA PHẢI VÔI  người giữ đầu, người giữ tay, người giữ chân mãi mới gỡ được con vắt ra khỏi chân cô Bé. Lúc đó cô bé mới 7 tuổi. 
Trước khi đến thị xã, nơi trường võ bị Trần Quốc Tuấn đóng quân, phải qua 1 làng gọi là làng CÀ LẸNG, cả làng cứt trâu lầy đến hết nửa bụng chân. Chắc làng thì cũng phải 1 km2. Cô bé lại đứng lì ra không đi, chú T phải cõng qua.
Đời cô Bé liên lạc tôi muốn kể bắt đầu từ đây, chính xác hơn là từ ngày TÂY NHẨY DÙ BẮC KẠN.
( Lần sau kể tiếp :" Cuộc chạy Tây Bắc Kạn " )
Xin gửi nhóm Con Tầu về tuổi thơ bài 1. Tôi sẽ viết tiếp với tư cách  Cô Bé liên lạc để nhóm đọc. Xin các bạn hiểu cho, nhớ đến đâu tôi kể đến đó. Tuy vậy nhớ là 1chuyện, nhưng còn phải tham khảo một số người biết xem có chính xác không mới viết. Cho nên độ chính xác là hầu như 100%, không bịa. Tôi rất ghét BỊA, chỉ muốn kể sự thật của lịch sử, mà đã là lịch sử phải chính xác 100% và không được bịa, không được hư cấu.Xin cám ơn ai đã đọc và comment.
Xin kính chào !



CHUYỆN THẬT NHƯ TIẾU LÂM.



Các cụ bây giờ muốn đi thăm nhau thật là khó. Không ốm nằm mèo trên giường thì đau chỗ này, hay đau chỗ kia, thế mà ông Trời không thương còn HÀNH các cụ cho bõ. Chúng mày muốn đi chơi với nhau à, già rồi, ở nhà cho khỏe, ÔNG nóng 45 độ không cho chúng mày đi thì chúng mày cũng chịu. Việc đi chơi chỉ làm tắc đường, thôi hãy để dành đường cho bọn đi học và đi làm. Chúng mày dùng điện thoại mà nói chuyện với nhau, vừa đỡ tắc đường, lại vừa đỡ tốn tiền, vì đi xe ôm hay taxi cũng tốn lắm. Cứ nằm nhà buôn tha hồ, có tốn là bao.

 Một hôm sang nhà anh ruột chơi, không thấy anh, chị dâu đang ngồi nói chuyện. Tôi chào, chị ta chào lại và tiếp tục ngồi  CHỔNG CẲNG lên bàn BUÔN tiếp. Ngồi gần 1 tiếng chị dâu vẫn coi như không có mình, tôi đứng lên chào ra về. Cô ta thấy mình về mới vội :" Cô Nga về à ? Tôi nói nốt tí nhé ". Thôi tôi về đây, thế là tôi chào và ra về. Mốt bây giờ là thế, các cụ chỉ còn mỗi một điện thoại để  GIẢI SẦU. Cũng thông cảm thôi.

Có khi nhờ có điện thoại mà mình cũng được cười vỡ bụng và tất nhiên cuộc nói chuyện không dài như cuộc nói chuyện của chị dâu.

Khi nói điện thoại nhiều khi phải nói to như cãi nhau mới nghe được. Sau khi nói chuyện thì khản cả cổ. Hôm vừa rồi nghe chuông, vội nghe, đầu kia trả lời :
- ACT đây mà !
- Nghe rồi, bà tướng ạ.
- ACT đây mà !
- Thì đã bảo nghe rồi, nhận ra tiếng rồi, không phải nhắc lại nữa !
- Nghe rồi hả ? Khỏe không, nghe nói khỏe lắm hả ?
- Khỏe gì, đang ở trên giường đây này. Mấy tháng nay làm bạn với giường.
- Đang đi đường à ? Khỏe nhỉ! Mấy tháng nay vẫn phóng xe đạp điện trên đường được à ? TN giỏi thật đấy !
- Khổ thật với bà tướng, cứ nghe gà hóa quốc thế này mà gọi điện làm gì cho tốn. Khốn khổ ! Nói chuyện cứ như cãi nhau mà chả nghe thấy gì ?
- Khốn gì mà khốn, thỉnh thoảng gọi cho nhau hỏi thăm tí chứ không đi thăm được nữa rồi.
- Thôi thế là đủ rồi ! Khốn khổ nói chuyện với bà điếc cứ như cãi nhau, khản cả cổ.
- Mày nói gì thế ? Định rủ tao đi xem xiếc à ?
- Xiếc, xiêc cái con khỉ, điếc khốn, điếc khổ mà còn nói.- Tôi lẩm bẩm.
- Ôi , không đi được đâu, xa lắm. Hồi này chắc TN cũng ít đi xem xiếc nhỉ ! Hồi trước ở Bách khoa gần công viên Thống Nhất chắc hay đi xem chứ bây giờ về đây xa ít đi xem nên muốn đi xem chứ gì.
- Thôi, hỏi thăm, buôn thế là đủ rồi. Còn nhớ gọi điện hỏi thăm là cám ơn lắm đấy. Yên tâm, TN vẫn còn sống !
- TN đang đi đường thì thôi , lúc khác gọi lại nhé.
- Chào nhé, cám ơn nhiều !
- Chào TN nhé !
Chuyện thật như tiếu lâm.

Tết anh HXT gọi điện chúc tết. Nghe chuông thấy tên anh, tôi vội trả lời. Đằng kia anh nói. Tôi chỉ nghe âm gì gì đó mà không thể thành tiếng. 
Tôi nói 1 lúc, cô giúp việc trả lời ông không nghe và không nói được gì đâu , bà ạ. Bà nói ông cũng có nghe được gì đâu, nên cháu nói để bà biết ông thích cháu gọi cho bà để nghe ông chúc tết. Cháu chiều ông gọi chứ ông có nói được ra tiếng và cũng có nghe được gì đâu.
Nghe cô giúp việc nói, tôi rớt nước mắt vì hoàn cảnh của anh như vậy mà vẫn nhớ tới tôi. Rồi trong năm anh ra đi mãi mãi.
Bây giờ thật nhiều chuyện vui, buồn cứ như BỊA. Chia sẻ buồn, vui với các bạn. Xin cám ơn tất cả những ai đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !

MỘT CHÚT KIỂM TRA TRÍ NHỚ...



Chỉ kiểm tra lại một chút xem trí nhớ còn được chừng nào thôi. Nếu trong bài ai ưu ái đọc để biết mà thấy thắc mắc điều gì cứ hỏi, nếu nhớ, biết tôi sẽ trả lời , mà nếu không tôi đành xin lỗi. Ở tuổi tôi, ông ngoại tôi chỉ kê giấy lên đùi mà viết quyển " Đi thăm đất nước " dài 530 trang mà không tra bất kỳ 1 điều gì ở đâu... Một trí nhớ tuyệt vời. Ấy thế mà có chuyện xẩy ra cũng buồn cười. Chuyện như sau:

Lúc ấy tôi mới hơn 7 tuổi, đang ở ngoài vườn, ông tôi gọi. Vào trong nhà thấy ông đang trèo trên thang sửa lại mái tranh. Tôi vội thưa :
- Thưa ông con vào rồi đây ạ. Ông bảo con làm gì ạ?
- Con tìm cho ông cái pip ( tẩu hút thuốc ) , ông tìm mãi không thấy, con tìm đưa ra đây cho ông. À...
Khi ông tôi nói À thì há miệng ra, cái tẩu rơi xuống đất. Tôi cười và nói lại :
- Cái tẩu của ông đây thôi ạ?
 
- Con tìm thấy nó ở đâu đấy ?
- Con có tìm đâu ạ. Nó rơi từ miệng ông ra lúc ông nói À đấy ạ.
- Ông tôi cười lẩm nhẩm, thế mà ông tìm mãi không thấy, lẩn thẩn rồi...
Khi đó ông tôi mới khoảng 50 tuổi. Nghiện thuốc lá đến mức ngậm tẩu cả ngày, trừ lúc ăn, uống không cảm giác gì. Vậy mà gần 90 tuổi ông tôi bỏ được hút thuốc, chỉ còn nghiện mỗi cà phê cho đến lúc khoảng 15 phút trước khi  ra đi, thọ 95 tuổi.
Tôi bây giờ cũng lẩn thẩn chả kém gì ông tôi lúc hơn 50 tuổi. Vừa nói gì, nói được nửa câu - quên rồi. Định làm gì, ra đến nơi - quên rồi...Mọi thứ muốn làm - quên hết rồi. Chán quá!!! Quên là bệnh của tôi và cũng là bệnh của mọi người ở thế kỷ 21. Ai cũng quên, làm gì cũng quên, chẳng ai trách được ai khi đã quên...
Khi là 1 con bé con thì sao mà nhớ khiếp thế. Nhớ đến mức đổ nước vào tổ DẾ, chờ khi nó chui ra cái râu ngọ nguậy thế nào còn tả nguyên xi từ lúc bò trong tổ ra đến khi râu ngọ nguậy và mình tóm được, không thiếu 1 chi tiết. Đốt gần chục bó đuốc đi xem phim " Chiến công anh tình báo " của LX hay phim " Bạch mao nữ " của TQ. Trên đường về vừa đi, vừa hát lại các bài hát vừa nghe trong phim, đến nhà thì hết gần 10 bó đuốc, mỗi bó duốc dài khoảng 2 mét. Ai cần nhớ gì, gọi tôi nhờ nhớ hộ, thế là xong, cần cứ hỏi như mở tự điển.
Khi còn là 1 cô bé LL 9 tuổi, chưa biết 1 chữ bẻ đôi, của bộ TTL lang thang trong rừng rậm, tre, nứa, vầu, giang, cây cao to, cây ăn quả nếu đi 1 lần thấy chim ăn là đã nhớ địa điểm, quả nào ăn được, lần sau khi xong việc, chưa cần về vội đi qua đường ấy thì cứ việc lang thang trèo cây, ăn quả, hái đầy túi mang về cho bộ đội ăn...Chẳng bao giờ lạc trong rừng rậm và cũng chẳng bao giờ sợ lạc...Đói đã có quả rừng, khát đã có nước trong cây nứa, vầu, mai non, chặt ra là có nước uống vừa mát, vừa ngọt, vừa thơm mùi tre, nứa non...Trong rừng rậm chẳng biết gì là sợ, mặc dù đầy thú rừng gấu, hổ, chó rừng, rắn, vắt đen, vắt xanh, các loại côn trùng... Còn khỉ thì cứ cả đàn xà xuống trêu mình ! Thế mà bây giờ ra khỏi nhà là LẠC!

Chỉ có điều lúc đó trên người tôi có đúng 1 bộ quần áo cũ, 1 đôi dép cao su, 1 con dao nhọn gài lưng, 1 cái sáo nứa tép tự làm dắt sau lưng và 1 cái gậy vầu khô. Anh em bộ đội nhiều anh chỉ có 1 cái quần đùi và 1 cái may ô. Trời rét căm căm một anh ngồi đánh máy, dưới chân để 1 cây gỗ khô to cháy nhỏ (than) cho ấm. Anh này người HN, nhưng thấy nhiều bạn không có quần áo , nên cứ nhường dần cho bạn và cuối cùng chỉ còn đúng 1 chiếc quần đùi và 1 chiếc áo may ô. Họ nhường nhau từng manh áo, từng miếng cơm, cọng rau, quả ổi găng, quả mơ, quả mận, quả bứa, quả vả... Lúc đó nhiều anh đi bộ đội chỉ có mỗi cái quần đùi, nhập ngũ bạn nào có quần áo thì nhường cho...Cuộc sống thật vô tư. Thế mà bây giờ chả còn ai...
Trong cuộc sống vô tư giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc. Chết đủ các kiểu, sốt rét phát điên mà chết, thú rừng cắn, ngã xuống vực thẳm, chết đuối thì các trò chơi, lời nói vui đùa với nhau là liều thuốc bổ, là liều ma túy để quên đi sợ hãi, toan tính, so đo hơn thiệt...Một nhóc con LL như tôi thì nghĩ đủ trò tinh nghịch để vui, để làm trò cười cho mọi người. Nhiều trò tinh nghịch bây giờ vẫn nhớ như in: bôi nhọ nồi vào điếu cầy cho mọi người hút nhìn nhau cười, có khi 1 anh hút không biết mang cái miệng nhọ nồi của điếu cầy lệch sang 1 bên đi khắp nơi khắp trốn, thấy người ta cười mà không biết lý do gì cười mình. Gắp đỉa bỏ vào rốn ông cấp dưỡng hơn 50 tuổi trong giờ nghỉ trưa, làm ông sợ lấy súng tí bắn anh bộ đội đứng trước mà dọa :" Mày gỡ ngay con đỉa trên rốn ông ra không ông bắn chết! " Khi dọa thế con đỉa cứ nằm trên rốn ông cấp dưỡng, ông sợ phát khóc, lúc đó mới nghĩ mình nghịch tội nghiệp cho ông quá...Đêm lấy dọc mùng nướng mềm chui vào bụi chờ bộ đội đi họp về quẫy vào chân làm rắn...Tối giả làm khỉ vào bếp ăn vụng, bộ đội rủ nhau đốt đuốc đuổi, lúc đốt đuốc thì KHỈ đã chạy mất từ bao giờ rồi. Ôi, nhiều trò tinh nghịch bộ đội tìm ra thủ phạm đánh những trận như đòn thù. Nhưng người ta bảo tôi GAN CÓC TÍA không bao giờ khóc, cứ đứng cho các anh đánh, không xin, không khóc, không chạy. Nhiều khi người đánh thấy ân hận mà buông tay. Nhưng đã xúc phạm 1 điều gì đó hay nhắc đến 1 điều gì đó đau lòng thì tôi lập tức khóc.
Những trò tinh nghịch của cô bé liên lạc ngày nào mà bộ đội vẫn dùng thơ Tố Hữu để tả :" Cô bé liên lạc, cái xác xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh, không calô đội lệch, miệng thổi sáo vang, chân cô đi dép,  nhẩy nhót ca vang, như con chim chích, bay lượn khắp rừng " . 
Cái thời làm liên lạc cũng chỉ 4 năm rồi được lệnh vào tập trung ở trại TSQ để đi học. Được lênh đi học lúc đấy thấy không có gì sướng hơn. Đang hoàn toàn mù chữ mà được đi học thì là cả một phần thưởng to lớn trong đời.
Ngay lúc đó tôi tưởng tượng lai đám tang cha, rồi đám tang mẹ trong không đầy nửa năm mà ngậm ngùi, khó tả. Mới 3 tuổi mà 2 đám tang ấy cứ thỉnh thoảng lại hiện nguyên hình về với tôi trong giấc mơ đêm, cho đến những năm 82 mới thôi. Nhưng tôi không bao giờ quên cho đến hôm nay...Nhiều khi trí nhớ cũng hành hạ con người ta ghê gớm. Nó tra tấn tâm hồn con người như không có hình thức tra tấn nào ác hơn, dã man hơn...
Nhiều khi rất cần trí nhớ để làm mọi thứ việc, học hành thì tốt, chứ trí nhớ buồn ông Trời cũng nên xóa giúp đi cho...
Nhìn lại cuộc đời trẻ con tôi cảm thấy mình không hề quên điều gì, trừ lời 1 số bài hát thời ấy. Trẻ con ngày nay nhiều trò chơi quá nên rất hay quên. Chắc thời mình ít trò chơi nên nhớ nhiều. Thời đi học, thầy cô, nhà trường dạy mình điều gì thì điều ấy trở thành của mình mãi mãi, không thể quên.
Chắc trí nhớ hồi ấy tốt nên trong trường chúng tôi ( 100 học sinh ) nhiều người học giỏi, hết lớp 10 với huy chương vàng, bạc. Riêng lớp 10 năm 1959 có 11 người thì 4 huy chương vàng (thi lớp 10 toàn 5 điểm ), 4 huy chương bạc ( thi lớp 10 có 2 điểm 4 ). Tôi muốn nói thêm huy chương vàng sau khi trường chấm xong phải gửi lên bộ giáo dục Liên xô duyệt lại xem có xứng đáng điểm 5 không. Tôi phục nhất là điểm 5 môn luận văn LX ( viết toàn bằng tiếng Nga ) của các bạn mình. Xin nói rằng luận văn không những viết, bình luận hay mà còn không được sai lỗi chính tả, kể cả 2 dấu chấm và phẩy nữa. Bài văn không được kém 24 trang giấy vở học sinh. Thế mới khiếp trí nhớ của các bạn ấy. 
Kiểm tra lại trí nhớ thời còn là học sinh chắc còn nhớ khoảng 70% chứ không ít.
Chính nhờ trí nhớ mà sau này tôi làm được nhiều việc với trình độ lớp 7 và một ít vốn tiếng Nga.
Sau 7 năm làm việc tôi chỉ học có 1 tháng toán, lý, hóa rồi thi đỗ bổ túc lớp 10 toán , lý, hóa xong, tôi  được cơ quan cử đi học đại học.
Chia sẻ với mọi người để ai có chuyện gì lúc bé cảm thấy hay hãy nhớ lại và viết cho con, cháu, bạn bè vui, buồn...
Xin cám ơn ai đã đọc và góp ý.
Xin kính chào !


LỜI CÁM ƠN CHÂN THÀNH !



Mấy ngày nay định viết mà không tài nào tôi vào được blog của mình. Hôm nay vào được, tranh thủ viết kẻo lỡ lại bị mất mạng thì không biết bao giờ mới viết được và lại NỢ một lời  CÁM ƠN THẬT TO. Đầu đuôi thế này, hơi dài một chút, ai chán đọc đành bỏ tôi cũng xin chịu. Nhưng nếu nói không đầu, không đuôi, mọi người lại trách viết vớ vẩn, lung tung.
Chúng tôi cùng sinh hoạt trong đội xung kích của khí công dân tộc khoảng năm 1994 thì phải. Sau đó được thầy bồi dưỡng thành huấn luyện viên của môn phái. Thời gian đó thật vui và cũng làm được nhiều việc bổ ích và lý thú.Tình cảm của chúng tôi rất gắn bó, không kể già, trẻ, gái, trai...Đi đâu, ở đâu cũng giúp đỡ nhau tận tình. Thế rồi khí công tan, nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gắn bó như trước, cũng có khi còn gắn bó hơn, bởi các cháu 18, đôi mươi lớn lên, trưởng thành hơn, hiểu biết nhiều hơn, nên càng giúp đỡ, quan tâm đến nhau nhiều hơn, và quan hệ ấy tồn tại đến ngày nay...
Trong nhóm nhiều người lắm, nhưng có 3 người tên ANH thì rất gắn bó với 2 mẹ con tôi. Nay Võ Hồng Anh đi rồi, nhưng vẫn còn 2 ANH nữa vẫn gắn bó với 2 mẹ con tôi, một đang ở xa lắm, còn 1 đang ở BƯỞI. Đang ở Bưởi tôi thường gọi đùa là  THẰNG ÔNG LANG, vì ít hơn con gái tôi 3 tuổi, nó và con gái tôi kết nghĩa chị em lúc nào tôi không biết, nhưng quan hệ của chị em chúng thì ngày càng keo sơn. Tôi rất vui vì điều đó.
Quang Anh là 1 thầy thuốc chắc gọi là DÂN TỘC thì đúng hơn là ông lang. Nó có nhiều cách chữa bệnh khác người. Thằng ông lang này ít nhất cũng đã cứu tôi khỏi bàn tay tử thần TAI BIẾN 2 lần, chữa khỏi trật đĩa đệm 3 lần. Lần này tôi bị thoái hóa đốt sống cổ và trật C4 cổ ra phía sau. Khi có kết luận của Tây y, tôi bị trật đốt sống cổ C4 ra phía sau, tôi không chần chừ nói con gái đưa đến Quang Anh ngay. 
Trật C4 đốt sống cổ nó chạm vào thần kinh trên đầu làm cho tôi đau đầu và nhất là đau tai chưa từng đau như thế bao giờ trong đời. Đau suốt ngày đêm như trong tai có nhọt, không ăn, không ngủ được, chỉ muốn phát điên lên. Đến QA tôi trình bầy mọi xét nghiệm và hỏi cháu: "Cô tin cháu chữa được, cháu thấy thế nào, có chữa được không?" QA trả lời: "Được, cô ạ". Vậy là bước vào hạn 10 ngày châm cứu của QA. Nhưng tôi chỉ chịu được 8 ngày thì bị cúm nên bỏ. Nói thế thì cũng chả có gì đặc biệt, mà đặc biệt là QA châm cứu cho tôi , ngay sau đó đỡ hẳn đau mấy giờ liền, nghĩa là từ sáng đến 10 giờ đêm. Sau đó đau hết dần trong vài ngày, nhưng còn 1 ngày nữa phải đi dự tiệc, tôi sợ không đi được vì đang đi mà đau quá thì chết. Tôi nói: "Mai cô đi dự tiệc, cô nhận lời mời rồi, không thể bỏ. Cháu làm thế nào thì làm, mai cô phải hết đau đi dự, phải có mặt chứ không phải ĂN, cháu hiểu không?" QA không nói gì, nó châm cứu như mọi ngày, nhưng thêm 1 số điểm khác. Vậy là tôi đi dự tiệc đàng hoàng, vui vẻ và còn NHẢY được nữa.
Sau khi dự tiệc, hôm sau tôi nói cám ơn cháu, hôm qua cô dự tiệc rất vui, không đau tí gì, gần sáng mới đau lại, nhưng chịu được. Nó chỉ cười. Tôi nói với con gái: "Thằng này tài cắt cơn đau thật! Cho nên bị trật C4 là mẹ nghĩ ngay đến nó. Mấy lần tai biến, mấy lần trật đĩa đệm đốt sống lưng, bây giờ đốt C4 cổ. Thằng này, công nhận cắt đau BỢM thật!" Con tôi nói: "Thế cho nên mấy lần con đau ngực kinh khủng, uống thuốc giảm đau không có tác dụng, con phải đến nhờ nó châm cứu cho mới khỏi đấy chứ."
Nhiều lần QA giúp tôi rồi, vậy mà  nó chỉ cười khi tôi cám ơn. 
Lần này tôi viết cám ơn trên blog của mình để KHỎI QUÊN ƠN trong lúc tuổi già hay nhớ nhớ, quên quên, bệnh của thế kỷ 21. QA chữa khỏi nhiều bệnh lắm, nhưng không phải chỉ châm cứu mà cũng dùng thuốc. Tôi biết có người khỏi, có người không, nhưng không ai chữa được 100% người bệnh cả. Phúc chủ, lộc thầy. Con người ta còn có SỐ nữa mà!
Ai muốn chữa bệnh gì, gọi điện đến hỏi, nếu chữa được nó trả lời ngay, nếu bệnh gì chưa chắc chắn nó cũng trả lời và bệnh gì không chữa được QA cũng nói không chữa được. Chủ yếu QA chữa theo kết luận của xét nghiệm Tây y và cách khám bệnh riêng của nó, không bắt mạch, kê đơn như các thầy lang ta. 

Điện thoại của QA : 0913036046.
Xin cám ơn ai đã đọc và chia sẻ cùng tôi.
Xin kính chào !

NỬA THẾ KỶ QUA.



Hôm nay các cháu bước vào kỳ thi quyết định cho 12 năm đèn sách của mình. Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, bạn bè, người thân lo sốt vó. Lo nhiều mặt lắm, chủ yếu vẫn là KHĂN GÓI, LỀU CHÕNG đi thi. Nói cho vui chứ các cháu bây giờ đi thi SƯỚNG gấp vạn lần cách đây mới có nửa thế kỷ tôi đi thi,  và gần hơn nữa là sau tôi 2 đứa con tôi đi thi. Chuyện là thế này :

Nhân được giấy báo thi thì trường Bách khoa bắt đầu đi sơ tán tận Lạng Sơn. Một số khóa rời dần lên đó học. Cán bộ, công nhân, viên chức theo sinh viên đi lên đó. Chính vì thế mà nhà trẻ tạm thời đóng cửa ở HN để lên Lạng Sơn theo trường. Gần đến ngày thi mà tôi chưa biết sẽ gửi đứa con gần 3 tuổi của mình cho ai để mà đi thi. Ngày thi càng gần, nỗi lo càng lớn. Chả còn thì giờ, bụng dạ đâu mà nghĩ đến bài vở... Thế là sáng mai đi thi mà vẫn chưa có cách nào giải quyết, chẳng lẽ lại mang con nhỏ vào phòng thi??? Anh bạn cảm thông đến nhà hứa, nếu mai thu xếp được anh ấy sẽ trông con cho mà đi thi. Cũng may mấy hôm trước có anh bạn lên lạng sơn báo cho bố nó là tôi có giấy gọi thi vào Bách khoa ngày ấy, vậy là bố nó cũng về kịp tối hôm trước khi tôi thi. Vào phòng thi tôi chả thấy lo lắng gì lắm, vì mình là cán bộ được cử đi , nếu trượt thì về làm lại chứ chẳng sao cả. Vào bàn được phân công ngồi, tôi nhìn bàn thấy nhiều câu viết linh tinh, trong đó tôi nhớ nhất là HỌC BÁCH KHOA thì :" 5 năm có 9 lần thi, 1 lần đồ án còn gì là XUÂN ". Tôi chả hiểu gì, nhưng nhớ ngay câu này cho đến hôm nay... Thế rồi thi đỗ và kéo 5 năm học ở Lạng Sơn với 3 lần tí chết bom Mỹ ở Lang Sơn, nhà máy đường Vạn Điểm và nhà máy supper phosphat Lâm thao...
 Đến năm con gái đầu đi thi đại học thì mình đã là cán bộ coi thi của trường đại học rồi. Bố nó cũng phải đi coi thi như mình. Thế là con gái 16 tuổi , vừa học xong lớp 10 phải tự đạp xe đến nơi thi 1 mình, sau khi bị sốt xuất huyết nặng... Tôi không còn nhớ sáng hôm ấy con tôi đã được ăn gì trước khi đi thi. Khi thi xong tôi cũng chỉ hỏi con có làm được bài không, chả hỏi gì thêm. Nghe chừng con quá buồn vì sự thờ ơ của mình, nó nói trong giọng đầy nỗi buồn:" Mọi người đi thi thì ông, bà, bố, mẹ đưa đi, đón về...Còn con thì lủi thủi gửi xe vào và dắt xe về, chả có ai hỏi thăm 1 lời "! Nghĩ thương con, nhưng tôi không nói gì và trả lời:" Cảnh nhà mình nó thế "! Tôi thường dạy con phải tự lực hoàn toàn trong mọi việc, nhất là học. Cũng may nó ngoan và rất MÊ học và đọc sách nên kg bao giờ tôi phải nhắc con học mà ngược lại nhắc con:" Khuya rồi, cố làm bài xong mà đi ngủ sớm nhé !"...Và rồi nó cũng đã tốt nghiệp đại học.

Đứa thứ 2 cũng không được chăm sóc hơn chị là bao trong việc đi thi đại học. Học lớp 10 ở Moskva, về vào lớp 12 của VN. Khập khiễng tiếng Việt, khi đi thi thật ra tôi rất lo, nhưng không nói ra...Nó cũng ở tình trạng tự lo đi thi 1 mình...Năm ngoái tôi mới hỏi:" Hồi ấy rồi con lo tự đi thi xa thế ra sao nhỉ, mẹ không còn nhớ nữa..." Nó thản nhiên trả lời, nhà chả ai đưa đi, vậy là thằng LĐ bảo để nó đưa đi thi..." Rồi nó cũng học xong đại học...
Nhìn lại nửa thế kỷ trước, mẹ đi thi đại học, con gái cả, rồi con gái út đi thi đại học đều chả có ai lo, chả ai quan tâm... Thi trước đây là thế, còn bây giờ thì mọi người tự thấy đấy...Mỗi thời một khác...Con người XƯA thường tự lo, con người ngày nay quen DỰA vào người lớn...Không hiểu cải tiến giáo dục sẽ thế nào, chứ tôi thấy ngày càng phức tạp, lôi thôi...Rồi không biết trình độ học của các cháu trong đại học ra sao, nhất là chất lượng để sau ra làm việc. Bây giờ 1 người đi thi là cả nhà, cả họ đi thi...Vậy mà xong đại học các cháu đã ra sao, tự các bạn biết đấy.
Hôm nay ngồi theo dõi các cháu trên VTV, tôi lại nhớ đến thời mình và 2 đứa con đi thi đại học...Chia sẻ suy nghĩ vớ vẩn của mình với mọi người chung quanh cho đỡ BUỒN.
Xin cám ơn những ai đã đọc và nhất là rất cám ơn ai đã chia sẻ!!!
Xin kính chào !